- 10 -
SAU MƯỜI TÁM NĂM TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI MỸ VÀ VÀI SUY TƯ VỀ PHONG TRÀO VỀ NGUỒN

De Gaule, nhất là tên thầy tu khát máu D’Argenlieu, là kẻ thù của dân tộc Việt Nam. Dân tộc họ mới nhờ đồng minh mà ngóc đầu lên khỏi gót sắt của Đức thì họ lại cho quân đội viễn chinh núp sau lưng quân đội Anh, đổ bộ lên Nam Bộ mà giày xéo non sông chúng ta. Họ cũng có tội với dân tộc Pháp nữa: vì họ mà chín năm sau, Pháp phải nuốt cái nhục Điện Biên Phủ, để Mỹ hất cẳng ra khỏi bán đảo Đông Dương, mà ảnh hưởng của Pháp tại đây tiêu tan gần hết.
 
Tháng 5/1956, ngày tên lính cuối cùng của Pháp xuống tàu ở bến Nhà Rồng, báo chí Sài Gòn chỉ đăng vắn tắt có mấy hàng mà đại đa số độc giả cũng không buồn đọc. Sau non một thế kỷ “khai hoá” như họ nói, trong ba mươi mấy triệu dân Việt Nam, có được bao nhiêu người nhớ tiếc họ, tiễn đưa họ? Ngay những công chức được họ ưu đãi rất mực, mà lúc đó cũng quay mặt đi, hướng về Mỹ.
 
Tôi nhớ một chiều thu năm đó, một ông bạn tôi, nhân viên quan trọng trong một bộ nọ, bảo tôi:
 
- Chúng mình phải ủng hộ ông Diệm chứ không còn giải pháp nào khác. Ông là người của Mỹ, Mỹ đưa ông ta về, mà Mỹ thay Pháp ở đây. Dù sao, tôi nghĩ Mỹ cũng còn hơn Pháp. Trong một thế kỷ nay, Mỹ không có tai tiếng gì ở Đông Á: xâu xé Trung Hoa, xâm chiếm Đông Dương, Miến Điện là Anh, Pháp, Đức, Nhật chứ không phải Mỹ. Mỹ lại có truyền thống dân chủ. Mỹ lại giàu và mạnh nhất thế giới, chắc “dễ chịu” hơn Pháp. Họ đã bỏ ra bao nhiêu triệu Mỹ kim giúp việc định cư 800.000 đồng bào Bắc Việt di cư.
 
Có thể nói đa số dân thành thị hồi đó, có ít nhiều cảm tình với người Mỹ, như ông bạn tôi. Thật ra, thiện cảm giảm nhiều so với năm 1945, vì trong chiến tranh Pháp-Việt càng về sau, Mỹ càng lộ vẻ ủng hộ Pháp, nhưng cả những người hận Mỹ ở điểm đó cũng chưa hẳn có ác cảm, mà có thái độ chờ xem, tò mò muốn tìm hiểu người Mỹ, văn hoá Mỹ.
 
Rất nhiều người hăng hái học tiếng Anh, đọc những tác phẩm Mỹ dịch ra tiếng Việt: khảo luận về nền dân chủ Mỹ, văn học Mỹ, lịch sử Mỹ, tiểu sử các danh nhân Mỹ: Lincohn, Roosevelt, Franklin, Thomas Paine, Jefferson…, tiểu thuyết của Hemingway, Steinbeck, Cadwell…
 
Trước sau độ dăm chục bản, dịch kém, in xấu, nhưng không sai, đọc cũng được mà rẻ. Phong trào đó tương đối thịnh được độ bốn năm năm, rồi thì suy, một phần vì số người biết tiếng Anh, đọc được trong nguyên tác tăng lên, một phần vì có lẽ chẳng có gì đáng dịch nữa.
 
Nhưng muốn hiểu được một nền văn minh thì phải khảo sát xã hội do văn minh đó tạo nên, phải nhìn thấy lối sống, cách xử sự, suy nghĩ của đại chúng, cách họ kiếm tiền, tiêu khiển, bầu cử Tổng thống, dạy dỗ con cái… Chứ chỉ đọc những tác phẩm văn học, triết học, nghệ thuật… của họ chưa đủ.
 
Và do tiếp xúc với người Mỹ, chúng ta được biết thêm một khía cạnh sinh động của văn minh Mỹ ngay trên đất nước chúng ta. Từ năm 1960, 61, loại phim cao bồi, nhạc jazz, các tạp chí khiêu dâm Playboy ồ ạt xâm nhập Sài Gòn, nhất là từ khi lính Mỹ qua, mới đầu không đầy trăm ngàn, lần lần tăng lên tới nửa triệu. Lính Mỹ qua, dân tộc ta mới tiếp xúc thẳng với người Mỹ, mới thấy rõ được cái mặt trái của văn minh đó. Ngay từ năm 1966, trong một cuộc phỏng vấn, tôi đã nói với nhà văn Nguyễn Ngu Í: “…Tôi chỉ xét về phương diện xã hội thì người Mỹ ở đây càng lâu càng có ảnh hưởng xấu. Có trải qua thời này mới hiểu thấu được các bậc tiền nhân như Yên Đỗ”. Khi in cuốn Sống và viết (của Nguyễn Ngu Í – Ngèi Xanh – 1960) đoạn đó bị kiểm duyệt.
 
Hồi đó tôi đã thấy vậy, nhưng không ngờ ảnh hưởng của Mỹ ghê gớm như ngày nay.
 
Họ tiêu xài hai tỉ Mỹ kim, hi sinh năm chục ngàn thanh niên, trút hàng chục triệu tấn bom, làm non triệu người người mình bị giết, hàng vạn hàng ức mẫu vườn, ruộng, hàng ngàn làn mạc bị tàn phá, gây biết bao cảnh tang tóc, mấy trăm ngàn phế binh, cô nhi, quả phụ, mà rốt cuộc, non mười năm rồi, vẫn không giải quyết nổi chiến tranh này. Cùng quá, họ phải dựng lên vụ tàu Maddox để có cớ dội bom xuống miền Bắc, nhưng tưởng lần này nhất định sẽ thành công, nhưng sáu tháng sau, họ phải đơn phương xuống thang, nghĩa là tự thú thất bại, mà tìm cách thương thuyết. Thương thuyết mấy năm không xong, bây giờ một mặt họ lo vuốt ve Trung Quốc – mới mấy năm trước là kẻ thù số 1 của họ - hi vọng tìm một giải pháp cho Đông Dương; một mặt họ cấp tốc Việt hoá chiến tranh, để rút lui. Họ, hai trăm triệu người, một dân tộc hùng cường nhất thế giới, trút cả gánh nặng bảo vệ “tiền đồn của thế giới tự do” như họ nói, bảo vệ “tân biên cương của họ” như họ chủ trương, lên vai mười bảy triệu dân Việt Nam, mà lại tính cắt hết viện trợ kinh tế nữa, như vậy có khác gì họ chạy làng, đáng trống bỏ dùi không? Lương tâm của họ đâu nhỉ?
 
Lính của họ xả súng vào trẻ em, liệng đá vào xe qua đường mà cười hố hố, cán người rồi dông, mua quịt, dâm loạn, nghiện bạch phiến, ăn cắp đồ để bán chợ đen… Có hơn gì lính Lữ Hán không?
 
Họ tự do ở đâu mà bắn chết mấy sinh viên phản chiến trong một đại học nọ của họ?
 
Họ bình đẳng ở đâu mà hai chục triệu công dân da đen của họ bị kỳ thị tới nỗi phải nổi loạn, muốn lập một tiểu bang da đen tự trị, có kẻ còn muốn trở về Phi châu?
 
Họ dân chủ ở đâu, mà từ Nam Mỹ tới Á châu, nơi nào họ cũng triệt để ủng hộ những “người hùng” độc tài, chỉ hùng ở điểm đàn áp dân chúng bằng những khí giới hoá học rất tiến bộ của họ? Và ở nước họ nữa, dân có làm chủ không hay bọn tài phiệt làm chủ? Trong mấy chục năm nay, có Tổng thống Mỹ nào không nuốt lời hứa với dân không? Trường hợp điển hình là cựu Tổng thống Johnson bị bác sĩ Spock mạt sát là mới cầm quyền đã leo thang chiến tranh, trái với lời tuyên bố trong khi ứng cử. Bác sĩ Spock do đó mà bị nhốt khám.
 
Họ nhân đạo ở đâu khi chỉ trọng tuổi trẻ còn người già thì cho là hạng bỏ đi, khiến Simone de Beauvoir trong cuốn La vieillesse và cả Pearl Buck trong cuốn The two worls đều phải chê cả Âu lẫn Mỹ là dã man đối với người già?
 
Ai cũng phải nhận khoa học của họ tiến bộ nhất thế giới, kỹ thuật của họ đã đưa họ lên được mặt trăng, nhưng kỹ thuật chưa phải là văn minh, còn phải xét xem người ta dùng kỹ thuật để cải thiện xã hội cùng lối sống ra sao rồi mới quyết định là có văn minh hay không. Xã hội Mỹ xét chung, về vài phương diện, tiến bộ hơn xã hội phương Đông nhiều: lợi tức trung bình của của mỗi đầu người gấp trăm lợi tức của chúng ta, họ ăn uống no đủ hơn, và có nhiều tiện nghi hơn (xe hơi, tủ lạnh, máy điều hoà không khí, máy thu hình…), ít bệnh tật hơn, sống lâu hơn, thanh niên đi học nhiều hơn, lâu hơn… Đó là mặt phải của tiến bộ kỹ thuật. Nhưng cũng phải kể thêm mặt trái nữa. Chưa có thể gọi là văn minh được khi những sách báo khiêu dâm bán đầy đường; khi ngay trong thành phố New York có những khu mà đêm tối người lạ lỡ lạc vô thì ớn xương sống ví cái nạn gangster[1], khi mà bọn tài phiệt muốn ám sát ai cũng được, từ tổng thống trở xuống; khi mà việc bài trừ bạch phiến làm xao động cả lưỡng viện; khi mà chính quyền chỉ dùng võ lực, khí giới hoá học và tiền bạc để thao túng các nước nhỏ, chỉ viện trợ những đồ thặng dư, làm cho bọn tay sai đã giàu lại giàu thêm, dân chúng bản xứ đã nghèo lại nghèo thêm, và tới đâu là gây cái nạn truỵ lạc, tham nhũng, độc tài, gây chia rẽ, câm thù, chiến tranh, tàn phá tới đó. Mỹ, Nga, Anh, Pháp… tất cả các nước văn minh đều như vậy hết, toàn là thứ rợ Mông Cổ tân thời.
 
Nhà kinh tế học Pháp Fourastié rất lạc quan, tin rằng sự tiến bộ kỹ thuật sẽ lần lần vào giữa hay cuối thế kỷ sau, giúp nhân loại trừ được những cái tệ đó. Chắc không? Bản tính con người trong non hai trăm năm nay, từ khi có cách mạng kỹ thuật đã thay đổi được nhiều không, để cho ta tin rằng trong một trăm năm nữa sẽ thay đổi hẳn được? Hay là trừ được cái tệ này lại phát sinh cái tệ khác? Mà giả sử có trừ được thì không phải chỉ nhờ kỹ thuật – kỹ thuật và khoa học chỉ là một dụng cụ - còn phải nhờ một triết lý, một nhân sinh quan thấm nhuần mọi giới người, nhất là giới chỉ huy, một nhân sinh quan nhân bản, bao dung, hợp tác, chứ không phải thứ nhân sinh quan “cạnh tranh, chém giết nhau để sinh tồn” như của người phương Tây.
 
Nhân sinh quan đó là nhân sinh quan cố hữu của phương Đông, của Thích Ca, của Khổng Tử, Lão Tử, của Kitô (Kitô cũng sinh ở phương Đông). Cho nên chúng ta không lấy làm lạ rằng từ sau thế chiến, một số học giả phương Tây trở lại nghiên cứu văn minh phương Đông; và ở nước ta những tai hoạ - nhất là về xã hội – do người Mỹ gieo rắc càng tăng lên thì cái xu hướng “trở về nguồn” càng mạnh lên trong một số trí thức, cơ hồ hợp với tâm trạng của đa số dân chúng.
 
Tôi nhớ năm 1965 hay 1966, khi một số người bắt đầu chỉ trích chính sách của Mỹ ở Việt Nam, một ký giả có tiếng tăm trên một tờ báo nọ mắng họ là cái gì cũng nhờ cậy Mỹ, từ súng đạn, xăng nhớt, tới bơ, sữa… mà lại vong ân, chửi Mỹ. Lời đó không khác gì lời một tên bồi Tây năm 1945, khi Pháp bị Nhật lật, bị người Việt hành hung – sơ sơ thôi – bảo: “Cơm của Tây còn dính trong kẻ răng mà đã vội phản Tây”. Nhưng ngày nay, có tờ nhật báo nào là không mạt sát Mỹ, nhiều khi thậm tệ nữa, mà chẳng thấy ai lên tiếng bênh vực Mỹ cả. Tại Mỹ hay tại ta?
 
Mấy năm trước, tác phẩm của Khrisnamurti được hai ba nhà xuất bản tranh nhau dịch, hiện nay ba nhà đua nhau in sách về thiền là vì vậy. Sách của Toan Ánh trước thế chiến và mươi năm đầu sau thế chiến ít người đọc, lúc đó in liên tiếp và bán khá chạy là vì vậy. Ngay đến bộ Giáo dục cũng lập thêm những chứng chỉ Văn minh Việt Nam, mời ông Lê Văn Siêu, Toan Ánh… đảm nhiệm, cũng vì vậy. Cũng vì vậy mà giáo sư Kim Định xuất bản được trên mười cuốn về triết Đông, về Khổng học, được nhiều sinh viên tin tưởng. Sự phản ứng đó rất tự nhiên; trong lịch sử nhân loại, mỗi biến chuyển lớn lao bất kỳ về triết học, văn học, kỹ thuật, tổ chức xã hội… luôn luôn đều gây phản ứng, mà phản ứng thường là quá khích. Cho nên chúng ta nếu khó chấp nhận được thì cũng thành thực, nghiêm trang, chứ không đem văn hoá ra làm trò hề như nhóm họ Lạc dưới sự bảo trợ của ông Mai Thọ Truyền.
 
Tôi chưa thấy một người có Tây học nào, nhất là theo Kitô giáo, mà say mê Khổng học, hơn cả môn đệ chính thống của Khổng nữa, như giáo sư Kim Định. Trong non ngàn năm lịch sử Khổng giáo ở Việt Nam, đã có ai đào sâu tứ thư, ngũ kinh, đưa ra những ý kiến rất táo bạo và mới mẻ như ông? Cách ông giải thích một số huyền thoại của Trung Hoa, một số tư tưởng của Khổng học, không thể thuyết phục mọi người được, như chính ông cũng nhận rằng chỉ là những giả thuyết, vì vậy thì chúng ta cũng chỉ nên coi là những giả thuyết, không nên coi ông là một nhà khảo cứu – ông đã từ chối danh hiệu này – mà cũng không nên gọi ông là một nhà phù thuỷ tập sự. Chúng ta vẫn thường thấy những người đem “một ánh sáng mới” chiếu vào những học thuyết cũ, điều đó có gì lạ đâu? Có người còn đem học thuyết Karl Marx, học thuyết Freud giọi vào thơ Hồ Xuân Hương, đã có sao đâu? Chẳng ai hưởng ứng thì họ cũng phải cụt hứng. Mà biết đâu những lối nhìn mới mẻ đó mười phần chẳng đúng được một?
 
Và nếu có vị nào say mê cổ học tới nỗi cho rằng khoa học ngày nay không phát kiến được cái gì mới hơn cổ nhân thì cái lỗi của họ cũng chỉ như lỗi của những người tin rằng khoa học sẽ giải thích được mọi bí mật, giải quyết được mọi việc. Phe nào mà chẳng có người cực đoan?
 
Trong lịch sử nhân loại, phe cựu không bao giờ thắng được phe tân, nhiều lắm là ngăn cản được một thời gian ngắn. Nhưng sự phản ứng của phe cựu không phải là hoàn toàn vô ích, nếu chúng ta biết sáng suốt nhận định. Ít nhất nó cũng giúp ta đừng nhắm mắt tiến càn mà vấp té; tiến mà đừng đoạn tuyệt với dĩ vãng, vì tương lai luôn luôn tuỳ thuộc hiện tại, hiện tại lại tuỳ thuộc dĩ vãng, không bao giờ có sự gián đoạn cả. Riêng ở ta lúc này, phong trào “về nguồn” chẳng những có cái lợi giúp cho thanh niên biết được nếp sống, tư tưởng, xã hội của tổ tiên – những điều mà ở Trung học người ta không dạy – tin tưởng ở sinh lực của nòi giống hơn, có tinh thần tự cường hơn, bất vọng ngoại hơn.
 
Huống hồ, phong trào đó, theo tôi xét, không có hại gì cả. Những người chủ trương “về nguồn”, không có ai kém sáng suốt tới nỗi mạt sát khoa học và kỹ thuật, chúng như con con dao sắc, vật vô tri; họ mạt sát là mạt sát những kẻ dùng con dao sắc đó để gây tai hoạ cho Việt Nam và nhân loại. Họ vẫn quý cái bề mặt của văn minh cơ giới, nhưng không phải vì vậy mà mà không thấy bề trái của nó. Và tôi cũng chưa thấy một thanh niên nào đọc những tác phẩm “về nguồn” mà sinh ra khinh miệt kỹ thuật, không tin ở khoa học nữa. Không nên bi đát hoá vấn đề làm gì. Cần bình tĩnh, sáng suốt mà nhận định.
 

°

 
Về phong trào “về nguồn”, tôi có hai nhận định dưới đây.
 
Trước hết là danh từ đó không biết xuất phát từ thời nào, dùng không được đúng, gây sự hiểu lầm nên mới bị phản đối. Chúng ta không ai muốn lội ngược dòng mà trở về nguồn cả, vì ai cũng biết rằng việc đó không thể được. Từ văn minh nông nghiệp chúng ta đương chuyển qua văn minh cơ giới, thì không thể nào trở lùi về văn minh nông nghiệp được. Ngay những nhà nông ở trong Đồng Tháp Mười bây giờ cũng muốn cơ giới hoá canh nông, dùng máy cày, phân hoá học, máy đuôi tôm, máy bơm… Không một người Việt nào không muốn quốc gia phát triển kỹ nghệ cho mau. Những người có nhiệt tâm chỉ muốn thoát ly được cái ảnh hưởng tai hại của ngoại nhân, rồi tổ chức xã hội lại ra sao, khéo sử dụng khoa học và kỹ thuật ra sao để tránh được càng nhiều càng tốt những lỗi lầm của phương Tây, lỗi lầm đó theo tôi ở điểm hoặc tự do quá mức đến thác loạn như khối tư bản, hoặc chỉ huy quá mức như khối xã hội, và ở điểm này chung cho cả hai khối: quá tôn trọng vũ lực, gây những cuộc chém giết, căm thù, thiếu nhân từ, bao dung.
 
Vậy, danh từ “về nguồn” có lẽ nên đổi chẳng hạn là “ôn cố” thì có phần đúng hơn, và bớt bị phản đối.
 
Đó là nhận định thứ nhất. Nhận định thứ nhì là các vị chủ trương “về nguồn” từ trước tới nay đề cao những nét đẹp cố hữu của chúng ta, mà chưa đặt vấn đề có thể dung hoà cũ mới được không, dung hoà cách nào, những cái gì cũ nên giữ, làm sao giữ được.
 
Số người nghi ngờ phong trào về nguồn, có lẽ không ít, nhưng tôi chỉ mới thấy có vài người đưa ý kiến trên báo, và bài khiến tôi chú ý tới nhất của một vị tôi quên tên, hình như đăng trên tờ Dân chủ mới, cách đây vài tháng. Bài đó chẳng có y gì mới mẻ, đại ý là đã theo mới thì phải theo cho tới cùng, mới mau kịp người được, chứ nếu lưng chừng, dung hoà thì chẳng nên cái gì cả, mà thời này không tiến tức là lùi.
 
Lời đó khiến tôi nhớ lại một cuộc tranh luận sôi nổi ở Trung Hoa khoảng bốn chục năm trước.
 
Hồi đó Trung Hoa chia làm hai phe mà họ gọi là phe “bình cũ rượu mới” và phe “bình mới rượu mới”. Họ tranh luận cả năm trời, trên không biết bao nhiêu tờ báo, trong mấy ngàn bài xã thuyết. Một nhà xuất bản lựa những bài xuất sắc nhất, in thành một cuốn dày cả ngàn trang, mà tôi đọc trên ba chục năm trước, quên mất nhan đề rồi. Thú thật hồi đó đọc xong tôi chỉ thêm hoang mang, vì phe nào cũng có lý cả, nhưng cũng thấy rằng phe mới, tức phe Âu hoá triệt để mạnh thế hơn. Dĩ nhiên những cuộc tranh luận như vậy chẳng giải quyết được gì, phe nào cũng giữ ý kiến của mình, không bình tâm xét ý kiến đối phương, chỉ tìm cách đả nhau thôi; mà người đọc thì cũng vậy, chỉ chú ý tới những bài hợp với ý mình, đọc chỉ để tìm những lý lẽ khiến cho những ý của mình đã có sẵn được thêm vững. Còn những người không có sẵn chủ trương thì càng đọc càng hoang mang, một số ngả theo phe này, một số ngả theo phe kia, và rốt cuộc lịch sử vẫn trôi theo dòng của nó.
 
Ngày nay nhớ lại, tôi thấy cuộc tranh luận đó vô nghĩa. Nó sai ngay từ cách đặt vấn đề. Hình ảnh “bình cũ rượu mới” và “bình mới rượu mới” đẹp quá, tài tình quá, khiến cho họ lạc lối hết. Lý luận thì nên ít dùng hình ảnh, hình ảnh càng quyến rũ thì lại càng phải đề phòng.
 
Rượu không ảnh hưởng chút gì đến cái bình, trái lại nền văn minh cơ giới ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi nếp sống, luân lý của xã hội nông nghiệp, vậy thì làm sao so sánh với nhau được? Mà cơ giới có thể tạo nên một xã hội mới, một văn minh mới chứ đâu có như thứ rượu mới chứa trong một cái bình mới? Vả lại một xã hội mấy ngàn năm văn hiến, không thể nhất đán thay đổi hoàn toàn, như ta thay một cái bình cũ. Cứ từ hình ảnh quyến rũ đó mà tranh biện nhau về lý thuyết thì làm sao tìm ra được ánh sáng?
 
Tôi xin đặt lại vấn đề như sau: Chúng muốn gì?
 
Cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này các nhà ái quốc Trung Hoa và Việt Nam trong phái duy tân đều hăm hở Âu hoá về khoa học, cơ giới cho mau bằng họ, hơn họ để đập lại họ (như Nhật) mà rửa cái nhục cho dân tộc, cho giống da vàng. Các cụ không tự hỏi khi Âu hoá rồi xã hội sẽ ra sao, không có một ý niệm hoặc chủ trương gì rõ rệt về việc đó cả, cơ hồ cho việc đó không gấp, cứ Âu hoá đi rồi sẽ hay; hoặc tin rằng ngoài sự cơ giới hoá ra, xã hội cũng vẫn như thời đó, vẫn là xã hội nông nghiệp theo Nho giáo, không thay đổi bao nhiêu. Chỉ có Khang Hữu Vi trong cuốn Đại Đồng là nghĩ xa, nhưng thuyết của Khang chỉ là một không tưởng, muốn xây dựng một thế giới lý tưởng cho nhân loại vài trăm năm sau, chứ không xét tới tương lai gần của Trung Hoa (coi Đại cương triết học Trung Quốc của nhà Cảo Thơm – cuốn hạ, trang 695).
 
Ngày nay chúng ta biết rõ phương Tây hơn các cụ, bình tĩnh hơn các cụ, không hăm hở diệt tụi “bạch quỷ” nữa, nên chúng ta tự hỏi: “Chúng ta muốn gì? Muốn xã hội Việt Nam sau này ra sao? Địa vị của Việt Nam trên thế giới ra sao?”.
 
Đúng hay sai tôi cũng trình bày ý kiến của tôi. Từ năm 1965, trong cuốn Một niềm tin, chương IV, tôi đã nghĩ mình “Đừng nên đua đòi Âu Mĩ… nên rút kinh nghiệm của họ chứ không nên theo đúng con đường của họ…”, rồi trong tập Con đường hoà bình (Lá Bối – 1971) tôi đã trình bày rõ hơn:  
 
“Cái tai hại của chúng ta là có mặc cảm tự ti, tủi rằng cái gì cũng kém người, rồi mù quáng bắt chước người, chỉ mong theo gót được người, không dám có một ý muốn riêng của mình, một quan điểm của mình, một đường lối của mình…”.
 
“Đã đến lúc chúng ta phải tư tưởng lại”.
 
“Dân tộc ta muốn gì? Có muốn đuổi kịp các nước tư bản như Mĩ, Pháp, Đức không? Dù cho đuổi kịp được – bao lâu nữa? – thì cái xã hội Âu Mĩ sản xuất để tiêu thụ, tiêu thụ để sản xuất có đáng làm mẫu cho chúng ta không? ”.
 
“Chúng ta có muốn xây dựng một xã hội hoàn toàn bình đẳng, không giai cấp, không có tư hữu không? Nhưng một xã hội như vậy chỉ là ảo tưởng như trên tôi đã nói, và chính Nga theo chế độ Cộng sản đã chẳng tiến lại gần xã hội đó, mà cứ lùi xa mãi là khác.
 
Phải nhận cái thực trạng của mình, cái hoàn cảnh của thời đại, của thế giới. Dù ta có thông minh, anh dũng, kiên nhẫn bao nhiêu, thì với số dân đó, trên dãi đất này, chúng ta có cố gắng tới đâu cũng không thể trở thành một trong bốn năm đại cường được. Dù có cái ý tranh bá đồ vương thì cũng không được. Chúng ta chỉ mong sao cởi được cái ách của ngoại quốc, mình làm chủ mình, có thể nhờ cậy người một chút chứ không chịu lệ thuộc ai, và kiến thiết quốc gia để cải thiện đời sống vật chất cho dân, nâng cao tinh thần của dân, đừng có ai giàu quá, nghèo quá, tự do tín ngưỡng, tư tưởng, mà không loạn, không làm hại người khác”. (trang 28-30).
 
Đó, chủ trương của tôi khiêm tốn như vậy: không tranh bá đồ vương với ai, chỉ lo hạnh phúc cho toàn dân, ai cũng đủ ăn, được học hành, tạo được một xã hội ổn định, có trật tự, tương đối công bằng, tự do, trọng phẩm cách và cá tính con người.
 
Chúng ta không ham được là một cường quốc có nguyên tử lực, có hoả tiễn lên cung trăng, có nhiều thị trường lớn khắp năm châu, có nhiều xe hơi nhất thế giới, có lợi tức trung bình (tính theo đầu người) cao nhất thế giới, có những xưởng đóng tàu, những nhà máy điện tử lớn nhất thế giới v.v… Chúng ta có những vinh dự khác: đào tạo được nhiều công dân, nhiều bậc cha mẹ, nhiều thanh niên tinh thần lành mạnh, sáng suốt, tự cường, tự lập, biết lãnh trách nhiệm, lễ độ, vui sống, hoà hảo với nhau, trọng người cũng như trọng mình. Tôi cho như vậy mới là văn minh – có những bom khinh khí 5 triệu tấn thuốc nổ, lên được cung trăng, chưa hẳn đã là văn minh – mà khoa học, kỹ thuật chỉ khi nào giúp ta đào tạo được hạng người như vậy thì mới là được khéo sử dụng.
 
Nhắm mục tiêu đó, không khi nào quên nó, thì ta có thể điều khiển cơ giới hoá để nó ít làm hại cho ta, mà ta tránh được nhiều lỗi lầm của phương Tây.
 
Nói như vậy có vẻ như lý thuyết quá. Tôi xin đưa vài ví dụ cụ thể.
 
Tôi thú thực chưa được biết chút gì về xã hội Suède, Norvège, nhất là Finlande[2]. Nhưng một sinh viên du học ở Pháp có dịp đi thăm Finlande cho tôi hay xứ đó nhỏ hơn nước ta nhiều, dân số hiện nay chỉ vào khoảng sáu triệu, tài nguyên không phong phú, trong thế chiến vừa rồi bị kẹp giữa Đức và Nga, có lúc phải theo Nga, có lúc phải theo Đức, rốt cuộc hết chiến tranh vẫn giữ được độc lập, hiện nay tuy hoà hảo với Nga nhưng không theo Cộng sản mà cũng không bị Nga chèn ép, xã hội rất có tổ chức, tinh thần gia đình và dân tộc rất đẹp, không có người nghèo, ngoài đường chỉ toàn xe đạp, xe hơi, cả xe máy dầu cũng rất ít, dân chúng hồng hào, khoẻ mạnh, lễ độ và vui sống. Họ cũng có cơ giới hoá, dĩ nhiên là không thể bằng Đức, Pháp được, nhưng chắc chắn là hơn Việt Nam nhiều, mà không lệ thuộc viện trợ của một nước nào, giữ được tinh thần dân tộc[3].
 
Trường hợp Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Tito tôi không cần phải nhắc lại vì độc giả đều biết. Tuy đứng về phía Cộng, mà họ không lệ thuộc Nga, vẫn giao thiệp với phe tư bản, không “cóp” hẳn một mẫu văn minh nào cả, mà được cả Nga lẫn Mĩ đều nể.
 
Trường hợp của Trung Quốc hiện nay cũng đáng cho ta suy nghĩ. Tờ Dân chủ mới trong những số 14 đến 20.10.71, dịch bài của Robert Guillian (trong tờ Le Monde nổi tiếng là đứng đắn, khách quan) nhan đề là Trung Hoa sau cuộc cách mạng văn hoá.
 
Guillan đã thăm Trung Hoa ba lần: năm 1937, năm 1955 và năm 1971. Lần sau cùng ông thấy bộ mặt của Thượng Hải thay đổi hẳn: Thành phố sáu triệu dân đó, có nhiều xe buýt tối tân chạy suốt ngày đêm, và rất nhiều xe đạp, nhưng không có xe hơi, trừ ít xe taxi; không có cả quảng cáo, gần như không có quán nhậu. “Cái sốt vì tiền không có ở đây” như năm 1937. “Cũng biến luôn cái sốt về tình dục”, khác hẳn Hương Cảng.
 
Mới đầu Guillan tưởng Trung Quốc đã thụt lùi, sau xét kỹ lại thì thấy đó là đường lối mới của họ: họ cơ giới hoá xứ sở nhưng “chú trọng tới vấn đề quân bình”, không muốn để đô thị nuốt chửng nông thôn mà muốn “đô thị hoá càng ít càng tốt”, tránh cái nạn ồn ào, kẹt xe, không khí đầy những chất độc ở đô thị, những cảnh tượng “giật gân” ở đô thị. Tóm lại, ông bảo: “Trên tiến trình kỹ nghệ hoá, Trung Hoa giữ một khoảng cách vừa đủ để tránh đi con đường của Tây phương”. Mà như vậy không phải làm họ không kỹ nghệ hoá mạnh mẽ: chứng cứ là “cây cầu lớn ở Nam Kinh bắt qua sông Dương Tử, những nhà máy thép ở Vũ Hán”, và những thành công về khí giới hạch tâm của họ.
 
Guillan công tâm nhận rằng “toàn thể dân chúng Trung Hoa đã phải ngoan ngoãn tuân lệnh chính phủ và về điểm này, về lâu về dài, Trung Hoa dễ có thể bị công kích: sự tự do cuối cùng bao giờ cũng thắng”.
 
Tôi dẫn những thí dụ đó không phải là có chủ trương noi gương Nam Tư hay Trung Quốc, mà để chỉ chứng minh rằng chúng ta có thể cơ giới hoá mà không nhất định phải theo đúng vết xe của Âu Mỹ, hoặc của Nga.
 
Khi ta có một đường lối riêng, một kế hoạch riêng thì dĩ nhiên về một số hoạt động nào đó, chúng ta tiến chậm hơn họ: chẳng hạn, rất ít dùng xe hơi như Phần Lan, Trung Quốc thì kỹ nghệ sản xuất xe hơi và những kỹ nghệ liên hệ không thể phát triển mạnh được; nhưng không phát triển về mặt đó, chúng ta có thể phát triển mặt khác. Ta có thể tin rằng một ngày kia Trung Quốc là nước sản xuất nhiều xe máy hoặc máy cày, máy bơm, rẻ nhất, tiện nhất thế giới. Cái gì có lợi thì cũng có hại, vấn đề là lựa chọn những kiến thiết, cải cách nào hợp dân tộc, thời đại và mục đích của mình.
 
Bảo hễ Âu hoá thì phải triệt để, nếu không thì phải thủ cựu triệt để, không thể lưng chừng được, là lý luận theo nguyên tắc triệt tam (principe du tiers exclu). Việc đời không như vậy: hễ không đen thì trắng, không cộng sản thì tư bản, không tự do thì độc tài. Những người nhiệt tâm thường cực đoan, chê thái độ trung dung là nhu nhược, nhưng trung dung mới là sáng suốt, hưởng cái lợi có thể là ít hơn, nhưng tránh được cái hại. Trung dung thì thường tiến không được mau, nhưng tiến mau quá thì vấp váp, thất bại, có thể gây nhiều bất mãn, rồi phải đàn áp, thanh trừng. Hễ thoát được cái ách ngoại nhân rồi thì ta cứ thận trọng, ung dung mà tiến, trong vài chục năm, xã hội được như Phần Lan chẳng hạn cũng là tốt rồi. Dĩ nhiên, muốn vậy thì phải đừng để cho ngoại nhân xen vào việc của chúng ta, phá chúng ta. Cái đó tuỳ thuộc một phần tình hình thế giới, nhưng một phần cũng tuỳ thuộc nơi ta. Và tôi tin rằng thời này các nước lớn không dễ gì hiếp các nước nhỏ như trước nữa: gương Phần Lan và Nam Tư đấy.
 
…Brieux trong cuốn La Chine du Nationalisme au Communisme (…1953) bảo hiện nay các nước nhược tiểu không thể theo một đường ở giữa (voie moyenne) nghĩa là hoặc phải theo chế độ cộng sản, hoặc phải theo chế độ phương Tây thì mới phát triển được. Xét hiện tình đệ tam thế giới thì lời đó có phần đúng. Nhưng nếu chúng ta có thể hoàn toàn thoát ly được ảnh hưởng của hai khối kia thì không có lý gì ta không thể tiến theo một đường lối riêng, không giống họ.
 
(…..)
 

°

 
Nửa tháng trước, Thượng viện Mỹ, Quốc hội Mỹ muốn cắt hết viện trợ cho ta (Sài Gòn). Tôi thấy nhiều người tỏ vẻ không lo lắng mà cơ hồ còn hơi vui nữa. Đó là một điều khích lệ. Chúng ta đã thấy cái hại của chính sách viện trợ Mỹ, bao nhiêu kẻ đã bán linh hồn vì Mỹ kim, sự đô hộ bằng Mỹ kim còn ghê hơn sự đô hộ bằng vũ lực.
 
Những người đó nói: Họ cứ rút hết quân đội, cả cố vấn họ đi, cứ cắt hết viện trợ đi. Chúng ta chỉ yêu cầu họ bồi thường chiến tranh cho ta: trên mười lăm năm chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ “cái tân biên cương của họ” thì họ phải kiến thiết lại cho ta, nuôi thương phế binh, cô nhi, quả phụ cho ta.
 
Họ tiếp xúc với ta mấy lần đủ quá rồi, tới lúc nên vĩnh biệt nhau thôi. Không thèm nhận một chút viện trợ nào của họ, và bất kỳ một thực dân nào khác. Cái rủi sẽ thành cái may. Đây là cơ hôi duy nhất để ta tự lập, tự túc, tự cường. Sẽ xáo trộn trong ít tháng, rồi toàn dân sẽ buộc bụng, bất quá như hồi tản cư kháng Pháp là cùng. Lúc đó chúng ta mới thực sự có một chính quyền của chúng ta. Không lệ thuộc người; hết đô la là hết bọn gia nô, hết bọn tham nhũng. Trong cảnh cực khổ, chúng ta sẽ đoàn kết với nhau được, giải quyết mọi vấn đề trong tình hoà hảo với nhau được.
 
Nhà cầm quyền sẽ sống với dân, chia sẻ gian lao với dân. Những người đã làm giàu trong chiến tranh sẽ tặng quốc gia 60% tài sản (như Anh khi thế chiến chấm dứt), cựu du học sinh còn làm việc ở nước ngoài sẽ gởi một số lương về; và những người có trương mục ở Ngân hàng ngoại quốc sẽ rút ngoại tệ để gởi về. Trong tai nạn chung, mọi người mới biết nắm tay nhau để kiến thiết quốc gia.
 
Và lúc đó chúng ta mới xét lại giá trị cổ cùng giá trị mới, tìm một đường lối riêng cho Việt Nam.
 
Trong những giá trị cổ, có những giá trị căn bản, chung cho nhân loại như nhân, trí, dũng (hay bi, trí, dũng), hễ còn loài người thì còn được tôn trọng.
 
Lại cũng có những giá trị tuy cũng phổ biến, nhưng nhiều dân tộc khác không coi trọng như phương Đông chúng ta, vì vậy gần như có thể gọi là của riêng chúng ta, như tinh thần bao dung, không kỳ thị, không căm thù, hoà nhi bất đồng, tinh thần trung dung, tránh sự cực đoan, tinh thần nhân bản, trọng sinh mạng, hạnh phúc của con người hơn ý thức hệ - “đạo không bao giờ xa người”.
 
Rồi những đức như lễ, nghĩa, liêm, sỉ, nhất là tín, mà chỉ có Khổng giáo là đặc biệt coi trọng. Có bao nhiêu chính khách phương Tây biết giữ sự thành tín ngay với quốc dân, chứ đừng nói với ngoại quốc nữa? Chúng ta đừng nhiễm cái thói gian xảo quỷ quyệt của họ.
 
Vấn đề tu thân rồi mới trị quốc nữa, ngoài Khổng Tử ra có ai nói tới không, hoặc nói mà nhấn mạnh không? Khắp thế giới có một nước nào đào tạo các chính khách, các nhà hành chánh theo quy tắc đó không? Chúng ta sẽ thay đổi chương trình của trường Quốc gia hành chánh, chú trọng vào sự rèn luyện tinh thần của sinh viên.
 
Hiếu cũng là một đức Khổng giáo luôn luôn nhắc tới. Quan niệm về hiếu đã thay đổi, không còn hẹp hòi như xưa nữa, nhưng tôi không muốn thấy cha mẹ già phải xa con cháu mà vô ở những viện dưỡng lão hay viện tế bần, dù cho những viện đó đầy đủ tiện nghi. Có phụ cấp cho vợ con thì sao không có phụ cấp cho cha mẹ già? Người già mà không có lợi tức thì tại sao không trích trong quỹ an ninh xã hội một số tiền để giao cho người con nào lãnh nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ?
 
Chế độ gia đình – tứ đại, ngũ đại đồng đường – không thể tái lập được nữa, mà cái đạo tam tòng cũng phải bỏ; những cái đó chỉ hợp với xã hội nông nghiệp, ngày nay muốn duy trì cũng không được.
 
Chế độ tôn ti hồi xưa cũng quá khắc khe, nhiều khi làm mất phẩm giá con người, nhưng hễ còn xã hội thì luôn luôn còn kẻ trên người dưới. Bình đẳng tới cái mức như phụ nữ Mỹ ở Chicago biểu tình phản chiến mà chửi Nixon trước khách sạn Hilton là “con heo phát xít”, “con heo kỳ thị chủng tộc” (Tin Hoa Thịnh Đốn ngày 10.11.71) thì tôi cũng không ưa. Có thể mắng ông ta khát máu, giết bốn sinh viên phản chiến ở đại học Kent chứ gọi ông ta là con heo thì tệ quá.
 
Học sinh có thể thể phản đối thầy nếu thầy thiếu tư cách, nhưng đánh đập thầy, giết thầy thì là loạn, chứ không phải bình đẳng, tự do. Truyền thống trọng thầy như cha là một truyền thống đẹp. Và muốn giữ được truyền thống đó thì ông thầy phải có tư cách (chương trình đào tạo các giáo chức cần phải sửa lại, cả cách tuyển lựa cũng phải xét lại) và phải được xã hội tôn trọng.
 
Ngày xưa sĩ đứng hàng đầu, thương đứng hạng chót, ngày nay giá trị đã đảo ngược, giáo chức nghèo hơn hết, mà thương nhân làm giàu mau hơn học thức và đạo đức, không thể gọi là văn minh được. Không nên quá ưu đãi hạng sĩ, không nên ức thương, nhưng cũng không nên để cho kẻ sĩ đói[4] mà bọn thương nhân kiếm tiền dễ dàng quá, phung phí quá, tiêu tốn triệu bạc trong một đám cưới.
 
Tinh thần dân chủ của phương Đông chúng ta đời Xuân Thu đã rất cao: “ý dân là ý trời”. Ngày nay chính sách tiến bộ nhất là lệ trưng cầu dân ý, mà chúng ta chỉ mới thấy thực hiện một cách đứng đắn ở Pháp dưới thời De Gaule, còn ở Mỹ thì tuy nêu cao là chính quyền của dân, do dân, vì dân, mà sự thực là của tư bản, do tư bản, vì tư bản. Nước ta đã cóp hiến pháp của họ: kẻ nào không phải là triệu phú ức phú hoặc không được bọn tài phiệt ủng hộ thì làm sao có đủ tiền ra ứng cử dân biểu, và khi bọn đó trúng cử rồi làm sao khỏi thành gia nô, hoặc tên buôn lậu? Phải sửa đổi lại hiến pháp sao cho chỉ người nào đã có thành tích giúp dân mới đại diện cho dân. Tổ chức làng xã của mình trước thời Pháp thuộc, cần phải nghiên cứu lại và có lẽ còn có thể áp dụng trong thời đại này.
 
Về kinh tế, theo chế độ tự do không được mà chỉ huy quá cũng không được, có lẽ nên theo một chính sách trung dung, mà người Pháp gọi là économique concertée: chính quyền và các nhà kinh doanh, các đại diện của dân bàn tính với nhau để cùng định một kế hoạch.
 
Quan niệm nhàn của cổ nhân không hợp thời nữa, nó ngăn cản sự tiến bộ. Thực ra đạo Khổng không bao giờ khuyến khích sống nhàn cả - đó là tư tưởng của Lão Trang – mà chỉ một số nhà Nho phải làm việc tối tăm mặt mũi, đâu có sống nhàn được. Nhưng thái độ dang tay mắm miệng để làm giàu của phương Tây, sản xuất cho nhiều để tiêu thụ rồi phải tiêu thụ một cách phung phí để sản xuất, mà thợ thuyền mới có công ăn việc làm, áo chưa rách, chưa cũ đã liệng đi, đồ dùng hư thì không sửa, mua thứ mới, có xe kiểu 1971 thì không dùng kiểu 1970 nữa, thái độ đó tuy làm cho sự sản xuất, kỹ nghệ mau tiến nhưng cũng dễ làm hư con người, sinh ra quý trọng đồng tiền, ganh đua về vật chất. Trong giai đoạn kiến thiết, chúng ta phải tiết dục, sống khắc khổ, nhưng cả khi kinh tế đã thịnh vượng rồi, chúng ta càng nên có một lối sống riêng, không đua đòi Âu Mỹ làm gì.
 
Có nhiều phong tục tuy đẹp nhưng chỉ thích hợp với xã hội nông nghiệp, ngày nay cũng phải bỏ hoặc giảm đi, sửa đổi đi. Sự cúng giỗ tổ tiên trong nhiều gia đình ở thành thị đã giản dị hơn xưa nhiều, vì con cháu mỗi người làm ăn ở một nơi xa, mà ai cũng bận mưu sinh. Và có ai thương nhớ da diết cái Tết hồi xưa như Vũ Bằng, các hội hè đình đám mùa xuân như Toan Ánh thì cũng không thể nào vãn hồi những tục lệ đó, không thể bỏ cả tháng chạp để chuẩn bị cái Tết và cả tháng giêng để vui xuân được nữa!
 
Tuyển lựa một số giá trị cũ để duy trì, nhưng đồng thời cũng phải biết tôn trọng một giá trị mới: đức tin ở sự tiến bộ, tinh thần học hỏi làm việc tích cực và có phương pháp, óc phán đoán sáng suốt và khách quan, nhìn xa hiểu rộng, đức công tâm, đoàn kết, không thì không thể tiến được, mà càng mau lụi bại. Chúng ta đã có hai tấm gương tầy liếp rồi đấy.
 
Vào khoảng 1935-1940 Tưởng Giới Thạch và Trần Lạp Phu (lý thuyết gia của Quốc Dân Đảng Trung Hoa), rồi vào khoảng 1958 Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (lý thuyết gia của nhà Ngô) cũng đề cao, hô hào những giá trị cũ của Khổng học, nhưng bọn trên chỉ 14 năm sau nhục nhã cuốn gói qua Đài Loan, bọn dưới chỉ năm năm sau phải mất mạng vì họ phong kiến quá, coi những giá trị cũ như bùa hộ mạng mà không thực tâm cải tạo xã hội cho dân tộc tiến bộ, lại còn đàn áp, thủ tiêu những người tiến bộ cho xã hội tương lai dân tộc và công bằng xã hội nữa.
 
Tôi không dám có tham vọng lập một chương trình kiến thiết quốc gia, cải tạo xã hội, chỉ nhân có phong trào “về nguồn” xét lại một số giá trị cũ và mới, và gợi ý về ít điểm như trên thôi.
 
Tôi xin tóm lại: chúng ta cần biết mình muốn gì và phải có can đảm sống khác người, suy tư lại hết từ chính trị, kinh tế, tới giáo dục, phong tục, nhân sinh quan…
 
Nếu chúng ta vạch một con đường đại khái theo qui tắc trên, tự tạo một xã hội cho ta mà chẳng cần một chút viện trợ nào của ngoại nhân, thì chỉ trong mười năm thế giới sẽ ngưỡng mộ dân tộc ta hơn là dân tộc Do Thái và các nước Á, Phi, Nam Mỹ sẽ lấy ta làm gương. Và các vinh quang của chúng ta ở đó, chứ không phải ở chỗ làm một tiểu cường hạng ba hay hạng bốn ở Á Đông, hạng hai mươi hay hăm mốt ở thế giới.
 
Tôi nói mười năm thì sẽ được thế giới ngưỡng mộ. Trong mười năm đó chỉ mới gây được nền tảng cho xã hội mới thôi. Muốn thành một nếp sống thì cần vài thế hệ. Cứ xét từ nếp sống cũ của các cụ thời xưa, tới nếp sống mới của thanh niên ngày nay, cũng mất trên nửa thế kỷ, vậy con đường mới, tiến mau lắm cũng phải ba mươi năm. Làm sao cho các chính quyền nối tiếp nhau trong thời gian đó vẫn giữ một đường hướng, mà tránh được cái tệ độc tài. Đó là điểm cần lưu tâm tới nhất.
 
Chắc nhiều vị sẽ cho tôi là không tưởng. Nhưng tôi đã quá ghê tởm bọn thực dân, hết Tàu, Tây, Nhật, tới Mỹ, cho nên tôi muốn gột một lần cho hết cái óc nô lệ, mổ một lần cho hết cái nhọt thực dân mà xây dựng lại hết cho các thế hệ sau này.
 

Sài Gòn 1.12.1971

 
Chú thích:
[1] Theo tin trên báo 23-469, Mĩ có đảng Mafia gồm 5.000 đảng viên và 24 chi nhánh chuyên cướp phá giết chóc.
[2] Tức các nước: Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan (BT).
[3] Miến Điện hiện nay muốn khỏi bị lệ thuộc Mĩ, Trung Quốc hay Nga cũng can đảm sống khắc khổ: ngay tại thủ đô cũng rất ít xe hơi, không có xe máy dầu mà toàn xe ô tô buýt. Buôn bán không tấp nập, về thương mại đã quốc doanh hoá, nhưng nạn chợ đen rất hiếm, mà không có những kẻ làm giàu trên xương máu người khác.
[4] Thiên điều tra của Tuyết Sinh về Giáo sư Tư thục (trên Dân chủ mới tháng 11.71) đưa ra ánh sáng tình cảnh tủi nhục không tưởng nổi của đa số nhà giáo chỉ ở VN mới thấy được.