P II - Chương 12

Khi tiếng còi tàu réo lên đàng xa, Quy có cảm giác kinh hoảng như tiếng la hét thất thanh trong tâm hồn mình. Đợi một lúc đoán chừng đoàn tàu đã qua đi, Quy quay sang bảo chồng vẻ lo lắng:
“Anh ấy có chắc lên thoát được không anh? Em lo quá.”
Kính trong bụng vẫn áy náy, phần vì số phận của bạn, phần vì lúng túng cho mình khi chút nữa đây bọn người kia kéo đến chàng sẽ ăn nói với họ ra sao. Nhìn sắc mặt xanh lợt của vợ dưới ánh đèn, chàng thấy lòng tràn đầy thương hại. Kính lấy giọng bình tĩnh nói cứng:
“Chắc chắn là anh ấy qua, bình yên sáng mai anh ấy ở trên tỉnh rồi, có sướng không?”
Tuy nói thế Kính thấy lòng vẫn e ngại. Chàng bước dọc theo căn phòng ngoài, tiếng guốc gõ trên sàn gạch rất nhẹ. Quy chỉ nghe tiếng mặt guốc đập lách tách vào gót chân mỗi lần Kính nhấc chân lên. Căn phòng sáng ấm cúng, hai vẻ mặt lo âu đè nén, ai cũng nghĩ là đêm tối bên ngoài đầy những hăm doạ và đầy nguy hiểm. Quy đang cố tưởng tượng cảnh Vũ ẩn náu trong rừng cây bên đường rầy, mệt quá ngồi ngủ gục và thiếp đi, chuyến tàu đêm đã chạy qua mà không hay và chàng vẫn ở đó ngồi chờ vô vọng cho tới sáng.
“Khuya rồi, đi ngủ đi em.”
Nghe chồng nói nhưng Quy vẫn ngồi yên trên ghế. Kính bảo vợ “đi ngủ” như một cái lệ mà đến đêm nay chàng vẫn muốn giữ để tỏ mình còn bình tĩnh. Trong đầu óc Kính hỗn loạn bao nhiêu câu hỏi bao nhiêu là ý nghĩ: Bọn kia mà trở lại thì sao? Chúng hỏi Vũ sẽ nói làm sao? Nếu chúng đập cửa, không mở - chúng phá cửa mà vào dễ dàng. Không thấy Vũ chúng để yên hay bắt chàng hoặc Quy làm con tin. Nếu bọn chúng xúc phạm tới Quy làm sao mà che chở cho vợ. Ý tưởng bất lực đó khiến Kính đau xót. Mỗi câu hỏi nảy ra, ý nghĩ phức tạp khó khăn vẫn y cũ, không có câu trả lời. Kính tự nhủ sớm muộn chàng cũng phải rời bỏ nơi đây, chịu đựng hôm nay còn ngày mai, một chuỗi ngày dài lê thê, khó thở và đầy đe doạ.
Lúc hai vợ chồng nằm yên trên giường, cả hai cùng cố giữ im lặng. Quy tưởng chồng có thể ngủ yên nên cố tránh những tiếng ngáp dài. Còn Kính đoán vợ đã thiếp đi khi thấy Quy nằm yên không cựa mình - thường ngày Quy cựa mình trằn trọc luôn khi còn tỉnh thức chờ đợi một giấc ngủ chậm tới. Thỉnh thoảng cả hai cùng nghe thấy của nhau những chuỗi thở dài nhè nhẹ rung trên mặt gối. Họ chờ đợi trong lo lắng và nghe ngóng. Tiếng động nhỏ của một con chuột dưới chạn thức ăn trong bếp, một tiếng mối rơi từ trên mái xuống mặt bàn đều làm Quy kinh hãi. Kính thì cố gắng nghe và phân tích tiếng động tự bên ngoài. Chàng cảm tưởng như có tiếng bước chân trên mặt đường đang tiến lại gần, bước chân dồn dập của nhiều người, không chỉ một người - nhưng lắng nghe kỹ Kính thấy rằng nhịp bước chân chỉ là nhịp tim đập trong lồng ngực mình. Nhịp tim đập nhanh như có âm vang rung theo các mạch máu khắp mình. Chàng biết mình đang lo lắng sợ và hồi hộp: bàn chân thò ra khỏi chăn bắt đầu thấy lạnh và gây cho chàng cảm tưởng ghê sợ về sự chết chóc. Bỗng có tiếng ai lay động ở cửa. Mạch máu chàng căng lên và như đông cứng lại, sao Kính chưa bao giờ thấy mình lại lo sợ đến thế. Có thể Vũ thất thểu trở về, cũng có thể bọn kia quay trở lại. Tiếng động làm cho chàng như bị liệt trên mặt giường và không cử động gì được nữa. Nhưng rồi tiếng động như không có thoáng qua rồi im đi. Chàng như hoàn hồn, hơi thở trở lại đều và ấm áp. Kính lại lảng vảng với ý nghĩ và dự định “sớm muộn cũng phải rời bỏ nơi đây”, rời bỏ đám học trò quê chất phác mà chàng rất mực thương yêu, chàng không nỡ bắt Quy vợ chàng vì mình mà phải quá đỗi hy sinh. Quy chọn lấy chàng tức là rời bỏ tất cả để ra đây sống, với ý nghĩ đó làm Kính cảm động và thấy có bổn phận phải che chở và đền đáp. Chàng quay lại nhìn qua bờ vai và chiếc gáy trắng của vợ lờ mờ trong bóng tối; Kính nằm sát lại kéo Quy vào lòng, với cảm tưởng cơn sóng gió như vừa qua đi và những đe doạ nặng trĩu thực ra không có nữa.
°
Mặt trăng khuyết mỏng treo chênh vênh về phía tây, những vì sao trên cao như càng xa thêm, nhỏ li ti chiếu sáng, ánh sáng nhẹ và yếu ớt chưa kịp thấy rõ đã tắt mất và Vũ nhận ra bên cạnh đó còn vô số những vì sao nhỏ li ti hơn thế nữa. Cả bầu trời xám ngả dần sang trắng đục. Đến bây giờ trời vẫn chưa muốn sáng. Chàng đưa bàn tay lạnh buốt lên vuốt mặt, vuốt những vết máu đã đọng khô cứng. Quần áo thấm đầy sương đêm ẩm ướt, toàn thân như tê liệt mỏi rần. Chàng lúc này mới biết mình đang nằm trên dải đất đầy đá vụn và lô nhô những thân cỏ gai khô cứng và ướt xũng. Cạnh sắc những viên đá dưới lưng như muốn đào móc sâu vào da thịt chàng. Vũ nằm yên trơ ra không còn muốn cựa quậy hay làm một cử động nhỏ nào nữa. Trong tối tăm vắng lặng, chàng nghe rõ hơi thở mình mệt phều phào, nhịp tim đập yếu ớt và nhanh trong lồng ngực bên trái. Vũ vẫn đưa tay mò mẫm từ mặt xuống thân mình, tìm kiếm những vết thương và chỗ máu đọng. Vết thương chỉ là những đường sây sát vấy máu và không sâu. Sờ nắn được tới vết thương nào Vũ mới cảm thấy chỗ đó bắt đầu đau nhức. Trong đầu óc chàng vẫn còn văng vẳng tiếng còi tàu phía xa, kinh hoảng hãi hùng. Chàng bỗng giật mình nhỏm dậy, tiếng chó sủa rộn phía trong xa rồi bặt yên tĩnh. Con đường sắt dài mất hút vào đám sương trắng đổ xuống mờ ảo. Chàng nghĩ và cố nhớ lại: mình đã ngất đi từ nửa đêm, bây giờ chắc khoảng bốn giờ sáng. Những sợ hãi về đe doạ đêm qua đối với nỗi chờ đợi đau đớn hiện tại không còn nghĩa lý gì nữa. Sáng nay chàng sẽ trở về bình thản với cái sẽ tới. Kính vẫn nghĩ rằng chàng đã đi thoát. Hôm qua sau khi lên quận làm chứng cho Tư Nên trở về vào buổi chiều, Kính bảo chàng có năm người lạ mặt tới kiếm. Không gặp Vũ họ hẹn sẽ trở lại và nhắn đừng có đi đâu. Kính bảo:
“Sắp có biến rồi, đêm nay thể nào tụi nó cũng trở lại, tôi chắc đó là bọn của thằng Vạn nó muốn thanh toán anh. Phải làm sao mà trốn đi đêm nay, không còn cách nào hơn. Pháp luật, pháp luật ở nơi làng xóm hẻo lánh này ư, muộn lắm, lúc đó tôi sợ anh chỉ còn là cái xác.”
Đe doạ đó thật hiển nhiên, ban đêm bọn đó có thể bắt chàng đi, lôi đến bìa rừng rồi đâm cho nát xác cũng không ai hay. Sống ở đây chàng thấy giá trị nhân phẩm chỉ tuỳ sức mạnh thô bạo, tính mạng như run dế. Kính bảo chuyến xe lửa suốt qua làng vào mỗi nửa đêm, tàu không dừng lại nhưng làm sao mà bám được lên tỉnh là chắc chắn thoát.
Chàng ẩn ngoài bụi rậm từ tối cho đến nửa đêm chờ đợi. Chuyến tàu đến đúng giờ, đen lùi lũi tiến trong bóng đêm. Tới nơi, chàng cắm đầu chạy ra, mấy toa tàu vút qua là những toa chở hàng đóng kín. Chàng cố sức chạy theo con tàu lùi dần, mạch máu căng hết lên, hơi thở như vỡ ra, chàng cố hít mạnh một hơi thở sâu, dùng toàn lực nhảy bám lên bục đứng của một toa chở khách, tay chới với bám lấy sợi xích vắt ngang. Một chân vừa đặt được lên bục đứng, đang loạng choạng, chàng bị mất thăng bằng bị giật văng về phía sau và ngã xuống. Toàn thân rơi đập mạnh xuống mặt sỏi đá. Vẫn không biết đau đớn, như một con vật bị thương say máu, bằng bản năng sinh tồn hung bạo tìm kiếm sự sống, chàng lại chồm dậy tiếp tục cắm đầu chạy tới. Con tàu dài thuỗn vẫn có những toa kéo lê đi. Cứ chạy gần tới chỗ đứng của một toa chưa đủ sức phóng lên, toa tàu đã lại bị kéo phăng đi. Mắt chàng hoa lên, toa tàu chót chạy qua trước mặt, chàng vẫn cắm đầu chạy tới vô vọng, trông theo bóng con tàu đen xa dần, đến lúc vấp phải mỏm đá ngã xấp mặt xuống và ngất đi... Chàng ngẫm nghĩ và thấy chua xót cho thân phận khi thấy mình phải lẩn trốn như một tên phạm pháp một kẻ sát nhân khát máu. Cảm giác bực bội bất lực của suốt đêm qua vẫn còn; cơ quan trên quận vẫn khư khư với định kiến cũ, không tin lời chàng là Tư Nên vô tội và ngộ sát trong lý do tự vệ chính đáng. Họ nghi kỵ, họ lại còn nhìn chàng dưới khía cạnh đồng loã của một âm mưu sát nhân. Chàng rủa thầm:
“Thật ngờ nghệch và ngu xuẩn.”
Giữa khoảng trống không cô quạnh, một bóng người ngồi gục mặt trên gối chờ đợi một buổi sáng. Mặt trăng khuyết vẫn trơ trẽn và lạnh nhạt phía đỉnh những lùm cây, các vì sao mờ đi vì những đám mây trắng bạc không biết tự đâu tới và từ lúc nào...
Vũ đứng dậy trở về nhà Kính buổi sáng sớm khi mặt trời chưa kịp mọc. Chàng không muốn người khác trông thấy mình với quần áo bị cứa rách và mặt mũi đầy thương tích. Vết máu khô bắt đầu co lại, Vũ cảm thấy như thế khi các khoảng lành lặn khác trên da mặt như bị kéo căng ra. Những mảnh đá sắc vụn cứa rách lòng bàn tay và lọt nằm yên bên trong gây cho chàng cảm giác sưng tấy nhức nhối khó chịu. Vũ thấy càng khó chịu hơn khi cứ nghĩ tới những mảnh đá răm đầy đất cát vẫn nằm yên trong da thịt chàng. Chàng tưởng tượng những mạch máu nhỏ bị dập vỡ, máu chan hoà cuốn theo những những đất bẩn thấm dần vào những mảnh thịt trong sâu. Chàng đinh ninh sau suốt một đêm nhiễm độc chàng có thể bị chết về uốn ván hay hoại thư. Ý nghĩ đó làm cho chàng gây gây như đang lên một cơn sốt. Hình ảnh một người con gái nhỏ gục mặt bên đầu giường khóc cạnh xác một người mẹ đang có chửa, hàm răng nhe ra xít lại, bắp thịt má nổi hằn lên như đang cười chua chát, toàn thân cong vút và cứng lại khi hấp hối, lại hiện rất rõ trong óc Vũ. Đó là hình ảnh kinh hoàng đầu tiên khi chàng bước vào năm đầu của trường thuốc.
“Không lẽ cuộc đời mình lại kết liễu thê thảm như thế!”
Mệt mỏi và lo lắng của một đêm thêm vào những cảm giác nhức nhối và đau đớn làm ý nghĩ Vũ chỉ lẩn quẩn quanh cái chết. Chàng có cảm tưởng như cái chết đó sắp tới và nảy ra ý nghĩ rất buông trôi:
“Giá đêm qua mình cứ ở nhà, bọn nó tới bắt đem đi có đâm chết cũng xong.”
Chính chàng cũng ngạc nhiên khi vừa có ý nghĩ đó. Đấu tranh dai dẳng với cái chết, với đói khát và chờ đợi khắc khoải tuyệt vọng, thoát về đây không lẽ chàng chịu nhận một cái chết tầm thường và dễ dãi như thế. Chàng sực nhớ đến đêm qua, lúc quơ tay với sợi xích sắt, chân vừa đặt lên bục thì mắt chàng hoa lên, các vòng tròn đỏ vàng da cam bật loé ra trước mắt như đứng trước một họng súng, tất cả vỡ dần, thân xác chàng rơi xuống và không biết gì nữa...
Bóng một người đàn bà choàng khăn đội thúng đi tới. Người đàn bà như không để ý đến xung quanh, là vừa có một người đàn ông thất thểu đi qua. Lúc này chàng thật sự thấy mình cô độc. Đó không phải là nỗi cô độc hiển nhiên trong rừng cây lạc lõng mà chính là nỗi dằn vặt cô đơn giữa đời sống. Quên nỗi thù hận hiện tại trong khoảnh khắc, chàng thấy mình đi giữa cuộc đời với thân phận bị lãng quên và thừa thãi. Vũ thấy mình không còn tha thiết với cuộc đời của chính mình nữa. Những tranh đấu những vùng lên bất chợt chỉ là ý nghĩa của một lòng kiêu hãnh vô ích. Vũ cũng biết thế. Chàng có cảm tưởng một lúc nào đó chàng có đủ bình tĩnh để tự chấm dứt đời sống mình mà không hối tiếc. Cái chết lúc đó cho chàng hiểu thế nào là tự do của thân phận mình không ai có quyền lấy đi hoặc xâm chiếm. Đến cổng nhà Kính, chiếc cửa gỗ thấp bên ngoài vẫn còn khoá, cửa bên trong đóng im ỉm. Chàng đoán sau một đêm lo âu, cả hai vợ chồng đều mỏi mệt ngủ muộn. Chàng nhìn dọc suốt con đường trước sau không một bóng người rồi trèo vào. Cánh cửa gỗ nhỏ mảnh mai lắc cắc như muốn gẫy. Vũ ngồi vào chiếc ghế dài đặt trước hiên, bụi cây leo phía ngoài che khuất một khoảng trời còn tối. Chàng co chân lên ghế ngồi gục đầu xuống gối, yên lặng như thế và tiếp tục theo đuổi ý nghĩ.
Khổ sở tự nó vô nghiã sau cái chết nhưng hình ảnh hiện tại gợi cho Vũ một ý nghĩ nhục nhã và đáng thương mà chính chàng không muốn thế. Sau này trở về, có thể chàng sẽ vào không quân hay hàng hải, lúc đắm tàu giữa biển cả chàng từ bỏ chiếc phao cũng như từ bỏ một “đời sống với” hay trong một lúc nào đó cảm thấy đời sống đã trả đủ hay thừa thãi, chàng sẽ lái một chiếc máy bay ra xa bờ Thái bình dương, nhoi lên cao trên cả các từng mây, giữa khoảng trời tím và mặt biển xanh bao la, chàng sẽ bình thản mà buông thả hết, để trở về với yên tĩnh của bể sâu, hoá thạch giữa những lớp địa từng mới gầy lên theo năm tháng... Tiếng một người đàn bà la hoảng lên:
“Ủa anh Vũ, làm sao thế kia?”
Kính chạy ra đứng sững trước mặt Vũ, ngơ ngác và không hiểu. “Mình sẽ phải nói làm sao đây?” Vũ tự hỏi mình như thế. Chàng ngồi yên cho Quy lấy bông thấm nước thuốc tím nóng hổi rửa những vết thương sây sát. Chàng mệt thẫn thờ và không còn muốn cất lên tiếng nói. Quy đứng sát trước mặt chàng một màu trắng toát tinh khiết, hương thơm từ người nàng toả ra ấm áp. Vũ như tỉnh táo dần và cảm giác dễ chịu. Còn Kính thì luống cuống xuống bếp sắp thức ăn sáng thay vợ. Mùi thơm từ chảo cơm rang bốc lên ngào ngạt, làm Vũ cảm thấy đói ngấu nghiến. Trước bàn ăn Kính tới tấp hỏi han. Vũ nhếch mép, vết sước bên môi bị kéo căng ra đau xót, chàng nói vắn tắt:
“Giữa đêm tàu chạy qua, tôi phóng người theo leo lên, có lẽ tàu chạy nhanh lắm mà hai tay tôi thì lạnh cóng, tôi tuột tay ngã sấp mặt xuống sỏi đá cạnh đó và mê đi tới gần sáng.”
“Thế mà chúng tôi cứ tưởng anh đã thoát đi từ đêm qua. Cũng may là bọn nó chưa trở lại, nhưng...”
Kính định nói nữa là “nhưng định tính sao cho đêm nay” nhưng khi thấy Vũ cúi gục xuống ăn chăm chú nên Kính lại im.
“Tôi tính cứ ở lại với anh chị, có ra sao thì ra. Sáng nay tôi với anh Kính tìm đường lên quận, trình bày sự thật và yêu cầu một biện pháp...”
Kính chăm chú nhìn Vũ, quay sang vợ, lắc đầu như thiếu tin cậy và e ngại:
“Ở đây cái gì cũng chậm lắm. Phải tự mình mà lo toan tính lấy thì hơn. Vả lại trên đó họ chưa biết anh ra sao, giấy tờ không có gì, lại đang rắc rối cái vụ thằng Vạn với Tư Nên, anh nói làm sao cho họ tin. Ngay đối với chúng tôi là chỗ quen biết nể vì mà chính tôi cũng chả tin cậy được gì nơi họ. Tôi đang bảo nhà tôi nói với thầy cho đổi vào trong đó chứ tình thế này không yên với tụi nó được đâu! Trước đây khi anh chưa tới tụi nó cũng đã gửi thư nặc danh yêu sách, đe doạ hoài. Tôi cũng tường trình tất cả lên cơ quan nhưng cho có lệ vậy thôi chứ ăn thua gì đâu, sớm muộn tụi nó cũng gây cho chúng tôi lắm khó khăn. Anh nghe tôi, nên tự mình tính trước đi thì hơn. Chuyện anh ngang nhiên bỏ đi hay ở lại ban ngày là không được rồi; thể nào tụi nó cũng cắt người canh chừng, ngay trên quận họ cũng muốn giữ anh lại vì nhân chứng cho vụ thằng Vạn. Anh vẫn chỉ còn cách đi thoát bằng chuyến tàu ban đêm...”
Vũ chăm chú nghe, Kính chách miệng nói tiếp:
“Chỗ xa mặt trời cái gì cũng khó khăn lắm! Anh hãy chịu khó ở nhà suốt ngày hôm nay đi, đừng vác bộ mặt sước sưng húp ấy đi đâu. Đêm nay cũng có chuyến tàu qua, đoạn anh đón hôm qua thẳng băng nên nó chạy nhanh lắm, nhất là bây giờ anh lại còn yếu hơn hôm qua nhiều. Chuyện nhảy tàu ở đoạn đó không còn được nữa. Chỉ có cách là đêm nay anh đi ngược theo đường sắt, men theo bìa rừng tới một khúc quanh của đường rầy ngay lúc tàu leo dốc một chiếc cầu sắt, tàu lúc đó chạy chậm lắm, vì có đi rồi nên tôi biết, anh đợi ở đấy mà thoát lên có lẽ dễ hơn...”
Quy vẻ mặt buồn rầu và lo lắng khi nghe chồng nói. Vũ có thái độ chán nản rõ rệt. Kính an ủi:
"Thôi anh chịu khó một chút nữa, vượt qua bao nhiêu khó khăn rồi, không lẽ còn một bước cuối. Thoát được đây vào trong đó, cuộc đời lại thênh thang hứa hẹn bao nhiêu là tươi sáng."
Kính mặc quần áo trước gương cố lấy giọng bông đùa:
"Anh vào đó trước đi, vợ chồng tôi sớm muộn cũng gặp anh ở trong đó, gặp anh thay đổi chắc chúng tôi sẽ ngạc nhiên lắm."
Chàng nghe lời Kính đóng cửa ở nhà ngủ li bì suốt hôm đó và lên cơn sốt gây gây. Quy và Kính đều đi làm, cửa khoá bên ngoài như thường lệ không ai nghĩ trong nhà có một người đang trốn tránh xã hội như một tội phạm. Dằn vặt về ý nghĩ đó càng làm cho chàng thấy mặt bốc nóng ran, toàn thân hâm hấp, trán dấp dính mồ hôi như cơn sốt của người bệnh lao mỗi buổi chiều.