MỘT ĐỨA CON, HAI NGƯỜI CHA
Trần Văn Cả

Xinh nâng đầu cha em đặt lên bắp đùi, rồi nhẹ nhàng lấy bông quấn vào que, khều từng dãi đờm lẫn máu ra khỏi miệng ông. Que này ướt đẫm, em lại quấn bông thay que khác. Cứ thế cho đến lúc cha em thở được, lúc đó em mới rút ống thở ra khỏi mũi ông. Sửa tư thế cho cha nằm ngay ngắn, em lui xuống bếp đánh cháo cho nhuyễn, rồi dùng một cái ống bơm vào miệng ông từng chút.
Đã hơn năm năm qua, cha em bại liệt hoàn toàn, tiêu tiểu tiện tại chỗ. Ông bị cứng hàm không nuốt được. Em vừa cho cha ăn, vừa làm vệ sinh thân thể ông và giặt giũ áo quần. Là phận gái, việc chăm sóc cha lại càng khó khăn, bất tiện. Đồng lương hưu ít ỏi của ông chỉ đủ mua thuốc, Xinh phải buôn bán phụ thêm để có tiền mua thức ăn, bồi dưỡng cho cha nhằm kéo dài sự sống.
Những người hàng xóm quen biết khuyên em đừng bồi dưỡng cho ông nữa. Vừa tốn tiền, vừa kéo dài sự khổ đau vô ích. Bởi cái chết đối với ông chẳng còn bao lâu nữa. Nhưng quá thương cha, lòng em sao nỡ? Dù nợ nần, em cũng cố lo lắng, săn sóc cha cho đến ngày ông nhắm mắt. Mỗi lần em đút cha ăn, tuy không nói được, nhưng từ hốc mắt mờ đục củ ông lại ứa hai giọt lệ cảm thương. Ông thương cho đứa con hiếu thảo, vì ông mà phải khổ cực, vất vả. Bởi đáng lẽ giờ đây, Xinh đang có một cuộc sống khác đầy đủ nơi đất Mỹ xa xôi…
Năm 1975 Xinh mới tròn một tuổi. Cha ruột em tập trung học cải tạo tại Tiên Lãnh. Người cha đang nằm bại liệt kia đã thay mặt cha ruột Xinh nuôi dưỡng em cho đến ngày khôn lớn. Xinh nhớ như in lời mẹ kể trước lúc lâm chung: “Ngày người yêu bà vào chiến khu, bà bị bắt và tra tấn vì có liên quan. Trong cảnh ngục tù đó, bà đã gặp cha ruột Xinh. Ông là sĩ quan quản lý hồ sơ, đã giúp đỡ bà trong cơn tuyệt vọng. Ra tù, bẵng đi mấy năm, không còn nhận được tin tức người yêu, mẹ Xinh cuối cùng đã chiều ý gia đình lấy cha Xinh, người sĩ quan đã lo lắng, săn sóc bà trong những ngày đơn độc…
Cũng theo lời mẹ Xinh kể lại, những ngày bà lặn lội thăm chồng ở trại cải tạo cũng là lúc người yêu cũ của bà từ miền Bắc trở vào. Trong những năm xa cách, biết bao cô gái Hà Thành xinh đẹp vẫn không thể xoá nhoà bóng hình người yêu cũ; không lập gia đình ông ở vậy chờ đến ngày nước nhà thống nhất. Ông hăm hở đi tìm và gặp lại người yêu xưa, nay là thiếu phụ, tay bế tay bồng thăm chồng là người không cùng chung chiến tuyến với ông. Sự độ lượng cùng với kỷ niệm êm đềm của những ngày tháng cũ đã khiến ông chìa cánh tay nâng đỡ, nhận làm cha đỡ đầu của bé Xinh trong những ngày em còn chập chững. Qua từng cương vị công tác, ông đã sống một cuộc sống thanh bạch, ngay cả lúc ông còn làm Giám Đốc Ngân Hàng đầu tư phát triển của tỉnh.
Những năm tháng gian lao ở chiến trường nơi rừng thiêng nước độc còn để lại di chứng tiềm tàng trong ông. Cuối cùng do tuổi cao sức yếu, cơn sốt rét ác tính đã khiến ông bại liệt hoàn toàn. Việc ăn uống và vệ sinh giờ đây ông hoàn toàn nhờ vào Xinh, người con nuôi hiếu thảo.
Đối với Xinh, lúc nào em cũng như còn nghe phảng phất bên tai lời mẹ dặn. Bà đã phụ người yêu cũ, nay ông bại liệt không người thân thích, bà mong Xinh cố gắng thay bà săn sóc ông như một người con ruột. Chính vì thế mà Xinh đã từ chối xuất cảnh diện HO theo cha ruột, dẫu Xinh biết rằng ông cũng cần em trong những tháng ngày già lẻ loi nơi quê nhà đất khách. Em nghĩ rằng với sự trợ cấp an sinh xã hội của nước Mỹ, cha ruột em có thể sống một cuộc sống đỡ khó khăn. Còn người cha nuôi đang bại liệt đang cần có người chăm sóc. Trong những năm tháng em còn thơ ấu, ông đã coi em như con ruột. Những ngày đông tháng giá, mưa rơi tầm tả, ông lặn lội đưa đón em tới trường. Lúc em đau ốm, ông thao thức hằng đêm, lo lắng với từng tiếng ho khúc khắc của Xinh. Trong trái tim Xinh lúc nào hình ảnh hai người cha, người sinh thành và người dưỡng dục luôn quyện vào nhau trong niềm thương yêu vô hạn.