Tủ Sách Tuổi Hoa
Chương Ba
CHIỀU CHỦ NHẬT

Những gì đã xảy ra buổi sáng Chủ nhật cũng đủ rắc rối lắm rồi. Tôi thật mắc cỡ trước mặt Danh, rồi bây giờ còn lo bị Mẹ giận vì đã làm hư chiếc quần sa tanh đẹp của Mẹ. Tôi cảm thấy chán quá. Moi vệc như đã lắng dịu ít nhiều khi tôi bằng bằng lòng hứa với Mẹ rằng sẽ dùng số tiền để dành đặng mua đền Mẹ chiếc quần khác, đã vậy mà cũng chưa hết rắc rối. Bố tôi nhấc một chiếc giày của tôi lên và xem xét kỹ càng, rồi Bố nói cụt ngủn:
- Gót giày chi mà... - ngừng một lúc Bố lại tiếp - Ơ này, sao chiếc gót bên này bị gẫy rồi.
Giọng của Bố cao hẳn lên. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy rằng Bố không có chút tình cảm quí mến gì đối với đôi giày, đôi guốc của phái nữ. Có lẽ tôi đã làm gãy gót giày khi nó vướng vào kẽ nứt trên sàn nhà thờ, hoặc cũng có thể gót giày bị gãy khi tôi chạy vội ra xe. Nhưng tôi cảm thấy chắc chắn gót giày đã gẫy lúc bị kẹt ở kẽ nứt trong nhà thờ thì đúng hơn, vậy mà tôi không hiểu tại sao Bố lại tỏ vẻ giận tôi.  
Đâu có phải lỗi tại tôi. Nếu sàn nhà thờ không có cái kẽ nút ác ôn đó, thì tôi đâu có bị kẹt gót giày vào như vậy. Và nếu tôi không bị kẹt, tôi đâu có gây sự bối rối và ngượng ngập cho Mẹ, hoặc làm hỏng cái quần đẹp của Mẹ và tôi cũng đâu phải đi dạo một cách khổ sở với anh Danh như thế. Nếu không có chuyện kẹt gót giày đó thì mọi sự đều êm thấm tốt đẹp biết bao. Thật ra, càng nghĩ, tôi càng thấy rằng ở nhà thờ phải đền lại cho tôi một đôi giày mới khác. Tôi có đề cập tới việc này cùng bố tôi, tôi vừa nói vừa mỉm cười với Bố, nhưng Bố tôi không nhếch môi mỉm cười chút nào. Trái lại Bố đã cắt ngang bằng một câu:
- Nói giỡn sao.
Rồi tiếp theo ngay là một bài diễn văn thông thường về tiền bạc và về những cách mà trẻ con đã không biết đến giá trị của đồng tiền, cũng như không chịu nghe theo lời khuyên dạy của Cha Mẹ nữa. Bố tôi quay lại:
- Đôi giày này của con trông thật kỳ khôi lắm đó.
Tuấn nhìn tôi bằng một cặp mắt ranh mãnh như muốn nói: "Bộ định đi bằng càng kheo hay sao mà lại chọn loại gót giày đó". Nhưng vì Bố đang còn nói nên nó không chen vào được.
Bố vẫn nói tiếp:
-  May mà con chưa té gẫy cổ đó chứ.
Tôi nhìn về phía Mẹ để xem phản ứng cua Mẹ thế nào, nhưng có lẽ nãy giờ Mẹ tôi chẳng để ý nghe ngóng chút gì cả. Trong khi đó Bố vẫn tiếp tục:
- Vấn đề tiền bạc, thật là bọn trẻ ngày nay chẳng biết quí trọng giá trị tiền bạc là sao cả.
Cả Tuấn và tôi đều ghét chữ "Bọn trẻ" lắm. Nhưng chúng tôi ghét thế nào thì ghét, còn Bố nói thì Bố cứ nói. Chúng tôi thấy chữ đó có vẻ con nít, nhi đồng; nhưng nếu nói ra như vậy, Bố sẽ nói ngay rằng chùng tôi thuộc về bọn trẻ con mà thôi. Vì thế chúng tôi phải giữ yên lặng tuyệt đối.
Cơm nước xong, mọi chuyện hình như đã chìm vào trong quên lãng. Tuấn xin phép Bố Mẹ cho đi chơi với Bằng, vì anh của Bằng mới sắm một chiếc xe gắn máy mới tinh, nên muốn rủ Tuấn tới chơi, cho đi thử.
Mẹ hỏi:
- Mấy đứa đó có biết đi xe cẩn thận không vậy?
- Ồ, chúng nó cẩn thận lắm, Mẹ ạ.
Tuấn trả lời ngay. Nhưng khi nghe nó nói, tôi tự hỏi không biết nó có biết rõ là anh của Bằng lái xe giỏi không. Tôi nghĩ rằng Tuấn chưa từng gặp người anh của Bằng lần nào.
Bố nói:
- Cho con đi chơi xe với họ một lúc thì cũng không sao.
Chắc Bố đã không nghe Mẹ hỏi xem anh của Bằng có lái xe thạo không nên Bố mới cho phép nhanh như vậy.
Sau khi Tuấn mừng rỡ nhảy ra khỏi bàn ăn rồi, tôi thiết nghĩ đây chính là dịp để tôi xin phép đi chơi Phú Lâm mấy hôm với hai cô bạn. Hình như Bố Mẹ đã quên câu chuyện giày cao gót rắc rối của tôi rồi. Vì vậy tôi mở miệng xin phép Bố Mẹ, giọng hơi run và yếu ớt.
- Bố Mẹ ơi, mấy cô bạn mới rủ con đi Phú Lâm chơi vài ngày vào dịp cuối tuần sau - Tôi mở đầu như vậy.
Nãy giờ Bố đã với tay cầm một quyển Tập san Chủ nhật và chăm chú đọc.
Bố chỉ ậm ừ “à”. Chỉ cần nghe kiểu "à" của Bố, tôi đã biết ngay là Bố không để ý nghe đến điều tôi đang nói.
Tôi hỏi ngay:
- Bố Mẹ cho con đi nhé.
Mẹ tôi đang dọn bát điã trên bàn, vội đặt ngay một chồng điã xuống bàn và ngạc nhiên hỏi:
- Con muốn đi đâu?
Tôi lập lại:
- Đi Phú Lâm ạ.
- Đi Phú Lâm làm gì vậy con?
Tôi chợt cảm thấy mặt mình lộ vẻ khó chịu. Tôi phải lập lại:
- Đi chơi với mấy đứa bạn đó Mẹ.
Mẹ tôi hỏi tiếp:
- Con nói đầu đuôi xem nào. Đi chơi Phú Lâm với mấy cô bạn nào, ở đâu?
- Kiều và Thu rủ con đi Phú Lâm chơi với họ, nhân dịp mấy ngày nghỉ cuối tuần sau ạ.
Tới đây thì Bố đặt tờ Tập san Chủ nhật xuống bàn, hỏi tôi:
- Con muốn đi đâu?
Tôi phải lập lại một lần nữa:
- Dạ, Phú Lâm ạ.
Bố hỏi:
- Đi với ai. Ở chỗ nào vậy con?
Không biết đây là lần thứ mấy tôi phải nhắc lại y như hồi nãy:
- Kiều và Thu rủ con đi Phú Lâm chơi với họ, nhân dịp mấy ngày nghỉ cuối tuần sau ạ.
- Kiều và Thu là ai vậy con?
Tôi đoán ngay là Bố chưa biết Kiều bao giờ. và nếu tôi nói về gia cảnh của Kiều thì Bố cũng chẳng biết gì. Nhưng gia đình của Thu có đi nhà thờ nên tôi nói:
- Thu là con gái ông bà Trần Phát đó ạ, em gái anh Danh ạ. Ông bà Pphát vẫn đi nhà thờ, Bố ạ.
Bố đáp ngay:
- À, tôi nhớ ra rồi, mình ạ. Ông Trần Phát có hỏi tôi hôm nọ về việc có một số học sinh trong lớp ông đã thắc mắc rằng tại sao đi coi phim lại không tốt, nên ông hỏi tôi xem có sách báo nào nói về vấn đề này không?
Tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn. Làm sao kéo tư tưởng của Bố về vấn đề đi chơi Phú Lâm của tôi trong khi bố cứ lo nghĩ về chuyện nhà thờ? Nhưng bỗng nhiên Bố nói:
- Vậy chỉ có Thu và con đi thôi à?
Bố không nghe tôi nói tới Kiều túc nãy. Sao muốn phát sùng quá, nhưng ráng nói một cách thật bình tĩnh:
- Có cả Kiều nữa ạ.
Lần này lại tới phiên Mẹ:
- Kiều là ai vậy con nhỉ?
- Lê Diễm Kiều là con của ông bà Lê Hùng, học chung lớp với con. Ba má Kiều có nhà ở Phú Lâm, họ thuộc loại giàu có lắm.
Mẹ trả lời:
- Để thủng thẳng. Bố Mẹ sẽ tính sau.
Tôi biết thế nào cũng đến lúc câu trả lời này được đem ra dùng. Bao giờ cũng vậy, và chắc chăn rằng Bố Mẹ muốn nói như mấy lần trước: “Để Bố Mẹ nghĩ kỹ về chuyện đó, không có gì phải gấp gáp".
Ở nhà tôi, lúc tôi muốn nói chuyện với Bố Mẹ, thường có hai điều xảy ra: Một là Bố Mẹ sẽ để thủng thẳng, tính kỹ về chuyện đó, và hai là có một người khách đến thăm. Lần này cả hai điều ấy cùng xảy ra một lúc. Mẹ vừa trả lời tôi rằng để Bố Mẹ nghĩ kỹ về chuyện đó thì có tiếng gõ cửa. Bố đi ra mở cửa. Mẹ và tôi chỉ nghe được vài tiếng Bố trả lời:
- Vâng vâng, tôi sẽ đến đó trong vòng nửa giờ... Dạ, chào ông.
Bố trở lại chỗ ngồi:
- Có ông Đông ở Thạnh Mỹ Lợi đến.
- Chuyện gì thế mình? - Mẹ tôi hỏi Bố.
- Ông ấy muốn mời tôi lại thăm ngôi nhà thờ nhỏ bé ở đó.
Khi nghe ông Đông mời tới đó, Bố muốn cả nhà cùng đi Thạnh Mỹ Lợi với Bố. Tôi nhắc cho Bố nhớ tà Tuấn còn đi chơi với mấy anh em của Bằng chưa về.
Bố nói:
- Được rồi, chúng ta hãy lại nhà Bằng để đón Tuấn đi. Bố thấy cả nhà mình cùng đi như vậy thì tốt hơn.
Mặc dù nhiều lần Tuấn chơi xấu với tôi, nhưng tôi cũng không muốn giận nó lâu. Và hôm nay nếu tôi mà biết Tuấn đang làm gì ở nhà Bằng, thì tôi đã cố ngăn Bố đừng đến đón Tuấn làm gì. Nhưng tôi lại không biết Tuấn đến nhà họ làm gì mà ở lâu như vậy. Tôi tưởng nó chỉ đi thử một vòng xe với anh em của Bằng thôi.
Khi Bố đi xe tới nhà Bằng, thì không có ai ở nhà hết. Nhưng lúc chúng tôi vừa định quay xe đi, thì thấy có một chiếc xe Honđa cũ kỹ vừa quẹo vào góc đường đi tới nhà Bằng. Hình như có đến bốn năm người chất trên chiếc xe đó. Chỉ có Tuấn và Bằng là nhỏ bé hơn mấy tên kia.
Lúc Tuấn nhìn thấy xe Bố, mặt nó lộ vẻ hốt hoảng, ngượng ngập.
- Ô kìa Bố, Bồ đến đây có việc gì không ạ?
Bố giải thích cho Tuấn biết là Bố phải đi Thạnh Mỹ Lợi và Bố muốn cả nhà cùng đi chung. Trông Tuấn có vẻ bối  rối. Có lẽ nó không muốn Bố nhìn thấy những tên bạn đó, hoặc nó cũng không muốn họ gặp Bố mình, tôi đoán như vậy.
Tuấn chạy đến chỗ mấy tên bạn, nói mấy câu gì với họ rồi trở lại xe của Bố.
Mẹ hỏi Tuấn:
- Trông mấy đứa con trai đó có vẻ già dặn hơn con, phải không Tuấn?
Giọng Mẹ có điều lo lắng.
Tuấn trả lời:
- Không phải họ đều lớn tuổi hơn con đâu Mẹ ạ. Trông to xác hơn thôi.
Rồi nó lại nhìn tôi nháy mắt. Thật sự mấy người kia đều lớn hơn nó nhiều.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đền Thạnh Mỹ Lợi. Và liền sau đó tới ngay nhà thờ bé nhỏ.
Trong lúc Bố mãi nói chuyện với mấy người thì Mẹ, Tuấn và tôi đánh một vòng xem phố xá.
Dãy phố buôn bán chẳng có gì so với khu thương mãi ở thành thị, tuy nhiên có một quán cà phê hay quán ăn gì nho nhỏ ở góc đường kia. Không hiểu sao bất cứ khi nào Tuấn và tôi thấy một chỗ ăn uống, là bụng chúng tôi thấy đói cồn cào và thấy khát khô cổ. Vì vậy, chúng tôi cố thuyết phục Mẹ để Mẹ dẫn vào quán uống cà phê, còn chúng tôi sẽ uống nước cam vàng hoặc ăn bánh ngọt.
Mẹ đành chìu chúng tôi. Lúc bước vào cái quán bình dân đó, Tuấn chỉ tay vào cái cửa chắn đằng trước, có một cái bản lề sắp tuột hẳn ra rồi. Nó nói:
- Chưa bao giờ thấy nhà nào xập xệ đến như vậy
Mẹ khẽ đe:
- Tuấn không nên ăn nói như vậy.
Nói như vậy không tốt, nhưng đó là sự thật. Tôi mở cái xách tay nhỏ, lôi ra chiếc dũa móng tay, nghịch ngợm chỉ vào cái bản lề sắp tuột đó. Mẹ nhíu mày lại:
- Này, đừng có nghịch.
Tuấn và tôi, không ai có ý định nghịch vào đó đâu, nhưng thấy Mẹ lo như vậy, chúng tôi được một mẻ cười.
Lúc Mẹ mở cửa bước vào quán, tiếng cửa kêu kẽo kẹt như tiếng võng cũ kỹ đang rên rỉ. Mẹ biết thế nào chúng tôi cũng mở miệng phê bình, nên lúc chúng tôi chưa kịp uốn lưỡi, Mẹ đã suỵt chúng tôi. Thế là chúng tôi lại cười khúc khích.
Vật đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy trong quán là ba ổ bánh mì khô, cạnh đó là một hộp đụng đầy đinh vít và khóa sắt, búa, rồi tới mấy thứ đồ ăn đóng hộp và một cái máy bán nước rau má, cam vàng. Tôi không biết chắc mình đã bước vào một quán cà phê hay là một tiệm bán đồ sắt đây.
Nhưng Mẹ không tỏ vẻ gì là ngạc nhiên về cái quán độc đáo này cả, Mẹ cứ bình thường, coi như cửa hàng nào cũng sắp đặt chồng chất như thế. Giữa quán lại có một cái bàn cũ trông thật xộc xệch. Chẳng khác gì cái bàn bằng gỗ tạp xiêu vẹo, nằm ở phòng ăn của các cụ tổ thời xưa. Đã thế, chiếc bàn trong quán này còn được phủ bằng một mảnh khăn bàn ny lông dơ bẩn, mốc thếch, đầy cáu cặn. Mấy chiếc ghế thì chẳng thể nào đi đôi với nhau được, trông đáng được xếp vào nhà kho cho rồi.
Một cô gái bán hàng độ mười lăm, mười sáu tuổi từ phòng trong bước ra và hỏi chúng tôi muốn gọi món gì. Cô ta ăn mặc có vẻ tươm tất, tóc chải gọn lên bằng một chiếc kẹp kiểu mới. Tôi đoán chắc trưa nay cô ta có hẹn với ai nên mới diện như vậy. Nhưng nhìn quanh khu này, tôi không hiểu có người con trai nào chịu sống ở đây không.
Lúc nghe cô bán hàng hói. Tuấn khẽ lẩm bẩm qua hơi thở:
- Có bán búp bê không?
Thế là hai đứa tôi lại cười khúc khích. Cánh cứa chợt mở vì có một khách hàng nữa bước vào. Lúc tiếng cọt kẹt nổi lên, Tuấn nhái lại bằng một giọng giễu cợt, chúng tôi lo cười quên cả gọi món. Mẹ nhìn cô bán hàng và hỏi:
- Cô có bán cà phê không? - Giọng nói của Mẹ đượm vẻ nghiêm trang.
- Có - Cô hàng đáp lại. Rồi cô ấy đi tới người khách hàng vừa vào.
Cô ta hỏi cậu khách đó:
- Bánh mì hả?
Cậu ta đáp:
- Ừa.
Nghe cách đối thoại như vậy, Tuấn thắc mắc:
- Bộ ở đây ai cũng nói cộc lốc như vậy sao?
- Ừa - Tôi bắt chước y hệt giọng nói của người khách hàng mời vào đó.
Chúng tôi lại khúc khích cười. Mẹ nhíu mày lại:
- Các con.
Tuấn reo lên:
- Thấy chưa. Ngay cả Mẹ cũng dùng lời nói tiết kiệm như vậy.
Cô hàng trở lại chỗ chúng tôi.
- Cà phê hả?
Vẫn cách nói cộc lốc đó. Tuấn và tôi không nén được cười.
Mẹ tôi gật đầu:
- Cà phê.
Tuấn rút bút nguyên tử và một mảnh giấy trong túi ra, ghi lại đầu đuôi những câu đối đáp này.
Đến lượt cô bán hàng nhìn tôi hỏi:
- Sữa hả?
Tôi lắc đầu:
- Không. Nước cam.
- Được.
Cô ta chưa kịp hỏi Tuấn, nó đã ngẩng đầu lên, làm bộ mặt thật nghiêm nghị rồi nói:
- Cũng vậy.
Tôi đưa mắt nhìn cô hàng bước nhanh nhẹn vào bếp. Nơi này như là chỗ cô ấy ở. Tôi thấy có áo quần treo trong một phòng nhỏ, sau bức màn. Cạnh đó có một cái lò đang cháy, đun sôi cái ấm pha cà phê.
Tôi nói với Mẹ:
- Chắc chắn cà phê ở đó phải nóng lắm Mẹ nhỉ. Con thấy nó ở trên cái lò lửa từ khi mình mới vào quán tới giờ rồi. Mong sao nó đừng làm phỏng miệng Mẹ.
Mẹ tôi khẽ nhíu cặp lông mày lại:
- Này, các con vừa vừa thôi nhé. Các con mà không cư xử đàng hoàng, Mẹ sẽ đét vào đít cho mà xem, dù lớn bằng ấy tuổi rồi.
Tuấn vừa chỉ mấy cây cảnh bày ở đàng góc hàng kia, vừa nói leo:
- Hoặc là Mẹ sẽ lấy mấy cây xương rồng đó đập cho một trận đấy.
Tôi thấy đủ loại, đủ cỡ xương rồng đã héo và úa bày ở đó.
Cô hàng đem ly cà phê ra đặt trước mặt Mẹ, và nước cam cho Tuấn và tôi, rồi cô ta hỏi thêm:
- Nước đá hông?
Đây là một dịp tốt cho tôi vì tôi được thấy cô ta chặt nước đá thế nào. Cầm một chiếc ca lớn và một cái đập đá trong tay, cô ấy đến thủng đựng đá, lôi từ trong đống trấu ra một thanh đá cục khá to. Cô ta dùng một cái dao có vẻ rỉ sét chặt mấy nhát, rồi lấy mấy cục đá nhỏ, nhúng sơ vào một chậu nước đục đục, xong xuôi cô ta đem đến bàn chúng tôi. Còn sót một vài cái vỏ trấu trên  mấy viên nước đá.
Mẹ tôi hơi nhăn mặt, vì Mẹ tôi thường dạy chúng tôi về vệ sinh và sạch sẽ, cũng như cách ăn uống cẩu thả khiến vi trùng dễ xâm nhập vào cơ thể.
Tuấn và tôi sắp uống xong ly nước cam vàng thì thấy cửa mở kèm theo tiếng kẽo kẹt đưa võng. Bố bước vào quán. Tôi nhìn lên xem Mẹ đã uống cà phê xong chưa, nhưng vẫn thấy Mẹ còn cầm muỗng khuấy đều đều. Tôi chưa hề thấy có loại cà phê nào đen ngòm như vậy.
Tuấn nôi khẽ qua hơi thở:
- Bố đừng kêu cà phê, nếu Bố không muốn phải nhai từng hớp một, Bố ạ.
Bố không thay câu đó có gì là buồn cười, mãi đến lúc Mẹ đưa lên miệng uống hớp cà phê đầu tiên, vừa trôi khỏi cổ, Mẹ đằng hắng giọng, ho sặc sụa, bỏ ngay chiếc muỗng vào ly cà phê lại, khuấy liên tiếp. Tôi không biết rõ Mẹ khuấy nữa làm gì, vì Mẹ đâu có bỏ đường hay sữa vào cà phê: có lẽ lớp cặn ở dưới đáy ly dày quá nên Mẹ cố khuấy đe hòa tan lớp cặn vào nước chăng. Nhưng khi Bố thấy như vậy, Bố liền quyết định gọi một ly sữa nóng.
Khi bước ra khỏi quán và an tọa trong xe rồi, Bố nói:
- Rất cám ơn mình.
Mẹ nhìn Bố ngạc nhiên như muốn hỏi tại sao Bố lại cám ơn, mà cám ơn về chuyện gì.
Bố thêm:
- Cám ơn mình thật nhiều vì đã không để tôi phải uống thứ nước đen kịt đó.
Giọng nói của Bố giống như lúc Bố đang giảng. Mới nhắc tới đó. Mẹ đã muốn buồn nôn vì nhớ lại cái mùi vị kinh khủng của ly cà phê hồi nãy.
Mẹ nói:
- Gớm khiếp! Lần đầu tiên trong đời tôi mời uống phải một hớp cà phê như vậy. Chắc người ta để cà phê ôi cũ cả tuần nay rồi.
Tôi chắc Mẹ hơi phóng đại câu chuyện một chút. Vậy mà thật buồn cười, vì Mẹ lại không bao giờ cho chúng tôi được nói phóng đại quá đáng như vậy.
Trong khi Mẹ thao thao nói về chất nước cà phê chua lòm đó, thì ở băng sau, làm như đã định từ trước, cả Tuấn và tôi cùng lẩm bẩm “A-men" theo bài giảng thuyết đó của Mẹ. Nghe tiếng đó, Bố tỏ vẻ bực tức, lái xe đảo qua đảo lại khiến chúng tôi sợ hãi. Khi Bố lái xe đảo đảo như vậy và quay nhìn lại băng sau, trong khi Bố phai luôn luôn nhìn về đằng trước, thì chúng tôi thật lo sợ. Dĩ nhiên, không có gì nguy hiểm lắm về tai nạn xe cộ xảy ra, bởi vì ở trên con đường chúng tôi đang đi, có rất ít xe cộ qua lại. Dù sao chúng tôi vẫn thấy rằng Bố phải lái xe chạy thẳng mới được.
Tôi nhớ hồi Bố mới dạy Mẹ lái xe, lúc nào Mẹ hơi mới quay mắt nhìn chỗ khác một chút xíu thôi, thì Bố đã nói ngay: “Phải luôn luôn để mắt nhìn về đằng trước. Bộ muốn xảy ra tai nạn hay sao?"
Khi chúng tôi đã ra khỏi đường nhỏ và rẽ ra khoảng đường cái, Bố cho xe chậm lại để chờ một chiếc xe khác vượt qua. Tôi nghĩ  rằng đây là dịp tốt để mình lôi vấn đề đi chơi Phú Lâm ra nhắc Bố Mẹ. Tôi há to miệng ra định mở đầu nói. Chưa kịp cất tiếng, Bố đã nhìn vội vào đồng hồ rồi nói:
- Ta chắc còn đủ thì giờ để chạy tới Chí Hòa.
Mẹ kêu lên:
- À phải rồi. Bây giờ tôi mới nhớ. Báo chí vừa đăng tin có một số phạm nhân vượt ngục, tất cả đều bị bắt ngay lại, chỉ còn một tên trốn thoát. Có tin cho rằng tên tù vượt ngục đó chắc đang quanh quẩn đâu đây.
Tuấn nhìn thấy miệng tôi đang há to ra như vậy bèn nói:
- Thế còn chị Thảo tôi định nói điều gì vậy?
Tôi hỏi lại:
- Chị ấy hả? Nói gì đâu nào?
Tôi biết ngay bây giờ không phải là lúc hỏi Bố Mẹ về chuyện đi chơi Phú Lâm nữa, vì Mẹ tôi sẽ nghĩ ngay tức khắc mọi chuyện rủi ro có thể xảy ra cho ba đứa con gái ở một mình một nhà như vậy.
Tôi bình tĩnh trả lời:
- Chị chẳng có một chuyện gì để nói cả.
Tuấn nhìn tôi hơi xa lạ rồi nói:
- Nếu không có gì để nói, sao chị không ngậm miệng lại dùm một chút. Để gió lùa vào chắc bị cảm mất.
Bố quay nhìn chúng tôi qua tấm kính chiếu hậu, khiến chúng tôi bỗng nhiên im lặng.