Tủ Sách Tuổi Hoa
Chương Mười Một
ĐI CHƠI CUỐI TUẦN

Tôi cứ tưởng chẳng bao giờ ngày thứ Sáu ấy sẽ đến. Suốt cả tuần tôi đã đợi chờ ngày này; từ lúc Ba Mẹ nói là bằng lòng cho tôi đi chơi cuối tuần với Kiều và Thu, tôi đã đếm từng giờ cho mau tới ngày này. Thế mà buổi sáng của cái ngày hằng mong đợi ấy đã đến, thì tôi bỗng cảm thấy khó chiu trong người.
Mẹ ngạc nhiên thấy sáng nay tôi uể oải, chưa sửa soạn gì để đi học.
Tôi phải nói:
- Sao con khó chịu ghê Mẹ.
Mặc dù tôi không muốn nhấn mạnh về việc này vì sợ Mẹ sẽ lấy cớ đó mà không cho tôi đi chơi Phú Lân nữa.
Mẹ hỏi:
- Con thấy đau thế nào? Sao vậy?
- Con cũng không rõ nữa ạ.
Mẹ đưa tay sờ trán tôi. Lần nào tụi tôi than khó chịu, Mẹ cũng lấy tay đặt vào trán. Tôi không hiểu sờ vào trán như vậy thì có đoán ra được bệnh gì không, nhưng lúc nào Mẹ cũng chẩn bịnh bằng cách đó trước nhất. Ngay cả cái hồi tôi trèo cây bị té gẫy tay, Mẹ cũng sờ trán như vậy.
Mẹ hỏi:
- Tối qua con có ăn gì sống sít, bậy bạ không?
Tôi chống khuỷu tay lên giường đáp:
- Chắc không đâu ạ.
Mẹ lại sờ trán tôi lần nữa, mặc dù tôi đang cảm thấy khó chịu nơi bụng. Mẹ bảo:
- Chắc là tại con quá nôn nao về chuyện đi Phú Lâm nên cơ thể hơi bị xáo trộn.
Bỗng Mẹ đưa mắt nhìn xuống sàn nhà, đồng thời Mẹ há to miệng kêu lên đầy vẻ ngạc nhiên:
- Thôi rồi, thảo nào mà chẳng đau.
Ngổn ngangg trên sàn nhà, chỗ ghế tôi ngồi học tối qua, toàn là vỏ cóc, ổi, một bịch ny-lông còn sót vỏ đậu phộng, một cái ly đậu đỏ bánh lọt, một cái vỏ chuối, một cùi bắp nướng, một nửa trái xoài tượng ăn dở dang và một gói muối ớt bên cạnh tô nước mắm đường.
- Con có đau như vậy cũng phải lắm. Ăn uống loạn xà ngầu thế kia thì bụng nào chẳng đau - Mẹ nói một hơi, giọng bực tức, khó chịu.
Tôi ngập ngừng:
- Nhưng con vẫn thấy  người ta vừa học vừa ăn mà. Như vậy học mới vô nổi Mẹ ạ.
Mẹ tôi dằn giọng:
- Con đau bụng là đáng đời lắm. Ai lại đi ăn đủ thứ xanh, chát, nóng, lạnh như vậy trước khi đi ngủ bao giờ. Chưa thấy ai ăn uống cái kiểu lạ đời như vậy.
Mẹ có nói thế nào đi nữa thì cái bụng của tôi cũng không bớt đau tí nào. Hoạt động của bao tử và ruột như đang sôi nổi dữ dội, chẳng khác gì một đám biểu tình.
Mẹ tôi đi nhanh ra khỏi cửa dường như quả quyết làm một việc gì gấp gáp. Chỉ một phút sau tôi đã biết việc đó là gì.
Mẹ đem vào một cái lọ đựng chất thuốc gì màu hồng hồng và một cái muỗng súp to, khó có thể cho vừa vào miệng ai. Mẹ đổ thuốc vào muỗng, rồi đưa thẳng vào miệng tôi.
- Nào, uống dùm Mẹ cái này đi. Một chút nhưng xíu nữa là bớt liền, còn kịp cho giờ học.
Thật sự tôi không muốn bỏ học bữa nay, nhưng vì bị đau bụng thế này, nên nếu có nghỉ học một buổi, thì mẹ tôi cũng chịu. Dĩ nhiên, nếu tôi nghỉ thì Mẹ có lý do để không cho tôi đi Phú Lâm chơi nữa, trong khi tôi không muốn bất cứ một điều gì xảy ra làm phá hủy chương trình du ngoạn cuối tuần này cả.
Lúc nghe mẹ nói “đi học” tôi nhớ ra chuyện mà hầu như tôi đã quên bẵng đi mất.
Những nỗi lo sợ hồi hộp về việc của Tuấn và sự nôn nao về chuyến đi Phú Lâm đã khiến tôi quên lú mất rằng hôm nay có bài kiểm về môn đại số rất quan trọng. Bây giờ tôi mới thật sự cảm thấy đau nhiều, vì cộng thêm mối lo về bài kiểm này. Cái chất thuốc hồng hồng tôi vừa uống, đâu có ăn nhằm gì đến môn đại số. Tôi ớn gặp mặt bà thầy quá.
Lúc ăn sáng xong, tôi cố ôn lại mấy bài toán và những công thức đã học mấy tuần này, nhưng chẳng vô đầu được mấy.
Lúc tới lớp, vào chỗ ngồi rồi, tôi cầu cho bài làm sắp được cô ra. Mà sao tôi cảm thấy khó khăn quá. Tôi hứa rằng kỳ tới tôi sẽ cố gắng học nhiều hơn, nhưng như thế cũng chẳng giúp đỡ gì cho chuyện này cả. Cô giáo đã cho biết trước cả hơn một tuần lễ đặng chúng tôi có thể chuẩn bị cho bài kiểm này rồi.
Giờ học đã xong, tôi đành phải góp bài cho cô, bài chẳng làm ra trò trống gì, tôi chỉ làm qua quít, vẽ nhăng vẽ cuội cho đầy trang.
Lúc đi ra khỏi lớp, tôi thấy cô giáo nhìn tôi gọi:
- Em Thảo, lên đây tôi có chuyện muốn nói một chút.
Một cảm giác ớn lạnh chuyền từ đáy bao tử tôi chạy lên đầu. Tôi bước từng bước chậm chạp tới bàn cô. Thật ra tôi kéo lê từng bước một.
Cô nói:
- Em đem tờ này về cho Ba dùm tôi.
Cô Dung không phải là một cô giáo khắt khe, nhưng lúc nói chuyện, cô không hay cười. Tôi đưa tay nhận tờ giấy mà run cả người. Tôi không hiểu làm sao cô lại có thể biết ngay là tôi làm bài không được? Mà sao cô lại phải báo ngay cho Bố tôi biết như vậy? Thế là chuyến đi chơi Phú Lâm của tôi sẽ hỏng bét tất cả. Mà biết đâu Bố lại chẳng cho tôi đi nữa. Tôi đứng ngây người, hai bàn chân như dán chặt vào sàn nhà. Chẳng biết tôi có nên giải thích mọi chuyện cho cô Dung nghe, và xin cô cho dời lại đến thứ hai tôi hãy đưa tờ giấy đó cho Bố.
Cô Dung nói thêm:
- Tháng sau có buổi họp trong trường, nên muốn mời ba em tới dự và thuyết trình về một đề tài.
Ồ, tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm. Tôi gật đầu chào cô rồi chạy ùa ra khỏi lớp. Cô Dung thật là một cô giáo đáng yêu làm sao.
Vừa đi xa khỏi cổng trường tôi vừa nghĩ đến chuyến đi chơi Phú Lâm chiều nay. Vui làm sao! Chỉ có ba đứa tụi tui ở trong một căn nhà rộng lớn. Suốt trong hai ngày hai đêm! Lần đầu tiên Bố Mẹ mới cho tôi đi chơi như vậy, mà không có Bố Mẹ đi kèm và tự làm lấy mọii việc cho mình.
Chúng tôi đã hẹn với nhau là khởi hành lúc bốn giờ chiều, cho bớt bớt nắng một chút. Kiều và Thu sẽ tới nhà tôi rồi cùng đi với nhau bằng xe đạp của mỗi đứa.
Vừa chạy vào nhà, tôi vừa kêu lên:
- Mẹ, con đã về.
Mẹ trả lời:
- Con về đấy à? Đã sắp xếp xong va-li áo quần chưa?
Tôi đáp:
- Dạ, tàm tạm xong rồi ạ.
Sau bữa ăn trưa. Mẹ giúp tôi soát lại cẩn thận các thứ cần thiết phải mang theo.
- Con có chắc là đã mang đầy đủ các thứ không?
- Dạ, chắc.
Tôi đáp nhanh, chẳng nhìn thử xem có đủ thật không.
- Áo dài này, quần đen, quần trắng, giầy, áo lót…
 Mẹ vừa nhìn vừa dở từng cái lên. Rồi hỏi tiếp
- Con quên mang đôi giày cao gót mới mua theo à?
Tôi hỏi lại:
- Giày mới cao gót đó hả Mẹ?
Lần đầu tiên trong suốt mười lăm năm tuổi đời, tôi thật sự vui mừng vì chiếc giày cao đà gẫy không đi được. Dù sao tôi cũng không muốn Mẹ thấy được ý nghĩ đó của tôi, nên tôi đã nói bằng một giọng, làm như tiếc rẻ lắm:
- À, thưa Mẹ, cái gót giầy gẫy rồi mà con chưa đem đi sửa được ạ.
- Vậy con phải mang giày thấp mất rồi.
- Vâng, chắc phải vậy ạ.
Mọi thứ vừa xong xuôi thì tôi cũng vừa nghe tiếng Kiều và Thu gọi ngoài cửa. Tôi xách va-li chạy vội ra, nhưng tôi bỗng dừng lại. Nguy quá Mẹ cũng đang chạy theo tôi. Vì thế nào Mẹ cũng dặn dò đủ điều rồi hôn lên trán tôi trước khi tôi đi. Nếu để Kiều và Thu nhìn thấy diễn tiến đó, thế nào chúng cũng ngạo tôi là ‘baby', là con nít còn bám hơi Mẹ. Tốt hơn, tôi nên quay vào trong nhà để Mẹ làm xong mọi “thủ tục" đó rồi hãy ra gặp tụi bạn. Tôi không biết những bà Mẹ khác cò làm như vậy đối với con họ không; nhưng nếu không, thì tôi cũng mong Mẹ thôi đừng làm như vậy nữa, vì dù sao tôi cũng đã lớn rồi chứ còn phải bé bỏng gì.
Thế rồi, có một chuyện xui nhất thế giới xảy đến cho tôi. Vừa đụng tay vào chiếc xe đạp, thì thấy một chiếc bánh xe xẹp lép, không còn một chút hơi nào. Tôi kêu lên, nhăn nhó:
- Chèng ơi!
Kiều và Thu cũng đồng thanh:
- Chèng, sao vậy?
Mẹ cũng kêu:
- Ủa, lạ vậy?
Kiều và Thu nhìn tôi làm như tôi đã cố ý chọc thủng lốp xe vậy. Rồi Kiều nói:
- Điệu này thì còn khuya mới tới Phú Lâm được.
Tôi nhìn Kiều bực tức pha lẫn trách móc như muốn nói: "Này, đừng nói như vậy chứ, kẻo mẹ tôi không cho tôi đi nữa đâu”.
Hình như Kiều hiểu dược ý nghĩa của cái nhìn đó, cô ta nói chữa:
- Chắc cũng xâm xẩm tối thì đến.
Mẹ nhìn tôi, rồi lại nhìn hai đứa bạn tôi, tìm cách giải quyết mau lẹ. Cuối cùng Mẹ nói:
- Thôi biết rồi. Sao con không lấy tạm xe đạp của Tuấn đi, rồi Mẹ sẽ bảo nó đem xe con đi vá sau. Đến mai, Mẹ sẽ bảo Tuấn đạp xe lên đổi lại cho con vậy.
Tôi không cần biết có nên để Tuấn đi Phú Lâm đổi xe cho tôi không; nhưng có điều chắc là tôi chỉ muốn đi Phú Lâm ngay bây giờ thôi.
Tôi lấy dây chằng chiếc va-li nhỏ ở đằng sau xe rồi dắt xe ra cửa.
Thu nhìn Kiều nói:
- Chà, vui nhỉ, Tuấn mà lên Phú Lâm nữa thì vui quá.
Tôi đột ngột nói:
- Mà thôi, Mẹ đừng bảo Tuấn đem xe con lên làm gì nữa. Có lẽ tới Phú Lâm rồi là xong, tụi con chẳng cần xe đạp đâu.
Tử trước tới giờ tôi không hề thích đi xe đạp của con trai, nhưng hôm nay thì khác. Đi xe con trai thì cũng không sao mà. Chứ còn để Tuấn lên tới Phú Lâm, thế nào cũng hỏng cà mọi chuyện, mất cả vui.
Tôi nhìn Thu, thắc mắc không hiểu cô ta ra làm sao nữa. Sao cô ta lại thích Tuấn đến như vậy? Trông nó đâu có gì dễ thương như anh Danh, cũng chẳng hào hoa phong nhã như anh Danh mà cũng không cao ráo bằng anh Danh.
Ồ, mình lại nghĩ đến anh Danh.
Chủ nhật trước anh ấy đã chơi xấu với mình, nhưng lỗi tại Tuấn hết. Tôi bỗng nghĩ đến một điều. Phải chi sáng mai là Thứ Bảy, Tuấn sửa xe đạp của tôi xong, sẽ rủ Danh lên Phú Lâm với tụi tôi, thì thích biết mấy. Nghĩ vậy, tôi mới đồng ý cùng Mẹ và Thu là nên để Tuấn đem xe đạp của tôi lên.
- Mẹ ơi - tôi nói và cảm thấy như mắt mình long lanh vui sướng - Mẹ thật tuyệt nhấtt thế giới.
Mẹ bảo:
- Làm sao, con còn muốn gì nữa đây, hở?
- Không ạ. Con chẳng cần gì nữa đâu ạ. Con cũng nhận thấy là nếu để Tuấn đem xe đạp lên Phú Lâm cho con thì tiện lắm Mẹ ạ.
Mẹ nói chậm rãi:
- Để Tuấn đi tới đó một mình sao Mẹ thấy ngại quá.
Tôi đưa mắt nhìn Thu, cô ta hình như đoán được ý nghĩ của tôi. Tôi buột miệng, cố làm ra vẻ như mới nảy ra được một ý kiến:
- À, có anh Danh đó. Sao không bảo anh Danh cùng đi với Tuấn cho có bạn.