Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 14
Cuộc mặc cả và sự lựa chọn

     ặt trời chiếu những tia nắng vàng rực rỡ trên vòm trời cao không một gợn mây. Trong làn gió thoảng nhẹ, người ta cảm thấy hơi hướm của mùa xuân đang tới. Các nông dân làm việc trên cánh đồng, hoặc trong những vườn cây đang đơm hoa. Nhưng Francisco không để ý đến họ, anh chăm chú nhìn phía trước, thúc ngựa liên hồi, và cuối cùng phóng đến lâu đài công tước Alper ở Solina. Tòa lâu đài được xây dựng trên một ngọn đồi cao. Anh giục ngựa vào thẳng trong sân, nhảy xuống đất, ném dây cương cho một người hầu chạy ra đón rồi đến nhấc tấm chắn cửa nặng nề bằng đồng đỏ.
Một người gác mở cửa, nhìn Francisco từ đầu đến chân, rồi dùng một cây gậy chắn ngang lối vào. Anh ta hỏi cộc cằn:
- Ông muốn gì?
- Gặp công nương. - Goya trả lời.
- Công nương vừa đến nơi. Người không tiếp ai cả.
- Nhưng công nương sẽ tiếp ta. Vào báo ngay cho công nương biết Francisco đã đến.
Vẻ mặt đàng hoàng và giọng nói chững chạc của anh làm người gác cửa e sợ, anh ta do dự một chút rồi rút gậy, nép sang một bên.
- Mời quý ông vào, xin quý ông chờ ở đây.
Anh ta để Goya đứng chờ trong một căn phòng nhỏ rồi mất hút.
Mấy phút sau, một cô hầu gái bước ra, dẫn anh vào một phòng khách rộng, trên tường có treo hai bức họa của anh. Cô hầu gái mời anh ngồi và nói:
- Tôi thật phiền lòng và ái ngại vì ngài đã mất công cho một cuộc hành trình dài như vậy, thưa ngài.
- Sao vậy, thưa bà.
- Đường sá xấu quá! Công nương quá cực nhọc vì cuộc hành trình dài mấy ngày đường, nên hiện giờ rất mệt mỏi.
- Thế dọc đường nàng cũng ngủ được chứ?
- Thật đáng ái ngại, công nương không ngủ được. Vì vậy phải để công nương nghỉ ngơi một chút. Vả lại, chúng tôi cũng chỉ mới tới đây được mấy giờ đồng hồ. Công tước phu nhân đã ra lệnh là không được để một ai đến quấy rầy, bất cứ với một lý do gì.
- Chính tôi đây mới thật ái ngại. - Goya nói với giọng cương quyết - Tôi buộc lòng phải làm trái với mệnh lệnh ấy.
- Thưa tôn ông, tôi xin tôn ông nể tình. - Người hầu gái năn nỉ - Tôi biết là tôi không được quyền nói với tôn ông những lời này nhưng xin tôn ông hãy trở về Madrid. Ngài không thể ở lại đây, công nương không muốn tiếp ai trong những ngày lưu lại đây.
Francisco không nghe hết những lời từ chối của cô hầu gái. Anh hỏi giọng hơi xẵng:
- Nàng hiện ở đâu?
Hoảng sợ. Cô hầu gái đưa mắt liếc nhanh về phía một cái cửa thông với phòng khách. Thế là đủ cho Goya đoán biết. Anh vùng đứng lên, mở cánh cửa chạy vào một hành lang hẹp. Anh đi qua một phòng khách nhỏ, nhưng không thấy có ai trong ấy. Cánh cửa thông với một phòng khác đóng kín. Goya đẩy cánh cửa, anh lấy đà quá mạnh, cánh cửa bật ra làm anh lao vào giữa phòng.
Maria Cayettana ngồi trước bàn trang điểm, đang chải mái tóc dài đỏ rực của nàng. Nàng nhìn thấy anh trong gương, bật lên một tiếng kêu, vùng đứng dậy, đánh rơi cả cái lược.
- Sao anh lại dám xông vào phòng riêng của tôi?
Francisco nhận rõ vẻ tức bực của nàng chỉ là giả tạo, nên anh cũng gặng hỏi lại bằng một giọng như thế, vừa bước lại gần nàng.
- Sao em lại dám bỏ anh để trốn chạy như vậy?
Nàng cúi mặt và quay đi chỗ khác.
Francisco nắm lấy vai nàng, ngón tay như bấm sâu vào da thịt, nhưng nàng không động đậy, mặc dù anh làm nàng bị đau.
- Maria, em có trí nhớ đầy đủ và sáng suốt. Em không thể quên rằng, anh đã nói là anh yêu em. Anh không nói dối. Và anh cam đoan với em, anh không chấp nhận tình yêu một cách nông nổi hời hợt đâu.
Nàng nghẹn ngào, thổn thức, muốn đẩy anh ra. Nhưng Goya không còn tự chủ được nữa, anh ôm ghì lấy nàng trong một cơn điên mù quáng. Cuối cùng, anh chợt nhận ra là anh đã xé cả tấm yếm che ngực của nàng. Nhìn thấy bộ ngực trần ngà ngọc, anh rung chuyển từ đầu đến chân, bởi một cảm giác say đắm. Nàng cũng như được truyền cảm từ trong da thịt mình sự bồi hồi xúc động khó tả, nhưng nàng không thể dọc được những ý nghĩ trong đôi mắt anh.
Goya cũng nhận thức được rằng lòng ham muốn của anh không chỉ là những khao khát về nhục thể. Nàng có vẻ yếu đuối đến nỗi anh cảm thấy một niềm thương yêu đến xót xa tràn ngập cõi lòng. Anh ghì chặt nàng trong vòng tay, gắn môi anh vào đôi môi lạnh giá của nàng. Nàng để anh ôm hôn như vô giác, như mất hết cảm xúc.
Nhưng rồi, dần dần, cơ thể nàng bừng nóng, như được sưởi ấm bởi niềm khao khát nồng nàn, đôi tay nàng vòng lên quấn chặt cổ Goya. Môi nàng hé mở, chờ đợi Francisco nhấc bổng nàng lên, bế nàng âu yếm đặt vào chiếc giường lớn có những cột rèm cổ kính.
Ép sát vào nhau, hai người lặng lẽ nằm yên. Song, ngay lúc đã nắm giữ hạnh phúc trong tay, Goya vẫn cảm thấy không hoàn toàn tận hưởng niềm vui trọn vẹn về chiến thắng của anh. Anh vừa chiếm được thân thể người đàn bà nhan sắc này, nhưng anh cảm giác không chinh phục được nàng. Nàng vẫn có thể tuột khỏi tay anh, chối bỏ tình yêu của anh. Anh mơ hồ nhận thức như vẫn còn một bức rào ngăn cách giữa hai người.
Maria Cayettana gục mặt vào vai anh thì thầm nói những lời không rõ. Francisco nghe nàng khóc thổn thức. Anh chẳng biết nói gì để an ủi. Nàng ngẩng mặt nhìn anh bằng đôi mắt đẫm lệ.
- Goya, em muốn nói để anh rõ, để anh biết sự thật. Triều đình đã trục xuất em khỏi Madrid và có sắc chỉ của Hoàng đế câu lưu em tại đây không thời hạn.
Francisco nhìn nàng, miệng há ra, hết sức ngỡ ngàng vì kinh ngạc.
- Đêm hôm ấy, khi em trở về, Don Manuel đã chờ sẵn ở trong lâu đài. Ông ta không cho phép em viết thư cho anh. Bọn lính không rời em. Em buộc phải lên đường ngay lập tức.
Bây giờ Francisco đã hiểu. Sự trốn chạy của nàng thực sự là như vậy. Những thắc mắc cuối cùng của anh được thông suốt. Anh như trút bỏ được gánh nặng đè trên tâm hồn. Anh mỉm cười dịu dàng, ôm chặt nàng trong tay:
- Em tưởng tượng rằng anh sẽ bỏ em vì em đang bị lưu dày sao? Anh yêu em, Maria, anh càng yêu em hơn.
Nhưng Maria Cayettana vẫn không nói hết điều quan trọng nhất. Nàng thấy thật vô ích khi phải nói thật cho Goya biết rằng, nàng buộc phải tuân theo lệnh chỉ của triều đình, buộc phải chịu khuất phục trước Don Manuel chỉ vì nàng muốn cứu Goya khỏi bị tù đày, có khi cả án tử hình trước tòa án giáo hội nữa. Nàng không nói, và sẽ chẳng bao giờ nói, nàng nhẫn nhục chịu nhận lệnh án của nhà vua chỉ vì nàng yêu anh.
Maria Cayettana hiểu thấu tâm hồn Francisco, như chưa từng hiểu thấu người nào như thế. Nàng thấy cần thiết phải giữ niềm kiêu hãnh ấy cho anh.
Lúc này, anh đã nằm đây, ngay bên cạnh nàng, điều đó chứng tỏ anh sẵn sàng chịu đựng mọi nỗi gian nan nguy hiểm vì nàng, sẵn sàng từ bỏ địa vị, tiền tài vì nàng. Nàng thở dài, cảm thấy hạnh phúc đầy đủ, lặng lẽ để những giọt nước mắt ràn rụa tràn ra và sung sướng đến ngất đi.
- Điều mà em tìm kiếm suốt đời đến đây đã kết thúc. Em yêu anh thật lòng, Goya!

*

Nhiều tháng đã trôi qua. Hai người yêu nhau sống ở Solina trong hạnh phúc tình yêu, xa hẳn mọi người, mặc dư luận bàn tán xôn xao về cuộc sống chung ấy. Tuy nhiên, nếu chỉ thế thôi thì cũng vẫn chưa phải là vấn đề ghê gớm. Nếu như mọi người biết rõ thời gian này, Francisco đã võ rất nhiều và đã dùng nữ công tước Alper làm người mẫu, như một người mẫu thông thường, thì tất thiên hạ còn phải kinh ngạc và lạ lùng hơn nữa.
Anh đã vẽ nàng trong rất nhiều ký họa, đưa hình ảnh nàng vào phác thảo trong những bức tranh lớn, vẽ nhiều chân dung nàng. Đối với anh, sắc đẹp của nàng làm anh có cảm hứng vẽ không biết mệt mỏi. Sau một thời gian khá lâu, kể từ ngày anh đến đây, anh quyết định vẽ nàng khỏa thân.
Không bao giờ một người đàn bà có phẩm cách cao quý lại có thể nghĩ đến chuyện có thể lõa thể đứng làm mẫu cho họa sĩ trong đất nước Tây Ban Nha khắc nghiệt này.
Nhưng đôi bạn tình chẳng bận tâm đến việc mà cả hai đều coi là bình thường. Bức vẽ hoàn thành, hai người vui suớng đặt cho nó là “Maja khỏa thân” để kỷ niệm đêm vũ hội hóa trang đáng ghi nhớ đã bộc lộ tình yêu thắm thiết từ lâu vẫn cố ẩn giấu và kiềm chế giữa hai người.
Ngay sau đó, trong đà hưng phấn, Goya lại bắt tay ngay vào vẽ một bức tranh giống hệt như thế, nhưng nhân vật trong bức vẽ lần này mặc đồ trang phục của cô gái “maja”, thứ y phục đỏm dáng và khêu gợi, mỏng đến nỗi trông rõ cả da thịt. Chưa bao giờ họa sĩ được biết một niềm cảm hứng kỳ diệu, một niềm say mê trong sáng tạo đến như thế. Cả cuộc đời, anh đã tìm kiếm tình yêu và anh đã khám phá ra nó trong vòng tay âu yếm của người phụ nữ kiều diễm bậc nhất Tây Ban Nha.
Nhưng Solina, miền lãnh địa hẻo lánh này, mặc dù xa cách với tất cả, nhưng chưa phải là một thế giới riêng của hai người. Một ngày kia, một đơn vị quân kỵ binh đến đã làm náo động khung cảnh yên tĩnh của lâu đài. Viên đại úy chỉ huy, xin phép được đóng quân trong một cánh đồng thuộc điền trang của nữ công tước và được nàng đồng ý. Viên chỉ huy còn cho biết thêm những tiểu đoàn khác sắp sửa hành quân qua vùng này, và binh đoàn lớn thuộc quyền điều khiển của bộ tổng tham mưu đang vận động hướng về biên giới Bồ Đào Nha.
Sau khi viên sĩ quan đi khỏi, Maria Cayettana cảm thấy lo ngại, bứt rứt. Vì vậy, khi Goya đi tắm về, nàng liền nói lại mọi chuyện và bày tỏ những suy nghĩ làm nàng lo lắng đến tình hình đất nước cho anh biết.
Anh chăm chú nghe nàng nói, nhưng khó đồng ý với sự lo sợ xa xôi của nàng.
- Theo anh, có thể Bồ Đào Nha có ý đồ gây chiến với ta. Chúng ta phải tập trung lực lượng ở biên giới phô trương sức mạnh, để đề phòng một cuộc xâm lược từ phía ấy.
- Thật kỳ quái! Người cầm quyền Bồ Đào Nha là một nhà lãnh đạo có thiện chí và tỉnh táo. Ông ta thừa biết nếu đụng vào Tây Ban Nha, lớn và mạnh hơn nhiều lần, thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại.
- Nếu vậy, thì đây chỉ là một cuộc hành quân tập trận bình thường mà thôi.
- Không! Kẻ thù đe dọa Tây Ban Nha chính là từ phía bắc, tướng Bonaparte. Nếu quân đội của ta diều toàn bộ lực lượng về phía Tây, tức là biên giới vùng núi Pyrénée bỏ trống, không có lực lượng chống giữ.
- Vậy, tại sao Thủ tướng Godoi lại hành động kiểu ấy. Nếu ông ta muốn để quân đội Pháp tiến vào nước ta, ông ta đâu cần phải đưa quân đội mình đến tận biên giới phía kia của đất nước làm gì.
- Cần chứ anh! Quân lính của ta là những người Tây Ban Nha. Họ không muốn tổ quốc trở thành chư hầu của nước Pháp. Nếu bị kích động, binh lính có thể nổi dậy và cả nhân dân nữa. Càng suy nghĩ, em càng thấy rõ Godoi rất khôn ngoan và thâm hiểm trong chủ trương điều động quân lính đi thật xa đường tiến quân của Pháp.
Francisco đã phạm sai lầm khi anh muốn nói dàn hòa để làm nàng nguôi lòng:
- Việc ấy có gì đáng làm em lo lắng.
- Anh thấy như vậy sao? Anh thấy cuộc xâm lược của quân thù vào tổ quốc là không đáng lo lắng sao?
- Thành thật là không. Vì nếu như Napoléon đến đây ông ta sẽ đem lại cho nhân dân Tây Ban Nha tự do, mà nền đế chế và nhà thờ đã từ chối họ.
Maria Cayettana tức giận đến nỗi chẳng nghĩ ngợi gì, ném thẳng vào mặt anh:
- Thế thì anh là một thằng ngu!
Goya biết, nếu anh trả lời thêm câu nữa thì cuộc cãi cọ sẽ trở thành nghiêm trọng hơn. Và dù anh biết nàng đã có vẻ hối hận về lời nhục mạ, nhưng bản chất anh đâu phải là hạng người dễ dàng tiếp nhận lời xỉ vả của một người đàn bà. Anh lạnh lùng cúi chào, rồi bỏ ra ngoài.
Thấy người yêu bỏ đi ra, Maria Cayettana định chạy theo để xin lỗi, nhưng anh đã đi xa. Buồn rầu và hối hận, nàng quay vào, ngồi trong phòng khách, chờ anh quay về.
Một lúc sau, nàng rất ngạc nhiên khi thấy cô hầu gái bước vào với vẻ hớt hải, bối rối.
- Thủ tướng Don Manuel dé Godoi vừa đến, thưa công tước phu nhân, ngài Thủ tướng xin được tiếp kiến.
Khi Don Manuel bước vào với bộ quân phục gắn quân hàm đại tướng tổng tư lệnh, Maria Cayettana liền tấn công ngay:
- Thưa ngài Thủ tướng, chắc ngài đến để xác nhận là tôi chưa chạy trốn chứ gì?
Don Manuel, không hề bối rối, mỉm cười.
- Sao lại thế? Công nương quá nặng lời.
Maria Cayettana không nói gì. Vị Thủ tướng bước đến cạnh bàn, cầm lấy bình rượu.
- Công nương cho phép chứ? Đời sống quân lính nhàm chán thật!
- Đối với ngài, thưa Thủ tướng, đó hẳn không phải là cuộc sống lý tưởng.
- Không. Công nương cứ thử xem, cả hai chúng ta đều là tù nhân. Mà là những tù nhân dễ thông cảm với nhau. Đời sống quân ngũ như giáng vào tôi những đòn nặng. Và tôi nghĩ công nương cũng chẳng vui thú gì chịu đựng cảnh sống tẻ nhạt ở thôn quê này.
Vị Thủ tướng đưa mắt nhìn khắp phòng khách một lượt, ông ta chú ý đến những bức tranh của Goya, trong đó có bức “Maja khỏa thân”. Ông ta phải giấu sự kinh ngạc, và tuy rất muốn đến gần bức tranh để xem cho kỹ, nhưng con người chính trị tinh tế trong ông ta không cho phép làm thế. Ông quay sang phía nữ công tước và nói tiếp bằng giọng nhẹ nhàng:
- Nhưng có lẽ tôi đã lầm. Tôi thấy công nương xinh đẹp hơn bao giờ. Hình như không khí trong lành của vùng nông thôn đã bồi dưỡng tốt cho sức khỏe của công nương.
- Tôi nghĩ ngài đến tận Solina này không phải để chúc tụng và khen ngợi tôi. Thưa ngài, ngài đến gặp tôi có chuyện gì?
Don Manuel không ngờ nữ công tước lại có thể hỏi thẳng, không cần quanh co như vậy. Ông trả lời, thận trọng chọn từng chữ:
- Tôi đang tính toán những khả năng có thể thuyết phục được Hoàng đế và Hoàng hậu chấm dứt thời hạn câu lưu của công nương.
- Nhưng điều kiện của ngài thế nào? - Nàng hỏi một cách lạnh lùng.
- Tôi xin nói thẳng thắn là công nương sẽ không lấy làm ngạc nhiên, khi tôi thông báo với công nương là tướng Bonaparte đã tiến quân sát biên giới ta.
Maria Cayettana nghĩ thầm, nàng đã phán đoán đúng khi tìm hiểu lý do của việc điều động quân lính đến tận miền Tây đất nước này. Nàng chờ Don Manuel nói tiếp:
- Đại tướng nhiếp chính nước Pháp đang tìm cách tăng cường sự liên minh với Tây Ban Nha. Thực tế thì họ dùng áp lực, yêu sách với chúng ta. Hoặc ta chấp nhận yêu sách của Bonaparte, hoặc ông ta sẽ chiếm đóng Tây Ban Nha và coi ta như một nước bị chinh phục. Tôi cho rằng, ta nên làm bạn của nước Pháp, hơn là làm một nước chư hầu.
- Cho phép tôi có một nhận xét, thưa ngài Thủ tướng. Theo tôi, tình bạn liên minh này là Bonaparte liên minh với Godoi, chứ đâu phải với nước Tây Ban Nha.
Thủ tướng Godoi làm như không hiểu ý châm chọc của câu nói.
- Tình bạn liên minh này sẽ bị thương tổn, nếu trong đó bao hàm những tham vọng cá nhân.
- Tham vọng cá nhân nào? Của Bonaparte hay của ngài?
- Tôi ủng hộ một tình bạn liên kết giữa những người Tây Ban Nha, thưa công tước phu nhân. Còn phu nhân thì sao? Chắc hẳn phu nhân không ngạc nhiên khi biết rằng mọi người dân Tây Ban Nha, đều yêu mến và ngưỡng mộ phu nhân, mặc dù hiện nay phu nhân ở xa. Nhân dân ta chống lại sự liên minh với nước Pháp, nhưng họ sẽ sẵn sàng chấp nhận nếu được công tước phu nhân ủng hộ đường lối của sự liên minh ấy.
- Tôi biết!
Nàng hiểu là ông ta đồng ý chấm dứt hình phạt lưu đày của nàng với điều kiện nàng ủng hộ đường lối chính trị của ông ta.
- Tôi hy vọng điều ấy, thưa phu nhân. Tổ quốc đang lâm nguy, tôi đề nghị chúng ta hãy đoàn kết, góp sức để cứu nguy cho tổ quốc, cùng phục vụ ý tưởng chung.
- Lý tưởng riêng của ngài, dĩ nhiên là thế, thưa ngài Don Manuel.
- Lý tưởng chung của chúng ta chứ, nếu phu nhân tán đồng. Bonaparte chắc chắn sẽ phải ghi nhớ công ơn ta giúp ông ấy tránh được những cuộc tàn sát làm đổ máu của cả hai dân tộc.
Maria Cayettana vùng đứng lên, nhìn Thủ tướng, đôi mắt long lanh.
- Tôi cứ tưởng ngài thông minh, thưa ngài Don Manuel. Nhưng tôi thấy là tôi đã lầm. Ông nói với tôi là Bonaparte đã tiến sát biên giới. Tôi thì bảo phải đóng cửa biên giới và chặn đứng hắn lại.
- Sự biến trong đêm vũ hội hóa trang đã không dạy cho bà được bài học nào sao, thưa bà công tước. Bà không biết rằng dân tộc ta sẽ bị tàn sát và giày xéo? Quân Pháp mạnh hơn ta nhiều lần.
- Khi danh dự đất nước bị xúc phạm, thì không kể gì đến kẻ thù đông và mạnh.
Don Manuel nổi nóng:
- Vậy ra bà công tước vẫn một mực ngoan cố với sự điên rồ của mình? Việc ấy tùy bà. Nhưng tôi nhắc để bà nhớ rằng bà đang chịu án câu lưu chứ không phải đang giao du tuần trăng mật! Nếu bà không tự nguyện cộng tác cùng chúng tôi, tôi sẽ có cách buộc bà phải đi theo.
- Bắt buộc tôi ư? Thưa ngài Thủ tướng. Đó thật là một ý kiến quan trọng đối với tôi.
- Tôi sẽ bắt buộc bà phải theo. Nội trong ba ngày họa sĩ Francisco Goya phải trở về Madrid. Đó là lệnh của triều đình. Nếu Goya không trở về Madrid trong vòng bảy mươi hai giờ thì không thoát khỏi bị tòa án tổi cao truy nã.
- Nhưng tôi làm sao có thể thuyết phục được anh ấy...
- Việc ấy tùy bà. Nhưng phải chấm dứt cái trò xấu xa bôi nhọ cả hoàng tộc và truyền thống của dòng họ quý phái này. Tôi sẽ đặt tại đây một đơn vị lính đặc nhiệm để canh giữ và giám sát mọi hành động của bà.
Rồi ông lại nói thêm với nụ cười thâm độc:
- Đơn vị lính đặc nhiệm ấy đã được lệnh bắt giữ họa sĩ Goya nếu ông ta không tuân lệnh. Và, viên chỉ huy đơn vị đặc nhiệm ấy chính là thiếu úy cận vệ Don Rodriges Sanches.