THEO KHÁNG CHIẾN
Chương 24
CHƯA ĐÁNH ĐẤM BẢY VIỄN CƯỚI VỢ BÉ
BẮT CÓC BA HUY ĐỂ LÀM TIỀN

Hội nghị quân sự tại nhà Hội đồng Đống đem lại một kết quả hết sức bất ngờ cho mọi người. Trong hội nghị này, Bảy Viễn không quan tâm đến chuyện bầu cử, vì Chi đội 9 của hắn nằm ngoài Mặt trận số 4. Hắn chỉ quan tâm có một người: con gái Hội đồng Đống. Lúc cô mang trà thuốc lên mời khách. Bảy Viễn ngó lom lom. Cô nàng đẹp khác thường cái đẹp của một phụ nữ nửa thành thị, nửa nông thôn. Nhất là con gái nhà giàu suốt ngày ở trong nhà, trắng da dài tóc. Đã có ba bà vợ rồi, nhưng vốn là “hạm”, Bảy Viễn không hề bỏ qua một con mồi béo tốt nào.
Vài ngày sau, Hội đồng Đống nhận được món quà đặc biệt: một hộp “bít-qui” gói giấy kiếng đỏ, thắt nơ vàng. Mở ra thấy một khẩu súng sáu mới toanh và một bức thư cầu hôn ký tên Lê Văn Viễn, Ủy viên quân sự.
Hội đồng Đống ngạc nhiên khá lâu. Đây là quà cưới có một không hai. Ai lại tặng quà khẩu súng sáu? Phải chăng chàng rể biết ông già vợ thích súng sáu để làm oai với dân làng? Hay là chàng rể cảnh cáo ông già vợ: “Gả con cho tôi, hay là ông lãnh một viên kẹo đồng?”.
Hội đồng Đống hỏi con gái cưng:
- Lúa, con ưng Bảy Viễn không?
Cô con gái cưng đỏ mặt không đáp.
Hội đồng Đống hiểu ý, im lặng tức là đồng ý.
- Con không biết Bảy Viễn là tướng cướp…
- Ư hử, bây giờ ông ta là Ủy viên quân sự mà… theo cách mạng thì người ta đổi tánh đổi nết đi chớ…
- Chưa chắc! Sách có chữ “ngựa quen đường cũ”. Nhưng mà con đã đồng ý thì ba gả. Như vậy cũng hay. Vì nếu con từ chối thì kẹt cho ba - Ông chỉ khẩu súng đặt trên bàn.
Thế là “bất chiến tự nhiên thành”. Bảy Viễn có thêm một chiến công hiển hách trong chuỗi chiến công dài sọc của y. Lễ cưới được tổ chức rình rang và có mặt hầu hết các tay anh chị nay là chỉ huy trưởng bộ đội này, tư lệnh lực lượng kia. Tuy biết “quan nhất thời, dân vạn đại” nhưng nhà gái vẫn bị thoái rởm đời làm cho chóa mắt: “Làm vua hồi nào vuốt râu hồi ấy”.
Làm tiền luôn luôn là mối bận tâm của Bảy Viễn từ khi trở về thành phố. Thời cuộc đổi mới bắt buộc Bảy Viễn thay đổi cách thức “đi hát”. Với danh nghĩa là chỉ huy trưởng bộ đội Phú Thọ, sau đổi là Chi đội 9, Bảy Viễn làm tiền dễ dàng hơn trước nhiều bằng cách sung công tiệm này, bắt bớ người nọ rồi cho chuộc dưới hình thức “cúng vô quỹ nuôi quân”. Một trong những mục tiêu của Bảy Viễn là Ba Qui cũng gọi là “Hắc công tử” để phân biệt với “Bạch công tử” Phước Geoges là ông bầu gánh hát cải lương. Ba Qui có tên cúng cơm là Trần Trinh Qui, sau đổi Qui thành Huy, con của Hội đồng Trần Trinh Trạch khét tiếng ở Bạc Liêu. Hội đồng Trạch là chủ điền “cò bay thẳng cánh” và cũng là chủ ruộng muối, “chó chạy cong đuôi”. Ba Huy là công tử Bạc Liêu đi Pháp học, về nước không đỗ đạt gì ngoài cái bằng lái xe hơi và “nhảy đầm”. “Bạc Liêu là đất quê mùa, dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều châu” Ba Huy đóng đô ở Sài Gòn, chỉ về thăm cha vào dịp Tết và cũng là để chia lúa ruộng đem lên Sài Gòn xài phá. Ba Huy nổi tiếng chơi “ngông” nhưng không ngon bằng Phước Georges. Một trong giai thoại thường được truyền miệng là Bạch công tử đốt tờ giấy “hoảnh” (vingt- tức giấy 20 chục đồng) giúp Hắc công tử tìm tờ giấy “con công” (giấy 5 đồng) rớt dưới ghế trong rạp Moderne ở đường Đết-pan (1).
Nhà của Ba Huy là một biệt thự, kín cổng cao tường, ngoài bầy chó “béc-giê” còn có năm ba tên vệ sĩ toàn là tay võ nghệ cao cường. Trước kia, võ sĩ Chà Kid Sôcôla, từng thượng đài đấu với Sáu Cường, ăn ở luôn trong nhà Ba Huy. Về sau, Sôcôla già yếu bệnh hoạn như con “chó có lát” (chơi chữ “Chocolat”) Ba Huy nuôi tên Kid Aman, một võ sĩ đang lên.
Bảy Viễn định bắt cóc Ba Huy nhưng chưa tìm được người đủ dũng cảm và mưu trí. Một hôm, tài xế Tư Sạch của ông ta giới thiệu một thanh niên trạc 30, người lùn như vạm vỡ như một võ sĩ.
- Tôi là Tám Tâm, có thể bắt Ba Huy về cho ông.
Bảy Viễn nhìn Tám Tâm không chớp:
- Anh làm cách nào lọt vô trong nhà nó được? Vô lọt rồi, anh làm sao đương cự nổi đám “gạc-đờ-co” của nó? Có thằng Kid Aman, vô địch quyền anh hạng lông…
- Tôi bắn súng được hai tay và bắn chính xác.
Bảy Viễn bảo gia tướng trao súng cho Tám Tâm. Trên tường có treo tấm lịch vẽ hình cô gái đẹp. Tám Tâm chỉ bức ảnh nói:
- Tay mặt, tôi lấy con mắt mặt, tay trái tôi lấy con mắt trái!- Nói xong anh nổ hai phát liên tiếp. Giai nhân trên tường trở thành cô gái mù.
Hai Hoành thấy Bảy Viễn có vẻ nể khách lạ, xấc láo hỏi:
- Còn nghề võ thế nào?
- Cũng tạm xài được!
Hai Hoành liền nhảy nhót, giọng khiêu khích:
- Xin mời!
Tám Tâm nhìn Bảy Viễn:
- Ông cho phép?
Bảy Viễn gật. Tám Tâm bước tới. Chờ Hoành nhảy nhót một lúc, bất ngờ lao tới đấm mạnh. Hoành nhảy tránh nhưng quả đấm bất ngờ ấy trúng ngay hàm hạ khiến hắn trẹo hàm. Hoành đổ quạu nhưng Bảy Viễn cho ngưng trận đấu.
- Đủ rồi!- Đưa Tám Tâm về văn phòng, y hỏi- Anh có cách nào lọt vô nhà Ba Huy?
- Ông cho tôi ba bộ đồ lớn, may thật “síc”, một cây can cán bịt vàng và một ngàn đồng bạc. Tôi sẽ bắt cóc Ba Huy về đây cho ông. Ngày nào tôi bắt về, tôi sẽ cho ông hay để ông cho mượn một chiếc xe Huê Kỳ và cả tài xế.
Một tuần sau, Tám Tâm đóng vai khách làng chơi tới nhà Tuyết Lan, đường Chasseloup nay là Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là sòng bạc loại sang mang tên chủ là Nguyễn Thị Tuyết Lan, vợ bé của Ba Huy. Thua hay được gì, Tám Tâm cũng ăn tiêu rộng rãi, rất mực hào hoa. Đến ngày thứ ba, Tám Tâm ngỏ lời cùng bà chủ, muốn đến chơi tại nhà cậu Ba Huy cho “xứng đào, xứng kép”. Tuyết Lan thấy Tám Tâm là khách “xộp” vui vẻ nói chuyện và hẹn ngày giờ. Đúng vào ngày giờ đã định. Tám Tâm đi xe Huê Kỳ tới, tài xế nhấn kèn theo ám hiệu. Tức thì cánh cửa sắt mở toang cho xe vô. Đám bảo vệ chỉ thấy một mình Tám Tâm trên xe, ăn mặc sang trọng, yên chí lớn, đưa tận thềm, Tám Tâm ung dung trình giấy mời của Lê Văn Viễn gởi cho Ba Huy “về việc sẽ cho biết sau”...
Vừa thấy chữ ký dưới tên Lê Văn Viễn, Ủy viên quân sự, Ba Huy tái sắc. Hắn toan điện thoại báo động thì Tám Tâm nhanh tay chặn lại, vỗ khẩu súng giấu bên hông.
- Ông báo động là ông chết ngay tại đây. Tốt hơn là ông nên thay đồ đi theo tôi đến gặp ông Ủy viên quân sự.
Ba Huy mở tủ sắt, hốt bạc đầy hai tay đặt lên bàn:
- Các ông muốn bao nhiêu, xin cứ tự tiện. Và xin cho tôi được yên thân.
Tám Tâm thấy trong tủ sắt đầy ắp bạc, vàng, hột xoàn, anh khoát tay bảo:
- Ông cất vô hết đi! Chúng tôi không phải ăn cướp. Nếu muốn, chúng tôi đánh ngân hàng, còn nhiều gấp trăm ngàn lần tủ sắt của ông. Tôi chỉ lãnh nhiệm vụ đi mời ông thôi. Một lần nữa, yêu cầu ông thay đồ đi theo tôi. Xin nói trước là tánh mạng ông được bảo đảm an toàn.
Ba Huy riu ríu thay đồ lên xe đi với Tám Tâm. Bị kè súng, Ba Huy không dám làm ám hiệu với đám bảo vệ, chiếc xe từ từ ra khỏi cổng, phóng nhanh về tổng hành dinh Bảy Viễn đặt lại biệt thự Song Tùng ở Phú Thọ Hòa.
Tám Tâm đã hoàn thành xuất sắc công tác đầu tiên để được nhận vào Chi đội 9.
Anh đã tiếp tay làm “kinh tế mạo hiểm” cho Bảy Viễn, nhưng đây là một chuyện bất đắc dĩ. Phải “tạo thành tích để lọt vào hang hùm”. Anh được tổ chức bố trí thâm nhập bộ đội Bảy Viễn để thay thế đồng chí Nguyễn Văn Tư, tự Tư Ca-rê, vừa lãnh nhiệm vụ chính trị viên Chi đội 9 không được bao lâu thì bị Tây bắt trong cuộc tấn công vào Tổng hành dinh Bảy Viễn tại Phú Thọ. Anh Tư Ca-rê bị Tây xử bắn ngay ngày ấy, ngày 6-1-1946 tại trường đua Phú Thọ. Có nghi vấn cho rằng bọn Lâm Ngọc Đường, Mô-rit Thiên dàn cảnh cuộc tấn công này với mục đích thủ tiêu người chánh trị viên ưu tú ấy. Lúc bấy giờ, nhận nhiệm vụ chánh trị viên trong các bộ đội Bình xuyên là chấp nhận một số phận cực kỳ mỏng manh, cái chết thảm khốc có thể đến bất cứ vào lúc nào...
Tám Tâm là tay thích mạo hiểm và phiêu lưu. Anh xuất thân con nhà nghèo, học chưa hết cấp một đã phải đi làm để kiếm sống. Thoạt tiên anh đi kéo dây điện trong thành phố, bị Tây bạt tai đá đít, căm, tức bỏ đi bán báo. Được cán bộ cách mạng giáo dục, anh xuống tàu Pháp lấy báo Cộng sản như Nhân đạo (L’Humanité), Người cùng khổ (Le Paria)... cho vào xấp báo Pháp xuất bản tại Sài Gòn, công khai đi phát báo bí mật cho các đồng chí hoạt động trong thành phố. Lớn lên, anh được các đồng chí giới thiệu học nghề sắp chữ và làm nhà in. Đây là nghề Tám Tâm thích nhất vì trong số các loại công nhân, thợ sắp chữ nhà in tương đối tiến bộ nhất vì được kề cận với văn nhân ký giả. Anh hãnh diện khi biết Bí thư Quốc tế Cộng sản là đồng chí Đi-mi-trốp người Bun-ga-ri, cũng xuất thân là công nhân nhà in.
Nhiệm vụ của Tám Tâm trong Chi đội 9 là nắm cho được văn phòng, bí mật theo dõi công văn giấy tờ và các mối giao du của Bảy Viễn, mặt khác đi sát đội viên mà đa số là dân lao động để giáo dục họ biết vì dân mà chiến đấu chứ không phải sẵn súng đạn mà đi ăn cướp...
Chú thích:
(1) D'Espagne nay là Lê Thánh Tôn