Nhóm đường dây quận Bình Thạnh ùa ra nhà để xe, dẫn đầu là cô gái mặt thẹo. Cô trong trang phục ngành điện lực, dép quai, balô, bén hông thêm túi xách đồ nghề, mũ nhét túi quần, mái tóc tém sát gọn, ôm gương mặt như muốn khoe... cái sẹo dài cả tấc ở má trái cho bàng dân thiên hạ thấy. Cả nhóm lên đủ các loại xe máy, cho nổ rồi như xếp hàng trước cô. Một gã trung niên hỏi: - Đại tỷ! Chiều gặp ở đâu? Cô cắn môi, vẻ suy nghĩ: - Về lại Bến Thành, trễ một chút, OK? - OK. Cả bọn nhao nhao, đưa tay như chào từ biệt rồi lao đi. Chỉ còn hai gã mặt búng ra sữa. - Bữa này mình làm đâu, đại tỷ? - Một gã hỏi. - Kiểm tra nhà hàng Trùng Khánh, sau đó đi công ty Hoa Việt. Đi thôi. Cô lên chiếc Win 100 to đùng, kéo kính râm từ trên đầu xuống mắt, nổ máy, phóng liền, hai gã đệ tử theo sát nút, gã ngồi sau nói: - Đại tỷ giống dân giang hồ quá mạng, có vẻ gì kỹ sư há mậy? - Kỹ sư thứ thiệt đó mày, nếu không dễ gì nắm đầu tổ mình, tổ toàn dân cứng đầu, quậy phá siêu hạng. - Làm sao bả nắm nổi ta? Hồi làm bên Phú Nhuận tao cứ thắc mắc hoài. - Mày nghe tụi nói gọi bằng đại tỷ không hiểu sao? Nghĩa là thứ gì cũng thuộc hạng chị lớn. Hiểu chưa? Cả ăn chơi, quậy phá, nên cả tụi đầu hàng. - Trời đất! - Ậy! Mày chưa biết hết đâu, ở lâu mới thấy. Hai gã không nói nữa, tăng ga vọt theo bóng chiếc Win 100 sắp mất hút. Đến nhà hàng Trùng Khánh, cô gái móc thẻ đeo vào túi áo, balô một bên vai, kính trên tóc, bước vào. Cả chủ nhà hàng lẫn nhân viên nhìn cô không nháy. Cô thản nhiên: - Tôi ở tổ đường dây công điện lực thành phố, xin cho biết nhà hàng gặp sự cố gì? Ông chủ nhà hàng xoa tay, miệng nói, mắt nhìn chăm chăm vào thẻ công vụ cô đeo. Nguyễn Thị Ty Ty - Kỹ sư. Lạy trời cho em không bị điện giật ngay trong nhà hàng. - Dạ, không hiểu sao chỗ nào cũng xẹt lửa, thợ điện thuộc nhà hàng không sửa được, điện mất hai giờ rồi. - Tôi sẽ kiểm tra, trong thời gian đó, ông cho tôi sơ đồ điện nhà hàng. - Nghĩa là... - Bản thiết kế lưới điện lúc xây dựng như vậy mới tiết kiệm được thời gian. Ông định đóng cửa nhà hàng hôm nay chăng? Ồ! Điều này không thể. Ông chủ lật đật chạy đi. Cô nói với hai gã nhân viên dưới quyền: - Cậu tầng một, cậu tầng hai, tầng ba và bốn để tôi, có bản lưới điện đem lên. - Rõ. Cô lạnh lùng nhìn viên quản lý: - Mời ông dẫn đường lên trên. Nửa giờ sau, ông chủ nhà hàng đem bản lưới điện tới. Cô vừa kiểm tra xong, quay xuống với hai nhân viên. Cả hai báo cáo, cô giở bản lưới điện nhìn rồi nói: - Nhà hàng ông xây dựng trước G.P., đến này gần ba mươi năm, đường dây hoàn toàn hư hỏng, phải kéo lại toàn bộ lưới điện mới. Nếu không sẽ gặp sự cố. - Dạ, như vậy tốn kém quá. Cô kỹ sư có cách gì giúp đỡ? - Gã chủ nhà hàng nhăn nhó nói. Cô nhún vai: - Tùy ông. Nhưng tôi cũng báo cho ông biết, tôi ở tổ dịch vụ điện cho công ty ngoài giờ, còn là tổ trưởng tổ đường dây, nếu lưới điện ông không bảo đảm an toàn, tôi có quyền cắt nguồn điện không cho hoạt động. À! Ông nhớ cho. Điện 220 đó, cháy và chết người như chơi. Chào ông. - Ấy ấy! Vậy tôi phải làm sao? Nhanh nhất nhé? Cô rút sổ trong túi xách, nhìn lưới điện đọc vanh vách số lượng dây ống, cầu dao, táp lô điện v.v... Ghi tất cả vào biên lai, nói: - Ông đến phòng dịch vụ điện dân dụng quận, nộp tiền lấy biên lai. Khi được gọi, tôi sẽ tiến hành làm ngay. - Vậy, thưa cô, chừng mấy ngày ạ? Cô kéo kính xuống mắt: - Tùy theo yêu cầu và sự rộng rãi của ông, OK? - Được. Được. - Đi công ty dệt Hoa Việt - Cô nói rồi phóng lên xe. Là máy phát điện có vấn đề, ở Hoa Việt. Tổ điện thuộc công ty dệt thấy cô mừng rỡ, yêu cầu sửa. Cô uể oải gỡ kính, chụp ngược mũ lên đầu, xắn tay áo, đeo găng, lẩm bẩm lúc kiểm tra. - Thằng xếp của mấy ông đúng là keo kiệt, đồ thổ tả từ thời chiến còn xài, biểu gì không hư hoài. Lần này, tiền chắc gấp đôi. Mấy gã kia gãi đầu: - Dạ, em xin máy mới hoài, mà ổng đó khăng khăng nói một tháng cúp điện đâu mấy ngày, cần gì máy mới. Cô bật cười, lắc đầu ngạo: - Chắc nó thấy ba ông thần lãnh lương mà không có việc làm nên muốn hư để sửa cho lại vốn, ai ngờ cả ba chịu thua. Nào! Đi duyệt vào vụ nộp tiền thôi. Mai cúp điện khu này đấy. Máy phone cầm tay reo vang, cô nghe, nói gọn: - OK. Điều tổ hai về ngay đó, chở luôn vật tư theo, sẽ làm đêm đấy. Tổ ba thay ca lúc hai mươi hai giờ. - Đi liền hả đại tỷ? Cô cúp máy lắc đầu: - Sửa thằng này xong, đến đó là vừa. Vật tư chưa xuất, lo gì? Khoảng hơn nửa giờ, chiếc máy nổ ngon lành, cô dọn đồ nghề, rút biên lai làm thanh toán, nhận tiền mặt xong vù đi sau cái nháy mắt ghẹo của ba gã điện nhìn cô thán phục. Cô về lại Trùng Khánh, gặp lại tổ điện lúc sáng, cười khì: - Tối nay không ai đi Bến Thành được, báo về nhà làm luôn đêm. Có bồi dưỡng ngon lành. Cả bọn ca cẩm, nhưng vẫn vô việc tơi tới. Mười giờ đêm, đổi ca khác nhưng cô vẫn trụ suốt đêm và ngày hôm sau với ca thứ ba. Khi điện sáng trưng nhà hàng Trùng Khánh, cô còn làm một tua kiểm tra bằng thang máy mới yên tâm cho tổ thợ ra về. Đến bây giờ thì chân tay cô mỏi rời, mắt híp lại. Bằng cả nghị lực còn lại, cô chạy xe về tới nhà an toàn, lúc ấy đã mười hai giờ đêm. Nhà Ty Ty ở đường Nguyễn Biểu, gần khu đại học sư phạm, chỉ là căn nhà nhỏ ngay góc đường, nhưng ở mặt tiền, cô thuê nhà và nuôi luôn bà cụ chủ nhà không con cháu, tiền bán nhà, cô mở tiệm điện dân dụng, kèm theo bảng nhỏ treo trước nhà: "Thợ điện". Chẳng hiểu vì Ty Ty có tay buôn bán, hay nhờ tay nghề cao, hay nhờ tính khí hay giúp xóm giềng khi đáng giúp, mà cô bán hàng cũng khá, làm nghề cũng đắt. Lâu lâu còn trúng mánh vài công trình cấp trung, nên cuộc sống vật chất ổn định. Chưa kể nghề tay trái, đánh bida độ và dạy "thiên hạ" đánh bida. Cuộc đời kể cũng lạ, nhưng không tiệt đi sinh lộ con người trong lúc Ty Ty ôm mối tuyệt vọng vì tình, nhường Chín Mập cho người khác, cô ngỡ mình chết nửa người. Ngày nhìn Chín Mập với Hồng Diệp làm lễ cưới, cô cho là mình chết cả người. Ấy vậy mà khi bị cả nhà Hồng đánh, bị Hồng rạch mặt, cô nằm trên giường bệnh bỗng muốn vùng lên làm lại con người. Tại sao ta cam sống đời tủi nhục, mặc cảm vì quá khứ? Quá khứ ấy ta có tạo ra đâu? Tại sao ta mãi đau đớn khi nhìn "người ta" hạnh phúc? Ta đã hy sinh tự nguyện cơ mà. Tại sao ta không đi tìm một tương lai cho chính ta, vùi chôn ba buồn đau, cay đắng. Thế là Ty Ty âm thầm bán nhà rời xóm Hồ ra đi khi trời chưa hừng sáng, rời nơi có biết bao kỷ niệm buồn vui lúc thời bé dại, trốn chạy thật xa cái hạnh phúc cô cam tâm tình nguyện nhường lại cho người. Nơi nương thân mới, cô bén nhày hòa nhập vào cuộc sống, cô trở nên khôn ngoan lọc lõi, nắm bắt nhanh những cơ hội kiếm tiền. Cô chợt chua chát nhận ra một điều, đồng tiền dễ dàng khiến người khác thay đổi những nhận định không tốt đẹp về cô rất nhanh, cho dù mặt cô đến hàng chục cái thẹo. Công ty điện lực thành phố tuyển người cho dịch vụ ngoài giờ. Cô thi và trúng tuyển. Cô chinh phục rất nhanh đám nhân viên sừng sỏ bằng khả năng nghề nghiệp, bằng vẻ bùi bụi đàn chị chợ trời thuở trước và bằng tay cơ thiên phú ở bàn bida. Mới đó mà hai năm rồi. Dù sao, có được ngày hôm nay, cũng nhờ ông giáo sư ở bách khoa xin được cho cô chuyển trường học một năm cuối. Bà Năm chủ nhà còn chờ Ty Ty ngay cửa. Thấy cô, bà lụm cụm đứng lên, quay lưng càm ràm: - Con gái con đứa, đi suốt mấy ngày hổng về nhà, đi đâu mà dữ vậy? Ty Ty dắt xe vô nhà khóa cửa, vụt xách đồ nghề nằm dài ra salon, ngáp thả cửa: - Ôi, bà ơi! Con làm dịch vụ nhà hàng suốt hai ngày không ngủ, có phải đi chơi đâu. Thanh đâu hở bà? - Con bé ngủ rồi. Mai đi học sớm. Thanh là con bé độ mười ba tuổi, Ty Ty "lượm" về từ lề đường khi nó đang sốt cao. Con nhỏ cha mẹ cũng ở lề đường chết chưa lâu. Nuôi nó khỏi bệnh rồi, Ty Ty giữ lại luôn với điều kiện nó phải đi học. Ơn trời, con nhỏ chịu, thế là Ty Ty yên tâm đi sớm về trễ, có nó cùng bà Năm coi ngó tiền bạc ở cửa hàng. Cô thuê người đứng bán, cô còn lo gì? Bà Năm hâm xong thức ăn đem lên. Ty Ty ngủ khì, chân chưa kịp cởi giầy.