Dịch giả: seahawk1
P 2- Chương 12

Mặt khác, một đơn vị liên lạc độc lập, được đặt tên là « Phantom »- đơn vị này được tổ chức để thu thập và thông báo các dự đoán tình báo và các báo cáo cập nhật tình hình cho từng tư lệnh chiến trường, trong trường hợp này là tướng Browning của quân đoàn đổ bộ - lại không hề lo ngại về tầm hoạt động của các máy « 22 » họ được trang bị. Viên trung uý 25 tuổi Neville Hay, phụ trách đội ngũ được huấn luyện kỹ càng của Phantom, thậm chí còn cảm thấy « hơi coi thường lực lượng thông tin hoàng gia », những người mà đơn vị của anh này ái ngại coi là « những người anh em họ tội nghiệp ». Bằng việc sử dụng một loại ăng ten đặc biệt, Hay và các hiệu thính viên của mình có thể thực hiện việc truyền tin ở cự ly xa đến trên 100 dặm với một chiếc « 22 ».
Bất chấp thành công của Hay và mặc dù có nhiều hình thức liên lạc khác có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Deane – Đrummon vẫn thấy bất an. Anh trao đổi lại với cấp trên của mình, trung tá Tom Stephenson, rằng « khả năng các máy này hoạt động ở mức chấp nhận được trong giai đoạn đầu của chiến dịch là rất đáng ngờ ». Stephenson cũng tán đồng. Thế nhưng, điều này cũng khó gây ra rắc rối. Trong một cuộc tấn công bất ngờ, theo dự kiến lực lượng tấn công sẽ tới cầu Arnhem rất nhanh. Vì vậy, người ta tin rằng các đơn vị sẽ không bị gián đoạn liên lạc với sở chỉ huy lâu hơn 1 hay 2 giờ, vì đến khoảng thời gian này, Deane-Drummond được nghe nói, « mọi chuyện sẽ đã đâu vào đấy và sở chỉ huy của Urquhart lúc đó đã ở ngay trên cầu cùng với lữ dù số 1 ». Cho dù không hoàn toàn an tâm, Deane – Drummond nhớ lại rằng « cũng như hầu hết mọi người khác, tôi cũng bị cuốn theo suy nghĩ chung: « Đừng có bi quan thế ; và vì Chúa đừng có đi ném đá xuống thuyền, hãy làm theo kế hoạch tấn công ».
Giờ thì tiếng nói quyết định cuối cùng không còn thuộc về con người nữa mà là của thời tiết. Từ tổng hành dinh trở xuống, các sĩ quan cao cấp theo dõi sát sao các bản tin thời tiết. Chỉ có chưa đến 7 ngày chuẩn bị để kịp với thời hạn của Montgomery, Market Garden đã sẵn sàng hơn bao giờ hết, thế nhưng một bản dự báo về ít nhất ba ngày trời quang mây tạnh liên tục là tối cần thiết. Vào tối ngày 16/9, các chuyên gia khí tượng đưa ra báo cáo: ngoại trừ một chút sương mù vào sáng sớm, thời tiết sẽ đẹp trong 3 ngày sau đó, ít mây và hoàn toàn không có gió. Tại sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1, trung tướng Brereton nhanh chóng ra quyết định. Một bức điện mật được mã hoá gửi tới các chỉ huy dưới quyền ông vào lúc 7 giờ 45 tối viết, « Xác nhận Market Chủ nhật 17. » Trong nhật ký của mình, Brereton ghi lại, « Cuối cùng chúng tôi cũng bước vào hành động ». Ông nghĩ tối hôm đó ông có thể ngủ ngon giấc, vì như ông nói với ban tham mưu, « Giờ đây khi tôi đã ra quyết định, tôi đã thoát khỏi trạng thái lo âu thường trực ».
Tại những nhà chờ chật ních, trong những rừng lều trại và nhà tạm, những binh lính đang chờ đợi cũng được thông báo. Trên tấm gương lớn đặt trên lò sưởi ở nhà ăn hạ sĩ quan của đơn vị thông tin thuộc sư đoàn đổ bộ đường không Anh số 1 đóng gần Grantham, ai đó đã viết lên bằng phấn « lên đường sau 14 giờ nữa... không huỷ bỏ gì nữa ». Thượng sĩ Horace « Hocker » Spivey nhận xét rằng, cứ mỗi giờ qua đi, con số lại được viết lại bằng phấn. Với Spivey, đã quá mệt mỏi với việc phải dự những buổi phổ biến những kế hoạch chẳng bao giờ được thực hiện, những con số giảm dần trên tấm gương là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy lần này « chúng tôi chắc chắn sẽ xuất trận ».
Tại tất cả các căn cứ xuất phát, binh sĩ của đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh thực hiện những việc chuẩn bị cuối cùng. Họ đã được phổ biến đầy đủ về kế hoạch, vũ khí được kiểm tra, còn tiền mang theo đã được đổi sang đồng guilder của Hà Lan, và lúc này những người lính đang bị cấm trại hầu như chẳng còn gì để làm ngoài chờ đợi. Một số dùng thời gian vào việc viết thư, «kỷ niệm » cuộc lên đường sáng hôm sau, đóng gói quân trang cá nhân, ngủ hay tham gia vào đủ thứ bài bạc từ blackjack, poker cho đến bài bridge. Thượng sĩ Francis Moncur, 22 tuổi, thuộc tiểu đoàn 2 lữ đoàn dù số 1, chơi blackjack hết giờ này đến giờ khác. Và trong sự ngạc nhiên của chính mình, anh ta thắng liên tục. Nhìn lại xấp guilder cứ cao dần lên trước mặt mình, Moncur cảm thấy như mình đã thành triệu phú. Anh này định bụng sẽ « vui chơi tưng bừng một trận ở Arnhem sau trận đánh », mà theo anh ta sẽ chỉ « kéo dài 48 giờ ». Chừng đó cũng đủ để anh trả món nợ với bọn Đức. 72 giờ trước đó, em trai của Moncur, một thượng sĩ 17 tuổi của RAF, đã hy sinh khi định nhảy dù khỏi chiếc máy bay ném bom bị trúng đạn từ độ cao 200 bộ. Chiếc dù của cậu thanh niên đã không mở hoàn toàn.
Ở phía nam Grantham tại một doanh trại ở Cottesmore, thượng sĩ « Joe » Sunley thuộc lữ đoàn dù số 4 đang đi tuần, để đảm bảo « không có tay lính dù nào lỉnh khỏi căn cứ mò vào làng ». Trở về trại, Sunley bắt gặp thượng sĩ « Ginger » Green, một huấn luyện viên thể lực và là « một chàng khổng lồ hiền lành » đang tung một quả bóng đá lên không. Green bắt lấy quả bóng và ném cho Sunley. « Cậu định làm cái quái gì với của nợ này thế? » Sunley hỏi ; Ginger giải thích rằng anh định mang quả bóng tới Arnhem, « như thế chúng mình có thể chơi một trận ở khu đổ quân sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ ».
Tại Manson, Kent, thượng sĩ George Baylis thuộc trung đoàn phi công tàu lượn cũng trông đợi có cơ hội xả hơi. Anh này nghe nói người Hà Lan rất thích nhảy ; thế là George cẩn thận gói ghém mang theo đôi giày nhảy của mình. Hiệu thính viên Stanley G.Copley của lữ đoàn dù số 1 mang theo một cuộn phim dự trữ cho chiếc máy ảnh của mình. Vì xem ra sẽ không gặp nhiều chống cự của quân địch nên anh này nghĩ cuộc tấn công « sẽ là một dịp tuyệt hảo để chụp lấy vài kiểu về cảnh đồng quê và thành phố Hà Lan ».
Một người mang theo món quà anh mang tới London vài ngày trước. Khi Hà Lan bị chiếm đóng, trung tá hải quân 32 tuổi Arnoldus Wolters của hải quân Hà Lan đã trốn thoát trên chiếc tàu quét mìn của mình và chạy sang Anh. Từ đó, anh đã gắn bó với chính phủ Hà Lan lưu vong, giữ nhiều công việc văn phòng liên quan đến tình báo và thông tin. Trước đó vài ngày, Wolters được yêu cầu trở lại Hà Lan với tư cách thành viên của phái đoàn đại diện cho chính quyền quân quản và phụ trách các vấn đề dân sự được phối thuộc vào sở chỉ huy của tướng Urquhart. Theo dự kiến Wolters sẽ là phái viên quân sự tại vùng lãnh thổ Hà Lan được lực lượng đổ bộ giải phóng. "Đó là một đề nghị thật bất ngờ - chuyển từ một ghế bàn giấy lên một chiếc tàu lượn", anh nhớ lại. Viên trung tá được điều về đơn vị dưới quyền chỉ huy của đại tá Hilary Barlow, tư lệnh phó lữ đoàn đổ bộ số 1, người đã được dự kiến giữ chức tư lệnh thành phố tại Arnhem sau khi giải phóng được thành phố này. Wolters sẽ là trợ lý cho ông này. Lúc này, phấn khích trước viễn cảnh được trở về Hà Lan, Wolters"bị lây tâm trạng lạc quan, và tôi tin vào tất cả những gì tôi được nghe. Tôi thực sự không nghĩ rằng chiến dịch sẽ quá khó khăn. Xem ra cuộc chiến có thể coi như đã chấm dứt và cuộc tấn công sẽ rất dễ dàng. Tôi hy vọng sẽ đổ bộ vào chủ nhật và có mặt ở nhà với vợ và con tôi tại Hilversum vào thứ ba". Dành cho Maria, vợ mình, Wolters đã mua một chiếc đồng hồ đeo tay làm quà, còn cho đứa con gái, mà lần cuối cùng anh được ngắm nhìn khi còn bé từ bốn năm về trước, anh mang theo một chú gấu bông to. Anh hy vọng sẽ không ai phản đối việc anh mang nó lên tàu lượn.
Trung tá John Frost, 31 tuổi, người sẽ chỉ huy tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm cầu Arnhem, mang theo cả còi kèn săn cáo bằng đồng của mình bên cạnh đồ quân phục. Đây là món quà từ các thành viên của Royal Exodus Hunt, mà ông đã làm hội trưởng thời kỳ 1939 - 1940. Trong thời kỳ huấn luyện, Frost đã sử dụng cây còi để tập hợp đơn vị. Ông định cũng làm vậy trong chiến dịch sắp tới. Frost không thích thú lắm với cuộc nhảy dù ban ngày, Từ những thông tin trong buổi phổ biến kế hoạch, "chúng tôi được làm cho có cảm giác rằng bọn Đức đã suy yếu và rệu rã và lực lượng Đức ở khu tác chiến hiển nhiên là loại bạc nhược và trang bị tồi". Frost băn khoăn về những khu đổ bộ. Ông đã được phổ biến rằng "những khu vực phía nam cầu không thích hợp cho lính nhảy dù và tàu lượn". Vậy thì tại sao, ông tự hỏi, lực lượng Ba Lan lại phải đổ xuống phía nam cầu "nếu vùng đó đã không thích hợp như vậy?"
Cho dù ông nóng lòng muốn xung trận, Frost "không thích phải tới Hà Lan". Ông thầm hy vọng đến phút cuối cùng sẽ lại có hoãn hay hủy bỏ kế hoạch. Viên trung tá đã trở nên ưa thích vùng Stoke Rochford ở Lincolnshire và thầm ước "có thêm một hay hai ngày để làm những điều thú vị mà tôi đã từng làm trong quá khứ". Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những ý nghĩ khác, 'nói với tôi rằng chúng tôi đã ở đây quá lâu rồi và đã đến lúc lên đường". Frost ngủ ngon lành đêm 16/9. Cho dù ông không lạc quan đến mức cho rằng trận đánh tại Arnhem sẽ "chỉ là một cuộc dạo chơi", ông cũng đã lệnh cho Wick, người cần vụ của mình, đóng gói súng săn, đạn, bộ gậy đánh golf và đồ dạ tiệc của ông lên chiếc xe jeep của sở chỉ huy sẽ đi sau đơn vị.
Trên tấm gương treo phía trên lò sưởi tại nhà ăn hạ sĩ quan, lúc này đã trống trơn, vẫn còn một ghi chú nguệch ngoạc cuối cùng được viết lên trước khi mọi người trở nên quá bận rộn để có tâm trí làm tiếp việc này. Dòng chữ này viết " 2 giờ trước khi lên đường... không có hủy bỏ".