CHƯƠNG 15

    
gười đến sớm nhất trong ngày sinh nhật của Dung là chủ tịch thị trấn Trần Đình Lân. Bữa nay ông chủ tịch trẻ tuổi ăn mặc khá đỏm dáng: Sơ mi trắng thắt cra-vát bỏ trong chiếc quần pho bộ đội, thành thử trông ông nửa quân sự nửa dân sự, vừa cứng vừa mềm rất vui mắt. Đến một cái, Lân xắn tay áo chui vào bếp làm món ăn phụ giúp hai chị em ngay. Từ lúc đó, trong căn chòi bé nhỏ cứ ầm ào tiếng nói cười không dứt của anh ta.
Sau đó là Lê Bá Hoàng. Nét trăn trở day dứt còn hiện nguyên trong hố mắt mất ngủ trũng sâu và một nhúm tóc bạc mới xuất hiện ở trước trán. Anh ngồi im lặng, nhìn ngó gian phòng đầy những tranh vẽ cao thấp, to nhỏ khác nhau vơi ánh mắt dửng dưng, rõ ràng là không in thấy gì cả. Cho đến sáng nay, thếp giấy trên bàn anh vẫn để trắng và trong đầu anh, mọi chuyện mới tạm gọi là gọn gàng được một nửa.
Tiếp sau nữa là Thi Hoài. Sau cái buồi sáng ấy, chịu không nổi sự cào cấu khốc liệt của nội tâm, anh đã nhảy xe đò đi thành phố và mãi chiều hôm qua mới trở về. Nghe lời mời của Dung qua Hoà, thoạt đầu anh không định đi. Đã một lần bẽ bàng đến thê thảm rồi, bây giờ còn vác mặt sang nữa thì muối mặt quá? Chí ít anh cũng phải giữ lại một mẩu tự trọng cuối cùng để thoát khỏi sự tự khinh. Và nếu có sang chăng nữa, điều này anh đang ủ dấm sẵn trong đầu, anh sẽ quăng vào mặt ả một số tiền gấp mười lần số tiền ả đòi, cần thiết nữa, anh sẽ dằn ngửa ả ra như dằn một con điếm thực sự, rồi ra về. Nhưng thấy Hoà mời nhiệt tình quá, lại hai ba lần nhắc lại câu nói của Dung nói rằng, nếu anh không sang chị ấy sẽ giận lắm đấy, nên anh quyết định thay đổi thái độ và trong lòng không khỏi có chút rờn rợn mừng thầm: Cuối cùng cô ấy vẫn cần có mình, cần trong mọi mặt; còn cái chuyện kia… âu đó cũng là ngón dền dứ tất yếu cỏ thể tha thứ được của những ả đàn bà từng trải và lớn tuổi. Thế là anh đi, tâm can lưỡng nan chộn rộn, chộn rộn cho đến khi đã ngồi yên vị trong nhà.
Người đến sau cùng là Vũ. Anh vẫn kỳ cạch đánh máy, chiều chiều vẫn tìm ra cái góc khuất nhất trên bãi biển âm thầm nhìn mặt trời lặn và cái ý rất thể tình của anh chủ tịch vẫn chưa được anh một lần suy nghĩ cho hết nhẽ. Được lời mời, anh chỉ khẽ nghiêng đầu: "Dạ? Xin rất hân hạnh!" để rồi khi đến đây, ngay từ ngoài cửa, anh cũng chỉ khẽ nghiêng đầu: "Chào quý anh" hết lượt mọi người và giống như họ, anh cũng tìm một góc ngồi yên lặng.
Ba con người, ba cái im lặng mang ba chất liệu khác nhau. Hàng xóm láng giềng lần đầu gom tụ, biết rằng im lặng là khổ, là sượng sùng nhưng không một ai chịu lên tiếng trước, đành để cho khói thuốc lá trộn với mùi xào nấu từ trong bếp bay ra và tiếng hắng giọng khan, tiếng sịt mũi lấp đầy im lặng.
Chủ tịch Lân từ dưới bếp đi lên, hai bàn tay nhầy nhầy mỡ, đứng ngớ ra một chút rồi cười vang, tiếng cười làm cả ba người đều giật thót:
- Xin chào các quý vị! Sao các quý vị lại im hơi lặng tiếng cả thế này? Đây có phải phòng xử li hôn đâu! Bà Dung ơi? Hoà đi đâu rồi ấy nhỉ? Khách khứa đã đến đầy nhóc nhà, cho bê lên thôi.
Rất tuỳ tiện, anh chùi nghiến hai bàn tay vào cái khăn trải bàn rồi móc túi lấy ra một gói Zeet, bóc rét mới tìm người.
- Chào anh Hoàng, chào nhà thơ, chào anh Vũ! Còn tôi, có anh biết rồi, có anh chưa biết, cũng xin tự giới thiệu luôn, tôi là Lân, chủ tịch thị trấn, bữa nay đóng vai trò phụ bếp - Anh xoa xoa hai tay vào nhau rõ ra cái phong độ của một ông chủ nhà - Thế là đủ cả. Chỉ còn thiếu một người ở thành phố chưa đến nữa là ta vào cuộc.
Nhìn bộ điệu của Lân, Thi Hoài thoáng phân vân. Không rõ thằng cha lực điền nhà quê này thiết lập vị trí của mình trong căn chòi này từ bao giờ thế? Chả lẽ dự đoán của mình lại không sai sự thật?… Cuối cùng, kẻ chinh phục được cô ta không phải ai khác mà chính lại là gã đầu bã đậu, có quyền lực như thế này thôi ư?
- Không cần phải chờ đâu anh Lân ạ!
Có tiếng nói thanh thanh cất lên. Tất cả quay lại. Từ ngưỡng cửa dẫn xuống bếp, Dung hiện ra thật xa lạ với bộ đồ đi dự lễ hội giản dị: Sơ mi trắng bỏ trong quần trắng, nối tiếp với đôi tất và màu dép da cũng trắng. Tất cả đều trắng. Sắc màu tinh khiết này khiến chị hơi gầy đi nhưng trẻ ra và càng tăng độ duyên dáng, cân đối. Chị đứng đó tươi cười dịu mềm như một vệt nắng sớm rọi vào. Trước mắt bốn người đàn ông, người đàn bà hơn ba mươi lăm tuổi mang trong mình cái dáng dấp thon thả, tươi mới của một cô gái vừa ra khỏi tuổi vị thành niên. Bị tác động ngẫu nhiên và mạnh mẽ, cả ba đứng dậy với vẻ ngỡ ngàng như lần đầu được gặp chị. Mà thật đúng, đây là lần đầu khi suốt những tuần qua, họ chỉ được nhìn thấy chị trong hai mảnh áo bơi và bộ đồ hoa nhã nhặn mặc trong nhà.
- Xin cám ơn các anh đã nhớ tới lời mời ngày sinh của tôi - Chị nói.
Lê Hoàng là người tiến đến trước tiên. Anh đặt xuống trước mặt chị một hộp giấy nhỏ có thắt nơ hồng mà người ta có thể đoản được bên trong chứa những thỏi sôcôla nâu quánh của Pháp.
- Chúc mừng ngày sinh của Dung! Chúc Dung gặp nhiều may mắn - Anh nói nhỏ, mắt hơi nhìn lên.
- Dạ! Cám ơn anh Hoàng! - Chị nói và nhìn sâu vào mắt anh.
Thi Hoài là người tiến đến thứ hai. Anh tiến đến một cách căng thẳng như người lính trinh sát tiến vào bãi mìn mà những quả mìn là sóng tâm lý từ trong mắt, từ nét mặt từ cát miệng của chị toả ra. Loay hoay suốt một tối hôm qua, anh không biết mang tặng chị cái gì. Nếu ở nơi khác, lúc khác, ở người khác, anh chỉ cần đem theo một tập thơ mang tên mình là xong. Trong cái thế giới nô lệ cho đồ vật này, bên cạnh hằng hà của ngon vật lạ của người đời, một tập thơ cộng với tên tuổi người làm thơ sẽ mang ấn tượng độc đáo lắm chứ. Nhưng ở đây, con người này, sau tất cả mọi chuyện, thơ phú còn có nghĩa gì nữa, chưa nói có khi nó còn trở thành ô nhục. Thế là anh ra chợ, sục vào tất cả các cửa hàng, các ngách phố, bằng toàn bộ số tiền ít ỏi vừa ngửa tay nhận của bạn bè, anh kiếm được một hộp màu vẽ Thái, một cái kiếng đổi màu cứng của Thái mang về. Một cái để dùng trong nhà, cái kia để đi ra nắng, thế là cũng đủ độ ga-lăng tinh tế chán mà lại hợp túi tiền. Tiền… khốn nạn! Cái kiếp làm văn thơ mỗi khi cần sử dụng đến đồng tiền thì mới thấy đời thật khốn nạn! Tuy vậy anh vẫn mang phòng đi tập thơ. Biết đâu đấy! Nếu tình cảm của cô ấy đúng như điều mình phấp phỏng thì còn dịp nào tuyệt hơn nữa để tặng. Có khi lại đọc được luôn cả bài thơ mình viết về cô ấy nữa chứ.
- Ôi đẹp quá! Cám ơn nhà thơ thật nhiều! Tôi đang để ý đi tìm những cái này mà chưa ra.
Dung reo lên thích thú như con trẻ mặc dù Thi Hoài biết rõ rằng cái thích thú đó chỉ là một lối ứng xử nhằm đẹp lòng khách. Quý gì ba cái đồ Thái ấy! Tuy vậy anh cũng thấy thật nhẹ người và như được khích lệ ngầm, anh ghé đầu nói nhỏ:
- Bữa nay em đẹp như một con thiên nga trắng… Để đến được với em, tôi đã quẳng tất cả danh dự và kiêu hãnh ở nhà.
Dung làm như không nghe thấy, chỉ khẽ nhường cao đôi lông mày lên một chút.
Người thứ ba, cũng là người cuối cùng như tuân theo cái thứ tự sau trước là Vũ. Cái nét rụt rè của anh bác sĩ học ở Pháp về vẫn không giấu đi được cái chất lịch thiệp cố hữu còn náu kín bên trong.
Anh tặng cô một bó hoa gói trong tờ giấy mỏng màu hồng gồm cả ba thứ: mimoza, laydơn, và hồng bạch. Vẫn nghiêng cái đầu không cố ý:
- Xin cầu chúc sức khoẻ và niềm vui thanh thản cho chị!
Dung ôm bó hoa áp nhẹ vào ngực, gò má ửng hồng.
- Chao ôi! Ai có thể ngờ miền cát trắng khô cằn lại có được những loài hoa quý đến thế!
- Quý gì! Họ buôn từ Đà Lạt xuống đấy mà.
Chủ tịch Lân bật nói và liền ngay đó anh cảm thấy lưỡi cứng đơ lại May quá, không thấy ai có phản ứng gì với câu nói lỗ mãng vô duyên của mình. Nhưng anh lại bắt đầu tỏ ra lúng túng. Hết lượt rồi! Chỉ còn anh thôi. Mà anh có đi dự sinh nhật ai cầu kỳ những quà với cáp, những hoa với màu như thế này bao giờ! Kể ra cũng có đấy. Cũng có vài lần thiên hạ mời anh nhưng mọi việc lằng nhằng đã có tay chánh văn phòng lo hết, anh chỉ đi tay không, đến nói cười một chập, ăn uống một chập nữa rồi lên xe phóng về. Và bây giờ…
Rất may, không hiểu vô tình hay cố ý, Dung đã gỡ hộ anh cái dáng đứng lù lù đó. Cô nói:
- Bữa nay các anh đến đông đủ đã là cảm động lắm rồi? Xứ biển nghèo mà các anh còn đem tặng hoa, tặng quà khiến Dung khó nghĩ quá! Chỉ biết hết sức cám ơn và nghi nhận những tấm lòng ưu ái. Bây giờ mời các anh ra vườn cho thoáng. Mọi thứ đã có sẵn ở đó. Anh Lân giúp Dung một tay.
Như được tháo cũi, chủ tịch Lân rõ to một tiếng rồi lao ngang người xuống bếp. Nhưng ngay sau đó lại ngó lên:
- Chị Dung, chưa đủ, ta còn phải chờ…
- Không sao hết - Dung nói át - Đến lúc nào dự lúc đó, không phải chờ.
- Rõ! - Lân lại biến mất.
Mọi người lần lượt đi ra vườn, riêng chỉ còn một mình Dung nán lại:
- Anh Hoàng…
Chị gọi khẽ khi cái dáng gù gù của anh sắp khuất sau khung cửa Hoàng quay lại, chưa thật tin vào tai mình.
- Dung gọi tôi!
- Không… Em gọi… Hoà! Sao giờ này cô ấy vẫn chưa về nhỉ?
Hoàng đứng thêm một chút nữa, phân vân muốn nói một câu gì đó nhưng thấy cái nhìn của Dung chỉ bồn chồn hướng ra ngoài mặt đường nên anh lại thôi.
Dưới bóng mát khóm điều, tất cả đồ ăn thức uống đã được bày trên một tấm pông-sô trải rộng. Nhác trông thấy toàn những thứ của biển: Cua luộc, tôm càng chiên, mực khô xé nhỏ, cá nướng trụi, rau sống, bánh tráng, nước chấm rắc đậu phộng rang… Chỉ có hai thứ của đất là mấy đĩa thịt gà luộc và chiếc bánh ga-tô tròn vành vạnh bâng cái nón cối úp sấp nằm nghễu nghện chính giữa mâm. Đồ uống thì có bia 333 không nguyên két nhưng cũng đủ để đứng thành một làng san sát tại góc mâm. Chỉ còn chờ đá lạnh của Hoà mang từ thị trấn về nữa là đủ.
Biết được điều đó và để ý nhị gỡ cho cái thể lúng túng của chủ nhân, Thi Hoài lên tiếng thông báo một số tình hình chính tị, kinh tế và văn hoá văn nghệ thế giới, trong nước vừa thu thập được trong mấy ngày về thành phố. Anh nói về vụ nổ Trecnôbưn, về sự miệt thị cũng không chịu nổi của hàng chục vạn con em Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, về công cuộc đổi mới đang diễn ra ở một số nước Đông Âu cũng như người Nga đang nhìn nhận Xtalin là một tên tội đồ tệ hại trong lịch sừ nhân loại… Thấy người mang đá lạnh vẫn chưa về, anh nhảy thoắt sang đại hội nhà văn trẻ của Nga gần đây mà sự kiện nổi bật là có một phân tử quá khích (?) đã xông lên khán đài, quay lưng lại khán giả và… tụt quần ra, trên đôi mông của anh ta viết đậm hàng chữ ĐẠI HỘI NHÀ VĂN! Thuận miệng, anh đề cập đến hiện tượng ca sĩ, kiêm nhạc sĩ, kiêm nhà thơ Vưgốtki đang nổi đình nổi đám gần đây. Theo anh đó mới là nghệ sĩ của nhân dân, của nhân loại, một chiến sĩ chống bảo hoàng và bảo thủ không chỉ trong lãnh vực chinh ta mà còn ở ngay trong lãnh vực thi ca, con người ấy là một nhà cách tân, một nhà nhân văn vĩ đại. Hưng phấn, anh đọc luôn một bài thơ của nhà sáng tạo khổng lồ này mà anh có thuộc. Đọc xong, tự thưởng cho mình một tràng vỗ tay khiêm nhường.
Quanh bàn nhậu thơm lừng, mọi người nghe anh có mức độ nhưng những cái đầu vẫn đều đặn gật gù như điểm nhịp. Thôi thì, người làm không bực bằng người chực nồi cơm, ít nhất bằng khối ngôn từ tuôn ra như thác mà ở bất cứ đám đông nào nó cũng có xu hướng ngoi lên thành trung tâm, chả biết thật hay giả, đúng hay sai nhưng cũng phần nào xua đi được cái không khí đợi chờ…
"A! Về rồi!". Một tiếng reo của ai đó làm tất cả mọi người đột ngột quay lại. Từ chân đồi, Hoà ngoan ngoắt đi tới, trên tay xách một cái túi nhỏ mà từ đó, những giọt nước tong tỏng chảy ra. Hôm nay cô cũng mặc một bộ đồ khá đẹp, dù chỉ là một bộ bà ba đen. Thân hình đậm chắc và khuôn mặt tròn, phúc hậu của cô thích hợp làm sao với màu vải dung dị cổ truyền! Nhìn cô lúc này hoàn toàn giống một cô gái Trường Sơn đang rảo bước đi trong rừng có nhiều cây lá.
Chỉ có điều, cô không đi một mình. Đi phía sau cô một quãng là một thanh niên vai rộng, ngực nở, chân dài, vận đồ bộ đội màu xanh rêu, cái áo có cầu vai bỏ trong quần rất nghiêm chỉnh. Ai thế nhỉ? Cán bộ bộ đội biên phòng xuống dự chăng? Hay một sĩ quan của huyện đội đến mời ông chủ tịch về giải quyết việc đột xuất… Khi người thanh niên có cái dáng lực sĩ ấy đi đến gần, một người mới ngớ ra: Không phải ai khác mà đó chính là Quang, con bệnh tâm thần! Và ai cũng chợt hiểu cái nguyên cớ tại sao Hoà về chậm.
Dung đứng dạy, chạy đến cầm lấy tay Quang, động tác đến là ân cần rối rít:
- Tưởng anh Quang không đến, sốt ruột quá! Thế là cuối cùng chúng tôi cũng buộc được quỷ cốc phải hạ sơn. Vào đây, ngồi xuống đây Quang! Ngồi xuống đừng ngại, toàn người nhà cả ấy mà. Gớm! Bữa nay nhìn ra dáng chưa? Cứ như vừa ở trường sĩ quan võ bị ra.
Trong khi anh chàng đang bối rối, mặt duỗi ra chân tay thừa thãi lóng ngóng không biết để đâu, đặt đâu thì Thi Hoài hơi cúi đầu xuống… Một luồng hơi nóng chất ngất phun toả vào vùng nhạy cảm trong đầu óc anh: Rốt cuộc, cái cô ta bồn chồn chờ đợi không phải là đá là Hoà, là vị quan to xách ca táp kia mà lại chính là gã khùng này! Có đúng vậy không?
- Thôi, mở bia đi anh Lân - Tiếng Dung cất lên lanh lảnh - Thế là hoàn toàn đủ rồi, không còn thiếu cái gì nữa - Quay sang mọi người, chị tươi cười - Xin giới thiệu đây là Quang, vốn là đại đội trưởng trinh sát, bạn chiến đấu thân thiết của chủ tịch Lân và…
- Xin cải chính - Lân kêu lên - Không phải là bạn chiến đấu mà là cấp trên của tôi.
- Vâng là cấp trên - Chị nói tiếp - Và là người thầy dạy bơi của tôi Từ ngày về đây, có Quang kèm cặp, tôi đã vượt được một khoảng cách thần kỳ.
- Hồi còn ở bên kia, cậu ấy có thể bơi liền một mạch nối tỉnh này với tỉnh khác - Lân nhìn bạn âu yếm - Con cá kình của mặt trận tây nam chúng tôi đấy.
Thi Hoài chêm vào sau một cái nhếch mép khó nhận thấy:
- Cũng xin được bổ sung thêm: Con người này không những chỉ là thầy dậy bơi mà còn là đối tượng cảm xúc và phản ánh của nữ hoạ sĩ Thuỵ Dung.
Một lần nữa tỏ ra không để ý đến câu nói đó, chị nâng cốc bia vàng ánh đang sủi tăm lên ngang mặt:
- Mời các anh! Gọi là đến dự ngày sinh nhật cho nó to tát chứ thực ra Dung chỉ muốn nhân cái cớ này khu chòm nhỏ của chúng ta làm một cái lễ kết nghĩa bang giao láng giềng lối xóm. Tạm gọi là xóm Vườn Điều. Cuộc đời ngoài kia có thể đổi thay, có thể ồn ào biến động nhưng cái xóm nhỏ này mà cũng tan tác rã rời, không ai biết ai thì thật là buồn quá. Dẫu rằng các anh ngồi đây mỗi người một số phận, mỗi người một hoàn cảnh, một trăn trở, một vui buồn riêng nhưng hôm nay có cả ông chủ tịch đứng đầu thị trấn đây, xin ông chứng kiến và bảo lãnh cho cải lễ kết nghĩa đột xuất này.
- Bảo lãnh từ khuya rồi - Vị chủ tịch gật mạnh đầu..
- Thực chất hôm nay ngoài tôi và bác sĩ Vũ ra, tất cả các anh đều là lính - Dung nói tiếp - Không phải vô cớ mà trên người các anh bữa nay dù đậm dù nhạt, dù mới dù cũ, vẫn còn lưa lại dấu vết của một thời vận quân phục.
Mọi người bất giác tò mò nhìn nhau. Đúng thật: Lê Hoàng vận nguyên bộ ốtspho xám, dù đã may cắt theo kiểu ký giả, Thi Hoài và chủ tịch Lân không ai bào ai đều vận quần áo màu cỏ úa, chỉ khác người này áo thì người kia lại quần. Riêng Hoà không dính dáng một chút nào đến màu trận mạc nhưng lại rõ nét một lối ăn vận của các cô gái thời ở rừng.
- Cho nên - Dung mỉm cười - Bữa ăn nhẹ hôm nay cũng mang chất lính với món chủ lực là bánh tráng cuốn thịt heo mà Dung biết ngày trước các anh rất thích. Bây giờ xin mời tất cả uống cạn để mừng cho xóm cây điều từ nay gắn hến mọi vui buồn sướng khổ?
- Thật là một ý nguyện tuyệt vời - Thi Hoài nói với nét mặt có phần cảm động thực sự - Nó hàm chứa tính nhân đạo và chân lý vĩnh hằng của cuộc sống con người. Xin chúc sức khoẻ nhân ngày sinh của người đàn bà đã xác lập được một nền tảng triết học đơn sơ trong khu chòm hiu hắt này.
- Cám ơn nhà thơ, chỉ có nhà thơ mới nói hộ chúng tôi những điều chúng tôi mới chỉ nghĩ được trong lòng - Dung chạm ly vào ly của anh - Chúc nhà thơ mau chóng tìm lại được cảm hứng về cái đẹp đích thực để độc giả chúng tôi lại được đọc những vần thơ đắm say chân thật như trước đây - Chị chuyển ly qua Vũ, không để ý đến ánh mắt của Thi Hoài dính chặt vào miệng mình - Bữa nay anh Vũ phải vui thật tình đấy! Ngày sinh của tôi mà. Mong anh cứ coi chúng tôi như bạn bè thân thiết, nỗi buồn chia ba, chia bảy nó sẽ vơi nhẹ đi nhiều lắm. Hy vọng rằng tới đây, một ngày rất gần, cư dân trong khu chòm nhỏ nay sẽ được đến khám bệnh, xin thuốc trong bệnh viện của một bác sĩ tài hoa, giàu nhân hậu.
- Cám ơn chị! - Vũ nhấp một chút bia rồi lại đặt xuống, nét mặt vẫn không vui hơn.
- Không, anh phải uống hết cơ. Dù sao chúng ta cũng trót mang danh là dân biển rồi. Dân biển ăn sóng nói gió, tính đại lượng nhưng yêu ghét đến chốn đến nơi, không nửa vời - Vũ buộc phải nâng ly lên uống hết, mặt nhăn quắt lại như uống thuốc đắng.
Chị chuyển qua Quang đang ngơ ngơ ngồi cạnh đây, nét mặt toát ra vẻ dịu dàng khó tả:
- Nào, hết đi Quang! Hôm nay anh là khách đặc biệt của tôi, của mọi người, anh cứ tự nhiên vui vẻ như đang bơi ở ngoài biển. Chả mong gì cả, chỉ mong nắng gió khoáng đạt nơi đây và tâm hồn thuần phác của người đời sẽ cho Quang giữ được cái vẻ bình thường mãi như thế này. Tôi tin như thế. Được không?
Anh chàng gục gặc cái đầu không ra gật cũng không ra lắc, ghé nhìn sang Lân ra ý hỏi rồi ngửa cổ uống cạn một hơi ngon lành và gọn ghẽ như ta uống một ly trà nhỏ. Mái tóc xoăn rậm rạp rủ xuống trán khiến anh có dáng một quân nhân thuộc vùng xích đạo nước ngoài.
- Anh Vũ giúp tôi rót thêm cho Quang đi! - Dung nói - Kệ, không biết! Từ nay sự bình phục của Quang lâu hay mau là hoàn toàn phụ thuộc vào anh đó. Nào Hoà - Chị quay sang trái - Biết chúc em điều gì nhỉ? Tình yêu và hạnh phúc nhé? Kệ cánh đàn ông họ mưu toan những cao siêu chiến lược toàn cầu nọ kia đàn bà con gái chúng mình chỉ cần những điều nho nhỏ thế thôi.
- Em cũng chúc chị như vậy - Hoà rơm rớm nước mắt.
- Gớm, chúc tụng mãi - Tiếng nói của Dung bỗng cao lên - Cứ như ngày Tết không bằng. Còn đồng chí chủ tịch? Đáng lẽ đồng chí phải thay tôi nói lời chúc với thiên hạ chứ không phải cứ ngồi cười hoài như thế này đâu nhá! Nào, đáng lẽ ông chúa đất thì khỏi phải mời nhưng đây là lần đầu, mong ông chúa đất cứ mãi mãi tốt bụng và ồn ào như ông chúa đất bây giờ, còn mọi chuyện rắc rối trong cái ghế quyền vị của ông, chị em tôi là không có biết. Nhưng ông chỉ cần nhớ: Nếu vì một lẽ gì đó ông làm mất lòng tin của chị em tôi thì chị em tôi sẽ thề mai phục để trả hận suốt một đời đấy.
- Nhất trí!
Lân nhìn nhanh sang Hoà nháy mắt một cái rồi giống như Quang, anh uống hết ly bia gọn lỏn, miệng vẫn hoàn toàn khô ráo như chưa uống gì.
Dung lơ đãng đặt nửa ly bia còn lại xuống cỏ, nét mặt bỗng dưng thoáng buồn.
Hoà ghé tai chị, thì thầm.
- Chị Dung… Còn anh Hoàng?
- Không giật mình, cũng không tỏ ra lúng túng, Dung nhẹ gật đầu. Lát sau, chị nâng ly bia về phía anh và bắt gặp ở anh một cái nhìn phân vân chờ đợi:
- Anh Hoàng… Em uống với anh hết ly bia này - Những giọt bia từ từ chảy vào cổ chị cho đến hết. Chị nói tiếp chỉ vừa đủ để anh nghe - Lát nữa anh ở lại, em muốn gặp anh một chút, được không?
Lê Hoàng thảng thốt gật đầu. Ly bia trên miệng anh bỗng trở nên đắng ngắt. Và Thi Hoài, người không bỏ sót bất cứ một tín hiệu to nhỏ nào cũng cảm thấy bụng dạ mình nôn nao… Thế là thế nào nhỉ? Tóm lại cô ấy là của ai, hướng về ai trong đám đàn ông xô bồ, ươm lạnh này? Tất nhiên không phải là anh rồi. Từ đầu đến giờ, nhà thơ đủ mẫn cảm để nhận biết đôi mắt kia thỉnh thoảng nhìn vào anh như nhìn vào một khoảng không trống lạnh.
Được hơi men phá vỡ và được cung cách tiếp khách hết sức ân cần lịch duyệt của nữ chủ nhân tác động, thời tiết trong mâm bắt đâu chuyển. Những con người mệt mỏi đã quá quen với sự im lặng bắt đầu quay qua nhau hỏi han chuyện trò. Người đầu tiên thực hiện tiều đó không ngờ lại là Vũ. Phải chăng bản năng nghề nghiệp trong anh thức dậy, anh rót thêm bia vào ly cho Quang, con bệnh đã được chủ nhà có lợi gửi gắm:
- Anh Quang bị thương trong trường hợp nào?
Quang nhìn chăm chú vào mặt Vũ một lúc rồi mới trả lời bằng cái giọng khàn khàn của một người không quen nói nhỏ:
- Tôi hả?… Tôi không bị thương đâu. Tự dưng đang chạy không hiểu vật gì nó va phải đầu, thế rồi không biết cái gì nữa. Có khi do… do ngã đấy.
- Nó nói bậy rồi bác sĩ ơi? - Lân hét lên - Ngã thế nào? Một mình nó bắn gục hơn hai chục thằng Pôn Pốt, đến thằng thứ hai mươi mốt thì súng nó toác nòng. Thế là nó xông lên vật lộn. Sức nó khoẻ như con bò tót chả thằng nào chịu nổi một đòn, cứ la lối ngã nghiêng ngã ngửa… Cho đến khi có một thằng chĩa nòng súng vào sau ót nó…
Quang ngó trân trân vào cái miệng đang nói của bạn rồi nhe răng ra cười.
- Có đúng như vậy không anh Quang? - Dung tò mò hỏi - Người hùng một thời như thế mà lại không nhớ được chút gì ư?
- Không… Tôi không phải người hùng đâu - Quang gãi đầu cười bẽn lẽn - Tôi sợ chết thấy mồ, tôi chỉ thích về nhà ra biển đánh cá thôi nhưng họ…
- Họ nào? - Lân nhắc - Bọn Pôn Pốt!
- Ừ, bọn Pôn Pốt. Họ chơi không ngon, đang ngủ cũng chui vào mùng bắn lén.
Hoà quay sang bác sĩ Vũ:
- Anh ấy không nhớ được gì đâu bác sĩ ạ! Cũng không thích nói về mình. Hỏi hoài là nổi quạu đấy. anh ấy bảo mỗi khi anh ấy hú to hay bỏ chạy là khi đó cú cảm thấy có ai đó đang cầm dao đuổi theo đòi xẻ thịt mình. Anh Vũ biết tại sao chị Dung lại tổ chức lễ sinh nhật vào buổi sáng mà không vào buổi tối như lệ thường không? Vì chị ấy sợ về chiều oi bức, anh Quang dễ lên cơn la hú rồi chạy cùng đồi.
- Tội nghiệp! - Vũ khẽ thở dài - Trông anh ấy đẹp đẽ khoẻ mạnh là thế!
Không khí đang im lặng chợt Hoà kêu lên:
- Hẽn!
Thi Hoài giật nảy mình, ngẩng lên ngơ ngác nhìn xung quanh…
- Anh Hoàng Như Hẽn! - Hoà kêu lên một tiếng nữa to hơn.
Lần này thì Thi Hoài đã định vị được tiếng kêu đó, anh thoắt trở nên bối rối:
- Cô gọi…
- Anh có phải là Hẽn, Hoàng Như Hẽn không? - Hoà hỏi tiếp.
- Nhưng sao cô lại…
Khuôn mặt Hoà bừng sáng, cô reo lên với mọi người.
- Đúng anh là Hẽn rồi? Anh Hẽn còn nhớ em không. Hồi anh vừa mới ở ngoài kia vào còn chân ướt chân ráo, chính em đã cáng anh về trạm xá B2 đó. Gớm nằm trên võng anh rên mới khiếp chứ. Anh bị sốt rét mà, nhớ không? Thế rồi em trở lại trọng điểm mấy tháng sau em nghe tin anh ra viện và biên chế chính thức về một cái trại sản xuất tăng gia nào đó. Rồi em lại nghe nói về sau có một chú nhà văn già tên là gì gì ấy ở trên Rờ xuống xin cho anh được về trên ấy vừa làm công vụ vừa dự trại sáng tác văn học, đúng không.
- Ờ ờ văn học nào?… Sao lại tăng gia?… Tôi… - Mặt thoắt đỏ như gấc. Thi Hoài ấp úng nói không ra lời.
- Hôm đầu gặp anh ở đây em đã ngờ ngợ nhưng không dám hỏi. Hồi đó anh trông khác lắm cơ, đâu có tóc tai râu ria lướt thướt như thế này. Và tại cái tên Thi Hoài nữa! Giá anh cứ tên là Hẽn như trước thì em nhận ra ngay.
- Thế à?… Thế ra chúng ta cùng chung một chiến hào… Cùng… Thì ra cô đã cáng tôi đấy à?… Khoẻ nhỉ?
Thi Hoài lắp bắp nói những câu hết sức vô nghĩa và im bặt. Cố gắng nhịn cười, nữ chủ nhân đi đến bên anh:
- Giá tôi cũng có được những ngày ở rừng như mấy anh nhỉ? Tha hồ có chuyện để kể, để nói nhé? - Dung vẫn tươi tắn - Tôi cảm thấy ngồi đây. anh Quang và anh Hoài tạo thành một thế đối tỷ rõ rệt: Một người nói thật như giả, người kia lại nói giả như thật.
Đã dạn đòn và đã vượt qua được cái xúc động quá mạnh ban đầu Thi Hoài trở nên câng câng và lì lợm anh nói phun cả nước miếng ra:
- Giỏi! Một nhận xét rất giỏi! Xin cụng ly! Xin cụng với cả cô gái đã cáng tôi trong rừng nữa. Nào…
Nhưng cái liều lĩnh ấy của anh chưa kịp phát lộc thì ở ngay đầu con đường cát dẫn vào chòi, bất chợt vang lên một tiếng còi ô tô rất ấm. Ngay sau đó, chiếc Lada trắng cuốn cát bon vào.
- Chú Tư… Hoà khẽ kêu lên và bật đứng dậy.
Dung vẫn ngồi im, nét mặt bình thản, ánh mắt chỉ thoáng xao động một chút. Gần tới khóm điều, chiếc Lada dừng lại. Từ trên xe bước xuống hai người: Tư Đương và một ông già dong dỏng cao, ăn mặc nhã nhặn, tóc bạc, rất đẹp lão. Ông già dáng vẻ bồn chồn đảo mắt nhìn nhanh vào đám người đang ngồi, rồi như bị vấp, ông đi nhanh về phía Dung, người hơi lao về trước… Thoáng nhìn thấy ông, mặt Dung tái đi, chị từ từ đứng dậy rồi rời đám người đi ra, bước đi hơi cập rập… Thoáng chốc, hai người đã nép chặt vào nhau và trong tròng mắt cả hai đều dường như có nước…
Tư Đương mệt mỏi quẳng cái ca táp cho cậu lái xe, nói khẽ với Hoà:
- Đây là chú Hai, ba ruột của Dung vừa ở Hà Nội vào. Cháu chuẩn bị chỗ nghỉ cho tốt và nước nóng cho chú Hai tắm nhé? - Thấy Hoà vẫn đứng tròn mắt anh nói thêm - Kể từ ngày giải phóng năm bẩy lăm, đây là lần đầu tiên hai cha con gặp nhau.
Cái thông báo bất ngờ đó khiến tất cả đều sửng sốt. Họ vội buông bát buông đũa và quay cả về phía hai cha con chờ đợi… Bị ấn tượng mới mẻ đó choán ngợp, nhà thơ đã quên đi điều hẫng hụt hồi nãy, vội ngơ ngác hỏi:
- Gần chục năm trời kia ư? Tại sao lại thế? Mất liên lạc à?
- Không? Hoàn toàn thông tin tức nhưng cô ấy dường như không muốn gặp. Còn tại sao thì chính tôi cũng không biết.
Đến lúc này anh mới quan lại lần lượt nhìn kỹ tìm người với vẻ vừa lãnh đạm vừa muốn tỏ ra thân thiện. Đứng lùi vào một góc, Lê Hoàng lẩm bẩm:
- Ba ruột của Dung?… Ông già trông quen quá! Hình như tôi đã có lần gặp ở đâu?
Chả lẽ cứ đúng không mãi, Tư Đương buộc phải trả lời:
- Hiện nay ông cụ là người lãnh đạo chủ chốt một bộ quan trọng của Trung ương. Có lẽ đồng chí gặp ông cụ trong các hội nghị.
Thông tin thứ hai này đẩy cả bàn tiệc đứng dậy. Họ không thể cứ yên vị khi xuất hiện một viên chức cao cấp như thế của quốc gia, nhất là viên chức đó lại là cha ruột của Dung. Chắc nhận ra điều đó, ông cụ rời cô con gái ra, đưa một tay lên cao quá đầu:
- Các đồng chí cứ tự nhiên, cứ tự nhiên đi! Để hai cha con tôi đứng với nhau một chút.
Thi Hoài, phải, chính lại là Thi Hoài chứ không ai khác cầm một ly bia đầy tràn tiến đến trước mặt ông cụ:
- Thưa bác, hôm nay là ngày sinh nhật của Dung, thật không ngờ bác lại tới. Xin chúc bác sức khoẻ và thành thật chúc mừng bác đã sinh ra một người con gái tuyệt vời!
Ông già đỡ lấy ly bia nhưng không uống, giọng ông ngàn ngạt:
- Ngày sinh nhật con tôi… Tôi nhớ chứ. Mười sáu tháng ba năm một ngàn chín trăm năm mươi hai… Tôi nhớ chứ! Nhưng nó có bao giờ chịu báo cho tôi!
- Thôi ba! - Dung đã lấy lại được vẻ mặt tươi tỉnh - Nhắc lại chuyện đó làm gì ba. Ba đã đến đây rồi, mời ba ngồi xuống đây luôn với tụi con cho vui. Tụi con đây là toàn bộ cư xóm dân xóm Vườn Điều đó ba.
- Ba mệt quá! Lâu lâu không đi xa, đường sá lại xuống cấp nhiều. Có lẽ để cho ba nằm nghỉ một chút?
Tư Đương đưa mắt cho Dung:
- Thế cũng được Dung ạ! Bác họp hành suốt ba ngày hôm nay cả đêm lẫn ngày ở thành phố nên cũng đuối. Dung đưa bác vào nhà nghỉ tạm đã nhé!
Chủ tịch Lân chạy đến:
- Thế này hơn, để tôi đưa bác Hai về nhà khách huyện uỷ, chỗ ấy tốt hơn.
- Không sao! Không sao! - ông già vội xua tay - Tôi nghỉ đâu cũng được, chút xíu thôi mà. Vả lại tôi cũng muốn biết con gái tôi làm gì ở đây, sinh sống thế nào? Cho phép tôi tụ nhiên nhé, các bạn trẻ!
Dung một bên, Hoà một bên, họ dìu ông cụ đi qua vườn điều vào chòi. Nhìn theo bước chân của ông cụ còn khoẻ khoắn, cái lưng còn thẳng ngay, mọi người đều hiểu đây chỉ là cái cớ để ông cụ có điều kiện trò chuyện riêng với con gái của mình.
Không còn sự hiện diện tươi tắn và duyên dáng của nữ chủ nhân nữa, lại thêm sự xuất hiện bất ngờ của những người khách lạ, bữa ăn bỗng trở thành chống chếnh, mặc dù đã được bổ sung thêm cái dáng ngồi bệ vệ của Tư Đương ở giữa tấm pông-sô.
- Thì ra là như thế? - Thi Hoài trầm ngâm nhả khói thuốc nói như một lời độc thoại - Biết đâu cô ấy lại là con của một vị Cộng sản gốc? Hoá ra ở đời, không có gì là không được bắt nguồn tù một gốc nguồn sâu xa cả…
- Anh nói cái gì là thơ? - Lân hỏi to.
- Không… Tôi không nói gì cả.
- Chị ấy giống ba quá! - Vũ nói theo cũng như nói một mình - Nhưng sao chị ấy không ở thành phố hay ở Thủ đô với ông cụ mà lại ra ở đây?
Có lẽ không quen chịu đựng những giây phút chìm lắng nặng nề như thế này, Lân oang oang:
- Tôi đồ chừng hai cha con chị ấy đang có điều gì trắc ẩn không bình thường. Cứ xem cái cách bà Dung gặp lại ông già ruột sau gần cả chục năm là biết. Cũng xúc động, cũng nước mắt nước mũi đấy nhưng không vui, có phải không thú trưởng Tư Đương?
Đang mải nghĩ ngợi một điều gì đấy, bị hỏi bất ngơ, Tư Đương hơi giật mình nhưng không trả lời, anh chỉ khe khẽ lắc đầu. Nhận điếu thuốc từ tay Lê Bá Hoàng, tiện miệng, anh hỏi luôn:
- Đồng chí là Lê Bá Hoàng?
- Dạ! _ Hoàng trả lời ngay như anh đã chờ đời câu hỏi này từ lâu rồi.
- Đi dạo loanh quanh một chút đi! Cảnh vật ở đây đẹp quá!
Họ lặng lẽ đứng lên mà không gây một sự thiếu vắng nào cả vì bữa ăn đã quá trống vắng rồi.
- Tôi đã được nghe nói về việc của đồng chí - Tư Đương nói. - Tuần trước Tỉnh có nhận được bản tường trình dài hơn mươi trang của cậu Duy, người phó của đồng chí. Chắc đồng chí có biết?
- Dạ! - Tiếng "dạ" của Hoàng đã hơi rung lên.
- Y kiến của đồng chí thế nào?
- Tôi… Tôi đang suy nghĩ.
- Với bản chất và nội dung của bản tường trình ấy, nếu đồng chí im lặng thì có nghĩa là đồng chí sẽ có lợi.
- Vâng tôi hiểu, nhưng…
- Nhưng tỉnh không thể chấp nhận toàn bộ điều dó được. Chấp nhận nó tức là Đảng chấp nhận sự yếu kém của mình, làm sao một đảng viên lâu năm như đồng chí, trong tay lại có cả một đảng bộ vững mạnh nữa mà lại để cho một quần chúng có thành phần lai lịch không rõ ràng lũng đoạn, dắt mũi đi từ cái sai này sang cái sai khác, toàn những cái sai cơ bản cả.
- Như vậy tức là…
- Tức là đồng chí chỉ được quyền im lặng một nửa, nửa kia đồng chí phải dũng cảm thừa nhận những lầm lỗi của chính mình. Như thế, mức độ kỷ luật của đồng chí cũng sẽ nhẹ đi được một nửa. Đồng chí Hoàng thấy thế nào?
Sau một lát im lặng, Hoàng ngẩng lên, giọng không còn run lên nữa:
- Vâng, tôi hiểu! Tôi rất hiểu. Nhiều khi số phận và giá trị thực của một con người không phụ thuộc vào bản thân họ mà lại phụ thuộc vào những cái ở đâu đâu, hoàn toàn xa lạ… Đồng chí! Các đồng chí để tôi được tiếp tục suy nghĩ. Tôi còn tám ngày nữa…
- Tốt! Hãy suy nghĩ cho chín đi? Tất cả những cái gì có thể làm được cho đồng chí, tôi đã làm cả, mặc dù đây không thuộc phạm vi chức trách của tôi.
- Cám ơn? Rất cám ơn! - Hoàng buông một câu gọn lỏn rồi bỏ về chỗ ngồi. Từ đó anh không nói thêm một lởi nào nữa, hai con mắt cứ sa sầm xuống.
Thi Hoài cầm ly bia đầy tràn chạy đến trước mặt Tư Đương, tiếng nói cố làm ra khoái hoạt nhưng những mảnh vụn khiêu khích vẫn lanh canh va chạm ở đầu lưỡi:
- Xin được cụng ly với nhà quản lý kiêm chính khách của tỉnh nhà. Nghe nói anh Tư là dũng tướng trong địa hạt làm ăn mới, làm hết mình, sống hết mình? Dám chịu trách nhiệm với tất cả những cái gì mình đề xuất ra cũng… hết mình. Để đi thẳng vào đây trên chiếc xe hào nhoáng giữa ban ngày, lại bẩm còi nữa, tôi hiểu anh Tư đã phải thực hiện một cuộc hành trình tự vượt mình để tiếp cận tư duy hiện đại như thế nào. Hỡi con người, xin hãy trở về đúng mình, như vậy cuộc sống sẽ đáng tin yêu hơn. Xin mời!
Rọi một tỉa mắt khá tinh ranh vào người đang nói, Tư Đương thả gọn một câu hỏi:
- Thế nhưng câu nói líu ríu vừa rồi, anh bạn nói đúng mình hay khác mình đấy?
- Hoan hô! - Chủ tịch Lân vỗ tay đôm đốp - Phen này nhà thơ hết biết đường ăn nói nhé! Hoan hô!
Nhạy bén trong tấn công nhưng lại rất ngu ngơ trong phòng ngự, bị phản kích một đòn rất nhẹ như thế nên Thi Hoài đã choáng váng mặt mày, không còn biết nói lại một câu gì nữa. Thấy vậy, với cái cười đại lượng, Tư Đương giơ tay vỗ mạnh vào vai Thi Hoài:
- Đồng chí là nhà thơ Thi Hoài?
- Còn một cái tên nữa là Hoàng Như Hèn, như mọi người ở đây vừa đặt - Anh trả lời và cười khẩy. Vậy xin chúc mừng đồng chí?
- Chúc mừng tôi?
- Một anh bạn trong Ban lãnh đạo Hội Văn nghệ thành phố có nhờ tôi xuống đây nếu gặp nhà thơ Thi Hoài thì thông báo hộ cậu ấy vừa trúng giải thưởng loại A về tập thơ kháng chiến và nhắn tuần sau về nhận giải.
Ly bia gần như sắp tụt khỏi tay, Thi Hoài run lẩy bẩy:
- Giải A! Thật hay giả? Anh Tư không nói giỡn đó chứ anh Tư?
- Bộ tôi hay nói giỡn lắm sao? Mà cái giải ấy được bao nhiêu triệu để đồng chí sửng sốt quá trời vậy?
- Trời ơi! Giải A! Tôi trúng giải A! - Thi Hoài nói như người mê sảng - Các bạn, chức mừng tôi đi! Các đồng chí, chúc mừng tôi đi! Chúc mừng cho những giá trị được hoàn nguyên giá trị đi!
Ly bia trong tay Thi Hoài quét ngang qua mặt mọi người như một thanh đoản đao sóng sánh nước. Chỉ riêng anh chủ tịch là không hưởng ứng. Anh ngơ ngác nhìn Hoài như nhìn vào một vật thể kỳ dị… Trong thâm tâm anh hoàn toàn không thể hiểu nổi rằng, một con người vừa có thể chửi rủa không tiếc lời về một chuyện lại có thể sung sướng đến phát rồ lên cũng vì chính cái chuyện ấy?
- Xin chúc mừng con người đoạt giải cao nhất về dòng thơ kháng chiến.
Một tiếng nói thanh thanh quen thuộc cất lên từ phía sau mọi người: Nữ chủ nhân đã ra cùng với người cha của mình. Chị tươi tắn đi đến đón từ tay Tư Đương ly bia và quay qua Thi Hoài đang đứng sượng cứng người:
- Hy vọng sau cái giải thưởng này, nhà thơ xóm Vườn Điều của chúng ta sẽ thôi làm mình, làm mẩy với cuộc đời. Nào xin mời các anh! Xin lỗi các anh về chuyện vắng mặt không đúng lúc của tôi vừa rồi - Chợt chị sững lại - Ủa! Quang đâu rồi? Anh ấy chạy đi đâu rồi?
Đến lúc đó, mọi người mới phát hiện ra sự vắng mặt của con bệnh tâm thần. Hầu như không ai bảo ai, họ đều ái ngại nhìn lên đỉnh đồi.
- Anh ấy chắc lại lên trên ấy rồi? Anh ấy lại sắp lên cơn… Lại tưởng thiên hạ sắp bâu vào xẻ thịt mình - Hoà nói rầu rầu.
- Đặc điểm của bệnh lý này là không chịu được tiếng ồn và chỗ đông người. - Vũ gượng nhẹ nói thêm.
Có lẽ để tự giải thoát khỏi sự sượng sùng phải chịu đựng liên tiếp từ sáng đến giờ và cũng có lẽ do tác động lâng lâng của cái giải thưởng vừa được thông báo, Thi Hoài lên tiếng đầy chất khái quát:
- Cứ để mặc cho cậu ta trở về đúng vị trí của mình. Cậu ta đang mang một căn bệnh của thời đại là bệnh sợ con người. Cảm thấy bị ăn thịt hay bị ăn thịt thật, hai cái đó không cách xa nhau là mấy.
Câu triết lý này rơi tõm vào khoảng không, chẳng có một ai để ý. Họ còn đang mải chú trọng đến người cha đang đi đến. Tư Đương vồn vã:
- Bác đã đỡ mệt rồi chứ ạ? Mời bác ngồi xuống đây, tất cá còn đang chờ. Chỉ tại con đường quá xấu. Lần này!
- Dạ! Anh Tư kêu! - Đang mải say sưa nói gì với Hoà, nghe gọi, chủ tịch Lân vội quay ngoắt lại.
- Cậu làm công văn xin kinh phí đi! Mình hứa sẽ ủng hộ. Không thể để đường sá quá thể như thế này được. Ngượng chết! Mời bác ạ? Hôm nay là ngày sinh nhật của Dung…
- Cốc bia của tôi đâu? - Ông già hỏi cắt ngang - Đây hả? Nào, xin cạn một cốc này vì sức khoẻ của con gái tôi và… tất cả các bạn trẻ ở đây - Ông cụng ly với tất cả, đến Dung, ông hơi dìm lại một chút nói khẽ - Mong con hiểu ba hơn… Ba cũng già rồi…
Và ông uống, uống từng hớp một, uống như không phải đang uống bia. Càng uống cặp mắt ông càng trĩu buồn, ảm đạm.
- Bây giờ tôi đi! - Ông đột ngột nói - Mong các bạn thể tình cho.
- Kìa, chú Hai! Sao lại đi ạ?
Tư Đương hoảng hốt kêu lên rồi ngơ ngác nhìn sang Dung lúc ấy đang bặm môi cúi xuống…
- Ở hay! Chị Dung, chị phải giữ bác lại chứ! - Chủ tịch Lân cũng kêu lên - Ai lại để bác đi như thế? Cha con gần chục năm mới gặp nhau chứ ít ỏi gì. Chị Dung…
Dung vẫn bặm chặt môi không nhìn lên, khẽ lắc đầu, Hoàng lúc đó mới lên tiếng, cũng như từ trước đến nay, anh luôn rèn cho mình cái thói quen chỉ lên tiếng khì không thể không lên tiếng.
- Chú Hai… Bọn cháu biết chú bận việc, rất bận việc nhưng hôm nay là ngày vui của Dung, mà không phải ngày vui chỉ của một người, nó còn là ngày vui lần đầu hội ngộ, như Dung nói, của bọn cháu, tất cả cư dân xóm Vườn Điều. Chú không ở lại được cả ngày nay, đêm nay thì ít nhất cũng phải được vài giờ. Bọn cháu thực sự coi chú như người ruột thịt trong nhà, sự có mặt của chú sẽ quyết định sự vui buồn của Dung, của bọn cháu.
Một thoáng cảm động chạy lướt qua vầng trán cao có nhiều nếp nhăn nhưng dù sao đấy vẫn chỉ là một thoáng, nét mặt ông già không hề thay đổi.
Giữa lúc ấy, một tình huống không ai ngờ bỗng dưng xảy ra. Chủ tịch Lân cầm tay Hoà lôi thếch đứng dậy, anh chàng lôi mạnh đến nôi người ta nghe được cả tiếng chỉ đứt ở một chỗ nào trong áo cô gái.
- Nếu bác không vì chị Dung, không vì mọi người thì bác hãy vì chúng cháu đây!
Choang! Câu nói nặng chình chích đó bổ mạnh xuống như một nhát chém khiến mọi người ngỡ ngàng nhìn lên. Thây kệ những cái nhìn thảng thốt ấy, thây kệ cả vẻ bối rối tột độ hiện lên từng mảng trên gò má chín dừ của cô gái, súng đã nổ rồi, vị chủ tịch đứng thẳng chân, ngực vênh lên, mắt nhìn trang nghiêm và bao quát theo kiệu nhìn của người chỉ huy tối cao sắp đem quân đi dẹp bạo loạn:
- Chúng tôi quyết định cưới nhau - Anh nói - Tôi yêu cô ấy và cô ấy cũng yêu tôi. Nhân ngày vui hôm nay, chúng tôi chính thức tuyên bố như vậy. Và cứ tạm coi buổi nhậu hôm nay như một buổi ăn hỏi, xin tất cả mọi người làm chứng và tán thành cho. Kể từ giờ phút này, tôi bắt đầu gia nhập xóm Vườn Điều với tư cách là công dân thứ năm. Tôi nói điều này thật lòng, nếu có gì khuất tất, xin trời phật và thần biển vật chết tươi.
Bất ngờ như không có thật, đột ngột như một chuyện đùa, mọi người lặng đi một chút rồi mới lác đác vang lên những tràng vỗ tay tất nhiên đó vẫn là những tràng vỗ tay gượng nhẹ. Thi Hoài tự nhiên lảng nhìn ra ngoài nắng… Từ trong một góc sâu xa cuối cùng của sự mềm mại, trái tim anh rung nhẹ. Anh xúc động thật sự. Và lạ lùng làm sao, cùng với những giọt nước mắt sung sướng dâng trào ra trên gương mặt của cô gái Trường Sơn đã lỡ thì, Thi Hoài cũng để mặc cho sự rưng rưng trong mình dâng lên không cần kiềm chế.
Cùng một tâm trạng như thế, Dung quay sang ôm chặt lấy đôi vai đang rung lên của bạn:
- Chị thành thực mừng cho em. Chị biết rồi nhất định sẽ đến lúc em được như thế này. Anh ấy là một người đàn ông tốt, em có thể tìm được sự yên bình và hạnh phúc bên chồng em. Yên bình và hạnh phúc! Có một người đàn ông yêu mình và mình cũng yêu trở lại, chỉ cần thế thôi là đàn bà con gái chúng mình có thể đi hết được cuộc đời mà không đòi hỏi gì thêm cả.
Tiếng nói của chị nghẹn lại, nước mắt ứa ra nhưng trên môi vẫn giữ được một nụ cười dìu dịu.
- Thưa bác Hai! - Giọng Lân lại vang lên - Chả lẽ bác lại nỡ bỏ đi giữa ngày vui của chúng cháu sao?
Ông già nắm chặt lấy bàn tay của đôi vợ chồng không còn trẻ:
- Cám ơn… Xin chúc mừng… Tôi muốn ở lại lắm, ở lại thật lâu, ở suốt đời với các bạn, với bãi biển thanh vắng này nhưng… tôi phải đi! Cần phải đi! Tôi không… Không nên ở lại đây. Còn sống lâu ở trên đời này, rồi các bạn sẽ hiểu điều tôi nói và thể tất cho tôi. Có những sai lầm không bao giờ có thể sửa chữa được đâu… Xin chào tất cả! Chúc tất cả cứ sống với nhau yên ấm hoà thuận như thế này - Ông đi đến gần con gái, giọng chìm thoảng - Ba đi nghe con. Ráng giữ gìn sức khoẻ… Nếu có gì nhớ báo tin cho ba. Ba… Ba yêu con!
Nói xong, ông quay người đi nhanh ra xe, dáng đi vẫn thẳng nhưng thỉnh thoảng lại vấp nhẹ, đôi vai nhô lên, mái tóc bạc rũ xuống…
Dung bật nấc lên một tiếng rồi chạy vụt trở lại chòi… Tư Đương nói nhanh với người lái xe:
- Đưa ông cụ ra thì trấn trước, chờ mình ở đó một lát.
Nói xong, anh cũng rảo bước theo Dung… Dung đang ngồi đó, chìm trong bóng tối góc phòng và khác hẳn với dự cảm của anh, chị hoàn toàn lặng lẽ..
- Sao thế em? (Dung lắc đầu). Có việc gì xảy ra thế em? (Dung lại lắc đầu) Không còn thời gian nữa, anh phải đưa ông cụ về thành phố đây (Dung gật nhẹ đầu). Anh muốn tranh thủ nói với em một chuyện… Cái ấy… tức là cô vợ của anh đã điện vào đồng ý ra toà… Anh muốn…
- Đến lúc ấy, Dung mới ngẩng lên, đôi mắt buồn mênh mông:
- Anh hãy điện trở lại đi, rằng anh không đồng ý.
- Sao? - Tư Đương hỏi lạc giọng.
- Anh Tư!… Anh tốt với em nhiều lăm! Anh là người đàn ông tốt nhất mà em được gặp. Em ơn anh và kính trọng anh… Những ngày u uất buồn nản nhất, buồn nản đến muốn tự tử, trời đã cho em may mắn được gặp anh. Anh đã không khinh em, thành kiến với em, anh đã cưu mang, đã khuyên nhủ, đã nhận em vào làm trong công ty của anh và em đã sống trở lại, đã tìm được sự cân bằng trong tâm hồn quá ư khủng hoảng của mình. Nhưng anh đã không thật hiểu em. Anh đã nhầm lẫn giữa lòng kính trọng và tình yêu. Em không… Hãy tha lỗi cho em. Trong chuyện này em đã có lỗi, đã không đủ nhẫn tâm nói hết với anh ngay từ buổi đầu để anh phải sống trong dằn vặt, đau khổ và hy vọng. Em không bao giờ muốn anh phải từ bỏ tất cả để chỉ vì một cái xác chết lạnh giá như em. Vâng, từ lâu trái tim em đã chết, em đang chết! Gần đây em đã tưởng rằng nó sẽ được sưởi ấm trở lại nhưng rồi càng lạnh giá hơn. Đây là em đang nói về một người khác ngoài anh. Anh Tư… Hãy tha thứ cho em về mọi chuyện và hãy điện trở lại cho chị ấy đi… Vĩnh biệt anh!
Cô gục đầu xuống, mệt lả… Tư Đương đứng im lìm, anh nhìn trân trối vào đôi vai gầy mảnh như một cánh chim đau yếu đang nhô lên. Toàn thân anh tan chảy nhức nhối. Anh không nói thêm một câu gì nữa và cũng chẳng còn gì để mà nói khi những năm qua, bằng tình yêu và lòng vị tha của mình, anh đã nói ra cả một trời trắc ẩn rồi.
- Cám ơn… cám ơn em!
Anh chỉ còn nói được như thế, tiếng nói vang ra từ vùng vô thức đau xé và dịu dàng, cam chịu.
- Anh Tư… - Cô ngẩng lên - Anh cỏ hứa là thỉnh thoảng vẫn đến thăm em như thăm một đứa em gái ốm đau tội tình không? Mà thôi… Anh đừng đến, anh không phải đến nữa đâu… Không bao giờ phải đến nữa cả!
Xoa nhẹ lên mái tóc cô gái, người đàn ông đúng tuổi nghẹn giọng:
- Anh sẽ đến, vẫn đến, anh vẫn thương em, trọng em, em gái ạ!
- Trời!… Em có phản trắc không? Em có phải con người như vậy không? Anh nói đi! Em không đúng như thế chứ?
- Không? Em chân thật, em vẫn hết sức chân thật.
- Tại sao lại thế?… Em khổ quá!
- Còn chuyện của Hoàng…
- Thôi, anh đừng nói nữa, em mệt lắm!
- Tạm biệt em!
Hôn nhẹ lên mái tóc người đàn bà, Tư Đương lặng lẽ đi ra cửa.
Dưới ánh nắng trưa nhìn anh bỗng xọp và già đi đến chục tuổi…
Cái bóng xiêu dao của Tư Đương vùa đi khuất thì Lê Hoàng vào.
- Dung… Hồi nãy Dung có ý…
Nhìn thấy anh, không rõ tại sao chị khẽ rùng mình một cái rồi cố trần tĩnh:
- Vâng! Em có hẹn gặp anh cuối buổi nhưng bây giờ không cần nữa.
- Tức là…
- Tức là muộn rồi. Tất cả đều muộn rồi!
- Dung muốn nói về chuyện của tôi!
- Về tất cả vâng, tất nhiên trong đó có cả chuyện của anh… Đã phản bội, dù phản bội một nửa cũng là phản bội phải không anh?
- Dung… Không hẳn là như thế. Em chưa hiểu…
- Em hiểu anh. Hiểu anh từ rất lâu rồi cơ. Chiều nay em muốn mời anh ở lại để nói với anh tất cả, nói hết nhưng… em đau đầu quá. Em rất mệt… Em sẽ nói với anh khi khác, bằng cách thức khác. Bây giờ nghe em, anh về nghỉ đi!
- Dung… Hay là tối tôi sang?
- Muộn rồi!
- Sáng mai có được không?
- Càng muộn.
- Thế bao giờ.
- Không bao giờ cả.
Lê Hoàng đứng sững giây lát rồi buông sõng:
- Vậy tuỳ em.
"Vĩnh biệt… Vĩnh biệt anh…" Những lởi cuối cùng này Lê Hoàng không nghe được vì anh đã ra quá tầm thì thầm của một câu nói…
Trời đã về chiều. Gió thổi ràn rạt trên những tán lá điều báo hiệu đêm nay trời sẽ có giông lớn. Dung ngồi trở lại chỗ cũ, lơ đãng nhìn ra mặt nước đang cuộn lên tìm đợt sóng ngầu đục màu chì…
Hoà khẽ chân đi vào. Cô cẩn trọng định gài lại tất cả cánh cửa chính, cửa sổ đang bị gió đánh bật tung…
- Không cần đâu Hoà ạ! - Dung ngăn lại - Cứ để gió vào cho thoáng. Hôm nay sao trời ngột ngạt quá chừng - Em bật đèn lên nhé!
- Đừng! Đừng bật… Sáng lắm!
- Chị Dung - Hoà ngồi xuống bên cạnh - Bữa nay chị thấy trong người thế nào? Em thấy chị khác quá! Hay là sớm mai em đưa chị trở lại bệnh viện thành phố thử xem…
- Không!
- Em sợ lắm!… Đôi mắt chị mỗi lúc một buồn, một xa em hơn.
- Cả ngày hôm nay chị không chịu ăn một miếng gì? Để em hâm lại tô miến cua cho chị húp một chút nhé!
- Thôi - Dung cầm lấy tay Hoà - Em ngồi đây với chị một lát… Mai mốt về ở với người ta phải ngoan, phải cố gìn giữ lấy hạnh phúc của mình nhé! Đàn ông họ ầm ầm ghê gớm thế nhưng họ không có bụng dạ nào đâu. Em phải chiều nhịn họ, hết lòng với họ, làm sao cho trong gia đình mỗi khi họ mệt mỏi trở về là cảm thấy như trở về một vùng cỏ sạch nước trong ấy, nhé.
- Không biết tại sao ba lại bỏ đi? Chị nói đi! Em thấy ba thương chị lắm kia mà? Lúc ba quay ra xe, em thấy trong mát ba có nước đấy.
- Chuyện dài lắm, rồi em sẽ được nghe. Bây giờ thế này nhé! Em ra thị trấn đi! Lân rất cần có em lúc này. Đừng để chú ấy phải chờ đợi. Con người như thế không biết chờ đợi đâu. Đêm nay chị cần ở một mình.
- Không, đêm nay em ở lại với chị.
- Chị em sống dắt díu nhau như thế là đủ rồi. Bây giờ phải chia tay thôi.
- Dù thế nào đi nữa, em cũng không bao giờ sống xa chị.
- Ừ, thôi được không xa. Này, đêm nay trời trở lạnh, lát nữa trên đường đi, em nhớ mang cái chăn này lên cho Quang nhé! Trên ấy gió hun hút lại chẳng chăn chiếu gì, cảm lạnh chết! Thôi đi đi! Để bát đĩa đấy chị rửa cho.
- Em rửa rồi.
- Mọi người đi hết rồi chứ em?
- Đi hết rồi chị ạ! Chắc đang ngủ vùi vì say, chỉ có ông nhà thơ là đang lang thang một mình trên bãi biển, vừa đi vừa đọc thơ, vừa ngã dúi ngã dụi, buồn cười lắm!
- Thế à? Buồn cười nhỉ?… Họ tốt quá! Tất cả đều tốt. Bây giờ em bật đèn lên và để mặc chị.
- Vâng! Em đến với anh ấy một chút rồi lại về với chị.
- Không! Đêm nay chị cần ở một mình. Đi đi, kẻo người ta đợi…
Còn lại một mình, chị đứng dậy từ từ khép chặt cánh cửa ra vào. Ngồi vào trước gương, chị gượng nhẹ chải lại tóc, thoa nhẹ một lớp phấn màu hồng lên hai gò má xanh xao, một chút son gió lên môi nữa rồi ngồi im, hai tay duỗi dọc theo cặp đùi dài. Ngoài trời đã tối, gió càng thổi mạnh. Những tấm lá cọ dan cài trên mái chao đưa, phát ra thanh âm kẽo kẹt như đánh võng. Cắm ba nén nhang đang lom dom cháy lửa lên bàn thờ, chị ngồi vào bàn. Và viết… viết một mạch, viết không ngừng, không phải đắn đo nghĩ ngợi như chị đã ấp ủ, nghiền ngẫm từ lâu lắm rồi… Một giờ đồng hồ sau, chị thả bút đứng dậy, nét mặt nhẹ thoảng khác thường như đã trút bỏ toàn bộ sự mệt mỏi, suy tư và trọng lượng thân thể vào năm trang giây kín chữ.
Tự pha cho mình một ly cà phê thật đặc, chị lại ngồi xuống trước giá vẽ… Bức tranh đang đi vào những mảng tối sang cuối cùng. Ánh hoàng hôn trên biển đã rõ ra là màu lá héo. Bớt chút màu vàng, chị cho chen vào một vài sắc nắng. Biển xanh hơn. Cái màu xanh ngút ngát toả hơi nước ấm áp ra khắp gian phòng. Con người trong tranh đã bớt đi nhiều vẻ cô độc. Con người đó nhỏ nhoi biết bao nhưng cúng to tát biết bao? Anh ta đứng một mình, không nơi bám víu, thân thể trong suốt dưới ánh sáng chan hoà, nửa như muốn vươn bay, nửa lại chì nặng bám dính, thân thể ấy như sắp bị xé rách, hiện hữu và vô hình. Con người chìm nhoà và ngự ta lên cảnh sắc huy hoàng. Chị thận trọng miết thêm một màu xám lạnh vào khoé mắt, cái nhìn đó bỗng trở nên sâu thẳm, rụt rè và kiêu hãnh. Trên bả vai trần trụi, lấp lánh những hạt cát sáng, rộn rạo, dường như cũng muốn bay lên, tuôn chảy vào cái cõi vô cùng của biển cả. Bức tranh bảng lảng một sắc màu tôn giáo, một gam màu mang nỗi buồn không rõ rệt nhưng ẩn đằng sau tất cả, người ta vẫn mơ hồ nhận thấy cái tiếng chuyển động rì rầm của sự sống, của sóng gió xa xăm, của đất đai gồ ghề nâu quánh bên trong… Miếng kìm loại mỏng nhẹ trên tay hoạ sĩ run lên, mềm oặt… Chị dường như không phải là vẽ nữa mà là đang bộc lộ, đang nhập định chính con người và máu thịt của mình vào khung vải.
Đôi mắt chị cháy sáng và long lanh nước. Chị đang trụt bỏ chút tinh lực cuối cùng vào ý tưởng đau xé của mình. Miết thêm một vệt màu tím nhạt vào không gian hoang mạc, chị rũ xuống…
Lúc đó đã vào khoảng hai giờ đêm. Ngoài cửa bỗng vang lên hai tiếng gõ thật nhỏ nhưng đầy tự tin. Khoác thêm một chiếc áo ấm, chị đứng dậy, từ từ đi ra… Chợt chị giật thót người, thân hình muốn khuỵu xuống bậu cửa: Từ đâu đó thật gần nhưng cũng thật xa, một tiếng hú vang lên rền rĩ, thất thanh… Chị tắt nhanh công tắc đèn.