Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
Chương 14
CUỘC DI TẢN

     ôm 26 tháng 5 năm 1945, đêm trước của cuộc chiếm thu tài liệu quan trọng ở Dornten và 5 ngày trước cuộc khởi hành của chuyến xe chót chở V2 đến nơi nhận ở Anvers (Bỉ), có một toán sĩ quan tiền phong Nga đã đến Nordhausen.
Quân Mỹ không thể từ chối, cấp cho họ các giấy thông hành cần thiết để qua các vòng đai an ninh thiết lập do sư đoàn kỵ binh, bao quanh cơ xưởng ngầm. Vả lại, quân Nga cũng là bạn Đồng minh, họ đã cho phép ủy ban hỗn hợp Anh-Mỹ Crossbow đến viếng trung tâm thí nghiệm ở Blizna, vị trí đã lọt vào tay Hồng quân Nga Sô vào tháng 9 năm 1944. Vả chăng, Nordhausen lại là phần chia thuộc khu vực đóng quân của Nga sau này.
Việc toán đầu tiên Nga đến đây càng làm tăng thêm mối nghi ngờ cho thiếu tá Staver. Đã từ lâu ông tin rằng Nga Sô cũng rất quan tâm đến V2- mối quan tâm còn nhằm cả đến các chuyên gia hỏa tiễn Đức. Ông biết đài phát thanh Nga luôn nhắc nhở đến các người đã công tác ở Peenemunde, cổ vũ họ đến thành phố Dresde để tìm lại tiến sĩ Pinsky. Ông này đang thành lập một toán các chuyên viên, nhằm tiếp tục các công việc nghiên cứu ngay tại nước Đức. Điều kiện làm việc và lương bổng đưa ra thật hấp dẫn đối với một quốc gia đang bại trận. Nơi đây, nạn thất nghiệp, đói kém và cuộc sống lay lắt bây giờ thành những vấn đề thiết yếu thường ngày. Khi cho lục soát cánh đồng để tìm nơi cất giấu các thành phần hỏa tiễn, Staver đã ngạc nhiên nghe tiếng loa phóng thanh Nga Sô đặt bên kia bờ đối diện của sông Elbe, kêu gọi các chuyên viên Đức qua khu vực Nga, sẽ tìm được chỗ xứng đáng. Có cả giải thưởng đặt ra 50.000 Đức kim được dành cho W.Von Braun và E. Steinhoff.
Hai ông này tất nhiên còn ở lại Garmisch với Dornberger và một số cộng sự viên của họ. Bọn họ lo lắng cho gia đình hiện đang còn ở miền Trung nước Đức, mặc dù người Mỹ đã luôn đến đó, lo đem các thân quyến của họ đi. Hơn nữa, còn rất nhiều chuyên viên không hẳn kém, chẳng hạn như Walther Riedel và Eberhaurd Rees đã không có tên trong nhóm được tuyển chọn ở Alpes. Staver lo nghĩ nếu người Mỹ không hành động mau lẹ thì những Riedel, những Rees, những Fleischer, những 4.000 chuyên gia ở vùng Nordhausen và gia đình của 500 chuyên viên được Kammler chọn gửi đến vùng Baviere (Alpes) sẽ bị người Nga thu phục. Như vậy việc thuyết phục toán Garmisch nhận làm việc ở Mỹ sẽ gần như vô ích nếu điệp viên Nga quản chế vợ con họ, chỉ một mình Staver, không có quyền xếp đặt một cuộc di tản rầm rộ các người Đức qua khu vực chiếm đóng của Mỹ.
Vào buổi chiều ngày 27 tháng 5, sau khi ở làng Dornten trở về, ông nhận được một công điện từ Ba lê, đến Fulda đã 48 giờ rồi. Công điện này được Toftoy tiếp truyền từ Hoa thịnh Đốn, nói như sau:” Ba lê và Hoa thịnh Đốn cùng nghiên cứu vấn đề di tản các kỹ thuật gia Đức và gia đình họ. Cùng lúc này, yêu cầu Thiếu tá đưa các kỹ thuật gia Đức và gia đình họ sang vùng kiểm soát của Mỹ”.
Staver cho là chỉ thị này được xem như một chấp thuận gián tiếp về mật văn của ông yêu cầu cho gửi 100 chuyên viên Peenemunde về Mỹ. Mật văn này đã được chuyển về Ngũ giác đài xin cứu xét qua sự hỗ trợ của Đại tá Holmes. Thật ra thì ở Bộ Chiến tranh, người ta đã bàn nhiều về số phận của các nhà bác học Đức. Có những cuộc tranh luận bí mật được diễn ra ở hàng cao cấp được thu gọn lại một kế hoạch duy nhất là kế hoạch “Overcast”vậy. Vả lại, kế hoạch này không những chỉ quan tâm đến các chuyên viên hỏa tiễn mà còn để ý đến hàng ngàn nhà khoa học thuộc vô số các ngành khác nữa. Tuy nhiên đến ngày 27 tháng 5, kế hoạch Overcast đã bị hạn chế lại. Vì có rất nhiều chi tiết cần được điều chỉnh, nhưng việc này không cấm cản Bộ Chiến tranh muốn cho một số các nhà khoa học Đức, từ nay phải được đưa về khu đồn trú của Mỹ.
Việc di tản này là một biện pháp giản dị và hợp lý, theo quan niệm của Hoa thịnh Đốn, nhưng theo Staver, việc thi hành đặt ra các vấn đề thật rắc rối. Thật vậy, một số kỹ sư được ông gạn hỏi,đã tỏ ra muốn tiếp tục công việc của họ ở Mỹ, nhưng Staver không chắc chắn được rằng đa số các người này từ đây về sau, sẽ chịu di cư cùng với gia đình, nếu không có một bảo đảm đứng đắn cho tương lai họ.Công việc trước hết là quy tụ họ lại,kế đến là di tản 4 ngàn người và tài sản của họ trước ngày 1 tháng 6. Quân Nga sẽ đến đấy không đầy một tuần nữa, đấy là một cố gắng cho thấy khó thực hiện được. Staver nhủ thầm rằn ông sẽ may mắn nếu trước ngày hạn định oái oăm kia, đem được qua vùng Mỹ kiểm soát chừng vài mươi bộ óc nặng ký.Tuy nhiên ông còn phải đặt lại vấn đề về toán người quá ít ỏi của ông.
Hầu hết các sĩ quan mà Staver đã cộng tác không xem việc di tản người Đức như là một vấn đề hệ trọng, ngay một số quan chức cũng không tìm thấy việc này đáng khuyến khích! Đến một vị sĩ quan cao cấp của ngành Quân cụ, đã giúp đỡ ông rất nhiều trên vấn đề quản trị và hành chính, đã thẳng thắn tuyên bố với ông như sau:”Tôi thấy đâu có gì phải cuống cuồng việc người Nga nắm giữ cá người Đức ấy. Càng tốt chứ có sao đâu!”
Tuy nhiên, cuộc chuẩn bị di tản đang tiến hành thì một may mắn không ngờ, là Hồng quân Nga chưa vào Thuringe ngày 1 tháng 6, y như điều người ta mong ước. Nhưng sự đình hoãn này chỉ ngắn hạn thôi: người Nga chính thức đến đây vào ngày 21 tháng 6, việc phân chia nước Đức - “cái quyết định tai hại” theo ngôn từ của Churchill – đã được định đoạt vào tháng 2 năm 1945, trong cuộc hội nghị tại Yalta. Churchill, Roosevelt và Staline đã tán đồng hoạch định các vùng chiếm đóng riêng biệt cho họ, nhưng khi Đức Quốc xã đầu hàng thì vị trí chiếm cứ của Đồng minh không còn tương ứng với các vùng quy định trên. Quân Mỹ đã đến sông Elbe và họ chiếm cả một vùng rộng lớn ở Saxe và Thuringe dành cho người Nga – Churchhill không muốn quân Mỹ quá hấp tấp rút khỏi vùng trung tâm nước Đức: Ông mong rằng họ vẫn còn đồn trú tại đó, trước khi hội nghị Potsdam được họp vào tháng 7 để giải quyết một số vấn đề còn đối chọi giữa Tây phương và Nga Sô. Nhưng Tổng thống Truman, người kế vị Roosevelt, đã không có mặt trong cuộc phân chia ở hội nghị Yalta, đã bác bỏ ý kiến của Churchill. Các cố vấn của ông lưu ý rằng: chờ đợi hội nghị Posdam chỉ tạo cho ông mối lo ngại với Staline. Thế nên, Truman cho vị nguyên thủ Nga Sô biết rằng tất cả các đoàn quân Mỹ sẽ rút khỏi các vị trí chiếm đóng thuộc Nga sau này đúng vào ngày 21 tháng 6.
Về câu chuyện trên, Churchill về sau có viết:” Tôi tưởng như nghe hồi chuông cáo biệt trong lòng tôi”. Nếu Staver và các sĩ quan Mỹ phụ trách về cuộc tổ chức di tản, không dùng danh từ của Churchill để biểu lộ cảm tưởng của họ, thì họ cũng biểu lộ một phản ứng tương tự thôi.
Biện pháp đầu tiên của Staver là đòi hỏi Von Braun và các vị trưởng ban của Peenemunde phải đến Nordhausen bằng phi cơ. Ernst Steinhoff và Martin Schilling đến đó ngày 8 tháng 6. Staver yêu cầu họ cũng như Rees và Riedel, nói cho ông biết chừng bao nhiêu người cần thiết cho cuộc nghiên cứu trong tương lai. Các ước lượng thay đổi từ 350 đến 750 người.
Bây giờ Staver yêu cầu các người Đức giúp các vị phụ tá của ông tìm dấu vết các chuyên viên trọng yếu còn trốn lánh trong vùng Thuringe. Vào thời kỳ đó, chưa có vấn đề đưa đề nghị làm giao kèo với họ. Tất cả cái mà Staver có thể hứa được là cho di tản họ ra khỏi vùng chiếm đóng của Nga và cung cấp cho họ sự sống và sự bảo bọc trong khu vực người Mỹ.
Một trong các cộng sự viên của Staver là Trung úy Gross, có công tác liên hệ với Ernst Steinhoff, sau này có ghi:” Điều làm tôi bực mình nhất là vấn đề cứ nhắc đi nhắc lại liền miệng của các nhà bác học và kỹ sư Đức: chúng tôi có thể mong đợi ở người Mỹ cách đối xử như thế nào để đổi lại sự cộng tác của chúng tôi, so với các đề nghị mà người Nga dành cho chúng tôi?...Các kỹ sư Đức nói: Người Nga đã dẫn dụ trước mắt chúng tôi nào là nhà cửa, đồ trang bị, nào là lời hứa chấp nhận một sự lưu tâm đặc biệt đến các công tác mà chúng tôi sắp làm trong việc thực hiện các phi đạn của họ.Nhưng chúng ta không có các thứ dẫn dụ như vậy…sự trợ giúp to tát nhất của chúng ta phải đến từ các nhà khoa học Đức, cảm thấy gần gũi với người Mỹ…”
Von Braun, trong lúc này, nghĩ rằng người Mỹ sẽ nhìn dưới con mắt tán đồng, chương trình đeo đuổi các công việc của ông tại Mỹ. Ông đã góp phần quyết định trong việc quy tụ các nhà chuyên môn về hỏa tiễn ở Thuringe và thuyết phục họ đến khu vực của người Mỹ.
Ngày 19 tháng 6 – hai ngày trước cái ngày vận hạng kia, Staver và Trung tá Williams, người vừa mới được Bộ chỉ huy ngành Quân cụ phái đến để điều tra về hỏa tiễn, đến đưa tiến sĩ Porter, Von Braun và các vị trưởng ban nghiên cứu hiện còn ở Garmisch qua Munich bằng đường bộ để từ đó đáp phi cơ về Nordhausen.
Đại tá Trichel yêu cầu Porter tham dự vào việc tuyển chọn các chuyên gia về V2 để đưa về Mỹ. Việc lựa chọn phải khởi từ Nordhausen, dưới sự điều khiển của Staver và qua sự cố vấn của Von Braun và các cộng sự viên của ông này.
Bây giờ lại thêm khó khăn nữa: vấn đề chuyên chở. Porter, dù là dân chính, đã chỉ huy tất cả các sĩ quan Quân cụ, yêu cầu họ huy động cho ông bất cứ cái gì có thể lăn bánh, xe Jeep, xe bán thiết giáp, xe vận tải…và có chừng 300 xe đã được quy tụ và bắt đầu cho lượn quanh vùng.Porter có ghi:”Trên mỗi chiếc xe, có một người Đức biết một cách riêng tư, các người “tiếp xúc” để giải thích với họ mọi sự tình và yêu cầu họ hãy đến hơp tác. Việc này chỉ kéo dài trong 24 giờ và một gia đình chỉ có một khắc đồng hồ để tự quyết định; và chuẩn bị hành trang. Phần đông mừng rỡ chấp nhận” Lần này, các kỹ thuật gia và gia đình họ được quy tụ nơi một căn trại chuyển vận gần”ga”Nordhausen, các người cuối cùng đến đó vào giữa trưa ngày 20 tháng 6, bữa trước ngày ấn định việc người Nga đến thay.Trung úy Gross thấy nhiều toa xe nằm trong kho chứa dành chỗ cho toa xe đậu, nhưng không nhận được một đầu máy xe lửa nào:”Các người Đức lo lắng, còn tôi đang ở mức độ tuyệt vọng, thẫn thờ tản bộ trước sân ga. Cứ mỗi lần người Đức kêu tiếng “Rusky” là tôi giật mình nhảy chừng 3 thước”.
Đang lúc Gross muốn bỏ nơi đây để chuẩn bị ứng phó một cuộc di tản bằng đường bộ thì chiếc đầu máy xe lửa đến nơi. Hơn 1.000 người gấp rút lo chen vào trong 50 toa, và chuyến xe băng mình về hướng Witsenhausen, một thành phố nhỏ nằm trên vùng chiếm đóng của Mỹ cách Nordhausen khoảng 60 cây số.
Ở đây không cần phải có lính canh, vì tất cả mọi sự canh giữ đều vô ích. Điều lo lắng duy nhất tại ga Nordhausen, là sự có mặt của một đám đông chen chúc những” người tứ cố vô thân”, họ không liên hệ gì đến  hỏa tiễn và tìm mọi cách chen vào trong các toa xe chật ních người. Người ta đã phải gọi đến các toán quân để trục họ đi.
Nhưng Porter và Staver chưa phải đã hết vất vả vì tất cả tài liệu của Peenemunde chưa tìm ra được. Trước khi đến Alpes, tướng Dornberger có giấu số tài liệu riêng của ông ở nơi nào đó quanh Bad-Sachsa. Đấy là một chiến lợi phẩm không thể bỏ lại cho người Nga.
Porter lập ngay một toán để thu hồi các tài liệu ấy, nhưng 12 giờ trước sự tiến vào của quân Nga, người ta vẫn chưa tìm thấy được gì cả, vì các điều tra viên thiếu bản đồ có tỷ lệ lớn. Thất vọng vì lý do này, Porter và Staver đến Kassel, nơi đóng Bộ chỉ huy của Liên đoàn 332 Công binh – Thêm một thất bại lớn: Công binh cũng không có bản đồ thích hợp, tuy nhiên vị Đại tá của Liên đoàn chấp thuận cho hai ông được sử dụng một toán gồm 1 trung sĩ và 3 người lính.
Toán này chất lên một chiếc xe vận tải nhẹ, nào là cuốc xẻng và máy dò mìn. Trung sĩ Schwartz được may mắn tìm thấy tấm bản đồ có tỷ lệ lớn trong văn phòng của sở Thủy Lâm Đức: sự kiện này cho phép hắn ta xác định được rõ ràng vị trí nơi chôn giấu tài liệu của Dornberger. Số tài liệu này chứa trong 5 thùng cây, nhưng các niền sắt của nó không tránh khỏi được máy dò mìn. Bốn người lính lo khai quật được các thùng, chất lên xe các tài liệu ấy – nặng chừng 125 ki lô – và trên đường về Kassel.
Vậy thì, người Mỹ xem như đã thắng các đối thủ của họ khi chiếm được gần hết các chiến lợi phẩm về V2 và tự bảo đảm cho mình một sự tiến bước rất trọng đại trước người Anh và người Nga, về hỏa tiễn cá tầm xa trong tương lai. Họ đã có tất cả các nguyên bản của tài liệu của Peenemunde, rồi 100 V2 và các chuyên gia trọng yếu của người Đức đang ở trong tay người Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Sô viết chưa biểu lộ các lời sau chót của họ.
Do cuộc triệt thoái của các toán quân Mỹ ra khỏi vùng chiếm đóng của họ, người Nga thụ hưởng được cơ sở Mittelwerke, trung tâm thí nghiệm về cơ khí hỏa tiễn ở Lehesten, các phòng thí nghiệm to lớn và các cơ sở ở Bleichrode, ở Sondershausen và Klein-Bodungen. Người Mỹ di tản được các chuyên gia tài giỏi của Nordhausen nhưng họ đã không đủ thời giờ cũng khôn g có phương tiện để di cư trọn vẹn nhân viên của Peenemunde. Họ đã phải để lại hàng 3 ngàn kỹ thuật gia và gia đình của đám người này. Tất nhiên là các chuyên gia này không có những khả năng sáng tạo của một Von-Braun nhưng họ rất am tường các phương tiện hiện có.
Ngày 26 tháng 4 năm 1945, các vị Tham mưu Trưởng Liên minh (Joint chiefs of Order 1067) có yêu cầu Eisenhower cho tránh mọi sự phá hủy và dưới sự kiểm soát của ông này, cho chiếm các văn khố, đồ án, sách vở, tài liệu, hồ sơ và tất cả mọi vật liệu thuộc loại kỹ nghệ hoặc khoa học của các cơ quan Đức dùng trong việc nghiên cứu quân sự. Và ngày 5 tháng 6 năm 1945, cũng chính Eisenhower đã ký ở Bá Linh một sắc lệnh của Ủy ban cố vấn cho châu Âu, quy định rằng các cơ sở nghiên cứu về quân sự của Đức “ Phải được gìn giữ nguyên vẹn và ở tình trạng thuận lợi cho việc sắp đặt của các đại diện Liên minh…”
Trước khi rời Nordhausen, Dr.Porter nhìn lần cuối các cơ sở mà người Mỹ, vì tôn trọng”J.C.S.O.