PHẦN III - Chương 1

Toà báo là một căn nhà hai tầng cũ kỹ nằm giữa một dãy phố chạy dài. Mặt trước nhà trông ra phố luôn luôn được trát thêm vào những nước vôi mới dầy cộm lở long ra từng đám, để lộ những vết lổ lang trắng hếu không hình thù rõ rệt. Căn kế bên trái là một cửa hàng tạp hoá hỗn tạp, còn căn bên mặt là một cửa hiệu ăn tàu kế ngay một ngã tư trông ra hai mặt phố. Phía bên kia đường là lưng nhà ga với một bức tường dài siêu vẹo và lên rêu mốc thếch. Đó là nơi để cho những bác xích lô, tài xế taxi, những kẻ thất nghiệp lang thang không nhà đi bộ hơn cả nửa ngày đứng đó thản nhiên làm một việc giải thoát tối cần về sinh lý: đi đái. Toà nhà văn hoá của ông chú Vũ nằm kẹt giữa một thế ngã ba đường như vậy.
Vào những buổi tối thanh tịnh - cũng chẳng làm gì có sự thanh tịnh nơi đây, chú Tôn vốn dễ tính mà cũng phải càu nhàu vì chiếc máy phóng thanh của rạp cải lương cùng phố. Thế đã yên đâu, về khuya tiếng xe gắn máy, tiếng cười nói la hét của đám đông tụ tập trước các “bar” làm cho chú Tôn phải nhức óc. Có một điều mỉa mai cho chú Tôn là hàng ngày ông viết báo châm biếm tranh đấu cho sự yên tịnh của các xóm nghèo lao động nhưng chính ông không được vui hưởng điều đó. Chú Tôn thuộc về lớp người của thế hệ già. Hơn năm mươi rồi còn gì nữa, chú thường phàn nàn:
"Người Tây phương bảy mươi vẫn còn là tráng niên chứ người mình năm mươi đã là già quá rồi."
Từ ngày tới tuổi ngũ tuần, tự cho mình là già khiến chú muốn đứng trên và tách ra khỏi người khác. Mỗi lần tranh đấu cho sự sinh hoạt của một xóm nghèo thành công, người ta gửi thư tới để cám ơn chú: trong những lúc đó chú thấy mình khó tính và cô đơn hơn bao giờ hết. Buổi tối hôm đó, tiếng vọng cải lương từ một máy phóng thanh, tiếng la hét của bọn trẻ trong các “bar” và ngay cả tiếng tàu xe lửa rời bến cũng đều làm cho chú băn khoăn và khó chịu. Nếu cứ chịu khó phân tích mãi ra, thì đó là một thái độ ưu tư thoải mái về một lòng cao thượng được hy sinh miễn cưỡng cho hạnh phúc của đám người khác.
Mỗi khi tới gặp chú Tôn, phải đi qua phòng tiếp khách vào trong xưởng in, rồi leo lên một cầu thang hẹp dốc xoáy ốc và tối om. Trên sàn gỗ của căn gác tối tăm, chú Tôn bận chiếc quần ta trắng, một chiếc áo thung lót thoáng hơi, thoải mái nằm kềnh ngay trên sàn ván gỗ, mục kỉnh gọng đen gác trên sống mũi, hai chân vắt lên nhau và đạp lên thành tường, ống quần ta rộng trễ lên tới gối, để lộ một bắp chân khẳng khiu xanh rờn những đám lông khô quăn queo. Chú Tôn ngoài cái căn bản Tây học nửa vời còn được hấp thụ cái suy tàn của nền Hán học cũ. Trong bài báo, chú thường cố chêm vào ít câu chữ Nho. Làm như thế chú tin mình là tiêu biểu cho một lớp người Nho học thức thời, và có lẽ người ta cũng tin như thế. Bài báo do chú viết là đầy rẫy những công trình sắp đặt tiểu sảo, do chắp nhặt những chữ những âm lắt léo xếp vào vị trí đối nhau và cứ mỗi lần viết được một câu véo von như thế, chú quên cả sự già nua của mình, ngồi phắt dậy kéo cao gọng kính trên sống mũi, nắn nót viết lại và ngâm nga. Vũ không khi nào muốn có những ý nghĩ vẩn đục về ông chú. Mỗi lần trò chuyện, chú Tôn cũng chỉ toàn nói về những dự định và ước vọng cao xa. Vậy mà bọn làm báo khác cố tình gán cho chú bao nhiêu điều mất nết. Họ bảo chú thược về loại chuyên môn “bắn khỉ”; bắn khỉ hay “săn vịt giời” hay không Vũ đều không tin. Chàng vẫn nghĩ chú Tôn như một chiến sĩ tiền phong can đảm trong công cuộc bảo vệ luân lý và lành mạnh hoá xã hội. Trước những lời vu khống thoá mạ tới thanh danh chú, chàng bênh vực và cho rằng đó chính là những lời độc địa của những kẻ không ra gì và vô trách niệm. Nhưng khốn nỗi, nếu bình tâm mà xét cứ trông kỹ con người chú Tôn thì chàng thấy mình không còn đủ lý do để tự tin để bênh vực chú. Người chú Tôn gầy loèo khoèo, da chỗ nào cũng như ám khói xỉn xuống nhất là chỗ những đường rãnh nhăn nheo. Ngồi nói chuyện lâu với chú Tôn, người ta thường được chứng kiến những cái ngáp dài dàn dụa cả nước mắt như một người đói thuốc. Hơn nữa khi mà chú viết phóng sự về những nơi chốn “đi gió về mây” thì ai cũng phải chịu đó là ngòi bút của người kinh nghiệm sành điệu. Chú không mô tả với thái độ của một kẻ bươi móc, nhưng có mặt khắp nơi, từ chỗ ăn chơi đắt tiền sang trọng đến những nơi cùng khổ thối tha trong các ngõ hẻm không cả đèn điện không chút ánh sáng văn minh: dưới ngọn đèn dầu lạc lù mù, những bóng người mập mờ ủ rũ trong bóng tối, chờ được thuê chích chất ma tuý vào những mảng da dấp dính mồ hôi lẫn đất cát với một ống tiêm chuyền tay cáu bẩn cùng với mũi kim cùn duy nhất mà sở hữu là một gã ma cô khét tiếng lưu manh.
Dù cho ý nghĩ về chú thế nào, mỗi lần tới thăm chú Tôn, Vũ thấy mình như trở lại để chứng kiến một xã hội con con, nhỏ nhoi tối tăm, rẫy lên trong một thứ đấu tranh bất chợt, nhọc nhằn để bấu víu lấy sự sống đôi lúc cảm thấy rõ là thừa thãi không đâu. Cuộc sống cứ vẫn diễn ra như vậy bấy lâu nay dù có hay không có chàng trên cõi đời này.
Trời bắt đầu nắng lên, mùi khai bên kia đường bốc sang nồng nặc. Vỉa hè tráng xi măng bị lún và nước đọng vũng nhiều chỗ. Những chiếc xe chạy qua, những người đi bộ phía trước mặt, không ai để ý đến ai, tất cả vẻ mặt thản nhiên đến vô lý. Những bóng cây đứng yên. Trên cao những đám mây lững lờ trôi và tản mạn đi nhanh theo chiều mỗi cơn gió lốc. Một chiếc xích lô đậu trên vỉa hè chắn ngang lối đi. Anh phu xe nằm kềnh, gác chân vạm vỡ lên thành xe lim dim ngủ. Vũ đưa mắt nhìn vào phòng mạch vắng tanh, cô y tá cắn cán bút để ánh mắt chạy theo những ý nghĩ lơ mơ.
Phòng mạch bác sĩ Lương Anh Khoa
Cựu nội trú bệnh viện
Phòng khám bệnh tồi tàn, nằm bên một quán “bar” trang hoàng sặc sỡ. Tất cả như một thách đố và bị bỏ quên. Vũ nghĩ không có khách thì Khoa lại mở sách ra học, Khoa học rất giỏi nhưng sự học quá nhiều không giúp anh khôn ngoan hơn các đồng bạn. Khoa chuyên về bệnh mắt và có quan niệm “tri túc” trong cuộc sống. Nhìn mấy cô gái chiêu đãi mặt đầy phấn son và đám thiếu niên trong quán “bar”, chàng liên tưởng tới câu nói mỉa mai của Huệ:
"Lẽ ra Khoa nó không nên chọn chỗ đó, nếu như muốn ở khu đó thì tao nghĩ nó nên đi chuyên môn về 'da liễu' có lẽ sẽ đắt khách hơn..."
Đến trước cửa toà báo, Vũ đứng sững đọc tấm biển sơn đã mờ, bước qua một khung cửa sắt kéo sơn xanh chỉ hé mở, từ trong quầy là một cô gái lạ:
"Ông hỏi chi?”
Chàng ngạc nhiên vì người con gái ấy không phải là Hà. Chàng nhìn thẳng vào mặt cô gái hỏi:
“Cô mới tới làm?”
Người con gái hơi tỏ dáng khó chịu:
“Không, tôi làm đây từ lâu. Còn ông cần đăng quảng cáo, rao vặt, chia buồn?”
Thêm một người khách nữa dựng xe đạp ở cửa bước vào, người con gái đón chào dáng quen thuộc, cười để lộ chiếc răng nanh nhọn trông có duyên nhưng hơi dữ. Người con gái quay sang nói chuyện với gã kia. Cô gái cau mày khó chịu khi thấy Vũ vẫn đăm đăm nhìn mình. Khi người khách kia đi ra, người con gái quay sang Vũ:
“Dạ ông cần chi?”
Chàng yên lặng rồi nói chậm rãi:
“Tôi muốn gặp ông chủ nhiệm.”
Cô gái lắc đầu quay đi nói giọng đanh đá:
“Tôi có thể tiếp ông mọi chuyện, ông chủ nhiệm bận và không tiếp khách.”
Có tiếng chuông điện thoại, người con gái vội lại nhắc ống nghe. Vũ vẫn nói với:
“Nhưng tôi cần gặp ông chủ nhiệm có chuyện riêng.”
Cô gái lấy một tay che ống nghe, hất đầu nói ra:
“Tôi đã nói là không được, xin ông đừng bắt tôi phải giải thích thêm.”
Đặt ống điện thoại xuống, cô gái đi ra nở nụ cười chiêu đãi như một cố gắng:
“Dạ, thế ông muốn chi?”
Chàng yên lặng giở ví lấy tấm danh thiếp trao cho cô gái:
“Cô đưa lên ông chủ nhiệm và bảo tôi muốn gặp.”
Đợi một lúc người con gái nhanh nhẩu bước trở ra tươi cười, ánh mắt vui long lanh:
“Xin lỗi ông, tôi không được biết trước. Xin mời ông lên ngay, ông chủ nhiệm tôi đợi ông trên đó.”
Đi qua một đường hẹp, đến trước một cầu thang tối om. Phía trong, các máy in typo cũ kỹ đang chạy xọc xạch. Dưới ánh điện đỏ quệch ban ngày, mấy thợ phụ trẻ măng nhem nhuốc cúi nhặt từng tờ báo xếp thành chồng. Chàng đứng lại do dự thì một người thợ ngồi phía trong nói chõ ra:
“Cầu thang đó ông cứ lên.”
Chàng quay vào cười, trong ánh mắt người thợ nhìn ra phản chiếu ánh đèn điện chỉ còn là hai điểm sáng vàng long lanh. Cầu thang dốc và quanh co, bậc xi măng sứt mẻ xây cao và trông không rõ bước. Một lối đi từ trước tới giờ chưa biết ánh sáng. Chàng mò mẫm qua hai khúc rẽ và đứng trước ngưỡng cửa phòng toà soạn. Ánh sáng trắng bên ngoài cửa sổ chiếu vào lẫn với ánh sáng vàng của ngọn điện phía trong, bóng đầu người lố nhố và hỗn độn bên mấy chiếc bàn gỗ cao thấp ngổn ngang giấy bút, thư từ và bài vở là các bản in vỗ lem luốc.
Có người ngồi cả lên bàn, xúm xít quanh chỗ chú Tôn cười đùa nghiêng ngả. Giọng chú Tôn vẫn không khác xưa, khè khè và hơi khê nồng:
“Thế có giận không cơ chứ! Công trình giữ gìn bao nhiêu năm, rồi tự nhiên thằng thợ vô loại đó thừa lúc mình đang đọc báo sơ ý, đưa kéo cắt phăng đi, giận quá chừng mà không biết phải nói sao.”
Cả bọn kia thích chí cười ồ thì chú Tôn ngửng đầu trông thấy Vũ:
“Kìa cậu Vũ, vào đây lâu quá!”
Chàng nghiêng đầu chào mọi người, đưa mắt dò hỏi:
“Có gì mà vui thế chú?”
Chú Tôn xoè tay ra phân bua:
“Vui gì đâu! Chú thì bực thật sự mà họ cứ bảo chú đùa có tức không? Số là sáng sớm nay đi hớt tóc, chú ngồi đọc báo quên đi thì thằng thợ vô phúc lấy kéo cắt béng mất chùm râu hiếm chỗ nốt dưới cằm, thế có giận không cơ chứ!”
Chú vừa nói vừa đưa mấy ngón tay lên mân mê nốt ruồi nổi cục với mấy chân râu còn sót, mắt lơ đãng như tiếc nuối:
“Chú đã ráng giữ được mấy chục năm rồi chứ không đâu, lỡ cắt béng của người ta đi rồi nó cũng sợ cuống quýt, mình biết có làm gì đi nữa cũng không cứu vãn được... Chú tin mất chùm râu cấm đó là điềm xui lắm chứ không không!”
Thái độ nghiêm trọng của chú Tôn làm chàng có cảm tưởng chú đang thực sự hối tiếc một công nghiệp tốn bao công gây dựng khó khăn nay bỗng chốc tan ra mây khói.
Gã quản lý béo núc ních cất giọng cười hề hề:
“Cắt rồi lại mọc, cũng như tóc í, việc gì mà cụ lo...”
Chú Tôn quay sang gắt:
“Mọc là thế nào, cứ nhô ra được một chút thì cứng và sắc như kim ai mà giữ nữa...”
Xa cách bấy lâu bất chợt trở lại thăm chú Tôn, như phải bắt gặp lại một dĩ vãng loèo khoèo không mấy khoẻ mạnh và có phần yếu đuối hơn xưa. Chỉ bị mất mấy sợi râu cấm, chú Tôn có vẻ e ngại chân thành về một điềm không lành có thể làm thay đổi lớn lao cả đời mình. Mọi thay đổi dù thế nào cũng đều không hợp với sức vóc của chú Tôn ngày nay. Từ ngày xấp xỉ ngũ tuần, chú Tôn chỉ còn đủ sức để ôn lại một cách thiết tha những oanh liệt của thời quá vãng. Ai có dịp nói chuyện với chú Tôn mới hiểu được rằng chú đã từng có một thời trai trẻ cao xa, hơn xa bọn trẻ thời bây giờ. Ước vọng cao xa ấy được thể hiện bằng sự ngưỡng mộ những anh hùng cá nhân thời lịch sử. Chú nhắc lại các chiến thắng vẻ vang của Nã phá Luân như ôn lại những câu chuyện có liên hệ mật thiết tới đời mình. Mỗi lần mở miệng nhắc tới là một lời khen suýt xoa: “Trời gã hay quá, càng đọc và biết nhiều về “lui” càng không chê vào đâu được!” Ước mơ của chú là cả đời mình viết được một pho sách để đời nói về Nã phá Luân. Chú tin ở lòng thành của mình hơn là những rối rắm của sử liệu từ trước tới nay. Thêm nữa, cái thể xác gầy gò ốm o của chú tưởng như trói gà không chặt, vậy mà đã có lần trong đời đánh gục một lúc hai tên lính lê dương to cao và “say khướt”; chú còn có cả can đảm để tát một thằng Tây chủ sở để rồi sau đó bị thất nghiệp bao năm mới xoay ra nghiệp báo bổ ngày nay. Với sức sống như thế, ai cũng hy vọng chú Tôn thành công, ít ra ở những trang đầu của thiên anh hùng ca bất tận.
Rồi mọi người dãn ra, chú Tôn kéo Vũ về bàn nước. Chú hỏi thăm Vũ về những ngày qua với thái độ suýt xoa tầm thường đầy khuôn sáo. Đó là cái thay đổi đầu tiên mà chàng nhận thấy nơi chú. Chàng nghĩ thầm: chú Tôn lại đang giam mình vào những “cliché” định sẵn. Vũ định nhắc và hỏi chuyện Hà, em gái Tuân nhưng chú Tôn đã nhanh nhẩu nói ra trước:
“Chuyện cô Hà chắc anh chưa biết?”
“Dạ không mà sao?”
Chú đưa tay vân vê mấy chân râu ngắn, chép miệng nói:
“Chỉ tại chú tin anh nên nhận đưa cô ấy vào làm, ai ngờ xảy ra bao chuyện lôi thôi...”
Chàng yên lặng quan sát những nét thay đổi trên mặt chú Tôn, giọng chú vẫn đều đều:
“Cô ấy làm chưa được bao lâu thì phải, nửa năm sau, có lẽ hơn, lâu rồi còn gì, tôi cũng quên đi. Tôi không muốn nhắc tới dĩ vãng của cô ấy trước khi tới đây, điều mà chú đã giấu tôi. Nhưng nếu tôi biết trước...”
Chú lắc đầu ngao ngán tiếp:
“Cái ngữ ấy anh đừng mong gì đưa họ về một đời sống khác. Vẫn biết cô ấy gia đình dòng giõi gia thế nhưng một khi đã đi vào con đường đó không làm sao mà thoát ra nữa... Cô ấy được cái đẹp sắc sảo nhanh nhẩu nên mọi công việc giao cho tôi đều yên tâm. Nhưng khốn một nỗi đức hạnh cô ấy suy vi quá. Cô ấy phụ hết những lời hứa với anh và ngay cả lòng tin cậy của riêng tôi nữa.”
“Chú có biết cô ta đi đâu không?”
“Không, nửa năm sau, có thể hơn, tôi cũng không rõ vì một nguyên nhân gì đó, cô ấy xin thôi và bỏ đi.”
Hai bàn tay chú Tôn lúc đó như thừa thãi luống cuống, vớ ống điếu, vê tròn viên thuốc lào và ánh mắt thoáng chút bối rối. Một sự yên lặng thật nặng nề. Bao nhiêu câu hỏi chợt tới mà không qua đi. Chàng có ý định muốn gặp Hà và tìm Chi. Chú Tôn bảo Vũ qua làn khói thuốc lào thơm hắc:
“Chú khuyên anh đừng nên tìm kiếm mất công làm gì vô ích. Lòng tốt anh như thế là quá đủ rồi. Còn chú, thì câu chuyện đã được coi như quên đi.”
Vũ yên lặng không nghe lời chú Tôn nói. Sự nặng nề cũng qua đi khi chú quay sang bàn qua một vấn đề khác - câu chuyện về báo chí, chú ngỏ ý muốn rút lui từ nay:
“Anh nghĩ sao? Chú biết anh thích lại có ê-kíp bạn bè có khả năng, đây là cơ hội chú muốn giúp anh, anh nghĩ sao?”
Vũ đưa mắt nhìn đám người lô nhô trên những mặt bàn bừa bãi, góc kia một gã thiếu niên non nớt gục đầu trên cuốn Sélection cũ cặm cụi phiên dịch; gã thư ký trố mắt đọc bài hau háu như muốn nuốt một lúc cả đống thư; anh quản lý đang hì hục sửa chữa một bản vỗ cho tờ báo buổi chiều, trước mặt mấy bát chữ đã vơi: hình ảnh thu hẹp của một xã hội con con hỗn loạn vô tổ chức, mọi sự chỉ cần mong cho qua đi.
Chàng quay sang nhìn chú Tôn gọng kính đen thấp xuống sống mũi để lộ nguyên hai tròng mắt sâu và đen.
“Chú để cháu thu xếp gặp lại các bạn, nếu có thế nào xin gặp lại chú sau.”
Chàng có cảm tưởng trước mắt mình, tất cả những người kia như đang sửa soạn cắp túi ra đi, những chỗ ấy sẽ là chỗ ngồi của các bạn chàng những người trẻ tuổi hăng say, ao ước một điều gì mà nay sẽ là cơ hội thể hiện. Còn với Hà, Chi có thể đây là dịp trở về và giã từ hẳn cuộc đời bấp bênh sóng gió.
“Chú mệt, mệt đến vỡ cật, bao nhiêu năm rồi còn gì!”
Đó là câu nói cuối cùng của chú Tôn với chàng. Gã quản lý mặt béo tròn bóng nhậy, như chợt nhớ ra điều gì, xô ghế đứng phắt dậy, huỳnh huỵch chạy xuống cầu thang tối đen như đêm.
Giã từ chú Tôn, bước ra khỏi cầu thang, ánh sáng từ bên ngoài làm Vũ choáng váng. Người con gái đứng tiếp khách vẫn còn đó, gặp chàng đi qua cô ta cúi đầu chào và nhe đủ hai chiếc răng nanh nhọn vêu ra. Tiếng còi của chuyến tàu suốt mới tới ga, những luồng khói xám nhạt bay toả lên khỏi bức tường cao từ trong sân, loãng đi và tan ra. Tiếng rú của chiếc xe hồng thập tự có cắm cờ chạy vút qua. Khoa cũng vừa từ phòng mạch vắng khách đi ra, chiếc 2 CV con cóc cũ kỹ nhún nhảy trên bốn bánh trước khi chồm lên phía trước. Vũ đi ngược chiều khu phố để đến trạm xe buýt đầu tiên.