Thạch Chương dịch từ tiếng Pháp
Thái Hà hiệu đính theo bản tiếng Nga
- 8 -

Nhưng tôi không chịu thừa nhận cái sự thật đó sớm như vậy. Sáng hôm sau, lúc thức dậy sau mấy giờ ngủ nặng như chì, sau khi đã hồi tưởng lại ngay lập tức những biến cố ngày hôm trước, thì chính tôi cũng phải ngạc nhiên về cái tình cảm uỷ mị của tôi lúc nằm cạnh Liza, về tất cả những điều tàn nhẫn và bỉ ổi mà tôi đã nói cho nàng nghe. “Người ta có thể làm xáo trộn hệ thần kinh của đàn bà đến mức ấy được chăng? Thật là lợm giọng! Mà cần gì mình phải cho nó địa chỉ cơ chứ! Ngộ nhỡ nó đến thật thì làm sao?… Ờ, mà đến thì đến! Chả sao…”
Nhưng tất nhiên ngay lúc này thì đó không phải là điều quan trọng nhất: điều quan trọng nhất là phải vãn hồi danh dự mình dưới mắt hai tên Zverkov và Simonov. Còn Liza thì tôi đã quên khuấy mất nàng ngày sáng hôm đó vì bị ám ảnh bởi ý nghĩ trên.
Trước hết phải trả Simonov ngay tức thì món tiền tôi nợ hôm qua. Tôi đã quyết định dùng biện pháp cực đoan là vay Anton Antonovich mười lăm rúp. Một tình cờ may mắn là sáng hôm đó ông ta lại đang trong tâm trạng cực kì vui vẻ, nên đã bằng lòng ứng tiền cho tôi ngay. Tôi mừng đến nỗi trong lúc kí giấy nợ tôi bỗng buột miệng kể cho ông ta nghe, hết sức dễ dãi, bằng một giọng rất ung dung rằng “đêm qua đi ăn chơi với mấy người bạn thân ở Hôtel de Paris. Ăn mừng một người bạn học cũ, có thể nói là khá thân, quen nhau từ hồi còn nhỏ. Mừng anh ta được thăng chức. Ông biết không: một gã ăn chơi hạng bự đấy. Hồi còn con trai được nuông chiều, nhưng gia đình khá giả lắm. Nhiều của, sự nghiệp lẫy lừng, thích hài hước, có duyên, số đào hoa… ông hiểu không? Sau sáu chai sâm banh cả bọn rủ nhau đi xuống đó…” Tất cả cứ tuôn ra rất dễ dàng, bằng một giọng trơn tru và tự đắc lắm.
Về đến nhà tôi viết ngay cho Simonov một bức thư.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự phục cái lối nói trôi chảy và thẳng thắn của bức thư đó cùng với lối hành văn thật xứng đáng là của một người quân tử. Tôi quy tội hoàn toàn về phần tôi một cách khéo léo, quý phái và nhất là không có một chữ nào thừa. Tôi xin tạ tội, “nếu còn được phép để tạ tội”, bằng cách nói rằng do không quen uống rượu, nên li rượu đầu tiên tôi uống (gọi là uống) trong lúc chờ mấy người ở Hôtel de Paris từ năm đến sáu giờ đã làm tôi hoàn toàn choáng váng. Tôi xin lỗi Simonov trước nhất; nhưng tôi cũng xin chàng chuyển hộ lời tạ tội của tôi đến mấy anh bạn kia, nhất là Zverkov, mà tôi đã… “nhớ lại như qua một giấc mơ…”, thất lỗi nặng, tôi tin thế. Tôi còn thêm rằng đáng lẽ chính tôi phải đến trình bày mới phải, nhưng tôi bị nhức đầu quá, và nhất là cảm thấy vô cùng bối rối.
Tôi đặc biệt hài lòng về “cách nói nhẹ nhàng”, thậm chí hơi phóng túng (nhưng hết sức thích hợp), biểu lộ qua những câu xin lỗi và, hơn hết mọi lời giải thích nào, nó sẽ phải cho bọn chúng hiểu rằng “toàn bộ câu chuyện bỉ ổi hôm qua” đối với tôi chẳng nghĩa lí gì hết: tôi đâu hề bị bóp bẹp như quý ngài có lẽ đã tưởng, mà ngược lại, tôi đã suy ngẫm tất cả vụ đó hết sức là bình tĩnh, đúng theo tinh thần của một người quân tử biết tự trọng. “Cần phải cho tuổi trẻ nó qua đi”.
Đọc lại lá thư tôi còn tự nhủ rằng có một vẻ gì đó rất sang trọng. Tại sao? Tại tôi là một con người có văn hóa, con người thông minh chứ sao! Một kẻ nào khác ở địa vị tôi chắc sẽ không biết cách nào mà gỡ ra được, còn tôi, tôi đã ra khỏi vòng mà tôi lại còn đùa cợt nữa là đằng khác. Đó mới thật là con người của thời đại, có học, thông minh! Vả lại dù sao thì lỗi là ở rượu cả… A hèm!… Không hẳn. Tôi đâu có uống rượu mạnh lúc ngồi chờ bọn chúng từ năm đến sáu giờ! Tôi đã nói dối Simonov; nói dối một cách trơ tráo, và tôi không hề xấu hổ.
Với lại tôi cần đếch gì! Điều quan trọng là rửa tay cho sạch vụ đó mà thôi.
Tôi bỏ sáu rúp vào phong bì, niêm phong lại và sai lão Apollon mang đến Simonov. Được biết là lá thư có tiền trong đó, lão Apollon thấy là hệ trọng mới bằng lòng mang đi. Chiều đến, tôi ra đường đi lang thang. Đầu tôi hãy còn nhức và tôi cảm thấy choáng váng.
Nhưng khi đêm dần xuống, và khi bóng tối đã dày đặc hơn, những ấn tượng cùng những suy tư của tôi càng pha trộn, lẫn lộn với nhau. Có một cái gì trong tôi, trong tận cùng trái tim, trong tận cùng ý thức, một cái gì không muốn chết đi và lộ ra qua một nỗi chán chường kì lạ. Tôi lang thang trong những phố phường nào nhiệt nhất, sầm uất nhất: phố Meshankaya, Sadovaya, gần vườn hoa Yusupov. Tôi rất thích đi dạo trong những phố này, nhất là vào lúc hoàng hôn, đúng vào lúc thật nhiều người - dân buôn bán, thợ thuyền xong việc trở về nhà, trên mặt in hằn nét mệt nhọc. Điều làm tôi thích thú chính là cái náo động tầm thường đó của cuộc sống hàng ngày. Nhưng lần này tất cả cái ồn ào đó lại làm tôi bực mình thêm. Tôi không còn tự chủ được nữa. Một cái gì đã nhen lên trong lòng tôi, nhen lên đau đớn và không muốn xa rời. Tôi trở về nhà, lòng trĩu nặng. Tựa hồ có một tội lỗi nào đó đang nằm trong tâm hồn.
Tôi bị dày vò day dứt bởi ý nghĩ rằng Liza sắp đến. Có điều lạ, là trong tất cả những kỉ niệm hồi đêm, cái kỉ niệm về Liza tách biệt hẳn ra và làm tôi băn khoăn lạ thường. Hồi chiều, tôi đã thôi không nghĩ ngợi gì hết và tôi vẫn còn rất hài lòng về lá thư tôi viết cho Simonov. Nhưng hễ cứ nghĩ tới Liza là tôi lại bực dọc, y như cái nguyên do chính là sự bực dọc của tôi là Liza vậy.
“Nếu nàng là tôi thì sao? - Tôi cứ luôn luôn nghĩ thế. - A, chẳng sao hết! Cứ việc đến. A hèm!… Chỉ có điều khó chịu là nàng sẽ nhìn thấy cảnh sống của mình. Hôm qua mình đã đóng vai một người hùng trước mặt nàng, còn bây giờ… Mình sống buông thả thế này thật bậy quá! Cứ như là chỗ ở của thằng ăn mày. Mà hôm qua mình đã chơi bộ cánh diện như thế để đi ăn cơm! Nhìn cái đivăng rách lòi cả bông ra thế kia! Cả cái áo mặc đi ngủ này nữa, chả khác gì cái giẻ rách!… Nàng sẽ thấy hết; và cũng sẽ gặp cả cái lão Apollon kia nữa. Con vật này chắc chắn sẽ làm nàng giận chứ không phải đùa; nó sẽ mượn cớ này cớ khác cốt để mình cáu cho mà coi. Còn mình ấy à, đương nhiên rồi, mình sẽ lại sợ run lên, cuống cuồng nhảy cà tưng cà tưng trước mặt nàng, rồi quấn chặt chiếc áo choàng vào người, rồi cười cười, rồi dối trá… Chó thật! Mà đâu đã hết: đê tiện hơn nữa, khốn nạn hơn nữa là mình lại phải đeo cái mặt nạ lừa dối đó!…”
Nghĩ đến đấy tôi bỗng thấy chóng mặt.
“Lừa dối? Có thực là lừa dối không đã? Hôm qua mình rất thành thực khi diễn thuyết với Liza. Mình còn nhớ mình đã có một xúc cảm thực sự. Mình muốn gợi ra nơi nàng những tình cảm tốt. Nàng khóc được như vậy là tốt lắm, như vậy là được lắm!…”
Nhưng tôi vẫn không sao yên tâm được. Suốt cả buổi tối, thậm chí sau chín giờ - lúc mà theo tôi tính Liza không thể đến nữa - tôi vẫn không ngừng nghĩ đến nàng và không ngớt nhìn thấy nàng trong tưởng tượng, cái hình ảnh ghi sâu vào kí ức nhất đêm hôm trước: lúc tôi bật que diêm và nhìn thấy khuôn mặt tái nhợt, nhăn nhó đó của nàng, cái nhìn vô cùng thảm thiết đó của nàng. Và nụ cười khi ấy mới thảm hại làm sao, gượng gạo và nhăn nhó làm sao! Nhưng lúc đó tôi chưa hay rằng mãi mười lăm năm sau đó tôi vẫn còn hình dùng ra Liza dưới dung mạo đó, vẫn với nụ cười tội nghiệp và nhăn nhó đó.
Sáng hôm sau tôi đã lại sẵn sàng coi mọi việc xảy ra như một chuyện vô lí mà cái thần kinh bệnh hoạn của tôi đã quá phóng đại. Tôi luôn luôn nhận ra cái điểm yếu này của tôi và sợ hãi cho nó lắm: “Mình lúc nào cũng hay thổi phồng, - tôi thường nhắc nhở tôi như thế, - chắc là bệnh rồi”. Vậy mà… vậy mà tôi vẫn cứ tự nhủ “Liza sẽ tới”; quanh đi quẩn lại tôi chỉ nghĩ có thế: “Liza sẽ tới, Liza sẽ tới!” Điều đó làm tôi phát điên: “Liza sẽ tới! Nhất định Liza sẽ tới!” Tôi vừa kêu ầm lên vừa đi đi lại lại trong phòng. Nếu không hôm này thì mai! Thế nào nó cũng mò ra được mình! Ôi, khốn nạn thay là cái lãng mạn của những tâm hồn trong trắng! Ôi, đê tiện! Ôi, ngu xuẩn! Ôi tầm thường thay những tâm hồn đa cảm vô duyên! Tại sao mình đã không hiểu như vậy? À, mà tại sao mình đã không hiểu được như vậy chứ?… Nhưng đến đây tôi ngừng lại, lòng vô cùng băn khoăn bứt rứt.
“Nhưng tại sao, tại sao chỉ cần vài câu nói, - tôi chợt nghĩ, - chỉ cần một chuyện ái tình, (mà ái tình gượng ép, bịa đặt), cũng có thể hoàn toàn đảo lộn được một đời người! Quả là một vùng đất còn trinh nguyên!”
Đôi khi tôi có ý nghĩ là chính tôi nên đến để kể cho nàng “tất cả mọi chuyện” và xin nàng đừng đến nữa. Nhưng khi ý nghĩ này vừa đến với tôi thì tôi đâm ra giận dữ đến độ giá lúc này tóm được nàng ở đây tôi sẽ xé xác “con Liza khốn kiếp” ấy ra, tôi sẽ chửi rủa nàng, tôi sẽ nhổ vào mặt nàng, tôi sẽ đuổi nàng đi và đánh cho một trận nên thân!
Nhưng rồi một ngày trôi đi, rồi ngày thứ hai, ngày thứ ba, vẫn không thấy nàng đến. Cứ sau chín giờ là tôi yên tâm hẳn, thậm chí tôi còn mơ mộng rất là khoái chí nữa. “Mình sẽ cứu vớt Liza… nghĩa là chỉ cần thuyết cho nàng khi nàng tới thăm mình…. Mình sẽ giáo hóa nàng, sẽ khai trí cho nàng. Rồi mình cũng sẽ để ý thấy là nàng yêu mình, yêu say mê… nhưng mình giả vờ như không biết (tại sao tôi làm như vậy tôi cũng không rõ, có lẽ là do ưa chuộng những tình cảm đẹp chăng)… rồi hết sức bối rối, cảm động và rưng rưng nước mắt, nàng quỳ xuống chân mình và nói rằng mình là vị cứu tinh của nàng, và nàng yêu mình hơn ai hết trên đời… Mình mê mẩn bàng hoàng. - “Liza, - mình nói, - em tưởng là anh không nhận thấy tình yêu của em sao? Anh nhận thấy hết, anh đoán được hết, nhưng anh không dám chiếm đoạt trái tim em, bởi vì anh có ảnh hưởng với em quá nhiều nên anh sợ rằng em đã chỉ yêu anh gượng ép. Chỉ vì lòng biết ơn, em phải cố ép mình đáp lại tình yêu của anh, em cố tự gây trong em một tình cảm mà có lẽ em không có, anh không muốn thế, bởi như thế anh sẽ mang tội là độc tài, như thế là khiếm nhã” (tóm lại, đến đây tôi lúng túng trong những tinh tế của tình cảm thật quý phái, thật là ‘Âu châu’, kiểu George Sand). Nhưng giờ đây em thuộc về anh rồi, em là tác phẩm của anh rồi, ôi, người em nhỏ trong trắng, mĩ miều, ôi người vợ hiền của anh!”
Và nhà anh đó, tự do và mạnh dạn
Em bước vào và ngự trị đi em![1]
Rồi hai người sẽ sống vô cùng hạnh phúc, sẽ đi ra ngoại quốc, vân vân và vân vân… Tóm lại, khi tưởng tượng đến đây tôi cảm thấy xấu hổ đến nỗi tôi đã phải thè lưỡi tự chế giễu mình.
“Với lại - tôi nghĩ - chưa chắc người ta đã để cho nàng đi. Bởi hình như người ta không cho phép các cô gái đi chơi, nhất là vào buổi chiều (không hiểu sao tôi cứ tin là nàng phải đến tôi vào buổi chiều đúng sáu giờ). Nhưng nàng nói với mình là nàng chưa bị ràng buộc hẳn, nàng vẫn còn có một số quyền đặc biệt. Nghĩa là…. A hem!… Chó thật! Nghĩa là nàng sẽ đến! Chắc chắn nàng sẽ đến!”
Cũng may là suốt mấy hôm đó tôi còn có lão Apollon xấc láo kia để giải sầu. Lão làm tôi mất hết cả kiên nhẫn. Lão già Apollon là một tai họa, một bệnh dịch mà trời đã gieo xuống cho tôi. Tôi và lão đã gay gắt, hậm hực với nhau từ mấy năm nay rồi và tôi ghét cay ghét đắng lão. Trời, sao tôi ghét lão đến thế! Có lẽ trên đời này tôi chưa căm thù ai như lão. Lão là một người có tuổi, có bộ tịch quan trọng. Ngoài việc săn sóc tôi, lão còn làm nghề thợ may nữa. Lão khinh tôi, không hiểu sao, khinh tôi không để đâu cho hết và luôn luôn ngó tôi bằng con mắt trịnh thượng không thể chịu nổi. Vả lại ai lão cũng nhìn trình thượng như vậy. Chỉ nom thấy cái đầu bẹt tóc vàng hoe, cái mớ tóc xoã xuống trán uốn xoăn lên và thoa dầu cẩn thận, cái miệng nghiêm nghị hình chữ Y đó là quý vị cảm thấy ngay đó là một nhân vật không hề biết tự hoài nghi mình. Đó là một mô phạm cực đoan, tên mô phạm lớn nhất mà tôi chưa từng thấy trên thế gian này; hơn nữa hắn lại còn có một lòng tự ái có thẻ ví ngang với Alexandre de Macedoine! Lão yêu từng cái khuy trên áo của lão, từng cái móng tay của lão. Lão đối xử với tôi như một kẻ độc tài đối xử với bọn dân đen, rất hiếm khi lão nói với tôi, và khi nào phải nhìn tôi thì luôn luôn đó là môt cái nhìn rắn đanh, đầy tự phụ và giễu cợt, mà đôi khi làm tôi phát điên lên. Lão làm cho tôi một việc gì là làm với một cử chỉ cực kì khoan dung. Với lại, hầu như lão chẳng làm gì cho tôi hết và không hề cho mình có bổn phận phải làm cho tôi một cái gì hết ráo! Không còn nghi ngờ gì nữa: lão cho tôi là một thằng ngố hạng nhất trên đời, và sở dĩ lão còn “chịu nổi cái mặt tôi” là vì tôi trả lương cho lão. Lão bằng lòng với bảy rúp một tháng để “không làm cái gì” cho tôi. Vì lão mà tôi phạm thêm nhiều lỗi nữa. Tôi ghét lão đến độ hễ cứ nghe tiếng bước chân lão là tôi đã đủ bị động kinh rồi. Nhưng cái làm tôi không tài nào chịu nổi là cái lối nói không thèm uốn lưỡi của lão. Lưỡi lão lớn quá hay bị tật gì đó mà nói cứ dề dề ra, không uốn lưỡi gì hết, mà còn lấy làm khoái chí là khác, chắc tưởng phát âm như thế còn làm tăng thêm cái vẻ oai vệ của lão hay sao. Lão ưa nói với một giọng nhè nhẹ, đều đều, hai tay chắp sau lưng và đầu thì cúi xuống. Nhưng cái làm tôi điên tiết nhất là khi lão bắt đầu cao giọng đọc kinh ở trong phòng lão (cách phòng tôi chỉ có một bức vách mỏng). Tôi đã bao nhiêu lần đấu khẩu với lão chỉ vì thế. Nhưng lão cứ thích đọc vào buổi tối, giọng nhè nhẹ, đều đều, ê a, cứ y như là đọc ở đầu giường người chết. Mà quả nhiên lúc về già lão làm như vậy: người ta thuê lão đọc kinh ở đầu giường người chết.
Vậy mà tôi không tài nào đuổi được lão già đi, cứ như thể đời lão đã dính liền với đời tôi. Mà chính lão cũng không chịu rời tôi ra nữa. Tôi không thể sống được trong một khách sạn có đồ đạc; chỗ tôi sống là cái vỏ ốc, là cái hộp diêm của tôi, nơi đó tôi lánh mặt và trốn tránh toàn thể nhân loại, còn lão Apollon, có quỷ thần họa may mới hiểu tại sao, đối với tôi hình như là một phần gắn liền với chỗ tôi ở. Và vì thế suốt bảy năm trời tôi không thể tống lão già ra khỏi cửa được.
Tôi không thể nào giữ lương của lão được quá hai ngày. Lão sẽ làm ầm ĩ lên ngay tức thì và rồi tôi không biết đằng nào mà chui cả.
Nhưng mấy hôm xảy ra vụ kia tôi đã cáu sườn với cả thế giới đến độ tôi nhất quyết trừng phạt lão Apollon và giữ lương lão lại trong hai tuần. Đã từ lâu - cách đây hai năm - tôi đã chuẩn bị chơi lão cái vố này chỉ cốt cho lão biết rằng lão không có quyền làm ra cái điều quan trọng với tôi, rằng bất cứ lúc nào muốn tôi cũng có thể không trả lương cho lão. Lần này tôi nhất quyết không nói gì với lão hết, chỉ một mực lặng thinh để đè bẹp cái thói kiêu căng của lão và để lão phải hỏi tôi trước số tiền đó. Tôi sẽ rút bảy rúp trong ngăn kéo ra, sẽ giơ cho lão xem để lão biết là đó, có tiền đó, nhưng tôi cố tình giữ lại, “tôi chưa muốn, phải, chưa thèm muốn trả cho lão, bởi vì tôi thích thế, bởi vì đó là cái ý muốn lãnh chúa của tôi”, bởi vì lão xấc láo, lão lỗ mãng. Nhưng nếu lão chịu ăn nói tử tế với tôi, có thể tôi sẽ nguội đi và trả cho lão, bằng không, lão sẽ phải chờ hai hay ba tuần, thậm chí một tháng cũng nên…
Nhưng tôi tức giận đến mấy thì tức giận, cuối cùng lại vẫn là lão thắng. Tôi không thể cầm cự được quá bốn ngày liền. Lão bắt đầu bằng những trò mà lão vẫn hay làm trong những trường hợp đó, bởi đây không phải là lần đầu vụ ấy xảy ra (tôi đã biết thuộc lòng trước tất cả những trò hạ lưu của lão rồi): mới đầu lão ném cho tôi một cái nguýt thật dài, nhất là lúc tôi đi ra cửa hoặc về nhà. Nếu tôi cầm cự bằng cách làm bộ không thèm để ý đến cái thâm kế đó của lão, thì lão bắt đầu bước sang chiến thuật thứ hai, mà vẫn không thèm nói một lời: đột nhiên không có lí do nào hết, lão lẳng lặng bước vào phòng tôi trong lúc tôi đang đọc sách hoặc đang đi đi lại lại, lão đứng ngay giữa cửa, một chân để ra đằng trước, một tay sau lưng, và bắt đầu ngó tôi trừng trừng, không phải một cái ngó nghiêm nghị, mà là một cái nhìn hết sức khinh bỉ. Nếu tôi hỏi lão muốn gì thì lão không thèm đáp, cứ tiếp tục ngó tôi như vậy thêm vài giây nữa, rồi bậm môi lại, vẻ mặt đầy ý nghĩa, chậm rãi quay lưng đi và chậm rãi bước về buồng lão. Hai giờ sau lão lại ra khỏi buồng và lại xuất hiện lần nữa. Điên tiết lên, tôi không thèm hỏi lão muốn gì nữa. Tôi vênh mặt lên kiêu ngạo, hách dịch, và ngó thẳng vào mắt lão. Có khi tôi và lão trong một hay hai phút cứ ngó nhau chằm chằm như vậy. Sau đó lão lại từ từ quay lưng đi, hết sức trịnh trọng, và lại khuất mắt trong hai giờ.
Nếu chiến thuật đó không làm tôi nao núng và nếu tôi vẫn còn tiếp tục cầm cự, thì lão bắt đầu vừa ngó tôi vừa thở dài, thở dài thườn thượt, rõ thật là sâu, tựa như làm vậy là đo được tất cả chiều sâu cái sa đọa tinh thần của tôi, và cố nhiên, rốt cuộc, lão lại thắng. Còn tôi thì giận điên lên, tôi la, tôi hét, nhưng rồi cuối cùng vẫn phải đi theo con đường chính lão muốn tôi đi.
Nhưng lần này, lão vừa mới tung ra cái chiến thuật đầu tiên của lão, nghĩa là lườm nguýt, thì tôi nổi xung lên và tấn công lão ngay. (Chưa có chuyện đó thì thần kinh tôi đã bị kích thích quá đỗi rồi!…)
- Ê, đứng lại! - Tôi hét lớn khi lão vừa quay lưng đi, chậm chạp và yên lặng, một tay chắp sau lưng, đi về phía buồng lão. - Đứng lại! Lại đây tao bảo! - Và chắc tiếng la của tôi thất thanh đến nỗi lão phải quay gót lại, và lần này còn ngó tôi với một vẻ ngạc nhiên nữa. Nhưng lão vẫn lặng thinh, và cái đó mới làm cho tôi càng điên tiết hơn.
- Tại sao không được phép mà mày dám bước vào phòng tao và đứng ngó tao như thế? Trả lời ngay!
Lão điềm nhiên ngó tôi thêm độ ba mươi giây nữa, rồi lại sửa soạn quay lưng đi.
- Đứng lại đó! - Tôi rống lên và chạy lại phía lão. - Không nhúc nhích! Nào! Bây giờ trả lời tao ngay: mày ngó tao như thế để làm gì?
- Để xem ông có điều gì bảo đặng tôi làm, - lão đáp dề dề, sau một lúc yên lặng, bằng cái giọng nhè nhẹ đều đều, lông mày nhướn lên, đầu hơi ngả sang một bên, và tất cả các điệu bộ đó được làm với vẻ bình thản dễ sợ.
- Tao không hỏi chuyện đó, không hỏi chuyện đó, không phải thế, đồ súc sinh! - Tôi hét, giận đến run người. - Tao nói cho mày biết đây này, quân súc sinh, tại sao mày đã vào phòng tao: mày thấy tao không trả lương cho mày, nhưng mày không thèm hỏi tao vì mày tự phụ, tự kiêu, và mày ngó tao một cách ngu xuẩn như thế là để trừng phạt tao, để hành hạ tao, hiểu chưa? Mà mày đâu có biết thế là khốn nạn, khốn nạn, khốn nạn!
Lão lại bắt đầu sửa soạn quay lưng đi, không nói nửa lời, nhưng tôi nắm áo lão lại.
- Nghe đây này! - Tôi hét thật lớn. - Tiền đây này, mày thấy chưa? (Tôi rút tiền trong ngăn kéo ra). Bảy rúp. Nó ở đó, đúng bảy rúp, không thiếu một xu. Nhưng mày sẽ không được sờ đến nó, mày sẽ không được sờ đến nó chừng nào mày không chịu lễ phép đến xin lỗi tao. Mày hiểu chưa?
- Cái đó không được, - lão trả lời dõng dạc lạ thường.
- Cái đó phải được! - Tôi hét lên. - Tao thề danh dự với mày là nều không thì mày sẽ không có lương.
- Tôi chẳng làm gì để phải xin lỗi ông cả, - lão nói tiếp, như không hề để ý đến tiếng hét của tôi, - bởi chính ông vừa mới kêu tôi bằng “quân súc sinh” xong, mà tôi còn đi thưa cảnh sát là đằng khác.
- Đi đi! Đi đi! - Tôi tru lên, - Đi ngay bây giờ đi! Đi ngay đi, quân súc sinh! Súc sinh! Súc sinh!
Nhưng lão chỉ một mực ngó tôi. Rồi lão quay lưng đi, không để ý đến tiếng la của tôi, cũng chẳng thèm ngoảnh đầu lại, lão từ từ bước ra.
“Không vì cái con Liza kia thì đâu có đến nỗi này!” - Tôi tự nhủ. Rồi sau một phút chờ đợi, rất nghiêm trang, nhưng tim đập thình thịch, tôi đi vào buồng lão Apollon.
- Apollon! - Tôi nói bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng như tắt nghẽn trong cổ. - Mày đi gọi ngay cảnh sát về đây!
Lúc đó lão đã ngồi vào bàn, đã đeo kính vào và đang sửa soạn khâu cái gì. Nhưng lúc nghe tôi ra lệnh như thế, lão bỗng bật cười phì ra.
- Đi đi! Đi ngay đi! Mày không đi thì mày biết tay tao!
- Ông loạn trí thật rồi, - lão nói không thèm ngẩng mặt lên, vẫn bằng cái giọng dề dề đó và vừa nói vừa luồn chỉ vào kim. - Có đời ai đi thưa cảnh sát để cho bị bắt bao giờ! Và còn nếu để dọa tôi ấy à, thì vô ích, vì tôi không sợ đâu!
- Đi đi! - Tôi nắm vai lão và hét lên, giọng lạc đi. Tôi cảm thấy chỉ một chút nữa là tôi sẽ đánh lão.
Nhưng ngay lúc đó cửa bỗng mở ra từ từ, êm như ru, và một bóng người bước vào, ngừng lại ở ngưỡng cửa, ngơ ngác và nhìn cả hai chúng tôi. Tôi ngẩng mặt lên, chết lặng người vì xấu hổ và chạy vội về phòng. Về đến đó, hai tay nắm tóc, tôi dựa đầu vào tường và đứng chờ.
Hai phút sau tôi nghe thấy tiếng bước chậm chạp của lão Apollon.
- Có người con gái nào hỏi ông, - lão vừa nói vừa ngó tôi một cách đặc biệt nghiêm nghị, rồi nhường chỗ cho Liza bước vào. Lão chưa muốn đi vội, và cứ đứng như vậy nhìn chúng tôi với vẻ chế nhạo.
- Bước đi! Bước đi! - Tôi hét vào mặt lão. Ngay lúc đó chiếc đồng hồ treo tường khò khè, ho hắng rồi điểm bảy tiếng.
Chú thích:
[1] Thơ Nekrasov nói về tình yêu giữa một thanh niên và một gái giang hồ. Thanh niên đó, chịu ảnh hưởng của phong trào cải cách xã hội Nga hồi bấy giờ, đã cải huấn cô gái và sau lấy nàng về làm vợ. Chú ý ở đây cái mỉa mai của Dostoievski. (ND).