Thạch Chương dịch từ tiếng Pháp
Thái Hà hiệu đính theo bản tiếng Nga
- 6 -

Từ phía bên kia bức vách ngăn, một chiếc đồng hồ quả lắc bắt đầu thở khò khè, rồi ho hen: nghe như tiếng một người bị bóp nghẹt cổ lại. Sau một hồi khò khè như thế lâu lắm, nó mới hắt ra được một tiếng chuông nhỏ, bần tiện, lanh lảnh và nghe rõ lạ lùng, như thể một người bỗng dưng bị ai đẩy té nhào ra đằng trước. Hai giờ! Tôi sực tỉnh dậy; tuy tôi đâu có ngủ, mà chỉ hơi chập chờn.
Căn phòng thấp, hẹp, tối om om, chứa chật ních nào chiếc tủ áo vĩ đại, nào những mảnh bìa cactông nào giẻ rách và đủ mọi thứ lẩm cẩm khác. Mẩu nến cháy dở trong một góc phòng, trên bàn, sắp sửa rụi, chỉ còn ném ra những tia sáng yếu ớt. Chỉ độ vài phút nữa là tối mò.
Chỉ một lúc rất nhanh thì tôi tỉnh hẳn. Ngay cùng lúc tôi nhớ lại được tất cả mọi chuyện rất dễ dàng; tựa hồ những kỷ niệm vừa qua chỉ đợi tôi tỉnh dậy là vồ chụp lấy tôi. Vả lại, ngay trong lúc tôi ngủ chập chờn, vẫn luôn luôn có một cái gì còn bám trong tôi, vẫn có một cái chấm nào đó mà tôi không thể quên được, và những giấc mộng mị cứ xoay quanh cái chấm ấy rất nặng nề mệt nhọc. Nhưng lạ một cái là khi thức dậy, mọi sự việc xảy ra trong ngày hôm ấy đối với tôi hình như có vẻ đã xa lắm, như là những biến cố tôi đã sống qua nhiều năm về trước rồi.
Đầu tôi nặng trĩu. Có cái gì như đang bay phất phơ trên đầu, chạm nhè nhẹ vào tôi làm tôi rất bực dọc, khó chịu. Nỗi ưu phiền và cáu giận lại bắt đầu sôi lên trong tôi và đang tìm một lối thoát. Thốt nhiên tôi nhìn thấy bên cạnh một đôi mắt mở to đang ngó tôi chòng chọc, tò mò và bướng bỉnh. Cái nhìn lạnh lùng, ủ rũ, lãnh đạm; hoàn toàn xa lạ. Tôi khó chịu vô cùng.
Một ý tưởng tối tăm vụt nổi lên trong óc tôi và gây cho toàn thân tôi một cảm giác khó chịu, giống như cảm giác ta có khi vừa bước vào một căn hầm ẩm ướt, ngột ngạt. Tôi thấy hơi kì cục là tại sao đúng bây giờ đôi mắt đó mới ngó nhìn tôi. Tôi còn nhớ trong suốt hai giờ qua tôi đã không trao đổi với sinh vật này một lời nào hết và tôi cũng không cho đó là cần nữa; trái lại, yên lặng như thế tôi thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Nhưng lúc này tôi bỗng nhìn rõ cái phi lí, cái vẻ mặt gớm guốc của trụy lạc, cái trụy lạc không tình yêu, cái trụy lạc thô bạo, cục cằn, vô liêm sỉ, dám bắt đầu ngay từ cái điểm nơi mà tình yêu thực sự được thăng hoa. Chúng tôi nhìn nhau như vậy một hồi lâu; nhưng nàng không quay mắt đi khi nhìn thấy tôi, và cái nhìn của nàng vẫn không thay đổi, đến nỗi cuối cùng tôi đâm ra hơi sợ.
- Tên em là gì? - Tôi hỏi giật nàng để mau chóng chấm dứt cái tình trạng đó.
- Liza, - nàng trả lời gần như nói thầm, nhưng có vẻ bực mình, và nhìn đi nơi khác.
Tôi nín lặng.
- Thời với tiết!… Tuyết rơi… thật là buồn! - Tôi nói gần như cho mình tôi nghe, vừa làm một cử chỉ sầu muộn khoanh hai tay dưới gáy, mắt ngó lên trần.
Nàng không đáp. Khó chịu quá chừng.
- Em là người ở đây à? - Tôi hỏi lại, gần như cáu và hơi quay sang phía nàng.
- Không.
- Thế ở đâu?
- Riga, - nàng đáp với vẻ miễn cưỡng.
- Em là người Đức?
- Không, Nga.
- Ở đây lâu chưa?
- Ở đâu?
- Nhà này này.
- Hai tuần. - Giọng nàng mỗi lúc một dấm dẳn hơn. Mẩu nến đã tắt hẳn và tôi không còn nhìn thấy mặt nàng nữa.
- Em còn bố mẹ gì không?
- Còn… không… à còn.
- Ông bà già ở đâu?
- Dưới đó… Riga.
- Làm gì?
- Không có gì đặc biệt.
- Sao vậy? Họ thuộc thành phần nào? Bây giờ ra sao?
- Buôn bán.
- Em có ở với họ không?
- Có.
- Em bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi.
- Tại sao em lại bỏ nhà đi?
- Chẳng tại sao…
Câu “chẳng tại sao” có nghĩa: “Để tôi yên, tôi ngấy lắm rồi.” Chúng tôi yên lặng.
Có trời biết tại sao tôi lại không đứng dậy bỏ đi lúc ấy. Chính tôi cũng cảm thấy mỗi lúc một chán chường, khó chịu. Tự dưng, chẳng cần gợi lại, những hình ảnh về biến cố ban ngày vẫn tái hiện lộn xộn trong trí nhớ tôi. Tôi bỗng nhớ đến một cảnh tôi trông thấy ngoài phố hồi sáng khi tôi hoảng hốt tới sở làm.
- Sáng hôm nay có người khiêng một chiếc quan tài ra cửa và suýt làm rớt. - Thốt nhiên tôi nói lớn, hoàn toàn chẳng muốn nối lại câu chuyện, mà chỉ như bâng quơ.
- Một chiếc quan tài à?
- Ừ, ở phố Hàng Cỏ. Khiêng từ một căn hầm ra.
- Từ một căn hầm?
- Ừ, ở một căn phòng dưới đất… Nghĩa là, em biết rồi chứ gì… một nơi ăn chơi… Gớm khiếp, dơ dáy không thể tả được… Vẩy cá, rác rưởi… thối hoăng…kinh tởm!…
Im lặng.
- Hôm nay mà đem chôn cất ai thì buồn lắm! - Tôi lại nói, cốt chỉ để phá tan sự yên lặng.
- Sao lại buồn?
- Rét mướt thế này, ẩm ướt thế này (tôi ngáp).
- Thì có sao? - Nàng bỗng nói, sau một lúc im lặng.
- Không, buồn lắm chứ… (tôi lại ngáp nữa). Bọn phu đào huyệt chắc sẽ chửi ầm lên, là tuyết làm ướt hết người; và huyệt chắc phải đầy nước.
- Nhưng tại sao lại có nước trong huyệt?- Nàng hỏi có vẻ tò mò, nhưng với một giọng sắc hơn, cục cằn hơn lúc trước.
Tôi bỗng thấy bực mình.
- Còn tại sao! Lúc nào ở đó mà chẳng có ba tấc đất. Không một hố nào ở nghĩa địa Volkovo là khô hết.
- Tại sao?
- Tại sao? Là bởi vì trong đất có nước đầy ra. Đó là bãi sình mà lại. Họ đặt áo quan ngay vào nước. Anh đã nhiều lần thấy tận mắt. (Tôi chưa hề trông thấy bao giờ, mà cũng chưa bao giờ tới nghĩa địa Volkovo, nhưng đã được nghe kể lại).
- Chả lẽ chết như thế em không thấy mủi lòng sao? - Tôi tiếp.
- Mà tại sao tôi phải chết cơ chứ? - Nàng đáp như để tự bảo vệ.
- Rồi cũng có ngày em sẽ chết, và em chết như người con gái xấu số anh vừa kể… Cô ta cũng còn trẻ… chết vì lao phổi…
- Đàn bà thì phải chết ở nhà thương… (Hiển nhiên nàng đã biết chuyện ấy, - tôi nghĩ, bởi nàng nói: đàn bà, chứ không nói con gái).
Người con gái ấy nợ bà chủ khá nhiều, - tôi đáp, câu chuyện mỗi lúc làm tôi say sưa hơn, - và cô ta vẫn cứ tiếp tục đi khách cho đến lúc chết dù bị lao nặng. Anh thấy mấy người phu xe nói chuyện với mấy tên lính ở đó như thế. Chắc là những bồ cũ của cô ta. Bọn họ cười ầm ĩ và chạy vào quán uống cho vong hồn cô ta. (Chỗ này tôi cũng thêu dệt thêm nhiều).
Im lặng. Im lặng sâu thẳm. Nàng thậm chí không cựa quậy gì hết.
- Thế chết ở nhà thươg thì tốt hơn hay sao? - Tôi lại hỏi.
- Thì cũng thế thôi! Nhưng tại sao tôi lại phải chết cơ chứ? - Nàng nói thêm, hơi cáu.
- Chưa chết ngay đâu… sau này cơ.
- Thì sau này cũng thế…
- Em đừng tưởng. Bây giờ em còn trẻ, tươi tắn, nên người ta còn thích em. Nhưng cứ lê cái đời này độ một năm là em sẽ khác đi ngay. Em sẽ tàn.
- Độ một năm?
- Nghĩa là chừng một năm là em đã xuống giá hơn rồi, - tôi cố tình nói tàn nhẫn. - Em sẽ bỏ nhà này tới một nhà khác tồi hơn. Rồi sau một năm nữa, em lại tới một nhà thứ ba càng tồi hơn, và lối sáu, bảy năm gì đó, em sẽ rơi xuống một căn buồng dưới hầm, ở phố hàng Cỏ đó. Ấy là hãy còn khá. Vô phước thì đau, ốm… sưng phổi hay gì đó… nếu em bị cảm lạnh… Cứ sống kiểu đó mãi rồi là bệnh sẽ nặng thêm, nó sẽ theo bám em đến cùng. Và thế là em chết.
- Ừ, thì tôi chết. Rồi sao? - Nàng nói văng vào mặt tôi bằng một giọng dữ tợn, đồng thời cựa mình mạnh một cái.
- Như thế tiếc lắm!
- Tiếc ai?
- Tiếc đời chứ tiếc ai!
Im lặng.
- Em có người yêu chưa?
- Ăn nhằm gì đến ông?
- Anh đâu có muốn tra vấn em làm gì. Ăn nhằm gì đến anh thực đấy. Tại sao em lại nổi đóa? Chắc là em cũng có chuyện gì buồn. Cái đó không can hệ gì đến anh. Nhưng anh thương hại.
- Thương hại ai?
- Thương hại em.
- Ăn nhằm gì, - nàng nói rất khẽ, và lại cựa mình một cái.
Đến đây thì tôi bắt đầu cáu. Chà! Mình đã ngọt ngào với nó, mà nó…
- Thế em cho là sao? Em tưởng em đi đúng đường lắm hả?
- Tôi chẳng tưởng gì hết.
- Chính thế mới càng nguy. Em nên suy nghĩ lại đi trong khi còn thời giờ. Còn chán thời giờ. Em còn trẻ đẹp. Em còn có thể yêu đương, lấy chồng, hưởng hạnh phúc…
- Không phải cứ có chồng là hạnh phúc, - nàng nói vẫn bằng cái giọng dữ dằn đó.
- Đã hẳn không phải là thế. Nhưng gì thì gì cũng còn hơn ở chỗ này nhiều. Cũng chẳng thể so bì được. Khi yêu người ta vẫn còn có thể sống mà không có hạnh phúc. Đời vẫn đẹp ngay cả trong lúc cực khổ. Được sống là hạnh phúc lắm rồi, dù cuộc sống có khổ thế nào đi nữa. Còn ở đây hả?… Thối tha, ghê tởm khiếp lên được!
Tôi làm như ghê tởm thực sự và quay sang phía khác. Tôi đã thôi lí luận một cách lạnh lùng. Tôi bắt đầu thực sự cảm được những điều tôi nói và bắt đầu hăng. Đã tới lúc tôi muốn triển khai những tư tưởng nhỏ bé thân mến của tôi mà tôi vẫn hằng ấp ủ nơi xó hầm tôi ở. Một cái gì bỗng dưng cháy sáng trong óc tôi; một mục tiêu bắt đầu hiện hình.
- Em đừng thắc mắc là tại sao anh cũng tới đây. Em không nên lấy anh làm gương. Có thể anh còn tồi tệ hơn em là đằng khác. Với lại khi tới đây anh đã say rồi (tôi vẫn cứ vội vàng tự bào chữa như thường). - Hơn nữa đàn bà không thể bắt chước đàn ông được. Khác nhau hẳn. Anh trụy lạc ở đây, làm chuyện đồi bại ở đây, nhưng anh không là nô lệ của ai cả. Anh bước vào, anh đi ra, thế là xong. Anh rũ mình một cái, và anh đã lại trở nên một người khác. Nhưng em kìa! Ngay từ đầu, em đã là một kẻ nô lệ. Đúng như thế đó, một đứa nô lệ! Em đã mất tất cả, mất cả cái ý muốn của em nữa. Rồi sau này em có muốn chặt đứt xiềng xích đó đi thì cũng vô phương. Càng ngày nó càng xiết chặt vào em. Cái xích đáng nguyền rủa như thế đấy. Anh biết. Anh không nói gì đến những thứ khác. Có lẽ em sẽ không hiểu nổi. Nhưng cứ nói anh nghe thử: chắc em đã nợ bà chủ rồi phải không? Đó, thấy chưa? - Tôi nói thêm mặc dù nàng không trả lời mà chỉ hết sức lắng tai nghe tôi nói. - Cái xích của em đấy! Em sẽ chẳng khi nào giải phóng được em hết! Người ta sẽ chẳng khi nào để em trốn thoát. Người ta sẽ làm vậy đó. Giống như là em đã bán linh hồn em cho bầy quỷ.
Với lại anh… có thể là anh cũng đau khổ như em, làm sao em biết được, anh cố tình ngụp lặn trong bùn nhơ là để quên đi niềm đau khổ đó. Có người uống rượu để quên. Còn anh, anh tới đây là vì buồn chán. Mà em thử nói xem: liệu ích gì chăng? … Hai đứa mình ngủ với nhau… Và không hề nói với nhau một câu; và chỉ sau khi em ngó anh như một con thú thì anh mới ngó lại em. Phải chăng như vậy là tình yêu? Phải chăng đàn bà và đàn ông phải gắn bó với nhau theo cách như vậy? Thật là lợm giọng!
- Đúng vậy! - Nàng xác nhận vội vã.
Sự hấp tấp của câu nói “đúng vậy” làm tôi cũng ngạc nhiên. Nghĩa là, có thể chính cái ý tưởng này cũng đã lởn vởn trong óc nàng lúc nàng ngó tôi chằm chặp? Vậy ra cô nàng cũng có nổi những tư tưởng ư? “Quỷ thần! Thế thì thú vị thật; nghĩa là cũng hiểu biết chút đỉnh đấy chứ, - tôi nghĩ thầm, gần như muốn xoa hai bàn tay vào nhau khoan khoái.- Vậy thì sao lại không dò dẫm cái linh hồn trẻ này sâu thêm chút nữa nhỉ?…”
Trò chơi này mỗi lúc một quyến rũ tôi thêm.
Trong bóng tối, tôi có cảm giác nàng xích đầu lại gần tôi, chống khuỷu tay xuống giường và tì đầu lên bàn tay. Có thể nàng đang quan sát tôi. Thật tiếc tôi không nhìn rõ đôi mắt nàng lúc đó! Tôi nghe thấy hơi nàng thở mạnh.
- Tại sao em lại đến chỗ này? - Tôi hỏi nàng bằng một giọng hách hơn một chút.
- Chẳng tại sao cả.
- Thế ở nhà cha mẹ không tốt hơn ấy à? Ấm cúng bao nhiêu, dễ chịu bao nhiêu! Đó là tổ ấm của em.
- Nhưng ngộ nhỡ ở đó khổ hơn ở đây thì sao?
“Mình phải tìm một cách nói thật đúng, - tôi thoáng nghĩ trong đầu, - tình cảm không đi đến đâu hết”.
Tuy vậy ý tưởng đó chỉ thoáng qua trong óc tôi. Tôi thề với quý vị là người con gái này làm tôi khoái thực sự. Hơn nữa lúc ấy tôi đã mệt mỏi rồi và chứa chan những tình cảm đại lượng, mà tình cảm đại lượng lại rất dễ nhầm với lừa dối.
- Ai nói thế đâu! Cái gì cũng có thể xảy ra hết, - tôi vội vàng đáp. - Chẳng hạn, anh dám chắc là có ai đã ngược đãi em rồi, chính họ mới là người có lỗi với em, chứ không phải em là người có lỗi với họ. Anh không biết chuyện của em, nhưng một người con gái như em thì không phải đến nơi này vì ý thích.
- Một người con gái như em là thế nào? - Nàng thì thào, phải chú ý lắm mới nghe rõ, nhưng tôi vẫn nghe thấy.
“Quỷ thần! Tôi đi tâng bốc nàng! Đồ hèn! Nhưng có thể như vậy lại hay hơn…”
Nàng nín lặng
- Em biết không, Liza, anh sẽ kể cho em nghe chuyện của anh! Giá hồi nhỏ phải chi anh có một gia đình thì bây giờ anh đâu đến nỗi này. Anh thường nghĩ đến điều đó. Vì dù cho ở gia đình em thấy khổ cực đến đâu đi nữa, thì bố em và mẹ em cũng đâu phải là kẻ thù hay người xa lạ? Dù rằng một năm họ chỉ nói yêu quý em có một lần. Dù sao em cũng biết là em đang ở nhà em. Còn anh hồi đó anh không có gia đình, có lẽ vì vậy mà ngày nay anh đã trở thành người… vô tình cảm.
Tôi lại chờ một lúc.
“Có lẽ nàng không hiểu, - tôi nghĩ - Giảng đạo đức cho nàng bây giờ thật là nực cười”.
Giá anh là một người cha, và giá anh có một đứa con gái, thì anh tin là anh sẽ yêu nó hơn là một đứa con trai. Anh dám chắc thế. - Tôi nói xa xôi như vậy cốt để làm cho nàng vui lên. Thú thực lúc đó tôi đã đỏ mặt.
- Tại sao? - nàng hỏi.
À, nghĩa là nàng vẫn đang nghe!
- Anh không biết, Liza ạ. Em biết không, anh có quen một người cha. Ông ta nghiêm khắc và khô khan. Thế mà ông ta đã quỳ xuống trước mặt con gái; rồi ông ta hôn chân, hôn tay cô. Thật tình, ông ta ngắm cô không biết chán. Cô con gái đi nhảy trong một buổi dạ vũ, ông ta đứng yên một chỗ suốt năm tiếng đồng hồ và không lúc nào rời mắt. Ông ta như hóa điên chỉ vì cô con gái. Anh hiểu lắm chứ. Ban đêm lúc nó ngủ thì ông ta thức, ông ta tới cạnh giường, hôn lên trán nó và cầu nguyện cho nó trong giấc ngủ. Đối với ai khác thì ông ta rất hà tiện, và khi đi chơi bao giờ cũng chỉ đóng một bộ cũ cáu ghét nhưng đối với con gái thì ông ta không tiếc một thứ gì. Ông ta mua cho nó những thứ quà đắt tiền; và nếu nó tỏ ra vừa ý thì ông ta thật là vui sướng! Người cha nào cũng quý con gái hơn người mẹ. Thường thường con gái ở nhà cha mẹ bao giờ cũng sung sướng! Riêng anh, giá anh có được một đứa con gái, anh chắc sẽ không khi nào gả chồng cho nó.
- Sao lại thế được? - Nàng vừa nói vừa cười khẽ.
- Anh sẽ rất là ghen, thật đấy! Làm sao nó lại có thể hôn được một người lạ? Làm sao nó có thể yêu được một người khác hơn là cha ruột nó? Nghĩ đến đó, thì khổ tâm vô cùng. Cố nhiên nghĩ như vậy là lẩm cẩm, và sau này rồi anh cũng biết điều hơn. Nhưng anh có cảm tưởng là trước khi gả con gái mình đi anh sẽ hết sức cẩn thận: lựa chọn từng người cầu hôn một, và mặc dù sẽ gạt đi hết, nhưng rồi cuối cùng vẫn phải gả cho đứa nào nó yêu. Mà người đàn ông nào con gái mình yêu nhất lại chính là đứa mà cha nó ghét nhất. Đúng vậy đó. Chính vì thế mà đã xảy ra bao nhiêu đau khổ trong gia đình.
- Có nhiều người lại thích bán con gái mình đi chứ không gả chồng cho nó đàng hoàng. - Nàng bỗng lên tiếng.
A! Ra thế!
- Liza, cái đó chỉ có thể xảy ra trong các gia đình đáng nguyền rủa mà thôi, trong các gia đình vô Thượng đế mà cũng vô tình yêu - tôi hăng lên hùa theo. - Và chỗ nào không có tình yêu, là chỗ đó cũng không có lí trí. Những gia đình loại này cũng có chứ không phải là không, nhưng anh không muốn nói tới những gia đình đó. Em nói như thế là anh biết em không được sung sướng hồi em ở nhà. A hèm… Nói chung thì nghèo khổ là nguyên do tất cả mọi bất hạnh trên đời.
- Thế ở nhà quyền quý thì tốt hơn sao? Người lương thiện thì ngay ở trong cảnh nghèo cũng sống sung sướng.
- A hèm… ờ, có lẽ đúng. Với lại còn điều này nữa, Liza ạ: là con người thường chỉ ghi nhớ những đau khổ, còn hạnh phúc của mình, thì hắn sẽ thấy mỗi quãng đời hắn có chia đều một phần hạnh phúc. Nhưng nếu trong gia đình không có gì xích mích, nếu Thượng đế phù hộ; nếu được người chồng tốt, nếu hắn săn sóc đến em, nếu hắn không bỏ em… thì thật đã sung sướng biết bao nhiêu rồi! Thậm chí đau khổ mà chia đôi thì vẫn sướng. Mà ở đâu không có đau khổ? Một ngày nào đó em lấy chồng thì tự khắc em sẽ biết. Giả dụ thời gian đầu em đi lấy người mà em yêu: hạnh phúc lắm chứ còn gì, phải không? Hạnh phúc lắm! Và cái đó đến với em thường xuyên. Trong những ngày đầu ấy, các vụ cãi lộn nhau rồi cũng chấm dứt em đẹp. Lại có những người vợ càng yêu chồng bao nhiêu lại càng hay cãi lộn với chồng bấy nhiêu. Đúng như thế. Anh biết có một bà thuộc loại này. Bà ta nói với chồng: ‘Em yêu anh quá! Nhưng em làm khổ anh để anh nhớ đến em!’ Em biết không, nhiều khi người ta hành hạ chính bởi vì người ta yêu. Đàn bà là như vậy. Nhưng trong lúc đó họ lại nghĩ: ‘Em sẽ yêu anh, chiều chuộng anh thật nhiều nếu bấy giờ em được hành hạ anh một chút thôi!’ Và mọi người chung quanh cặp vợ chồng cũng sẽ hưởng lây cái vui đó, cái gì cũng tốt đẹp, tươi sáng, hiền hoà, vui vẻ. Cũng có đàn bà hay ghen. Nếu người chồng đi chơi thì người vợ không thể chịu nổi (anh có biết một người như thế). Nửa đêm bà ta vùng ra khỏi giường, lặng lẽ chạy đi xem chồng mình ở chỗ nào, đi với người đàn bà nào. Cái đó rất xấu. Bà ta cũng biết như thế, cũng khổ tâm lắm, cũng biết là mình xấu lắm, nhưng biết làm sao được? Vì nàng yêu chồng! Tất cả chỉ là do tình yêu hết! Thật là thú vị lúc được xin lỗi hoặc, ngược lại, được tha lỗi cho chồng! Cả hai người đều cảm thấy rất hạnh phúc! Hạnh phúc như lúc mới gặp nhau, như lúc mới lấy nhau, như lúc tình yêu vừa mới khởi đầu… Và không ai, không một ai có quyền được biết câu chuyện xích mích giữa hai người một khi hai người đó yêu nhau thực sự. Mặc kệ cho họ cãi lộn ra sao, người ta không được phép phê bình xét xử gì hết (đến cả bà mẹ cũng thế), hay không được phép đi kể chuyện lại. Chỉ hai vợ chồng mới có quyền tự xét xử với nhau mà thôi. Tình yêu là một điều huyền bí thiêng liêng, cho nên phải giấu kín với mọi người. Như thế nó càng tốt hơn, thiêng liêng hơn. Người ta kính mến nhau hơn, và có kính mến mới có nhiều cái khác. Và một khi đã yêu nhau, đã lấy nhau vì tình, thì hà cớ gì lại để tình yêu chết đi? Không thể nuôi cho nó sống được mãi hay sao? Được chứ! Nếu là một người chồng tốt và thành thực thì tại sao lại không được? Tình yêu đầu sẽ qua đi, đúng, nhưng một tình yêu khác sẽ tiếp nối, còn mặn mà hơn nữa. Và rồi hai tâm hồn hoà hợp với nhau, không ai còn có điều gì để giấu nhau nữa. Rồi đến lúc có con, cái gì rồi cũng tốt đẹp hết, cho đến cả những lúc khó khăn nhất; miễn hai người phải yêu nhau và phải can đảm. Lúc đó thì bận bịu cũng trở thành vui vẻ, và dù có nhịn ăn để nhường cho con chăng nữa, người ta cũng cảm thấy vui sướng. Bởi rồi chúng nó sẽ yêu quý em sau này. Có nghĩa là em dành dụm là để cho em. Con cái lớn lên. Em sẽ cảm thấy em phải làm gương cho chúng, em sẽ là người để chúng nó trông cậy; và khi em mất đi, chúng sẽ luôn luôn mang theo những ý tưởng, những tình cảm em đã cho chúng, chúng sẽ biến thành hình ảnh của em. Có nghĩa đó là một bổn phận lớn… Trong những điều kiện đó, thì làm sao người chồng và người vợ lại không gắn bó với nhau chặt chẽ hơn nữa được? Có người cho có con là một cực hình. Ai bảo thế? Trái lại đó là một niềm vui sướng thần tiên! Em có yêu con nít không, Liza? Anh thì anh thích kinh khủng. Thử tưởng tượng…. một đứa bé hồng hào đang bú mẹ… người đàn ông nào mà chẳng cảm động khi thấy vợ mình đang ẵm con trên tay!… Một đứa bé hồng hào, bụ bẫm; nó nhoài mình ra đằng sau, nó nghịch… chân nó nhỏ xíu, hai bàn tay bé tí mũm mĩm, những móng tay nhỏ xíu thật là sạch sẽ, nhỏ xíu đến nỗi trông đến là buồn cười, hai con mắt nhỏ xíu đã có vẻ như cái gì cũng biết. Và lúc nó bú, bàn tay nhỏ xíu của nó nghịch vú mẹ; nó đùa, nó nắm lấy núm vú. Khi bố nó đến gần, nó nhả ngay vú ra, trườn mình ra đằng sau, nhìn bố rồi toét miệng cười. Trời, sao ngộ nghĩnh đến thế! Rồi nó lại ngậm vào vú. Rồi có lần nó cắn vú mẹ nó khi nó bắt đầu mọc răng, và nhìn mẹ nó ranh mãnh như muốn nói: “Mẹ thấy không? Con vừa cắn mẹ đó!…” Và đó không phải là hạnh phúc sao, cái cảnh cả bố lẫn mẹ và đứa con quây quần với nhau, thật là hạnh phúc hoàn toàn! Trong những lúc đó người ta dễ tha thứ nhất. Không, Liza ơi, trước khi kết tội người khác, chính em phải học sống trước đã!
“Phải lay chuyển cô nàng bằng những bức tranh đó thì mới ăn thua!” - Tôi nghĩ thầm như vậy, mặc dù tôi đã vô cùng thành thực lúc tôi nói, tôi thề như thế. Thốt nhiên, tôi bỗng thấy đỏ mặt… - “Nhỡ bây giờ nàng phá lên cười thì mình trốn vào đâu đây”. - Ý tưởng này làm tôi điên tiết. Vào lúc cuối bài diễn văn tôi rất là say sưa, nhưng bây giờ tôi lại thấy lòng tự ái bị thương tổn. Yên lặng một hồi lâu. Tôi có ý muốn huých nàng một cái.
- Tại sao ông… - Nàng bắt đầu, rồi lại im ngay.
Nhưng tôi đã hiểu hết. Có một cái gì khác run run trong giọng nói của nàng: đã không còn nữa cái vẻ dữ dằn và bướng bỉnh hồi nãy, mà là một tình cảm nhu mì, bẽn lẽn, bẽn lẽn đến nỗi tôi bỗng cảm thấy xấu hổ và có tội với nàng.
- Em nói sao? - Tôi hỏi nàng với vẻ tò mò âu yếm.
- Ông…
- Sao?
- Chắc là ông đã đọc trong một cuốn sách, - Nàng nói, và một lần nữa tôi lại ngờ là có vẻ gì chế nhạo trong giọng nói của nàng.
Câu nói làm tôi đau điếng. Tôi cứ đợi nàng nói một câu gì khác.
Tôi đã không dè rằng nàng đã che giấu những tình cảm của nàng dưới một giọng chế nhạo, và tôi biết đó là sự lừa dối cuối cùng của những tâm hồn thẹn thùng và trong trắng, những tâm hồn mà ta muốn xuyên qua một cách tàn nhẫn, nhưng cho đến phút cuối cùng chúng vẫn chưa chịu đầu hàng vì kiêu hãnh và còn sợ bộc lộ tình cảm mình ra. Đáng lẽ tôi phải đoán ra ngay tâm trạng nàng qua cái tính bẽn lẽn mỗi lần cứ định nói một câu gì là mãi mới nói được. Nhưng tôi đã không đoán được điều ấy, và một tình cảm độc ác đã chiếm đoạt tôi trọn vẹn.
“Thôi đi, cô nàng”, - tôi nghĩ thầm.