Anh Thư vừa vào lớp thì thấy Hồng Thảo và Ngọc Chi đang săm soi một bì thư màu trắng. Thấy cô, Hồng Thảo ngước lên: - Mi có thư mời nè, lúc nãy có cô trên khoa dưới đưa, sao khoa lại gởi thư cho mi nhỉ? Anh Thư xé phong bì, lấy ra tờ giấy ghi nội dung, chăm chú đọc, rồi nhíu mày: - Thầy trưởng khoa gọi ta lên gặp thầy, không biết có chuyện gì đây. Ngọc Chi tò mò: - Chừng nào lên? - Ngày mai. - Sao lại gấp vậy nhỉ? Hồng Thảo xen vào: - Mi có đoán được chuyện gì không Thư? Anh Thư lắc đầu: - Ta không biết. Ngọc Chi nói như suy đoán: - Nếu mời mi vô đội văn nghệ của trường thì cần gì phải đợi thầy trưởng khoa gởi thư. Anh Thư nhìn đăm đăm vào góc tường. Dù không đoán được chuyện gì, cô vẫn thấy sờ sợ. Như linh cảm một chuyện không vui nào đó. Thời gian này tâm trí cô hãy còn bị ám ảnh về lời đe dọa của Thục Ánh. Nên có bất cứ biến động nào trong cuộc sống, cô đều nghĩ ở góc cạnh đen tối. Có điều cô không muốn nói ra với bạn bè. Hôm sau Anh Thư vào trường lúc hai giờ. Dĩ nhiên có Hồng Thảo và Ngọc Chi theo hộ tống. Đến văn phòng khoa, hai nàng ngồi đợi phía xa xa. Một mình Anh Thư hồp hộp đi vào. Cô được gọi vào phòng trong, thầy trưởng khoa và thầy chủ nhiệm đang ngồi nói chuyện. Thấy cô, hai người im lặng, nét mặt có vẻ nghiêm trọng. Thầy chủ nhiệm ra hiệu cho cô vào. - Em vào đây, ngồi xuống. Nói xong thầy rót ly trà đưa đến trước mắt cô: - Em uống đi. - Dạ. Anh Thư rụt rè, nhìn qua thầy trưởng khoa. Cô thấy thầy nhìn cô, cái nhìn có gì đó không bình thường. Có vẻ như muốn biết cá tính, quan sát ngoại hình Tự nhiên cô thấy sờ sợ. Giọng thầy chủ nhiệm nhẹ nhàng: - Thầy Tùng gọi em lên đây, vì có đơn tố cáo em quan hệ bất chính với thầy giáo sắp có gia đình, em có đoán được người đó là ai không? "Chị Ánh". Anh Thư nghĩ nhanh trong đầu cái tên đó. Đầu óc như tê liệt. Đòn này ngoài sức tưởng tượng của cô. Đến nỗi cô không hình dung được hết mức độ khốc liệt của nói. Thấy nét mặt kinh hoàng của cô, thầy chủ nhiệm động viên: - Em bình tĩnh đi, và nói cho các thầy biết, lá đơn có vu khống em không? Giọng Anh Thư khàn đi vì sợ: - Thưa thầy không. - Nghĩa là chuyện em làm là có? - Thưa thầy, em không biết chị ấy viết gì, nhưng chị ấy đã làm ầm lên trong gia đình em rồi, đã xử em rất nặng rồi, sao còn mách với nhà trường, em cảm thấy quá đáng lắm. Thầy trưởng khoa nhíu mày: - Nếu em nhận là em có lỗi, thì em không được có thái độ như vậy. Anh Thư ngân ngấn nước mắt, rồi khóc thật sự: - Thưa thầy, lúc xảy ra chuyện, em đã hết lời xin lỗi chị ấy, nhưng chị ấy còn làm ầm ĩ ở nhà em, làm gia đình em xấu hổ, ba mẹ em mắng em, em đã không làm gì nữa, sao cứ xử hoài, em biết làm sao đây. Tự nhiên hai thầy nhìn nhau. Cách phản ứng của Anh Thư làm hai thầy đâm ra khó xử. Bởi vì nếu khiển trách cô, thì gia đình đã làm rồi. Và cô cũng đã biết sợ. Mục đích của thầy trưởng khoa gọi cô lên là để phê bình, nhưng bây giờ thì gần như thừa rồi. Thầy chủ nhiệm nói dung hòa: - Theo như trong đơn thì em đã làm những chuyện quá mức chấp nhận ở một cô sinh viên. Thầy không tin một phía, cho nên thầy muốn em phải nói thật, mức độ của nói có đúng như vậy không? - Thưa thầy, chuyện em yêu thầy Khương là có, em rất thần tượng thầy, nhưng em không cố tình quyến rũ như chị ấy viết. Hai thầy lại đưa mắt nhìn nhau. Không ngờ Anh Thư nói thật một cách thơ ngây như vậy. Hình như cô không hề thấy chuyện mình làm là xấu. Ngược lại cô thể hiện tình cảm một cách chân thật. Nó làm người ta đâm ra bối rối vì mâu thuẫn. Thầy trưởng khoa nghiêm nghị ; - Em có biết thầy Khương sắp có gia đình không? - Thưa thầy, lúc bắt đầu thương thì em không biết, sau này em mới biết, chị ấy cũng là người trong gia đình em, đã họp mặt gia đình xử em rồi. - Người trong gia đình em à? - Vâng, chị ấy là em của chị dâu em. - Vậy các em là người trong gia đình sao? - Tất cả mọi người đều mắng em, nhưng em đâu có lỗi, tình yêu không có tội, nó chỉ có tội khi em cố tình giành giật với chị ấy, nhưng em đâu có giành, em đâu có làm gì đâu. Tự nhiên thầy chủ nhiệm mỉm cười một cái. Rồi nghiêm mặt lại. Quả thật Anh Thư có cách nói khó mà trách được. Cô nhận lỗi một cách hồn nhiên và thừa nhận tình yêu cũng hồn nhiên. Nếu so sánh với chân dung phác họa trong đơn thì cô đáng yêu hơn nhiều. Thầy trưởng khoa vẫn nghiêm nghị: - Tại sao em dám đến nhà thầy ngủ đêm, em có biết như vậy là thiếu đạo đức không? - Em không cố ý ạ. - Anh Thư kêu lên, và khóc nức nở. Thầy chủ nhiệm dịu giọng: - Em bình tĩnh đi, và nói đúng sự thật với thầy Tùng, các thầy không xử ép em đâu. Anh Thư chưa kịp trả lời thì thầy Khương bước vào. Khuôn mắt có vẻ gì đó rất khó hiểu. Gần như là sự xấu hổ, phẫn nộ, và cố gắng kềm chế. Thầy vẫn giữ vẻ điềm tĩnh thườn ngày. Nhưng khuôn mặt không giấu được vẻ lầm lì. Thấy thầy Khương, Anh Thư nín khóc, cô nhìn anh một cách cầu cứu, vẻ mặt vẫn còn hoang mang khủng hoảng. Cô thấy thầy Khương chào thầy trưởng khoa, rồi kéo ghế ngồi xuống cạnh cô. Mắt vẫn nhìn thầy trưởng khoa: - Thầy có thể cho Anh Thư về được không? Chuyện này em sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Cô ấy không hiểu hết chuyện đâu thầy ạ. Thầy trưởng khoa thoáng phân vân. Nhưng cũng gật đầu đồng ý. Thầy quay sang Anh Thư: - Thầy Khương đã nói vậy thì em về đi. Anh Thư vẫn ngồi lại, có vẻ lo ngại: - Thưa thầy, lúc nãy em nhận lỗi rồi, tất cả là do em gây ra, thầy Khương không liên quan gì đến chuyện này thầy ạ. Thầy Khương khoát tay: - Thầy tự giải quyết được, thầy sẽ không sao đâu, em về đi. - Nhưng em sợ... Thầy Khương nghiêm giọng: - Em ra ngoài đi. Em không thể cùng giải quyết với các thầy đâu, về đi. Anh Thư buộc lòng phải đứng dậy. Cô chào các thầy rồi đi ra ngoài, vẻ mặt đầy lo buồn. Còn lại ba người, thầy trưởng khoa nhìn vào Khương, khẽ hắng giọng: - Những chuyện thế này thật tệ hại, tôi chỉ muốn giải quyết nội bộ, nhưng có lẽ không tránh được dư luận, nếu không biết cách thu xếp, sợ rằng phải đi đến mức kỷ luật thôi. Thầy chủ nhiệm trầm ngâm: - Từ trước giờ thầy Khương rất được sinh viên mến mộ, bây giờ tin này lan ra sẽ làm mất uy tín, thầy cũng khó lên lớp một cách đường hoàng, nếu được thì cố thu xếp trong nội bộ gia đình, đừng để lan ra ngoài. Khương nhìn từng người, rồi hỏi thầy trưởng khoa một cách thẳng thắn: - Thầy có tin em lôi thôi trong chuyện tình cảm không? Em còn đủ tư cách để đứng lớp không? - Điều đó còn tùy thuộc vào tính chất sự việc, tôi không kết luận gì cả. Những thư nặc danh không phải là hiếm, nhất là một người được nhiều sinh viên thích như thầy, thì cũng khó tránh được chuyện hiểu lầm. Thầy chủ nhiệm xen vào: - Vấn đề là cô Anh Thư hơi xốc nổi. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của anh đó. - Cô bé không xốc nổi đâu, và tôi rất trân trọng tình cảm của cô ta, vấn đề là, đây chỉ là chuyện hiểu lầm, có thể nói người viết đơn này đã phóng đại sự việc, cô ta đầy ác ý và thành kiến. Anh ngừng lại, rồi lại nhìn thẳng vào thầy trưởng khoa: - Em mong là thầy nhìn nhận vấn đề một các nhân bản, cô Anh Thư tuy có những hành động đáng để người ngoài phê phán, nhưng có thể thông cảm được. Anh rạch ròi kể tất cả chuyện đã xảy ra. Thầy chủ nhiệm hình như thấy sự việc có vẻ buồn cười và lên tiếng: - Uống rượu nữa kia à? Đúng là say quá nên không làm chủ được mình, con bé có tính cách mãnh liệt lắm,nếu tôi là thầy Khương thì tôi cũng không nỡ để cho mọi người biết, tội nghiệp cô ta. Thầy trưởng khoa khẽ lắc đầu: - Con gái bây giờ muốn khẳng định mình nhiều quá, chúng nói có thể làm những chuyện bồng bột mà không nghĩ đến hậu quả. Khương lắc đầu phủ nhận. Rồi nói chuyện như phân tích: - Không thể trách Anh Thư là bồng bột, bởi vì cô ấy biết kiềm chế tình cảm của mình. Nếu cô bé không có lý trí thì chuyện đã xảy ra khác rồi. Thầy trưởng khoa hắng giọng: - Chuyện này xem ra thật mâu thuẫn, vì một có gái trầm tĩnh thì sẽ không có hành động quá khích, cô ta uống rượu rồi bày tỏ tình cảm với thầy, ở góc độ nào đó, cô ta đáng bị phê phán lắm. Khương mỉm cười: - Con người có những lúc quá bức xúc, như vậy khó mà làm chủ được mình, không thể trách được Anh Thư, cô ấy còn quá trẻ nên không lường hết hậu quả việc làm của mình. Thầy chủ nhiệm nói thêm: - Nhìn nhận vấn đề cũng nên dựa trên tư cách mỗi người, tuy mới chủ nhiệm lớp Anh Thư vài tháng, nhưng em có thể hiểu tính cách cô ta, một người như vậy khó mà làm những chuyện kém tư cách. Thầy trưởng khoa trầm ngâm như suy nghĩ. Khương cũng trầm ngâm: - Nếu vì một lá thư thiếu trung thực mà kỷ luật Anh Thư, tôi sợ sẽ gây cú sốc lớn cho cô bé, và cô ta có thể bỏ học. Thầy trưởng khoa nhìn anh khá lâu: - Vậy thầy sẽ giải quyết riêng tư thế nào đây? Nếu chuyện này không thu xếp được thì sẽ phải họp toàn khoa để quyết định hình thức kỷ luật, tôi tin thầy trung thực, nhưng thầy phải thu xếp cho ổn thỏa, đừng để cô ta làm lớn chuyện. Thầy chủ nhiệm nói như đề nghị: - Nếu cô ta quá khích, thầy có thể kiện cô ta về tội vu khống, dù sao cũng phải có hành động cứng rắn với cô ta chứ. Khương cười nhẹ: - Cách đó thô bạo quá không? Có lẽ tôi phải quyết định lại mối quan hệ của mình. Anh nhìn qua thầy trưởng khoa: - Em lấy danh dự của em để bảo đảm cho Anh Thư, mong là thầy không kỷ luật cô ấy. Và em có thể khẳng định với thầy, những gì viết trong thư đó là sự vu khống, cho nên em phủ nhận mọi sự buộc tội quanh em. Thầy chủ nhiệm gật đầu: - Cố gắng để chuyện chấm dứt ở đây, lá thư này coi như tạm xếp qua một bên, nhưng nếu cô ấy còn gởi đơn khiếu nại, lúc đó tôi buộc phải họp toàn khoa để quyết định. Khương gật đầu: - Em hiểu, cám ơn thầy đã giúp em. Thầy trưởng khoa chợt mỉm cười: - Thật tình lúc đọc lá thư đó, tôi cũng nghi ngờ lắm, tôi không tin thầy Khương làm những chuyện như vậy, cô nàng kia kể cũng quá đáng thật. Khương cười nhẹ: - Cám ơn thầy đã không thành kiến với em, nếu thầy giải quyết cứng nhắc quá, có lẽ em sẽ khó xử lắm. - Dù sao cậu cũng từng là sinh viên của tôi, tôi hiểu tính cách cậu mà. À, cậu có muốn đọc lá thư đó không? Khương lắc đầu: - Em không bận tâm về nó, vấn đề là thầy đã hiểu em, vậy là đủ rồi. - Thôi được, dù sao cũng không nên đọc những điều khó chịu như vậy, vấn đề là cậu không bị phiền toái, tôi cũng không đọc thêm làm gì. Khương lặp lại lần nữa: - Em cám ơn thầy. Anh đứng lên, bước ra phòng ngoài. Thầy chủ nhiệm cũng đi theo. Khi chỉ có hai với nhau, thầy chủ nhiệm gật gù: - Lúc thầy Tùng gọi tôi lên làm việc, tôi nghĩ rằng phen này Anh Thư phải bị đuổi học, còn thầy thì chuyển công tác. Thầy Tùng giải quyết sáng suốt lắm. Cậu từng là học trò ruột của ổng mà. Khương chỉ cười tư lự, chợt anh quay lại hỏi: - Anh Thư học hành thế nào, trong lớp có quậy hay bỏ học không? - Không quậy cũng không bỏ học, nói chung là không có gì đặc biệt, nếu không có chuyện này thì tôi cũng không quan tâm đến cô ta nhiều đâu. Không biết nghĩ gì mà thầy chợt cười thành tiếng: - Không ngờ cô Anh Thư đó có liên quan đến thầy Khương, không biết mai mốt thầy còn bị sinh viên quấy rầy không? Khương cũng cười: - Hy vọng là không. - Cũng khó nói trước lắm. À, sau chuyện này chắc tôi sẽ lưu ý đặc biệt đến cô Thư, nghe nói năm thứ nhất cô ta quậy lắm. - Bây giờ thì không còn tinh thần quậy nữa đâu, cô ta không bỏ học là yên tâm rồi. Thầy chủ nhiệm gật gù: - Thầy Khương được nhiều cô sinh viên ái mộ quá, có lúc thầy phiền, nhưng cũng vui, tôi mà được lòng sinh viên như vậy thì phiền một chút cũng chẳng sao. Rồi thầy lại cười vang cả phòng. Khương cũng cười theo: - Hãy vì chỗ bạn bè mà quan tâm tới Anh Thư, tôi sẽ rất cám ơn. Sợ là chuyện này sẽ làm cô ta bị sốc, nếu thầy chủ nhiệm nâng đỡ tinh thần thì cô ra sẽ khá hơn. - Tất nhiên, thật ra tôi cũng có cảm tình với cô ta, lúc mới vào nhận lớp là tôi để ý cô ngay, Khương phải vì cô ta quậy, mà vì thấy ngoại hình nổi nhất trong lớp. - Vậy à? Cô ta dễ thương quá, phải không? Cả hai cùng bật cười, như thừa nhận thẳng thắn với nhau. Ngồi một lát Khương đứng lên ra về. Nhưng anh vừa ra khỏi văn phòng một khoảng thì gặp Anh Thư. Cô đang ngồi với hai cô bạn chí cốt. Mắt đỏ mọng. Hình như cô khóc rất dữ. Và hai nàng kia thay nhau dỗ dành. Nhìn cảnh đó, tự nhiên anh thấy xúc động. Anh có cảm tưởng mình là nguyên nhân gây ra mọi chuyện. Và cũng như nhiều lần trước khi nghĩ về Anh Thư, bây giờ anh cũng đang nhớ lại buổi sáng đầu tiên gặp cô trong quá café. Nó giống như là định mệnh vậy. Nếu lần đó Anh Thư kkhông tinh nghịch đến hoạnh họe anh, thì chắc sau đó cô sẽ không có chuyện gì để quan tâm về thầy của mình. Không quan tâm thì sẽ không có điều kiện để đi đế tình cảm. Rồi phải chịu những trấn áp tệ như nhục hình. Hình như Hồng Thảo nói gì đó mà Anh Thư ngước lên nhìn về phía khoa. Sau đó cô chùi mặt, đứng lên lưỡng lự như muố đến gặp Khương. Nhưng không hiểu nghĩ thế nào, cô lại ngồi trở xuống như không dám đối mặt với thầy. Như xung quanh có những ánh mắt đang kiểm tra cô đầy soi mói nghi ngờ. Khương muốn đi về phía các cô. Nhưng nghĩ đến chuyện gây hiểu lầm, anh lại đi thẳng đến xe mình. Phía cuối đường, Ngọc Chi nhìn theo mãi đến lúc chiếc xe chạy đến khuất xuống đồi, cô khẽ huých tay Hồng Thảo: - Có lẽ thầy Khương tránh gặp mặt con Thư. Hồng Thảo gật đầu: - Mới có chuyện đối chất ở khoa ra, bây giờ thầy mà gặp nó thì mấy thầy cô trong khoa còn nghi dữ nữa, tránh gặp mà hay hơn. Ngọc Chi thở hắt ra: - Mi cứ khóc hoài, về nhà mẹ mi biết thì sao? Đã muốn giấu mà không khéo gì hết. Anh Thư ngước lên, ráng nín khóc: - Chắc thầy bị kiểm điểm nặng lắm, nên thầy mới không bình tĩnh như vậy, làm sao để biết bây giờ. Hồng Thảo nhìn Ngọc Chi: - Mi dám hỏi thầy chủ nhiệm mình không? - Hỏi gì? - Thì hỏi xem thầy Khương có bị kỷ luật không? - Dễ gì thầy nói với tụi mình, chuyện nội bộ trong khoa, mấy thầy không muốn lan ra ngoài đâu. - Nhưng mình hỏi giùm con Thư mà. Quên nữa, không biết khoa có kỷ luật nói không? Hai cô lặng người nhìn nhau. Rồi nhìn Anh Thư. Vẻ mặt Anh Thư cũng chết lặng như vừa ý thức ra chuyện nặng nề đó. Cô đứng dậy, thất thểu bỏ đi. Chi và Thảo vội đi theo: - Mi đi đâu vậy Thư? - Về nhà. Hồng Thảo càu nhàu: - Tự nhiên bỏ đi, riết rồi mi làm ta quẫn trí theo luôn. Anh Thư không trả lời. Lúc này cô đang rơi vào tâm trạng hoảng loạn tột cùng. Còn bi đát hơn cả lúc phải đối mặt với gia đình. Cô bắt đầu thấy hận Thục Ánh. Anh Tuấn nói đúng, đó là con người đầy thù hận và trả thù tới cùng, trả thù không nghĩ đến giới hạn để biết dừng lại. Về nhà, cô lặng lẽ đi vào phòng. May là ba mẹ đều đi vắng, không nhìn thấy khuôn mặt bơ phờ của cô. Nhưng chị Thục thì thấy. Anh Thư đi ngang qua sân thì chị đang cho bé Bo ăn. Chị chỉ ngước lên nhìn cô chứ không hỏi. Mà Anh Thư cũng không muốn nói với ai, nhất là chị Thục chuyện của mình. Vào phòng mình, Anh Thư đến bàn, mở nhật ký ra viết. Nhưng cô chưa viết xong thì chị Thục ẵm bé Bo đi vào. Chị đến ngồi bên cạnh giường, nhìn Anh Thư: - Cô gặp chuyện gì phải không? Giọng chị không ghét, cũng không thương. Nhưng có vẻ khô khan. Từ sau chuyện đó, chị không còn gọi Anh Thư bằng em một cách thân mật nữa, và trở nên xa cách, dù không ác ý. Thấy chị dâu vào phòng, Anh Thư vội gấp quyển sổ lại, cô trả lời với giọng không vui: - Sao chị hỏi vậy? - Cô đi đâu về vậy? - Em vô trường. - Có chuyện gì nữa phải không? Đừng giấu chị, nếu chuyện có liên quan đến thầy Khương hoặc Thục Ánh thì nói với chị, chị sẽ có cách giải quyết giúp cô. Anh Thư chợt cười lạnh lẽo: - Chị không thể giải quyết gì cho em đâu, dù là chị không ác ý, em biết chị không xúi giục chị Ánh trả thù, nhưng chị sẽ không ngăn được chị ấy đâu. Thục nhíu mày: - Nói vậy có nghĩa là có chuyện gì nữa phải không? Không chịu được nữa, Anh Thư nói thẳng: - Chị ấy gởi đơn đến trường em, nhờ nhà trường can thiệp chuyện em với thầy Khương. - Hả? - Thục nói với giọng sững sờ. - Em không biết khoa sẽ xử em thế nào, rồi thầy Khương cũng sẽ bị kỷ luật, em không biết có nặng không, nhưng chị Ánh đã hại luôn thầy Khương rồi. Thục ngồi thừ người suy nghĩ. Cô bị bất ngờ đến mức không thể có nhận xét gì được. Anh Thư buồn rầu nói tiếp: - Em biết em có lỗi, nhưng sau đó em đã tránh gặp thầy, em nghĩ từ từ chị Ánh sẽ bỏ qua cho em, nhưng chị ấy cứ lấn tới. Giọng cô trở nên ấm ức: - Nếu một lỗi lầm mà phải chịu xử đến mấy lần, thì có quá đáng lắm không? - Người ta nói gì với cô vậy? - Thầy trưởng khoa muốn kỷ luật em, nhưng thầy Khương bảo sẽ chịu trách nhiệm mọi chuyện. - Rồi người ta quyết định thế nào? - Em không biết, vì thầy Khương bảo em ra khỏi phòng họp. Sau đó gặp nhưng thầy không muốn nói chuyện với em, em nghĩ thầy bị lên án nhiều lắm. Và thầy rất ghét em. (thiếu trang 76-77) Anh Thư mở lớn mắt: - Thầy gọi em à? - Em đang buồn lắm phải không? - Vâng, lúc chiều em rất muốn nói chuyện với thầy, nhưng thầy đã về, có phải thầy giận em lắm phải không? - Giận à? Sao em hay hỏi như vậy quá, thầy không giận Anh Thư chút nào, ngược lại thầy thấy tội nghiệp em, cho nên thầy định sẽ gặp em. Anh Thư vô tình nói nhanh: - Có thể gặp ngay không hả thầy? - Trưa mai em có bận gì không? - Dạ không. - Vậy thì mai tan học, em hãy đến gặp thầy. - Đợi đến mai lâu quá, ngay bây giờ được không thầy. - Thôi được, thầy không muốn kéo dài sự lo lắng của em, em hãy ra quán café gần nhà, thầy sẽ đến đó. Anh Thư rụt rè: - Có thể ra chỗ hoa viên không thầy, em sợ bị mọi người nhìn thấy lắm. - Không được, thầy không thể đến đó gặp em, cách hay nhất là em ra quán gần nhà, hoặc tới nhà thầy. Anh Thư hơi thất vọng, nhưng cũng gật đầu, như thể đang đứng trước mặt thầy. - Vâng, vậy thì em sẽ đến nhà thầy. Anh Thư gác máy. Rồi trở vào phòng chải sơ lại tóc. Cô đi ra ngoài mà không hề nói với chị Thục. Không đầy nửa giờ sau cô đã tới nhà thầy Khương. Cô có cảm tưởng thầy chờ mình. Vì thầy đã ra tận ngoài đường đón cô. Cử chỉ có vẻ thân mật hơn lúc chiều rất nhiều. Anh Thư khẽ gật đầu chào một cách dè dặt: - Thưa thầy. - Vào nhà đi Anh Thư, em lạnh lắm phải không? Sao không mặc thêm áo, như thế này về em bị cảm mất. Tự nhiên Anh Thư cúi xuống nhìn mình. Cô đang mặc chiếc áo len mỏng. Không có cả khăn quàng cổ. Lúc nãy nghe điện thoại xong, cô đã vội vã lấy chiếc áo khoác trên ghế mặc mà không để ý là nó mỏng. Lúc nãy chạy ngoài đường rét cóng cả người, nhưng cô không có tinh thần nào quan tâm chuyện đó. Bây giờ thầy Khương nói cô mới để ý nãy giờ mình run cầm cập. Cô khoanh tay trước ngực cho ấm. Cử chỉ đó làm thầy Khương cởi chiếc áo bên ngoài, đưa cho cô: - Em mặc đi. Anh Thư vội từ chối: - Thôi thầy ạ, em không sao đâu. - Sao vậy? - Em... ngại lắm. Thầy Khương bật cười. Rồi tự khoác lên vai Anh Thư, giọng thân mật: - Phải lo cho sức khỏe trước chứ. Vô nhà đi em. "Sao thầy có vẻ thân với mình vậy? Thầy không ghét mình sao? Lúc chiều thầy không muốn nhìn mình mà". Anh Thư nghĩ thầm một cách thắc mắc. Cô lén nhìn qua thầy Khương. Nhưng trong bóng tối cô không thấy được gì ngoài thái độ như rất thản nhiên. Bất giác cô thấy mình nhẹ lòng. Thầy Khương đưa Anh Thư vào phòng khác. Rồi tự làm cho cô ly trà đường còn hơi nóng bốc khói, đặt trước mặt cô: - Uống đi cho ấm. - Em cám ơn thầy. Nói thế nhưng cô vẫn cứ rút hai tay giấu trong áo. Cả người run cầm cập. Thầy Khương nhìn vẻ thảm hại của cô, bèn nhắc lại lần nữa: - Em uống ngay đi chứ. - Cám ơn thầy. Anh Thư bỏ tay ra khỏi người. Cầm ly trà lên, im lặng hớp từng ngụm. Thầy Khương cũng im lặng nhìn cô hơi lâu. Rồi lên tiếng: - Có ấm lên chút nào không? - Dạ... có. - Bộ em không thấy lạnh hả Thư, sao mặc phong phanh vậy? - Dạ, tại lúc đi gấp quá, đến giờ em mới nhớ. - Chính xác hơn là em không còn tâm trí nghĩ đến cái khác phải không? "Lạ thật, lúc nào thầy cũng nói đúng ý nghĩ của mình, cứ như thầy hiểu mình rất rõ. Nhưng bình thường thầy không hề thể hiện. Đến lúc có chuyện mình mới biết". Mãi suy nghĩ, Anh Thư không hay mình nhìn thầy chăm chăm. Đến nỗi anh phải nhướng mắt: Anh Thư bối rối cụp mắt xuống. Rồi chợt buột miệng: - Lúc chiều em biết thầy rất giận em, giờ thầy còn giận em không thầy? - Em vẫn cứ thắc mắc chuyện đó sao? Thầy chưa khi nào giận em, trước kia hay bây giờ cũng vậy. Những gì xảy ra cho thầy và em đều là chuyện rủi ro, tại sao thầy lại giận em chứ? - Những gì xảy ra làm em... Thầy Khương ngắt lời: - Từ đây về sau, em đừng bao giờ hỏi như vậy nữa nhé. - Vâng. - Lúc nãy Anh Thư muốn gặp thầy để làm gì? Anh Thư nói ngay: - Em muốn biết thầy có bị kỷ luật không? Thầy Khương lắc đầu: - Không. Anh Thư chớp mắt, mừng muốn khóc: - Em chỉ cần biết vậy mà thôi, chiều nay em cảm thấy khổ sở quá, nhưng có thật là thầy không bị gì không? Thầy đừng giấu em nha thầy. - Anh Thư sợ cho thầy lắm à? - Em không biết nói sao, nhưng nếu vì em mà thầy bị kiểm điểm, em không chịu được. Em không biết mình có quá đáng không, nhưng quả thật, bây giờ em rất ghét chị Ánh. Dù em biết mình có lỗi. - Vậy à?