BÀ CỌP
Đỗ Quyên

Bà Cọp! Dì chồng tôi không hề biết cái tên đó. Bởi lẽ, người ta chỉ gọi lén, lúc vắng mặt dì. Nếu không thì … đừng trách.
Khi chưa về làm dâu, tôi đã loáng thoáng nghe chuyện dì, không khỏi sợ rồi đây sẽ tới phiên mình bị …cọp vồ… Nhưng… Lần ấy, sau đám cưới, chúng tôi trở lại đơn vị công tác, gần ba tuần sau mới về thăm nhà. Vừa thấy mặt tôi, dì dài giọng: “Dữ ác! Tới nay mới thấy mặt cháu dâu à!”. Chồng tôi phân bua: “Tại…trường ở xa quá, dì đừng giận. Mà mình có lo được gì cho người ta đâu mà đòi hỏi?”
Mặt bừng đỏ, hai tay chống hông, dì hét toáng lên: “Vậy sao? Té ra làm đám cưới nhỏ thì không có quyền đòi hỏi con dâu phải biết tới bên chồng à? Nó muốn về chừng nào về, muốn…chết ở đâu thì chết! Không được lo!” Dì tức tưởi: “Tao biết tao nghèo. Nghèo thì không được nhớ thương ai! Phải rồi, mày đã là thầy giáo chớ đâu phải là thằng chết mẹ, chực niêu cơm tao…hu hu…”. Tôi chợt hiểu.
Dì thương nhớ chúng tôi. Dì nhớ đứa cháu mà dì đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt để lo cho gia đình nó. Khi người chị ruột qua đời, anh rể theo vợ bé, bỏ mười đứa con bơ vơ, đói rách, dì đã dang rộng đôi tay ôm hết vào lòng. Dì mua bán tảo tần, vất vả đến độ sợ…lấy chồng, sinh con rồi thêm khổ. Càng cực nhọc vì ai bao nhiêu thì tình thương dành cho người đó càng sâu nặng bấy nhiêu. Tôi lật đật xin lỗi dì. Dì có vẻ hả dạ lắm, dắt ra sau bếp, dọn cơm, bắt tôi ăn ba chén mới cho thôi. Xong, đưa một bao gạo năm lít, bảo đem theo. Tôi từ chối, dì nạt: “Chê hả, bà giáo?”. Hoảng quá, tôi đưa cả hai tay chụp lấy bao gạo. Chừng đi khuất, chồng tôi bật cười: “Mệt bả quá trời!”
Lâu lâu gặp dì, chắc tôi sẽ nghĩ rằng dì hung dữ. Nhưng khi về sống chung một vòng rào, tôi mới thật sự hiểu được lòng dì. Khi được chuyển về thị xã, không có chỗ ở, chúng tôi phải tạm trú trong một lớp học bỏ trống, đã xuống cấp trầm trọng. Dì ghé thăm, nhằm lúc trời mưa. Gió mang những giọt nước lạnh buốt bay qua khung cửa, tạt vào mặt. Cả ba người cứ tránh mãi mà vẫn bị nước dột nhểu xuống đầu. Dì bực bội bảo: “Nhà ở như vầy, bay phải mua vài cái thau. Có mưa, cho khách mượn đội để khỏi ướt đầu”. Dì về. Sáng hôm sau, sương đêm chưa tan hết, trời còn tờ mờ dì đã trở qua, bảo thu xếp để cất nhà, dì cho khoảng đất trống ở cạnh nhà dì. Mừng thì có mừng nhưng cả hai vợ chồng đều…lo. Chúng tôi sợ…dì. Nhưng, chẳng bao lâu, tôi đã hiểu, dì thương yêu con cháu, mọi người. Nhưng tiếc là cách thể hiện có hơi lạ đời. Dì thuộc dạng “khẩu xà, tâm phật”, miệng dữ nhưng lòng lành. Tính dì tôi nóng nảy lạ lùng. Thấy gì không vừa ý, dì phản ứng liền. Dữ dằn như cọp. Ai cũng ngán, từ trong nhà ra ngoài phố.
Một lần, cha chồng tôi về. Ông trèo lên nóc nhà định tháo tôn xuống bán. Hay tin dì chạy qua, đưa nắm đấm: “Anh mà dám làm, tôi cũng dám tính đẹp anh nữa! Theo vợ bé cho đã rồi về báo. Bộ anh…tới số rồi sao mà?” Thấy không xong, ba chồng tôi tụt xuống, xách xe đi một nước. Dì cười ha hả, chảy cả nước mắt, rồi ra lệnh: “Chắc lụn bại rồi! Tội nghiệp! Từ nay, hằng tháng mỗi đứa bỏ ra một ít, hùn lại cho ổng. Không tiền, chịu sao nổi … bà bé!”
Người ngoài phố cũng sợ dì. Nhà nào có “cha đánh con” u đầu, vỡ trán, dì gọi…công an tới viếng. Nhà nào có… “con đánh cha”, dì vừa réo ông trời xuống đánh vừa chửi té tát vào mặt. Có lần gặp phải một đứa hung tợn, đòi đánh dì. Vừa sấn tới dì vừa thách: “Ngon, đánh thử coi!”. Hậm hực lắm nhưng thằng nọ chỉ gầm lên: “Đồ…ngựa!”, rồi bỏ đi một nước. Do sợ dì mà xóm tôi yên ổn. Không có tệ nạn nào dám xảy ra ở đây. Chứa gái mại dâm, gầy sòng cờ bạc, trộm cắp…đều lánh xa xóm tôi. Kể cả tham nhũng cũng bị dì ra tay…dọn dẹp. Ông trưởng khóm nào “nhím” bớt tiền dân đóng góp cứu trợ, bà cán sự phụ nữ nào cho vay vốn “xoá đói giảm nghèo” mà lấy lãi, dì mà biết được thì…cấp trên sẽ biết và có biện pháp giải quyết. Rốt cuộc, chỗ dì ở được biểu dương “khóm văn hoá”.
Mới đây, dì xót ruột khi thấy nắng hạ đổ lửa lên lưng áo công nhân xây dựng đường phố. Dì khệ nệ khuân ra một thùng nước mưa cho họ giải khát. Nhưng lát sau đã nghe dì hét toáng lên vì trông thấy vài người trộn vữa cẩu thả, cát nhiều, xi măng ít.
Dì chồng tôi như vậy đó. Dì sống hồn nhiên theo cảm tính, dựa vào cơ sở đạo lý thấm đẫm tận sâu thẳm đáy tim. Không khách sáo. Không tế nhị! Nghĩ sao, làm vậy. Thấy khổ thì giúp, gặp sai trái phải ngăn chặn. Tôi quí phục dì hơn tất cả những người đã tìm đủ cách để đạt mục đích, mua bằng được tiếng tốt, để được ngợi ca là cao thượng. Dì không chờ đợi gì hết. Đối với dì, cuộc sống quanh mình phải là một môi trường sạch đẹp. Muốn thế, phải bảo vệ, theo cách của dì, dữ dằn như…cọp!