Chương 14

    
ã bảy năm rồi, chiến tranh du kích rung chuyển đất Đông Dương dưới chân Pháp - Mỹ như một trận động đất kéo dài và rộng khắp. Những đơn vị lớn vận động ngầm dưới đất giống như những luồng đá chảy lỏng, đột ngột chọc lên thành những ngọn núi lửa ngay giữa lòng địch. Một ngọn núi lửa như thế sắp nổ tung ở mặt trận Tây Nam. Nhưng buổi chiều nay trên sông Xê Ban, nắng vẫn êm và rừng vẫn rung điệu nhạc cành lá như trong những ngày thanh bình nhất của nước Triệu Voi.
Một đàn khỉ kéo nhau đi tắm. Chúng nối đuôi nhau bò ra một cành thấp, nhảy tõm xuống nước, lội lên tảng đá gãi lông, sưởi nắng, gắt nhau choe chóe.
Chiếc thuyền con trôi xuôi dòng, rẽ nước tỏa chéo về mé sau thành hai cánh bạc rập rờn. Cô gái Lào ngồi trên đuôi thuyền vung cái bơi chèo nghịch đuổi khỉ, rồi hát tiếp bài con lâm đứt đoạn:
Yêu người chiến sĩ
Sống với cây rừng, thác núi
Tối con gà lên chuồng
Mà anh phải nằm mặt đất
Yêu người chiến sĩ
Gạo bắc, muối nam, củ sả ở làng người...
Tiếng hát trong vắt thổi nắng gợn trên sông. Một con voi nhà ngừng vòi cuộn lá, trầm ngâm phẩy tai. Rặng vầu lay ngọn đếm nhịp.
Em sinh ra nằm trên nia
Địu theo lưng mẹ
Lớn lên đi hái nương bông
Em dệt tấm khăn ba năm
Em dệt tấm vải chín năm
Dệt lòng em theo mỗi sợi
Em gửi đến chàng
Yêu thì đáp
Không yêu thì đốt
Tưởng nhớ thì đánh giặc gấp trăm
Áo em là áo giáp che thân chàng
Vì đời em đã dệt vào sợi bông trăm màu...
Thuyền khuất sau khuỷu sông. Thuyền của dân làng chở đèn chai tiếp tế cho bộ đội thắp đi đêm. Tiếng vang nhắc lại lời cuối cùng: “Đời em... dệt vào... sợi bông trăm màu...”
Trên bờ sông, một người cao lớn ngồi dưới bóng cây, tay bó gối. Anh đến từ bao giờ không rõ. Im như pho tượng, cây gậy kê vào vai, bốn năm điếu thuốc hút dở vất dưới chân.
Một bóng trắng hiện trên đầu dốc, rẽ lá đi xuống. Câu tiếng Lào thanh thanh pha giọng Việt:
- Thố! Anh Văn Thon ra đây mà em tìm gần đứt hơi!
Văn Thon không quay lại. Đống râu tóc rậm rì không cựa. Cô y tá đến bên anh, nhăn nhó:
- Ông Thông Phun lại sang thăm anh. Cả anh Tuyên nữa. Cơ man là cán bộ. Chúng em đi lùng anh mãi. Về anh nhé!
- Không.
- Về thay băng đi. Rồi em cắt tóc cạo râu cho. Ai lại để thế này... Gương đây, anh xem.
Cái lối dỗ chóng ngoan” của Soan thường được việc gấp mấy mệnh lệnh của quân y trưởng. Nhưng Văn Thon không nghe gì, thấy gì. Soan cau mày rồi cười:
- Anh ngồi, em cũng ngồi đợi. Xem ai gan hơn.
Cả nụ cười kèm hai đồng tiền trên má cũng không ăn thua. Văn Thon vẫn nhìn đăm đắm sang bên kia sông, về phía nam. Anh đang bay về nơi các đồng chí ngã dọc đường. Người Lào sống có bầu chết có bạn, sao một mình anh ngồi đây?
- Anh Văn Thon đi với đội anh Lương phải không?
Ai nhắc tên Lương thế? Lương không chết được. Con người như thế nhất định không chịu tắt thở một cách vô lý. Hồn Lương đóng đinh vào xác, buộc vào xác bằng xích voi…
- Này, anh biết anh Khiêm chứ nhỉ?
Soan đang hỏi một con người rỗng. Văn Thon có ở đây đâu.
- Em van anh, nói đi... anh biết anh Khiêm trinh sát chứ?
- Anh Khiêm trẻ, trắng, hay vào đồn ấy mà.
Văn Thon nghe bập bõm. Người ta trách anh để Khiêm vào làng cho địch bắt. Anh nói nhát gừng:
- Không phải tại tôi... ác hại, cái làng ấy...
- Em tưởng anh đi với đội chuẩn chiến 3.
- Không, tôi biết đâu! Chỉ nghe súng nổ, rồi địch kêu om sòm. Làm thế nào được, tôi mang báo cáo về mà!
Soan thở dài, thất vọng. Văn Thon chợt mỉm cười. Nụ cười nở ấm giữa khuôn mát kín râu và chằng chịt vết gai. Anh nhặt một cái que, vạch lia lịa trên mặt cát thành những hình đồn lũy. Soan trố mắt nhìn người mất trí hiền như bụt đang cười và vẽ một mình rất lâu...
Một chiếc thuyền có mui xuôi nhanh. Anh du kích nheo mắt nhìn lên, vội ấn ngang mái chèo kìm thuyền lại gọi:
- Chị Soan thầy thuốc đấy hả? Có người ốm!
- Vào đây anh!
Mũi thuyền trườn lên bãi cát. Vợ chồng anh du kích nhảy xuống, khiêng mui thuyền bỏ lên bờ. Soan lật chiếc chiếu trùm lù lù giữa lòng thuyền, tròn mắt kinh hãi. Một cái xác khô đét gần như trần truồng. Đúng hơn là một bộ xương bọc một lần da cóc, quét thêm mấy lớp máu đóng vẩy bên ngoài. Một bắp chân sưng tròn như cây chuối, loét mủ xanh.
Soan lắp bắp:
- Ai đấy?
- Không biết. Có lẽ người của ta. Chúng tôi chở thuyền gạo, thấy anh nằm trên bờ sông. Đầu gối nát cả, chắc bò nhiều.
Soan ngờ ngợ nhìn cái thắt lưng đeo súng ngắn kiểu Mỹ trên bụng cái xác. Trông quen quá... Văn Thon chống gậy đến nơi; bỗng rú lạc giọng:
- Lương!
Văn Thon vất gậy ào xuống nước, quàng tay xốc Lương đậy, rít lên:
- Lương ơi! Tôi đây, Văn Thon đây mà! Lương!
Cái xác khô khẽ cựa. Một bên mắt nhấp nháy. Soan giật áo Văn Thon, run lẩy bẩy:
- Nhẹ tay tí anh... khẽ tí.. anh ấy yếu quá.
Anh du kích vỗ đùi đánh đét, reo ầm: “Còn sống!” Văn Thon khoát tay. Anh ghé tai cạnh môi Lương, rồi gật đầu nức nở:
- Báo cáo về kịp rồi, nhận được rồi. Bộ đội sắp đánh Pà Thạc. Thằng bé Khiêm bị địch bắt. Địch bắt ở Xa Ming. Anh nghe rõ không?
Văn Thon bóp vai Lương muốn vỡ. Vợ chồng anh du kích cuống quýt cắm bơi chèo trên cát, căng chiếu che nắng. Không ai trông thấy Soan ngã quỵ xuống bãi, hai  tay chống một bên, tóc đổ trên má trắng bệch, đôi mắt tròn mở trân trân nhìn Lương cứ dại dần.
- Bộ đội đang qua sông kìa… Đang qua sông… đi đánh Pà Thạc...
Văn Thon lội nước đẩy thuyền ra. Nước ngập đến gối, đến bụng. Anh đỡ Lương ngồi lên. Màn tre vầu mở toang, khuỷu sông dưới kia hiện rõ giữa nắng. Bộ đội tụ thành những đám xanh lá xếp vuông trên bãi chảy từng dòng xuống sông. Mấy chục chiếc thuyền đan chéo nhau qua lại. Sóng người ào ạt đổ về hướng nam theo con đường đã mở.
Lương nhắm mắt. Một giọt đục và nhỏ ứ ra bên khóe con mắt lành.
Gió trở chiều từ lúc nào, lùa qua đèo tạt xuống sông Xê Ban. Chung quanh hai người bạn, những tiếng trầm thanh của thác, rừng, voi, chim cùng hòa thành một điệu nhạc xô bồ, dữ dội, ngùn ngụt tỏa lên rung trời. Sông núi Lào đang hát khúc anh hùng ca đời đời không tắt.

9.1958 - 1.1960

Hết

Xem Tiếp: ----