Chương XII
GIA CÁT LƯỢNG ĐIỀU HÀNH Ở ĐẤT THỤC

    
ia Cát Lượng vừa mềm vừa cứng đối diện với việc pháp lệnh bị sao nhãng, đặc quyền hoành hành ở Ích Châu thừa tướng mới nhận chức, ban hành pháp trị, để triệt để chỉnh đốn.
Ông đặc biệt nhấn mạnh trị thực không trị hư, tình hình thực tế mà tìm kiếm hiệu quả.
1. Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương
Tháng 7 năm Kiến An thứ 24, 120 văn quan võ tướng của Lưu Bị cùng liên doanh, dâng biểu lên Hán hiến đế tôn Lưu Bị làm Hán Trung Vương.
Trước đó, năm Kiến An thứ 21, Tào Tháo đã tự phong làm Ngụy Vương, Hán Hiến đế tuy miễn cưỡng còn giữ được đế vị, thực ra chỉ là bù nhìn mà thôi.
Lưu Bị đã có hai Châu Kinh, Ích, để biểu lộ ý đồ mãnh liệt phục hưng nhà Hán, theo kế sách của Gia Cát Lượng cũng tự lập làm Hán Trung Vương kế thừa thể chế của Vương triều nhà Hán, để bằng vai với Tào Tháo song qua biểu văn ấy khá thấy rõ hình thái đầy đủ của chính quyền Lưu Bị.
Tờ tấu biểu này do một văn quan Ích Châu viết, ông ta tên gọi Lý Triêu người Quảng Hán, có biệt hiệu Lý Thị Tam Long, bởi là công văn chính thức, các chức quan ghi trong ấy đã thế hiện tôn ti trật tự đầy đủ. Những phần tử hạt nhân của chính quyền Lưu Bị tuy là những người chân chính song hiển nhiên là không hợp thời thức triều đình.
Biểu văn ấy ghi rõ: Bình tây tướng quân Mã Siêu, Trấn quân tướng quân Hứa Tĩnh, Doanh tư mã Bàng Hy, Trung lang tướng Tạ Viện (con rể Hoàng Phủ Tung), Quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Đãng khấu tướng quân Quan Vũ, Chinh lỗ tướng quân Trương Phi, Chinh tây tướng quân Hoàng Trung, Trấn viễn tướng quân Lại Cung, Dương vũ tướng quân Pháp Chính, Hưng nghiệp tướng quân Lý Nghiêm, tất cả là 120 người.
Chỉ có Mã Siêu là lãnh tụ quân đoàn Quan Trung, kế tục tước vị của phụ thân là Mã Đằng, là có địa vị rõ ràng. Là phần tử hạt nhân trong tập đoàn Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã chính thức vượt cả Quan Vũ và Trương Phi trở thành một người lãnh đạo chân chính.
Biểu văn đề cập chuyện từ Đường Nghiêu đến Hán Chiêu đế, thiên hạ an nguy biến hoá, cũng nhấn mạnh bàn về việc Tào Tháo và Đổng Trác đã làm loạn cả thiên hạ, tàn hại sinh linh, sau lại thuật chuyện Lưu Bị với Đổng Thừa năm nào mưu giết Tào Tháo, tiếc rằng không thành công. Lại lo lắng bởi chuyện Diêm Nhạc giết hại Tần nhị thế Hồ Hợi, cùng là Vương Mãng phế bỏ Nhụ Tử Anh làm phát sinh cuộc chính biến Định An Công. Tiếp theo lại nói rõ việc Lưu Bị hết lòng tôn phò nhà Hán, tự mình đại phá Tào Tháo ở Hán Trung, nức tiếng anh hùng trong thiên hạ; nếu như tước hiệu không rõ, chưa được phong lễ cửu tích, không đủ để giữ yên xã tắc, chiếu sáng muôn đời. Tào Tháo ngoài thì thôn tín thiên hạ, trong lòng áp bức đại thần, khiến triều đình có nguy cơ nội bộ tan rã, lại chẳng có một lực lượng ràng buộc được thế lực Tào Tháo đang mở rộng thực là điều khiến người ta phải đau lòng.
Bởi thế không thể không liệt danh quần thần, theo như lệ cũ, phong Lưu Bị làm Hán Trung Vương, kiêm chức Đại tư mã để tập hợp đồng minh, quét sạch nghịch tặc Tào Tháo, hợp lại các vùng Hán Trung, Ba Thục, Kiện Vi, Quảng Hán thành một quốc gia, kế tục điển chương chế độ nhà Hán, xây dựng nền móng để phục hưng nhà Hán.
Đương nhiên đấy chỉ là văn chương cửa quan, về căn bản không cần Hán Hiến đế phê chuẩn. Cùng với việc dâng biểu văn, lại lập đàn tràng ở Miện Dương (tỉnh Thiểm Tây) trong vùng Hán Trung, các quan văn võ đều đến, cử hành nghi lễ trọng thể. Bởi thế sau khi đọc xong biểu văn, chấp lễ quan dâng vương miện, ngọc tỉ theo nghi lễ, Lưu Bị đã thành Hán Trung Vương.
Vì sao không cử hành nghi lễ ở Thành Đô mà phải đến tận Miện Dương ở gần tiền tuyến nhỉ? Có thể tin rằng như thế ít nhiều là để tượng trưng cho việc kế thừa hương hoả vương triều nhà Hán! Năm xưa cơ nghiệp của Hán Cao tổ Lưu Bang đã bắt đầu ở đấy, vì vậy với ý nghĩa chính trị đối kháng lại Tào Tháo, Hán Trung quan trọng hơn Thành Đô.
Đương nhiên Lưu Bị cũng tự mình viết một tờ tấu biểu lên Hán Hiến đế, bầy tỏ việc mình bị quần thần thôi thúc đành phải làm ra như thế. Ông ta cũng nhắc lại việc cùng với Đổng Thừa mưu giết Tào Tháo, đáng tiếc việc không thành, bởi thế nghĩ đến Hán tặc hùng bạo, quốc nạn chưa dứt, tôn miếu đổ nát, xã tắc lung lay, tự mình đành thuận theo quần thần, nhận lấy ấn tỉ để có quốc uy mà tôn phò thanh miếu, chẳng dám từ chối việc nhảy vào nước sôi, lửa bỏng. Lại nữa, muốn tận lực chân thành khích lệ quân thuận theo mệnh trời mà thảo phạt nghịch tặc, giữ yên xã tắc. Cũng tức là muốn chính thức bầy tỏ với Hán Hiến đế, sẽ đem hết sức lực để tìm mọi cách khôi phục nhà Hán.
Tuy trong doanh trại của Tào Tháo có không ít hậu duệ của phái Thanh Lưu, như Tuân Úc, Thôi Đàm, Mao Giới, Tuân Du, nhưng do cuộc đấu tranh chính trị giữa Tào Tháo và Hán Hiến đế ngày mỗi nghiêm trọng, lập trường của những người ấy rất nhùng nhằng, cuối cùng thậm chí cùng huyên náo với Tào Tháo. Lại nữa, không được như Lưu Bị, ở xa tận chân trời, có thể dốc lòng mà chẳng sợ gì trói buộc, bởi thế mà họ công khai giương lá cờ phục hưng nhà Hán, khiến trong trận tuyến của phái Thanh Lưu, dưới sự lãnh đạo của Hứa Tĩnh thuộc phái Nguyên Lão và Gia Cát Lượng thuộc phái Thiếu Tráng, đã xuất hiện ý thức chủ đạo của phái Thanh Lưu.
Sau khi làm Hán Trung Vương, Lưu Bị đã trả lại triều đình cũ chức Tả tướng quân, và ấn thụ kèm theo, lập A Đẩu (Lưu Thiện) làm Thái tử, trở về Ích Châu lấy Thành Đô làm bản doanh của mình.
2. Đề bạt Ngụy Diên, trọng dụng Hoàng Trung
Chính quyền Thục Hán đã được thành lập!
Kẻ địch quan trọng vẫn ở phía bắc, bởi thế từ Thành Đô đến Bạch Thủy Quan, xây dựng quán xá lập ra Dịch Đình, gồm hơn 400 nơi khiến liên hệ giữa Hán Trung và Thành Đô được hoàn chỉnh.
Sau khi xưng vương ở Hán Trung, Lưu Bị đã dẫn văn vũ bá quan, trở về Thành Đô, bắt đầu việc điều hành đất nước. Song Hán Trung là đất chiến lược quan trọng, cần có một viên đại tướng trấn thủ ở đấy. Đa số quần thần đều cho rằng Lưu Bị sẽ phái Trương Phi đến đấy, Trương Phi cũng muốn như vậy, việc ấy như đã chắc chắn.
Song Lưu Bị sau khi bàn bạc kỹ lưỡng vói Pháp Chính và Gia Cát Lượng, lại lựa chọn nha môn tướng quân Ngụy Diên vốn không được mọi người nể trọng, đề bạt làm Trấn viễn tướng quân, ra làm Thái thú ở Hán Trung.
Sự việc ấy khiến mọi người rất kinh ngạc.
Nguỵ Diên khi đang ở Kinh Nam đã theo về với Kinh Châu, ông ta vẫn tín phục Lưu Bị, năm ấy đã thuyết phục lão tướng Hoàng Trưng vứt bỏ việc phòng ngừa Trường Sa, Ngụy Diên đã quay giáo binh biến giữa trận, bởi thế rất được Lưu Bị trọng dụng.
Ngụy Diên có cá tính mạnh mẽ, tích cực trong công việc, có mưu đồ lớn, bởi thế quan hệ với mọi người không tốt đẹp. Song ông ta gắn bó với sĩ tốt dưới quyền, đồng cam cộng khổ, rất được lòng quân, có sức chiến đấu mạnh mẽ. Trong chiến dịch Hán Trung, tuy phụ thuộc quân đoàn Hoàng Trung, song Ngụy Diên lập được nhiều công lao, khiến những người chung quanh dẫu có bất mãn cũng không thể không cảm phục.
Lưu Bị họp các quần thần, trịnh trọng tuyên bố lệnh điều động. Ông ta đứng trước các đại thần hỏi Ngụy Diên rằng: “Nay uỷ thác cho ngươi việc quan trọng này, ngươi dự định gánh vác nhiệm vụ như thế nào?”
Ngụy Diên rắn rỏi biểu thị: “Nếu Tào Công cử binh thiên hạ đến đó, thần sẽ vì đại vương mà kháng cự, nếu Tào Công phái một viên tướng dẫn 10 vạn quân đến đó, thần sẽ vì đại vương mà nuốt gọn”.
Lưu Bị gật đầu tán thưởng, các đại thần thấy Ngụy Diên dám nói quả quyết như thế để biểu thị quyết tâm của mình, cũng cảm động không thôi.
Thực ra, Lưu Bị đối với việc lựa chọn này đã khá thận trọng. Sau khi Lỗ Túc mất, tình hình ỏ Kinh Châu rất căng thẳng, Ích Châu cũng mới bình định được không lâu, muốn ổn định các vùng ở đấy, phải có cố gắng lớn. Quân Trương Phi là chủ lực của Lưu Bị, chẳng thể thủ thế ở đấy. Mã Siêu có địa vị cao trong xã hội, nếu để ông ta nổi loạn thì rất không an toàn. Hoàng Trung tuy phong phú kinh nghiệm lại rất trung thành song tuổi đã cao, đối với việc điều hành ở lĩnh vực mới là không thích hợp. Chỉ có Triệu Vân là nhân tài thích hợp, song cũng giống như Trương Phi đều là hạt nhân nòng cốt lâu năm, bố trí ở Hán Trung cũng có chỗ đáng tiếc. Bởi thế đề bạt một người xem ra chưa có địa vị song lại rất trung thành, có năng lực đảm đương một vùng, thì Ngụy Diên sắp xếp ở đấy là hợp lý nhất.
Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, phong Hứa Tĩnh làm Thái phó, Pháp Chính làm Thượng thư lệnh, để quân sư tướng quân Gia Cát Lượng nắm giữ mọi việc quân quốc đại sự.
Lại cử ra Thống soái bốn đại quân đoàn mới, Quan Vũ làm Tiền tướng quân, có địa vị lớn trong quân, thứ đến Trương Phi làm Hữu tướng quân, Mã Siêu làm Tả tướng quân, Hoàng Trung làm Hậu tướng quân.
Gia Cát Lượng đối với việc bổ nhiệm làm, có một chút lo lắng, đã nói với Lưu Bị rằng: “Tướng quân Hoàng Trung là lão tướng nổi tiếng ở Kinh Châu, song không nổi tiếng với lân bang, chẳng thể bằng vai với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu. Nay Hoàng Trung ngồi cùng chiếu với họ, kể như Mã Siêu, Trương Phi ở gần, đều thấy rõ những biểu hiện của Hoàng Trung ở Ích Châu và chiến dịch Hán Trung, có thể so sánh mà chẳng có dị nghị, song Quan Vũ ở tận Kinh Châu, có thể rất không bằng lòng”.
Lưu Bị cười mà rằng: “Việc này ta đã có biện pháp”, thế rồi Lưu Bị phái Tư mã Phí Thi đến Kinh Châu mang ấn tín Tiền tướng quân phong cho Quan Vũ, trước lúc lên đường còn đặc biệt dặn dò.
Quả nhiên không ra ngoài dự liệu của Gia Cát Lượng, Phí Thi đến Kinh Châu, Quan Vũ vừa nghe nói Hoàng Trung làm Hậu tướng quân không thể không bực tức nói: “Đại trượng phu thề không bằng vai với tên lính già!”. Kiên quyết không nhận ấn tín.
Phí Thi cười mà rằng: “Từ xưa đến nay, người khai sáng vương nghiệp phải khéo sử dụng nhân tài mọi mặt. Năm xưa Tiêu Hà, Tào Tham đều là bạn thủa nhỏ với Hán Cao tổ, mà Hàn Tín, Trần Bình đều là người sau này mới đến. Song Hán Cao tổ sau khi xưng đế, phong tước vị thì Hàn Tín cao nhất, nhưng chưa hề nghe nói Tiêu Hà, Tào Tham có dị nghị gì. Nay Hán Trung Vương, xét theo chiến công, xếp Hoàng Trung bằng vai với tướng quân, mà trong thâm tâm của Hán Trung Vương, thực ra Hoàng Trung và Tướng quân đâu có cùng cân lạng? Hán Trung Vương với tướng quân như cùng cơ thể, đã cùng sinh tử, lại cùng vui lo có nhau. Cứ như ý tôi, tướng quân không nên kể đến quan chức cao thấp, tước lộc ít nhiều. Tôi chỉ là một viên sứ giả, phụng mệnh mà đến, tướng quân nếu không chịu nghe, tôi cũng đành phải trở về mà thôi song tôi lấy làm tiếc về hành vi của tướng quân, sợ tướng quân sẽ phải hối hận”.
Quan Vũ nghe rồi chợt tỉnh ngộ, lập tức lạy tạ nhận ấn tín.
Thực ra liên quan đến việc nhân sự này, có chỗ không công bằng nhất là Triệu Vân có công lao rất lớn trong chiến dịch Hán Trung. Triệu Vân có tính chính trực, cẩn thận cũng kể được là một người cộng sự sáng nghiệp của Lưu Bị từ đầu, hơn nữa đã hai lần cứu được A Đẩu, công lao rất lớn, tin rằng trong đáy lòng Lưu Bị, địa vị của Triệu Vân không thua kém Quan Vũ, Trương Phi. Đã rõ ràng Triệu Vân là người chính trực, hiểu rõ đại thể, nhân cách và khí chất rất được xem trọng, chỉ phải tính hay nói thẳng, can ngăn khiến xung quanh không được vừa lòng.
Song Triệu Vân ngoài những lời lẽ chính đáng lại lấy mình làm gương, rất có trách nhiệm, vốn không sợ bất kể nguy hiểm gì, bởi thế rất được mọi người tôn kính.
Bởi Gia Cát Lượng khi ấy còn trẻ tuổi, trong việc lập kế sách và chỉ huy các lão tướng già dặn, đích xác không dễ dàng, mà Triệu Vân phối hợp ăn ý với Gia Cát Lượng, đối với công tác ở ban tham mưu, cơ hồ nghiêm chỉnh chấp hành không so đo gì, có người thậm chí còn gọi ông là phái Gia Cát Lượng. Song Triệu Vân trong việc đề bạt này vẫn chỉ giữ chức Dực quân tướng quân, chẳng những thấp hơn Quan Vũ, Trương Phi, mà còn dưới cả Mã Siêu và Hoàng Trung.
Đây chủ yếu là vấn đề chiếu cố đến sự cân bằng lực lượng giữa cũ và mới. Những chiến hữu trước trận Xích Bích đều thuộc phái Lưu Bị. Những người mới đến sau chiến dịch Kinh Nam đặc biệt là những lão thần Ích Châu ắt nên trọng dụng; đấy là sự hy sinh cần thiết cho một nền tảng chính trị. Giống như Gia Cát Lượng có vị trí hàng đầu dưới trướng, Hứa Tĩnh rất được Lưu Bị chú ý, tiếp đó phải kế đến Pháp Chính nữa.
Trong những trọng thần phái Ích Châu, Pháp Chính là người có công rất lớn, được Lưu Bị kính trọng. Khi Lưu Bị còn sống, đối với các văn võ lão thần tạ thế, kể cả Quan Vũ, Trương Phi, chỉ có Pháp Chính sau khi chết mới được đặt Thụy hiệu, ngoài ra đều do hậu chủ Lưu Thiện truy phong Thụy hiệu, qua đó có thể thấy đối với nhân sĩ Ích Châu, Lưu Bị đã lấy lễ nghi mà khoản đãi.
Triệu Vân vẫn có đầu óc chính trị, hơn nữa biết quên mình, đối với việc Lưu Bị phải khổ tâm cân bằng lực lượng chính trị, cũng dễ thông cảm cho nên trong việc sắp xếp nhân sự mới lần này, ông ta tuy chịu thiệt thòi rất lớn, lại chẳng hề oán trách, vẫn là một cây cột rất quan trọng trong chính quyền Lưu Bị.
Chức vụ của Gia Cát Lượng tuy chưa được tăng thêm, vẫn là Quân sư tướng quân, thực ra theo ghi chép sử liệu, ông vẫn là người lập kế hoạch và điều hành việc chính sự chủ yếu nhất.
3. Đời loạn trọng khoan dung, trễ nải cần pháp luật.
Tuy danh nghĩa vẫn là Quân sư tướng quân, sau khi Lưu Bị tự xưng Hán Trung Vương, Gia Cát Lượng trên thực tế đã đảm nhiệm vai trò của tể tướng.
Gia Cát Lượng vừa mềm vừa cứng, đối với Ích Châu lâu nay vẫn buông lỏng pháp lệnh, đặc quyền hoành hành, ở cương vị mới của mình, đã lấy pháp trị mà chẩn đốn mọi mặt.
Ông ta đặc biệt nhấn mạnh trị thực không trị hư, để ứng phó với thực tế phát sinh, tìm kiếm hiệu quả thiết thực.
Vấn đề nghiêm trọng nhất ở Ích Châu là quan lại câu kết với cường hào địa phương, bóc lột trăm họ, nông dân ngày càng mâu thuẫn ác liệt với quan phủ, tuy gọi đấy là xứ sở thần tiên, thực ra của cải giàu có sáng tạo ra đều bị quan lại và cường hào bóc lột, đòi sống nông dân rất khó khăn.
Lưu Yên sở dĩ bổ nhiệm làm Ích Châu mục, là do Thứ sử Khước Kiện trước đó hoành hành tư lợi ở Ích Châu, tạo thành cuộc khởi nghĩa nông dân của Mã Tương và Triệu Chi, tự xưng là hậu duệ của Hoàng Cân. Từng công phá Lạc Huyện, giết Huyện lệnh Lý Thăng và Thứ sử Khước Kiện, chiếm được Thục quận và quận Kiện Vi.
Lưu Yên dựa vào quân bên ngoài và lực lượng cường hào địa phương, dẹp yên được cuộc phản loạn ấy, song vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết, trái lại bởi được cường hào tiếp tay, hiện tượng bóc lột biến tướng càng tăng thêm. Tam quốc chí đã phê bình việc cai trị của cha con Lưu Yên. Lưu Chương là đức chính không nêu, uy hình chẳng đủ. “Pháp Chính truyện” cũng chỉ rõ, Lưu Chương cai trị ở đất Thục, nhiều sĩ đại phu cậy có tiền của, khinh rẻ dân thường, khiến lòng dân rối loạn, kể đến 8 phần 10.
Để triệt để cải tiến tình hình ấy, Gia Cát lượng thi hành sách lược pháp lý cứng rắn, có kết hợp với luật lệ khoan hoà. Đấy là thi hành pháp trị, hạn chế và đả kích quan lại và cường hào chuyên quyền tư lợi, điều lệ khoan hoà để nỗ lực giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất.
Bởi Gia Cát Lượng đả kích đặc quyền không kể mặt, khiến quan lại Ích Châu không cảm thấy dễ chịu, họ bắt đầu chỉ trích Gia Cát Lượng dùng hình pháp nghiêm khắc mà không mở mang ân đức, rối rít yêu cầu ông ta nới lỏng hình luật. Được phái làm đại biểu trao đổi với Gia Cát Lượng lại là lão thần Pháp Chính rất được Lưu Bị kính trọng.
Pháp Chính đương thời đã là Thái thú Thục quận, cũng là người đứng đầu giới cường hào ở Thành Đô, ông ta nói với Gia Cát Lượng rằng: “Khi xưa Hán Cao tổ vào Quan Trung, xoá bỏ pháp lệnh hà khắc của nước Tần, rút gọn luật pháp còn ba chương, giảm nhẹ hình luật. Trăm họ ở Quan Trung, không thể không cảm tạ ân đức của ông ấy. Nay chúng ta mới dùng võ lực chiếm được Ích Châu, còn chưa rủ ân đức với địa phương, đã sớm lạm dụng uy quyền tăng thêm áp chế, phải chăng như thế là xứng đáng? Hy vọng việc thi hành chính sách sau này, sẽ giảm nhẹ hình luật để tranh thủ sự giúp đỡ và niềm tin của các nhân sĩ địa phương với chúng ta”.
Gia Cát Lượng lại cười mà đáp rằng: “Tiên sinh chỉ biết một mà không biết hai, nước Tần lấy chính sách bạo ngược mà bức hiếp dân lành khiến mọi người không thể không tạo phản, Hán Cao tổ muốn giải chứng bệnh ấy, lấy chính sách giảm nhẹ hình phạt, như vậy là đúng.
Nhưng tình hình Ích Châu thì khác hẳn, Lưu Chương nhu nhược, chẳng có năng lực khống chế quan lại và cường hào, kể từ Lưu Yên đến nay, đức chính không nêu, uy hình không đủ, từ cường hào địa phương đến quan lại triều đình, thảy đều lộng hành, ham muốn, đạo quân thần dần dần bị phá hoại. Đối với giới đặc quyền hung hãn ấy, Lưu Chương trong quá khứ vẫn sủng ái họ, lại cho họ những chức tước cao, quan chức đã cao họ lại không biết là đáng quý mà thuận với mọi người, mở mang ân huệ; khi giầu sang đến tột đỉnh, họ lại khinh mạn vô lễ, đấy mới là chứng bệnh tệ hại trước mắt của Ích Châu.
Hiện nay chúng ta lập uy ở pháp luật, để sau khi pháp luật thi hành, mọi người mới biết thế nào là ân đức; hạn chế tước vị, để sau khi có thêm tước vị, mọi người mới cảm thấy sự tôn vinh của tước vị; hình pháp và ân huệ dựa lẫn nhau, có trật tự trên dưới, thì chính trị mới được trong sáng”.
Nước Tần lấy chủ nghĩa khủng bố quân sự để hoàn thành việc thống nhất lãnh thổ, lại cũng sản sinh không ít thù hận với chư hầu, bởi áp chế sự phản kháng, nên phải lấy hình pháp nghiêm ngặt mà khống chế. Gia Cát Lượng cho rằng, nước Tần lúc bấy giờ quyền lực không được tôn trọng, lại tăng cường áp chế, bởi thế dẫn đến đại bại. Điều hành một quốc gia như vậy, điều quan trọng nhất là tranh thủ hoà hợp, để quyền lực được thừa nhận thêm nhiều, cho nên Hán Cao tổ đã lấy thái độ khoan hoà để bao dung được càng nhiều.
Song tình hình Ích Châu không giống như thế, chính quyền Lưu Chương sao nhãng chính sự, nước Thục pháp lệnh không rõ ràng, bởi thế mà quyền lực không được tôn trọng, quan lại chấp hành thì quen lười biếng, thành ra đặc quyền hoành hành, quyền lực không tỏ rõ, trăm họ lại càng bị bóc lột, bởi thế ắt phải dùng hình luật nghiêm ngặt để chỉnh đốn hành vi của quan lại, để khiến tập uy tín của quyền lực.
Nghiêm chỉnh mà nói, tình thế thiên hạ khi Hán Cao tổ vào Quan Trung là đời loạn, thời thế Ích Châu khi Gia Cát Lượng vào Thục là trễ nải chính sự. Mà đã trễ nải thì quyền lực không được tôn trọng, quan lại lười biếng, dân chúng xem thường pháp luật nên phải lấy điều luật để chỉnh đốn. Đời loạn thì quyền lực không được mọi người thừa nhận, đây đó lập trường khác nhau tranh giành không thôi, điều quan trọng nhất lúc ấy là sách lược khoan dung để tranh thủ hoà hợp.
4. Định rõ pháp lệnh, nghiêm chỉnh chấp hành.
Khi ban hành pháp luật, ắt nên có tiêu chuẩn rõ ràng, nếu không sẽ làm cho người ta oán hận; bởi thế Gia Cát Lượng mau chóng vì chính quyền mới mà xác định tiêu chuẩn khách quan trong khi chấp hành.
Trong cuốn Tam quốc chí của Trần Thọ, phần nói về “Gia Cát Lượng tuyển tập” có nhắc đến những cuốn “Pháp kiểm”, “Khoa lệnh”, “Quân lệnh”, đều gắn liền với việc này.
Trong những cuốn sách ấy, đáng để ý là cuốn “Khoa lệnh”, gồm những luật lệ được Gia Cát Lượng cùng với Y Tịch, Pháp Chính, Lưu Ba, Lý Nghiêm viết ra. Đáng tiếc những điều lệ ấy đều đã thất truyền chẳng thể biết được nội dung cụ thể của nó.
Gia Cát Lượng không nghĩ đến miễn trừ, ông ta cho rằng pháp lệnh phải có chuẩn mực không nên tùy tiện miễn giảm, cho nên nhiều người lúc bấy giờ phê bình ông không thể tất nhân tình. Gia Cát Lượng chỉ đáp rằng: “Cai trị nên dựa vào đại đức, không lạm dụng tiểu đức, kể như Lưu Biểu, Lưu Chương làm ví dụ, thường rộng tha thứ, không thích hợp với việc cai trị quốc gia. Tể tướng Tiền Hán là nhà doanh nho Khuông Hành, lão thần đời Hậu Hán là Ngô Hán, cũng đều phản đối việc đại xá, đã bồi dưỡng cho mọi người sự tôn trọng đầy đủ về pháp lệnh”.
Gia Cát Lượng theo đúng pháp lệnh mà làm việc, không né tránh kẻ quyền quý, không nể tình riêng. Ví như con nuôi của Lưu Bị là Lưu Phong, sau này bởi xem thường quân lệnh mà bị xử tử; Lý Nghiêm sau khi Lưu Bị chết, đảm nhiệm địa vị phụ tá, một chức vụ gần với Gia Cát Lượng, song bởi sai lầm trong việc quân cơ, phải bãi quan làm dân, lưu đầy đến quận Tử Đồng.
Liêu Lập rất được Lưu Bị kính trọng, nhưng lại cậy tài mà ngạo mạn quá đáng, cho rằng đương nhiên mình là người kế thừa Gia Cát Lượng bổ nhiệm những quan lại xét ra là loại người tầm thường, các tướng lĩnh cũng chỉ là đồ trẻ nít, lại thường gây bất hoà với quần thần; Gia Cát Lượng sau khi xem xét kỹ, bãi bỏ quan chức của ông ta, lưu đầy đến quận Vấn Sơn.
Mã Tắc là tướng thân cận của Gia Cát Lượng, là người được bồi dưỡng kế thừa, song sau này trong trận Nhai Đình, có sơ xuất việc trấn thủ, tạo thành sự vấp ngã nghiêm trọng trong cuộc bắc phạt lần thứ nhất, cũng bị Gia Cát Lượng xử tử hình.
Nhưng phía sau sự nghiêm khắc ấy, Gia Cát Lượng cũng khá công bằng; Lý Nghiêm bị bãi miễn quan chức, song con trai là Lý Phong vẫn được trọng dụng. Ông đặc biệt phản đối lạm phát hình phạt, chức quan coi ngục được ông để ý lựa chọn, phải có cá tính trung thực liêm khiết. Ông cũng phản đối dựa vào tình cảm cá nhân mà lộng sát ra oai “lúc vui chẳng thể tha kẻ có tội, lúc giận chẳng thể giết người vô tội”, yêu cầu chức quan chuyên môn khi quyết định hình phạt nặng, nhất định phải đặc biệt cẩn thận, cố nhiên không thể buông tha kẻ xấu, song cũng dứt khoát không thể xử oan người tốt. Đối với việc này, Tập Tạc Sỉ đời Tấn đã bình luận rằng:
“Hành pháp thận trọng, giao hình tựa hồ như mình có lỗi, ban tước lộc không tư riêng, trách phạt mà không giận dữ, người như thế ai mà không nể phục! Có thể nói Gia Cát Lượng thực là người giỏi dùng hình luật; từ Tần Hán đến nay chưa hề có vậy”.
5. Hành pháp và giáo hoá.
Tư tưởng pháp trị của Gia Cát Lượng chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các quan gia đời Tần như Thương Ưởng và Hàn Phi, hoặc Đổng Trọng Thư đời Tiền Hán, chủ trương trị quốc là pháp luật và lễ nghi cùng vận dụng, uy quyền và đạo đức cùng thi hành; ông ta nhấn mạnh giáo huấn để hiểu rõ pháp luật, khuyến khích điều thiện mà đẩy trừ cái ác, lấy pháp làm thể, đề cao công bằng khách quan; lấy đức mà vận dụng, đề cao giáo hoá làm gốc.
Gia Cát Lượng tuy theo pháp trị của Thương Ưởng, lại không đam mê với chủ nghĩa uy quyền. Ông ta phê bình Thương Ưởng chú trọng ở pháp luật, xem nhẹ giáo hoá, ấy chỉ là thấy một phía. Bởi thế phải lấy dài vá ngắn, kết hợp hành pháp và giáo hoá.
Do vẫn đang ở trạng thái chiến tranh, bởi thế pháp luật điều lệnh trong nước như “Tam thân, ngũ giới” mọi người đều phải hiểu rõ triệt để, để cảnh giác, tránh vi phạm lệnh cấm.
Để khuyên răn các quan viên, tướng sĩ nước Thục, ông đã định rõ các điều luật chấp hành như “Bát vụ”, “Thất giới”, “Lục khủng”, “Ngũ cụ”, chỉ ra cụ thể đâu là thiện đâu là ác, đâu là việc nên làm, đâu là việc không nên làm; cũng giống như những sách gối đầu giường bây giờ, để hướng dẫn mọi người biết đúng làm đúng.
Bùi Tùng Chi cũng đã dẫn lời Lý Hưng đời Tấn nhận định về Gia Cát Lượng, cho rằng ông ta dùng hình pháp phỏng theo nước Trịnh, giáo hoá phỏng theo nước Lỗ, cũng là nói phong cách pháp trị của Gia Cát Lượng vừa có tác phong nghiêm minh mà công bằng của Tử Sản danh tướng nước Trịnh thời Xuân Thu, cũng lại có tinh thần khuyên người không mỏi của Khổng Tử nước Lỗ. Trần Thọ cũng đã nói:
“Cuối cùng trong khắp nước, đều sợ mà cảm mến, hình pháp uy nghiêm mà không oán, lấy lòng thành mà khuyên răn sáng tỏ vậy”.
Tấm lòng nhân ái, xử sự công bằng, định ra pháp luật rõ ràng, khuyến thiện không mỏi, giữ pháp luật nghiêm chỉnh tuyệt đối không tư riêng, tinh thần pháp trị của Gia Cát Lượng trong lịch sử của Trung Quốc được kể là một thí nghiệm lớn thành công.
Gia Cát Lượng lấy mình làm gương để thi hành pháp trị, rõ ràng đã giành được những thành công lớn, các văn võ bá quan nước Thục ở thế hệ thứ hai, đại bộ phận đều chấp pháp nghiêm minh. Tam quốc chí có chép: Dương vũ tướng quân Đặng Chi thưởng phạt rõ ràng, khéo vỗ về binh lính, Trù hàng đô đốc Trương Dực chấp pháp cẩn thận, Đốc quân tòng sự Dương Hí, làm tròn việc trông coi hình ngục, định án rõ ràng, Tang ca thái thú Mã Trung rất có ân uy...
Trải qua cuộc vận động đổi mới pháp trị như vậy, công tác của chính quyền Thục Hán rõ ràng nâng cao hiệu suất, việc quan cũng sáng tỏ, đặc quyền bị tẩy trừ, đời sống nhân dân được cải thiện không ít. Trương Duệ thuộc phái Đại Lão Ích Châu sau này cũng công khai tán dương: Thừa tướng Gia Cát chí công vô tư, thưởng phạt không phân biệt thân sơ xa gần, kẻ không có công thì không được thưởng, kẻ quyền quý cũng không thoát khỏi được, đấy là nguyên nhân chủ yếu nhất để mọi người đều hăng hái.
Trần Thọ khi viết Tam quốc chí cũng khẳng định về phương diện này:
Giáo huấn nghiêm minh, thưởng phạt đúng mực, không có tội thì không trừng phạt không có công thì không ban thưởng, làm trong sạch cửa quan, khích lệ được mọi người, giữ đạo phải chẳng rời, mạnh không lấn yếu, phong hoá bởi thế mà hưng thịnh.
6. Dùng người bởi chân tài, chẳng câu nệ hạn chế
Có không ít nhà sử học đời sau, chịu ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa, khẳng định năng lực thần kỳ cá nhân của Gia Cát Lượng, lại cho rằng ông dùng người không đích đáng, mới dẫn đến nỗi cảm hoài nghìn năm “xuất quân chưa thắng đã bỏ mình”. Thực ra thành bại của Thục Hán sau này có những điều kiện chủ quan, khách quan của nó, vận động từ bên trong, song phê bình Gia Cát Lượng không thấu hiểu việc dùng người và bồi dưỡng nhân tài, thì cũng không thoả đáng.
Sử liệu có ghi chép: Gia Cát Lượng rất xem trọng việc tuyển lựa nhân tài, trong “Gia Cát Lượng văn tập” có nhấn mạnh “xét đạo trị quốc cốt ở cử hiền”, cũng là nói việc tiến cử hiền tài là then chốt điều hành quốc gia, cũng là việc đại sự liên quan đến vấn đề còn mất của quốc gia.
Tiêu chuẩn tiến cử hiền tài của Gia Cát Lượng là:
Một là phải có tài hiểu biết, là người có thể cống hiến tâm lực cho đại sự nước nhà.
Hai là phải trung thành với chính quyền họ Lưu, biết rõ công việc mình làm.
Ví như trong công việc đang làm của mình, Gia Cát Lượng yêu cầu người khác phải làm tận tụy với chức vụ, đối với người cậy tài xem nhẹ công việc, không được việc, ông rất không vừa ý, thường chỉ trích nặng nề. Lý Nghiêm và Liêu Lập là những lão thần, bởi phạm lỗi lầm mà bị tước quan làm dân. Song Gia Cát Lượng cũng rất chú trọng việc dùng người, có tài thì tiến cử không kể đến địa vị cao thấp. Ví như Trương Nghi người Ba Quận, xuất thân hèn mọn, song có năng lực làm việc, lại dám can ngăn, bởi thế thường bị các lão thần phê bình là phóng đãng vô lễ, dưới chính quyền Lưu Chương không được chọn lựa. Gia Cát Lượng cho rằng ông ta là người thức thời lại có lòng trung thành bởi thế đề bạt ông ta làm Thái thú Việt Huề, để xử lý quan hệ dân tộc thiểu số đang rất phức tạp. Trương Nghi sau khi đến đó lấy ân mà phủ dụ, man di đều phục, qui hàng ở cửa quan, có cống hiến không ít trong chính sách hoà Di của Gia Cát Lượng.
Vương Bình người Ba Tây, xuất thân binh sĩ, không ham sách vở, nhận biết không quá mười chữ, lại là người dẫn đường tài giỏi, cá tính cẩn thận, trung thành chấp hành pháp lệnh. Ông ta vổn làm một chức quan nhỏ ở Hán Trung, song Gia Cát Lượng thấy ông là người hiểu rõ địa thế mà trọng dụng, sau đó nhờ công lao trong trận Nhai Đình mà được thăng tiến, làm Thảo khấu tướng quân, trong chiến dịch bắc chinh ông đã có không ít cống hiến.
Tưởng Uyển vẫn chỉ là một viên tiểu lại dưới triều Lưu Biểu, từ trước trận Đương Dương đã theo Lưu Bị xuống phía nam, sau khi vào Thục được bổ nhiệm làm Quảng Đô huyện trưởng. Lưu Bị khi đến Quảng Đô xem xét, phát hiện ông ta không sửa sang chính sự, say sưa rượu chè muốn đem trị tội. Gia Cát Lượng nghe tin lập tức ngăn lại: “Tưởng Uyển là khí chất của xã tắc, không phải là người chỉ có tài trong trăm dặm, ông ta lấy việc yên dân, yêu nước làm gốc, mà không lấy việc trang sức làm đầu”.
Lưu Bị bởi thế chỉ bãi miễn quan chức của Tưởng Uyển mà không xử tội.
Gia Cát Lượng sau khi làm Thừa tướng, đề bạt Tưởng Uyển làm tham mưu quân đội, thời bắc phạt làm trưởng sử, kiêm thủ quân tướng quân phụ trách việc giữ Thành Đô. Tưởng Uyển trong công tác chi viện tiền tuyến, đã cung cấp lương thực cho binh lính luôn đầy đủ, Gia Cát Lượng sau này cũng khen ngợi: “Tưởng Uyển có lòng trung thành, là người cùng với ta xây dựng nên vương nghiệp vậy”.
Khi Gia Cát Lượng mắc bệnh nặng, có dâng mật biểu lên hậu chủ Lưu Thiện, tiến cử Tưởng Uyển làm người kế nhiệm, sau khi Gia Cát Lượng mất, Tưởng Uyển kế tục nắm quyền bính, quán triệt chính sách của Gia Cát Lượng, xử lý tốt công việc, khiến chính quyền nước Thục ổn định trong một thời gian dài.
Từ đấy có thế thấy Gia Cát Lượng thực là biết người khéo dùng vào việc.
Ngoài ra, Gia Cát Lượng rất xem trọng người có biệt tài, vì vậy, đối với nhân tài ông thường có sự tôn trọng đặc biệt. Ví như Bồ Nguyên là một người như thế, Gia Cát Lượng cho ông ta làm chức Tây tào, đã chế tác và cải tiến binh khí và công cụ vận chuyển có công hiến không ít. Trong “Bác hảo kỹ nghệ” do Lý Soạn ghi chép, Gia Cát Lượng lấy ông ta làm Thư tá, sau lại đề bạt làm Thượng thư lệnh sử.
Trương Duệ có tài cán chính trị, lại hiểu được kỹ thuật sản xuất, Gia Cát Lượng bổ nhiệm ông ta làm Trung lang tướng, phụ trách việc chế tạo binh khí và nông cụ. Sau này lại đề bạt làm Tạ Thanh hiệu uý, giữ chức trưởng sử, trông coi ở Đô Thành, đại lý phủ thừa tướng, có địa vị rất cao.
Được Gia Cát Lượng lưu ý sửa sang, chính quyền mới mau chóng được ổn định.
Năm Hán Trung Vương thứ hai, hậu tướng quân Hoàng Trung bởi tuổi già bệnh nặng qua đời. Khi trước Hoàng Trung không được cử làm Thái thú ở Hán Trung, phải chăng là lo lại phải thay người khác kế nhiệm ở đấy, sẽ gây phiền phức. Hoàng Trung sau này được hậu chủ Lưu Thiện đặt cho tên thụy là Cương Hầu, cũng năm đó Thượng thư lệnh Pháp Chính đang lúc 45 tuổi đã ngã bệnh từ trần, được đặt tên thụy là Dực Hầu. Đối với hai đại thần bình định Hán Trung này, Lưu Bị rất thương tiếc, bởi thế mà khóc lóc suốt ngày. Pháp Chính mất đi, Lưu Ba kế nhiệm làm Thương thư lệnh.
Không lâu lại phát sinh một việc khiến Lưu Bị càng thêm đau lòng, làm lay động cả chính quyền Thục Hán, đó là sự kiện Quan Vũ để mất Kinh Châu.

Lời bình của Trần Văn
“Úy Lạo Tử” là một trong bảy cuốn sách binh thư của Trung Quốc, tương truyền là tác phẩm của Úy Lạo đã suy nghĩ cặn kẽ, tìm kiếm tính hợp lý, nhân cách đặc biệt ấy trong binh pháp của ông ta đã biểu hiện rất rõ.
Phần mở đầu “Úy Lạo Tử” có viết: “Việc quan không gì bằng việc nhân sự”. Cũng tức là nói thực chất thành bại của việc quan quốc là ở việc nhân sự mà thôi. Ví như có một toà thành, đánh phía đông tây không được, mà đánh phía nam bắc cũng không được, chẳng nhẽ nói bởi phương hướng, đông tây nam, bắc đều có nhược điểm về phương vị ư? Đương nhiên chẳng thể được, sở dĩ đánh trăm trận mà không phá được, chẳng bởi phương vị cát hung mà bởi vì thành thì cao, hào thì sâu, vũ khí trang bị hoàn thiện, lương thực đầy đủ, quân đội anh dũng và đoàn kết chặt chẽ. Nếu như tường thấp ngòi nông, tin vào ngôi sao cát hung, chẳng bằng nỗ lực việc nhân sự đấy mới là việc trọng yếu, nhưng việc nhân sự đầu tiên là xác lập chế độ, cho nên Úy Lạo Tử đã nhấn mạnh: “Phàm là việc binh ắt nên tiên định. Cũng tức là nói việc quan trọng thứ nhất chuẩn bị chiến đấu là xác lập pháp chế, pháp chế có được định rõ, kỷ luật nghiêm minh, kỷ luật đã không loạn thì chế độ tự nhiên được chấp hành. Pháp lệnh rõ ràng, chỉ rõ điều này điều nọ, thì trăm người như một, sẽ phát huy được sức chiến đấu, khi xung phong hãm trận, nghìn người cũng vẫn một lòng một khối, chiến đấu đến cùng khi tiêu diệt kẻ địch, mọi người có thể cùng vác giáo xông lên, chẳng chút phân tâm, trở thành một đội quân vô địch trong thiên hạ. Song duy trì pháp chế phải dựa vào hiền tài, ấy là bởi thắng lợi chiếm được nước người ta, phải sửa sang việc cai trị ở đấy, lại càng phải dựa vào pháp chế và hiền tài. Nếu chẳng thể đề bạt được nhân tài, ắt sẽ thất bại. Nếu thiếu nhân tài, lại muốn bắt quân giết tướng, tuy có giành được chiến thắng, mà nước thì thêm yếu tuy có thể giành được đất của người ta mà nước thì thêm nghèo; đấy là bởi chăng có nhân tài giỏi giang, không có chế độ, không có năng lực thi hành, mà tạo thành hỗn loạn.
Gia Cát Lượng khi còn ít tuổi đã thấu hiểu binh pháp, nghĩ rằng với binh pháp của Úy Lạo Tử, cũng rất tâm đắc, bởi thế việc quan trọng hàng đầu khi điều hành nước Thục, là thi hành pháp trị, pháp trị được thi hành, thì việc đại sự quân quốc trước tiên sẽ thắng lợi ở triều đình, về mặt này Gia Cát Lượng đã làm triệt để mà đạt được thành công. Ông ta đặc biệt bồi dưỡng nhân tài, biết rõ pháp luật không thể tự nó thi hành được. Phải có nhân tài giỏi giang thì pháp luật mới thực sự phát huy hiệu lực.