Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
bảy

TỪ LÚC TRỞ VỀ NHÀ ĐẾN NAY, ANH Cương càng lúc càng tỏ ra ngoan ngoãn hơn. Mẹ hôm nào cũng ca ngợi không ngớt sự khôn ngoan và biết cảm hoá chồng của chị Ngọc. Mỗi lần nghĩ đến chuyện cũ, mẹ nói:
- Nếu biết địa chỉ của con quỉ cái đó sớm hơn thì gia đình đã không đến đỗi lủng củng như vậy.
Lũ trẻ con chúng tôi chẳng đứa nào thích nghe lại chuyện cũ vì dù sao căn nhà màu xanh cũng là một kỷ niệm đáng yêu. Sự trở về của anh Cương là điều đáng mừng với người lớn, nhưng có thật đáng mừng không khi anh ấy trở về với đôi mắt không hồn? Một trái tim đã chết, một chiếc bóng âm thầm cô đơn. Lúc rời xưởng mộc trở về hình như anh đã để hồn ở lại căn nhà màu xanh trên đống gỗ. Cũng có lẽ vì ấn tượng của tôi đối với ngôi nhà màu xanh quá sâu đậm nên nhận xét có điều chủ quan chăng? Có điều theo lời mẹ thì anh Cương đã lớn chứ không còn ranh mãnh như xưa nữa, anh hết sức ngoan ngoãn, học ban ngoại giao đúng với ước nguyện của cha anh.
Cuối tháng Sáu, Thiệu Kinh Thành ra trường, hôm lễ tốt nghiệp cử hành, cậu cho xe đến nhà rước cha mẹ và tôi cùng đi. Từ cổng trường đại học cổ kính, đã thấy đám sinh viên chỉnh tề trong bộ áo tốt nghiệp tụ họp chờ cuộc diễu hành cuối cùng vòng quanh trường và tỏ niềm luyến tiếc trường xưa. Anh Cương, chị Ngọc và mợ tôi đứng ở hành lang chờ lễ. Hôm nay, anh Cương mặc Âu phục trắng thẳng nếp, với chiếc cà vạt màu đen, lạnh lùng, bên cạnh cái rực rỡ chói sáng của chị Ngọc.
Mợ thấy chúng tôi đến vồn vã, trong khi anh Cương chỉ gật đầu lễ phép chào ba mẹ tôi, đôi mắt anh xa xăm chứ không còn thân thiết như ngày cũ, khiến tôi chợt nhớ lại hình ảnh anh Cương lúc ngồi trên xe trộm và những lần bơi thuyền trên hồ Bắc.
Đám sinh viên tốt nghiệp sau khi đi một vòng đã trở lại hội trường. Mẹ và chị Ngọc có vẻ thật vui chỉ về phía Kinh Thành đang lẫn giữa đám đông nói:
- Hai năm nữa là thằng Cương cũng sẽ có trong đám sinh viên tốt nghiệp này.
Hình như Cương chẳng nghe, anh lơ đãng đưa mắt nhìn ra cổng. Chúng tôi chuẩn bị vào hội trường tham dự phần lễ kế tiếp.
Buổi lễ bắt đầu với những nghi thức bất biến, chào quốc kỳ, Viện trưởng diễn thuyết, khoa trưởng, thị trưởng rồi quan khách… Cậu tôi cũng có đám diễn giả ấy.
Đám sinh viên tốt nghiệp đứng sắp thành bốn hàng dài, yên lặng nghe những lời huẫn thị cuối cùng của đời sinh viên, tôi thấp thỏm mong buổi lễ bế mạc ngay. Sau buổi lễ, chúng tôi sẽ được căn nhà mà cậu tôi mới tậu ở đường Trùng Khánh, tôi chẳng thích cùng đi với ông cậu, nhưng con đường Trùng Khánh ngợp lá quá quyến rũ. Hằng ngày, sau những buổi học, tôi thường cùng lũ bạn thả diều dưới hàng cây ngập lá bên kia để ngắm những ngôi nhà xinh xắn kiểu Tây Phương mà mình thường mơ ước. Tôi mong sau này tôi sẽ có một ngôi nhà như vậy, vì thế khi nghe cậu nói mới tậu được nhà ở đường Trùng Khánh là tôi nôn nóng muốn buổi lễ chấm dứt ngay.
Rồi cuộc lễ cũng xong, chúng tôi ra ngoài hành lang đứng đợi ông cậu, sau những giây phút thủ tiếp với các nhân vật địa phương ông cũng bước ra, phân phối cho xe đưa mợ, mẹ và chị Ngọc về trước, còn lại cha tôi và người cùng ngồi xe riêng đến Trùng Khánh, riêng phần anh Cương và Thiệu Kinh Thành thì phải đáp xe buýt, ông bảo:
- Con trai phải khổ cực một tí mới nên người.
Không một ai dám cãi lại lệnh ông. Căn nhà nằm ở cuối đường Trùng Khánh, tường quét vôi trắng, cổng xanh đậm trên có tấm bảng cây nhỏ khắc hai chữ bay bướm “Thanh Xá” (tức căn nhà màu xanh) một cái tên trùng với tên nhà chị Phấn và anh Cương ngày cũ.
Chiếc nóc nhọn, màu xanh vút lên trời cao lấp lánh dưới nắng. Chúng tôi bước vào sâu, con đường sỏi nằm giữa hai thềm cỏ rậm chen chúc với những cụm hoa mới trồn. Nhà thật sang, cửa lót kính dày, bậc thềm đều có trải thảm nhung, phòng khách nằm bên trái, trong phòng chỉ trang hoàng bằng một bộ ghế mây và mấy chiếc ghế đôn thấp. Cậu đưa mắt nhìn quanh rồi quay sang hỏi cha:
- Thấy nhà thế nào, đẹp chứ? Tuy sang trọng nhưng bày trí thật trang nhã.
Cha gật đầu đặt chân lên nền gỗ:
- Thiết trí lạ mắt thật.
- Đều là gỗ Phi Luật Tân cả đấy, người thiết kế cho căn nhà này giỏi lắm, cậu xem này, ngay cửa sổ cũng gồm đến ba lớp. Cậu vừa nói vừa bước đến kéo khung cửa - Lớp ngoài cũng bằng kiếng, lớp kế bằng lưới và lớp trong có màn che, như thế mưa gió gì cũng không sợ cả.
Ông nhìn chúng tôi với vẻ đắc ý và hãnh diện. Cửa mở, gió hè mang những hương hoa thơm ngát của hoa cỏ vào.
- Trên lầu có ba phòng ngủ, dưới này, một phòng khách, một phòng sách, phòng ăn, tất cả đều lát gỗ. Nhà đẹp thật, chỉ tiếc một điều là có nhiều nơi chưa hoàn thành. Có lẽ người cất vì sự thiếu thụt bất ngờ nên bỏ dở công việc… thấy họ rao bán cậu mua ngay.
Cậu đưa tôi và cha đi khắp nơi quan sát, lúc trở về phòng khách, thì anh Cương và Kinh Thành cũng đã đến. Vừa trông thấy họ, cậu đã nói:
- Thấy nhà thế nào, đẹp không?
Kinh Thành hết lời ca ngợi, dù hắn, chưa hề được cậu đưa đi xem, trong khi anh Cương im lặng đưa mắt ra cửa sổ. Bầu trời bên ngoài xanh lơ, nắng Hạ thật nóng, tôi thấy những giọt mồ hôi chải dài trên cổ anh.
Cậu quay sang cha tôi:
- Kinh Thành sắp cưới vợi rồi đấy.
Mặt Kinh Thành đỏ lên, hắn làm ra vẻ bẽn lẽn, cha tôi cười:
- Thật thế à? Vậy thì có lời mừng cho cậu, cô ấy là ai th ế?
Kinh Thành chưa kịp nói, cậu tôi đã lên tiếng:
- Tiểu thơ nhà họ Tôn đấy. Gia đình có đến bốn năm gian hàng rải rác ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân.
Tôi liếc nhanh về phía Thành, đôi mày hề hấn nhíu lại khó coi, hắn khúm núm:
- Đó là nhờ ơn của bác đấy chứ!
Cậu tôi cười:
- Tại sao lại ơn của tôi?
- Vâng. Kinh Thành đáp: - Nhờ tên tuổi bác nên họ mới chịu gả cô ấy cho con đấy.
Cậu tôi cười hề hề, liếc nhanh về phía anh Cương. Anh Cương vẫn đứng yên, mắt lơ đãng nhìn ra bên ngoài, cậu nói:
- Nhà mới tậu, tôi cũng chưa có dịp phải dùng đến nó, sẵn cậu Thánh vừa ra trường lại sắp cưới vợ, vậy tôi cho mượn tạm đấy, ở đi, bao giờ cần tôi xin cũng được.
Kinh Thành mừng rỡ, hắn chắp tay lại khúm núm:
- Thật cảm ơn bác, bác tốt với cháu quá, cháu sẽ không bao giờ quên ơn bác đâu.
Cậu tôi khoát tay, mắt lại liếc nhanh về phía anh Cương, tiếp:
- Có gì đâu. Tính tôi vậy đó, tôi quí nhất những người trẻ tuổi mà biết chăm học, biết cầu tiến. Lúc xưa khi còn làm quan cũng vậy, tôi thấy những thuộc cấp nào mà cần mẫn siêng năng là tôi nâng đỡ ngay. Cậu là một trong những người trẻ tuổi biết cầu tiến, vì vậy cậu đừng lo. Nếu cậu muốn tôi sẽ giới thiệu cho cậu chỗ ngồi tốt.
Nói đến đây, cậu tôi ho một tiếng rồi tiếp:
- Sau này nếu thằng Cương nó cũng ngoan ngoãn và siêng năng như cậu, tôi cũng sẽ cho nó một cái nhà như thế này.
Tôi liếc nhanh về phía anh Cương, anh vẫn đứng yên bên cửa sổ. Vườn hoa bên ngoài với những cành huệ và lan rực rỡ trong nắng. Tôi chợt nghĩ đến chị Phấn và căn nhà màu xanh, chị cũng thích hoa và chợt hiểu ra nỗi lòng của anh Cương, tôi bước đến:
- Hoa đẹp lắm phải không?
- Vâng, đẹp lắm.
Giọng anh thấp và lạnh, khuôn mặt xa xôi:
- Phải trồng thêm một số hoa khác nữa mới được, chẳng hạn như hoa tường vi…
Anh tiếp:
- Tường vi sớm nở tối tàn. Anh Cương lẩm bẩm - Đời của hoa ngắn ngủi như vậy, nhưng đẹp và thanh tao, nhưng cái gì đẹp thì dễ mất…
Tôi đứng cạnh yên lặng, nghĩ đến ngôi nhà màu xanh ngày xưa của chị Phấn, ở đó ngoài tường vi lúc nào cũng rực rỡ. Cảm thông nỗi lòng của anh Cương nhưng tôi không biết phải nói thế nào an ủi anh.
Đứng một chút rồi anh Cương thả ra hành lang. Tôi lặng lẽ theo sau. Khi băng qua sân cỏ rộng, đột nhiên anh nói:
- Hôm ấy Lan buồn anh lắm phải không?
Tôi ngạc nhiên:
- Hôm nào, thưa anh?
- Hôm tôi và Phấn đưa cậu Lân đi chơi đấy, nếu cho cô biết trước chắc không có chuyện gì xảy ra.
Rồi anh thở dài:
- Nhưng cũng vậy thôi…
Tôi hối tiếc:
- Hôm đó em không có ở nhà.
- Vâng, vì thấy không có Lan ở nhà nên tôi mới đưa Lân đi đấy chứ… Đến thấy ai cũng đi hết chỉ có Lân ở nhà một mình, tôi nghĩ có lẽ nó buồn lắm nên rủ đi chơi…
Tôi lắc đầu:
- Lân nó không buồn như anh nghĩ, chỉ cần mấy hòn bi với bạn bè cùng lứa là nó quên hết tất cả.
- Em lầm, trẻ con khi xa cha mẹ bao giờ cũng buồn chứ không phải mê chơi mà quên dễ dàng như em nghĩ đâu, có điều con trai nó khác con gái, nó đâu có nói cho em biết!
Tôi nhìn gương mặt trang nghiêm của anh, có vẻ anh nói đúng. Ánh mắt của anh không còn có vẻ tinh quái như ngày nào. Anh tảng lờ như chẳng chú ý tới cái nhìn của tôi. Bầu trời thật xanh. Tôi tự hỏi cái trẻ trung ngay cũ không biết bây giờ có còn ở trong trái tim anh hay đã bay vút đi mất. Nhưng hiện tại tôi biết anh đang buồn, những lời xa vời của anh như một thú nhận.
Tôi đứng yên lặng một lúc thở ra:
- Em không ngờ anh cũng nghĩ đến những điều đó.
- Sao Lan lại nói vậy?
- Em tưởng anh là người bình thản với tất cả mọi chuyện, nhất là đối với những chuyện liên hệ với tình thương giữa cha mẹ và con cái.
Anh Cương cúi đầu nhìn xuống, bước chân anh chùn lại.
- Nếu được như vậy, có lẽ tôi đã không đến nỗi khổ như bây giờ. Nhưng khối óc tôi hình như không giản dị như vậy Lan ạ, lần trở về này của tôi chắc Lan cũng hiểu vì sao rồi chứ?
Tôi yên lặng, chúng tôi thả ra giữa vườn hao. Anh Cương đột nhiên hỏi:
- Lan có còn nhớ lần về quê nghỉ Tết trước của bố mẹ tôi với Kinh Thành không?
Tôi gật đầu:
- Dạ biết, vì Kinh Thành có nói cho em nghe.
- Em biết tại sao cha tôi mời Kinh Thành đi không? Lần đó vì giận tôi nên cha tôi mới mời hắn theo đấy.
- Sao lạ vậy?
- Tính cha tôi như thế đó. Khi nào thấy tôi không làm hợp ý người là kéo Kinh Thành để làm một tỉ dụ gương mẫu hầu bắt tôi theo.
Tôi hỏi:
- Thế nếu lần đó cậu cho cả Kinh Thành và anh cùng đi anh có đi không?
Anh Cương lắc đầu:
- Tôi cũng không biết, nhưng nếu cha tôi đặt điều kiện có lẽ tôi cũng không đi, dù tôi rất thích được về quê.
Tôi tò mò:
- Thường khi cậu đặt điều kiện gì với anh?
Anh Cương nhún vai:
- Thiếu gì điều kiện. Nào phải học giỏi, phải vâng lời, phải biết tiến thân… Ồ đủ cả, cũng như đã có một lần, lúc anh còn bé, trước khi cho đi chơi ông bắt anh phải thuộc làu một bài cổ văn rồi mới cho đi. Mỗi lần đi chơi là mỗi lần có một điều kiện. Lan nghĩ như thế có đáng chán không chứ?
Tôi nhìn anh:
- Thì ra anh ghét học bài?
Anh Cương lắc đầu:
- Ghét thì chẳng ghét, nhưng tôi thù cái chuyện đem nó ra làm điều kiện để đổi chắc việc đi chơi. Học lúc nào thích là học chứ trong trường hợp tôi đã không muốn thì cũng đừng mong.
- Thế mà em cứ tưởng anh không thích học chứ.
Anh Cương yên lặng một lúc rồi nói:
- Cũng có thể như vậy, vì ngay từ thuở bé tôi đã bị nhồi sọ bằng tư tưởng học để chắc chuyện đi chơi nên sự học cũng đã trở thành một ấn tượng phiền nản của chính mình.
Bây giờ tôi mới hiểu:
- Thế hôm anh mượn xe của nhà họ Hà đi chơi là để trả thù đó phải không?
Anh Cương lắc đầu:
- Không hẳn như vậy, nhưng Lan phải hiểu là tôi cũng có quyền vui chơi nữa chứ? Có điều tôi không ngờ là chuyện lại nổ lớn như vậy.
Nghĩ đến chuyện cũ tôi bứt rứt:
- Nếu hôm ấy em không gọi điện thoại cho chị Ngọc, cũng như em Lân chịu xin phép vú một tí thì đâu có gì phải không anh?
Anh Cương lắc đầu:
- Anh không trách Lan. Lỗi tại anh không đề phòng. Thôi thì chuyện đã qua rồi nói làm gì nữa!
Tôi vẫn chưa yên tâm:
- Nhưng mà bây giờ anh…
Anh Cương nhìn tôi lắc đầu, rồi yên lặng bước tới phía hồ nước. Giữa hồ một hòn giả sơn phủ rêu xanh với một thanh gỗ nhỏ trên có khắc hai chữ “Mộng Xanh”;
Anh Cương ngồi ngẩn ra nhìn hai chữ thật lâu, rồi lẩm bẩm.
- Quả thật chỉ là một cơn mộng, một giấc mộng màu xanh.
Tôi không hiểu anh nói gì, nhưng nghe giọng nói thống thiết của anh tôi bỗng thấy xúc động. Tôi cũng yên lặng vì không muốn khuấy động những giây phút quí giá của anh. Chúng tôi đứng như thế thật lâu, nước từ trong vòi cao phun đều lên ngọn giả sơn tạo thành những dòng suối nhỏ chạy qua hai chữ “Mộng Xanh”. Những cơn gió nhẹ mang hơi nước phất ngang qua mặt tôi, anh Cương như đã trở thành tượng gỗ, có lẽ anh đang hồi tưởng về những giây phút vui tươi ngày cũ. Một lúc tôi lại nghe anh lẩm bẩm:
- Thật quả như cơn mộng.
Tôi không dừng được tò mò, quay sang:
- Anh nói gì thế?
Anh Cương đứng dậy lắc đầu:
- Không. Không có gì cả. Thôi chúng ta vào đi, nắng nóng quá!
- Tôi yên lặng theo anh, với một nỗi buồn thoáng nhẹ. Anh Cương của những ngày vui nhộn cũ đã mất, bây giờ chỉ còn là một chiếc máy vô tình thôi.
°

*

Từ nhà mới của cậu trở về, cha và tôi được đưa về riêng. Không dấu được sự bất bình, tôi hỏi cha:
- Tại sao cậu lại tốt với anh Thành quá vậy? Nhà mới mua mà lại trao cho ông ấy ở.
Cha tôi im lặng một lúc người nói:
- Có lẽ vì cậu con nghĩ rằng Thành nó ngoan ngoãn dễ thương.
Tôi thắc mắc:
- Thế cha có nghĩ là hắn dễ thương thật không?
Cha tôi cười:
- Con người tốt hay xấu khó phê phán được lắm, vì không thể thẩm định được.
Tôi gật đầu thú nhận:
- Con không ưa nổi tên đó.
- Thế con nghĩ sao về anh Cương của con?
Cha hỏi ngược lại, khiến tôi bối rối:
- Con cũng không biết, nhưng con có cảm giác như chẳng ai hiểu được anh ấy cả.
Cha tôi cười:
- Sao con lại nghĩ kỳ cục như vậy?
Tôi ngây thơ:
- Con cũng không biết, có điều gần như chẳng ai ở nhà anh thương anh cả.
Cha yên lặng suốt lộ trình còn lại mãi đến lúc xe dừng trước nhà cha mới nói:
- Ở đời có nhiều chuyện mà ta không bao giờ hiểu được. Con cũng không nên trách cậu con, vì với cậu thì đó là một cách để thương thằng Cương.