Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
tám

TRỜI CÀNG LÚC CÀNG NÓNG. MÙA NGHỈ HÈ của chúng tôi cũng đến. Như lệ thường năm, trước ngày nghỉ mấy hôm nhà trường bao giờ cũng tổ chức những buổi dạ hội, triển lãm và phát thưởng. Đó là những ngày để cho tất cả học sinh vui nhộn sau sáu tháng dài sách vở. Hôm đầu tiên của ngày lễ, trời thật xanh, chúng tôi đồng đều trong những bộ đồng phục màu xanh nhạt tới lui trong sân trường ngắm nghía những hình ảnh mà mình đã dày công trang trí, mấy chiếc quán nước tạm thời mọc lên để cung cấp kem lạnh cho bạn gái háu ăn, chúng tôi cũng có một sạp báo dành riêng bán một đặc san duy nhất của Trường. Tôi và Từ Duy Cầm - Một cô bạn cùng lớp được cử đứng bán. 
Lợi dụng lúc khách còn thưa, tôi và Cầm thả dọc theo sân trường líu lo với những con bạn khác rồi mới trở về làm nhiệm vụ. 
Hôm thứ hai, giữa lúc tôi và Cầm đang ngồi nghỉ trong quày hàng thì có tiếng nói sau lưng: 
- Nãy giờ chắc mệt lắm phải không? Tôi mang nước đến để quý vị giải lao đây. 
Nghĩ là con bạn nào cùng lớp, tôi không buồn quay lại, reo lên: 
- Ồ, biết điều thế thì tuyệt, khá lắm! 
Tôi vừa nói vừa quay lại chìa tay lấy nước, nhưng người đối diện trước mặt khiến tôi ngẩn ngơ - Chị Phấn. Thật không ngờ chị Phấn lại hiện diện ở đây trong chiếc Robe màu xanh đậm và cà-vạt trắng trông chị vẫn xinh xắn và trẻ trung như ngày nào. Có điều chị ốm hơn xưa. Thấy tôi ngạc nhiên chị cười hỏi: 
- Lan không ngờ tôi đến đây phải không? 
Tôi vội vã nhét chiếc bánh đang ăn dở của mình vào tủ, nắm lấy tay chị xúc động: 
- Không ngờ.... không ngờ lại... 
Rồi tôi không nói gì được nữa. Thật vậy, quả tim tôi đang gào lên - Ồ chị Phấn, thế mà em cứ tưởng sẽ chẳng bao giờ gặp lại chị. Anh Cương mất chị cũng như em. Chị Phấn nào hiểu tôi nghĩ gì, chị lặp lại: 
- Lan không ngờ tôi đến đây với Lan chứ? 
Tôi yên lặng gật đầu, chị siết mạnh tay tôi với đôi mắt chớp nhanh: 
- Từ Cáp Nhĩ Tân mới đến, muốn gặp em ngay. Nhưng tôi chẳng dám đến nhà, giữa lúc chưa biết tính sao thì đọc báo thấy lễ bãi trường đang tổ chức. Tôi đoán có lẽ sẽ gặp em tại đây nên đến, không ngờ gặp thật. 
Cả một tâm sự ngập đầy hồn, tôi với chị Phấn có nhiều điều muốn nói nên kéo chị vào sân. Chúng tôi đi về phía công viên, nơi đây giờ này thật vắng. Yên lặng một lúc chị Phấn mở lời: 
- Tôi mới từ Cáp Nhĩ Tân đến đây định xem có việc gì làm hay không, ở nhà mãi chán quá. 
Tôi yên lặng lắng nghe, chị ngập ngừng một chút rồi hỏi: 
- Lúc gần đây em có gặp anh Cương không? 
Tôi gật đầu, giọng chị có vẻ xúc động: 
- Anh ấy.... anh ấy có khỏe không? 
Tôi lại gật đầu, chị đưa mắt xa xăm: 
- Đấy em thấy không? Rồi chị cũng xa được anh ấy, bây giờ chắc có lẽ em không còn trách chị nữa chứ? 
Tôi lắc đầu: 
- Em nào có trách chị gì đâu? Em chỉ.... 
Nói tới đây tôi chẳng biết nói thêm gì nữa. Chị Phấn tiếp: 
- Tất cả chuyện hôm trước tại lỗi chị cả, nếu chị đừng quá yếu mềm thì lần chia tay kia đã trở thành vĩnh viễn rồi.... 
Chị cúi nhìn xuống chân, đôi giày cao gót màu trắng lấm tấm bùn nhơ: 
- Lúc trước chị cũng biết sớm muộn gì chị và anh Cương cũng phải xa nhau. Ngay từ khi bắt đầu yêu nhau chị đã hiểu định mệnh đã muốn như vậy. 
Chị Phấn chậm rãi nói, giọng chị bình thản chứ không đau khổ ngút ngàn như tôi nghĩ. Tôi quay sang, dưới chiếc nón vành rộng một khoảng bóng tối đã che mất nửa bên mặt chị. 
- Hôm chị chia tay, em biết không, chị và anh Cương đã ngồi thật lâu dưới hàng cây qui, không ai nói với ai lời nào cả, cuối cùng chị cũng là người lên tiếng đầu tiên: 
- Anh Cương, em yêu anh. Nhưng em không thể để anh bị gia đình ruồng bỏ được.... 
Chị Phấn vừa nói đến đây, nhưng không còn nén được xúc động chị òa lên khóc. Gió tạt mạnh qua hàng dương già làm lung lay những cành lá yếu ớt. 
Tim tôi buốt đau, đặt tay lên đôi vai gầy đang run rẩy, tôi nói: 
- Chị Phấn, đừng khóc nữa chị. 
Tôi biết lời khuyên của mình chỉ là những câu nói vô nghĩa. Chị Phấn khóc thật lâu, tôi lấy khăn tay chấm nước mắt cho chị. Chúng tôi tựa người vào cây yên lặng. Một lúc chị nói: 
- Chắc em cũng hiểu anh Cương đã trả lời chị ra sao? Anh ấy bảo '' Anh biết con người không thể sống hoàn toàn cho mình''. Anh biết con người không phải là hạng người vô tâm, nhiều người đã trách oan anh ấy. 
Rồi chị phấn lải nhải. '' Em biết, em biết....'' 
Tôi hiểu chị đang tỏ bày sự hiểu biết của mình với anh Cương, tôi yên lặng và tôn trọng những giây phút thiêng liêng của chị. Anh Cương không phải hạng người vô tâm, anh đã sống cho những người quanh mình... Vì sợ em Lân ở nhà một mình buồn, anh đưa nó đi chơi, lại sợ bà vú bị mẹ trách nên anh lãnh tất cả hậu quả.... Lần trở về này của anh không phải vì anh sợ từ bỏ mà chỉ vì cơn bệnh của ông cậu... Tôi muốn nói với chị Phấn. Thưa chị em biết tất cả rồi. 
Chúng tôi ngồi bên nhau một lúc thật lâu chị Phấn tiếp: 
- Anh Cương là người có nhân tài, lúc ở xưởng mộc đâu phải anh Cương rong chơi suốt ngày đâu mà là đang suy nghĩ để thiết kế cho một ngôi nhà lý tưởng. Bằng chứng là căn nhà ở cuối lộ Trùng Khánh.... Nhưng tiếc thật, công trình dở dang, hơn nữa chúng tôi cũng đã cạn tiền, đám thợ làm reo. Lúc chị và anh Cương chia tay anh bảo có khi trở về sẽ hoàn toàn làm theo ý cha và căn nhà đã được giao lại cho ông đốc công. 
Đôi mắt đầy lệ thẫn thờ nhìn những chiếc lá trên cao. 
- Tiếc thật.... Em biết không, việc mất ngôi nhà đó như một thực tế chua cay, anh Cương đã đón nhận sự thất bại với niềm đau khủng khiếp.... Chị hiểu anh ấy đau khổ hơn cả việc mất chị. 
Tôi lặng người... Ngôi nhà nào? Và đột ngột nghĩ đến căn nhà ở cuối đường Trùng Khánh dở dang mà cậu đã dẫn tôi đi xem. 
- Có phải chị nói ngôi nhà lợp ngói xanh và tường sơn trắng không? 
Chị Phấn quay lại nhìn tôi ngạc nhiên: 
- Em cũng biết căn nhà đó nữa à? 
Tôi gật đầu: 
- Vâng, em cũng đã có đến đấy, bây giờ nó thuộc về chủ khác rồi chị ạ. 
- Đã bán rồi à? 
Chị Phấn có vẻ phiền muộn: 
- Thế mà tôi vẫn muốn...đến đó xem lại một lần cuối cùng. 
Tôi lắc đầu: 
- Thôi đến làm chi nữa? Người mua căn nhà không ai xa lạ. Cha anh Cương đấy! 
- Cha anh Cương đã mua lại căn nhà? 
Tôi gật đầu. Chị Phấn yên lặng một lúc rồi lẩm bẩm: 
- Thật không ngờ... Đôi mắt chị chớp nhanh - Chị không ngờ... nhưng cậu em có biết căn nhà ấy là do anh Cương thiết tri không? 
Tôi nghĩ ngợi rồi lắc đầu: 
- Ông ấy không biết. Em nghĩ có lẽ anh Cương cũng không muốn cho ông ấy biết. Chị hiểu không? 
Bây giờ cậu tôi đã để căn nhà cho Thiệu Kinh Thành ở rồi. 
Chị Phấn nhíu mày: 
- Thiệu Kinh Thành là ai thế? 
- Là anh ruột của chị Ngọc. 
- Thế à? Rồi chị yên lặng, thật lâu mới tiếp - Thế còn anh Cương... Anh ấy vẫn khỏe chứ? 
Khi nghe chị Phấn hỏi: '' Anh ấy vẫn khỏe chứ'' tôi hiểu lòng chị. Thâm tinh ngày nào khiến tôi xúc động, tôi không muốn dối chị đành thú thật: 
- Anh ấy không còn như xưa nữa. 
Đôi mắt chị Phấn sụp tối, tôi nắm tay chị an ủi: 
- Dù sao chị cũng nên vui khi biết cậu tôi thích căn nhà đó, phải không chị? 
Chị yên lặng gật đầu, di nhẹ mũi giày trên cát, một lúc chị nói: 
- Lúc ở bên nhau chúng tôi không làm gì khác hơn là nghiên cứu việc xây cất nhà cửa. Anh Cương trang trí, trong khi tôi phụ tìm sách báo ngoại quốc tra cứu những đồ bình, màu sắc và phương thức trình bày một vườn hoa... Em thấy vườn hoa của người Âu Châu đẹp chứ? 
Tôi gật đầu, nhớ đến anh Cương đứng trong cửa lặng người nhìn ra vườn hoa, rồi nghĩ đến thái độ bàng hoàng của anh khi thở dài: '' Loài tường vi sớm nở tối tàn'' chỉ đẹp một lần thôi... 
- Cậu tôi cũng nghệ sĩ lắm. Chị Phấn biết không, hôm mua căn nhà ông ấy đã đặt ngay cho nó cái tên '' Căn nhà màu xanh''. Tên đẹp đấy chứ? 
Chị Phấn lắc đầu: 
- Tiếng '' Căn nhà màu xanh'' là do tôi và anh Cương cô đặt đấy chứ. Lúc bấy giờ chúng tôi đã quyết định chia tay nên đưa nhau đến đấy lần cuối. Anh Cương nói: Căn nhà này rồi sẽ chẳng biết về ai. Vậy thì cho nó một cái tên là '' Căn nhà của khách'' đi. Ý anh muốn nói là căn nhà này được chủ nhân tạo thành nhưng chẳng ở được. Tôi bảo để như vậy coi sao được hay là trong một câu thơ cổ của Dương Quan có viết '' Khách xá thanh thanh liễu sắc tân'' (Nhà khách liễu rủ một màu xanh xanh). Vậy thì ta đặt nó là căn nhà màu xanh. Định mệnh đã an bài, tôi và anh Cương không được ở trong ngôi nhà đó... Thôi thì mong rằng đôi vợ chồng mới Kinh Thành nào đó được trọn vẹn hạnh phúc trong vườn hoa của chúng tôi. 
Tôi biết Kinh Thành được ở căn nhà mới đó chẳng bao lâu đâu, vì sau khi được cậu tôi giới thiệu hắn đã được bổ nhiệm đến miền Nam, như thế '' Căn nhà màu xanh'' chắc chắn không mất. 
Nghĩ đến ngôi nhà tôi lại nghĩ đến hòn đá giữa hồ hai chữ '' Mộng xanh'' như hiện rõ trước mắt. Tôi nói: 
- Chị biết không, anh Cương đã đặt tên cho khu vườn là ''Mộng xanh''. 
Chị Phấn kéo tôi đến băng đá ngồi xuống, chiếc khăn trong tay chị vò nát. Tôi không hiểu chị đang nghĩ gì. Ngẩng nhìn lên bầu trời xanh lơ trên ngọn cây cao, tôi nghĩ đến anh Cương, anh hiện ở đâu, có biết rằng người yêu giờ ở đây không? Nhưng chắc anh không ngờ đâu. Mà dầu có biết đi nữa cũng chưa chắc anh sẽ đến. Chuyện của họ đã đi vào quá khứ. Anh Cương đã lựa chọn cũng như chị Phấn đã chấp nhận. Kỷ niệm chỉ để nhớ chứ không phải để trở về. Vâng tất cả chỉ là mộng... 
Bây giờ tôi đã lớn, tôi biết rằng sống trên đời con người phải thực tế chứ không thể ngủ yên trong cơn mơ. Xã hội tuy phiền nhiễu nhưng là một sự ràng buộc cần thiết. Không ai có thể sống cho chính mình cũng như không thể yêu cho mình thôi. Nhiều lúc nghe người lớn bảo: '' Biết dẹp bỏ những giấc mộng ích kỷ của riêng mình là đã trưởng thành'' không biết đúng không nhưng tôi thấy ray rứt làm sao, tôi cảm thông cho những giọt nước mắt của chị Phấn và chua xót cho vẻ lạnh lùng của anh Cương. 
Chị Phấn ở lại chơi với tôi đến chiều mới về, khi đưa chị ra cổng tôi chợt nhớ đến chị Ngọc và hỏi: 
- Chị có buồn chị Ngọc không? 
Chị Phấn lắc đầu: 
- Không, cô ấy đáng thương, anh Cương không yêu nhưng vẫn tròn bổn phận. Rồi họ sẽ ở bên nhau với đầy đủ trách nhiệm. Em biết không, nhiều khi không yêu nhau người ta vẫn ở với nhau được, mà không hề xung đột vì họ có bao giờ nghĩ đến nhau đâu mà buồn phiền! 
Tôi đột ngột nhớ đến chuyện anh Cương đánh chị Phấn, tôi thắc mắc: 
- Lần trước tại sao anh Cương đánh chị? 
Mắt chị Phấn chớp nhanh: 
- Vì lúc đó tôi định xa anh ấy. 
Tôi không hiểu: 
- Như vậy có nghĩa là chị đã định bỏ đi từ lâu chứ không phải có sự rắc rối xảy ra mới đi à? 
Chị Phấn gật đầu: 
- Vâng, nhiều người họ không hiểu, chứ thật sự lúc sống với anh Cương lúc nào tôi cũng bị dằn vặt, nhưng Lan phải hiểu tình yêu không bao giờ điều khiển được bằng lý trí nên tôi không làm sao xa anh ấy được. Hôm đó lúc đi phố tình cờ tôi gặp người bạn cũ, anh ấy hỏi han về cuộc sống của tôi và biết chuyện tôi sống chung với anh Cương nữa. 
Chị ngập ngừng, tôi thắc mắc: 
- Thế ông ấy có phải là người yêu cũ của chị không? 
Chị Phấn lắc đầu: 
- Không. Nhưng tôi biết anh ấy thương tôi, chuyện vãn một lúc anh ấy khuyên tôi nên xa anh Cương vì lấy một người đã có vợ thì thế nào cũng đi đến chỗ tan vỡ. 
Giữa lúc đó, có lẽ vì đợi quá lâu nên anh Cương ra ngoài và bắt gặp tôi đang nói chuyện với ông bạn... 
- Thế là anh ấy đánh chị? 
Chị Phấn gật đầu rồi nói: 
- Vâng, anh ấy ghen dữ lắm, ghen với bất cứ người nào đến gần tôi. Nhưng cũng có lẽ do thái độ tôi hôm ấy, tôi cố tình đóng kịch để tạo lý do xa anh Cương. 
Chị Phấn cười buồn: 
- Tôi đã tìm được lý do để xa anh Cương, có điều rồi tôi chẳng đủ can đảm để anh ấy đứng trên tuyết... Bây giờ đã xa nhau được rồi, nhưng tôi cũng không yên tâm, tôi không biết anh Cương ra sao... 
Tôi yên lặng đứng nghe, tôi biết anh Cương nhưng tôi không muốn để chị Phấn đau khổ khi hay rằng người yêu ngày xưa của mình giờ chỉ còn một trái tim héo, một thứ máy móc lạnh lùng không còn linh hoạt như ngày nào nữa. 
Chị Phấn thấy tôi đứng yên, chị nói: 
- Không phải tôi là gỗ đá đâu. Lan biết bao nhiêu ngày qua tôi đã khổ sở dường nào không? 
Những giọt nước mắt lạnh lùng trên má, tôi an ủi chị: 
- Thôi đừng buồn nữa, rồi thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Hãy coi đấy như kỷ niệm, rồi một ngày nào đó chị sẽ quên và sẽ có chồng... 
Chị Phấn lắc đầu: 
- Đã lỡ yêu một người như anh Cương rồi thì làm sao tôi yêu được người khác nữa chứ? 
Như thấy không khí nặng nề quá, chị vỗ mạnh lên vai tôi cười: 
- Lan cứ yên tâm, rồi tôi cũng sẽ vui lại. Có điều không lấy chồng thì cũng vẫn sống chứ có chết chóc gì đâu, phải không Lan? 
Tôi gật đầu. Chúng tôi tới cổng trường, chị Phấn nhìn thật lâu vào mắt tôi rồi nói: 
- Tôi đi rồi đừng nói lại cho anh Cương biết tôi có đến nhé. 
Bước ra xe, chị còn quay nhìn lại: 
- Thôi gắng học nhé, bao giờ rảnh tôi sẽ lại viếng Lan. 
Xe đã khuất trong bụi mờ, tôi đứng thẫn thờ nhìn theo tưởng chừng như mình đang mơ. Đám hoa lựu chói chang dưới nắng, trời không một cơn gió, có một khoảng trống thật to trong lòng. Tất cả như một cơn mộng thật.