Chương 11
BẢY VIỄN, MƯỜI TRÍ TRỘM XUỒNG VƯỢT ĐẢO
GẶP BÃO BIỂN SUÝT CHẾT NHƯ CHƠI

Đêm không trăng nhưng nhiều sao. Đài khí tượng báo tin bão nên thầy chú và tù nhân đi ngủ sớm hơn thường lệ. Mới 20 giờ đêm mà đây đó vắng lặng. Bỗng từ Sở Lưới có bốn bóng đen khiêng một xuồng ba lá hối hả đi nhanh ra bãi biển.
Đây là người tù vượt ngục: Bảy Viễn, Mười Trí, Năm Bé và Sáu Nhị. Bảy Viễn và Mười Trí bị đưa ra đảo chừng một tháng thì liên lạc được với Năm Bé ra từ lâu. Năm Bé đã chuẩn bị kế hoạch vượt ngục bằng xuồng ba lá đánh cắp của Sở Lưới. Sẵn dịp này, cho hai bậc đàn anh “quá giang” về đất liền cho có bạn.
Vừa ra tới mé biển, cả bốn người đứng nhìn trời nhìn nước rồi lại nhìn nhau. Gió cấp 7, cấp 8, sóng cao như những dãy phố lầu. Bảy Viễn quyết định nhanh gọn:
- Đem xuồng trở vô. Để y chỗ cũ. Chôn hết đồ đạc. Chờ hết cơn bão sẽ tính.
Thế là chuyến đi bất thành. Phải trở về khám giam, xóa hết dấu vết, giữ bí mật hoàn toàn. Năm Bé bắt bồ với thầy chú ở Sở Lưới, đánh cắp chìa khóa kho, nhờ Ba Rùm ở Bản Chế làm một chìa giả để ăn cắp chiếc xuồng ba lá. Vượt biển trong mùa đầy giông bão bằng xuồng ba lá là một sự liều lĩnh ít ai dám làm, thầy chú không hề lo ngại về chuyện xuồng bị đánh cắp.
Bảy Viễn và Mười Trí được giam riêng theo lệnh của bồi thẩm Ếch-teo, nhưng cả hai đều là “dân Côn Đảo”, quen biết với tất cả thầy chú.
Dù không mang theo tiền, họ vẫn mua chuộc được thầy chú bằng những lời hứa hẹn “sẽ đền ơn trọng hậu nếu về tới đất liền”. Với những tướng cướp cỡ Bảy Viễn, Mười Trí lời hứa của họ được bảo đảm bằng vàng.
Ba ngày sau, bão tạm lắng dịu. Cuộc phiêu lưu lại tái diễn. Từ Hòn Lớn, họ đâm qua Hòn Bãi Cạnh, hướng sang Hòn Tre. Đi từ 7 giờ mà đến 9 giờ không tới Hòn Tre. Phải quay trở lại, đi ngang đảo chính là điều nguy hiểm. Sáu Nhị ém sát mé núi bên kia. Lúc vượt qua Mũi Đá Trắng, Sáu Nhị tái mặt rung tay: “Vùng này có cặp ngỗng thần từng nhận chìm thuyền bè qua lại”. Nhưng bốn anh em đang ở trong thế không thể lùi bước, phải cắn răng tiến tới thôi. Không bao lâu xuồng tới núi Chúa. Biển êm như mặt ruộng. Gió nhẹ, Bảy Viễn đem bàn cờ tướng ra rủ Mười Trí đánh:
- Đánh cờ giữa cảnh trời biển bao la mới là thần tiên, phải không mày?
- Chà, bàn cờ đâu mà đẹp vậy?- Mười Trí xem mấy con cờ tiện trên gỗ mun khắc chữ thật khéo.
Bảy Viễn hãnh diện:
- Của một người tù già. Ông ta để thì giờ nhàn rỗi làm món quà kỷ niệm định gởãi về cho con, nhưng nghe tao trở ra đảo, ông ta nhờ thầy chú chuyển tới tặng tao.
Hai tay giang hồ thượng thặng muốn mượn bàn cờ tướng để tìm hiểu nhau. Tài trí, tâm tính đều lộ ra trong nước cờ. Người sao thì cờ vậy. Bảy Viễn nóng nảy, hành động nhanh hơn suy tính nên đôi khi vi phạm nội quy “hạ thủ bất hườn”. Mười Trí trầm ngâm, tính toán, chậm mà chắc. Bảy Viễn thiên về công, ồ ạt và thích thí quân. Mười Trí thiên về thủ, rất quý cặp xe pháo. Mười Trí và Bảy Viễn rõ ràng tài trí ngang nhau nhưng tâm tánh trái ngược. Đánh được ba bàn, một thắng, một bại và bàn thứ ba bất phân thắng bại. Bảy Viễn đòi đánh tiếp nhưng Mười Trí cho các quân cờ vào hộp, cười:
- Để chiều tiếp tục. Đánh cờ chớ đâu phải nhậu mà làm khỉa cả chục ván?
- Để thay đổi không khí, Mười Trí gợi chuyện:
- Năm Bé, mày kể chuyện dấn bước giang hồ của mày nghe chơi.
Năm Bé không đợi mời lâu:
- Tôi xưng anh chị tại Xóm Chiếu, nhưng quê tận Bắc kỳ. Nghề của tôi là thợ nguội, làm cho thằng Bạch Thái Bưởi, chủ hãng tàu biển chạy đường Hải Phòng- Sài Gòn. Cuộc đời tên tư bản này rất ly kỳ. Hắn là phu kéo xe, kéo xe cho chủ Tây. Sau làm cặp rằng. Lúc đào nền xây móng, hắn vớ được hũ vàng, từ đó phất lên thật nhanh. Thiên hạ đồn cha hắn chết vừa chôn là mối đùn cao như gò… Từ nhỏ tôi đã mang máu giang hồ, muốn vào Nam mà không có tiền. Nhân dịp Pháp mộ lính không có nghề O.N.S đưa qua Pháp, tôi liền đăng lính, nhưng vô tới Sài Gòn là nhảy xuống bến ở lại. Tôi làm phu khuân vác tại bến tàu Khánh Hội. Thời gian sau, có vốn, tôi học võ, học gồng, học cả bùa ngãi rồi đi giang hồ xưng anh chị. Lúc làm anh chị, tiền vô như nước, tha hồ ăn xài. Các anh có biết ai dám mua một lúc 5 cáci nón Boóc-sa-li-nô, mỗi cáci 25 đồng, trong khi lương thầy ký một tháng chỉ vừa đủ mua một cái Boóc-sa-li-nô? Hồi đó lúa hai cắc bảy một giạ. Buồn cười hết sức: lúc tôi vô tiệm, thằng Tây chủ nhìn tôi lom lom, không biết thằng bận quần lãnh đen, áo bành tô xanh vô đây làm gì. Chừng tôi chỉ cái nón Boóc-sa-li-nô trong tủ kính, thằng bán không chịu lấy cho xem mà nói “Mắc lắm! Anh mua không nổi đâu!”. Tức máu anh hùng, tôi nạt: “Lấy cho tôi coi! Sao anh biết tôi mua không nổi?”. Coi rồi, tôi lấy mộåt cái đội lên đầu, biểu nó gói hết bốn cái còn lại trong tủ kiếng. Đây là một bài học tôi dạy mấy thằng Tây “làm phách chó”.
Bảy Viễn và Mười Trí cười thích thú. Mười Trí gật lịa:
- Như vậy tụi này nhận mày là dân Nam kỳ.
Bảy Viễn vui vẻ góp chuyện:
- Tao cũng đồng ý cho mày vô dân Nam kỳ. Dân Nam kỳ có nhiều chuyện lạ lùng như vậy đó. Chuyện mày đi mua nón Boóc-sa-li-nô giống hệt chuyện thằng cha Hội đồng Trạch ở Bạc Liêu đi mua xe Pho (Ford) tại Hãng Sac-ne (Charner). Lão ta còn để “củ nừng”, bọc tiền trong mo cau… Tụi Tây cũng nhìn lão lom lom khi lão đi vòng vòng chiếc xe bóng loáng rồi biểu mở cửa xe cho lão lên ngồi, biểu mở máy chạy một vòng cho lão xem xe chạy có ngon không. Chừng lão mở mo cau ra, mấy thằng Tây giật mình cái “đụi”, giấy bộ lư cả cọc, thấy mà ngợp!...
Nhưng chỉ vui vẻ được một ngày. Qua ngày sau, từ xa có đám mây khói đèn, càng lúc càng tới gần. Sáu Nhị chặc lưỡi than trời: “Giữa biển mà gặp rồng lấy nước thì chết như chơi! Tất cả đều ngó về hiện tượng mà Sáu Nhị gọi là rồng lấy nước. Một cột nước từ biển cuồn cuộn dâng lên trời, chung quanh mưa to gió lớn. Sáu Nhị vừâa điều khiển bánh lái thì nghe một tiếng “rắc”, bánh lái gãy đôi, xuồng quay như quả trứng trong nồi nước sôi. Sáu Nhị luýnh quýnh. Bảy Viễn bình tĩnh chụp giầm kêu lên:
- Thọc giầm xuống kềm xuồng cho chắc!
Nhưng bốn cây giầm cũng không chịu nổi những lượn sóng cồn. Một lượn sóng cao như núi xuất hiện đằng xa. Sáu Nhị cả kinh kêu lên: “Cặp ngỗng thần tới kìa!”. Hắn bụm mắt không dám ngó. Năm Bé cũng chết điếng, niệm Phật lia:
- Không lẽ trời Phật đưa chúng tôi tới đây để rồi vùi sâu đáy biển?
Mười Trí vịn chặt be thuyền, chờ đợt sóng thần ập đến. Trong khoảnh khắc trước thần chết, anh vẫn còn tỉnh trí để quan sát thái độ của Bảy Viễn như thế nào. Bảy Viễn cũng bám chặt be thuyền, chuẩn bị tinh thần chịu đựng. Thấy Mười Trí nhìn mình, Bảy Viễn bảo:
- Nắm chặt be xuồng! Có gì cũng đừng buông chiếc xuồng!
Mỗi một giây dài như một thế kỷ. Bốn người chờ đợi cặp ngỗng thần tới để đưa họ xuống vực sâu, nhưng chờ hoài không thấy. Chiếc xuồng bị xô mạnh, nhưng không đổ ụp mà như được đẩy lên một bộ ván bằng phẳng, vững vàng. Hồi lâu, Sáu Nhị kêu lên, giọng run run:
- Trời Phật đã độ trì! Có Nam Hải tướng quân đỡ xuồng mình!
Mười Trí nhìn xuống thì đúng là có một con cá ông đang cặp sát chiếc xuồng. Thì ra để tránh ngọn sóng to, cá ông đã nương vào chiếc xuồng gần nhất. Cả hai nương tựa vào nhau cho đến dứt cơn giông.
Không bao lâu trời quang mây tạnh. Mặt trời càng lúc càng gay gắt. Đến ngày thứ ba thì nước ngọt đã hết. Khát quá phải đái vô lon mà uống. Năm Bé nảy ra một ý độc đáo:
- Ngày xưa, ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa trong vườn đào, họ thích huyết ăn thề, còn mình thì uống nước đái của nhau mà thề đồng sanh đồng tử. Hai anh có chịu không?
Bảy Viễn và Mười Trí gật đầu khen “hay”. Mười Trí lớn tuổi hơn hết nên được tôn làm anh. Kế đến Bảy Viễn, rồi Năm Bé, Sáu Nhị.
Năm Bé bảo Sáu Nhị trương buồm lên. Buồm làm bằng bao bố, chỉ có năm tấc mà gặp gió, xuồng lướt sóng như bay, chẳng khác con xích thố của Quan Vân Trường. Năm Bé cho chạy cấn mặt trời. Không bao lâu Bảy Viễn reo lên “Đất liền kia kìa!”. Anh đưa lên một chiếc lá trôi trên biển. Nhưng niềm vui đi đôi với nỗi lo. Mười Trí đứng trước mũi xuồng co mấy ngón tay lại làm ống dòm. Anh vừa phát hiện đọt “ăng-ten” của một chiếc tàu tuần. Với kinh nghiệm vượt ngục bằng bè, anh ra lệnh:
- Hạ buồm!
- Cứ yên tâm, mình thấy đọt nó nhưng nó không thấy mình đâu!
Dù nói cứng vậy, tất cả đều phập phồng hồi hộp. Tàu tuần mà thấy thuyền bè của tù vượt ngục là xả súng bắn nát mới thôi. Một tiếng đồng hồ sau, tàu tuần khuất dạng. Chừng đó mọi người mới tươi tỉnh. Bảy Viễn hân hoan tâm tình:
- Về đất liền kỳ này, tao nhất định không cho tụi nó bắt lại!
Mười Trí cười:
- Làm như quyền quyết định là ở nơi mình!
Bảy Viễn hậm hực:
- Kỳ rồi bị bắt là do tao với mày quá tin tưởng nơi hai anh em Hội đồng Thì với Xã Mỹ. Hai cha đó rất tốt, nhưng tụi chỉ điểm thì ở đâu chẳng có? Kỳ này tao sẽ “mần ăn lớn”!
Mười Trí tò mò:
- Nghĩa là sao?
- Sách có chữ “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Kỳ này nhất định chiếm một vùng làm sơn trại chủ. Lúc này mà không thực hiện giấc mộng Lương Sơn Bạc thì còn chờ lúc nào nữa? Nhật đang lăm le hất cẳng Pháp, cha con nó ghìm nhau, hơi sức đâu mà đối phó với mình?
Mười Trí gật gù:
- Hay! Mày định chiếm cứ vùng nào vậy?
- Tao đã chọn rồi. Tao là dân Cần Giuộc, tao sẽ chiếm vùng Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè, tức là yết hầu của thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn. Ghe thương hồ đều phải qua ngã Kinh Cây Khô để vô cầu Ông Lãnh. Tao tha hồ bắt chúng nạp tiền mãi lộ.
Năm Bé gật lịa:
- Ý đó hay lắm! Anh Bảy cho tôi làm lâu la đi!
Bảy Viễn cười:
- Được! Cho mày làm phó sơn trại. Mặt mày cũng có “ngầu” lắm đó!
Năm Bé:
- Còn anh Mười Trí, anh Bảy phong làm gì?
Mười Trí cười:
- Cọp nào rừng nấy. Tao thích làm đầu gà hơn đuôi phụng. Nếu muốn làm sơn trại chủ thì tao chọn vùng nông sâu nước ngọt hơn là miệt đồng chua nước mặn. Tao thích sông Vàm Cỏ nước ngọt quanh năm. Địa điểm lại tốt. Có gì rút vô Đồng Tháp Mười là “yên như bàn thạch”.
Bảy Viễn bắt tay Mười Trí:
- Vậy là hai ta rạch đôi sơn hà. Tao chiếm vùng Rừng Sác, mày chiếm Đồng Tháp Mười. Tao theo Trương Định, mày theo Đốc Binh Kiều. Mình tránh được cảnh tranh giành ảnh hưởng như Tống Giang, Triệu Cái.
Mười Trí cười:
- Chưa bắt bài lên đã tính vùa tiền! Nhưng mày cứ yên chí lớn. Tao với mày đã uống nước đái nhau ăn thề giữa biển là anh em, thì không đời nào tao phản lời thề đó.
Bảy Viễn phấn khởi nói tiếp:
- Mình nhất định phải chiếm một giang sơn riêng biệt. Chuyện đó đâu phải mới lạ gì? Trước mình đã có người làm rồi.
- Ai vậy?- Mười Trí tò mò hỏi.
- Phạm Công Tắc chớ ai! Cao Đài đã chiếm một vùng rộng lớn ở tỉnh Tây Ninh, lấy của bá tánh xây dựng tòa thánh nguy nga như cung điện nhà vua. Mầy có tới đó chưa? Đúng như cung điện vua chúa, cũng có ngai rồng chạm trổ tinh vi…
Mười Trí cười:
- Không phải là ngai rồng mà là ngai rắn. Ngai của Đức Hộ pháp có chạm bảy con rắn chàm quạp. Tao đã có lần ngồi trên ngai đó, tính đóng vai Hộ pháp chơi, không dè mấy cha chức sắc cự nự quá. Ngồi ẩu như vậy là phạm tội “khi quân”. Nhưng Phạm Công Tắc đâu có xa lạ gì với tao!
Bảy Viễn trở lại câu chuyện chiếm đất lập giang sơn riêng.
- Nối gót Cao Đài là Hòa Hảo. Thằng cha Huỳnh Phú Sổ cũng chiếm cứ một vùng rộng lớn ở Thất Sơn, truyền bá đạo mới gọi là Phật giáo Hòa Hảo rồi lấy xã Hòa Hảo làm thánh địa. Ban đầu thằng Tây đàn áp bắt bớ lung tung, nhưng về sau chúng đành khoanh tay bất lực trước một chuyện đã rồi.
Đất liền từ từ ló dạng, càng lúc càng gần. Một câu hỏi hiện ra trong đầu bốn người: “Đây là đâu? Còn là biển Đông hay họ đã bị bão đẩy qua vịnh Thái Lan?”. Vào xế chiều, xuồng vô đến bờ. Bãi biển vắng ngắt. Sáu Nhị đi cả cây số gặp một lão chài mới biết đây là Rạch Gốc, gần Mũi Cà Mau. Ông lão cũng cho biết làng lính đang lùng bắt cộng sản và tù vượt ngục trong vùng.
Sau khi bàn luận nát nước, bộ ba nhất trí nằm lại đây trong khi phái Sáu Nhị về Sài Gòn liên lạc với ông Tám Mạnh, nhờ ông Tám tìm cách đưa người có thế lực xuống rước về Sài Gòn…
- Tại sao lại nhờ ông Tám Mạnh?- Năm Bé hỏi.
Bảy Viễn giải thích:
- Trong giới giang hồ, không ai phục ai ra mặt, nhưng bên trong ta phải nhìn nhận ông Tám là người đức độ, có nhiều môn đệ, đáng kể nhất là có những học trò là công chức cao cấp, tùng sự tại các cơ quan có thẩm quyền, như Huyện Bảo là chủ sự phòng tư pháp tại pháp đình Sài Gòn, như Hai Trực, sếp bót “se-nho”. Cho nên nhờ ông Tám Mạnh là có lý lắm!