Uqhart kinh ngạc trước cách gọi đầy chủ quan – “nó được miêu tả như một cuộc đi dạo chơi vậy”-dành cho Market Garden. Và anh đặc biệt bất bình trước cách mô tả của tướng Browning rằng mục đích của cuộc tấn công là nhằm “trải một tấm thảm lính đổ bộ đường không để lực lượng mặt đất của chúng ta bước lên trên vượt qua.” Anh này tin rằng chỉ riêng cách nói ví von này cũng có hậu quả tâm lý bởi nó ru ngủ các chỉ huy tới một trạng thái bị động và hoàn toàn tưởng tượng không hề dự kiến trước bất cứ phương án phản ứng nào trước sự kháng cự của quân Đức.” Viên sĩ quan tình báo coi bầu không khí tại sở chỉ huy quá xa rời thực tế đến mức, tại một trong những cuộc họp bàn kế hoạch, anh này đã hỏi “liệu “tấm thảm” nọ sẽ bao gồm lính dù còn sống hay đã chết”. “Hoàn toàn không thế,” sau này anh nhớ lại, “khiến họ đối mặt với tình hình thực tế; sự mong muốn được tham chiến trước khi chiến tranh kết thúc đã bịt mắt họ”. Nhưng anh chàng Uqhart trẻ tuổi tin chắc rằng những cảnh báo của tướng Dempsey là chính xác. Anh tin rằng có lực lượng thiết giáp Đức đóng ở lân cận Arnhem, nhưng anh cần khẳng định thông báo này với nhiều bằng chứng hơn. Uqhart biết có một phi đội Spitfire trang bị camera đặc biệt để chụp ảnh không thám đóng gần Benson ở Oxfordshire. Phi đội này hiện đang tìm kiếm các bệ phóng tên lửa dọc bờ biển Hà Lan. Vào chiều ngày 12/9, thiếu tá Uqhart đề nghị tiến hành một cuộc trinh sát ở độ cao thấp trên không phận vùng Arnhem. Để tránh bị phát hiện, xe tăng đối phương hẳn sẽ được giấu trong rừng hoặc dưới lưới nguỵ trang và có thể không bị phát hiện bởi không thám từ độ cao lớn. Yêu cầu của Uqhart được chấp nhận; các máy bay trinh sát ở độ cao thấp sẽ bay trên khu vực Arnhem, và viên sĩ quan sẽ có được kết quả sớm nhất có thể. Nếu thu được ảnh chụp xe tăng, bằng chứng này có thể minh chứng cho sự e ngại của thiếu tá Uqhart. Lúc này chẳng còn đủ thời gian để tư lệnh các sư đoàn đổ bộ tự mình xem xét thông tin tình báo. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào sở chỉ huy của quân đoàn mình và của đạo quân đổ bộ đường không số 1 về những ước đoán mới nhất. Theo kinh nghiệm, mỗi tư lệnh đều hiểu rằng những thông tin đó đã lỗi thời vài ngày khi tới được tay họ. Tuy thế, theo quan điểm chung, không có lý do gì để e ngại một sự kháng cự mạnh của kẻ thù. Kết quả là những nguy cơ của chiến dịch Market Garden được coi là có thể chấp nhận được. Sau khi các tướng Brereton và Browning đã vạch ra những nét lớn của kế hoạch, xác định mục tiêu và nhận định khả năng chuyên chở, mỗi sư đoàn trưởng sẽ tự xây dựng kế hoạch tác chiến cho mình. Từ các chiến dịch trước, các tư lệnh đổ bộ đường không kỳ cựu hiểu rằng cơ hội thành công trước hết phụ thuộc vào việc lính của họ có thể được đổ xuống gần mục tiêu tới đâu. Lý tưởng nhất, họ cần được thả xuống đúng mục tiêu hay chỉ cách mục tiêu một đoạn đi bộ ngắn, đặc biệt khi họ cần phải chiếm một cây cầu. Với số lượng phương tiện cơ giới mặt đất mang theo rất hạn chế, việc lựa chọn chính xác các điểm đổ bộ là quan trọng sống còn. Thiếu tướng Maxwell D.Taylor hiểu quá rõ rằng các điểm đổ quân của ông cần được chọn sao cho đạt hiệu quả tối đa. Trong khi Taylor có thể có trong tay phần lớn lính dù “Chim ưng gầm thét” của mình ngay trong ngày N, các đơn vị công binh, pháo binh, và phần lớn phương tiện cơ giới của sư đoàn 101 sẽ chỉ tới vào ngày N+1 hay N+2. Nghiên cứu đoạn nằm xa nhất về phía nam của hành lang chiến dịch, nơi sư 101 phải chiếm giữ giữa Eindhoven và Veghel, Taylor nhanh chóng nhận ra trên dải dài 15 dặm này, lực lượng của ông cần phải chiếm hai cầu lớn vượt kênh đào cùng 9 cầu đường bộ và đường sắt. Tại Veghel, có 4 cây cầu và một điểm vượt kênh đào qua sông Aa và kênh đào Willems. Nằm cách đó 5 dặm về phía nam tại St Oedenrode, cần chiếm một cây cầu qua sông Dommel hạ; cách đó 4 dặm là điểm vượt kênh đào lớn thứ hai, bắc qua kênh Wilhelmina gần làng Son, và về phía tây là một chiếc cầu gần Best. Xa hơn nữa 5 dặm về phía nam tại Eindhoven, cần chiếm 4 cây cầu qua sông Dommel thượng. Sau khi xem xét dải đất bằng giữa Eindhoven và Veghel, cùng mạng lưới kênh rạch, kè, đập và đường bộ, Taylor quyết định chọn các khu đổ bộ chính gần như chính giữa khu vực tác chiến của mình, ở rìa một khu rừng chỉ cách Son có một dặm rưỡi và gần như nằm giữa Eindhoven và Veghel. Ông có thể cho đổ bộ hai trung đoàn của mình, số 502 và 506, tại khu này. Trung đoàn 502 sẽ phụ trách các mục tiêu tại St Oedenrode và Best, trung đoàn 506 tại Son và Eindhoven. Trung đoàn thứ ba, trung đoàn 501, sẽ đổ bộ xuống khu vực phía bắc và phía tây Veghel, chỉ cách 4 cây cầu huyết mạch vài trăm mét. Đây là một trách nhiệm nặng nề mà người của ông sẽ phải hoàn tất vào ngày N mà không có các đơn vị hỗ trợ, nhưng Taylor tin rằng “nếu gặp may, chúng ta có thể thành công.” Trách nhiệm của sư đoàn 82 còn phức tạp hơn. Khu tác chiến dài 10 dặm của họ rộng hơn khu vực của sư đoàn 101. Ở khu vực trung tâm của hành lang này, cần chiếm cây cầu lớn dài 1500 bộ qua sông Maas tại Grave và ít nhất 4 cây cầu đường sắt và đường bộ nhỏ hơn khác bắc qua kênh Maas-Waal. Một mục tiêu sống còn khác là cây cầu lớn qua sông Waal tại Nijmegen, nằm gần như giữa trung tâm thành phố có 90000 dân này. Và không mục tiêu nào trong số này được coi là “đã được kiểm soát” trừ khi cao điểm Groesbeek nằm cách Nijmegen 2 dặm về phía nam, khống chế toàn bộ khu vực, được chiếm giữ. Đồng thời, về phía đông là vành đai rừng lớn nằm dọc biên giới Đức- Reichswald – nơi quân Đức có thể tập hợp để phản công. Khi tướng Gavin giải thích cho các sĩ quan trong bộ tư lệnh của mình những gì đang được trông đợi ở họ, tham mưu trưởng của ông, đại tá Robert H.Wienecke phản đối, “chúng ta cần hai sư đoàn để làm tất cả chuyện này”. Gavin kiên quyết. “Đúng thế, và chúng ta sẽ làm chúng với một sư đoàn”. Nhớ lại cuộc tấn công của sư đoàn 82 tại Sicily và ở Ý, nơi binh lính của ông ta có khi bị thả xuống cách khu đổ bộ tới 35 dặm (câu đùa truyền thống trong sư đoàn là “chúng ta toàn dùng phi công mù”), Gavin quyết tâm lần này sẽ đổ bộ người của mình gần như xuống đúng mục tiêu. Theo thứ tự ưu tiên, ông quyết định các mục tiêu của mình: đầu tiên, cao điểm Groesbeek; thứ hai, cây cầu tại Grave; thứ ba, các cầu vượt qua kênh Maas-Waal; và thứ tư, cây cầu qua sông Waal tại Nijmegen. “Vì khả năng quân địch sẽ phản ứng nhanh,”sau này Gavin nhớ lại, “tôi đã quyết định đổ bộ phần lớn quân dù của mình giữa Groesbeek và Reichswald”. Ông chọn hai khu đổ bộ gần Groesbeek chỉ cách cao điểm này gần một dặm rưỡi và cách Nijmegen ba hay bốn dặm về phía nam. Tại đó, các trung đoàn 505 và 508, sau đó thêm cả sở chỉ huy sư đoàn, sẽ đổ bộ. Trung đoàn thứ ba, trung đoàn 504, sẽ đổ xuống sườn tây cao điểm Groesbeek trong khu tam giác giữa sông Maas và kênh đào Maas-Waal, cách đầu phía đông của cây cầu tại Grave 1 dặm và cách các cây cầu qua kênh 2 dặm về phía tây. Để đảm bảo việc chiếm giữ cây cầu quan trọng tại Grave, rất có thể đã bị chuẩn bị sẵn để phá khi cần, một giai đoạn bổ sung của kế hoạch được phát triển trong đó 1 đại đội của trung đoàn 504 sẽ được thả xuống cách đầu phía tây cầu nửa dặm. Trước khi kẻ thù kịp hoàn hồn, trung đoàn 504 cần chiếm lấy cầu từ cả hai đầu. Hiển nhiên là cây cầu lớn tại Nijmegen là quan trọng nhất trong các mục tiêu của Gavin và là sống còn cho toàn chiến dịch Market Garden. Thế nhưng ông hiểu quá rõ rằng, nếu không chiếm được các mục tiêu khác, bản thân cây cầu vượt sông Waal này sẽ trở nên vô dụng. Tướng Browning cũng đồng ý với ông. Nếu không chiếm được cây cầu đầu tiên hay nếu kẻ thù chiếm mất cao điểm Groesbeek, hành lang cho lực lượng Garden sẽ không bao giờ có thể khai thông được.