P II - Chương 3

Tiếng gót giày đinh nện mạnh trên sàn nhà nghe rõ dần, bước chân như dừng lại trước cửa buồng. Vũ đặt bút xuống hướng ra phía cửa lắng nghe. Quả đấm bằng sứ xoay vừa một vòng, cánh cửa hé mở, Đại tươi cười bước vào, hất đầu hỏi Vũ dáng thân mật:
“Thế nào Trung uý, sửa soạn xong hết chưa?”
Vũ kéo ghế đứng dậy khẽ gật đầu trả lời:
“Coi như xong cả rồi, còn mấy thứ phụ tôi đã dặn trung sĩ Lực phải sắp đủ trước chiều nay.”
Đại ngẫm nghĩ một lát rồi quay sang bảo Vũ:
“Thế là chu đáo rồi, kể ra cũng không cần gì nhiều vì anh cũng không làm gì được hơn giữa mặt trận. Dù sao có anh đi theo tiểu đoàn cũng là mối an tâm cho nhiều người. Chắc anh không biết cách đây gần một năm trong cuộc hành quân tháng mười, một sĩ quan trợ y chết oan cũng vì không có y sĩ. Lúc đó trung uý Dương vừa được biệt phái qua Nhảy dù, tiểu đoàn chỉ còn lại mỗi sĩ quan trợ y, chuẩn uý Huy và mấy y tá. Lẽ ra Huy phải đi theo bộ chỉ huy tiểu đoàn thì không sao, đằng này anh ấy tận tâm xông xáo đến những cứ điểm chưa có an ninh thành ra... Anh ấy bị trúng đạn vào đùi, đứt mạch máu lớn, y tá thì không biết nên anh ấy bị chết vì hết máu trước khi về đến căn cứ.”
Nói đến đây nét mặt Đại nhăn lại dáng kìm hãm, như một cố gắng anh mỉm cười bảo Vũ:
“Đi trận lần đầu chắc anh cũng chưa quen, can đảm có thể anh có nhưng cũng chả nên quá xông xáo; cứ việc đi theo xát bộ chỉ huy chúng tôi, cũng nên nhớ anh còn có bổn phận với cả tiểu đoàn chứ không với riêng ai, bởi thế cần tránh hy sinh trong những trường hợp xét ra vô ích.”
Đại đứng dậy quay ra, giơ tay nhìn đồng hồ nói:
“Chỉ còn từ giờ đến sáng mai, tối nay sang dùng bữa với tôi, hẹn anh bảy rưỡi tối.”
Không đợi Vũ trả lời, anh quay ra thản nhiên khép cửa lại. Vũ trở lại bàn, trước mặt là lá thư chàng đang viết dở cho Mai hỏi thăm tin Huyền. Đại tới đã tránh cho Vũ những ý nghĩ khó khăn, khi Đại bỏ đi chàng không còn muốn viết tiếp nữa. Sự yên lặng trong căn buồng như ngưng đọng lại. Qua những ô kính vuông, ánh nắng chiều còn sót lại màu vàng đục, những hàng rào dây kẽm gai đan dày và chạy dài trên một khoảng đất khô cằn...
Từ ngày đổi về đây, Vũ sống những ngày dài bình thản. Công việc mỗi ngày chả có gì nặng nhọc, buổi sáng làm việc nơi bệnh xá, khám bệnh và phát thuốc cho mươi người lính với những căn bệnh thông thường. Buổi chiều và tối nếu không đọc sách để sửa soạn kỳ thi bệnh lý trong tháng tới thì chàng lại ngồi viết nốt tập luận án mới viết xong một phần ba.
Vũ đưa tay với quyển Procès mà Đại vừa cho mượn hôm qua, giở vài trang đầu ra đọc. Qua hết một trang mà tâm trí Vũ vẫn để đâu đâu. Vũ nghĩ tới cuộc hành quân ngày mai, nhớ những lời căn dặn của Đại như giọng của một người anh, bất giác chàng lắc đầu tự mỉm cười: với Vũ, Đại vừa là cấp chỉ huy, một người bạn và cũng là con bệnh kinh niên của chàng. Đại bị đau dạ dày lại thêm chứng yếu gan nên cách ăn uống của anh rất khó khăn. Vũ vẫn bảo đùa:
“Anh tập cho được cái tính vô tâm thì bệnh gì nơi anh cũng hết.”
Nghe Vũ nói thế Đại chỉ nheo mắt cười. Hình dung nét mặt Đại Vũ thấy như đã từng quen. Vầng trán Đại cao tóc thưa và hói, cặp mắt anh sáng quắc lúc ngước lên nhưng bình thường khuôn mặt đượm vẻ tư lự u tối, với đôi mắt sỉu buồn dưới hàng lông mày lúc nào cũng hơi nheo lại như vật vã với ý nghĩ rầy xé suy tư. Nhưng khi cười, nụ cười anh thật cởi mở dễ dãi, mọi nỗi ưu tư như tiêu tan, mỗi lần Đại cười Vũ thấy chính mình cũng có cảm tưởng nhẹ nhõm. Đại là hình ảnh của sự nghiêm nghị đăm chiêu của thứ thầy tu khổ hạnh. Có lần Đại bắt tay Vũ giây lâu, trong một cử chỉ đơn giản, mắt anh sáng lên khi nhìn sâu vào mắt Vũ:
“Không hiểu tại sao gặp anh lần đầu tôi thấy mến và tin ở anh ngay. Sau này ngoài nhiệm vụ tôi tin chúng ta sẽ là những người bạn thân thiết.”
Đại nói giọng Bắc hơi nặng như thứ tiếng của vùng Bùi Chu Phát Diệm, thường uốn lưỡi đầu chữ “S” cong lưỡi ở vần “R” thành ra âm thanh phát ra có vẻ sắc cạnh và sít sao đến khó khăn. Hình như Đại lúc nào cũng mang nặng một đời sống tâm tư phức tạp và thầm kín không hề được thổ lộ. Vũ đến là một cơ hội để anh được nói ra. Sự quen biết giữa Vũ và anh đã vượt ra ngoài thông lệ của thời gian, đó là sự gặp gỡ khác thường của một thứ lòng tin “sét đánh”.
Buổi tối sau khi dùng cơm riêng với Đại, hai người cùng trở về phòng lúc trời bên ngoài đã tối hẳn. Mỗi người ngả lưng trên chiếc ghế mây kê gần chiếc bàn con dựa vào bức tường vôi trắng cạnh cửa buồng. Cả phòng chỉ thắp một ngọn đèn dầu nhỏ treo lơ lửng và toả sáng. Đại ngồi nghiêng trong một góc thiếu ánh sáng, nước da đen xỉn lại càng sậm xuống như chì của người có bệnh sốt rét kinh niên. Trong tranh tối tranh sáng Vũ thấy rõ cả những nét xương xương nhô lên và cả hõm đen trũng sâu xuống má anh.
Như một thói quen trước khi mở miệng nói hàm răng anh xiết lại làm nổi hằn bắp thịt trên má và những đường gân bên thái dương. Môi anh mím lại và mỏng ra khiến vẻ mặt anh càng co sắt lại, khô khan như một thứ tượng gỗ. Mỗi ý nghĩ anh nói ra vẫn như từ một sự đắn đo do dự; bắt đầu câu nói anh tặc lưỡi “chách” miệng một tiếng:
“Mười lăm năm về trước tôi cũng chạc tuổi chú, chú cho phép tôi coi chú như em, nhưng tôi không có được một dĩ vãng tự do như chú. Thầy mẹ tôi người Nam Định, có lẽ bây giờ không còn nữa, nhưng tôi lại được đẻ ở Phát Diệm. Câu chuyện kể ra cũng hơi phức tạp, tôi sẽ kể không theo thứ tự mà theo trí nhớ của tôi. Đã lâu lắm rồi còn gì...”
Đại cúi đầu châm một điếu thuốc hút, chấm lửa đỏ loé lên rồi lu dần, sau cái tặc lưỡi anh lại kể giọng đều đều:
“Sau này tôi mới biết rằng thầy mẹ tôi trước kia không có đạo. Nhưng do vụ xáo trộn trong tỉnh thì thầy tôi, hồi đó còn trẻ bị tình nghi và bắt giam. Mẹ tôi lo lắng chạy chọt ròng rã bao lâu mà thầy tôi vẫn không được tha. Sau đó mẹ tôi được chỉ tới một ông cố đạo người Pháp để nhờ can thiệp và quả nhiên thầy tôi được thả ra sau hai năm bị giam giữ.”
Đại ngưng một lúc, rít một hơi thuốc dài, quay sang nhìn Vũ lại “chách” miệng nói tiếp:
“Tôi không ngờ câu chuyện đến đó lại ảnh hưởng tới cả cuộc đời tôi sau này. Theo lời khuyên ông cố đạo, gia đình tôi dọn hết về Phát Diệm làm ăn, cũng như đi lánh nạn và gần chỗ được che chở. Rồi đúng như sức mạnh lòng tin của những kẻ mới trở về, thầy mẹ tôi ngoan đạo và tin tưởng mãnh liệt. Kết quả mà chắc chú không thể ngờ được là cả nhà ba anh em con thầy mẹ tôi đều được gửi đi tu...”
Chừng cái công việc khơi móc lại cả một dĩ vãng bị chôn sâu làm anh cảm động, nên Vũ để ý thấy giọng anh thấp xuống và hơi run run. Anh khẽ xoay mình trên ghế, đưa một bên lưng về phía Vũ rồi nói qua hơi thuốc dày đặc hắc và ấm:
“Người anh cả và chị tôi đã theo được đúng như ước nguyện sâu xa của thầy mẹ tôi. Chị ở lại sau vụ di cư và tiếp tục sống trong một tu viện ngoài Bắc, còn anh tôi thì di cư vào Nam sống một đời linh mục bình lặng và ngày hai buổi lái xe đi dậy học. Đã lâu lắm tôi không được tin gì của anh tôi, nhưng chắc cuộc đời bao nhiêu năm sau của anh tôi vẫn thế chả có gì thay đổi.”
Ý tưởng đầy vẻ chua chát, giọng anh trở lại đều đều và bình thản:
“Thầy mẹ tôi chắc chắn sẽ hoàn toàn toại nguyện nhắm mắt nếu không có một thằng con như tôi... Ít lâu sau khi được gửi vào tu viện, ở cái tuổi mười hai chưa hề biết lo nghĩ và hiểu biết, tôi luôn luôn bị cảnh cáo về “tính nết khác thường” của tôi. Để chiều lòng thầy mẹ và cha bề trên tôi cũng tỏ ra cố gắng. Và cũng nhờ sự giáo dục kiên nhẫn và đều đặn tôi nghĩ mọi khó khăn cũng sẽ qua đi, rồi có lúc tôi được sống yên ổn trong sự an thái của một đời sống mới.”
Rồi chừng như thấy rõ được sự ngạc nhiên trên nét mặt Vũ, Đại quay sang khẽ mỉm cười:
“Chắc chú thấy tôi đang kể những điều không liên quan gì đến đời sống của tôi hôm nay.”
Yên lặng một lúc, không đợi Vũ trả lời, Đại kể tiếp:
“Nhưng rồi càng được dạy dỗ mở mang tôi càng ý thức rõ rệt được sự chán nản đến cùng độ. Thì ra tôi hèn nhát lắm, cũng bởi lúc đó bao nhiêu ràng buộc chặt chẽ và khắt khe quá khiến tôi không đủ sức mà ruồng bỏ hết được. Và rồi kết quả bề ngoài theo năm tháng tôi đến dần chỗ trưởng thành song song với bao sứt mẻ và đổ nát bên trong. Học xong ban trung học, trong lúc các bạn khác đồng lứa với tôi ham mê triết học thần học siêu hình và văn chương thì tôi lại say mê môn toán pháp, cũng từ đó tôi mới ý thức được rõ hơn tính nết khác thường của tôi trong cảnh sống như thế. Tu viện thiếu người dạy về khoa học, tôi đặc biệt được phép gửi sang học trường Khoa học. Có thể nói tuổi thanh niên của cuộc đời tôi trải qua một khúc rẽ quan trọng từ đấy...”
Anh lại ngừng, vứt điếu thuốc dở tắt dụi trên tay, mặt anh mất vẻ bình thản và hơi cau lên, anh “chách” miệng một tiếng nét mặt dịu xuống rồi tiếp:
“Tôi lạc lõng trong một thế giới sôi động của tuổi trẻ nhiệt thành, bộ áo thụng đen tự làm tôi ngăn cách với tất cả. Tôi cảm thấy mất tự do và khó chịu về mọi hình thức mà tôi đang bấu víu. Ít hôm sau tôi trút bỏ bộ áo đen và ăn mặc bình thường tới trường. Tôi muốn hoà mình vào cuộc tranh đấu bình thường của đời sống. Càng ngày tôi thấy mọi nề nếp suy tư của tôi không khác họ, ngay từ một quan niệm sống căn bản. Những người bạn thân họ ngạc nhiên hỏi tôi; ‘Sao lại đi tu nhất là một người như anh’. Nhưng nền giáo dục khắt khe bấy lâu đã ăn sâu vào tâm trí tôi, bám chặt từ đầu lưỡi tới kẽ răng, lúc nào tôi cũng hùng hồn bênh vực trả lời như một cái máy. Tôi dùng đến những danh từ khó hiểu siêu hình, tôi hùng biện cho một điều mà chính tôi chưa thật biết và hoàn toàn tin tưởng. Tôi nhắc đến sự phước hạnh của ‘ơn kêu gọi’, của ‘mạc khải’ trỗi dậy trong tâm hồn tôi, nhiều nữa... Có một điều mà tôi ý thức chắc chắn được rằng, năm mà tôi là một đứa bé mới mười hai tuổi thì những danh từ đó đối với tôi cũng như sự huyền hoặc của sấm sét, sự xa lạ của các danh từ chuyên môn đại học với một đứa bé mới lớn. Chính tôi cảm thấy ân hận về sự giả tạo của mình, về những hùng biện cho những cảm xúc mà thực ra tôi không có. Điều đó làm cho tôi đau khổ và càng suy giảm lòng tin, một lòng tin mà cho đến bao giờ tôi cũng cảm thấy sâu xa là cần thiết. Lại một sự kiện quan trọng nữa trong hai năm học giở dang ở Khoa học, một người con gái đã ngỏ lời yêu tôi. Và tôi tránh được sa ngã đó nhờ thôi học và đúng lúc tôi được thụ phong. Phải nói rõ là tôi cũng yêu mến đến khát khao người con gái kia. Sau đó tôi sống trong hình thức một đời sống với hai bộ mặt. Tôi sống đầy đủ và thật trọn vẹn đời sống bên ngoài trong vòng ba năm ở nhà thờ xứ của một vùng mới được định cư xa xôi. Rồi bi thảm đã tới trong một buổi lễ cuối năm do tôi đứng chủ lễ. Đúng vào một ngày mưa to gió lớn bất thường như bão rớt từ đâu xa... thì nhà thờ bị một cơn lốc thổi tốc mái và xập xuống. Trước mắt tôi là cái chết thê thảm của mấy giáo dân ngoan đạo, cũng may lúc đó mọi người tản mạn ra về gần hết, duy tôi còn sống sót. Nhắc đến đó hiện tại tôi xúc động. Tôi thấy mình bất lực và trơ trẽn... Tôi không còn nhớ lại được gì nữa, chỉ biết ít lâu sau khi nhà thờ được xây cất lại, chính tôi cũng không hiểu vì những lý do mạnh mẽ nào mà tôi từ bỏ áo thầy tu... Tôi tranh đấu trong sự dè bĩu của quyến thuộc và đầy gian nan, tôi quay trở lại học thuốc cho đến năm thứ ba. Tôi tìm gặp lại người con gái trước kia và cưới nàng làm vợ. Tôi vừa đi dạy vừa đi học và ít lâu sau chúng tôi có được một đứa con. Vợ tôi cũng có đạo nhưng tư tưởng có phần tự do phóng khoáng, chúng tôi sống hoà hợp và dự định bồng bột những tương lai sắp tới. Có một điều rất lạ là học thuốc nhưng tôi lại rất khiếp sợ máu và xác chết. Vượt xong mấy năm đầu tôi thấy đó như một thử thách lớn lao...”
Đại quay người trở lại hướng về phía Vũ, mắt long lanh:
“Chắc chú cũng ngạc nhiên là ‘tính sợ máu và xác chết’ lại đưa tôi tới đây?”
Đầu anh ta hơi cúi về phía trước, hất lên theo hơi thở như có một tiếng nấc, giọng anh lại không đều và ngắt quãng:
“Thế rồi... thật khốn nạn, đứa con yêu quý độc nhất của chúng tôi bị chết, chết trong một trường hợp thê thảm. Buổi sáng tôi đưa nhà tôi và đứa con tới bể bơi, tôi và nhà tôi tắm xong lên bờ ngồi đọc sách phơi nắng và nói chuyện, trong khi người ta rút nước bể bơi bất thường, đứa con tôi vẫn ngụp lặn tung tăng, nó còn nhỏ mà đã bơi khá lắm, nhưng sức nước chảy rút mạnh quá nó bị hút đầu vào ống tháo, người ta phải đập phá vỡ cống đi mới rút được đầu nó ra...”
Đầu anh gục về phía trước, anh nấc lên một tiếng và xoay lưng dựa vào thành ghế bên kia:
“Sau đó nhà tôi mê sảng và khóc lóc như điên. Rồi quá thương con, nàng đổ diệt hết tội lỗi lên đầu tôi, nào là tôi không thương con để nó phải như thế, nhà tôi lại còn đi tìm những nguyên nhân sâu xa hơn về một hình phạt của Chúa do tội lỗi tôi gây ra mà nàng và đứa con phải gánh chịu. Tất cả lời buộc tội đó làm cho tôi đau đớn quá sức. Rồi nhà tôi bỏ đi, sự học của tôi cũng dở dang, rồi số phận, cho đến bây giờ tôi tin là số phận đưa đẩy tôi, một người sợ máu và xác chết tới chỗ đứng ngày hôm nay... Lúc đó tôi không còn thiết tha một điều gì nữa, ngay chính cả đời sống bản thân tôi. Lẽ sống sau này với tôi đồng nghĩa với danh dự và cũng chính bởi quan niệm đó, đời tôi lại trải qua thử thách nghiêm trọng một lần nữa. Lúc đó đơn vị tôi đang đồn trú ở biên giới miền tây, đột nhiên chúng tôi bị gọi về thủ đô với vũ khí chiến đấu. Về đến nơi chưa kịp trở súng thì đã bị bao vây và bị uy hiếp phải đầu hàng. Tại sao người ta lại bắt chúng tôi phải đầu hàng? Trong chúng tôi ngay từ thời còn tại ngũ thời Pháp, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện có thể giơ tay đầu hàng dù là những phút hiểm nghèo nguy biến nhất... Chú cũng biết đã chọn một cuộc đời quân nhân chúng tôi luôn luôn đứng trước hai tình huống: danh dự và đầu hàng. Đứng trước sự kiện thứ hai chúng tôi sẵn sàng chọn cái chết, khi mà trong cái chết chúng tôi tìm được ý nghĩa của hy sinh và toàn vẹn danh dự. Chúng tôi được gọi về chiến đấu nhân danh bảo vệ chính nghĩa, dù cho đã bị lừa dối, sự hy sinh của chúng tôi đã bị lợi dụng, nhưng trước dân tộc chúng tôi vẫn chỉ là thuần tuý những quân nhân thiết tha với tương lai và vận mệnh của tổ quốc. Chúng tôi có thể trở về với chính nghĩa từ bỏ bước sai lầm nhưng chúng tôi nghĩ không thể trở về với ý nghĩa của sự đầu hàng... Bởi thế không thiếu các bạn đồng đội, dù ý thức được nghịch cảnh nhưng vẫn phải bước sâu vào sự lầm lẫn để nhận cái chết hết sức là phi lý. Nhưng nếu cứ nghĩ lại, là một quân nhân chân chính, yếu tố tâm lý đưa tới chấp nhận sự đầu hàng dù với hình thức nào cũng đều làm cho đối tượng đời sống họ mất hết ý nghĩa. Thật có một phép lạ mà tôi còn có thể sống và còn ngồi nơi đây. Tại sao chúng tôi có thể thoát chết khi đã dứt khoát có một chọn lựa trong một hoàn cảnh cực đoan như thế... Có lẽ người ta đã hiểu chúng tôi nên đã không có những đổ máu thêm vô ích...”
Đại yên lặng một lúc lâu, như sống lại y nguyên cảm xúc của dĩ vãng, những nét xúc động và đau dớn cũng dịu hẳn xuống, anh khẽ “chách” miệng tiếp:
“Tôi càng lăn vào sự đau khổ, tôi càng tìm thấy được thứ lòng tin đã mất, càng dấn mình vào cao độ của hy sinh của sự chết tôi càng tìm được ý nghĩa sâu xa của các danh từ xa lạ với tôi trước kia... Tất cả những đau thương của dĩ vãng mà tôi phải gánh chịu, tôi không cho đó là những hình phạt mà tôi nghĩ chính Chúa đã giúp tôi đi tìm được lòng tin mà tôi hằng thiếu thốn khát khao...”
Đại nói nhiều đến một lòng tin lớn mạnh trong đời sống anh. Vũ vẫn chăm chú nghe không còn biết đến bên ngoài mưa đang đổ nặng hạt và đã về khuya lắm...