Chương 10

Buổi sáng trời hanh hanh chút nắng, xung quanh ngôi biệt thự phủ một màu xanh mát của đồi thông. Phía trước đường dẫn lên bậc tam cấp là góc vườn hoa nhỏ. Ở đó đặt một bộ bàn đá màu vàng nhạt. Trên bộ khung cảnh thật nên thơ và thanh bình.
Thục Ánh ngồi đối diện với Khương. Giữa hai người là chiếc bàn tròn như vô tình tạo một khoảng cách. Sáng nay cô đến rất sớm. Anh và cô đã ngồi ở đây khá lâu, nhưng không phải để thưởng thức cái đẹp của buổi sáng.Vì giữa hai người là không khí nặng nề. Một khoảng cách vô hình khó xóa bỏ.
Từ ngày xảy ra chuyện ở nhà Anh Thự Hai người không gặp nhau. Thục Ánh cố tình im lặng trừng phạt. Cô muốn Khương phải khốn đốn tìm cách gặp cô, muốn tạo cho an háp lực nặng nề. Nhưng rồi hơn một tháng anh vẫn cứ im lặng vắng bóng. Rốt cuộc thì cô phải đến tìm anh. Lòng chất đẫy hận thù gai góc.
Cô nhìn xa xuống đường. Khuôn mặt khó đăm đăm.Rồi hình nhhư không chịu được sự im lặng của Khương, cô quay lại, hằn học:
- Anh thấy không còn chuyện gì nói sao? Thay đổi thật sự rồi à?
Khương chưa kịp trả lời thì cô đã nói tiếp, giọng mỉa mai
- Lúc này hết hè rồi, chắc thầy trò hay gặp nhau ở trường lắm há, lúc trước nghỉ hè thì gặp nhau trên giường, bây giờ có điều kiện...
Khương cắt ngang giọng khô khan:
- Nếu em cứ tiếp tục nói bậy kiểu đó, anh sẽ để em ngồi một mình đó.
Thục Ánh hơi khựng một chút. Rồi long mắt lên:
- Anh còn dám nói như vậy sao, đáng lẽ biết lỗi của mình, anh ngang nhiên thay đổi rồi chứ gì?
- Có lẽ mình nên chia tay một thời gian, những gì em làm gây cho anh cú sốc quá lớn, đến giờ anh vẫn chưa bình tĩnh khi nhớ lại chuyện đó, vì vậy mà anh không tìm cách gặp em đó.
Thục Ánh há miệng vừa kinh ngạc vừa phẫn nộ, đến nỗi không nói ngay được. Rồi cô nghiến răng:
- Vì nó mà anh chia tay phải không?
- Chông, vì cách cư xử của em mà anh muốn tạm thời chia tay.
- Khốn nạn thật!
Khương lầm lì:
- Anh không muốn nhắc lại chuyện đó, thậm chí nghĩ tới anh cũng phải đỏ mặt, những ý nghĩ của em, ngôn ngữ em nói, việc em làm, tất cả làm cho anh bị choáng. Ngay cả lúc này anh vẫn chưa có tâm lý muốn gặp em.
- Nói vậy có nghĩa là anh không hề nhận lỗi của mình, anh dùng thái độ đó để chạy tội, hay lì ra cho đỡ mất mặt, nói đi.
Khương nhìn cô lạnh lùng:
- Anh không chạy tội hay thấy xấu hổ những gì anh đã làm. Anh Thư cũng không có gì đáng xấu hổ. Tiếc la em đã gán cho chúng tôi những điều tồi bại mà em nghĩ ra. Có bao giờ em hiểu được cả giác của người bị vu khống không, còn tệ hơn cả sự vu khống, đó là làm bại hoại danh dự người ta.
Thục Ánh cười khẩy:
- Vu khống? Tôi nhìn thấy hai người trong phòng vào lúc sáng sớm, đến một người đần độn cũng có thể suy ra đêm trước hai người làm gì.
Khương không nói, chỉ nhìn cô bằng cái nhìn mỗi lúc mỗi lạnh lùng xa cách.
Anh không biết điều đó đã gây cho Thục Ánh tâm lý khiếp sợ Trước giờ cô chỉ quen ở anh cử chỉ và lời nói nhẹ nhàng. Một người như anh không thể ghét bỏ người khác. Anh sinh ra không phải để làm người khô khan.
Nhưng thật sự là anh đang như vậy, rất ác cảm với cô, với người anh đã từng yêu, đã từng đối xử ân cần, và nhẹ nhàng.
Điều dó làm lòng tự phụ của cô bị tổn thương và thay vì đau khổ, cô chỉ thấy một sự căm tức cao ngút.
Cảm giác đó làm cô cố vạch cho được lỗi của anh:
- Nếu ở trường hợp tôi, anh có bình tĩnh nổi không?
- Anh không bình tĩnh nhưng sẽ không làm những chuyện như em đã làm, sẽ không dồn người khác vào chân tường, hay muốn vùi người ta xuống gót chân.
- Đã làm chuyện như vậy mà còn đòi được tôn trọng nữa à. Để tôi nói cho hết, đừng ngắt lời tôi.
Cô ngừng lại suy nghĩ một lát. Rồi nghiến răng:
- Thử nhìn lại những việc anh làm đi, ban đầu tôi cũng nghĩ chỉ một mình con Thư có lỗi, nhưng mẹ tôi nói tôi mới nhận ra, nếu anh không mở đường thì làm sao nó dám xông xáo đến nhà anh chứ.Anh muốn thỏa mãn những ham muốn của anh, và nó ngu ngốc cho anh.
Khương quắc mắt nhìn cô ghê tởm và giận dữ:
- Thục Ánh!
Thục Ánh cao giọng:
- Tôi nói đúng quá nên anh sợ chứ gì, anh sợ bị nói sự thật,vì nó quá tồi bại, mà chính anh cũng không dám nhìn nó.
- Đừng bắt anh phải nói nặng em. Cách hay nhất là em về đi.
- Nếu không có thì anh giải thích đi, lẽ ra anh phải đến nhà xin lỗi tôi và ba mẹ tôi, vậy mà chẳng những không nói,anh còn trở mặt đòi chia tay, đồ vô trách nhiệm.
Khương mím miệng:
- Rất may là mình chưa trói buộc nhau, nếu phải có trách nhiệm với em thì đời anh tăm tối lắm.
Thục Ánh quát nhỏ:
- Anh nói vậy là sao?
- Em đừng nghĩ tới chuyện lên án anh nữa. Bỏ một thời gian nhìn lại tất cả điều mình làm, khi nào nhận ra sự quá đáng của mình, em hãy đến nói chuyện với anh, lúc đó chúng ta sẽ nhìn nhau khác chứ không phải như bây giờ.
- Những gì anh làm, tôi phản ứng đều rất tương xứng, sao không chịu nhìn lỗi của mình mà cứ chăm chăm bắt bẻ người khác vậy?
Khương cười nhếch môi:
- Anh chỉ giải thích khi nào em thật sự bình tĩnh, còn bây giờ anh từ chối một cuộc nói chuyện, em về đi.
Thục Ánh đứng phắt dậy, quắc mắt:
- Anh đuổi tôi phải không?
- Anh muốn ngừng lại cuộc nói chuyện nặng nề nầy, trước khi hai đứa phải căm ghét nhau.
- Rất may tôi chưa phải là vợ anh, nếu không thì đời tôi bất hạnh đến đâu.
Khương trầm ngâm một lát, rồi nhếch môi:
- Em chưa phải là vợ anh, vậy sao em tự cho mình quyền mạt sát,, và chất vấn? Không những như vậy, em còn lôi anh đến đối chất với những người trong gia đình em, em đòi sử dụng quyền lực với anh, nhưng em có biết đó là quyền gì không?
Thục Ánh ngắc ngứ không nói được.Cô quắc mắt nhìn Khương:
- Bây giờ anh nói ngang phải không?
Khương lắc đầu:
- Anh không nói ngang, chỉ muốn phân tích để em thấy hành động của em, cho dù anh là chồng đi nữa, em cũng không nên cư xử như vậy, đừng hành hình người khác bằng hình thức như vậy, anh còn có lòng tự trọng của anh.
- Anh cứ lải nhải nói về lòng tự trọng, trong khi việc anh làm thì không có chút tính người nào cả.
Khương im lặng, như không muốn tiếp tục câu chuyện. Thái độ của anh làm Thục Ánh càng điên lên:
- Mẹ tôi nói đúng, chưa phải vợ chồng mà tôi đã bị coi thường như vậy, nếu làm vợ anh rồi chắc anh xem tôi như nô lệ mất.
Cô trở giọng hằn học:
- Anh là cái quái gì mà cho phép mình coi thường tôi, anh có học còn tôi thì vô học chắc. Hay là tôi xấu xí, nên được một người đẹp trai như anh yêu thì phải biết thân biết phận mình, sao anh hạ thấp tôi quá vậy.
- Tiếc là em tự nghĩ ra những điều viển vông đó, em càng nói anh càng sợ cho sự suy luận của em, nếu em nhìn vấn đề đúng như bản chất nó, thì sẽ không có chuyện gì đáng tiếc. Cách hay nhất là em đừng nói nữa.
Thục Ánh trừng mắt:
- Anh đuổi tôi phải không? Đây là lần thứ hai tôi nghe câu đó, rồi anh sẽ phải trả giá cho việc làm của mình.
Và cô nguẩy người, bỏ đi băng băng xuống đường.
Khương ngồi lặng yên, nhưng không nhìn theo, gần như tránh nhìn đến Thục Ánh. Vì chỉ cần nghĩ đến cô thôi anh cũng cả thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Khoảng thời gian này anh thật sự bị sốc vì hành động hùng hổ của cô. Một nỗi ám ảnh không bao giờ tha thứ.
Khuôn mặt anh mỗi lúc mỗi thêm lạnh lùng. Khi nhớ lại cuộc đối thoại lúc nãy. Đã từng không hiểu nhau, bây giờ càng như xa thêm bởi khoảng cách quá lớn.
Chợt có tiếng gọi nhỏ phía sau làm anh quay lại. Rồi đứng hẳn dậy, khi thấy Anh Thư đang rụt rè đứng nép sau cây thông gần đó. Thấy anh nhìn cô mạnh dạn bước tớ itrước mặt anh.
- Thưa thầy.
- Em đến tìm thầy à? Em ngồi xuống đi.
- Dạ.
Anh Thư dè dặt đến ngồi đối diện với Khương. Nơi Thục Ánh đã ngồi lúc nãy, hình như cô vô cùng bối rối, nên cứ nhìn xuống tay mình như sợ ngước lên sẽ thấy một cái gì đó quá chói mắt.
Khương im lặng quan sát Anh Thư. Khá lâu rồi anh không gặp cô học trò gây cho anh nhiều sóng gió này. Anh Thư có vẻ thay đổi chút ít. Gầy xanh và có vẻ mong manh hơn trước kia. Hình như cú sốc đó hãy còn lam cô choáng váng. Mà không biết bao giờ mới lấy lại thăng bằng.
Anh không hề thấy bực khi thấy cô ở đây chỉ có cảm giác gì đó gần như niềm vui, niềm vui quá nhẹ nhàng. Và một sự thông cảm sâu sắc.Thông cảm bởi vì cô còn quá nhỏ so với điều cô phải chịu.
Tự nhiên anh hỏi nhẹ nhàng:
- Hôm nay em không đi học sao? Năm học mới có gì vui không?
Cách hỏi như dành cho đứa con nít đó, lúc trước làm Anh Thư rất bất mãn. Nhưng bây giờ cô thấy thật hạnh phúc. Lúc đến đây, cô đã chuẩn bị tinh thần là sẽ nhận được thái độ xa cách lạnh lùng.
Thấy cô bối rối không ngước lên. Khương nói ân cần hơn:
- Sao lúc này em gầy quá vậy?
Anh Thư cố gắng ngước lên:
- Dạ em vẫn bình thường.
- Sao hôm nay em không đi học?
Anh Thư bặm môi:
- Em... đã lâu rồi muốn đến thầy nhưng em không dám, nhưng rồi sáng nay em bồn chồn mãi, cuối cùng..
- Em muốn nói chuyện gì với thầy phải không?
- Vâng, chuyện này lẽ ra em phải nói từ lâu lắm, nhừng chứ nghĩ..cứ nghĩ gặp thầy rồi, rủi lại xảy ra chuyện nào đó tương tự, thế là em không đủ can đảm.
Khương gật đầu:
- Thầy hiểu, chắc là em khổ sở lắm, gia đình mắng em nhiều lắm phải không?
- Vâng ba em đòi đuổi em ra khỏi nhà, nhưng những cái đó em chịu được, em chỉ chịu không nổi khi...
Nói đến đó, Anh Thư im bặt. Cô không sao diễn đạt đươc. sự bất ổn trong mình đối với thầy Khương. Nhất là khi ngồi trước mặt nhau.
Khương nhạy cảm hiểu ngay, anh cười khẽ:
- Em ngại cho thầy phải không? Nhưng không sao đâu, thầy là người lớn, những chuyện như vậy không đến nỗi kinh khủng lắm đâu, thầy chịu được.
- Thầy có giận em không thầy?
- Tại sao giận em?
- Vì em là nguyên nhân những bất hòa của thầy và chị Ánh, em hối hận lắm, em chỉ muốn chị Ánh đừng giận thầy, nhưng chị ấy không nghe em, chị ấy rất khinh và ghét em.
Khương lắc đầu:
- Cho dù em thanh minh tới đâu, hoặc em có chết trước mặt Thục Ánh thì cô ấy cũng sẽ không thay đổi thành kiến, cho nên em đừng làm gì cả.Tự thầy sẽ có cách giải quyết chuyện của thầy.
Anh Thư thở dài:
- Thầy làm sao mà giải quyết được, khi chị ấy cứ khăng khăng như thế, lỗi do em gây ra mà cứ bắt thầy chịu, em rất tức vì mọi người không chịu tin em, ai cũng cố tình bắt lỗi thầy cuối cùng em cũng chỉ có thể tự trách mình thôi, nhưng trách mình cũng đâu có làm thay đổi được mọi người, vì vậy mà em ân hận.
Khương cười một cách vị tha:
- Nếu em cứ lẩn quẩn nghĩ như vậy thì nặng nề lắm, cách hay nhất là em cứ lắc đầu cho qua tất cả.
Anh Thư lắc mạnh đầu:
- Không thể cho qua được thầy ạ, chuyện quá lớn như vậy, làm sao coi như không có gì được.
- Em phải làm vậy đi, vì em đâu có thay đổi được hoàn cảnh.
Anh Thư lại vô tình thở dài:
- Vì vậy mà em thấy khổ sở, em không biết mình phải làm thế nào bây giờ.
Cô nín lặng một lát, rồi nói giọng buồn buồn:
- Thầy biết không, lúc nào em cũng muốn gặp thầy, vì im lặng luôn thì em không yên tâm, nhưng nếu đến gặp thì em lại sợ, thế là em cứ loay hoay một mình, ngày nào em cũng muốn đến thầy, sau đó lại sợ, thế là..
- Thế là sáng nay em quyết định nghỉ học, vì em không chịu nổi sự mâu thuẫn trong lòng em?
Anh Thư gật đầu thú nhận:
- Em đã nghĩ như vậy đó thầy ạ.
Khương mỉm cười:
- Thầy đã nói rồi, em sẽ không giải quyết được gì, vì vậy mà cứ quên đi. Quên tất cả, từ chuyện em uống rượu đến cuộc gặp ở nhà em lần đó, thầy biết là khó lắm, nhưng cố gắng sẽ làm được.
- Có thật thầy không giận em không hả thầy?
Khương lắc đầu:
- Thầy đã từng nói, không khi nào giận học trò của mình, dù em có làm chuyện gì đi nữa, vả lại chuyện nầy đâu phải em cố ý, thầy cũng nghĩ như em, tình cảm không có tội.
Anh Thư nói khẽ:
- Nhưng cách thể hiện của em đã gây cho thầy quá nhiều phiền toái.
- Có thể là như vậy, nhưng nếu Thục Ánh cư xử khác thì chuyện sẽ không đến nỗi trầm trọng. Thầy không thích đổ thừa hoàn cảnh đâu.
- Sao lần đó thầy không xin lỗi ba mẹ chị Ánh hả thầy?
- Gia đình Thục Ánh đặt thầy vào tình thế thật khó chấp nhận, đó là lý do khiến thầy im lặng.
Anh Thư chợt nói như hồi hộp:
- Thầy... nếu như chị ấy chia tay, thầy sẽ làm sao ạ?
Khương lắc đầu, nhưng nụ cười vẫn rất thân ái:
- Đừng hỏi những chuyện như vậy nhé, Anh Thư. Thầy muốn giữa chúng ta có một giới hạn nhất định, thầy không muốn vượt qua, như vậy đẹp hơn.
Anh Thư cảm thấy xấu hổ vô cùng. Mặt cô chợt đỏ lên. Cô cúi xuống nhìn tay mình, lặng lẽ với cảm giác hối hận.
Thầy Khương nhìn cô một cách dịu dàng:
- Thầy không muốn làm em buồn, với Anh Thư, thầy sợ nhất là điều đó, thầy muốn lúc nào em cũng nghịch như lúc thầy mới gặp em, cho nên chuyện xảy ra làm thầy rất buồn.
- Em không thể như vậy được nữa thầy ạ.
- Nhưng ít nhất em cũng đừng để mình buồn khổ.
Anh Thư bật lên, giọng hối hả không kém được sự bồng bột vừa trỗi dậy trong lòng.