KHI TRỞ VỀ VỚI CUỘC SỐNG RIÊNG TƯ, tôi cũng không quên được chuyện của chị Phấn. Ngày tháng vùn vụt qua thế mà đã hai năm rồi. Anh Cương đã ra trường và được cậu tôi đưa vào bộ ngoại giao ở Nam Kinh làm việc. Cũng nhờ sự nâng đỡ của cậu, Thiệu Kinh Thành cũng đã sang Âu Châu công cán. Tôi thì đang ngập ngừng ở ngưỡng cửa Đại Học, tôi cũng đã có người yêu. Chúng tôi đang chuẩn bị đính hôn. Trước hôm đến Nam Kinh nhận nhiệm sở, anh Cương có viết cho tôi một lá thư ngắn. “… Anh hiện đang ở tại “Căn nhà màu xanh”, còn một tháng nữa thì anh cũng không còn ở đây nữa. Đến đây Lan, đến để nói chuyện thật nhiều, nhớ đưa cả Romeo của em đến nữa nhé”. Nhắc đến căn nhà màu xanh tôi lại nhớ đến cơn mộng xanh ngày nào. Thật nhiều kỷ niệm trở về và tôi muốn hiểu xem anh Cương còn nghĩ gì với dĩ vãng nên đưa vội Romeo của tôi đến viếng anh ngay. Bên bức tường thấp của căn nhà màu xanh, loài tường vi sắc tím, đỏ, xanh, trắng, nở rộ. Tôi nhận chuông và người ra mở cổng cho tôi là một chú bé nghịch ngợm. Cậu bé bụ bẫm với đôi mắt to, thấy tôi bạo dạn tự giới thiệu: - Con là Đan Đan. Đan Đan là đứa con trai đầu lòng của anh Cương và chị Ngọc. Tôi bế nó lên: - Đan Đan ngoan quá, vòng tay thưa cô, thưa cả cậu nữa đi. Từ lúc trở về đến nay anh Cương đã có hai đứa con, đứa lớn tên Đan Đan ba tuổi và đứa nhỏ tên Nguyên Nguyên mới vừa đầy năm. Anh Cương bước ra cổng đón chúng tôi, anh có vẻ chững chạc như một người lớn thật sự, sau khi giới thiệu Romeo của tôi với anh, chúng tôi vào phòng khách. Chị Ngọc hôm nay đi vắng. Chị đưa thằng Nguyên về nhà thăm cậu. Gian phòng khách nằm giữa khu vườn rậm lá thật yên tĩnh. Tôi trầm trồ: - Ở đây có vẻ nhàn quá nhỉ! Anh Cương yên lặng gật đầu, trán anh bây giờ đã hằn nếp nhăn: - Trước khi đi nhận nhiệm sở, tôi muốn được thanh thản nên về đây ở ít hôm vậy mà. Tôi đưa mắt quan sát căn phòng xem có gì đổi khác không. Vẫn không có gì, trên chiếc bàn cạnh song cửa một mảnh giấy hoa tiên trải sân với những nét chữ bay bướm của anh Cương còn chưa ráo mực: Mưa rơi như phủ bụi mờ Hàng cây liễu rũ ơ h ờ mây xanh Nghĩ người rồi lại nhìn quanh Hồn tan đã chết mộ xanh cõi nào! Và tôi nhớ đến lời chị Phấn - Định mệnh đã muốn ngôi nhà màu xanh này là kỷ niệm để xa nhau mà bất giác xúc động. Anh Cương, thấy tôi đọc thơ, anh nhả khỏi thuốc thoảng nhẹ lên cao: - Lan có thấy không? Rồi tôi cũng đi chứ không còn được ở lại với kỷ niệm. Tôi sẽ về miền Nam, biết đâu rồi chẳng xuất ngoại? Sợ từ đây tôi sẽ khó có cơ hội gặp lại mấy em nữa, nên nhân mấy em đến gọi là hàn huyên một ngày cho đỡ nhớ. Anh đưa mắt nhìn ra vườn, lâu lắm lại tiếp: - Tôi đi rồi không hiểu gian nhà này lại sẽ vào tay ai. Hôm trước cha tôi có nói người định dùng nó làm nơi để tiếp đãi bạn bè trong giới ngoại giao vì vậy… tôi chép lại bài thơ này coi như, một sự nhắc nhở. Tôi sẽ lồng kiếng và treo tường để một mai nếu khách phương xa có đến ngụ cũng nhìn thấy và mặc niệm giùm tôi. Anh Cương xoay xoay ly nước trong tay, mắt mờ đi với những nỗi niềm chất ngất, bọt nước theo sự xoay tròn của tay anh vỡ tan từng cái một: - Có một món quá tặng Lan đây. Anh Cương đứng dậy, bước đến kệ sách cẩn thận mang một quyển vở ra, trên những trang giấy khác nhau, từng cành hoa khô ép chặt, đa số là loại tường vi, hương và lan, có nhiều trang tôi tìm thấy chỉ có một chiếc lá hay một loại dây leo. Xem hết cả sưu tập tôi ngẩng lên, anh Cương nói: - Hoa và lá này đều ở trong vườn cả, hôm nay tặng cho Lan đấy. Tôi xúc động nhìn anh: - Sao anh không giữ lấy làm kỷ niệm. Sự thật ra tôi muốn nói. Tất cả những thứ này là kỷ niệm của anh và chị Phấn đây phải không? Anh Cương cười buồn: - Bây giờ tôi không muốn giữ lấy một cái gì làm riêng cho mình nữa. Tôi đã mất hết rồi, ngay từ lúc sưu tập hoa tôi đã nghĩ thế và sưu tập chỉ để giải buồn thôi. Anh Cương mân mê quyển sách trên tay: - Cứ coi như tôi tặng cho cả hai người vậy. Tôi nhận quyển sách với một nỗi buồn thoáng nhẹ, giữa lúc đó bé Đan Đan từ sau chạy ra, hắn leo lên gối anh Cương vòi vĩnh chiếc nón mới. Anh Cương với tay qua kỷ trà lấy chiếc hộp đựng những mảnh gỗ đủ màu trao cho con. - Xây nhà đi con, xây cho cô và chú đây xem. Đan Đan n goan ngoãn ngồi bệt xuống đất, nó kéo những mảnh ván trong hộp ra, nhưng chỉ hai phút sau nó đã chán ngay và đạp đổ tất cả. Anh Cương lắc đầu thở dài, bé Đan Đan đứng dậy bỏ chạy tới kệ tủ mang tập ảnh ra bập bẹ chỉ từng bức ảnh nói: - Đây là Đan Đan, đây là cha, là mẹ, đây là bé Nguyên… Đan Đan ba tuổi nè… em một tuổi nè… Rồi nó ngẩng đàu tròn mắt với tôi: - Cô ơi Đan Đan cho cô một tấm nhé. Tôi gật đầu cười, nó lập tức trao cho tôi tấm hình. Anh Cương đứng cạnh nói: - Nó chẳng giống tôi tí nào cả. Lúc còn bé tôi nào thích chụp ảnh đâu… Tôi nhìn anh Cương: - Vâng, nó giống như một nhà ngoại giao rành nghề. Anh Cương cười nhẹ rồi bế Đan Đan đặt lên gối mi nó một cái, nói như trách với con: - Đan Đan, con làm sao biết được ngay từ khi con ra đời, cha đã thất vọng biết bao nhiêu. - Đan Đan mở to mắt nhìn cha, nó không hiểu anh Cương nói gì, chìa bức ảnh cho anh, nó bập bẹ: - Cha viết vào bức ảnh là Đan Đan tặng cho cô đi… Anh Cương quay sang tôi: - Đó cô thấy không? Nó không có một tí nào giống tôi cả. Tôi yên lặng với nụ cười. Tôi biết anh Cương chưa nhạt nhoà với những kỷ niệm cũ. Anh đặt bút viết trên bức ảnh của Đan Đan. “Chả nhà ngoại giao bé tí Đan Đan tặng cho cô Lan”. Nét mặt anh Cương thoáng buồn, ông bạn tôi đứng cạnh không sao hiểu được tâm sự của anh Cương. Mây chợt lấp nắng, căn phòng trở nên tối hẳn. Anh Cương đứng dậy, đặt Đan Đan xuống đất rồi vụt nói: - Phấn có viết một quyển sách, Lan có đọc chưa? Tôi ngạc nhiên, anh Cương tiếp: - Tôi cũng không ngờ chuyện của cô ấy viết là một chuyện tình. Phấn viết khá lắm, đề cả tên thật… tôi không có nhưng ngoài tiệm sách có bán. Mắt anh thoáng buồn: - Bây giờ tôi không biết Phấn đang ở đâu, nhưng từ lúc thấy quyển sách cho đến nay, tôi bỗng thấy an tâm hơn vì biết rằng nàng đã chọn được hướng đi riêng cho chính mình. Tôi yên lặng đợi chờ anh Cương tiếp, nhưng chẳng nghe anh nói thêm gì cả. Một lúc thật lâu rồi như nhớ ra anh vui vẻ trở lại, kéo bé Đan Đan đến trước mặt dạy nó đọc hai chữ “Good Morning”. Anh bảo: - Muốn làm nhà ngoại giao thì ngay bây giờ phải học Anh Văn con nhé. Nhìn khuôn mặt giễu cợt của anh, người ta có thể nghĩ đến một nếp sống hạnh phúc tràn trền nhưng tôi biết một khoảng trống đang ngập đầy trong trái tim héo hắt của anh Cương. Chúng tôi giã từ anh Cương ra về. Bây giờ tôi thấy thương chị Ngọc nhiều hơn. Vâng, chị mới là người đáng thương nhất trong cuộc, nhìn bề ngoài chị có đầy đủ tất cả, nhưng thực tế chị chỉ giữ được cái xác không hồn của anh Cương. Tôi quay sang “Ông bạn của tôi” doạ: - Nếu sau này anh rắc rồi em sẽ giết anh. Người tình tôi ngơ ngác: - Em nói gì lạ thế? Tôi yên lặng tựa sát người chàng và nhủ thầm trong lòng: - Không, sẽ không bao giờ có chuyện đó với chúng tôi đâu. Chuyện của anh Cương là một chuyện tình đã mất. Tình yêu bao giờ cũng vĩnh cửu và hạnh phúc gia đình là một cái gì dễ đến nhưng cũng khó tìm. Trên con đường râm mát, chúng tôi chậm rãi đi bên nhau, trao quyển sách ép đầy hoa của anh Cương cho chàng, tôi mở ví lấy bức ảnh của bé Đan Đan ra ngắm. Thằng bé thật đẹp. Nó là kẻ thừa tự hoàn toàn của ông cậu tôi. Lật ra mặt sau bức ảnh tôi đọc lại hàng chữ “Nhà ngoại giao tí hon Đan Đan” mà lòng chợt miên man. Vẻ lạnh lùng cao ngạo của ông cậu, nỗi cô đơn của anh Cương và sự hồn nhiên của bé Đan Đan. Đời rồi sẽ ra sao? Tôi không hiểu gì cả, nhưng ít ra nó không hẳn chỉ nằm ở hai chữ tình yêu và hạnh phúc. LIÊU QUỐC NHĨ