ớm nay vẫn một gói thuốc tầm tầm vẫn một chai đế và dăm con khô mực trái mùa gầy đét, Thi Hoài lại dò dẫm đi lên núi. Thích biển, si mê biển, bỏ tất cả để được ra với biển nhưng gần đây không hiểu sao, nhà thơ lại toàn bò ngược lên núi. Cuộc hành trình ngược chiều cảm hứng này mới quái quỷ làm sao? Hoài lắc đầu cười một nhiều. Ồ chả lẽ cái thằng cha tâm thần nửa người nửa ngợm kia lại là nguyên cớ khiến mình khoác lên người cái phong thái dớ dẩn của một vận động viên leo núi? Cái phong thái cục súc nhọc nhằn mà mình vốn ghét cay ghét đắng từ cái đận a dua theo thời cuộc vượt Trường Sơn. Nhưng cũng biết đâu đấy, vẻ mọi rợ hoang sơ của hắn đã thực sự quyến rũ mình như quyến rũ những điều đang rối tinh rối mù chả biết lúc nào sẽ nổ toác ra… Và cô ta cũng lên đấy… Cắt tóc và dịu dàng… Dịu dàng và cắt tóc… Cô ta cũng giống mình, cũng đang rối tinh, rối mù, cửng có xu hướng ngấm ngầm tìm về thiên nhiên, tìm về cái đẹp thuần phác chăng? Nhưng làm quái gì có cái của hiếm ấy hở cô nàng õng ẹo? Chẳng qua chúng ta đang tuân theo một lô-gích sơ đẳng của cái quái dị thích soi vào cái hoang sơ của điều rối rắm, thích gần kề điều đơn giản đấy thôi. Âu đó cũng là sự thường. Như vậy, mình và cô ta làm sao mà có thể bắc được một cây cầu giao cảm khi cái giống nhau mới đụng độ đã toé lửa, đã sớm căm ghét nhau rồi. Nhưng khốn nạn thay, cái phần căm ghét chỉ tồn tại trong mình có một nửa, một nửa non, còn phần kia… Anh bỗng thấy khó thở. Gần đây, mỗi lần nghĩ đến người đàn bà ấy, anh lại cảm thấy lồng ngực không lấy gì làm vâm vam của mình bị chèn thắt. Thứ cảm giác mang tính bệnh lý này xưa nay đối với anh chưa hề có. Việc gì mà phải có? Mặc dù sau cái buổi tối định mệnh bẽ bàng ấy, hầu như ngày nào anh cũng tìm cách sang được căn chòi đó một lần, có thể là sáng trưa chiều tối nhưng dứt khoát phải là một lần để rồi lúc trở về lại âu sầu bứt rút hơn. Người ta thấy anh hốc hác đi và chẳng còn một mình xoã tóc đọc thơ trước sóng chiều nữa. Đàn bà… Đúng! Anh là một kẻ đa tình và dư luận mắng anh là một kẻ bợm tình cũng không ngoa. Anh biết điều đó và tự hào về điều đó. Anh say mê họ, sẵn sàng khổ sở, thậm chí chết vì họ nhưng bảo mất thì giờ thì không. Đối với anh, những người đàn bà đến và đi thật chóng vánh, hầu như không để lại dấu vết nào tạm gọi là khắc khoải. Ấy vậy mà… Anh đá lưỡi cái dẹt! Cái chưa có là cái toả hào quang, cái đã có rồi thì cũng… nữ nhi thường tình hết. Hết, hết! Hết!… Đã lên đến khá cao đủ để nhận biết gió thổi mát tóc, phấn chấn, anh ngửa cổ định đọc một câu thơ ứng tác nhưng vần điệu cứ oải ra, nhất định không chịu nhập hồn. Khốn nạn rồi! Gần đây, vẫn là chủ yếu sau cái buổi tối ấy, thơ anh không chịu đùn ra nữa. Thơ trữ tình lãng mạn cũng cạn đặc mà thơ cuồng nộ phá phách cũng tắt ngỏm luôn! Anh ra đây để bung phá tư duy nhưng chưa kịp bung, cảm xúc đã bị phá nát rồi. Hốt hoảng định tìm về đường cũ, cái cung đường đã cho anh một thời vang bóng, vậy mà nó cũng lặn chìm đi đâu. Cha trời! Chỉ tại hắn, chính hắn! Một sinh vật kỳ quái. Xa và gần, yếu mềm và kiêu ngạo, dịu dàng và đáo để, đêm tối và ánh ngày, đoan trang và thác loạn, tỉnh táo và đam mê, quỷ quyệt và chân thành, ngu ngơ và sắc lạnh, địa ngục và thiên đàng, cái nọ và cái kia… Sao lại có một người đàn bà mang trong mình lắm điều trái ngược đến tàn bạo như thế? Những mảng trái ngược đến tàn bạo như thế? Những mảng trái ngược rõ rệt và mơ hồ này đã như những đợt sóng vừa nóng vừa lạnh hút anh xuống, dìm sâu. Anh đã cố gượng dậy. Gượng dậy bằng sự tùng trải đến mức tàn nhẫn trong các cuộc tình, bằng thỏi quen ngộ nhận, luôn cho mình là trung tâm chú ý của những người khác giới, bằng sự cắt nghĩa có tính chất triết học về luật trời đất âm dương và bằng cả phạm trù… sinh học đơn thuần nữa. Tóm lại - Anh tự áp đảo mình - Cô ta là cái gì nhỉ? Già rồi, sồn sồn rồi, cái phom cái dáng trông có vẻ nuột nà nhưng xét cho kỹ, chắc cũng phòm phọp thôi. Đà tư duy sinh học trượt tiếp đến khu vực nội khoa. Ừ, thì cứ cho là đẹp đi, quá đẹp nữa là khác nhưng thực chất lục phủ ngũ tạng bên trong ả là cái gì nhỉ? Phía dưới mớ tóc dài, mớ tóc mà mình ao ước chỉ cần được động môi vào một lần là cái hộp sọ trắng hếu, là óc vữa, là bộ xương mặt hốc hõm, đầu lâu, là hai hàm răng nhe ra trắng ớn, có gì đâu! Sao nữa? Bộ ngực ư? Chưa trông thấy trực diện nhưng chắc là no tròn, căng mẩy (Chỉ cần nhìn mảnh vải tắm phần trên không có một vết nhăn lồi lõm là có thể khẳng định được), nhưng chỉ cần dăm tuổi nữa hay chỉ cần vài trận ốm trái gió trở trời là biết nhau ngay. Có gì đâu! Sao nữa? Cái bụng à? Cũng chả ra cái quái gì, ảo giác phù du hết! Tình yêu là ảo giác, tình dục càng là ảo giác, tất cả do một đấng toàn năng nào đó lừa chơi thôi. Tròn trịa, nõn nà, óng ả, lượn vòng đến hoa mắt đấy nhưng bên trong nó là cái gì nào? Tiêu hoá và ruột gan, bầy nhầy và cặn bã, thế thôi! Thế thì việc gì mà mình phải đi ám ảnh, phải hoảng loạn bởi một cái cơ thể thực chất là nhớp nhúa, thực chất là không khác cái cơ thể một con giun, một con gà, một con heo, một con… người! Tất nhiên còn phạm trù tâm hồn, còn thế giới linh giác biến ảo bên trong nhưng cũng là ảo ảnh, cũng là vứt đi nốt. Có gì đâu! Sao nữa… Thi Hoài tự hoảng sợ, không dám suy tưởng tiếp xuống phía dưới theo cái đà sinh học trong ngoài ấy nữa. Bởi lẽ, moi móc gì thì moi móc, cái thân thể bị phanh trần kia cũng chỉ cho anh được một cảm hứng lâng lâng khoái trá chốc lát, chốc lát thôi, sau đó tất cả lại trở về bít bùng hơn cũ. Bởi lẽ, càng chui sâu vào mổ xẻ sinh học, cái thực thể kia càng hiện diện trước anh như là một giá trị tinh thần bất khả kháng. Thi sĩ thấy mệt nhoài! Mệt quá nên sáng nay con người ấy mới lên núi. Lên núi cho thoáng đãng, cho có một độ cao đặng hạ phóng tư duy mà chiêm nghiệm lại mình. Cho… Ồ, mà biết đâu lại chẳng gặp gỡ cái thực thể ma quái kia ở đấy? Nếu gặp… Bước chân anh chậm lại. Chiều hôm qua, anh lại thấy người đàn ông bệ vệ đi Lada trắng từ trong nhà ả bước ra. Bệ vệ, xách ca táp, Lada… Chỉ cần ba yếu tố đó cũng đủ để đánh gục tư chất ả ra rồi. Tức là ả cũng tầm thường, cũng tham lam lười nhác như ráo trọi những ả tóc dài nhưng tư tưởng ngắn khác. Vậy, hà cớ gì phải khổ sở vì cái thứ ấy nhỉ? Hơ! Anh bật cười và vấp một cái. Cái vấp không đau lắm nhưng cũng đủ để trầy da đầu gối làm cho anh tỉnh lại. Thêm một lần nữa nhà thơ cay đắng nhận ra rằng, dẫu có vận dụng thêm cả phạm trù đạo đức chính chuyên nhưng cái hình ảnh kia vẫn giữ nguyên giá trị, thậm chí còn lấp lánh hơn. Bằng chứng: Trưa hôm qua, anh đã không còn lòng dạ nào để chấp nhận sự đến thăm của một cô sinh viên văn khoa năm thứ nhạt phóng xe máy một mình từ thành phố xuống. Trong khi, nếu là lúc khác, cô gái sẽ không ra thoát khỏi đây ít nhất là sau một đêm một ngày hoặc nhiều hơn thế. Anh là đồ đểu! Một thằng Sở khanh hiện đại, một gã Đông Gioăng đội lốt thi nhân… Cô gái đáng tuổi con mắng vào giữa mặt anh đủ ba mệnh đề lịch sử ấy rồi chạy ra mở khoá xe… Phực! Anh lại vấp một cú nữa đau điếng vào đầu gối bên phải. Khỉ khô! Thì ra lưới trời khôn thoát, đã chạy trốn đàn bà ra đến tận đây rồi mà lại còn gặp một ả dường như hội tụ tất cả những cái quỷ quái nhất của đàn bà trong một mình hắn! Lẩn mẩn vừa leo vừa nghi ngợi một chập rồi anh cũng đến nơi. Đỉnh đổi chói nắng. Màu lá như xanh hơn. Ngọn gió đi qua đây cũng anh ánh sắc xanh. Cạnh lô cốt. Quang đang vần những tảng đá thật to ra khỏi vạt sắn. Dưới nắng, mồ hôi anh chảy ra nhễ nhại như láng dầu. Những bắp thịt ở vai, ở lưng, ở đùi vồng lên muốn căng nứt. Khỉ gió! Thằng cha phải nói là trông đã con mắt thật. Một thứ Hécquyn hiện đại đang cùng chịu chung một số phận nô lệ đày ải với cổ xưa. Nói đùa, trông hắn rừng rực mảng khối thế kia, người đàn bà có máu hội hoạ nào mà chân tay chả ngứa ngáy? - Chào anh bạn! - Thi Hoài nói to. Quang quay lại nhìn rồi lại cúi xuống, không trả lời. - Gớm! Nghỉ cái đã rồi tôi phụ giúp một tay cho. Quang vẫn không ngẩng lên. Cáu sườn, Thi Hoài tiến đến tận nơi, đứng chặn ngay trước mặt, giơ thẳng chai rượu ra: - Nhậu, nhậu đã? Nghe rõ không? Quang cười, gật đầu. Những giọt mồ hôi sáng rực như những giọt nắng lăn xuống cằm. Anh đưa tay ra, vẻ bẽn lẽn: - Chào anh! Thi Hoài chút nữa té ngửa vì cái bắt tay quá chặt ấy. Lát sau họ đã ngồi đối diện với nhau trên một vạt cỏ thật mềm. Nhặm lẹ như một trò ảo thuật, chỉ một cái Quang đã chụm xong một ngọn lửa nhỏ đủ để mấy chú mực uốn cong lên, toả ra mùi thơm nhưng nhức, rượu được rót ra tràn hai ly… - Sao? Cắt tóc rồi hả anh bạn? - Thi Hoài hỏi sau khi đã khà một cái Ai cắt thế? Quang lắc rồi gật, chỉ tay bâng quơ xuống dưới núi. Khổ! Thằng cha này im lặng lâu quá nên quên mất cả nói rồi? Thi Hoài nghĩ và hỏi tiếp: - Hả? Cô ấy đẹp đấy chứ, hả? Quang cười. Cái cười thật rộng rãi rồi tự tay rót cho mình một ly nữa. Chà! Nhìn cánh tay hắn kìa, uốn cuộn lên nối tiếp với vồng ngực nom chẳng khác gì cái triền đồi. Đàn bà con gái lọt vào tay hắn thì phải biết đây. Thi Hoài cũng rót tiếp một tý nữa. - Thế nào? Trả lời tớ đi chứ! - Tôi không biết cái đó đâu - Quang lại cười, xé một sợi mực bỏ vào miệng. - Ê. Chú mày đừng có giả vờ - Thi Hoài đã có chiều chếnh choáng - Chú mày biết hết, khôn bỏ mẹ. Nhưng mà thôi, hỏi chú mày về đàn bà thì khác nào hỏi gái thập thành về cái chính chuyên. - Uống tiếp đi! Hết lại có, thiếu mẹ gì. Sao? Thế bị thương vào đâu? (Quang chỉ vào đầu) Khổ! Sao lại để cho nó bắn vào đấy? Nón mũ đâu? Các chú mày bây giờ hỏng quá, cóc biết oánh nhau, cứ ngơ ngơ ngác ngác như tập trận giả. Cái thời của tớ ấy à? Phải nói rằng mỗi thằng lính là… là… là một diễn viên xiếc nhé! Thiện chiến đền mực tinh nhuệ nhé! Chiến tranh… Đừng có mà đùa! Mà chắc lúc ấy chú mày nhát, chú mày bỏ chạy chứ gì? Tiến lên thì sao đạn lại vào ót? - Hả! Chú mày thấy tớ lính chiến thứ thiệt không? Lính đặc công chui rào đàng hoàng đấy. Quang nhìn chăm chăm vào người kể chuyện với vẻ đầy thán phục: - Thế cái hàng rào thép gai của Mỹ có dày bằng của Pôn Pốt không hả anh? - Hả?… Cái gì dày mỏng? - Thi Hoài đột nhiên tỏ ra bối rối - Ai sang thằng Pôn Pốt hồi nào mà biết nó dày hay mỏng? Nhưng của thằng Mỹ thì khỏi nói, dày cồm cộm như cái bức tường. - Hàng rào gai sao lại như cái bức tường ạ? - À, đại loại như thế. Tớ muốn nói những mắt rào nó ken xít vào nhau, đặc sệt như một bức tường thép. Hả? Mà đánh nhau tối tăm mắt mũi còn biết dày mỏng cái quái quỷ gì nữa. Có lệnh rồi thì dày mỏng cũng nhào dô tuốt. - Thế không phải cắt rào à? Quang hỏi ngơ ngác. - Bọn tớ là đặc công chiến lược, chuyện cắt rào ấy là chuyện vặt, chả cắt cũng vẫn cứ đánh ào ào. Chú mình quê lắm? Thế sao? - Thi Hoài lảng chuyện - Thế chú mày bị thương trong chiến dịch nào? Ác liệt chứ? Quang lắc đầu: - Không nhớ nữa. - Không nhớ? Thế ở bên đó được mấy năm? - Ít ít thôi. - Đánh được bao nhiêu trận? - Đánh ít lắm. - Sao nghe nói chú mày là một trung đội trướng trinh sát tài hoa nức tiếng? - Họ nói giỡn chơi - Quang gãi đầu - Tiếng tăm gì đâu. - Sướng thật! Đi lính như chú mày lúc này sướng thật. Loằng ngoằng mấy trận là chuồn. Ngày xưa ấy à? Tớ phải mặc quần thủng đít đi suốt dọc Trường Sơn, vào đến nơi là nện nhau suốt chục năm liền nhé! Ngày nào cũng chôn xác nhau nhé! Đặc công chứ có phải xoàng đâu. Thế chú mày có biết đặc công là cái gì không nhỉ? Là… là hơn đứt thứ lính trinh sát của chú mày một cái đầu, rõ chửa?… Uống tiếp đi! Khỉ gió! Cái xứ này có cầm đèn pha đi soi bảy ngày cũng không ra một nhan sắc nhưng rượu thì… Hả! Nhưng mà xét đến cùng, tớ với chú mày đều là nạn nhân của chiến cuộc. Cuộc chiến tranh nào cũng lắm bi kịch, chẳng có cái trò chém giết nào là chân chính hết! Dân tộc nào phải tự lo vận mạng cho dân tộc ấy, lịch sử đã dạy dỗ mãi rồi? Sao, tớ nói vậy đằng ấy nghe có kịp không? - Anh nói gì? - Quang cười cười nhưng gò má bên trái đã giần giật, một bên mắt đỏ vằn lên. - Tớ nói là - Không để ý đến dấu hiệu ấy, Thi Hoài vẫn cất cao giọng - Thực chất chú mình chỉ là một thứ vật hy sinh. Một kẻ bất hạnh. Quang dằn mạnh ly rượu xuống cỏ: - Anh lên đây mới tôi uống rượu để giỡn cợt tôi đấy à? - Bậy nào. - Hoài giảm giọng xuống - Chú mày chỉ được cái hay nghĩ ngợi lôi thôi. Tớ nói những điều trong gan ruột. - Gan ruột đâu? - Quang vừa nói vừa bất ngờ lấy tay ấn đầu Thi Hoài xuống sát mặt cỏ, tay kia tốc mạnh áo anh lên, gần như lột hẳn khỏi người. - Này! Làm cái gì thế? Buồn… buồn người ta kìa? Quang dừng tay lại, đẩy cái đầu rũ rượi của Thi Hoài về vị trí cũ: - Anh không thật thà! Anh không phải là lính. Lính đặc công gì mà lưng bụng trắng hếu không có một vết sần vết sượng nào cả. Tại sao anh lại bảo chúng tôi là lính dởm? Chiến tranh dởm? Mấy đứa bạn tôi bị vướng mìn chết mất xác ở bên đó cũng là chết dởm à? Anh không tốt! - Bỏ mẹ! Mình quá lời rồi! Thi Hoài đớ người ra. Cẩn thận không nó lên cơn, nó đá cho một phát lại chả bay xuống tận chân đồi. Khiếp, nhìn cái bắp đùi hắn kìa! Không còn ra đùi người nữa. Anh cầm lấy chai rượu: - Thôi, người anh em cho mình xin lỗi. Lính tráng quen thói nói thẳng ruột ngựa rồi, người anh em cảm phiền nhé! Nào, uống tiếp đi! Nói đùa, năm kia có dịp sang bên đó, nhìn thấy anh em thương binh đang từ mặt trận chuyển về, cầm lòng không được, mình đã khóc rống lên đấy. Thương… Thương quá! Quang ngồi xuống, hai chân xếp bằng tròn, con mắt trở lại lành hiền như cũ, cầm lấy ly rượu của mình ngửa cổ uống cạn một nửa, còn nửa kia - tinh nghịch như một đứa trẻ thơ, anh đổ tất cả lên đầu. Những dòng rượu thơm nồng chảy tràn qua tóc xuống đôi mắt đang nhắm lim dim. Bị hút theo cái vẻ trẻ thơ ấy, Thi Hoài cũng hứng chí làm theo. Rượu thơm cũng chảy tràn xuống mặt, xuống ngực. Quang cất tiếng cười to. Hoài cũng cười, cải cười săn đón, nhẹ bỗng của sự tai qua nạn khỏi. Thế là hoà bình đã trở về. Quàng một cánh tay qua cái cổ chắc nịch của Quang, Thi Hoài lè nhè: - Tớ yêu cô ta! Yêu lắm! Yêu như chưa bao giờ được yêu, chưa bao giờ biết thế nào là một ả đàn bà. Cậu có hiểu như thế là thế nào không? Là… là… Mà người như cậu có biết cóc thế nào là yêu đâu mà hỏi? Tội nghiệp cho cậu! Tội nghiệp cho tôi! Tội nghiệp cho bọn đàn ông đa tình khốn nạn! Tội nghiệp cho cả cô ta, con đàn bà lãnh tình lãnh tính cũng đếch biết yêu là gì? Tiếng nói trong cuống họng Thi Hoài rên lên, có đoạn ư ử không phát ra được. Quang quay hẳn mặt lại ngó chằm chằm vào hai hốc mắt rưng rưng nước mắt của Hoài mà không hiểu gì cả thật! Cái màng nước rưng rưng kia không chịu vỡ ra, nó làm cho khuôn mặt đẹp đẽ vốn khinh bạc của thi sĩ mưng tấy lên. Quang tò mò tru miệng thổi mạnh vào hai hốc mắt đó… Cái màng nước chỉ phồng lên sóng sánh chuyển dịch qua lại rồi trở về rưng rưng như cũ. - Nhưng thử hỏi nó là cái gì kia chứ? - Hoài vung tay lên như nhón bắt ngôn từ ý tưởng trong khoảng không - Một mụ nạ dòng, một gái sồn sồn quá lứa, một loại nghệ sĩ nửa mùa, một mô típ ăn no rửng mỡ thích làm trò hủ hoá với đạo đất, đạo trời: Một kẻ dung tục đang tập làm thánh thiện; một cái xác thối rữa được phủ bên ngoài lần vỏ bọc mỹ miều; một con nguỵ con thích nói giọng Cộng sản… Cha trời! Con nguỵ con này đã cảm hoá được một ả cộng sản thứ thiệt làm nô bộc giặt giũ, rửa ráy, nấu nướng cho nó sau mỗi cuộc làm tình để đổi lấy chén cơm. Hớ! Cuộc sống vận động đến nhục nhã không? Thi Hoài hụt hơi, đầu chúi xuống, tiếng nói chỉ còn nhớp nhẹp đập vào ngực. Giây lát ấy anh không biết rằng cánh tay đang bấu víu lấy cái cổ chắc thớ kia đã bị Quang gỡ ra, hất xuống và con mắt người bệnh đã lại trở về vẻ lầm lì cô độc thường ngày. - Chú mày ngơ ngơ, chú mày chả biết cóc gì cả - Thi Hoài nói tiếp - Ả vẽ chú mày à? Hơ! Nó mà biết vẽ cái qué gì? Khỉ gió? Van ư? Tăng gô ư? Định mệnh nữa ư? Lại còn dạy khôn thiên hạ về chức năng nghệ thuật, về tiêu chí thẩm mỹ nữa kia chứ. Ả mà hiểu cái mốc xì. Ả chỉ muốn ngủ với chú mày thôi. Chú mày đen đúa, chú mày chắc ninh ních, vẻ cổ quái chưa tiến hoá hết của chú mày phù hợp với cái tâm hồn cũng cổ quái bệnh hoạn của ả, thế thôi. Chú mày nghe có hiểu không? Nghe có kịp không? Tức là ả chỉ muốn ngủ thôi ngoài ra, zê rô, không có gì hết. Cái thằng cha xách ca táp, đi Lada trắng ục ịch ấy đáp ứng thế quái nào được! Cả cái thằng cha giám đốc trồng rừng đang sắp bị hạ bệ mà ngày nào ả cũng mò sang ấy cũng thoả mãn thế quái nào được! Ấy chưa hết. Chú mày có biết lão chủ tịch thị trấn cổ to như cổ bò tót ấy không? Lão cũng lai vãng đến đấy suốt. Lão này hơi căng đấy. Trông cái mã chẳng kém gì chú mày mà lại hơn hẳn chú mày ở cái quyền lực và khả năng tiêu xài. Đối thủ đấy? Tuốt kiếm ra hơi chàng trai khốn khổ… Chắc nó thèm cha chủ tịch này nhậu nước miếng. Bởi lẽ trước sau ả chỉ là một con điếm, một con điếm mạt hạng đội lốt thượng lưu sống bằng sự chở che của cả trăm thằng đàn ông giàu có. Còn tớ, bắp thịt cũng không, tiền của cũng không, ăn nhằm mẹ gì? Thực ra… ấy! Cái gì thế? Câu nói của Thi Hoài bị ắc lại nửa chừng. Anh ta chưa kịp định thần thì toàn thân đã bị nâng bổng lên như một chiếc bù nhìn rơm. Trên hai cánh tay rung rung của mình và với những bước đi như xiêu đảo, người bệnh vác thẳng nhà thơ ra phía miệng vực, rõ ràng là có ý định quẳng xuống. - Này!… Đi đâu thế? Đừng đùa?… Tớ không chơi đùa nhả thế đâu ở kìa, đã bảo. Tớ thét lên bây giờ đây này. Kìa… Thi Hoài thét lên một tiếng thất thanh thật sau khi đã chòi đạp loạn xạ một chập không ăn thua. Anh đã nhìn thấy trước cái thi thể của mình bị tung lên rồi vùn vụt lăn xuống đập bên này, đập bên kia và cuối cùng nằm nát bấy ở một hốc đá nhẫy rêu lờ mờ nhỏ xíu dưới kia… Anh thét lên một tiếng nữa và lần này chính tiếng thét ấy dội ngược trở lại chút xíu nữa làm anh ngất xỉu nếu ngay lúc đó, phía sau hai người không vang lên một tiếng thét khác cũng không két phần thất thanh hơn… Bước chân người bệnh đột ngột dừng lại và… Bịch! Thi Hoài chưa kịp hoàn hồn thì đã thấy thay vi cái hốc đá nhầy rêu, mình đang nằm tơ hơ trên bãi cỏ rồi. Lồm cồm bò dậy được, Thi Hoài chỉ kịp nhìn thấy kẻ tâm thần đang chạy băng băng xuống chân đồi, vừa chạy vừa hú lên những tiếng đau buồn phẫn nộ, và ở đằng sau anh, sát ngay bìa vạt sắn là cái dáng thanh mảnh của Dung. Chị đang hun hút nhìn theo chân núi.