- 9 -
VẤN ĐỀ KIỂM DUYỆT

Dù là dưới chế độ quân chủ hay dân chủ, bất kỳ ở đâu và thời nào cũng có một lằn ranh rõ rệt giữa hai giới: giới cai trị người và giới bị người cai trị.
 
Xưa giới cai trị cho là cha mẹ dân, cho dân cái gì thì dân được cái nấy, dân chẳng có chút quyền gì mà chỉ có bổn phận, nếu chẳng may gặp cảnh “hà chính mãnh ư hổ” thì chỉ còn cách trốn vào rừng cày ruộng lấy mà ăn, đào giếng lấy mà uống, hoặc nổi loạn. Nhà cầm quyền ngồi vòi vọi ở trên, dân quỳ mọp ở dưới, phân cách nhau thành hai từng.
 
Nay giới cầm quyền do dân bầu ra, dân có quyền đòi hỏi và tranh đấu, sự phân cách theo chiều dọc giảm đi nhiều, nhưng lại có sự phân cách theo chiều ngang: chính quyền và nhân dân thành hai giới đối địch nhau. Sự mâu thuẫn có từ trong bản thể: một bên là cai trị, một bên là bị trị. Đương nhiên ở bên bị cai trị mà bước qua lằn ranh, sang bên cai trị thì tự nhiên và đột nhiên người ta thành một con người khác. Léon Blum đã nói rất đúng: “Khi người ta thành một nhà cầm quyền thì sự nhận định của người ta thay đổi hẳn”.
 
Ông X.X trong “Bài học Moutet” (Đuốc Nhà Nam ngày 19.6.69) đã nhắc lại chuyện Marius Moutet qua quan sát tình hình Việt Nam cuối năm 1946 để chứng minh điều đó. Moutet là một lãnh tụ của đảng Xã hội Pháp. Vậy mà khi làm bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, thì chỉ có cái tác phong bộ trưởng chứ không còn cái tác phong xã hội, cũng chủ trương như tên thực dân khát máu D’Argenlieu: diệt kháng chiến Việt Nam. Rồi ông X.X[1] kết luận:
 
“Té ra Marius Moutet cũng nói ra những lời không khác gì mấy ông thực dân khác. Một là ông bị họ (tức bọn thực dân) đầu độc. Hai là ông đã đổi lập trường. Ba là vì địa vị trong chính quyền đã bắt buộc ông phải từ bỏ cái lập trường xã hội. Nhưng nghĩ lại thì cũng không nên trách ông. Vì chẳng những đảng Xã hội, mà ngay đảng Cộng sản Pháp đã từng tham chánh mà vẫn không ngăn cản được chính sách dùng sức mạnh ở Việt Nam”.
 
Vâng, không nên trách Moutet. Nhà cầm quyền nước nào cũng vậy.
 
Khi Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, tôi đã mừng rằng chính phủ thực dân không còn, chiến tranh cũng đã ngưng, thì cái việc kiểm duyệt nếu chưa bỏ hẳn được, chắc cũng không còn khắt khe như trước.
 
Nhưng ngược hẳn lại: người ta đã chẳng cởi ra mà mỗi ngày một thắt chặt hơn. Cái thời mà họ Ngô rung rinh cũng chính là bộ thông tin thắt thêm một vòng rất gắt: giấy phép kiểm duyệt chỉ có giá trị trong ba tháng, quá hạn phải xin triển hạn.
 
Sau cuộc “cách mạng” 1.11.1963, bộ Thông tin bị dân chúng đập phá sơ sơ để cảnh cáo, tôi lại hí hửng tưởng đã “cách mạng” rồi thì tất sẽ “cách” luôn cái việc kiểm duyệt, nhưng tôi cũng lại thất vọng: người ta chỉ “cách cái mạng” của ba anh em nhà họ Ngô thôi, còn chính sách kiểm duyệt cởi được mấy tháng rồi thắt lại như cũ; vậy họ Ngô không đáng sống nhưng đường lối của họ Ngô vẫn đáng theo. Cho nên một nhà báo Pháp đã bảo: “Chính sách cách mạng là chính sách Diệm mà không có Diệm” (C’est du diemisme sans Diệm).  
 
Trong mười mấy năm nay, trải bốn năm triều, tôi hân hạnh được quen bốn năm ông lãnh những trách nhiệm quan trong ở bộ Thông tin. Khi chưa nắm quyền các vị đó đều đã viết lách ít nhiều và vị nào cũng có tư tưởng tự do, chống chế độ kiểm duyệt; nhưng có quyền trong tay rồi, chỉ trừ mỗi một vị, còn bao nhiêu đều cứ “tuồng cũ diễn lại”. Một vị khi “ở ngoài” đã tính dịch truyện Bất phân thắng bại của Steinbeck mà khi “vô” rồi, lại “bác” truyện ngắn Một cuộc ráp cũng của Steinbeck, nội dung so với Bất phân thắng bại còn ôn hoà hơn nhiều.
 
Và tôi rút được những kinh nghiệm này:
 
- Các thời đó cơ quan kiểm duyệt đối với nhà báo, nhà văn nhiều khi có vẻ như các thầy cảnh sát đối với bọn trộm cướp, một đằng cố rình, một đằng cố tìm cách lẩn. Một vị giám đốc nào đó đã chẳng có lần tự hào mà tuyên bố rằng lật tẩy được các mánh khoé tránh đòn kiểm duyệt của các nhà báo đấy ư?
 
- Tình hình càng đen tối, chính quyền càng lung lay thì càng gắt gao trong việc kiểm duyệt.
 
- Một người dù thành tâm thiện chí tới mấy, khi cầm quyền rồi cũng tự nhiên thay đổi hẳn lập trường; ta đừng ngây thơ mà nhắc tới chủ trương cùng lời hứa của họ trước kia, họ chỉ thêm bực mình mà còn thắt chặt hơn nữa chứ chẳng mở cho đâu.
 
- Một người cầm bút muốn khỏi tự phản bội mình, thì đừng nên bước vào chính quyền, vì vô rồi, chỉ hôm trước hôm sau mặt của mình thay đổi hẳn, chính mình cũng không nhận ra mình được nữa
 
Dĩ nhiên, tôi nói đó là nói chung, bao giờ cũng có biệt lệ, nhưng biệt lệ bao giờ cũng hiếm.
 
Từ khi “Đệ nhị Cộng hoà” thành lập, rồi Tân hiến pháp được công bố, tôi lại có chút hy vọng. Thế nào chẳng có thay đổi, không nhiều thì ít? Hai viện Thượng và Hạ đều có Uỷ ban văn hoá, vấn đề kiểm duyệt tất phải đem ra bàn. Và tôi kiên nhẫn đợi.
 
Lần này, không đến nỗi thất vọng hẳn. Ít nhất cũng đã bãi bỏ sự kiểm duyệt báo hằng ngày. Trên báo thỉnh thoảng còn những đoạn bỏ trắng, làm cho tôi hơi thắc mắc ở điểm, sao nhà báo không tự kiểm duyệt trước khi sắp chữ, để đổ chì, lên khuôn rồi mới đục. Nhưng dù sao, như vậy cũng là chính quyền và nhân dân đã hiểu nhau, biết hợp tác với nhau, một bên khỏi phải đóng vai cố rình, một bên phải khỏi tìm cách tránh né. Những tờ báo nào không biết tự kiểm duyệt mà có bị ngưng và đưa ra toà thì đã có công lý. Và nếu áp dụng đúng luật lệ thì rồi đây, nhà báo nào thắng kiện sẽ được chính phủ bồi thường. Thực là công bằng. Trách nhiệm cuối cùng về bộ Tư pháp chứ không về bộ Thông tin nữa. Có tự do ngôn luận tới mức nào, sẽ tuỳ thuộc các vị thẩm phán.
 
Nhưng về sách thì tới nay vẫn chưa có gì thay đổi cả.
 
Gần Tết năm ngoái, trong một cuộc tiếp tân văn hoá tại dinh Độc lập, một số nhà văn ngỏ ý xin bãi bỏ kiểm duyệt, Tổng thống tuy không hứa bao giờ sẽ bãi bỏ, nhưng chấp nhận nguyên tắc.
 
Nắm lấy cơ hội, khoảng hai mươi ngày sau, ngày 5.3.69, một trăm nhà văn ở Sài Gòn cùng ký một kiến nghị yêu cầu chính phủ bãi bỏ kiểm duyệt ngành xuất bản. Chưa bao giờ các nhà văn đoàn kết với nhau như vậy, quyết định và hành động mau lẹ như vậy. Đó là hạn chế ở số 100, chứ nếu muốn có 200, 300 chữ ký thì cũng dễ. Vì từ mấy chục năm nay nhà văn nào mà chẳng mỏi mắt trông chờ cái ngày bỏ kiểm duyệt.
 
Kiến nghị gởi đi tới nay đã sáu tháng, không thấy hồi âm mà lại gây nên một vụ sôi nổi, vụ nhà văn V.P[2] bị lột chức Chánh sự vụ, vì dám ký tên trong kiến nghị. Ở nước ta thời này, không việc gì quyết định mau được, ai cũng hiểu vậy nên sáu tháng chưa phải là lâu mà tám tháng thì cũng chưa trễ. Nhưng tôi nghe nói hình như Quốc hội đã đem vấn đề đó ra hỏi Bộ Thông tin, Bộ có trình cả bộ hồ sơ thu thập những câu nói bóng gió, mỉa mai nào đó để Quốc hội thấy không thể bãi bỏ kiểm duyệt được và Quốc hội đã “thông qua”.
 
Nếu lời ông bạn tôi nói đó mà đúng thì Quốc hội đã dễ bị thuyết phục quá. Bảo rằng vì có những người viết như vậy như vậy nên phải kiểm duyệt, vì sao không nghĩ rằng vì còn kiểm duyệt nên những người đó phải viết như vậy như vậy? Đâu là nhân, đâu là quả? Ai mà dám chắc? Tôi tin rằng chế độ kiểm duyệt khắc khe là nhân mà lối viết như vậy là quả. Bằng cớ là từ khi bãi bỏ sự kiểm duyệt báo hằng ngày, những giọng như trên nhiều tờ đã bớt đi nhiều lắm, mặc dầu ngôn luận vẫn bị còn giới hạn.
 
Vả lại đã bãi bỏ sự kiểm duyệt báo thì tại sao lại không bãi bỏ sự kiểm duyệt sách? Sách phổ biến mạnh và mau hơn báo ư? Sách nguy hại hơn báo ư? Cơ hồ như trái lại mới phải chứ? Hay là nhà văn không đủ tư cách hưởng tự do ngôn luận bằng ký giả? Nhà văn hãy còn ấu trĩ không tự lãnh trách nhiệm về tư tưởng của mình được, vẫn còn cần sự chỉ bảo của chính quyền? Lý do đó tôi không sao hiểu nổi.
 
Một ông bạn tôi bảo có lẽ tại nếu bãi bỏ thì tốn công cho sở kiểm duyệt: khi nạp bản, sở phải đọc gấp, mà sách nhiều hơn báo. Lý do này lại càng không vững. Chúng ta hiện nay có năm sáu chục tờ báo hàng ngày, cứ kể như mỗi tờ nhân viên kiểm duyệt chỉ cần đọc ba trang thôi, mà ba trang báo ít nhất cũng bằng hai chục trang sách; vậy là mỗi ngày phải đọc từ 1.000 đến 1.200 trang sách, tức 5, 6 cuốn sách trung bình (200 trang). Mà số sách xuất bản mỗi năm nhiều lắm là ngàn cuốn, đại đa số chỉ cần coi nhan đề hoặc tên tác giả, là có thể cho giấy phép được rồi, chẳng cần phải đọc. Đọc làm quái gì những sách giáo khoa, những truyện trinh thám; mà những sách biên khảo mang tên Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục… chẳng hạn thì tin chắc được rồi; những bản dịch tác phẩm của Sartre, Camus, Tolstoi, Maugham, Khrisnamurti, Goethe vân vân… cũng đọc làm chi cho mất công. Vậy mỗi ngày chỉ phải đọc một hay hai cuốn, đâu có nhiều hơn báo được. Lại thêm những sách tái bản nữa, tôi chắc chẳng nhân viên kiểm duyệt nào mà đọc lại nếu tác giả không sửa chữa thêm bớt, vậy mà cũng mất công đánh máy rồi ký để cấp giấy phép.
 
Sau cùng, có nhiều tới mấy đi nữa thì tuyển thêm người và phân công chứ sao lại làm một việc ngược với hiến pháp như vậy?
 
Không, suy nghĩ kỷ tôi vẫn thấy không có lý do gì để duy trì chế độ kiểm duyệt sách, nhất là chế độ của họ Ngô để lại.
 
Tôi không hiểu tại sao ông cựu bộ trưởng Tôn Thất Thiện đã bãi bỏ sự kiểm duyệt báo chí mà không liếc mắt ngó qua mẫu giấy phép xuất bản sách. Y hệt thời Ngô Đình Diệm, chỉ khác cái tên “Sở kiểm duyệt” đổi làm “Sở phối hợp Nghệ thuật”. Còn thì vẫn:
 
1. Giấy phép này chỉ có giá trị trong ba tháng.
 
2. Trong sách xuất bản, ở những nơi có chữ hay đoạn văn bị xoá, không được để khoảng trắng, hoặc in những vạch đen, dán giấy đè lên trên.
 
.....
 
Thời thực dân Pháp, không có hai điều đó. Đó là sáng kiến của nhà Ngô, đúng hơn là của Trần Chánh Thành, bộ trưởng Thông tin của nhà Ngô.
 
Chánh sách của nhà cầm quyền hoặc đường lối kiểm duyệt thay đổi trong ba tháng sao? Từ hai năm nay vì thiếu thợ, một cuốn sách 200 trang, in thường phải sáu tháng mới xong, thành thử mười cuốn thì sáu, bảy cuốn phải xin triển hạn.
 
Rồi cái việc cấm để khoảng trắng không hiểu có lợi gì cho chính quyền không? Để cho người đọc sách khỏi đoán được ý tác giả trong những chỗ bỏ trắng đó ư? Có phép thần nào mà đoán được nếu nhân viên kiểm duyệt đã cắt một cách kỹ lưỡng? Hay là để độc giả không thấy dấu vết kiểm duyệt, mà tưởng rằng đã có sự “phối hợp” rất chặt chẽ về đường lối, về tinh thần giữa chính quyền và nhà văn?
 
Như vậy để làm gì kia chứ? Để gạt dân ư? Gạt được không?
 
Trước sau gì thì chế độ kiểm duyệt xuất bản cũng phải bãi bỏ. Quốc hội này không can thiệp thì sẽ có Quốc hội sau. Càng bãi bỏ sớm càng có lợi cho chính quyền.
 
Vì chính quyền lúc này đã chuẩn bị gấp để tranh đầu về chính trị, tranh thủ nhân tâm với đối phương. Mà ai cũng biết rằng điểm nhân dân ngán nhất ở đối phương là chính sách bóp nghẹt tự do. Nay bãi bỏ kiểm duyệt, cho dân quen hưởng tự do – một thứ tự do không tới mức phóng túng – thì nhân dân càng sát cánh với chính quyền chứ gì đâu? Cho nhà văn tập nhận lấy trách nhiệm thì họ càng phải thận trọng chứ có sao đâu? Có người nào không hiểu thì cứ thành thực ôn tồn giảng giải cho họ, một hai lần mà không sửa thì đã có bộ Tư Pháp, có toà án đấy. Chính quyền luôn luôn ở trong cái thế mạnh mà còn ngại nỗi gì?
 
Cần định rõ tiêu chuẩn kiểm duyệt sau khi nạp bản: cấm về những điều nào, về mỗi điều, đưa ra một ít thí dụ cụ thể cho nhà văn nhận định được rõ ràng, chứ chỉ đưa ra những quy tắc tổng quát thì mơ hồ quá, chẳng những nhà văn không biết đâu mà tránh, và sẽ ngờ chính quyền là bủa lối quá rộng, mà ngay các nhân viên kiểm duyệt cũng không biết đâu mà làm việc, cứ xoá bỏ lung tung, gây ra những trường hợp quái đản như tờ Hoà Bình đã nêu trong số 21.7.69:
 
Câu: “loài người ơi, đừng nhìn nhau với vẻ mặt hận thù”, bôi bỏ hai chữ “hận thù”.
 
Câu: “lửa bập bùng nung chí tự do”, bôi bỏ bốn chữ “nung chí tự do”.
 
Câu: “mong ước sao cho nhân loại hoà bình”, bôi bỏ hai chữ “hoà bình”.
 
Tới cái nông nỗi chỉ ước mong sinh được một đứa con da vàng mà người ta cũng bắt bôi bỏ hai chữ “da vàng” đi nữa.
 
Một ông bạn tôi có ý gom góp một số bài báo, chương sách của các bạn văn xa gần bị ti kiểm duyệt bác từ 1954 đến nay để có dịp làm thành một tập “Văn chương quốc cấm trong thời độc lập”. Sẽ là một tập tài liệu quí chẳng những về lịch sử kiểm duyệt mà còn về lịch sử chính trị ở nước mình nữa. Người đời sau đọc chắc ngờ rằng chính mình sống ở thời đại Tần Thuỷ Hoàng.
 
Nếu định rõ tiêu chuẩn rồi mà trong hội đồng kiểm duyệt (sau khi nạp bản) lại có đại diện của giới nhà văn, nhà xuất bản và độc giả cùng xét với chính quyền mỗi khi muốn cấm phát hành một cuốn nào, những đại diện đó không do chính quyền đề cử và cứ vài năm lại thay đổi – tôi tưởng nhà văn nào cũng sẽ hài lòng mà hợp tác với chính quyền một cách thành thực – hợp tác không nhất định là không chống đối; nếu cần thì vẫn chống đối nhưng luôn luôn thành thực và có tinh thần xây dựng.
 
Dù là việc nhà, việc hãng, việc sở hay việc nước, hễ người trên đứng đắn, thành tâm, tìm hiểu cấp dưới thì luôn luôn có tinh thần hợp tác với nhau được việc. Cái bổn phận mà cũng là vinh dự của người chỉ huy tỏ thiện chí trước.
 
Tóm lại là phải thay đổi hẳn tinh thần, đừng rình rập để bắt lỗi rồi cấm, rồi phạt như thực dân Pháp thời trước nữa mà đối thoại với nhau, giảng giải với nhau, thì nhẹ việc cho chính quyền rất nhiều, đỡ việc cho nhà xuất bản, mà lại tránh được những vụ chấn động như nhà văn V.P, tờ báo Hoà Bình đã nêu lên mấy tháng trước.
 
Nhưng kiểm duyệt không phải chỉ nhắm mục đích phục vụ một chính sách có tính giai đoạn, mà cần phải phục vụ nhân dân nữa; tránh cái hại cho dân. Cấm lưu hành những sách khiêu dâm, mà cũng nên cấm luôn cả những sách của một bọn không có lương tâm viết bậy bạ để kiếm tiền. Mấy năm gần đây báo chí đã vạch cái nạn sách giáo khoa và sách dịch đầy những lỗi không thể tha thứ được. Những sách đó in ra đã tốn ngoại tệ (mua giấy và mực) mà chính quyền bán ra lại phí tiền cho những người lỡ mua phải. Rồi đây, hoà bình trở lại, từ chính quyền đến nhân dân đều phải hết sức tiết kiệm để kiến thiết, những loại sách đó nhất định phải cấm. Muốn cấm mà khỏi phải mang tiếng độc tài, người viết và người xuất bản không thể phàn nàn được thì trong hội đồng kiểm duyệt phải có đại diện của giới nhà văn, xuất bản và giới độc giả như trên tôi đã đề nghị. Dĩ nhiên những đại diện đó phải là người có uy tín do mỗi giới đề cử. Tôi tin rằng một hội đồng kiểm duyệt như vậy xuất hiện thì bao nhiêu loại sách nhảm nhí lỡ viết in rồi cũng phải xé bỏ, không dám đưa kiểm duyệt nữa, cũng như ánh sáng tới đâu thì bóng tối tan biến tới đó.
 

Sài Gòn ngày 5.7.1969

 

°

° °

Chú thích:
[1] XX: một bút hiệu khác của nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978). (BT).
[2] V.P hay V.Ph (xem bài trước) là nhà văn Võ Phiến. Theo cụ Nguyễn Hiến Lê, nhà văn này “nhờ thượng cấp của ông – ông là nhân viên Nha Thông tin – muốn trừng phạt ông mà ông có dịp đi đây đi đó khắp trong nước, viết được tập Đất nước quê hương” (ĐVVCT - trang 245). (Goldfish)