TẬP IV - Phần Thứ Tám - Chiến Thắng và Chiến Bại - 1972-1975
- 5 -

Hướng bộ mặt quí phái về phía Naomi Boyce-Lewis đang ngồi một đầu bàn tiệc, vị dân biểu quốc hội luống tuổi thuộc đảng Bảo thủ Anh vui vẻ nâng ly rượu vang Bordeaux đỏ lên và chầm chậm đưa qua đưa lại chiếc ly dưới mũi mình như trêu ghẹo khứu giác bằng hương rượu:
- Cô Naomi khả ái của tôi ạ, vào kỳ nghỉ cuối tuần nhân dịp lễ Phục Sinh này, trong khi cả thế giới bỗng dưng vễnh tai lên nghe ngóng thì cô với Joseph làm ngược lại, vẫn tiếp tục đãi loại rượu Château Latour tuyệt vời này. Ngài thân sinh quá cố của cô quả thật cực kỳ khôn ngoan khi cho nhập kho tích trữ chúng đúng vào năm cô chào đời. Chắc chắn tôi không bao giờ chịu tin rằng đây là chai cuối cùng cô dành cho chúng tôi.
Nói xong, ông nhắm mắt và nhắp rượu với vẻ gần như xuất thần. Từ cuối bàn có giọng đàn ông thét lớn:
- Thật đáng xấu hổ, anh già Tory kia! Trong ngày sinh nhật của một phu nhân mà anh hài rõ tuổi tác của người ta ra!
Vị dân biểu tròn xoe con mắt, nhìn chằm chặp một lúc vào tờ nhản dán nơi lưng chai Latour có ghi rõ năm sản xuất 1936 rồi đưa bàn tay còn lại lên vỗ vỗ trán, làm bộ giống như ta đây rất ăn năn. Cử chỉ ấy khiến cả bàn tiệc rộ lên cười thú vị. 
Tối nay, Naomi trông đẹp rực rỡ trong chiếc áo đầm Corrèges màu trắng mộc mạc, để lộ đôi vai trần rám nắng và rõ ràng không giấu vẻ sung sướng và thích thú với số tuổi ba mươi chín. Không chút phật lòng, nàng nhướng đôi lông mày về phía vị dân biểu, làm bộ trách móc rồi mỉm cười đầm ấm với Joseph đang ngồi ở đầu bàn đằng kia.
Từ trên các chân đèn bằng bạc có khắc huy hiệu dòng họ Boyce-Lewis, những ngọn nến toả ánh lung linh làm sáng loáng khung vải trắng hồ cứng trên ngực áo và đường viền cổ áo cũng màu trắng của gần hai mươi nam nữ thực khách. Họ là những khuôn mặt nổi tiếng trong chính trường Anh, Trung tâm Tài chính Thương mại, Nhà hát Luân Đôn, giới xuất bản sách và phóng viên truyền hình. Phu nhân hoặc tình nhân của họ hầu hết đều phục sức một cách tinh tế bằng những nữ trang đắt giá, chớp nháy lập loè dưới ánh nến mỗi khi các bà quay đầu hoặc cử động bàn tay. Trên các bức tường chung quanh bàn tiệc, những bức chân dung khung thiếp vàng của mấy thế hệ Boyce-Lewis từng kế tục nhau cư ngụ tại đây, trong ngôi nhà thời thượng Belgrave Square ở Khu Tây Luân Đôn, đang đăm đăm nhìn xuống với vẻ dường như phê chuẩn cuộc họp mặt đầy vị vọng này.
Với bộ mặt bỗng dưng mang vẻ trịnh trọng, vị dân biểu nói:
- Naomi ạ, tôi không có ý làm cô bớt vui một chút trong bữa tiệc sinh nhật của mình, nhưng thưa quí vị, dù trong một dịp hạnh phúc như thế này ta cũng không thể quên thực tại, phải không quí vị. Mấy ngày vừa qua là một thời điểm rất khó khăn và trong cùng một lúc, chúng ta tiếp nhận quá nhiều tin tức chẳng tốt đẹp chút nào. Với việc Kissinger nhận được dấu hiệu bác bỏ của cả Ai Cập lẫn Do Thái sau tất cả những chuyến đi lại như thoi đưa của ông ta và việc vua Faisal của Saudi Arabia bị ám sát thì chẳng bao lâu nữa lò lửa Trung Đông lại bùng lên. Nội các mới của Bồ Đào Nha bị Cộng Sản xâm nhập, như thế chúng ta đang chính thức có các điệp viên Cộng Sản ngồi trong Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO. Và để kết thúc, cái lũ Miền Bắc Việt Nam chẳng tôn trọng Hiệp định Paris chút nào và không biết làm sao chúng lại xuất hiện khắp Miền Nam, có vẻ như chỉ một tuần nữa thôi là chúng vô tới Sài Gòn.
Joseph mỉm cười phản đối:
- Thật ra chẳng bên nào coi trọng cái bản hiệp định ấy. Nhất là mấy gã trong Bộ Chính trị ở Hà Nội đâu có đành lòng ôm mãi những điều khoản ai ở đâu nằm yên chỗ đó sau hơn cả chục năm họ thúc ép nhân dân Miền Bắc đổ ra ngần ấy xương máu. Nhưng để nuốt nổi cục xương Sài Gòn chắc phải cần thời gian lâu hơn nhiều. Có thể Hà Nội tung tới mười tám sư đoàn vào cuộc tổng tấn công đó nhưng Thiệu đang tái tập trung lực lượng dọc vùng duyên hải và chung quanh Sài Gòn.
Một thực khách từng làm ký giả truyền hình tại Bangkok lên tiếng: 
- Không phải chương trình “Việt Nam hoá chiến tranh” của Nixon dù gì đi nữa cũng được hoạch định là để làm cho Miền Nam tự cường tự lực sao? Từ ngày Kissinger thương thuyết được cái bản Hiệp định Paris rắc rối đó tới nay mới chỉ có hai năm — chắc chắn người ta phải có ý định chống đỡ cho Thiệu đứng vững lâu hơn thế, đúng không?
Joseph nhún vai:
- Trong toan tính của Kissinger đâu có chỗ cho người Việt Nam. Hiệp định Paris và Việt Nam hoá chiến tranh chỉ là một hình thức tháo lui của Hoa Kỳ và nhận về tù binh cùng truy tầm người mất tích. Chính Kissinger đã nói nhỏ ngay sau lúc ký kết rằng may mắn lắm thì VNCH kéo dài được một năm rưỡi nữa. Trên thực tế, khi nửa triệu lính Mỹ rút lui mà 150.000 lính Miền Bắc vẫn còn ở Miền Nam thì cán cân quân sự nghiêng hẳn về phía Hà Nội. Từ sau ngày ký kết tới nay, Hà Nội ung dung chở quân khí vào nam gấp cả chục lần trước đây mà không còn sợ bị oanh kích như trên đường mòn Trường Sơn trước đây. Vì thế, hễ tấn công một cứ điểm là họ dễ dàng huy động sức mạnh gấp ba, cả về hỏa lực lẫn quân số, nhất là từ hai năm nay, họ hơn hẳn về pháo binh và chiến xa.
Tay “ký giả Thái Lan” rướn mình tới như lâm chiến:
- Nhưng Việt Nam hoá chiến tranh cũng có nghĩa là người Miền Nam chủ động chiến lược và chiến thuật!
Naomi bênh đỡ cho chồng. Nàng cảm thấy mình theo sát tình hình quân sự của Việt Nam hơn Joseph:
- Đúng thế, binh lính Miền Nam đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu quyết liệt của họ trong biến cố Tết 1968. Họ cũng đã chứng tỏ sự trưởng thành không ngờ khi đứng vững suốt Mùa hè 1972 mà không cần lính Mỹ tiếp ứng và cho tới cuối năm 1974, Bắc Việt không thắng được trận nào lớn. Nhưng có hai vấn đề không giải quyết nổi. Thứ nhất là tiếp liệu. Trên thực tế, quân đội Miền Nam từ mấy năm nay lâm trận với vũ khí ngày càng hạn chế. Từ năm 1969, Mỹ không yễm trợ phi pháo đúng mức và không thực hiện vũ khí một đổi một đúng như đã cam kết trong chương trình Việt Nam hóa. Thứ hai là lãnh đạo. Cá nhân Thiệu nắm quyền chỉ huy trực tiếp các tướng tư lệnh; đại tướng tổng tham mưu trưởng chỉ còn biết việc hậu cần; trong khi có vẻ như quân đội ấy có con số tướng lãnh được người ta kính trọng đếm không quá các ngón của hai bàn tay.
Một nhà văn rất thân với Naomi rụt rè lên tiếng:
- Tôi không hiểu tại sao năm năm nay, từ ngày Mỹ bắt đầu rút quân, Sài Gòn không xây dựng nổi căn bản đại đoàn kết cho một chế độ dân chủ để lấy lại cảm tình của phương tây và chống cộng hữu hiệu hơn?
Lần này Joseph nói thay cho vợ:
- Chính Thiệu để vuột cơ hội ấy. Hồi cuối năm 1972, Thiệu nổi bật vì yêu sách được một bản Hiệp định Paris có lợi đôi chút về thời gian cho Miền Nam tự củng cố nhưng rồi Thiệu vẫn giữ cung cách độc tài ù lì và đa nghi. Thiệu chỉ biết điều hành cuộc chiến bằng cách kỳ kèo với Mỹ trên giá máu của một quân đội mà mức độ điều động tác chiến của Thiệu tỉ lệ thuận với mức độ viện trợ của Mỹ. Hình như Thiệu vững tin vào chân mạng đế vương của mình nên không chịu kết hợp một tập đoàn chính trị có thực lực, thậm chí không thèm tạo vây cánh cho mình, mà chỉ cần Mỹ chống đỡõ và thầy bói cố vấn là đủ! Thiệu duy trì một guồng máy tham nhũng từ trên xuống dưới để nuôi các tướng lãnh, quan chức, nghị sĩ chịu mặc cả với Thiệu và cúi đầu tuân lời Thiệu.
Đưa mắt nhìn Naomi, thấy vợ có ý hưởng ứng lời của mình, Joseph nói tiếp:
- Theo chỗ tôi biết thì Thiệu vẫn cố tin vào lời hứa chống đỡ của cá nhân Nixon dù sau vụ Watergate, lời hứa ấy đã tiêu tan theo với chức tổng thống của Nixon. Thiệu không tiêu hóa nổi sự kiện Miền Nam hết là tiền đồn của thế giới phương tây sau khi chế độ chống cộng của Indonesia vững vàng, Trung Quốc đã vào Liên Hiệp Quốc, Washington đã lập bang giao bình thường với Bắc Kinh và chấp nhận cho Nga Sô qui chế tối huệ quốc. Khi tình hình chiến tranh lạnh ở Á Đông lắng xuống thì người Mỹ thắt hầu bao lại, lo chữa thương. Tòa Bạch Ốc thoát ra khỏi Việt Nam theo cách vừa rồi thì kể như là êm thắm lắm! Dù khác nhau một trời một vực về nhân cách và cứu cánh, Thiệu chia chung cái nhận định sai lầm chết người của Diệm Nhu khi cho rằng mình là đối tác độc nhất mà Mỹ không thể loại bỏ. Thiệu không chịu tin rằng sau khi Ford lên làm tổng thống thì đối với Washington, cuộc chiến Việt Nam được coi như đã chấm dứt. Cách đây bốn tháng, Hà Nội tung hai sư đoàn đánh chiếm Phước Long, gần Sài Gòn khoảng 100 cây số, vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris mà chính quyền Ford không lên tiếng, cũng không có ý muốn giúp đỡ gì thêm cho Sài Gòn. Quốc hội Hoa Kỳ chán ngấy chiến tranh, chỉ nghĩ tới quyền lợi của Mỹ. Theo tôi thì Hà Nội biết quá rõ như vậy nên họ thừa thế xốc tới.
Có tiếng của một vị khách làm bộ nghiêm giọng, nghiêng mình về phía Naomi hỏi:
- Thế thì thưa nữ phóng viên nổi tiếng nhất của chúng ta về Việt Nam, có phải vì chịu không nổi sức ép của Việt Cộng mà quân chính phủ đành phải rút về duyên hải?
Naomi mỉm cười tỏ vẻ chẳng mặn mà lắm với “lời nịnh bợ” ấy nhưng không trả lời. Nàng nhìn chồng như mời tiếp tục. Joseph trầm ngâm một lúc rồi trả lời thay cho vợ:
- Tôi không biết chắc. Có lẽ cũng không ai biết chắc. Không ai đoán nổi lý do nào khiến Thiệu bỗng dưng quyết định rút quân khỏi cao nguyên miền trung. Có lẽ ông ta bị ám ảnh bởi kinh nghiệm của Pháp tại Điện Biên Phủ: ông ta khiếp đảm trước việc Bắc Việt đang cắt đứt con đường quá dài kéo từ các căn cứ tiếp liệu tới Sư đoàn 23. Hoặc có lẽ ông ta muốn gây xúc động cho người Mỹ, xem việc rút quân như một nước cờ tháu cáy và cho đối phương thêm cơ hội vi phạm lộ liễu và ồ ạt Hiệp định Paris, làm Hoa Kỳ rát mặt, để vòi thêm viện trợ của người Mỹ. Cũng có thể ông ta nhận thấy lúc này khả năng của mình chỉ còn có thể giữ được một khoảnh lãnh thổ nhỏ hẹp, thí dụ vùng đất Nam kỳ thuở trước. 
Joseph ngừng nói. Hình ảnh những thây người, đàn bà trẻ con và trâu bò nằm chết la liệt giữa trời nắng gió trên Đại lộ Kinh hoàng ở Quảng Trị ba năm trước hiện rõ từng nét làm choáng ngợp tâm trí anh. Và anh cảm thấy chóng mặt. Nâng ly vang đỏ lên anh tính nhấp một ngụm cho dịu người nhưng chợt tự hỏi sao màu của rượu từa tựa màu máu bầm. Joseph run tay bỏ ly xuống và dụi mắt:
- Có một dư luận cực kỳ khó nghe và có lẽ sẽ không bao giờ tìm được bằng chứng hỗ trợ. Người ta nói rằng sau thời hạn một năm rưỡi của Kissinger, Thiệu bị áp lực sao đó nên phải thực hiện phương án của vị ngoại trưởng ấy là giật sập Miền Nam cho nó sụp đổ nhanh tới độ không nước nào kịp nhảy vào can thiệp. Tác giả của kịch bản này vừa muốn Hoa Kỳ dành ưu tiên hiện nay cho Do Thái vàTrung Đông vừa yên chí tính toán rằng với một Việt Nam cả hai miền đều kiệt quệ thì dù có thống nhất, việc quay trở lại trông cậy vào Mỹ để có thể đối trọng với Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian.
Cả bàn tiệc nín thở nhìn nhau. Vị dân biểu cao niên tằng hắng:
- Không lẽ cái lão Kissinger quá quắt đến thế. Một kịch bản như vậy mà mượn tay Thiệu thực hiện thì ngoài sức tưởng tượng. Nó vô luân một cách quái đản và nó trắng trợn một cách quái vật!
Joseph thở dài:
- Người duy nhất có khả năng trả lời về vấn đề kịch bản đó là Thiệu. Nhưng nếu con quái vật ấy là vị đương kim tổng thống kiêm tổng tư lệnh Quân Đội VNCH thì Thiệu chỉ còn cách ngậm câu hỏi đó cho tới chết! Dù gì đi nữa, trên thực tế, lúc này, cuộc rút quân đang gây hoảng loạn. Binh lính và dân tị nạn cả trăm ngàn người từ trên cao nguyên dồn nhau chạy xuống duyên hải, mắc kẹt cả tuần nay ở vùng rừng núi Sông Ba, bị Viêät Côäng truy đuôåi, pháo kích và bị các phần tử lưu manh cướp bóc, hãm hại. Cuộc chiến tranh ấy từ đầu tới cuối, từ việc Hồ Chí Minh đưa người tập kết vào lại Miền Nam để tiến hành khủng bố, phá hoại, xua cả triệu thanh niên sinh bắc tử nam, chiến dịch tố cộng của Ngô Đình Diệm tới Johnson tự động Mỹ hoá ồ ạt rồi Nixon Việt Nam hoá gấp gáp để Mỹ tháo chạy thật lẹ, không bên nào để mắt tới tình người. Nhất là lúc này, quốc hội Mỹ, kẻ chi tiền cho chính sách của chính phủ Mỹ đang thắt hầu bao mà không nghĩ tới số phận của mấy chục triệu người Việt từng được Điện Capitol và Tòa Bạch Ốc xem là tiền đồn bảo vệ Thế giới Tự do! 
Ông dân biểu thêm lần nữa hướng về Naomi:
- Thật là một cuộc tháo chạy tán loạn, đẫm máu và khủng khiếp. Naomi thương mến ạ, dĩ nhiên vùng đất đó cũng là chỗ trước đây cô thường lui tới, phải không? Cô có dự tính lao vô lại đó để tường thuật tình trạng đau khổ và chết chóc ấy không?
- Suốt hôm nay văn phòng của cháu thảo luận cuống cuồng về một bộ phim thời sự chung cuộc — một loại “Vĩnh Biệt Sài Gòn” nào đó. Họ yêu cầu cháu thực hiện cuốn phim ấy — nhưng tới giờ này cháu đang tìm cách từ chối.
Naomi vừa nói vừa mỉm cười âu yếm nhìn tới đầu bàn đằng kia nơi Joseph đang ngồi:
- Lúc này cháu không chắc mình có còn muốn đi mãi đi hoài như trước đây để mặc cho ông chồng khốn khổ ở lại nhà tự lo liệu lấy thân hay không?
Ông lão dân biểu khịt khịt mũi:
- Ông chồng khốn khổ! Quả chẳng sai tí nào! Quí vị hãy nhìn nước da rám nắng California của anh ta kia kìa! Tôi không biết anh ta có ở đây trọn cả mùa đông đáng ghét của chúng ta không hay là trong thời gian đó, anh ta đi chỗ khác để đánh quần vợt và bơi lội. Nếu tôi được cô hỏi ý kiến thì Naomi ạ, tôi sẽ nói toàn bộ cái chuyện vớ vẩn như việc viết một cuốn sách mới về “vai trò của Hoa Kỳ trong tương lai tại Á Đông” chỉ là bình phong che đậy cho sướng cái thân mình thôi. Anh ta y hệt con bọ chét!
Nhướng mắt nhìn ba người hầu gái phục vụ bàn ăn, cùng mặc áo đầm bằng vải sa tanh đen, đội lúp trắng và đeo tạp dề trắng đang bắt đầu dọn mấy chiếc đĩa cuối cùng, ông nói tiếp:
- Còn về chuyện tự lo liệu lấy thân thì anh ta không phải làm nhiều việc lắm đâu. Coi — nếu cô Naomi quyết định lên đường và quả thật anh ta cần người săn sóc thì đã có tôi đây. Tôi sẵn sàng tạt qua đây hoặc xuống thăm ngôi nhà thôn dã đáng yêu của cô ở tận miệt vườn Sussex để thỉnh thoảng tiếpï tay khui một chai Latour cho.
Nói tới đây, vị dân biểu lúc lắc cả hai vai tự tán thưởng lời nói khôi hài của mình và cười ha hả tới độ cả bàn tiệc cùng rộ lên cười theo.
Có tiếng chuông điện thoại reo nơi hành lang bên ngoài phòng ăn. Khoảnh khắc sau, cửa mở, một người hầu gái đi vào. Cô ta bước tới bên ghế của Naomi, thì thầm vào tai nàng. Naomi vừa lật đật ra ngoài thì một người hầu gái khác xuất hiện. Hai tay người ấy trịnh trọng bưng chiếc khay bạc trên đặt một bình thon cổ đựng rượu vang đỏ Bồ đào nha và một chai rượu mạnh. 
Trong khi mọi người chuyền bình rượu, người hầu gái lúc nãy trở vào thưa với Joseph rằng Naomi muốn gặp riêng anh đôi ba phút để hỏi ý kiến về cú điện thoại vừa gọi. Xin lỗi đi ra, anh thấy vợ đang chờ trong phòng đọc sách được trang hoàng tề chỉnh bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật phương đông và những kỷ vật Á Đông được anh chuyển từ Cornell sang. Naomi nói ngay:
- Phòng quay phim gọi. Họ quá sốt ruột về việc tường thuật tình hình Việt Nam. Họ vừa nhận được tin lực lượng của Thiệu đã bỏ Huế mà không chống cự. Sắp tới là bỏ Đà Nẵng. Binh lính chính phủ nhiều người tự sát, nhiều kẻ đào ngũ, nhiều nơi bắt đầu ném lựu đạn vào nhau để dành chỗ trên máy bay di tản. Người ta nói lúc này có tới một nửa lực lượng của Nam Việt Nam hoặc bị giết, bị thương, bị bắt làm tù binh hay bị buộc phải rút lui mà không có quân trang quân dụng gì cả. Không lẽ... không lẽ... có cái kịch bản quái đản ấy!
Joseph lắc đầu không tin nổi:
- Chả biết ra làm sao nữa! Nhưng nếu em có ý định đi Sài Gòn thì phải lẹ lên mới được.
- Đúng như vậy, và đó là lý do họ gọi điện lúc này — họ muốn có một toán quay phim và một đạo diễn đi ngay sáng mai.
- Em trả lời họ thế nào?
Naomi nắm bàn tay Joseph bằng cả hai tay mình:
- Em bảo họ mười phút nữa em gọi lại. Theo anh, em nên làm sao đây?
- Em nên đi. Em muốn như vậy, phải không? Sài Gòn từng làm cho em cảm thấy nó lúc nào cũng cực kỳ quyến rũ.
Xoắn các ngón tay, nàng nhìn vào mắt chồng và cười âu yếm:
- Em nghĩ  “từng làm” có thể là một từ ngữ chính xác. Nhưng em không còn dám chắc như vậy nữa... lúc này em có anh rồi.
Naomi ngừng nói và nhíu mày:
- Em bị dằng co giữa việc đi xa... và việc ở lại đây với anh.
- Nhưng em sang bên đó chỉ một hai tuần thôi.
Nàng vuốt ve lưng bàn tay Joseph và mắt nhìn xuống:
- Em biết. Nhưng không chỉ vậy thôi Joseph. Dù có đi thì em đã quyết định đây là cuốn phim chót của em. Em thấy là trong ngày sinh nhật thứ ba mươi chín của mình, cô gái ấy đang hoang mang ngẫm nghĩ một vài ý tưởng sâu xa hơn việc chỉ ăn mừng thôi. Thí dụ như, phải chăng đã tới lúc cô ta nên bỏ cái việc chạy nháo nhào khắp thế giới và nghĩ tới... tới một cái gì khác... trước khi quá trễ...
Joseph mỉm cười tọc mạch và hỏi:
- Cái gì khác là cái gì vậy?
- Anh biết không, cái đó lúc này thành một mốt thời thượng. Mấy cô bạn học cùng lớp với em ở Sherbourne bỗng dưng đang có ý thực hiện cái đó — kể cả những gia đình có đầy đủ rồi.
- Thực hiện cái gì?
Joseph hỏi với vẻ mặt hoang mang. Naomi cười như nổi cáu với chồng:
- Cái việc có em bé, mình ạ. Nay là đã cuối thời tam thập và bắt đầu tứ tuần của người ta rồi! Em biết, thực tế em là dân thành phố, lại lớn tuổi... nhưng hiện nay, người ta có thể làm đủ thứ thử nghiệm và làm đủ mọi cách để đảm bảo cho việc đó ổn thoả. Anh nghĩ là em có xoay xở nổi cái việc đó không?
Joseph cười lớn. Anh đưa tay âu yếm vuốt nhẹ lên hai đùi thon và dài của Naomi qua làn vải sa tanh mịn màng:
- Anh biết một cách tuyệt đối và chắc chắn rằng hễ em muốn việc gì thì tất nhiên em làm được việc đó. Có điều anh cũng biết một cách dứt khoát rằng cái lão này quá già cho ba cái trò hấp dẫn ấy.
- Nói năng chả có ý nghĩa gì cả!
Naomi lùi ra sau một bước, ngắm nghía kỹ lưỡng bộ mặt chồng trong một chốc. Tóc Joseph bây giờ bạc trắng nhưng người anh vẫn thẳng đứng và gọn gàng trong bộ đồ vét hiệu Savile Row trang nhã mặc cho bữa tiệc tối. Nước da sạm nắng mùa đông ở Califonia làm anh lại càng có vẻ trẻ trung hơn nhiều so với tuổi tác của mình. Nàng bật cười ròn rả và đưa tay lên xoa xoa cổ chồng:
- Anh mạnh khoẻ hơn khối người chỉ bằng nửa số tuổi của anh, mình ạ. Và anh cũng biết rõ như vậy... tính luôn cả lỗ đạn trong vai trái nữa. Có lo là lo cho em đây này...
Lửa trong lò sưỡi phòng sách cháy leo lét. Joseph quay mình cầm que cời rồi trở củi. Lửa lập tức bùng lên, toả ánh sáng màu da cam khắp mặt anh. Joseph tiếp tục ngồi trên thảm, ngắm củi đang cháy đen sạm thành than, mặt bỗng lộ vẻ đăm chiêu. Lửa trong lò chợt tắt ngúm và giọng nói của anh mang âm hưởng của một tâm trạng hiu hắt:
- Naomi ạ, đôi khi anh cảm thấy mình không khác bao nhiêu so với mấy thanh củi này... Có thể ở bên ngoài rực lên chói sáng nhưng ngay nơi trung tâm lại đang có một loại trống rỗng và nguội lạnh nào đó.
Naomi quì xuống bên Joseph. Đưa hai tay lên ấp khuôn mặt anh nàng sửng sờ đăm đăm nhìn chồng:
- Joseph! Anh đừng có cảm tưởng như thế... mình ạ, chớ bao giờ như thế!
Joseph phủi quần áo, đứng lên. Anh vừa nói với vợ vừa mỉm cười:
- Anh xin lỗi. Tại sao mình không để tới khi em trở về mới bàn tính cặn kẽ cái việc đó. Nếu em không đi Sài Gòn thì em sẽ tiếc nuối mãi. Ít ra nó cũng cho anh cơ hội về dưới vùng quê, tiếp tục cuốn sách... Và giữa các chương này chương nọ thì nghĩ tới quả bom mới nhất em vừa cho nổ!
Naomi cười đáp trả và vẻ mặt trang trọng trở lại:
- Joseph ạ, anh có thể đi Sài Gòn với em không? Không phải để làm việc... mà là để chỉ ở đó với em thôi.
Joseph lắc đầu:
- Lúc này Sài Gòn đối với anh chỉ còn là những ám ảnh đau đớn của quá khứ Naomi ạ, em biết như vậy mà!
Naomi im lặng nhìn Joseph một lúc rồi với vẻ hiểu biết, nàng gật đầu. Anh theo nàng ra cửa nhưng trước khi mở cửa, nàng dừng bước và quay lại. Đặt hai tay lên lằn vải sa tanh trắng mịn màng hai bên ve ngực áo anh, Naomi nhìn vào mặt chồng, cười tinh quái:
- Mình ạ, khi khách khứa ra về hết rồi, dù anh chưa có cơ hội suy nghĩ về cái việc đó giữa chương này chương nọ của cuốn sách thì anh có nghĩ rằng, như một chiêu đãi cho ngày sinh nhật của em, mình đi thẳng vô giường và bắt đầu xúc tiến việc thử nghiệm ý tưởng đó của em không? Hoặc ít ra mình chỉ giả vờ thử nghiệm thôi!
Hứng khởi bởi lời Naomi nói, Joseph ôm nàng vào lòng, siết thật chặt cơ thể thon dài và mềm mại ấy. Anh để má mình ở yên trên mái tóc vàng của nàng một lúc, mắt nhắm lại, hít thật sâu mùi hương thoang thoảng da thịt nàng. Rồi cả hai rời nhau, nhìn nhau cười dịu dàng. 
Joseph trở lại phòng ăn để kịp thấy chiếc bình thon cổ đựng bồ đào mỹ tửu vẫn được chuyền nhau giữa tiếng nói cười rôm rả và khói xì gà mù mịt như mây. Khi đóng cửa hành lang lại đằng sau mình, anh nghe Naomi đang nói điện thoại bảo phòng quay phim rằng nàng sẵn sàng cho chuyến bay trưa mai tới Sài Gòn, một thành phố đã bị kết án.