Chương 10

    
ến đây, đội CC3 gặp dãy núi đá xám dựng đứng, cao ngợp mắt. Chòm thông thưa trên đỉnh giống một hàng cò lêu đêu ngước mỏ lên mổ trời. Cảnh núi đơn giản đến dễ sợ. Mây móc vào ngọn thông, thông cắm vào đỉnh đá, đá sừng sững thành vại đổ xuống lũng sâu đầy ngọn cây nhọn như cái hố chông. Chim đứt đường không đủ sức vượt núi cũng tránh xa quãng đường đèo chết lặng này.
Đội đi tránh đồn và làng, phải vượt qua một chỗ đèo yên ngựa. Sợi dây rừng to bằng ngón chân cái nối chằng năm người với nhau. Đầu ngón tay bíu vào đá đến sứt móng, tóe máu, kéo người rướn lên từng gang. Mồ hôi dán vào áo vào lưng, xông lên mặt ngùn ngụt. Mỗi tiếng đá rơi giống như một luồng điện phóng qua sợi dây rừng lạnh buốt, cả năm người cùng ngoái cổ xem ai hụt tay. Tiếng Văn Thon trên đầu vọng xuống từng lúc:
- Được một nửa rồi!
- Có con rắn, coi chừng!
Văn Thon không quen trèo núi. Bàn tay chuối mắn sờ các mấu đá, lóng ngóng. Khiêm đi cuối cùng, đeo ba lô điện đài và hai khẩu súng, trườn nhanh như sóc, thỉnh thoảng đưa tay kéo Pha lên. Đôi lúc bên trên trèo chậm quá, Khiêm lại chọn chỗ ngồi nghỉ, cười với Pha, hát lẩm nhẩm một bài tếu:
…Tớ vội vàng bỏ - nhà ra - đi ngay
Bao công việc dấm dớ phó - thác cho - bu mày...
Văn Thon đưa tay quệt mồ hôi chảy tràn vào mắt. Cắc! Một mấu đá gãy rời dưới chân anh. Bàn tay ướt mồ hôi tuột dài trên đá trơn. Anh chới với, đạp chân vào vách núi, vẫn trượt. Anh chuồi sạt qua cạnh Lương, hai chân đu đưa trên đầu Sử. Sử đang cầm con dao. Sợi dây níu Văn Thon vào bụng Lương. Lương rơi, cả đội sẽ rơi, lao xuống vực. Văn Thon gào:
- Chết cả... cắt dây, cắt nhanh!
Lương quàng hai tay ôm một gốc cây, quát:
- Không cắt!
Sợi dây bật căng, thít bụng anh. Lương nghiến răng ôm ghì gốc cây, đeo Văn Thon bằng sức bụng, người muốn đứt làm đôi. Anh ngạt thở, há mồm không kêu ra tiếng. Văn Thon lủng lẳng đầu dây, mắt trợn trừng:
- Cắt mau... chết cả!
Khiêm trèo vọt lên, súng quật vào núi lách cách. Khiêm nhô vai lên vừa sát chân Văn Thon. Sợi dây chùng dần, Văn Thon bám được hai tay, run lẩy bẩy. Trên kia Lương nằm bệt xuống một chỗ phẳng, thở cả mũi, mồm, tai. Bụng anh tuột một đường đỏ hỏn.
Nhích trên chỗ gốc cây, núi hõm thành hàm ếch. Năm người nghỉ còn rộng trên mặt đá. Khiêm rót nước phát cho mỗi người nửa cái ca nhôm, gấp đôi mức thường. Riêng phần Sử, Khiêm rót gần đầy ca, và xén bớt suất mình chỉ còn đủ một hớp. ấy là để động viên Sử.
Nghỉ một lúc, hai cậu lại tán chuyện. Khiêm cười khơ khớ, Sử cũng bật cười theo.
Chả là hôm qua đi dọc đường, anh Lương nói chuyện với Khiêm lâu lắm. Khiêm thấy anh nói chính trị mà không có vẻ chính trị, cứ như anh em tâm sự với nhau. Anh tỉ tê dỗ Khiêm nên làm lành với Soan. Ai chứ Soan với anh Tuyên thì còn lạ gì, họ xem nhau như chú cháu. Con giai con đứa ghen vớ vẩn, không biết xấu. Khiêm tin răm rắp. Anh Lương nói thì phải đúng. Trước tiên bởi vì anh từng trải sự vợ con, ắt hiểu tính phụ nữ. Anh lại hay về mặt trận bộ, quen từ trên xuống dưới. Nhưng cái chính là vì anh đánh giặc giỏi. Theo ý Khiêm thì người chỉ huy giỏi tất phải giỏi đều mọi mặt trên đời, cái gì cũng biết. Các chú bộ đội trẻ vốn hay xem người cán bộ giỏi như ông thánh sống.
Lương đặt tay trên vai Khiêm, trầm ngâm như nói với chính mình:
- Cậu cũng giống như mình trước đây, hay hoang phí lắm. Sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc... cái gì cũng vung tay quá trán, ném đi không tiếc. Đừng thế cậu ạ. Người cách mạng biết hy sinh tất cả khi Đảng cần đến, nhưng không hy sinh ẩu bao giờ. Cậu hay liều mạng có lẽ vì cậu chưa hiểu... tính mạng chúng ta là của Đảng, là cái vốn chung của Cách mạng giao cho ta giữ. Chết vô ích là làm hại Cách mạng đấy.
Khiêm đột ngột hỏi:
- Sao mọi ngày trông anh... anh nghiêm thế hở?
Sử đi sau, ngước mắt nhìn cái gáy hõm sâu, tóc phủ kín của Lương. Rồi nhìn xuống chân Lương đi nhúc nhắc. Lương nói từng câu rời, chậm, gần như thì thầm một mình:
- Các cậu đôi khi bảo mình là người gỗ đá. Gỗ đá thế nào được hở cậu? Cái ngày được tin gia đình chết, vợ bỏ đi lấy chồng khác, mình thấy chung quanh như đổ nát hết, tối đen. Thế rồi dần dần mình thấy mình vẫn còn rất nhiều. Còn các cậu, còn công tác nữa chứ. Cứ thế chuyện cũ nó khuây dần đi. Nghĩ xa hơn một chút, mình thấy vui. Về cuối cuộc đời, quay nhìn lại quãng đường đã qua, mình nghĩ rằng tất cả những cái sướng khổ của riêng mình sẽ không có gì đáng kể nữa, biến đi hết, chỉ sót lại chút ít gì cống hiến cho cách mạng là còn sống mãi...
Khiêm chưa bao giờ nghe anh Lương nói dài hay như thế. Hàng ngày gần anh em, khi chơi hoặc khi làm việc, anh chỉ mở miệng khi cần thiết. Khiêm nghĩ lâu lắm, rồi rụt rè:
- Anh Lương ạ…
- Gì thế?
- Tôi... tôi muốn xin vào Đảng, được không anh? Bác Cống bảo cố gắng thì được. Lâu nay tôi vẫn cố gắng đấy.
Khiêm đỏ mặt, ngoáy mãi ngón tay trong lỗ mũi.
Dạo trước bác Cống nói: “Mày bớt tếu đi, tao mới dám giới thiệu”. Từ đấy Khiêm bớt tếu nhiều, nhưng đôi lúc cũng giở trò khi quên lời bố dặn, ví dụ như hai vụ bắt chó đồn và ném thuốc lá cho lính gác hôm nọ.
Lương mỉm cười:
- Vì sao cậu muốn vào Đảng?
Khiêm ngớ ra. Câu hỏi bất ngờ quá, bác Cống chưa hỏi thế bao giờ. Khiêm chỉ nghĩ rằng muốn vào Đảng là sự tất nhiên, cũng như muốn giết nhiều Tây, muốn nói chuyện với Soan. Ậm ừ một lúc, rồi Khiêm nói rất thật:
- Vì tôi muốn tiến bộ như anh, như bác Cống.
Câu chuyện đứt quãng nửa giờ vì qua chỗ dốc trơn. Rồi Lương vẫy Khiêm tụt lại sau:
- Mình sẽ báo cáo chi bộ. Nhưng phải thử thách cậu một tí. Đồng ý không?
- Vâng. Nay mai vào đồn thì...
- Không cần. Bây giờ mình giao cậu Sử cho cậu lãnh đạo. Từ hôm đánh mất đài, nó bi ghê lắm, mình động viên mãi chưa ăn thua. Cậu với nó dễ thân, nên đi sát nó, làm thế nào nó tươi lên tí.
Khiêm gãi tai, nghĩ. Khiêm chưa lãnh đạo ai bao giờ. Gay thật, còn khó hơn vào lô cốt ngầm theo bóng thằng lính đổi gác. Trước tiên hẵng bắt chước cái gương mẫu của bố Cống:
- Mày đưa ba lô tao mang giúp. Đeo khẩu các bin cho nhẹ này.
Tươi được một lúc, Sử lại xìu. Khiêm vắt óc nghĩ cách khác:
- Mày ăn súc cù là nhé?
- Tếu đấy chứ?
- Thật. Của chiến lợi phẩm, bố Cống trữ mãi, hôm đi đây mới cho tao.
Thỏi súc cù là ăn tỉnh người, thêm sức. Sử đi nhanh hơn. Thế là qua bước nữa. Khiêm lại bí. Cái phương pháp động viên bằng súc cù là chỉ dùng được một lần, không phải kế lâu bền. Khắc nghĩ, khắc làm, Khiêm bèn kể chuyện dông dài cho Sử vui chân dọc đường. Kể rằng:
- Đời thằng lính là một sự tươi. Mày là lính văn phòng, ngồi tạch tè một chỗ nên mày hay buồn bỏ xừ. (Khiêm tin thế thật). Ra chiến đấu hay trinh sát mới nhộn. Làm hùng hục chết thôi, mà quấy cũng khiếp...
Của đáng tội, nói những chuyện phá quấy cũng không phải là lối lãnh đạo hay. Khiêm biết vậy mà cứ nói, vì không có chuyện gì khác. Với lại Sử thích nghe loại ấy hơn cả.
- Cái hồi luyện quân Tây Bắc, đại đội tao có cậu lính kèn, cứ đúng bốn giờ sáng là thổi xói vào tai cái bài kèn dậy: “Đêm hôm qua cô quấn lấy tôi tôi cứ ghét ghê”. Là chúng tao xuyên tạc ra cái lời thế. Bốn giờ sáng, rét rét kinh. Chúng nó cử tao bịt kèn, nửa đêm chui vào buồng anh tò te. Hôm thì tống ổi xanh vào loa. Hôm thì bôi tí mật vào chỗ mồm thổi cho kiến nó bám. Đến lần tao giấu biến cái lưỡi gà thì bị tóm. Bò năm vòng sân tóe phở!
Đại khái những trò như thế chú “Vệ lỏi” Khiêm rất nhiều kinh nghiệm. Sử bưng mồm cười khi khí. Lương cũng lây cái tươi mởn của chú em nổi tiếng láu cá láu tôm. Đói khát mệt nhọc thế, mà nó vẫn cứ đỏ hồng, xinh trai, cứ phởn được như thường mới lạ!
Nghỉ một lúc đỡ mệt, Văn Thon chống cùi tay nghiêng người ngắm cảnh dưới chân núi.
Văn Thon ở đồng bằng, rừng quanh năm chặn mắt, không quen nhìn xa. Giờ đây anh choáng váng, nhẹ bỗng, ngực căng phồng trước trời đất mở rộng. Dưới kia là rừng xanh thẫm, chen những ruộng mượt non màu lúa con gái, vườn cà phê sùi lô nhô những cụm tròn, làng rắc những mái nhà vuông xám trên đất đỏ, tất cả chen nhau chỗ đứng trên bờ con sông từ chân trời đổ xuống. Đất Lào rộng lớn quá. Đất nước tỏa lên sức mạnh kỳ lạ, sức mạnh của những người khổng lồ từ đời ông tổ Khum Bôlom về đây mở nước. Dấu chân họ là những vũng đầm lấp lánh giữa rừng kia. Vết tay họ moi núi đào sông còn đỏ tươi kia. Tích xưa kể lại những người cao một trăm cùi tay, con cháu của Thần Rắn, đã bắt đàn voi dữ có dấu chân rộng ba sải, đuổi những bầy Kinali nửa người nửa chim, đắp nên bờ cõi nước Triệu Voi…
- Đẹp quá!
Tiếng Lương vẳng như hơi thở. Văn Thon khẽ gật đầu. Lương cũng mở to mắt nhìn ra, như bị hút vào không gian trong biếc. Mũi anh phập phồng tìm cái mùi gió muối say say từ biển về, rất quen và rất thương nhớ. Hai người rì rầm bên tai nhau, như sợ tiếng người rền xuống dưới kia to quá. Giấc mơ ngày mai vỗ cánh lượn trên đất Lào. Con sông quay guồng máy điện. Xe lửa tuôn khói chạy sang Việt Nam, Khơme, Trung Quốc, Thái Lan. Gạt băng cái đồn Pháp trên quả đồi mu rùa kia đi, thả lên đó mấy chiếc máy cày sình sình lật đất lên trồng cà phê. Nước Lào giàu vô kể…
Mé sau Văn Thon, Pha từ từ nhỏm lên, nghe như nuốt từng lời. Thung lũng xanh um trước mắt Pha chớp chớp biến hình theo câu chuyện của hai anh bộ đội rách tướp, râu xồm xoàm, người chằng chịt vết gai cấu. Tự nhiên Pha nhớ đến bài con lâm của bố có cái đoạn nói chàng Chăn Thakhôrốp đưa vợ về phương Bắc, xẻ cánh tay lấy máu cho vợ uống. Đội cũng đi theo con đường vượt núi của chàng Chăn Tha, từ núi Vượn về sông Xê Ban. Pha cúi nhìn bộ quần áo bộ đội của anh Lương đưa cho mặc, bỗng nóng bừng hai má. Một cái gì lẫn lộn cả thương, khổ, ước ao và tủi thân vừa thoáng qua trong lòng cô gái ho lao. Pha không dám nhìn thẳng Lương nữa.
Lương xem đồng hồ:
- Nghỉ quá nửa giờ rồi. Đi nhé!
Một vầng mây trắng xốp lừ lừ bò quanh sườn núi che bức tranh màu dưới kia. Năm người ngồi trên hang đá như bồng bềnh trên hòn đảo giữa biển mây. Chung quanh họ, các chỏm núi nổi nhấp nhô, khi cao khi thấp. Ngửa đầu nhìn lên, con mắt tắm mát rượi trong biển xanh không đáy, có những bè mây gối nhau trôi êm êm. Nhắm mắt lại, ngủ một giấc...
- Đi thôi!
Phải đi.
Lên quãng nữa, dốc đá thoải dần ra. Lương dừng lại đợi Văn Thon:
- Có lẽ núi này chưa ai trèo qua đấy nhỉ?
- Ừ. Chúng mình tránh làng mới vất vả thế này.
- Không có anh, tôi đã xóc ngọn thông dưới kia.
- Thế tôi rơi anh lại chịu bỏ à? Sống thì sống cả chứ.
Văn Thon cười, vỗ lưng bạn:
- Tôi muốn hỏi anh tí việc.
Nhưng rồi Văn Thon không nói tiếp. Có nên nói nữa không? Anh thấy cái thắc mắc dạo nọ với Lương, Đại và chung cả anh em Việt, cứ tan dần đi trong mấy ngày lạc rừng vừa qua. Nghĩ lại, anh hơi xấu hổ. Thôi đừng nói, tốt hơn. Để về nhà sẽ đưa ra rút kinh nghiệm.
Đến đỉnh rồi. Bãi cỏ mát chân quá. Văn Thon vừa đi mấy bước bỗng ngồi thụp:
- Coi chừng địch!
Khiêm giật cơ bẩm khẩu các bin, lăm lăm. Lương vẫy Sử và Pha nằm rạp xuống. Cái mũ ngụy binh rộng vành trong bụi cây đằng trước vẫn không động. Văn Thon quát hỏi. Im lặng. Anh đến bên lùm cây, bỗng bước lùi.
Một bộ xương người.
Người chết nằm ngửa, hai tay duỗi dọc thân. Mối đã ăn sạch nhẵn tất cả, chỉ để lại những khúc xương bóng màu ngà, mấy cái cúc, cái khóa thắt lưng đồng. Một khẩu tiểu liên xìten bọc trong nilông treo lủng lẳng trên đầu, cái mũ móc vào băng đã mục trắng.
Mọi người vây quanh xì xào. Xác địch hay ta không rõ. Mũ ngụy, khóa thắt lưng kiểu lính nhảy dù, chắc là xác địch. Lương nhấc khẩu súng, tháo nilông:
- Bôi đẫm dầu, còn tốt...
Văn Thon tiếp luôn ý Lương:
- Anh em ta rồi. Địch không quý súng.
Trong băng đạn rỗng có kẹp mẩu giấy con. Lương đọc hai câu viết bằng chữ Lào và Việt, cùng một nghĩa: “Khỏ xôồng pưn ni hạy koong băn-xa-can xa-nảm-rốp. Xin trả súng này cho Ban chỉ huy mặt trận”.
Bên dưới ký hai tên: “Thạo Khâm Thoong, Nguyễn Đồng”. Hai tên cũng na ná như nhau. Một là tên thật, một là bí danh. Chiến sĩ Itxala hay Tình nguyện?
Khiêm lấy dao moi hố. Pha gục đầu, sợ thin thít. Còn Sử đứng ngây nhìn cái đầu lâu không chớp mắt, một ý nghĩ ngấm sâu dần trong óc như dầu loang. Lương mở gói nilông trong túi, đặt mẩu giấy vào giữa lòng tập Anh hùng ca số 5, gói lại. Cử chỉ anh trang trọng, thành kính.
Nơi đây không có tiếng chim, tiếng thú. Gió lùa chậm qua đèo, rung lá đều đều thành tiếng im lặng của rừng, cũng như sóng vỗ rì rào là tiếng im lặng của biển. Hãy nằm lại đây đồng chí nhé. Con đường đồng chí đi trước mà không qua được trọn, chúng tôi sẽ mở thêm một quãng nữa, rồi những người đến sau chúng ta sẽ tiến xa hơn và về đến đích.
- Đi thôi!
Cái đồng hồ trên tay Lương vẫn xoay tròn đôi kim, khắc nghiệt. Đội chuẩn chiến trễ hẹn với mặt trận bộ mất ba hôm rồi. Phải đi gấp. Bước mấy bước, Lương còn quay lại ngắm nấm mồ mới đắp của người đồng chí đã đến nghỉ nơi đỉnh cao lồng lộng này mà nhìn về đất nước Lào đang sôi sục.

°
°    °
Họ nhắm hướng Bắc vượt núi. Cái địa bàn Nhật của Lương đã rơi vỡ nát, Văn Thon ngắm mặt trời, xem dấu rêu tìm hướng. Tấm bản đồ thành vô dụng, vì không thể nhận ra đỉnh nào thung nào nữa. Rừng núi giăng màu xanh bưng mắt từ sáng đến tối.
Chiều hôm sau họ gặp vết chân người. Cả đội mừng cuống, chia nhau đi tìm. Khiêm reo ầm khi sục ra cả một dãy lều lợp lá chuối bỏ trống. Một trung đội của ta mới hành quân qua đây, Khiêm nói như dao chém đá. Nhưng Văn Thon nhìn những tàu lá khô quắt rủ lòng thòng, lắc đầu. Đây là làng người Toong lưỡng (lá vàng). Người Toong lưỡng mặc khố vỏ cây, đánh đá lấy lửa, không biết làm rẫy, lá chuối lợp lều vừa úa vàng là dời đi ở nơi khác. Họ xoá hết dấu vết dọc đường. Chưa ai theo dấu mà tìm ra làng Toong lưỡng bao giờ.
- Thế anh biết vùng này à?
- Không. Mình chỉ nghe nói.
Pha cũng nhớ ngày xưa bố đi săn voi về, kể rằng có ngủ lại một đêm ở làng Toong lưỡng. Vì đi lạc mới gặp họ.
Đội lại cắt rừng về hướng Bắc.
Sử đi giữa hàng, sau cái gáy hũm đầy tóc của Lương và trước khuôn mặt xanh, với đôi môi mím chặt của Pha.
Sử bước đều đều trong một cơn mê dữ. Nhịp chân đằng trước đằng sau kéo Sử đi, và Sử cảm thấy rất rõ những sợi dây vô hình buộc thân thể mình vào với Lương, Khiêm, đang giật bắp thịt trên chân mình co duỗi như cái máy. Rời đội ra, Sử đã gục xuống từ bao giờ.
Sử kinh sợ trước cái quyết tâm của Văn Thon và Lương. Quyết tâm như núi đá: Anh hùng ca số 5 phải về đến nơi kịp mở chiến dịch. Đói cũng đi. Khát cũng đi. Chân sưng to, chảy mủ, cứ đi. Ai kiệt sức lăn ra thì cắt người ở lại trông nom, cố mà bò về sau. Còn lại: Đi! Bản báo cáo không thể đợi ai. Khu du kích đang bị bao vây không đợi, chiến dịch không đợi, nên họ không dừng lại đợi. Họ đã tính tách bạch: Bốn hay năm mạng người này đổi lấy thắng lợi không phải là nhiều. Mới nghe qua Sử thấy họ nhẫn tâm quá, không còn chút tình thương nào. Y như là phải móc con tôm vào lưỡi câu mới mong được cá.
Nhưng nhìn lại Lương, Sử hiểu rằng trong số người dự tính sẽ ngã ấy có cả Lương, và Lương có thể là người đầu tiên ngã xuống. Đến chỗ nghỉ, Lương ra góc vắng rửa vết thương, không cho ai đến gần. Khi ngủ, Lương đã nằm riêng ra một góc mà mùi thối còn bay. Hình như Lương không đi bằng chân nữa mà đi bằng sức lửa trong con mắt phải. Con người nhúc nhắc ấy như khối thép nam châm hút cả đội theo mình. Dáng dấp anh vẫn điềm đạm như lúc thường, chỉ có sau hôm bắn Chánh thì anh hay thừ ra nghĩ ngợi, và nói chuyện với Sử nhiều hơn trước.
Còn Văn Thon, anh vất vả gấp đôi mọi người. Lên trước tìm đường, lùi sau xóa dấu, tay phạt dao hùng hục từ mờ sáng đến nhọ mặt người. Râu mọc kín nửa mặt như đống rễ tre. Anh như muốn chẻ người làm hai làm tư để vừa xẻ đường vừa tìm thức ăn vừa trông nom từng người trong đội.
Họ không biết thương đồng đội ư? Vô lý!
Tình thương của họ rộng lớn quá, Sử ngợp thở không theo kịp. Sử không oán trách ai, chỉ quay lại trách mình.
Trên ghế nhà trường, hồn Sử rực ánh sáng của lý tưởng anh hùng. Sử đọc ngốn ngấu các tiểu thuyết kháng chiến và những tập truyện phiêu lưu mạo hiểm của Jules Verne, Sử thuộc gần hết thơ Tố Hữu. Thơ của Sử dán bích báo lớp đệ tam chuyên khoa văn học tràn đầy những hình ảnh trống thúc quân reo, vỗ kiếm hát trên biên thùy, vó ngựa chinh phu và mắt huyền đẫm lệ. Nhưng khi nhà trường tổ chức một tuần lễ lấy nứa tự túc hay toàn xã đi đào mương chống hạn thì Sử cáo ốm ở nhà làm thơ. Những giấc mơ hùng tráng nhất rút cục chỉ là mộng đẹp xây trên trang sách. Cho đến ngày Sử xin nhập ngũ, mà đi tân binh ở xã hẳn hoi, chứ không phải vào ngành chuyên môn hay theo học trường lục quân...
Vì sao Sử vào bộ đội? Có hai người biết rõ: Sử và Tuyết Lan.
Tuyết Lan... Cái tên trong trắng, ngát hương. Cô gái con nhà giàu Hà Nội, cùng cảnh tản cư về đại hậu phương như gia đình Sử, sợ máy bay nhưng vẫn mặc áo lụa hồng viền đăng ten, chấm một giọt nước hoa kín đáo ở cổ. Hai năm liền Sử đón Lan đi học theo con đường đê, vì Lan rất sợ trâu. Lan cười, tiếng cười trong như hạt trai rót xuống đĩa sứ. Sử đi sau ngắm mái tóc nhảy nghịch trên cái cổ ba ngấn trắng muốt mà nghĩ ra không biết bao nhiêu là thơ.
- Anh Sử ạ, Lan thích có một người nào yêu Lan đắm đuối, yêu chết đi được, nhưng không bao giờ nói với Lan cả, thế mới thật là lý tưởng anh Sử nhỉ?
Hôm sau Sử đốt lá thư tỏ tình dài tám trang giấy mỏng ngoại hóa.
- Tại sao anh Sử thích làm thơ đánh nhau thế hở? Đi đâu cũng nghe chuyện súng đạn, Lan nhức cả tai. Lan thích những câu thơ hiền và đẹp như bông hoa này cơ...
Sử không dám khoe những bài thơ đầy hùng khí nữa.
Cứ thế trong hai năm Sử theo đuổi một cái bóng đẹp, rất gần mà không bao giờ với đến. Sử học kém dần, công tác hiệu đoàn sút dần. Học sinh rầm rộ tòng quân, vào du kích, đi dân công. Sử lẩn hết, vì: “Anh Sử đi thì ai đưa Lan đi học? Đường đê lắm trâu sợ sợ là...” Lan rất sẵn những nụ cười hai nghĩa, những tiếng thở dài bâng quơ, những cái đưa mắt đi thẳng vào tim, nhưng Sử không thể hiểu được lúc nào Lan thật, lúc nào Lan dối. Có lẽ dối lâu thành thói quen cũng hóa ra thật.
Đùng một cái, Lan lấy chồng, về làm dâu một bà chủ đồn điền. Mấy hôm sau, Sử ký giấy tình nguyện nhập ngũ. Sử lao mình theo cái lý tưởng anh hùng lâu nay bị cô gái ích kỷ và giả dối kia che khuất, và cũng để nguôi bớt thất vọng.
Ba tháng tân binh bò toài lăn lê, bốn tháng học lớp hiệu thính viên, rồi Sử được bổ sung vào Quân tình nguyện.
Trong nhật ký của Sử có một đoạn ghi thế này:
Kỉ niệm hai năm tròn nhập ngũ
Cuộc hành quân đầu tiên trong đời bộ đội sao dài thế! Chung quanh anh em nhìn tôi bằng cặp mắt ngờ vực, chế giễu. Tiểu tư sản mà lị. Tôi tức khí, cố gắng cho bằng họ, bị sưng vai và bong gân mắt cá. Họ không cười nữa, quay ra gánh đỡ tôi, khen tôi chịu khó. Đêm ấy anh Thủ bóp vai cho tôi. Mãi đến khi anh sang đớn vị khác, tôi mới biết anh là đảng viên cộng sản. Bí mật ghê, tâm sự với nhau mãi anh vẫn giấu. Không có anh Thủ chắc tôi nằm lại dọc đường rồi.
Vèo một cái, hai năm qua lúc nào không biết. Hai năm rất ngắn nhưng tràn đầy chất sống. Nếu tính tuổi người bằng hành động chứ không phải bằng năm tháng, tôi đã sống ít nhất là mười tuổi trong bộ đội.
Tôi đã tìm thấy cuộc sống anh hùng mà tôi hằng mơ ước nhưng nó lại không giống như mơ ước của tôi. Nó không dìu dịu, tế nhị, tươi mát mà rực rỡ như tôi vẽ nên trong tưởng tượng. Những câu thơ “hùng tráng” của tôi ngày xưa đâm phá sản. Thơ tôi giống như chàng Icare trong thần thoại Hy Lạp bay lên thật cao bằng đôi cánh gắn sáp ong, đến gần mặt trời thì tan chảy rơi rụng hết.
Càng ngày tôi càng nghiệm thấy cuộc sống chung quanh tôi không thiếu những niềm vui lớn và những phút tâm hồn bay bổng, bởi nó là cuộc sống lao động khẩn trương đến độ cao nhất, hy sinh chiến đấu đến mức trọn vẹn nhất, yêu và ghét đến cung bậc cuối cùng của tình cảm con người. Cuộc sống anh hùng tỏa lên chất thơ, chính là chất thơ.
Tôi đã cố gắng từng giờ từng phút để thực hiện cái khẩu hiệu tự động biên: “Không tụt lại sau hàng ngũ”. Kết quả tốt, nhưng chưa đều. Vẫn còn những lúc buồn ngủ mà báo cáo ôm, ngại vác gạo mới đi họp văn nghệ. Vẫn còn những cái tiểu khí, “tự ái vặt của tạch-tạch-xè” như anh Lương nhận xét. Bao giờ tôi mới thành một người như anh Lương hay anh Thủ nhỉ?
……
 Sử đã được đề bạt tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng. Mặt trận bộ khen thưởng một lần. Trong đợt công tác này, Sử được giao cả công tác mật mã. Hiệu thính viên kiêm mật mã là trường hợp rất đặc biệt, Sử nhận túi tài liệu mà sung sướng đỏ mặt. Suốt hai tháng ở Pà Thạc, Sử không vào đồn lần nào, nhưng vẫn là cánh tay phải tin cậy của Lương.
Bỗng đâu lại xảy ra vụ vất đài chạy tháo thân. Sử giận mình, hối hận, nghĩ lan man đâm mất ngủ. Sức khỏe xuống dần. Đến nay Sử bắt đầu ngây ngấy sốt. Trong cơn thử lửa này, cần phải dồn ý chí lại thành một quyết tâm chắc như cái đinh đóng vào óc, bắt sức thân thể phải bùng lên gấp năm gấp mười lần mức thường để làm nên những việc thần kỳ. Khổ làm sao, nỗi buồn như chất độc ngấm dai cứ loang trong tim Sử, tan vào máu, gậm nhấm từng thớ thịt cho nhão dần ra...
Tiếng Lương bật gào đằng trước:
- Tất cả nằm xuống! Bò vào rừng, nhanh!
Tiếng quát lao xao ở đâu xa lắm. Mấy loạt đạn cày đất bên trái Sử, xén tranh rát rạt. Sử chúi đầu xuống tranh rậm. Khiêm nhảy tới giật khẩu các bin trên tay Sử, bấm khóa hãm, bắn liền liền mười lăm phát hết băng về phía nào đó. Sử ù tai, bò thục mạng. Đạn bay qua đầu Sử “tắc pùng....díu-u-u” như một lồng mèo cắn xé nhau dưới tràng pháo. Khiêm gọi lanh lảnh:
- Sử, bò thấp xuống mày! Kìa cái mông!
Tiếng Lương bị đạn cắt vụn:
- Chú ý… Pha… chặn xung phong…
Đến rừng, Sử nằm vật trên lá khô. Văn Thon ào đến, nòng súng ngắn còn bốc khói: “Pha đâu? Pha đến chưa?” Thoáng bóng Lương máu rỏ dọc ngón tay út, khập khiễng chạy trở ra đồi tranh. Sử ngồi lên, chống hai tay ngơ ngác. Khiêm nhô ra, kéo Sử luồn sâu vào rừng: “Nhanh mày, nó đuổi”. Đến khi hoàn hồn, Sử thấy đội vẫn đủ năm người nối đuôi nhau, như không có gì xảy ra.
Hai giờ sau, dừng lại nghỉ, Sử mới biết ban nãy đội vừa ló ra giữa bãi tranh liền bị một toán biệt kích nhảy dù G.C.M.A. bên kia đồi bắn sang. Hình như địch giăng lưới lùng đội chuẩn chiến, vì trông thấy đội chúng nổ súng ngay, không hỏi. Phải chui qua lưới, hoặc phá lưới mà tiến. Văn Thon vạch que trên đất, bàn hướng cắt rừng với Lương. Pha nhổ nấm cối cạnh bụi hóp, túm vào khăn. Khiêm gác lấp ló đằng xa. Họ mở đường, đánh nhau, tìm thức ăn... Chỉ có Sử là thừa...
Sử đứng lên định giúp Pha nhổ nấm, lại ngồi xuống. Đầu Sử nặng, nhức. Giá được nằm xuống đây ngủ... ngủ một giấc dài rồi quên, quên hết...
“Mày có bà con trong thàn. Mày học lên kỹ sư bác sĩ, sau này độc lập mày ra giúp nước, cũng ông nọ ông kia chứ ai dám khinh mày là đứa đào ngũ? Mày có theo Tây đâu”. Sử kinh tởm khi nghe Chánh nói, nhưng lời nói của Chánh bám vào người Sử như một thứ bùn hôi không gột được. Có lẽ... có lẽ nó nói có chút nào đúng chăng? Mình bỏ phí tài năng, cái trình độ đệ tam chuyên khoa bây giờ cũng hiếm...
- Đồ hèn!
Sử buột mồm, mắng mình thành tiếng. Khiêm bước nhanh đến, săn đón:
- Mệt lắm rồi hả? Đưa nốt các bin đây tao.
Mồ hôi Khiêm rỏ giọt ở cằm và cùi tay. Khiêm vác ba khẩu súng, đeo điện đài. Lương ra lệnh chôn súng và đài để sau này tìm lấy lại, Khiêm bàn: “Để lúc nào tôi đuối hẵng chôn. Bỏ lại đây xa quá khó tìm. Cướp được súng của Tây có phải dễ!”.
Khiêm lại kể chuyện cho Sử vui chân:
- Đến cái mục kiếm ăn lẻ thì là cả một sự thú. Chỉ nói sơ qua khẩu súng trường cầm tay thôi nhé. Lấy được đạn Tây thì năm chục cứ báo cáo ba chục nộp lên, còn nhét túi. Đi công tác lẻ thì tha hồ bắn công với gà gô, đem vào rừng tẩm muối ớt nướng ăn nứt bụng. Cán bộ nghe tiếng nổ thì cứ nói là nòng súng gỉ, bắn lau nòng. Lại còn bắn cá nữa. Mày ném vài hạt cơm hay nắm đất xuống chỗ suối đá, các chú cá túm tụm lại thì đòm cho một phát vào giữa, nó tức hơi nó chết. Nhưng không được nhúng mũi súng xuống nước, nó tức hơi vỡ nòng thì mày chết. Hì hì.. Tao chỉ phải cái bệnh tự do chủ nghĩa ấy mà lắm lúc bị bố Cống chan tương đổ mẻ vào mặt, đứng nghe chỉnh cứ sượng ngấm…
Sử cười buồn, ngắt lời Khiêm:
- Có bao giờ mày chán đời không Khiêm?
- Không.
- Thật chứ?
Khiêm nhíu chán, cố nhớ. Rồi nhận:
- Cũng có. Như lúc cái Soan nó... ấy mà, tao chán đời kinh.
- Thế mày làm gì?
- Còn làm gì nữa, đã bảo chán đời mà! Tao xách ba lô về đơn vị ngay tắp lự. Đánh nhau khắc quên. Mà thôi, đừng nói chuyện lãng mạn nữa. Mày khát chưa?
Khiêm gọi chung tất cả những sự yêu đương hay nhớ vợ là “lãng mạn”. Đôi khi quen mồm Khiêm cũng nói: “Tao lãng mạn với cái Soan bột một dạo...”
Khiêm lùi lại sau, đưa tay kéo Pha bước qua thân cây đổ to bằng thân voi. Sử ngồi xuống tảng đá, uống nước. Khiêm đi đến, thấy Sử ngồi dạng hai đầu gối, nhìn sững xuống đất. Mắt Sử có cái gì lạ, vừa sáng vừa dài dại. Khiêm nhặt cái ca rơi úp dưới chân Sử, giục:
- Đi chứ, coi chừng lạc.
Sử ngấc đầu. Một cử chỉ gãy khớp, như bị giật đây.
Khiêm dỗ:
- Đi mày, đừng tụt lại sau. Mày lại vác đèn đỏ đi cuối rồi.
Cả câu trêu “đèn đỏ” cũng không lay được Sử. Cái mũi đỏ của Sử nhợt màu từ lâu. Khiêm cuống,.gãi tai, quay về phía trước gọi to:
- Dừng lại nhé. Cậu Sử mệt rồi.
Không có tiếng đáp. Văn Thon và Lương có lẽ đã đi xa. Khiêm vành tay lên miệng định gọi nữa, thì Sử đứng dậy, nhặt cây gậy:
- Thôi để tao đi. Mày nói phải, đừng tụt lại sau...
Sử cười một tiếng lạnh ngắt, khó hiểu.
Tối đến, Sử kêu mệt không ăn, đi nằm ngay. Khiêm vun cho Sử một ổ lá thật dày, trải chăn mình lên trên. Lương đốt lửa xong, đến bên Sử. Anh cũng thấy ánh mắt và cử chỉ không bình thường của Sử. Trán Sử mát, không sốt. Sử trả lời ậm à một lúc, rồi nhổm dậy:
- Tôi hỏi, đề nghị anh nói thật, đừng động viên làm gì. Anh khinh tôi có phải không?
- Không!
Sử hổn hển:
- Tôi đã bảo anh đừng dỗ ngọt mà. Đi với anh mới vài tháng, tôi mấy lần nổi tự ái, tránh việc nặng. Rồi tôi vất đài mà chạy. Nếu còn đài, tôi sẽ điện toàn văn tập báo cáo về mặt trận, đội chỉ việc quay về nghỉ ở hang núi Vượn, có đâu phải chết mòn dọc đường thế này. Thằng Chánh rủ tôi đào ngũ không được, nó dọa đẩy tôi xuống hố. Tôi sợ nên không dám báo cáo với anh để đề phòng. Đến bây giờ tôi lại thành gánh nặng của đội. Tôi đáng khinh lắm, việc gì anh phải an ủi?
Lương nhìn Sử trừng trừng, nghe hết cả tràng lời gay gắt ấy, bỗng thấy thương Sử lạ lùng. Anh muốn ôm Sử nhưng chỉ nắm bàn tay. Anh không quen vuốt ve.
Về khuyết điểm, cậu nói đúng. Nhưng cậu không có gì đáng khinh cả. Cậu phụ trách điện đài, mật mã, thư ký, không có cậu thì chúng mình bấn to chứ. Tập báo cáo này (anh vỗ túi áo ngực) nếu để mình làm thì phải mất hàng tháng, mà lại lộn xộn, thiếu chính xác. Đừng quên cái phần đóng góp của mình đi mà buồn. Khi mới nhập ngũ, mình nghe tiếng súng hoảng quá, chạy rơi cả lựu đạn không biết, về bị phạt toài giữa sân nhà dân suốt một buổi. Mình cũng thấy nhục. Rồi dần dần con người rèn giũa mãi mới chắc ra, bạo ra, quen súng đi. Cậu đừng nghĩ quẩn.
Lương bóp bàn tay Sử mạnh hơn. Đường nhăn dọc từ tinh mũi lên trán hằn sâu hơn, lên đến chân tóc. Trông anh nghiêm và dữ. Nhưng trong lúc rối loạn này, Sử muốn nghe những lời nghiêm khắc hơn là mơn trớn suông. Sử nhích lại gần anh.
- Cậu mới vào bộ đội, lúc ở nhà lại sướng quen, nên cậu chịu khổ không bằng chúng mình. Cái đó có thật. Nhiều lúc cậu còn tự ái, kiêu ngầm, sống cô độc, mình cũng nhận thấy. Nhưng cậu phải biết tự hào. Tự hào là đúng. Mình không so sánh cậu với những đứa sấp lưng chạy theo địch như thằng Chánh. Mình chỉ muốn cậu nhìn lại mấy đứa trốn tòng quân hôm nọ cậu kể mình nghe đấy. Chúng nó luồn trong kháng chiến như con rắn, tìm con đường tiến thân một mình mà miệng vẫn xưng là vì dân vì nước. Chính bọn ấy mới đáng khinh. Còn cậu, cậu dám nhảy vào trong lò lửa, lao vào cuộc chiến đấu lớn này, sao cậu tự hạ mình thế? Nên bỏ cái kiêu căng đi, mà giữ lấy lòng tự hào chính đáng Sử ạ.
Sử nhìn Lương, sửng sốt. Lương nói như đếm tách bạch từng ý nghĩ sâu kín của Sử. Sử thấy vui, ngượng, rộn rực hẳn lên. Còn Lương lại tự nhiên đâm ra lúng túng. Anh không quen nói hùng hồn thế. Anh đứng dậy định đi. Sử níu lại:
- Anh Lương này, tôi còn một cái thắc mắc.
Sử ngó thẳng vào đường nhăn dựng ngược trên trán Lương, tin rằng Lương không nói quanh.
- Có bao giờ tự sát là tốt không anh?
- Sao?
- Có trường hợp nào nên tự sát không?
Lương không vặn lại như Sử tưởng: “Vì sao cậu hỏi thế?”. Câu chối Sử đã sắp sẵn hóa ra thừa. Nhưng Sử không biết rằng câu hỏi của mình khía vào ngực Lương đau buốt. Lương cố giữ bình tĩnh. Chao ôi, Sử bi quan đến mức ấy rồi ư? Lương như thấy trước mắt mình một ngọn đèn lắt lay muốn tắt. Phải giữ lấy chút lửa đom đóm còn lại, khêu nó lên. Anh bối rối, nói gọn:
- Không. Mình chưa thấy lúc nào nên tự sát.
- Giả dụ như… ấy là tôi nói ví thế… nếu một người không giúp được gì cho tập thể, thành ra gánh nặng cho tập thể thì sao?
- Cậu nói chung chung quá.
- Thôi vậy, tôi lấy trường hợp anh. Nếu chân anh sưng tấy lên, không đi được nữa, anh làm thế nào?
Lương thở phào, nhẹ nhõm. Thật tình anh cũng ngại nói lý luận với cậu học sinh chuyên khoa này.
- Mình đã quyết định rồi. Nếu không đi được nữa, hoàn toàn không cố được nữa, thì mình ở lại đi sau. Không đi được thì chống nạng, lê, bò, lăn, cuối cùng nhất định về đến nhà. Với lại đội sẽ cắt người ở lại săn sóc mình cơ mà.
- Một phát đạn là hết khổ. Đơn giản vô cùng.
- Đơn giản nhưng hèn nhát!
Lương cố ý quật một ngọn roi mạnh. Sử gật đầu, cười:
- Hèn nhát thật anh ạ.
Một lúc sau, Sử ăn hết nửa nồi măng luộc, phần để dành bữa sáng mai của đội. Lại tỉ tê tán gẫu với Khiêm rồi hai cậu ôm nhau ngủ. Sử vui khiến cho Khiêm, Lương đều vui theo.
Sử đã tin ở mình, ở đồng đội. Sử biết mình kém, nhưng là kém trong số những người đứng trên mũi nhọn của cuộc chiến đấu. Những đồng chí chung quanh Sử mang mỗi người ít nhiều tật xấu: Khiêm tếu, bác Cống hà tiện, anh Lương khắc khổ, anh Văn Thon nóng nảy. Nhưng họ đều là anh hùng không tên. Sử bừng lên vui sướng khi nhớ rằng mình đang sống và chiến đấu bên cạnh những người anh hùng, đúng như trong nhiều năm Sử hằng xây mộng trên ghế nhà trường. Mỗi người một tay, họ sẽ dìu Sử vượt qua lần thử thách lớn này, để Sử tiến lên kịp họ, bằng họ.

°
°    °
Cái khăn che mặt Sử rơi ra. ánh nắng thấm đỏ hai mí mắt. Sử ngoẹo đầu, nhìn nghiêng. Rừng hai bên lắc lư đều đều như Sử đang đi thuyền qua chỗ thác hẹp. Trên đầu Sử, một cây tre dài chạy về phía chân, gác trên vai Lương. Chớp mắt lờ đờ một lúc, Sử mới nhận ra mình đang nằm trên võng, Lương và một người nữa khiêng đi. Sử nhắm mắt, nằm im. Trong hành quân, bộ đội khiêng người ốm là sự thường. Sử ốm thật đấy chứ. Cơn sốt rét quật Sử lăn lộn lúc gần sáng, cả đội thấy rõ. Sử duỗi hai chân trên tấm võng kaki của Văn Thon, từng khớp xương dãn ra dễ chịu. Anh em khiêng một hôm, vài hôm, Sử khỏe lên khắc đi được.
Qua mi mắt hé, Sử nhìn vào gáy Lương. Cái gáy nhìn mãi ấy, hôm nay lệch sang bên, ướt sũng mồ hôi. Cái vai cũng lệch sang bên. Võng lắc nhiều, vì Lương đi bước ngắn bước dài. Cái chân sưng... Lương kiệt sức mà phải khiêng Sử, đi nhúc nhắc. Người Sử rộn lên. Những bọt gì sủi lên cổ cay cay, ép nước mắt vọt ra. Nhưng Sử vẫn không cựa quậy. Sử phân bua với mình: “Anh Lương còn khỏe, chịu khổ quen hơn mình. Nằm một lúc nữa, một lúc nữa thôi...” Bỗng nhiên Sử thấy căm ghét mình đến cùng cực.
Sử chống tay nhỏm lên, phều phào:
- Để tôi đi! Đặt xuống!
Khiêm nói qua hơi thở đứt rời:
- Đi… không được...  mày sốt…
- Bỏ xuống, tôi đi được mà!
Sử loạng choạng vịn thân cây, lê từng bước. Những chớp lạnh chảy lên xuống trong xương sống. Đất tròng trành dưới chân. Nhưng được một lúc mồ hôi toát ra nhẹ người, Sử đi nhanh hơn, vượt lên trên Lương và Pha. Sử không dám ngó Lương, như sợ anh đọc thấy ý nghĩ dối trá ban nãy in trên trán. Tiếng Lương nói với Pha đằng sau:
- Cố lên một quãng nữa rồi nghỉ, Pha ơi.
Pha ho khúc khắc mấy tiếng, nói ngạt hơi:
- Cho em ngồi… một lúc…
Rồi Pha tiếp ngay:
- Thôi đi anh ạ.
Đến tối Sử nằm mê man. Bát canh lá bứa, có mấy con tôm Khiêm bắt trong vũng bùn sắp khô, Sử chỉ húp được mấy thìa. Lương dồn ba cái chăn đắp cho Sử, chỉ để riêng cho Pha một cái. Anh vun lá khô thành đống to, chui vào nằm thò đầu ra ngoài:
- Văn Thon vào đây. Vun lá kín người cứ ấm như nằm ổ rơm.
Hai người cù nhau dưới đống lá, cười rinh rích. Im một lúc, Lương hỏi:
- Hồi ở Pà Thạc anh giận tôi phải không?
- Ưm.. giận gì đâu.
- Thật chứ?
Văn Thon không trả lời. Lương trở mình, lồm ngồm bò ra. Văn Thon ngạc nhiên:
- Sao thế?
- Cái chân tôi... không sao. Tôi gác thay cho Khiêm, để nó ngủ trước.
Văn Thon tin ngay. Anh ngáp dài, bộ râu đen ngó ngoáy:
- Thôi chuyện cũ cho qua. Ngủ cái đã.
Đợi văn Thon ngáy đều, Lương mới vun đống lá khác, rúc vào. Anh sợ vết thương chân bay mùi thối. Anh với Khiêm thay nhau gác hết đêm, không đánh thức Văn Thon.
Sử thiếp đi một lúc, rồi tỉnh dậy. Miệng đắng như ngậm ký ninh vàng, một cục chì lăn qua lăn lại trong đầu nhức nhối. Sử chống tay, nghển cổ lên nhìn quanh. Củi nỏ cháy to ngọn soi rõ hai đống lá lù lù. Sử quờ tay ra ngoài, nắn những lớp chăn phủ trên người, hiểu ngay: Anh em chịu rét vì mình. Một cốc nước đặt sẵn bên đầu Sử. Có lẽ mọi người nhịn khát để phần nước cho Sử. Anh Lương ôm súng ngồi gác bên kia đống lửa, quay mặt ra phía rừng.
Sử uống cạn cốc nước, lặng lẽ nằm xuống kéo chăn trùm đầu, nghĩ lan man... “Anh em khổ vì mình, vướng chân vì mình. Phải tự liệu thế nào chứ. Họ thương mình, mình cũng phải thương họ...” Sử nhớ đến đường nhăn dựng ngược trên trán Lương, cái chân khiêng võng đi nhúc nhắc, giọng nói vừa thân vừa nghiêm. Không đi được thì đội cắt người ở lại giúp, cố mà về sau... Sử rùng mình. Làm thế là đúng, nhưng Sử không đủ can đảm! Nằm lại giữa rừng sâu, trong vùng của địch, không biết đường, gạo, muối, thuốc men không còn tí gì, vùng này lại thiếu nước... Cũng chết, chết cả người ở lại săn sóc. Chỉ còn một cách cuối cùng: tự tử. Sử nhắm mắt nằm im, đợi xem mình có sợ hoặc đau khổ chăng, và thấy lạ khi ý nghĩ tự tử đem lại một cảm giác nhẹ nhõm, dìu dịu. Sử tưởng tượng đến lúc anh em hoảng hốt nâng xác mình, sờ tim, khóc thương mình. Anh Lương nhất định là không bằng lòng, nhưng anh hiểu mình muốn cất gánh nặng cho đội. Nước mắt Sử bò ra ngưa ngứa bên mang tai, nhưng Sử không thấy buồn. Một sức mạnh mới từ từ bốc trong người Sử. “Anh em vất vả vì mình nhiều quá. Còn sức đi mà tự tử mới hèn. Đây mình kiệt sức rồi, kiệt sức rồi. Phải dứt khoát. Chỉ cần quyết tâm trong một phút, không, trong một giây thôi. Mình không dũng cảm được như anh Lương, cũng phải xử trí theo lối của mình...” Đầu óc Sử xoay xoay nhanh dần. Sử ngủ say lúc nào không biết.
Đến bốn giờ sáng, Khiêm đang gác phiên thứ hai chợt thấy đống chăn cựa quậy. Sử ngồi nhổm dậy, nhìn trừng trừng vào đống lửa tàn. Khiêm đến gần. Thấy Sử nắm trong tay một quả lựu đạn. Khiêm giằng ngay:
- Có đi ngòi thì bảo tao đưa đi. Mày yếu, đừng đi một mình.
- Không...
- Ừ, để đến sáng càng hay. Lần sau đừng cầm lựu đạn theo, ném trong rừng va phải cây nó bật vào mặt chết toi. Mấy lị địch đang lùng, nó nghe nổ to lần đến lại phiền. Mang súng phòng thân tốt hơn.
- Súng à... mày bảo súng tốt hơn...
Sử ngồi lặng một lúc, rồi ngã vật trên ổ lá, bắt đầu run. Lại lên cơn sốt.
Suốt buổi sáng Văn Thon và Khiêm khiêng Sử chỉ vượt được dăm cây số. Sử lại tỉnh, xuống chống gậy lần từng bước. Tính ra cả ngày đội chỉ đi được trên dưới mười cây số. So với ngày hẹn về gặp Ban chỉ huy mặt trận, đội đã trễ mất năm hôm.
Ngấn nắng đã in ngang lưng thân cây. Xế chiều rồi. Sử đi thất thểu cạnh Văn Thon. Cơn sốt báo tin sắp đến, các đầu xương mỏi và ngứa như hàng ngàn con mọt đang khoét bên trong. Sử hỏi:
- Đây có nước không?
Văn Thon lắc đầu. Anh khoát con dao trước mặt:
- Đi nhanh hai ngày, qua hết đồi trọc may ra có nước.
- Đi chậm như sáng nay thì mấy ngày?
- Chịu.
Cơn sốt trong người Sử tan dần, tất cả chung quanh Sử chập chờn lùi xa.
Sử đã đứng ra ngoài thân thể mình, lạnh lùng nhìn cái xác đi sau lưng Văn Thon, lạnh lùng đặt từng con tính, rành mạch hơn tối hôm qua:
1. Sử lên cơn sốt, đội khiêng: chậm thêm hàng năm sáu ngày, nhịn khát, chiến dịch hỏng.
2. Sử nằm lại đây: đội cắt một người ở lại, không có nước cũng chết cả hai. Một người nữa sẽ hy sinh vô ích vì Sử.
3. Sử biến đi: Mọi việc đều trôi chảy.
Bài tính ấy giải xong, Sử không buồn, không lo. Cứ như một con toán ở lớp: “Một cái bể có hai vòi, một chảy vào một chảy ra...” Có lo buồn gì trong việc xem cái bể ấy sau mấy giờ sẽ cạn?
Từ từ diễu qua nước mắt Sử những hình ảnh tưởng đã quên từ bao giờ nay vụt chớp lên sắc nét. Cái tên Đinh Viết Sử khắc bằng mũi dao trên mặt bàn học. Thỏi súc cù là đắng ngọt Khiêm dúi cho hôm trước. Mẹ khóc rấm rứt khi nghe Sử tòng quân. Chú bé Sử lên năm bị trẻ con hàng phố buộc cành cây vào dây treo quần mà không biết, cứ kéo mãi cái đuôi lá chạy lông nhông. Tấm bảng Tổ quốc ghi công chữ đỏ lóe, dưới góc có tấm ảnh Sử viền đen. Một giọng nói trầm: “Hy sinh vì Tổ quốc”. Hy sinh... vì Tổ quốc... Đã đến lúc Sử cần hy sinh. Khiêm đã dặn dùng súng cho địch khỏi nghe tiếng.
Chỉ còn mấy tia nắng le lói trên ngọn cây. Đội dừng lại nghỉ. Khiêm nạy một gốc măng. Lương chất củi đốt lửa. Pha ngồi lả, dựa vào thân cây, đôi lông mày nét mác hơi nhíu. Văn Thon vẫn lội rừng ào ào đâu đấy tìm nước nứa.
Sử nhìn quanh một lần cuối, nhặt khẩu các bin, đi sâu vào rừng mươi bước. Sử rút tập nhật ký viết mấy câu ngắn xin lỗi Lương và tất cả mọi người. Trước khi gập sổ, Sử còn rút lược chải tóc úp tròn kín gáy, rẽ đường ngôi thật gọn.
Sử lên đạn các bin, cởi một chiếc dép. Nòng súng chấm lạnh cằm. Bỗng thoáng qua một cảnh buồn cười: Nhà thơ của lớp đệ tam chuyên khoa văn học lẽo đẽo bám theo cô Tuyết Lan trên đường đê, nhìn mái tóc nhảy trên cái cổ ba ngấn mà làm không biết bao nhiêu là thơ.
Sử ấn ngón chân trên cò súng, mà nụ cười chế giễu còn đọng trên môi.

°
°    °
Ở trang cuối tập Anh hùng ca số 5, dưới nét chữ lăn tăn rất đẹp của Sử có thêm những dòng Lương ghi nguệch ngoạc về trường hợp hy sinh của từng đồng chí trong đội. Đến lượt Sử, anh ghi dài hơn:
“Đồng chí hiệu thính viên Sử bị ốm đã cố gắng hết sức đi theo đội nhưng không nổi. Đồng chí dùng súng tự tử để cho chúng tôi khỏi khiêng nặng đi chậm. Tuy có khuyết điểm đánh hỏng điện đài, và cách xử trí chưa đúng, nhưng đồng chí tỏ ra có quan tâm đến nhiệm vụ chung của đội, đã giải quyết cho đội một khó khăn lớn”.
Nét chữ Lương run rẩy, chỗ đậm chỗ nhạt.