Thưa quý vị, cố nhiên là tôi pha trò, và tôi cũng biết rằng những câu pha trò của tôi là vô duyên, tuy nhiên cũng không hẳn là pha trò cả đâu. Có thể tôi vừa pha trò vừa nghiến răng lại cũng nên. Thưa quý vị, có nhiều vấn đề chúng hành hạ tôi: xin quý vị giúp tôi giải quyết với. Nào, bây giờ quý vị muốn giải thoát con người khỏi những tập quán cũ và sửa đổi cái ý chí con người theo những dữ liệu khoa học và phù hợp với lẽ phải chứ gì? Nhưng làm sao quý vị biết được rằng con người có thể và cần được sửa đổi? Dựa vào đâu mà quý vị kết luận rằng dục vọng con người tất phải được giáo huấn? Nói vắn tắt: tại sao quý vị lại cho rằng sự giáo dục đó có ích cho dục vọng? Và đi sâu hơn nữa: tại sao quý vị lại tin tưởng chắc chắn đến như thế, rằng không đi ngược với những tư lợi bình thường, thực thụ, được đảm bảo bằng những kết luận của lý trí và số học, là luôn luôn có lợi cho con người và lúc nào cũng phải là một qui luật cho nhân loại? Tóm lại đó chỉ là cái giả thiết của quý vị. Cứ cho rằng đó quả thực là qui luật logich đi, nhưng đó có thật là qui luật nhân loại không? Quý vị có lẽ tưởng tôi điên? Xin mạn phép quý vị cho tôi được biện minh đã. Tôi đồng ý: con người là một sinh vật xây dựng từ bản chất, bó buộc phải cố ý hướng cho mình tới một mục đích nào đó. Bởi thế lúc nào hắn cũng phải vạch ra những con đường mới bằng bất cứ giá nào. Nhưng có lẽ chính vì thế nên đôi khi hắn thèm trốn thoát, chính vì hắn bị bắt tội phải vạch ra một con đường, và cũng bởi vì (cho dù con người hành động có ngu si đến mấy) đôi khi hắn đoán trước được rằng con đường bao giờ cũng dẫn tới một chỗ nào, và điều quan trọng không phải là cái chiều hướng, mà là sự kiện rằng con đường dẫn hắn tới một chỗ nào đó, và điểm chính là làm sao khuyên đứa trẻ ngoan ngoãn đừng có khinh cái nghề kỹ sư của nó và đừng có lười biếng, và lười biếng, như ta đã biết, là mẹ của mọi tật xấu. Không ai chối cãi rằng con người rất ưa thích xây dựng và vạch ra những con đường; nhưng tại sao hắn cũng quay lại say mê sự phá hủy và hỗn loạn không kém? Quý vị trả lời tôi đi! Nhưng tôi muốn nói vài vài câu về vấn đề này. Có thể rằng hắn say mê phá hủy và hỗn loạn đến thế (đôi khi hắn có say mê, điều này không ai chối cãi được), là vì tự bản thân thân hắn sợ đạt tới đích và chấm dứt cái công trình hắn xây dựng chăng? Biết đâu đấy? Có thể hắn chỉ thích cái công trình đó lúc đứng xa, chứ không phải lúc đến gần. Có thể là hắn ưa thích xây dựng cái lâu đài đó, nhưng không phải là để rồi sống trong đó, và hắn sẽ sẵn sàng từ bỏ nó cho les animaux domestiques[1], như cho loài kiến, loài cừu ở, vân vân. Loài kiến có những thị hiếu khác: chúng có một công trình tuyệt tác, tạo thành với mục đích kéo dài hàng thế kỉ - đó là ổ kiến vậy. Ổ kiến là chỗ bắt đầu của loài kiến đáng kính đó, và có lẽ nó cũng là chỗ chấm dứt của chúng: đó là một vinh dự lớn cho đức tính nhẫn nại và thực tế của loài kiến. Nhưng con người là một sinh vật hay thay đổi ý kiến, và có thể, giống như một người chơi cờ, hắn chỉ thích cái diễn tiến của ván cờ chứ không thích cái mục đích cuối cùng của ván cờ. Và biết đâu đấy (không ai nói chắc được hết) có thể rằng cái mục đích duy nhất mà nhân loại hướng tới chỉ là ở trong bước diễn tiến đó, trong cái hành vi vươn tới đó mà thôi; nói khác đi: cuộc đời không có mục đích nào ở bên ngoài nó, mà là ở bên trong nó, bởi mục đích bên ngoài thì cố nhiên chỉ là cái “hai lần hai là bốn”, nghĩa là một định thức. Mà “hai lần hai là bốn” thưa quý vị, là một nguyên lý của cõi chết chứ không phải là nguyên lý của sự sống. Nhưng dù sao thì con người cũng luôn luôn sợ hãi cái “hai lần hai là bốn”, và tôi cũng thế, tôi đang rất sợ. Đúng, con người đâu có làm gì hơn ngoài việc đi tìm cái “hai lần hai là bốn” đó, hắn vượt biển, liều mạng để theo đuổi nó; nhưng còn để tìm thấy nó, để nắm nó thật sự trong tay - thì thưa quý vị, tôi dám chắc là hắn sợ, bởi hắn biết rằng một khi đã tìm thấy, thì chẳng còn gì để mà tìm nữa. Khi làm xong việc, các thợ thuyền lãnh lương, vào quán uống rượu, và đêm vào ngủ trong bóp, và ít nhất đó cũng đủ công việc cho một tuần rồi. Còn con người thì đi đâu? Dù sao, ta luôn luôn nhận thấy hình như hắn có vẻ khó chịu mỗi khi hắn đạt tới một trong những mục đích đó. Hắn thích đi tới cái đích ấy, nhưng khi tới rồi thì hắn không còn mãn nguyện nữa; và điều đó quả là khôi hài. Thực tế, con người là một sinh vật khôi hài hết sức, và hình như có một vẻ gì đó vô cùng đùa cợt trong mọi chuyện. Nhưng dù sao thì sao, “hai lần hai là bốn” vẫn là một cái không thể chịu nổi. “Hai lần hai là bốn” theo tôi là một điều vô liêm sỉ. “Hai lần hai là bốn” nhìn chòng chọc vào ta hết sức láo xược. Hai tay chống lên hông, nó đứng sừng sững chặn đường ta đi và nhổ vào mặt ta. Tôi nhận thấy rằng “hai lần hai là bốn” là mội cái rất hay, nhưng nếu cần tán dương hết mọi sự trên đời thì “hai lần hai là năm” đôi khi cũng có duyên đáo để. Và tại sao quý vị lại quá sức tin tưởng rằng chỉ có cài bình thường, cái tích cực, nói tóm lại cái an lạc là cần thôi? Liệu lý trí tính toán không nhầm sao? Có thể con người còn thích một cái gì khác ngoài an lạc. Có thể rằng hắn cũng thích đau khổ không kém? Có thể đau khổ đối với hắn cũng có lợi như nhạnh phúc? Con người đôi khi lại vô cùng say mê sự đau khổ - đó là một sự thật. Chẳng cần phải tra thế giới sử mới biết được chuyện ấy. Quý vị cứ việc hỏi chính mình thì biết, nếu quý vị là một con người và nếu đã có sống một chút. Còn riêng ý kiến tôi, tôi xin nói rằng chỉ thích hạnh phúc mà thôi là một điều thất lễ. Có thể là tốt, có thể là xấu, tôi không biết, nhưng đôi khi cũng rất là dễ chịu nếu ta đập phá được cái gì. Tôi không hẳn bênh vực cho đau khổ, cũng không hẳn bênh vực cho hạnh phúc, mà cho cái caprice[2] của tôi, và khi cần tôi đòi nó phải được bảo đảm. Chẳng hạn đau khổ mà cho vào hát bội thì rất là lạc điệu, tôi biết thế. Cũng không thể chứa nó trong lâu đài pha lê được: đau khổ là hoài nghi, là tiêu cực, thì còn gì là lâu đài pha lê nữa nếu ta hoài nghi nó? Nhưng tôi dám chắc rằng không khi nào con người từ chối sự đau khổ thực sự, nghĩa là sự hủy hoại và hỗn loạn. Đau khổ là nguyên nhân duy nhất của ý thức! Lúc đầu tôi có nói rằng theo ý tôi thì ý thức là một trong những tai họa lớn nhất của con người; nhưng tôi biết rằng con người quí nó và sẽ không khi nào đổi nó lấy bất cứ một đền bồi nào. Ý thức, chẳng hạn, còn cao hơn cả “hai lần hai là bốn” rất nhiều. Sau “hai lần hai là bốn” thì sẽ chẳng còn gì để mà làm hoặc để mà hiểu cả. Còn mỗi việc là thút nút hết ngũ quan ta lại và ngồi trầm tư mặc tưởng. Với ý thức thì mặc dù ta cũng sẽ tới một kết quả tương tự, nghĩa là bất động, nhưng ít ra thỉnh thoảng ta cũng còn tự quất vào người ta được mấy roi. Và như vậy, dù sao cũng làm cho ta tỉnh lại đôi chút. Trừng phạt thể xác thì rất là phản động đấy, nhưng còn tốt hơn là không có gì. Chú thích:[1] Nguyên văn tiếng Pháp: súc vật nuôi trong nhà. [2] Xem chú thích 11