P II - Chương 5

Buổi chiều Huyền đang ngồi khâu và sửa soạn những thứ cần thiết để xếp vào lẵng. Cảnh nhà vắng người, một căn buồng nhỏ cũng gây cho Huyền cảm giác trống trải và cô đơn. Nhìn bóng mình trên cánh cửa tủ gương, bụng to cao vượt lên, Huyền nghĩ tới mấy hôm nữa đây... bất giác nàng bật khóc. Huyền vẫn đi lại làm việc mặc cho nước mắt dàn dụa xuống má, xuống môi. Huyền biết mình khóc không vì khổ sở hay hối hận nhưng nếu cứ để thế thì người nàng sẽ nhẹ và đỡ khổ đi nhiều. Nghe như có tiếng động ngoài sân, Huyền vội vã đến vén màn cửa sổ, trông ra: một con gà trống đậu trên nóc cổng vỗ cánh phành phạch như sắp cất tiếng gáy; ngoài ngõ đôi gà tây mào tái cụp đuôi buồn rầu trong những bước đi lạc lõng lơ đãng của một đời sống thiếu quê hương. Trông con gà mẹ xù lông cùng cục dẫn một đàn con đông đảo trên bãi cỏ, bước lên luống rau mới trồng và bới tung toé, Huyền trở lại ý nghĩ vui vui, bước vào nàng thấy ngờ ngợ một thứ tình cảm chờ đợi, háo hức không rõ rệt - chờ đợi cái gì đây, chính Huyền cũng không biết nữa. Huyền muốn bước đi nhanh nhẹn để tránh mọi nghĩ ngợi không đâu, nhưng bước đi vẫn nặng nhọc, chiếc bụng nặng muốn kéo nàng về phía trước, mỗi bước chân đi chỉ làm Huyền thấy đau nhói. Nàng đứng lại hai tay đặt lên bụng như nghe ngóng, cơn đau không dứt vẫn cứ ngăm ngăm, thỉnh thoảng lại nhói lên. Huyền lúc này mới thấy một cảm giác sờ sợ, nàng nhét nốt mấy thứ cồng kềnh vào lẵng, ra chum vác chậu nước lạnh vào rửa mặt. Chậu men trắng, nước trong veo, Huyền gục mặt vào chậu nước thấy mát rượi. Kệ cho những giọt nước dính trên mặt trên tóc nhỏ giọt, Huyền bước ra khoá cửa, gửi chìa khoá sang nhà bên rồi gọi xe đến nhà thương. Dọc đường cơn đau bụng phát lên dữ dội, chưa lúc nào Huyền thấy mình mất tự chủ đến thế. Huyền nghiến răng cắn chặt môi dưới, tay níu chắc thành xe nhưng không sao tránh được cơn đau vật vã. Người phu xe cuống cuồng đạp, nói hỏi hay phân trần rối rít Huyền cũng không còn nghe rõ nữa. Huyền cảm tưởng có một sức nặng ép mãi dưới bụng và muốn vỡ tung ra. Nàng có ý nghĩ mình sẽ đẻ ngay trên xe trước khi tới nhà thương. Huyền co người quằn quại, đạp chân giày cả vào lẵng chứa đầy quần áo; trời sẩm tối Huyền mặc kệ, vẫn ngồi vẹo trên xe như thế và thấy lại im im. Tới đầu phố chính, chiếc cổng nhà thương quen thuộc hiện ra đằng xa, Huyền thấy yên tâm và biết rằng ban nãy mình đã hơi quá lo, nàng biết mình chưa đẻ được ngay lúc này. Xuống xe Huyền chệnh choạng vào phòng trực, gặp Trâm ở đó vồn vã:
“Ủa chị Huyền, trông chị sao xanh thế.”
Huyền buông mình ngồi xuống ghế, vuốt tóc dính trên trán đẫm mồ hôi, nói trong hơi thở không đều:
“Dọc đường đau quá... tưởng ngất trên xe.”
Trâm đặt tay lên vai Huyền gịong đầy thân ái:
“Chị đợi đây để em đi gọi anh Mai đưa chị lên phòng sanh thôi.”
Đi rồi Trâm còn ngoái cổ lại dặn:
“Rồi em quay lại ngay chị nghe...”
Trâm không kém tuổi Huyền nhưng trông còn nguyên vẻ ngây thơ và hiền dịu. Nàng mến Trâm từ khi mới gặp, cô gái Trung nói tiếng Huế giọng hơi pha nghe nhẹ và dễ yêu. Huyền nghĩ tới Trâm với tiếng cười hắt ra trong veo, ngân dài như còn vương trên ánh mắt đôi môi.
Mai trở lại, dáng cao lớn, chiếc blouse trắng ngắn còn dính vệt máu tươi, chiếc mũ vải đội chụp xuống cũng không che được vầng trán cao. Khuôn mặt Mai vuông, cằm tròn hơi đưa ra, cặp kính trắng không viền trong veo làm tăng thêm vẻ đạo mạo hiền từ. Mai bước nhanh, Trâm phải vội vã chạy theo sau, hỏi vói lên:
“Cầu thang máy hỏng làm sao đưa chị ấy lên?”
Mai như sực nhớ ra quay lại:
“Cô đi gọi ngay hai y công trực, đem băng ca tới đây khiêng cô ấy lên chứ làm sao bây giờ.”
Huyền mệt mỏi ngả lưng dựa vào tường, mắt đè trĩu xuống như muốn ngủ. Mai chôn chân đứng cạnh lúc nào nàng cũng không hay biết. Mai một tay chống nạnh một tay để trong túi áo blouse dứng yên lặng bặm môi suy nghĩ và chờ đợi.
Đặt mình trên băng ca, Huyền nhắm nghiền mắt yên lặng thở mạnh và không đều. Người ta đưa thẳng Huyền vào phòng sanh. Căn phòng rộng sáng sủa và trắng toát, từng dãy giường thấp kê nối tiếp; phía góc tường mấy bình chứa dưỡng khí màu xám đen đứng trơ trẽn và lạc lõng. Mấy sản phụ khác cũng đang trần truồng nằm trơ ra đấy chờ sanh. Tiếng rên la lăn lộn xen lẫn câu chửi rủa, một lúc chán rồi lại im đi.
Những cảnh này đối với Huyền quá quen thuộc từ khi còn đi học thực tập, nhưng lúc này Huyền thấy khổ sở và mệt mỏi quá sức, nàng thiếp đi trong giấc ngủ ngắn và chập chờn. Huyền tỉnh dậy lúc có tiếng khóc oe oe của đứa trẻ, người đàn bà kế bên vừa sanh xong. Người sinh viên gác lênh chênh một tay nắm hai chân đứa bé, một tay đỡ đầu nó dốc xuống, đem ra tắm và đem cân. Giọng nói lạ từ buồng bên đưa sang:
“Con trai thứ chín mà cũng được ngót bốn cân khá quá!”
Xen vào giọng nói trong veo của Trâm:
“Đẻ dễ như đi chợ mà cũng rên la như đẻ con so không bằng.”
Người đàn bà chừng như đã kiệt sức không phải vì đẻ mà vì đã rên la quá mệt, nằm kềnh ra nét mặt thản nhiên dáng tư lự. Sau khi thăm thai lần cuối cho Huyền, Mai rút chiếc găng cao su nơi tay bỏ lại vào hộp sắt trên bàn, chàng quay ra bảo Trâm:
“Chưa đâu, ít ra là nửa đêm nay chị ấy mới sinh, cô quanh quẩn ở đây cho chị ấy đỡ buồn.”
Có người y công vội vã vào mời Mai xuống phòng trực, Mai bỏ đi. Trâm đăm đăm nhìn Mai bước theo người y công ra khỏi cửa, mắt chớp chớp khi Mai vừa đi khuất; rồi nàng quay vào nói chuyện với Huyền những câu bâng quơ với đầu óc xôn xao những ý nghĩ, trong khi Huyền mệt ngủ thiếp đi lúc nào Trâm cũng không hay biết.
Đến giữa đêm sau một cơn đau dữ dội Huyền trở dạ đẻ - đẻ con so, thai nằm ngược đưa vai ra bên. Đúng như Mai dự đoán Huyền đẻ rất khó phải đưa vào phòng lạnh với bình dưỡng khí. Trâm phải phụ Mai trong thủ thuật và dùng forceps mới lôi được đứa con ra, lúc đó khoảng hai giờ sáng. Huyền mất khá nhiều máu yếu sức nhưng được cả hai đều mẹ tròn con vuông. Mai thức cho tới sáng chăm sóc Huyền không thấy mệt. Lúc rời phòng lạnh buổi sáng, đứa trẻ còn yên ngủ, Huyền sắc mặt tái, giấc ngủ có vẻ mệt nhưng yên tĩnh. Mai bước qua một dãy hành lang đầy ánh nắng, rẽ vào buồng riêng nằm kềnh trên giường ngủ quên thay áo và cả ăn sáng cho đến lúc Trâm gõ cửa đưa vào lẵng thức ăn mà Mai vẫn không hay biết.
°
Huyền tỉnh dậy nhìn xuống bụng xẹp hẳn khiến nàng tưởng sau cơn đau dữ dội nàng gầy sút hẳn đi. Đứa con đỏ hau nằm bên, trong tấm tã trắng còn nguyên mùi vải mới, đầu tóc mềm mướt dịu và lơ thơ. Huyền khẽ nghiêng mình cho khỏi động đến con, cúi xuống nhìn nó yên lặng. Nàng đinh ninh đứa con giống hệt bố nó; cảm giác sung sướng tràn ngập lòng người mẹ. Niềm sung sướng quá mạnh so với sức chịu đựng yếu ớt của nàng lúc này, Huyền bật lên khóc, bấy lâu nay sao Huyền thấy mình mềm yếu. Một cơn khóc tự nhiên không đâu hay tại nỗi sung sướng mạnh mẽ làm Huyền thấy mọi đè nén như vơi nhẹ hẳn đi. Mai đứng cạnh nơi đầu giường nhìn Huyền và đứa con dáng tư lự và trìu mến.
Sau lưng Mai, Trâm vừa bưng vội khay bông và dao kéo đi qua. Sang đến phòng bên nàng đặt mạnh chiếc khay xuống mặt bàn đá men trắng, nét mặt phụng phịu như hờn rỗi - các dao kéo nhẩy lên chạm vào nhau loảng xoảng. Trâm lo sợ có người biết rõ ý mình, đưa mắt ra sau; tuy không ai thấy Trâm vẫn phân vân, cúi xuống chăm chú xếp các dụng cụ vào thùng hấp và tự thấy cử chỉ của mình vừa rồi là nhỏ nhen và vô lý.
Huyền giơ tay đặt nhẹ lên tóc con mơn man; cổ tay gầy, một mấu xương hơi nhô ra, nước da trắng xanh. Có tiếng ồn ào từ phía mấy giường đầu phòng khiến Huyền chú ý. Thì ra là mấy bà Phụng sự Xã hội to béo phúc hậu đang ôm những chồng áo và quà đem cho các sản phụ và trẻ sơ sinh. Nét mặt mỗi bà mẹ lúc nhận được túi quà sáng lên rạng rỡ, Huyền thấy ở họ niềm sung sướng và cảm động chân thật. Khi tới giường nàng, một bà to béo dừng lại, vẻ phúc hậu trông từ xa lúc nãy không còn nữa, cách đánh phấn như trát và cặp mắt nhìn soi mói chỉ làm Huyền khó chịu. Bà ta cúi xuống nhìn đứa bé cười nựng rồi trao cho nàng một gói quà buộc dây gọn ghẽ:
“Cô cầm lấy để chút nữa mặc cho cháu.”
Huyền mặt nóng bừng như bốc cơn giận và cảm thấy bị xúc phạm tàn nhẫn. Nàng thấy mình không đủ lạnh lùng và can đảm từ chối nên chỉ quay đi. Cả một quá khứ buồn tủi và nước mắt lại dồn dập hiện về, nàng thấy căm phẫn đến nghẹn thở. Khi người đàn bà qua đi sang dãy bên kia, Huyền quay lại nhìn gói quà từ thiện, nhìn đứa con yếu ớt ngây thơ, cảm tưởng chua chát về dĩ vãng khiến Huyền can đảm với ý nghĩ hy sinh cho hạnh phúc đứa con. Trên giường bên, người đàn bà đứng tuổi vẻ nghèo nàn hiện lên mặt, nằm cạnh đứa con nhỏ gầy nhom, tay đang thận trọng mân mê những nút lạt đỏ buộc quanh gói giấy, rồi lại đặt túi quà lên ngực ôm khư khư lấy, mắt mơ màng nhìn lên trần và đang tưởng tượng sung sướng. Huyền cầm gói giấy đưa sang, nói khẽ yếu ớt:
“Biếu lại bà, tôi không cần.”
Người đàn bà lúc đầu ngạc nhiên nhưng cũng vươn người sang với lấy, rồi cẩn thận cất dấu gói quà của mình xuống dưới gối nơi đầu giường, xong mới chậm rãi mở nút lạt của gói quà mới được cho thêm kia. Người đàn bà như quên cả xung quanh, ngồi nhỏm dậy, giở bộ quần áo trẻ con bằng vải trắng thô bé tí teo ra mặc cho con, vuốt ve và ngắm nghía xong lại nằm xuống yên tĩnh, tay ôm con, tay cầm miếng xà bong thơm nội hoá nhỏ xíu đưa lên mũi hin hít. Huyền tưởng tượng đến hương thơm lưng chừng và hôi mùi dầu của miếng xà bong, cảm giác dâng lên đến buồn nôn. Vừa lúc ấy Mai đi lại phía Huyền:
“Chốc nữa tôi thu xếp đưa chị và cháu xuống phòng dưới kia vắng và dễ chịu hơn: ban nãy là một “cas” ở Bà Rịa đưa lên muộn và nguy cấp quá cần lấy phòng lạnh nên phải tạm đưa chị ra đây.”
Mai yên lặng nhìn Huyền, giọng êm và dỗ dành:
“Thôi chị chịu khó một chốc nữa, hai mẹ con xuống dưới đó tha hồ mà tĩnh dưỡng, chị còn đang yếu lắm... phải tẩm bổ nhiều mới được.”
Mai hiểu hết nỗi khổ tâm của Huyền lúc này dù Vũ không nói rõ. Mai biết người con gái lúc nào cũng bị một dĩ vãng ám ảnh, một dĩ vãng mà Mai biết trước đã ngăn cản chàng đến gần Huyền cho đến ngày nay.
Đổi xuống phòng mới được ít hôm, Mai vẫn đến săn sóc hai mẹ con Huyền đều đặn và vồn vã. Khi Huyền dọn về nhà, Mai vẫn phải tới thuốc thang cho Huyền, vì sau khi ở cữ lần đầu lại sanh khó, nàng đang còn yếu lắm. Mai chịu khó mua những thuốc quý mà nhà thương không có đưa tới cho Huyền và vẫn nói dối là thuốc có sẵn; sự có mặt của đứa con là cái cớ để Mai gần Huyền trong một trường hợp tự nhiên hơn. Với Huyền thì sự có mặt của Trâm, người yêu của Mai, của đứa con là một bấu víu tránh cho nàng một sa ngã.