Chương 12

    
hằng lính gác gãi mũi như khỉ ăn gừng, ngó Khiêm. Dáng nó tò mò hơn là ghét. Khiêm ngửa cổ, vênh mặt. Dù bị trói vào chân cột cũng không để nó khinh mình. Mẹ mày, cứ phải lúc đang ngáy trong lô cốt, ông tương cho quả thủ pháo một cân thì còn mà ngó! Khiêm quen với lính gác đến nỗi nhìn bọn lính chung quanh cứ thấy như thằng nào cũng đã gặp đôi lần.
Khiêm vừa bị bắt sáng nay.
Văn Thon với Khiêm đi rất nhanh, gấp đôi gấp ba mọi hôm. Không hiểu tiếng nhau, ai nói người ấy nghe. Khiêm đưa ống măng luộc cho Văn Thon, bảo ăn. Anh gật ra ý hiểu rồi, quàng ống vào vai mang đến tối. Anh tưởng Khiêm kêu mệt. Đến lúc Khiêm đòi ống lại để mang, anh gật, rồi xé lá chuối trút măng đưa cho Khiêm. Anh tưởng Khiêm đói. Đêm đến hai người tranh nhau  gác, rồi Kiêm phải ngủ trước. Văn Thon ngồi cạnh đống lửa lẩm bẩm nói gì, Khiêm đôi lúc nghe nhắc tên Lương.
Giữa đêm, một tiếng nổ. Khiêm bật người như lò xo, vồ lấy Văn Thon. Nhưng anh rút khúc tre nứt toác trong lửa ra, chỉ trỏ. Thì ra tre nổ. Khiêm vẫn bị cái chết của Sử xoáy vào óc Trách nhiệm anh Lương giao thế là hỏng: Khiêm lãnh đạo Sử mà để nó tự sát, còn vào Đảng gì nữa. Bây giờ đi theo bảo vệ anh Văn Thon, Khiêm cứ thấp thỏm: “Biết đâu, nhỡ ra anh ấy làm như thằng Sử...” Biết là lo vớ vẩn nhưng Khiêm vẫn cứ lo.
Dấu hiệu gần làng ngày một nhiều. Dấu vạc vỏ cây chi chít. Đây đó những cây dầu rái có khoét hốc lấy nhựa, ngáp cái mồm đen và hăng xè. Một đống ngói chẻ bằng gỗ mạy khen đỏ bầm. Một chiếc thuyền độc mộc đẽo dở, lửa thui sém lòng, cây nống hai sườn còn chảy mủ tươi. Rồi vết chân trâu chân voi ăn rong. Chim gáy gù gù. Đường mòn đan chằng chịt: đường của dân làng ra suối, đi bắt trâu bắt voi, lấy rau rừng, lấy dầu rái. Có hôm Văn Thon phải chui qua rừng tre gai để tránh một phường săn nai. Vẫn chưa biết là vùng địch hay vùng ta.
Thế rồi rừng đột ngột tách làm đôi, lùi lại sau. Nương ngô trải mượt từ sườn đồi bên này lên đến chân làng tít đỉnh đồi bên kia. Một cái làng rất nhiều bưởi trĩu quả. Văn Thon che mắt nhìn. Giữa đám râu kín mặt lóe lên hàm răng trắng nhởn. Anh reo khàn khàn, cười. Khiêm ngơ ngác. Văn Thon chỉ vào làng, nói: “Itxala! Itxala!”. Khiêm mừng suýt nhảy cẫng, kéo anh đi mau, đi mau.
Được mươi bước, Khiêm mới nhớ mình phải bảo vệ Văn Thon, Khiêm hoa tay ra hiệu rằng anh phải đợi đây, nói thật to, tưởng như nói to thì Văn Thon hiểu được tiếng Việt:
- Anh để tôi vào thăm dò cái đã. Như đi xích hầu ấy mà.
Theo thói quen. Khiêm trút lại tất cả giấy tờ, chỉ xách khẩu các bin.
Khiêm qua rẫy, ngửi mùi ngô non mà nước bọt tứa đầy mồm. Qua cái cầu treo, lên hết dốc, Khiêm gặp một bà cụ. Bà cụ trợn mắt, lắp bắp mấy tiếng, trỏ vào làng rồi ù té chạy. Khiêm nhìn lại mình, bật cười. Quần đứt mất hẳn một ống, máu châm kim kín người, thảo nào họ sợ.
Nhà sàn chen chỗ đứng dưới các rặng bưởi. Quả xanh lòng thòng sát mái gỗ, ngon mắt không chịu được. Một anh con trai đeo súng từ góc nhà nhô ra, chạm chán Khiêm. Anh rú lên. Khiêm cười, chỉ vào mình: "Itxala!” Anh kia nhớn nhác, đẩy vào ngực Khiêm như muốn đuổi, nói líu tíu, chỉ nghe được một tiếng pha lăng. Lạ, mình thế này mà lầm được với Pháp ư? Khiêm phát cáu, chống hai tay lên sườn gắt trả. Tiếng giày đinh chạy đến rầm rập. Anh kia lùi lại, chĩa súng bắn một phát lên trời. Khiêm vụt hiểu, đâm đầu chạy. Lính địch đã vây kín cống, quật Khiêm ngã, trói bó giò.
Giờ đây Khiêm ngồi dựa chân cột, hai tay bị trói quặt sau lưng. Nghĩ mà tức anh ách. Làng Itxala nào trở mặt chóng thế!
Đôi người làng đi qua, liếc Khiêm, cau mày. Mấy bà cụ xì mũi. Khiêm vênh mặt, ra điều ta đây không đếm xỉa cái hạng người phản phúc. Chợt Khiêm giật mình đánh thót. Soan à? Sao Soan ở đây? Đôi mắt tròn, xa nhau như mắt búp bê, ướt nhòa: Em Soan! Khiêm rướn nhìn, nhìn không chớp. Một cô gái làng rụt rè bước đến, đặt trước mặt Khiêm gói xôi, bát cá nướng, cái bầu nậm. Cô nói gì với thằng lính gác, sụt sùi quay đi. Thằng lính cởi dây trói tay Khiêm, buộc cứng hai chân, thở dài. Hắn lại nghếch mắt tìm ruồi. Khiêm ăn xong, hắn tháo dây trói chân để trói hai tay như cũ, vẫn thở dài.
Khiêm từ từ nhắm mắt. Bên dưới mí hiện lên đôi mắt tròn ướt nhòa kia nhìn Khiêm. Sao mà giống quá. Em đang làm gì Soan ơi... Một luồng nong nóng chạy trên môi Khiêm. Ừ mà cộng trừ nhân chia hết nước thì trong cả mấy tháng “lãng mạn” Khiêm mới hôn Soan được đúng mỗi một lần. Ấy cũng nhờ liều mạng. Sau đó Soan đỏ mặt, nguýt một cái, nguẩy một cái, đi biến. Khiêm sợ quá, ngỡ phen này Soan không thèm giáp mặt mình nữa. Khiêm tát vu vơ vào mồm. Nhưng tối hôm ấy, Soan xách đèn đi rỏ thuốc đau mắt, dừng bên Khiêm và đánh rơi một câu rất khẽ: “Lần sau thế nữa em giận ghê lắm nhé”. Lời rằng giận ghê lắm nhưng cho hoãn đến lần sau mới giận, và tiếng em đầu tiên xưng với người yêu lại ngọt lịm người! Tiếc quá, chúng nó sắp cắt đầu rồi. Ra mình cũng dại. Hôn bừa một lần nữa đã sao. Hôn đúng chỗ lúm đồng tiền trên má thơm mịn. Cô em hẳn lại cho khất đến lần sau và lần sau nữa mới giận...
 Thằng Pháp tóc vàng đi qua. Một lúc sau, thằng lính gác cởi trói cho Khiêm, ra hiệu đứng dậy. À, sắp lấy cung. Khiêm ngẩng cao đầu đi giữa những dãy nhà sàn ọp ẹp. Rất nhiều con mắt lấp ló sau kẽ phên. Nắng đổ chói mắt, nhưng Khiêm vẫn không chớp, không cúi đầu. Muốn xem chiến sĩ Tình nguyện chết như thế nào thì cứ tha hồ mở cửa ra mà nhìn, việc gì phải chốn nấp, hỡi các đám dân làng ăn ở hai lòng này!
Thằng Pháp ngồi trong chùa, mâm tiệc bày sẵn trước mặt. Ngửi mùi thịt cá thơm lựng, Khiêm ngậm một mồm nước bọt mà không dám nuốt, sợ nó thấy. Nó rót rượu, xoắn xuýt mời Khiêm ăn uống. Khiêm ăn thật sự, không làm khách. Sau lưng Khiêm, một tên lính phe phẩy cái quạt lá cọ, y như hầu quan. Mặc nó, Khiêm chén đẫy, rồi ngủ một giấc li bì đến chiều cho lại sức.
Chúng nó lay Khiêm dậy. Bây giờ thì những năm sáu thằng Pháp và ngót chục thằng quan ngụy ngồi hình vòng cung trong nhà khách giữa chùa, bốn góc nhà cắm bốn thằng lính đứng nghiêm. Thằng tóc vàng ban trưa ngồi giữa, hắn đeo lon ba gạch, mắt khoằm khoặm. Khiêm thấy buồn cười. Bày ra đủ bộ tướng sĩ tượng để nghe ông khai nhé! Cái cảm giác rờn rợn lúc mới nhìn chúng đã biến hẳn.
Khiêm nói tiếng Việt, thằng Pháp nói tiếng Pháp, thằng thông ngôn nói tiếng Lào, như đấm vào tai nhau. Khiêm càng buồn cười, cứ muốn cười phá vào tai những bộ mặt ngây cán tàn kia.
Sau chúng nó gọi đến một thằng đeo lon một gạch, má chảy xị, nói tiếng Việt ậm à như chó nhai giẻ rách. Mỗi khi hắn mở mồm lại chóa lên mấy cái răng vàng. Quái nhỉ, Khiêm gặp nó ở đồn nào trông quen tệ.
- Đi bộ đội bao giờ?
- Hử?
- Mày ở bộ đội nào? Ở đâu?
- Ở trong rừng. Bộ đội tình nguyện.
- Ở rừng nào?
- Mới lên Lào, không biết.
- Hoại! Con xố pộ đội, cái tên pộ đội mày, gì?
- Ở tiểu đội lính mới, chưa về bộ đội nào cả.
Vòng quanh một lúc lâu, bọn Pháp kéo nhau đi. Bọn ngụy ở lại, quật Khiêm ra vặn kìm sống ngay trong chùa. Khiêm nghĩ: “Đau quá thì ông cắn đứt lưỡi, đố thằng nào bắt ông khai được”. Khiêm nghiến răng, gân người khi kìm cắn thịt, xoáy, rứt. Đau quá thật. Khiêm thè lưỡi định cắn, lại thụt vào. Cắn sớm nó phí đi. Cố chịu tí nữa. Tí nữa... Tí nữa... Khiêm mê dần. Những nhát kìm xé người chỉ còn tê tê, rồi tan mất. Cái câu hỏi hùng hổ của thằng thông ngôn đuổi theo Khiêm trong mê: “Khai khôông? Khai khôông”. Thằng này gặp ở đâu nhỉ...
Sáng hôm sau, thằng Pháp lại cười cười mời Khiêm ăn tiệc. Cái quạt lá cọ lại phe phẩy sau lưng Khiêm. Thằng quan một dịch từng câu nhát gừng, mặt rúm lại vì cố nhớ tiếng:
- Thàn nói thàn kính toọng người Việt. Người Việt đéng nhau giỏi, khôông xợ. Thàn nói người Việt khôn, người Lào ngu.
Khiêm buột mồm:
- Nó bảo mày ngu đấy chứ.
- Cái gì?
Khiêm lại ăn cái đùi gà tự nhiên. Thằng quan một tiếp:
- Hôm qua thàn đi vắng, ở nhà pọn Lào đéeng ôông, Thàn mang ôông về pốt. Người Pháp tốt, người Lào xấu. Về ở thàn xướng… như khách cúi… kính toọng...
Khiêm ném cái đùi gà, vỗ đầu gối:
- Mẹ nó chứ, thằng Muôn!
Rồi Khiêm cắn môi. Hớ quá. Nhận ra thằng Muôn thì để bụng, kêu tướng lên thế thì lộ hết. May sao Muôn không để ý, hắn mải nghe thằng Pháp. Khiêm lại ăn thật no lấy sức chịu đòn. Những vết kìm sưng tấy, nhức ran khắp người cựa đâu đau đấy. Ông đi guốc trong bụng mày Tây ạ, đừng làm bộ tử tế. Giết ông thì giết, anh Văn Thon cũng thoát rồi, báo cáo về đến nơi rồi.
Chúng lôi Khiêm đi theo hai đại đội lính Xửa pà. Qua đầu làng, Khiêm lại gặp đôi mắt rất giống mắt Soan hôm qua. Cô gái hé cánh cửa sổ, nhô lên đến mũi nhìn theo Khiêm. Khiêm lờ mờ thấy giữa đôi mắt ấy và cái làng rất nhiều bưởi này - làng Itxala trở thành làng vũ trang của địch - có một cái gì giống nhau, một nỗi khổ lớn lắm mà không nói ra được, chỉ trút vào ánh mắt khẩn khoản quấn lấy Khiêm như phân trần, như xin lỗi.
Quân địch về một đồn lẻ, lên ô tô. Khiêm duỗi chân ngủ luôn, mặc kệ cho ba thằng gác đứng dồn một góc xe. Ngủ dậy, Khiêm nhìn ra bên đường, suýt reo to. Núi Vượn kia rồi, cái hình thắt cổ bồng, đỉnh nhọn đội mũ mây trông quen quá. Quãng đường núi mà đội CC3 lặn lội suốt bấy nhiêu ngày, xe địch chạy về chỉ mấy tiếng. Vào đồn, Khiêm vờ đi lử rử như người hết gối, nhưng mặt đất dưới bước chân Khiêm nóng hổi hơi người: Từng ngõ ngách trong cái đồn chính Pà Thạc này Khiêm và anh em trong đội đã bò qua lại bao nhiêu lần không nhớ hết!
Gian hầm nhốt người tù binh Việt xinh trai nằm cạnh nhà quan hai, giữa hai lớp lính gác, ba vòng thép gai, một bãi chông mìn. Qua một đêm, Khiêm biến tăm. Tên quan hai Pháp mất khẩu súng ngắn và cặp tài liệu tối mật để đầu giường, nhà bếp cũng kêu mất một hộp súc cù là loại quý. Hai chục lính gác bị nhốt xà lim, và trong khu dồn dân loang nhanh như thuốc súng cái câu chuyện Itxala biết phép tàng hình độn thổ.

°
°    °
Cũng sáng sớm hôm ấy, Chum đi như chạy từ núi Vượn về làng. Nguy lắm. Anh lên báo cáo tình hình cho bác Cống ghi, thấy bác nằm trên bệ đá, sốt li bì, bụi vôi rắc trắng xóa râu tóc. Bác đắp một cái sa bàn lớn trên nền hang, đã sắp xong. Có đủ đồn lũy, ô tô, máy bay nặn bằng đất sét. Mỗi lần lên báo cáo, Chum lại chọc chọc ngón tay vào cái nhà quan tư, nói như khấn: “Tao moi ruột mày, tao ăn ruột mày...”, và đoán chắc dưới kia thằng quan tư đang ôm bụng kêu trời. Bác Cống giải thích rằng đây không phải cúng ma hay mồi chài gì, nhưng Chum vẫn thấy ngờ ngợ thế nào. Lệ thường phù phép người ta vẫn phải giữ kín.
Hôm nay cái sa bàn bị bỏ dở. Bác Cống không ăn được. Đống củ còi ngâm trong cái gàu tre vẫn đầy nguyên. Chum sải chân, chạy. Càng chạy càng thấy chậm. Phải kiếm sữa cho bác Cống uống.
Về đến làng Phi Lạt, Chum đảo một vòng quanh các nhà hội viên Itxala. Họ ăn củ mấy tháng này, nồi đồng bán hết sạch. Một anh cởi phăng áo ném cho Chum:
- Bán đi mà mua sữa. Đánh xong đồn ta mặc áo quan tư.
Lả với hai cô bạn con chấy cắn đôi vừa đi rừng về, gánh lủng lẳng hai xâu măng ở hai đầu cán mai. Lả kéo Chum ra sau nhà, cười toe toét:
- Tối qua thằng Muôn đến gạ em lấy nó. Em nói thỏ không đánh bạn với cọp, chim không chơi với mèo. Nó cút mất. Chị em bàn hăng lắm, định hễ nó giở trò là lăn vào xé, là nện cho như chị Pha ấy!
- Lả nhận chồng chưa?
Lả quay đi, cắn ngón tay:
- Nhận rồi.
- Ai?
- Anh... anh Thoong Bay.
- Cưới chưa?
- Cưới… ư… cưới rồi. Hôm qua.
Lả đỏ bừng đến tận cổ, túm áo Chum nói hấp tấp:
- Là em nhận che mắt thôi đấy. Em cấm anh ấy không được lên nhà, chỉ đứng dưới thổi khèn thôi đấy. Em chưa đồng ý thật đâu, anh bảo anh Thoong Bay thế nhá. Ra họp tổ Itxala anh ấy phải gọi em bằng chị cơ.
Chum cười hề hề. Tổ Itxala vận động trai gái làng giả vờ cưới nhau nhất loạt để khi lính xuống ghẹo dễ đấu tranh. Nhưng cái đôi này may ra thành vợ chồng thật. Nom đẹp đôi ra dáng, chỉ phải cái cùng rách xơ xác.
Nghe Chum nói cần tiền, Lả tót lên nhà. Mẹ vừa đong được ba ống gạo, Lả trút vào khăn đưa cho Chum:
- Đừng nói với mẹ nhá. Để em bảo là chó lên ăn vụng... Chị Pha chắc về đến vùng tự do rồi nhỉ. Chị Pha sướng quá. Chắc quên bọn này rồi chứ gì. Bao giờ mới đánh đồn...
- Lại hớ hênh!
- Đâu, em nói với anh thôi chứ!
Hộp sữa những mười lăm đồng, cái áo cũ mang ra cửa hiệu lão tỉnh trưởng đậm lắm chỉ được một tờ năm. Ba bơ gạo được đồng rưỡi. Chưa ăn thua.
Chum về nhà mình, tìm quanh. Túp lều toang hoác, rách như người. Mè Xỉ ngừng tay giã gạo, mắng xỉa mắng xói đứa con rể chỉ cắm đầu đi phu cho Pháp, nó trả ba ngày công một hộp xà phòng đánh răng cũng cầm, để vợ con đói nhăn răng. Mè chỉ trời vạch đất, thề rằng đẻ con gái nữa ắt mè không gả cho cái quân chạy rông ăn hại như Chum. Nhưng mè bạc hết tóc rồi, nên không ai sợ câu thề bồi ấy. Chum ngậm miệng chui vào buồng.
Vợ Chum sắp sửa đi cuốc nương, đang cho con bú. Chị gầy ngẳng, cổ dài ra. Đẻ xong chị rướn cổ nuốt củ rừng, đi cuốc nương từ kẻng mở cổng đến kẻng đóng cổng. May được cái nhiều sữa nên con không đến nỗi đói. Đứa bé ôm bầu vú tròn, nún nún môi, sữa trào hai bên mép.
Chum ngẩn mặt, nghĩ. Rồi anh lấy cái chai sạch, đưa cho vợ:
- Vắt cho tôi ít sữa vào đây!
Chị vợ kêu “ú!”, túm con ghì vào ngực. Chị tưởng chồng hóa rồ.
- Cái ông đến đỡ đẻ cho em hôm nọ ấy mà, ông ta ốm nặng. Phải cho uống sữa. Nhanh lên, mẹ vào kìa.
Chị vợ từ từ đặt con xuống chiếu. Nghe nó khóc u oa, chị quờ tay định xốc lên, lại thôi. Chị đặt miệng chai vào vú vắt mạnh. Dòng sữa trắng vọt vào thành chai ri ri. Chum xoa bụng con, miệng à à dỗ nó nín. Nó vẫn quẫy gào đói. Tiếng khóc cào cấu trong ngực Chum. Dòng sữa trắng vẫn chảy, chảy nữa, chảy dài như dòng nước mắt tuôn nóng sôi trên mặt người mẹ, rỏ xuống bầu vú chạy gân xanh đang cạn dần. Chum run giọng:
- Còn ít quá.
Dòng sữa thứ hai đã kiệt. Đứa bé cũng im. Nó lịm đi, mặt đỏ rựng, mớ tóc thưa trên đầu dựng ngược. Chị vợ vồ lấy con, nức nở. Chum lập cập cầm chai sữa đứng dậy.
Cửa buồng mở, mè Xỉ xô vào.
Mè há mồm định mắng hai vợ chồng bỏ con khóc đứt hơi. Thấy chai sữa trên tay Chum, mè ngây người một loáng, rồi lu loa kêu làng nước. Chum xám mặt, cố bịt miệng mè. Mè càng hét tướng, réo bản mường đến bắt thằng rể bị phỉ bạ ám hóa điên, nó giết vợ giết con, nó bóp cổ mè đây này, nó lấy chai sữa... Chum đóng cửa buồng đánh sầm, rút con dao lưng vung trước cổ mình, long mắt đỏ khé:
- Kêu nữa, tôi cắt cổ tôi chết ngay!
Mè còn muốn gào nhưng cứng hàm không gào được. Cái bìu trên cổ nảy bần bật. Mè sợ quá. Chum chỉ im nghe chửi, chứ không giở quẻ thế này bao giờ. Lần đầu tiên mè hãi con rể. Chum lắng tai nghe ngóng. Cũng may, hàng xóm quen tính mè hay tru tréo nên không ai đến. Chum băm băm mũi dao, gầm thật khẽ:
- Người ta cứu mẹ cứu con, cứu cả làng nước. Bây giờ người ta ốm liệt giường, gần chết...
- Người ta nào?
- Ông thầy cúng hôm nọ đỡ đẻ ấy. Cái mồm bà quạc to quá, lấp cả con mắt. Ông ta ốm, hiểu chưa?
- Hử, mày bảo sao?
Chum nói toạc cả cho mẹ vợ biết.
Mè Xỉ nguôi giận, hết sợ. Mè hiểu theo lối riêng của mè, nghĩa là ông thầy cúng này theo Itxala nên phải lang thang như các ông thầy tu câm-ma-thản. Mè chịu ơn sâu ông ta đỡ đẻ cho con, là đi một lẽ. Mè quen kính trọng các ông thầy cúng không kém các vị sư, để được lòng cả Thần Phật lẫn ma quỷ cho nó chắc chân đôi đường, là hai lẽ. Còn cái sự ông ta theo Itxala thì quý hóa quá nữa, rõ ra ông là người đạo đức, yêu dân, ghét Pháp, chịu khổ cực để lo việc đời Vắt sữa cho ông uống là phải lắm. Vợ chồng thằng Chum làm thế mà đúng. Mè bảo con gái:
- Con người ta xấu sữa, ăn cháo cũng mập tròn đấy. Thôi mày bỏ buổi nương, đun cháo mớm cho nó vậy. Tao mới vay được hai ống gạo.
Rồi mè te tái đi lấy chai mật ong giấu tít dưới đống củi, lẩm bẩm chửi bọn lính tuần bắt con mái vàng đang ấp hôm nọ, và đòi đi theo Chum đến thăm ông thầy cúng. Chum không chịu, mè suýt làm om lên lần nữa. Sau Chum bắt mè chém con dao vào cột, thề độc rằng không hở cho ai biết, anh mới cho đi. Mè chịu thề. Bởi mè có một ý riêng.
Người ta ai cũng một lần chết. Hồn bỏ xác, bay về ở cái làng không có tiếng gà gáy và sương không hề tan, rồi đi nấp cạnh chum nước nhà người ta để đầu thai kiếp khác. Mè muốn hỏi ông thầy cúng xem cụ Thít La được siêu sinh hay còn đầu thai. Xét về công đức thì cụ đáng được lên thẳng Niết Bàn hầu Phật. Chỉ phải cái bị Pháp giết, chết bất đắc kỳ tử cũng khí sái. Mè đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng tình cũ với cụ Thít La không phải mỗi chốc đã quên ngay được. Càng thương ông cụ, mè càng ghét cay ghét đắng thằng Pháp phá đạo, hại dân, bòn đến khố rách gà toi không từ, mè càng chửi con rể cứ cắm đầu đi phu đắp đồn cho nó mà không dám chống lại một câu. Biết Chum theo Itxala, mè đâm nể Chum ra mặt.
Trầy trật mãi, rồi mè trèo đến cửa hang núi Vượn. Nhớ cái tích vượn trắng, mè cũng hốt, nhưng Chum bảo không việc gì.
Chum tụt lại sau xóa dấu chân. Lâu nay anh chỉ tuyên truyền xa xôi cho mẹ vợ, không dám giao công việc vì ngại tính hớt lẻo, hóng chuyện dông dài. Lần này anh đánh liều tổ chức bà ta vào, vì ít nhiều cũng đã lộ. Dù sao bà cụ vẫn căm thằng Pháp ăn ruột dân làng như phỉ pọp, phỉ koòng-còi. Với lại bà cụ còn sợ con gái góa bụa, ắt biết giữ mồm hơn trước.
Mè Xỉ kéo góc váy rón rén bước vào cửa hang, chỗ góc tối nhất. Mè hấp háy mắt, dòm. Bỗng mè ngồi thụp xuống cạnh cây cột đá hình xương sống voi, cúi mặt, chắp hai tay: “Xa thú! Xa thú!”. Người mè nổi gai lạnh ngắt. Thôi chết, đúng ngài Phạ lư xỉ và chàng học trò Chăn Thakhôrốp hiện về!
Một ông cụ râu tóc trắng xóa ngồi khoanh chân trên bệ đá. Trước mặt cụ là một cảnh núi sông nhà cửa đắp nổi, rộng bằng ba chiếc chiếu. Bên cạnh bệ, anh con trai mặt trắng môi đỏ đứng nói gì không rõ, áo quần rách như tổ đỉa, khắp người máu khô đen loang lổ. Trên một ngách hang cao, ba bốn con vượn trắng ngồi gãi lông, đi qua lại lòng khòng, vênh mặt hấm hứ về phía mè.
- Xa thú! Lạy Phật vạn mớ lạy...
Có tiếng cười giòn tan. Tiếng gì như người vỗ ngực bành bạch. Mè Xỉ đánh bạo liếc nhìn lên. Chàng Chăm Tha vụt chúi đầu, chổng chân lên trời, làm phép đi bằng hai tay. Ngài Phạ lư xỉ rút con dao chuôi ngà trong bọc ra cười khề khề. Mè hoa mắt, men vách đi luồn ra ngoài. Ối leo ôi! Một cặp gấu to sụ đang chầu trước cửa hang, gãi mõm như người liếm mép chực ăn.
Mè ngã quỵ xuống, run như dẽ trong góc tối.
Anh Chum cầm chai sữa bước vào. Anh kêu một tiếng ngạc nhiên: “Khiêm!”, đi ào qua cạnh mè mà không nom thấy. Anh túm hai chân chàng Chăn Tha chổng ngược, ấn xuống đất. Hai người vồ lấy nhau trước mặt ngài Phạ lư xỉ, cười muốn vỡ hang, phết vào lưng nhau đen đét.

°
°    °
Trong khi ấy, một người băng băng đi về phía bắc. Vạch lá, rẽ rừng, qua đồi, qua lũng, như con voi bị thương đi tìm đàn. Mặt trời vòng qua đầu anh nhiều chuyến. Trăng hiền mở to mắt nhìn con người đang đi lảo đảo, kéo theo cái bóng cũng rách rưới như mình, không nghỉ. Vấp ngã lại dậy. Vừa nằm xuống nhắm mắt lại dậy. Vốc ngụm nước suối, vật quả sung, mà đôi chân vẫn bước.
Văn Thon một mình vượt rừng về mặt trận.
Rừng xé nát người anh, cướp cả lá bùa giữ mạng đeo cổ. Anh không cần. Đã có cái gói nilông nhỏ trong bao đạn thay nó giữ anh sống. Hình như tim óc anh không nằm đúng chỗ nữa, mà tụ cả vào trong cái gói ấy. Bảy người gục xuống vì nó, trút tất cả sức mạnh của mình cho Văn Thon, nên anh đi với sức tám người dồn lại. Không có tập báo cáo, anh đã nằm xuống đợi chết, hay bắn một viên đạn vào sọ. Nhưng anh không được chết, anh phải mang Anh hùng ca số 5 về kịp mở chiến dịch.
Đồi nhấp nhô trước mặt anh như một đàn rùa chen nhau bò xuống dốc. Chân trời quang, rộng. Dãy núi cao chỉ còn hằn một dải tím mé sau, lẫn vào mây. Đã đến thung lũng sông Xê Ban.
Một cây cao thả xuống mấy sợi dây khưa dên. Văn Thon phạt một nhát dao, há miệng hứng những tia nước phụt bằng que tăm. Bỗng hiện lên trước mắt anh một hình ảnh quen quá: Lương bịt bàn tay trên vết dao chém đứt dây khưa dên, mỉm cười, đưa cho anh uống trước.
- Lương ơi!
Anh gọi Lương nức nở. Thương tiếc và hối hận lại cháy bùng, đốt người anh. Anh đã nghi ngờ, mỉa mai, giữ miếng với Lương, với anh em Việt. Người Lào không ăn ở với bạn xấu thế. Anh lại là cán bộ Itxala!
Văn Thon vịn gốc cây đứng lặng: Sợi dây leo đu đưa, rẩy từng tia nước xuống vai anh.
…Tám năm trước, cách mạng nổ trên đất Lào.
Một ông a chan trẻ tuổi đang tu bỗng xin hoàn tục rất gấp. Trả áo vàng xong là đi biệt. Dân làng có điều tiếng chê bai rằng mê gái bỏ chùa, bỏ làng. Cô gái trẻ tuổi con ông giáo Bun vượt ngục đang bị lùng, nghe tin ấy khóc hết nước mắt. Cô đã nặng lòng yêu ông a chan, chỉ đợi ngày ông ra chùa.
Dân làng có người đánh voi lên Viêng Chăn bán cá khô, về kể lại: “Tôi gặp anh Văn Thon mặc quần áo bộ đội Lào Độc lập, vác súng đi đều. Ấy là anh đi cứu nước, không phải theo gái”. Dân làng đồn thổi lên rằng anh chỉ huy mấy trăm quân theo Chính phủ lâm thời, đi bên ngài Xuphanuvông 19. Cô gái trẻ không khóc nữa, thấp thỏm mừng. Cô dệt tấm vải đỏ, nghĩ đến bộ áo váy mới ngày cưới.
Làng mở hội Phạ vệt chơi hai ngày liền. Bộ đội về đông, diễn tuồng ích kê vui lắm. Tiểu đội trưởng Văn Thon và cô gái trẻ múa với nhau bao nhiêu vòng không nhớ. Cô ta lấy ba sợi tóc xe vào ba sợi bông trắng, buộc cổ tay chúc phúc người yêu, hẹn sống chết có nhau. Nhưng chỉ mấy hôm sau, đoàn xe sắt của Pháp rầm rầm nghiến mặt đường 13, húc vào Thà Khẹt. Bộ đội của Văn Thon kéo về giữ Thà Khẹt, cùng với các đại đội Lào và Việt kiều ở đấy đánh Pháp suốt một ngày. Chiều đến, xe sắt hồng hộc đè người trên đường phố. Bộ đội vỡ. Hơn một ngàn người bị giết, cả bà già trẻ con. Máu hòa đỏ sông Nậm Khoỏng mấy ngày liền, quạ lượn tìm xác trôi như bầy ong.
Văn Thon băng rừng đi dọc sông Nậm Khoỏng, về đến làng. Pháp qua làng anh rồi. Làng chỉ còn là bãi tro, chùa chỉ sót lại mấy thân cột đen. Trước sân nhà người yêu, đúng chỗ anh đến thổi khèn gọi, có một mảnh vải đỏ dệt dở hằn những vết giày đinh. Cô gái trán cao bị Pháp đẩy lên ô tô mang đi mất. Văn Thon chào mẹ, buộc súng vào cây chuối, bơi suốt đêm qua sông Nậm Khoỏng sang đất Thái Lan. Anh gặp bác Bun đang tổ chức lại bộ đội ở đấy. Lúc này anh gọi bác là đồng chí Thông Phun.
Rồi Văn Thon dẫn một trung đội cù xạt (cứu quốc) trở về hoạt động gần Viêng Chăn. Đức liều lĩnh của anh dần dần khét tiếng.
Anh kẹp Bờren dưới nách, đứng thẳng người quét chặn địch đang xung phong. Một mình một dao, anh bò vào làng cắt đầu thằng quan Pháp đi chơi gái. Người ta đồn trong lá bùa anh đeo cổ có một hòn ngọc chuối hay ngọc tre gì đó nên đạn phải tránh. Không đúng thế. Trong lá bùa chỉ có một mảnh vải đỏ vấy bùn, ba sợi bông và ba sợi tóc. Anh không tin bùa nữa, mà tin ở lòng căm thù ghê gớm của mình, tin lời kinh A-gút-tu-ra Ni-ca-ya dạy anh hãy tự tìm ra con đường chính nghĩa và theo đuổi nó đến cùng, tin lời kinh Pa-đa-ma xụt-ta dạy anh đấu tranh thắng cái ác, dù chết cũng không để cái ác thắng mình.
Cả bốn mươi người trong trung đội đều gan liền như anh, vì có thù với địch. Ai hèn thì đã bỏ về làm ăn hay bị đuổi ra rồi. Gặp lính ngụy đi lẻ tẻ họ không bắn. Những đêm họ hát múa với dân, lính ngụy kéo đến xem đông, hỏi chuyện kháng chiến, trút đạn ra cho, đôi người vác súng theo luôn.
Ban đầu trung đội Văn Thon đánh dễ, thắng dễ. Địch chưa để ý đối phó. Thắng một trận, bộ đội kéo về nghỉ nơi xa địch, ăn gà uống rượu, bắn súng chơi, khêu đèn chai ngồi tán tỉnh các cô gái làng, rủ thanh niên vào thêm đông, rồi lại lên đường đánh liên miên sau lưng địch.
Dần dần tình hình đâm khó khăn. Địch dồn ép bốn phía, sục nát rừng, đốt các làng chứa bộ đội hoặc tiếp tế gạo. Nguồn muối bị cắt. Trung đội cù xạt bạt vào rừng sâu, đói rã chân tay, ghẻ kín người, bị địch úp liền liền. Đôi người nản bụng, đang đêm bỏ súng trên chỗ nằm, trốn vào đồn đi lính Pháp cho đỡ đói. Những người này không khai báo, ra trận chỉ bắn lên trời. Ít lâu sau họ lại vác súng chạy về đơn vị, đi đánh Pháp như cũ.
Giữa lúc nguy ngập ấy, Văn Thon bắt được liên lạc với Chính phủ kháng chiến. Anh dẫn quân vượt núi về khu căn cứ phía đông, thoát vòng vây địch, tập trung với các đơn vị Itxala.
Trong nỗi mừng lớn của Văn Thon lúc bấy giờ có lẫn một chút nghi ngại. Anh gặp bộ đội Tình nguyện Việt Nam lần đầu tiên, ngờ lắm. Nom họ có vẻ dữ như Nhật mà thâm thế nào.
Pháp tự xưng là bảo hộ nước Lào. Nhật cũng nói giành độc lập cho Lào. Gần đây Mỹ bỏ súng bỏ tiền ra, bảo giúp Lào chống Cộng sản. Chúng nó láo toét đã đành, nhưng Việt Nam là nước thứ tư đến đất Lào, biết đâu không phải miệng trơn mà ruột xơ mướp? Hồi Pháp đắp đường 13, mấy thằng cai lục lộ người Việt răng đen đánh phu người Lào chết dở. Răng đen là giống ăn thịt người, dân làng vào tỉnh nghe nói thế. Trong đám quân Pháp đánh vào Thà Khẹc năm nọ cũng nhiều người Việt, giết dân như ngóe. Chuyện xưa bảo người Việt với người Lào là anh em, nhưng ở đời khối đứa em ăn ruột anh như ma phỉ pọp.
Nghĩ thế Văn Thon lại vấp. Rõ ràng bố anh kể rằng thợ mỏ người Việt ở Bò Nèng nổi lên chống Pháp. Rõ ràng anh thấy bộ đội Việt kiều ở Thà Khẹc đánh Pháp như hùm, bên cạnh bộ đội Lào Độc lập. Sao lại thế? Người Việt quả là một dân tộc khó hiểu, rắc rối, chia năm xẻ bảy chống nhau lung tung. Chơi với họ phiền lắm. Văn Thon ngợ mãi, nhưng để bụng không nói, vả cũng không biết nói sao cho phải.
Văn Thon được cử chỉ huy một đại đội Itxala, phối hợp với một đại đội Tình nguyện, hoạt động ở phía tây Sầm Nứa. Anh em Itxala đều nhận rằng đi chung với bộ đội Việt thật dễ chịu. Họ ăn ở như bưng bát nước đầy. Đánh nhau, họ tranh phần nguy hiểm nhất. Đến giáp hạt họ bóp miệng nhường gạo muối. Lấy được chiến lợi phẩm thì bao nhiêu súng tốt và quân trang mới chia về Itxala. Các mẹ Lào thương bộ đội Việt không kém Itxala, kiếm được quả chuối cũng dấm dúi nhét tay. Cái số anh em Itxala buộc tay thề kết bạn đời với bộ đội Việt cứ tăng lên mãi. Có trách được họ chăng cũng chỉ biết nói rằng họ khắc khổ quá, gò bó quá, thế thôi.
Không hiểu sao Văn Thon vẫn cứ thấy ngài ngại, không nói ra miệng và vẫn canh cánh một bên, như cái nhọt mọc ngầm trong bụng. Đôi khi anh nghĩ rằng khôn khéo như người Việt thì cướp nước còn dễ hơn Nhật, Pháp, Mỹ. Biết là nghĩ lẩn thẩn mà cứ nghĩ. Qua một đợt học mười ngày về mặt trận liên minh Lào - Việt - Khơme, anh tạm yên lòng, cái thắc mắc kia như đã tan thì phải.
Đến chuyến công tác này, anh đi với đội CC3 để về sau sẽ huấn luyện đội trinh sát của Itxala. Đến gần địch, máu hăng bốc lên, anh muốn xông xáo. Mối thù với giặc đọng thành một cục chì trong đáy tim, thỉnh thoảng động mạnh thì nó đau nhói. Trước cảnh làng Phi Lạt và cả khu dồn dân đang gục dần vì đói và ho lao, Văn Thon khát trả thù không chịu được. Mẩu vải đỏ đeo trước ngực như bốc lửa đốt thịt. Nhưng Lương cố gìm anh lại, cả đội ăn ý nhau cố giữ anh từng ly. Thế là tất cả mối ngờ dạo trước lại nổi lên như cỏ gai. Văn Thon là người đầu tiên chịu khổ vì mối ngờ ấy. Anh không nói ra, nghĩ rằng họ sẽ chối quanh không nhận.
Bây giờ Văn Thon hiểu rõ tất cả. Anh hiểu sau khi Lương và toàn đội nối nhau ngã xuống dọc đường băng rừng, trao lại tập Anh hùng ca số 5 cho anh...
Tám năm trước, Văn Thon tìm ra chân lý của đời anh sau nhiều đêm nói chuyện với bác Bun, người cán bộ cách mạng. Đến nay, trước mắt Văn Thon lại chói lòa một chân lý thứ hai, khắc bằng chữ máu trong hồn con người đã nhiều năm tự vò xé mình để tìm con đường thoát cho lòng yêu nước.
Đó là tinh thần quốc tế.

°
°    °
Mặt trời mặt trăng thay nhau soi đường cho con người kỳ lạ đang băng qua các đồi tranh, chốc chốc lại ngã, bật dậy, đi.
“Đến quãng rộng kia ta nghỉ”. Văn Thon hứa với mình thế, rồi không dừng chỗ quãng rộng. “Đến suối nghỉ một thể”. Anh vốc nước suối hắt lên mồm uống hùm hụp mà không ngồi. Anh đánh lừa mình đi thêm từng thôi đường. “Cố tí nữa, sang rừng có bóng mát”. Cây rừng đã xòe lá trên đầu. “Gốc cây bạc lá bên kia phẳng hơn, không có tranh”. Gốc cây trước mặt như sợ bị mắc mưu, lùi dần, lùi mãi. Anh vịn cây, lê chân đuổi theo. Vấp một rễ ngang, anh ngã vật. Hai bàn tay cào cấu mặt đất. Trong cơn mê, anh gọi tên Lương.
Ai châm lửa đốt dưới đùi anh? Trăm nghìn đốm lửa nhỏ chích vào thịt, thuốn mạnh đến xương. Văn Thon choàng tỉnh. Những con mối đen nghiến đôi càng, bị phủi rơi còn quắp theo một mẩu thịt đỏ hỏn. Anh nhắm mắt lăn mấy vòng, chồm dậy, phủi. Máu lại chảy, đè lên lớp máu cũ. Anh chợt thấy trời sáng. Một đôi chào mào rỉa lông cho nhau, chớp nhanh bốn chấm mắt vàng rình anh.
Mặt lên cao. Đứng bóng. Xế chiều.
Văn Thon không dám ngồi xuống, sợ không dậy được nữa.
Một hàng rào lau lách chắn ngang. Rừng lau dài hết tầm mắt. Văn Thon đâm bổ vào lưới lá sắc như dao cạo. Bức tường xanh bọc kín anh, thả dây gai trói ghì, muốn nuốt chửng người đi lạc.
Văn Thon gầm gừ, nghiến vỡ răng. Trời tối sầm từng lúc. Điệu khèn vo vo rền to dần như tiếng thác, như kèn đám ma. Đứa nào đưa ma tao? Tao giết, quật chết, câm ngay! Anh vồ lấy một thân cây, cấu, rít. Một cành khô gãy rắc giữa hai hàm răng. Anh hả cơn tức, đứng yên. Đầu óc sáng lại. Thế nào đây nhỉ? Lạc giữa rừng lau. Ai lại khờ thế, tay không mà dám chui qua rừng lau. Tìm lối ra thôi. Anh nhìn lên trời nhắm hướng, rút súng ngắn cầm tay, quờ quạng gỡ lưới.
Máu rỉ dài trên những lá lau xanh non, đánh dấu con đường chết. Gió lên, đưa tiếng thác sông Xê Ban đến rõ quá. Những ngọn lau lắc mạnh, múa rào rào. Khỏa lấp tiếng người chui sột soạt mỗi lúc một yếu dần.
Một phát súng nổ. Một phát nữa. Rồi im lặng.
Gió nuốt nhanh một tiếng vang khô khốc. Rừng lau phất cờ, reo thắng trận.
-------------------------------------------------------
(19) Chính phủ lâm thời Lào Độc lập thành lập ngày 12-10 - 1945, trong đó Hoàng thân Xuphanuvông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.