rong tiếng Việt gần như không có thuật ngữ ”sợ chồng” mặc dù xã hội không thiếu những người đàn bà coi chồng như chúa tể trong gia đình. Ấy vậy mà cái thuật ngữ SỢ VỢ, từ ngàn xưa, đã trở thành phổ biến, coi như một trong những thuộc tính quan trọng của đàn ông. Từ SỢ VỢ gợi lên một hình ảnh đáng yêu, dí dỏm, thơ mộng và… hiền triết. Socrate là một triết gia lớn của nhân loại nhưng ông ta cũng là một người sợ vợ. Câu nói nổi tiếng của ông, từ hơn hai ngàn năm nay đã được giới mày râu nhâm nhi một cách thú vị: -Bạn hãy lấy vợ đi, vì bề nào cũng có lợi. Nếu lấy được một người vợ hiền thì bạn là một người đàn ông hạnh phúc, còn nếu lấy phải một bà chằn thì bạn sẽ thành một triết gia. Như thế lấy vợ thật là tuyệt diệu. Bạn tôi, có rất nhiều người thuộc trường phái sợ vợ. Có người mới lấy vợ về đã sợ, có người sợ dài dài trong suốt vài chục năm chung sống. Phó thường dân cũng sợ vợ mà người có chức quyền cũng sợ vợ. Người ít học lẫn các bậc trượng phu trí thức đều thuộc lòng câu ”nhất vợ nhì trời”. Chẳng hạn như anh bạn bác sĩ của tôi lấy vợ đã ngoài hai mươi năm. Bữa kia hai ông bà rủ nhau đi chợ mua sắm các thứ để kỷ niệm ngày đám cưới. Người vợ bảo: -Anh giữ tiền nhé. Em mua cái gì thì anh chi. Người chồng cất tiền vào túi áo. Nhưng khi hai người đến đầu chợ thì bà vợ lại cằn nhằn: -Ðến chỗ đông người mà sao anh lớ ngớ như một thằng ngố vậy? Anh không biết bọn móc túi đầy trong chợ à? -Ðừng lo, người chồng nói, chúng nó không làm gì được anh đâu. Bà vợ ngắm nghía đức ông chồng một lúc rồi quyết định: -Ðưa hết tiền đây. Anh giữ tiền, mất như chơi. Người chồng vâng lời, đưa tiền cho vợ. Bà ta bỏ tiền vô ví, cầm chắc trong tay. Hai người bước vô chợ, đi vòng vòng ngắm nghía hàng hóa một hồi, cuối cùng bà vợ quyết định mua một bộ đầm 130 ngàn. Nhưng khi móc ví trả tiền thì mới hay là ví đã bị rạch và gói bạc biến mất. Anh chồng nhỏ nhẹ nói: -Phải chi lúc nãy em để anh giữ tiền thì đâu đến nỗi. Bất ngờ bà vợ túm lấy cổ áo chồng, gầm lên: -Ðồ ngu! Tại sao tôi bảo anh đưa tiền cho tôi giữ mà anh cũng đưa? Anh phải biết ngăn cản tôi chớ. Thế mới gọi là đàn ông chớ, đàn ông gì mà vợ bảo sao nghe vậy để đến nỗi mất hết tiền. Lỗi của anh sờ sờ như thế mà còn đổ cho người ta. Ðàn ông gì mà hèn quá vậy! Bị nắm cổ áo ngay giữa chợ, anh chồng mắc cỡ quá, năn nỉ: -Anh xin lỗi. Buông anh ra đi. Ðừng làm thế ở chỗ đông người. Nhân vật thứ hai là một người tướng tá đạo mạo. Buổi trưa nóng nực, tình cờ tôi gặp anh ta trong một quán nước. Thấy cổ tay anh ta bị những vết xước chằng chịt như có ai lấy dao lam cứa hàng trăm nhát trên đó, tôi bảo: -Ủa, tay của ông sao vậy? Anh bạn vốn là một nhà giáo. Trước khi trả lời câu hỏi, anh ngó lui ngó tới xem có học trò ngồi chung quanh không, rồi rỉ tai tôi: -Vợ nó ngắt. -Trời đất! Ngắt mấy ngày mà nát bấy cái cổ tay vậy? -Có một đêm thôi. Ðêm kinh hoàng. Mất ngủ. -Sao ông không kháng cự? -Vì mình có lỗi. -Lỗi gì? -Bị bắt quả tang đi chơi với bồ nhí. -Thì cứ xin lỗi và hứa không quan hệ lăng nhăng nữa là được rồi. Việc gì mà phải nằm im chịu trận âm thầm trong đêm như thế? Anh bạn giáo viên thở dài, xổ cái ống tay áo xuống, cài măng sét để che những móng vuốt đàn bà, đoạn phân trần: -Nhà chật, con cái nằm ngủ sát bên cạnh. Vợ chồng cãi nhau sợ chúng nghe, chúng nó buồn, còn mình làm cha cũng sợ mất uy tín, vì thế mà cả bà vợ lẫn mình không ai nói một tiếng. Cuộc trừng phạt vì thế đã diễn ra quằn quại trong đêm tối, nhức nhối trong âm thầm. Nhân vật thứ ba là một anh nhà văn. Ngày nọ tôi đến nhà anh ta chơi, vừa bước vào nhà đã nghe tiếng cãi vã phía trên cầu thang. Tôi vừa định lên xem chuyện gì thì thấy anh nhà văn hối hả chạy xuống, phía sau là một cô vợ trẻ cầm con dao thái thịt đuổi theo bén gót. Ðể bạn khỏi ngượng tôi nép vào trong gầm cầu thang, trốn. Cô vợ vung dao chém một nhát, anh nhà văn né kịp, con đao Ðồ Long chém vô tường nhá lửa. Cô vợ trẻ phóng lưỡi dao về phía đức ông chồng nhưng hụt. Một trận quyền cước tiếp theo sau. Anh bạn nhà văn nép vô xó chịu đòn, lưng áo bị xé toạc, hằn in dấu cán chổi của trận đòn ngày hôm trước. Lúc ấy tôi bèn xuất hiện can ngăn, đỡ đòn cho bạn. Bà vợ trẻ cúi xuống nhặt con dao, dứ dứ trước mặt chồng mấy cái rồi bỏ đi. Tôi dìu anh bạn lại ngồi nơi cầu thang. Hỏi vì sao bị cô vợ bé đánh quá xá vậy, thì đáp: -Tối hôm qua mình về với bà cả và mấy đứa nhỏ. -Thế bà Hai có đồng ý không? -Mình có xin phép nghiêm chỉnh. -Vậy tại sao lại bị đánh? Anh bạn kéo chiếc khăn tay ra hỉ mũi sồn sột, sau đó ho khan lên mấy tiếng rồi mới trả lời: -Ðó là tại vì lúc ra đi thì mình khỏe mạnh mà khi trở về thì mình bị cảm cúm. Bà Hai hỏi: “Anh về nhà làm gì mà bị mất sức dữ vậy?” nhưng mình có làm gì đâu mà mất sức. Nói đến đó thì anh bạn hắt xì hơi mấy cái liên tiếp, rồi lại phân trần: -Ông nghĩ coi, cảm cúm có khi là chuyện trái gió trở trời. Trên đây là ba mẩu chuyện sợ vợ với ba nhân vật khác nhau, ba tình huống khác nhau. Bạn đọc chớ vội chê họ là những kẻ hèn nhát đần độn. Anh bác sĩ trong mẩu chuyện thứ nhất sợ vợ chẳng qua vì lòng độ lượng, không muốn hơn thua với đàn bà, thật đáng khen thay! Anh giáo viên trong mẩu chuyện thứ hai sợ vợ vì mục đích vô cùng cao cả đó là ngại ảnh hưởng xấu đến con cái, thật đáng kính thay! Còn anh nhà văn trong mẩu chuyện thứ ba thì láu cá hơn nhiều. Hắn sẵn sàng đưa lưng ra chịu đấm để được… bắt cá hai tay.