P II - Chương 8

Đại đang thiu thiu ngủ, mê man trong những ý nghĩ chập chờn. Căn phòng nhỏ thoáng và thừa thãi ánh sáng. Phía cửa sổ trông ra ngoài vườn là bãi cỏ xanh thoai thoải chạy dài. Cơn gió nhẹ đưa đẩy một cành cây khẳng khiu – lá đỏ và dài, vào phía trong cửa sổ như rục rã kêu gọi, từng chùm lá năm chiếc vỗ nhẹ phần phật theo cơn gió như những ngón tay uốn éo. Đại mở mắt nằm yên lặng tưởng tượng cảnh đẹp bên ngoài. Từ lưng đồi dốc thoải xuống theo một con đường mòn đất đỏ còn đẫm sương đưa tới một rừng thông với những bóng cây cao. Dưới một gốc cây thẳng vút, phía sau bụi cây thấp, thấp thoáng bóng một người con gái áo trắng rất quen. Người con trai ghé vào tai cô gái nói một câu rất khẽ, tiếp theo là một chuỗi cười trong veo như thuỷ tinh. Đại mường tượng như có tiếng thác nước đổ vào những tảng đá từ trên cao nghe như rất gần rồi thoảng xa ngân nga không dứt; tiếng thông reo qua kẽ lá theo gió trườn lên lưng đồi thoai thoải mang theo những hương thơm hắc của các bông hoa dại, thổi lùa vào buồng, khiến Đại thấy hơi lạnh và khoan khoái. Một cảm giác khao khát không đâu lại trỗi dậy, cành cây và chùm lá đỏ vẫn lấp ló phía góc cửa sổ bên ngoài như khêu gợi niềm háo hức rạo rực. Đại nheo mắt nhìn qua cửa sổ, khung trời xanh cao, những đám mây trắng mỏng và sáng nắng lững lờ trôi; qua khung sáng bên ngoài, Đại trông rõ từng sợi gân trắng hồng của mỗi chiếc lá, mặt dưới có phủ một lớp lông trắng như bụi phấn. Gió nhẹ và đều đặn làm tròng trành những chiếc lá, từng mảng đỏ dài chợt hiện ra rồi mất đi. Màu đỏ như chảy ra lớn dần khiến mặt Đại nóng và đỏ gay lên. Mọi thớ thịt trên mặt đang căng như thũng lại, các đường nét đau cau lên rồi chảy xuống với ý nghĩ về máu me và thương tích mà chàng phải gánh chịu. Một niềm thất vọng và ngao ngán không đâu xâm nhập tâm trí Đại với những nguyên nhân không rõ rệt, đó có thể là sự đều đặn buồn nản thường nhật cũng có thể là nguyên nhân của một chờ đợi khắc khoải bâng quơ.
Quả đấm phía cửa ra vào lách cách xoay đi nửa vòng, cánh cửa hé mở Huyền xẽ lách mình bước vào đem theo một khay thức ăn sáng với một nụ cười hiền hậu và rất tươi. Huyền cúi đặt cốc sữa lớn có đậy nắp trên chiếc bàn sắt con đầu giường, một chai nước lọc đầy còn nóng và một gói những thuốc viên.
“Đêm qua anh ngủ yên chứ?”
Đại cảm động về sự chăm sóc ân cần của Huyền đối với mình, chàng đăm đăm nhìn Huyền đẹp lộng lẫy và đơn giản với tất cả tươi sáng tượng trưng cho hy vọng của cuộc đời hiện tại. Biết Đại nhìn mình, Huyền vẫn lấy vẻ tự nhiên và trên môi chúm chím một nụ cười. Đại không muốn gây một tiếng động lúc này, dù chỉ là một câu êm ái. Chàng có cảm tưởng những ý nghĩ khó khăn thất vọng và chán nản vừa qua không còn lý do để tồn tại nữa, tất cả đều bắt nguồn từ một chờ đợi mòn mỏi nay đã được như ý muốn.
Huyền đặt khay xuống ghế, đưa tay sửa mái tóc và đi ra phía cửa sổ, bóng dáng Huyền đẹp đều đặn nổi bật trên khung cửa sổ, sống mũi cao trông nghiêng hơi hếch lên, đuôi mắt dài đen và hơi nheo lại vì ánh nắng bên ngoài để lại vài nếp nhăn gợn lên đáng yêu. Màu trắng của chiếc mũ nhỏ trên mái tóc hanh vàng, màu trắng của chiếc áo cũng sáng lên không sao lẫn được với nước da trắng của cánh tay để trần qua tay áo ngắn. Huyền không quay lại nói một mình:
“Dưới đồi mát và thông reo vui quá...”
Huyền đang nghĩ tới đứa con nhỏ chốc nữa tan học về sẽ đi tắt qua con đường ngoằn ngoèo giữa các rặng thông, leo những từng cấp thoải ngang trên đồi để về nhà. Huyền tự nhủ: “Chốc nữa rẽ qua thăm chú bé xem sao”.
Lúc Huyền quay lại, Đại vội ngoặt đầu đi và lim dim ngủ. Đại ý thức được một niềm vui êm ả. Hình ảnh đẹp của Huyền đang thấm dần và lắng xuống. Khi Huyền quay bước ra thì Đại gọi giật lại:
“Cô Huyền, trưa nhờ cô vào viết hộ một lá thư...”
Huyền đứng giữa phòng, mắt long lanh nhìn Đại lắc đầu thương hại:
“Trông anh còn yếu lắm, cố tĩnh dưỡng nữa đi cho khá hơn cái đã...”
Trước khi quay ra khép cửa Huyền còn cười nói với:
“Chốc nữa xong việc mấy phòng kia, Huyền quay lại viết thư cho anh.”
Cánh cửa vừa đóng Đại nhỏm đầu dậy muốn gọi Huyền nhưng kìm hãm kịp nên lại thôi. Cách đây ba tuần Đại được máy bay trực thăng chở về y viện vì thương tích quá nặng. Tính mạng Đại trong những ngày đầu hiển nhiên bị đe doạ. Hỏi Mai, Huyền được biết Đại bị thương trong một vụ tấn công khi đơn vị đang hành quân. Huyền lại chạnh nghĩ tới Vũ trong một hoàn cảnh tương tự, chỉ có khác là Vũ bị mất tích – có thể Vũ cũng bị thương nặng như Đại nhưng bị bỏ rơi lại và đã chết hoặc còn sống nhưng bị bắt làm tù binh. Đối với trường hợp mất tích, Bộ chỉ huy rất dè dặt và không cho nàng biết thêm gì hơn.
Gần đây sức khoẻ của Đại đã khá hơn; đe doạ về cái chết cũng qua đi, nhưng Đại lúc nào cũng như có những ý nghĩ khó khăn. Huyền tưởng tượng Đại hẳn phải có một dĩ vãng bi đát ám ảnh cuộc đời chàng nên lúc nào Đại cũng có vẻ không vui. Rồi Huyền tự cho Đại là người cùng cảnh ngộ với nàng. Huyền có ý tưởng táo bạo là có thể lấy Đại với thân thể tàn phế hiện tại nếu nàng không bị ràng buộc về một quá khứ chưa xa...
Huyền lại đẩy chiếc bàn lăn nhẹ trên nền nhà phẳng của một hành lang dài hun hút và vắng ngắt. Vẫn những công việc thường nhật mỗi sáng: lấy nhiệt độ, tiêm thuốc phát thuốc, thay băng gần ba chục giường bệnh phải coi sóc, lúc đầu Huyền thấy mệt nhọc sau dần cũng dễ dãi và quen đi. Mai đang đứng trong buồng của một nạn nhân mới vào sáng nay; đứng cạnh là một y sĩ nữa mà Huyền không quen, hai người đang tranh luận bàn bạc, Mai cũng không để ý thấy Huyền đẩy xe đi qua.
Huyền đang nghĩ tới một tình trạng bấy lâu kéo dài vẫn chưa đi tới đâu: ở cữ xong đứa con, ít lâu sau khi về nhà, Mai xin cho Huyền đổi lên làm trong một y viện mà chàng tới phục vụ. Chính Huyền cũng muốn xa hẳn khung cảnh sống cũ mà nàng chẳng thấy vui gì. Câu chuyện Huyền đổi tới chỗ làm của Mai là điều mà chính gia đình Mai ngăn cản và tỏ rõ thái độ chống đối. Chắc Trâm cũng hiểu nhầm nàng và mang mối oán hận đau đớn. Còn Mai yêu Huyền, ý nghĩ đó cũng không sai. Sự nghiêm nghị hay rụt rè làm Mai không dám thổ lộ tình yêu với người con gái; hay vì tự trọng một lời hứa và lòng tin cậy của một người bạn làm Mai phải do dự. Với Huyền, nếu Mai hỏi thẳng và tỏ rõ tình yêu thì Huyền có đủ can đảm để từ chối. Huyền lại do dự trước trí tượng tượng quá xa của mình. Hay chỉ vì lòng tốt mà Mai muốn giúp mẹ con nàng? Huyền sẽ ân hận nếu lầm lẫn gán cho Mai về sự trông đợi một tình yêu mà chính Mai không có. Nàng có cảm tưởng mình đang mang nặng những ý nghĩ bội bạc về một ân nhân...
Đi hết vòng giường bệnh, lúc quay lại đẩy bàn về phía phòng trực, có tiếng Mai gọi giật Huyền lại:
“Chị Huyền!”
Huyền đang miên man trong ý nghĩ, ngơ ngác quay lại, Mai đứng đó dáng không vui nhưng cũng cố nhếch mép mỉm cười. Huyền bước vội lại chỗ Mai đứng, rồi như mọi lần trong công việc Mai thản nhiên gọi nàng bằng cô:
“Cô cho nước nóng vào bình cao su đem lại đây, rồi cô chịu khó đưa từng thìa cháo lỏng vào miệng bắt đầu cho ông ấy ăn một chút chứ...”
Theo vẻ đăm chiêu trên ánh mắt Mai, Huyền nhìn người bệnh gầy xọp và nằm dẹp xuống, da mặt khô, mắt trũng sâu, tóc dài quá mang tai trông càng thiểu não, hai mắt người đàn ông vẫn mở to nhưng dại đi. Những con kiến đen bò thản nhiên trên lồng ngực để trần giơ những chiếc xương bọc da khô.
Huyền ngước mắt nhìn Mai dạ một tiếng khẽ rồi quay đi. Mai cũng theo Huyền bước ra; đến ngoài hành lang Mai vừa đi vừa giảng:
“Hắn lạc vào rừng hàng tháng nay, ăn uống bậy bạ, mưa gió lại bị kiết lỵ bấy lâu không thuốc men, lúc khiêng về đây thì bệnh hắn đã nguy kịch quá rồi, vẫn đi ngoài như tháo cống, người rạc đi, cho thuốc đấy mà đã chuyển gì đâu.”
Huyền yên lặng, Mai giọng thấp xuống tiếp:
“Chắc chả hy vọng gì, vả lại...”
Mai ngưng lại quay sang hỏi Huyền:
“Cô có thấy kiến đen vẫn bò đầy trên người hắn không?”
Huyền khẽ gật đầu và tưởng tượng đến một xác chết đã để lâu, nàng cố tránh một liên tưởng đến tình cảnh của Vũ; Mai lại tiếp:
“Hồi còn đi học ở nhà thương tôi đã gặp mấy ca như thế: kiến bò trên mặt trên người mà không thèm xua đuổi là điềm sắp chết. Còn nước còn tát nhưng theo kinh nghiệm tôi linh cảm hắn khó qua khỏi đêm nay...”
Mai theo Huyền vào buồng trực biên toa thuốc và công thức nước truyền với đôi lời dặn dò rồi bước ra ngay. Huyền làm theo lời Mai dặn, tiếp nước muối tĩnh mạch, truyền túi nóng trên bụng và bắt đầu thử cho ăn. Chăm sóc người bệnh mà Huyền có cảm tưởng như đang mân mê một xác chết. Công việc làm xong, giao ca, Huyền về phòng thay áo để ra trường đón con.
Buổi trưa sau khi đọc báo thấy mục cáo phó nơi trang tư đăng tin ông Vượng chết. Huyền có ý định trở về ngay chiều hôm đó. Nàng vội vã sang báo tin cho Mai và xin phép nghỉ. Mai ngỏ ý muốn đưa Huyền về nhân tiện như chuyến nghỉ phép đi chơi xa. Huyền tỏ ý chần chừ e ngại, Mai hiểu ý và thôi ngay. Mai ra tận bến xe tiễn đưa hai mẹ con Huyền và cho biết có lẽ cũng về Sài gòn vào ngày hôm sau.
Huyền nao nức muốn mau chóng tới nơi nhưng dọc đường lại một chặng bị phá hỏng phải chờ đến tối mới sửa chữa xong... Huyền biết mình chỉ là kết quả của một mối tình lén lút và bất chính. Cha Huyền trước kia là một nhân vật tai mắt, địa vị không cho phép người cha nhận đứa con gái là con mình. Đối với người mẹ thì đó chỉ là kết qủa của một thời khắc buông trôi lầm lỡ mà bà muốn thực sự quên đi. Mẹ Huyền dứt khoát từ bỏ hẳn nàng để lấy người chồng thứ hai năm nàng bốn tuổi. Huyền được bỏ vào ký nhi viện cho các bà sơ chăm sóc, sống chung với những đứa bé mồ côi khác và mang họ mẹ. Đứa con gái trong đời nó chỉ thấy được mặt người cha vài lần không chính thức. Nếu trước đó có ai chỉ vào một người đàn ông khác mà bảo rằng đó là cha nàng thì người con gái cũng không làm sao biết nữa. Cho đến lúc người mẹ ra đi người cha bị thất thế, lúc đó tất cả thiếu thời người con gái được ghi dấu bằng những đau xót lắng dần xuống, chìm sâu vào cõi tiềm thức tối tăm... Ý nghĩ Huyền miên man, đó chắc chắn không phải nỗi buồn của người con gái trở về để vĩnh biệt một người cha thân yêu. Tin ông Vượng chết nàng không thực sự cảm xúc và cho đó như là một chuyện tất nhiên. Từ ít lâu sau ngày ông bị thất thế, ông bị đau yếu luôn nhất là chứng đau gan nó hành hạ ông. Đó là hậu quả của những năm thành đạt với tiệc tùng rượu chè. Huyền cũng ra đời trong khoảng thời gian đó. Các con ông hiện giờ bên nhà chẳng còn ai. Họ được ông gửi gấm đi Anh đi Pháp từ lúc còn bé, trừ một người con gái lớn lấy chồng và sống ở ngoài Trung. Nghe tin ông Vượng chết chắc cũng chả một đứa nào tính chuyện trở về, về làm gì khi mà cái chết của ông được coi như là hết, trong khi đó chúng nó có cả một tương lai sung sướng cần được trông nom và gìn giữ. Còn đối với bà vợ ông hiện tại thì cái sự thể ông chết cũng chả làm đời sống bà có gì thay đổi. Bà đã có một ý nghĩ khác thường từ lâu mà chưa dám nói ra: đối với bà thì ông coi như đã chết từ khi ông xuống dốc về nhà và nhất là từ khi ông bị bệnh sơ gan đau ốm. Hạnh phúc của bà bây giờ là trên cặp chiếu với con bài con bạc lê la. Cả một đời ông xoay sở và mưu toan cho vợ con, cuối cùng ông chết trong ý nghĩa bị bỏ rơi và cô độc. Chỉ còn một đứa con gái mà trước kia ông muốn trốn tránh vì thể diện, đến nỗi đã phải bỏ rơi nó trong âm thầm cay đắng không thương xót, thì hôm nay nó trở về để chia sẻ với ông sự bất hạnh và niềm cô đơn. Chính Huyền cũng không ý thức được ý nghĩa của một chuyến về như thế. Vì hiếu đễ hay ràng buộc của một nền luân lý lỏng lẻo và không còn đứng vững, chắc chắn không phải thế. Hay chỉ vì lòng thương hại, nếu thế thì người con gái còn nhiều chua chát và kiêu ngạo quá. Nhưng có lẽ là tất cả. Vì chính nàng cũng không phân tích và nghĩ như thế. Khi về đến nơi thì người ta đã liệm và đậy ván thiên. Nàng thấy tiếc không được tự tay vuốt mắt người cha trong ý nghĩa một vĩnh biệt cuối cùng. Đám tang cử hành trong ồn ào náo nhiệt giả tạo lúc đầu, rồi vắng lặng và trơ trẽn sau đó. Huyền thấy rõ vẻ không thực buồn rầu của những kẻ không thực lòng thương yêu nhau. Rồi tất cả cũng đi vào êm thấm. Lúc Huyền sắp sửa ra đi, vì nơi đây từ nay không còn một ràng buộc nào với nàng nữa, thì người vợ cha nàng hỏi gạn:
“Trông cháu ngoan quá, thế anh ấy đâu mà không về cùng?”
Nàng biết trước ý nghĩa của sự châm chọc hèn hạ nên cố giữ vẻ bình tĩnh. Huyền nghĩ trong cuộc sống nếu đã không gây được cho nhau những hình ảnh êm đẹp thì cũng chẳng nên gây đổ vỡ làm gì:
“Nhà con bận công tác theo sư đoàn nên không về được...”
Bà làm bộ buồn rầu bảo Huyền:
“Thôi thầy mất đi rồi, các anh chị thì đi xa cả, cô với cháu ở lại đây cho gia đình đoàn tụ ấm cúng...”
Giọng bà làm như cảm động thật sự:
“Thật cứ nghĩ đến cô là tôi lại nhắc nhở hỏi han, mà thầy thì... thì...”
Bà Vượng đang nói một điều mà biết chắc người con gái sẽ từ chối, như thế ít ra bà cũng được cái tiếng rộng rãi bao dung. Bà nghĩ: ví như mà nó có nhận lời đi nữa cũng chả thiệt hại gì, lại có đứa trông nom nhà cửa giúp đỡ.
Huyền cố giữ giọng dịu nhẹ:
“Con đang phải đi làm, chỉ được phép nghỉ mấy hôm thành ra sắp phải trở lên lại...”
Huyền ngước mắt lơ đãng nhìn lên bàn thờ chỗ đặt bài vị ông Vượng hình ảnh thời còn phương phi cốt cách; qua khói hương toả mờ, nàng có cảm tưởng ông đang nhìn xuống cười chua chát.
Bà Vượng vẫn vẻ nài nỉ khách sáo:
“Thôi cô nói sao tôi cũng biết vậy! Nhưng cứ nghĩ rằng thầy mất đi rồi thì có dịp hãy về mà xum họp cho vui...”
Huyền vẫn cố chống đỡ hàn gắn để tránh một tan vỡ cuối cùng và nàng quyết định sẽ dắt con ra đi vào ngày mai.