Là chủ gia đình dĩ nhiên Lucia Santa phải lo tổ chức sao cho đứng vững được trước mọi phong ba bão táp của cuộc đời. Con trẻ lớn lên, bà con chết chóc là phải tốn tiền, ngoài bao nhiêu chuyện khác tính không nổi. Năm năm trời sống gay go quá, nhưng rồi cũng qua mau. Tất cả chỉ còn là những kỷ niệm mờ nhạt của một đời người tranh sống. Cũng thời gian đó, bà con xóm đại lộ số 10 mất mát đi nhiều chứ? Bằng cớ là đám đàn bà con gái đêm đêm tụ họp nói chuyện tầm phào đâu còn đủ mặt, cũng như bầy con nít nô đùa chạy nhảy ngoài đường nhưng tới mùa hè ấm áp đã giảm nhân số thấy rõ. Biến cố lớn nhất là sở Hỏa xa Nữu Ước đã xây một cây cầu nổi băng ngang đại lộ số 10, xe lửa đâu còn chạy xen giữa đám dân đông đúc. Cho nên mấy cậu cao bồi mũ kết, đồng phục oai vệ đêm đêm xách cây đèn đỏ cưỡi ngựa mở đường đâu còn việc làm? Không phải thất nghiệp... mà đành phải chịu phế thải vĩnh viễn. Dĩ nhiên cây cầu sắt cũng cùng chung số phận... nghĩa là tháo gỡ làm sắt vụn. Mấy năm sau cả một vùng ngoại ô phía tây còn bị giải tỏa luôn làm đám người di cư vùng xứ sở quen sống chen chúc nhau nay phải rã rời mỗi người một phương lập nghiệp. Thiếu gì người ông cha tổ tiên cùng làng, cùng xóm bao nhiêu đời liên tiếp mà vì đời sống, không thể sống sum họp chung nhau một chỗ? Phải nói là Lucia Santa đã gồng mình gánh chịu để đưa gia đình vượt qua bao nhiêu nguy nan cũng trong khoảng thời gian năm năm đó. Hàng xóm người già yếu đi, con nít lớn lên lấy vợ, lại bao nhiêu người thất nghiệp... nhưng gia đình này vẫn vững, dù đám con cái trong nhà không thể không chịu ảnh hưởng xấu mà xã hội Mỹ đã tạo ra cho lớp trẻ lớn lên ở xứ sở này là sự vô trách nhiệm, lơ là bổn phận. Có điều mụ Lucia Santa đâu biết là sức người chẳng thể gánh chịu mãi mà phải yếu dần vì làm sao đi ngược lại vận mạng? Mụ đã tạo được thế giới riêng, đích thân ngự trị. Mấy đứa nhỏ sáng dậy còn ngái ngủ từ giường ấm áp nhảy xuống là có sẵn mấy miếng bánh mì bơ, quần áo lành lặn để mặc đi học đã máng sẵn trên lưng ghế dựa, cạnh lò sưởi. Đi học về là thấy mẹ không ủi đồ thì may vá hoặc loay hoay nấu bếp! Mụ chỉ quanh quẩn ra vào nhà bếp, lúc ẩn, lúc hiện như một bà tiên giữa đám hơi nghi ngút. giữa mùi vị ấm áp của tỏi, của nước sốt cà chua và thịt hầm. Còn có chiếc radio kiểu cổ văng vẳng giọng ca mùi mẫn, ngọt ngào của Carlo Buti - một Bing Crosby của dân Ý - phải nói là thần tượng của mấy mụ sồn sồn mặt mỏng quẹt nhăn nhó ưa đội cái mũ cối trắng nhà quê đứng dán mũi nhìn mấy món pate, xúc xích ở tủ kính các tiệm chạp phô đại lộ số 10. Với Lucia Santa thì đám con đi học, đi chơi về nhà là cửa mở sẵn sàng, trời giông, trời bão thì trên bàn ăn vẫn cứ có mấy đĩa đồ ăn nóng sốt. Cũng như đêm đêm con ngủ ngon giấc hết rồi mới đến lượt mẹ cố chợp mắt một giấc. Có bao giờ mụ nhắm mắt buông tay không lo cho đàn con? Cứ như vậy, ngày tháng năm trôi qua, Lucia Santa sống vì các con, sống rập theo chúng. Có một hôm trời giá lạnh, mụ thui thủi ở nhà một mình. Có thằng Gino ở trường về là hai mẹ con hú hí trọn buổi chiều, chẳng cần nói gì nhiều. Gino ngồi yên lặng nhìn mẹ hì hục ủi đồ, bên ngoài trời bắt đầu hoàng hôn. Sau đó nó hếch mũi đánh hơi rồi đi lật từng cái vung nồi để xem bữa nay cơm có món gì. Thấy đầy một nồi rau xào là Gino nhăn mặt chán ngán. Lại một nồi khoai tây luộc nữa! Nó úp sập vung nồi kì kèo: "Bữa nay ăn có thế này sao?" rồi quay qua chiếc radio vặn tuốt sang đài Mỹ. Gino muốn phá chỉ vậy thôi. Mẹ nó vừa giơ tay dọa là nó biến. Vả lại nó cũng khoái nghe mấy vở tuồng Ý lắm chứ, nhất là những buổi phát thanh bi ca kịch cổ điển mẹ nó vặn nghe nãy giờ. Đối thoại vô cùng sống động, Gino đủ sức nghe kịp. Nó không giống lối ca kịch rẻ tiền của Mỹ chút nào. Đại khái cái mục romance trên radio thì quanh quẩn lại cũng chỉ có đánh đấm đùng đùng, cũng mấy bậc cha mẹ hà khắc làm con cái đau khổ, cũng mấy ông chồng ghen hạ sát tình địch thẳng tay chứ không sắp đặt gì hết. Và nếu vợ có giết chồng thì tất nhiên phải bằng cách đầu độc và... đầu độc bằng một thứ gì đau đớn lắm, phải nghe tiếng kêu rên rùng rợn kìa! Bi ca kịch phải đau thương lâm ly vậy đó thính giả mới khoái. Gino vác cuốn sách vừa mượn ở thư viện về đọc dưới nhà bếp. Phía bên kia bàn bà mẹ lo ủi đồ. Cả nhà rộng hẳn vì trơ trụi hai mẹ con, thằng Sal và bé Lena chạy chơi dưới đường, Vincenzo mắc đi làm. Mỗi người một bên bàn, mẹ ủi đồ con đọc sách cho đến khi trời sẫm tối thì Gino mới chịu buông cuốn sách ngước lên thấy mẹ đang đứng nhìn đăm đăm. Nhà bếp lúc bấy giờ rõ ràng có mùi tỏi phi mỡ và mùi khoai chiên thơm thơm. Mẹ nó đưa tay bật đèn. Gino mỉm cười với mẹ rồi cúi xuống chăm chú đọc sách. Lúc bấy giờ mụ Lucia đã thanh toán xong đống đồ ủi, liếc nhìn con. Thằng này có mấy khi nó cười? Gino đã lớn bộn, cử chỉ chững chạc đàng hoàng chứ đâu có lí lắc như hồi trước? Nó có vẻ lì lợm, cứng đầu và lâu lâu cũng ngang ngang như bố nó vậy. Mụ mang đi cất xếp đồ vừa ủi rồi trở về nhà bếp, hí hoáy gọt khoai xắt thật mỏng và đặt chảo lên bếp. Mỡ nổ tí tách trong chảo, những miếng khoai nhỏ đã vàng đều, Lucia Santa mới lấy hai chiếc hột gà đập lên trên. Đổ ra chiếc đĩa bàn còn nóng bỏng, mụ lẳng lặng mang tới đặt trước mũi thằng con. Gino khoái chí la: "Ngon quá ta" nhưng mẹ nó phải hối thúc: - Ngon thì ăn lẹ lẹ lên cho rồi! Để mấy đứa kia về chúng thấy là lại ế nguyên nồi rau xào ngon lành của tao mất. Chẳng phải đợi mẹ hối thúc lần thứ hai, Gino hối hả mở hết tốc lực thanh toán đĩa khoai... rồi lo phụ với mẹ dọn bàn ăn cho cả nhà. Mùa đông năm đó, gia đình Lucia Santa chịu một cái tang lớn, dù người qua đời chẳng phải bà con ruột. Mụ Louche âm thầm từ giã cõi đời làm mụ Lucia khóc hết nước mắt! Cha đẻ cũng chỉ vật vã xót thương đến thế là cùng vì đối với mụ phải công nhận là Louche vừa là đàn chị vừa là ân nhân những phen sóng gió nhất. Tội nghiệp nhất là Louche đã "đi" giữa đêm đông lạnh, không một ai hay biết vì hai chục năm nay ngoài gia đình Lucia Santa mụ có chơi bời giao thiệp với ai? Mụ sống cu ky nên chết cũng chết trong cô độc... chết như con sâu, con bọ chết khô! Lớp da sần sùi đóng vẩy khô đét, hai cẳng chân cứng ngắc co quắp vào nhau và đến mấy đường gân máu cũng tím bầm lại. Bên cạnh giường người chết còn bếp lò dầu hôi bên trên còn đặt ấm nước. Lucia Santa thương xót cho người bạn già xấu số, chết mà chẳng một đứa con cháu săn sóc, đưa tiễn ra tận huyệt. Mới ngày nào Lucia Santa còn nói ra miệng là thà sống một mình như vậy lại khỏe, chồng con làm chi cho khổ thân? Giờ đây thấy trước mặt cái chết cô độc, lạnh lẽo của Louche thì mụ bỗng tỉnh ngộ mà thấy rằng dù sao mình cũng còn có phước chán. Ít ra cũng còn để lại đàn con, cũng còn có chúng lo lắng cho đâu đến nỗi vùi nông một nấm như con sâu cái kiến. Cũng vì cái chết của Louche mà gia đình này kết giao với một bà bạn mới: không có bà bạn già này dĩ nhiên Lucia Santa phải kiếm một bà bạn khác để "có chị có em chia sẻ vui buồn" chứ? Tình cờ đưa đẩy thế nào lại "cặp" với mụ Teresina Corcalitti và hai người chóng thân thiết đến dứt không ra. Bà bạn "đồng minh" Teresina đâu phải tay vừa? Cả xóm nghe danh và ngán mụ quá xá! Mụ Teresina cao lớn và thuộc típ đàn bà lớn xương nên xem dễ nể, góa chồng hai mươi năm vẫn ở vậy nuôi con, tứ thời chỉ bận đồ đen. Dĩ nhiên bà góa Teresina chẳng hiền lành gì... vì dân bán hàng rong hay chủ tiệm cũng chạy mặt hết mà trả chậm tiền nhà chủ phố cũng chẳng dám ho he. Đến mấy ông điều tra viên ở sở Cứu tế xã hội cũng chẳng dám kiếm chuyện khó dễ! Giấy tờ hồ sơ cứ đưa mụ ký, chẳng hoạnh họe một câu. Mụ Teresina tinh khôn ra mặt và quỷ quyệt cũng ra gì. Miệng lưỡi mụ có chịu thua ai về khoản độc địa... nhưng nếu cần giở khoa khéo léo, lịch sự thì cũng chẳng chịu thua rắn độc bao nhiêu! Ai chẳng biết mụ có bốn thằng con, thằng nào cũng công ăn việc làm ngon lành! Nhưng trợ cấp thất nghiệp thì gia đình Corcalitti vẫn cứ lãnh đều, lãnh đủ! Mụ đáo để ở chỗ mua chục trái cây đếm đủ đầu rõ ràng nhưng sau khi trả tiền thế nào cũng hốt thêm một trái và ông chủ sạp thịt cũng ngán luôn bàn tay ưa "xin thêm" mấy chỗ mỡ màng hay những khúc đầu thừa đuôi thẹo. Mụ Teresina mua bán là chơi ác vậy đó, có nể nang ai? Nhờ có bà bạn mới truyền thụ mánh lới mà Lucia Santa học được phương pháp "tiền bỏ ra ít mà mua hàng là phải... đồ nhiều, đồ tốt". Hột gà ra tiệm mua làm chi cho mắc? Phải biết căn để "ngoại giao" với chú em đi theo xe đi giao trứng, giao thịt gà từ nông trại đến thẳng mấy cửa tiệm, "nhảy dù" một mớ trứng - lâu lâu còn từng bọc thịt gà nữa - thì rõ ràng đã tươi ngon còn rẻ rề! Muốn mua ít quầy chuối (một thứ trái hiếm ở Nữu Ước vì phải nhập cảng từ mấy xứ nóng qua) hay một vài bộ đồ lớn ư? Cứ dặn mấy anh em dân phu dỡ hàng ngoài bến tàu là trước sau cũng có. Không hiểu sao trên tàu lại sẵn những bộ đồ lớn mới toanh, có điều có com-măng là họ xoay bằng được. Nếu muốn mua hàng lụa, hàng len thứ đắt tiền thì tội gì phải đi đâu? Đã có những đấng mày râu rất lịch sự mang dạm bán tận nhà với giá rẻ mạt vì hàng toàn là "hàng không vốn" mà mỗi lần "nhảy dù" là phải nhảy nguyên một xe! Cứ kể ra mua bán với mấy tay này còn tử tế hơn đám con buôn gốc mấy tỉnh miền Bắc nước Ý sang lập tiệm ở đại lộ số 9, thấy tiền là nhâu nhâu như kên kên vậy! Tuy nhiên đời là thế? Sống khác đi đâu được? Cứ thế năm tháng qua dần. Năm năm trời chỉ như một thoáng. Thời gian đi quá mau đi! Chỉ có chết là hết. Chẳng hạn như cái chết của mụ chủ lò bánh. Một bữa ông chồng vào thấy vợ nằm chết thẳng cẳng từ hồi nào, dưới chân lỉnh kỉnh những hộp lớn, hộp nhỏ đầy chặt những bạc đồng và nét mặt người chết thì thư thả như đã gặp được Chúa trên nước Thiên Đàng vậy. Có điều vợ vừa chết là lão chủ lò bánh biến đổi hẳn. Đang làm ăn như ngựa quần quật cả ngày, lão bỗng đổi tính suốt ngày chỉ lo dông dài đi chơi, bao nhiêu công việc phó mặc cho Guido lo hết. Thằng Guido thì cứ gầy rạc đi vì lò bánh quá nóng trong khi ông bố chỉ chơi. Chưa chập tối đã đóng cửa, khỏi lo bán thêm càrem, xăng uých... mà chỉ rủ rê mấy gã bạn già tối ngày tụ họp cờ bạc đằng sau cửa tiệm hớt tóc. Đống tiền bạc, tiền đồng mụ vợ lo cất giữ bao nhiêu thì bây giờ lão vung phí bấy nhiêu, không thương tiếc. Nếu không cờ bạc thì đi rong chơi như một ông hoàng trên đại lộ số 10, miệng ngậm điếu xì gà Mỹ tổ bố. Cũng nhờ rong ruổi chơi tối này mà lão là người đầu tiên trong xóm được thấy cậu ý trung nhân của Octavia, cô gái của Lucia Santa. Hai đứa cặp kè ở góc đường 31 chứ đâu xa. Lão khoái chí nhìn Octavia dắt chàng về giới thiệu với mẹ, mà bà mẹ lúc bấy giờ cũng làm bộ chẳng biết gì, vẫn ngồi khơi khơi trên ghế đẩu trước nhà để nói ba điều bốn chuyện với bà con lối xóm. Vừa thấy mặt cậu rể tương lai là bà mẹ vợ giật mình rồi! Điệu này lại sắp có chuyện nữa... Nó đi đâu mà kè kè ôm sách cả chồng vậy? Làm trông ra vẻ lắm, mớ tóc đen sù sụ bồng bềnh, đeo kính gọng đồi mồi mà dáng điệu nhàn nhã thế kia thì chán chết, nó cũng dân Do Thái. Lại là thứ Do Thái văn nhược, trói gà không chặt nữa! Xem, cô con cưng của bà Angeluzzi Corbo nhũ danh Lucia Santa có học và thông minh nhất nhà khi không dám rước một thằng Do Thái về làm chồng? Nó vậy là chơi ngang... bộ dân Ý hết đàn ông con trai rồi sao? Mà tại sao Do Thái chứ? Hai bên hàng phố, dọc đại lộ số 10 bên trên và bên dưới bộ nó không tìm nổi một thằng đạo Công giáo, không Ý thì Ái Nhĩ Lan, Ba Lan đi. Nó cố tình làm vậy cũng như từng cố tình mặc bộ đồ thật đứng đắn, nghiêm trang để che bớt eo người? Vậy mà bao nhiêu thành kiến chống đối bỗng bị dẹp cái rụp. Các bậc trên trước, ông cô bà cậu cũng phải hiểu cho rằng làm thân con gái chỉ có một thời thôi chứ? Năm nay Octavia đã hai mươi lăm rồi. Lẽ ra đã phải có tấm chồng từ lâu mà ngày giờ này còn vớ nổi một thằng chồng không đến nỗi ăn hại thì phải mừng cho nó chứ? Có chồng là Octavia đỡ khổ. Chờ đợi mãi cũng phải biết mùi vị cuộc đời nó ra thế nào và it'' ra cũng không đến nỗi kéo dài cuộc đời gái già sầu thảm. Nó đâu có đui què mẻ sứt mà phải chịu ế chồng, tàn tạ cuộc đời như một trái cây hư thối? Mà đừng quên một điểm then chốt vô cùng thực tế: Nếu kể đến tài kiếm tiền và tài làm giàu thì bảnh nhất phải là dân Do Thái. Chồng làm ra tiền thì sung sướng con vợ. Nó sẽ không thiếu thốn một cái gì và một đứa con có hiếu như Octavia có bao giờ nó để mẹ, để các em khổ sở mà lo? Quan niệm chắc chắn như thế đó nên bà con lối xóm có lòng mừng cho Octavia, từ ông chủ lò bánh đến dì Teresina. Chỉ trừ mỗi anh chàng chủ tiệm hớt tóc, thấy "thằng cha trí thức ngông nghênh" đó chớp được con nhỏ là ghen tức đến ói máu! Bà mẹ tương lai không lạc quan cho lắm. Đồng ý là nó xem cũng đẹp trai, người mảnh dẻ nho nhã và ăn nói dịu dàng như con gái. Đạo Do Thái thì cũng chẳng sao. Không phải vì Lucia Santa không có thành kiến chống Do Thái! Sự thực mụ cũng khó chống nhiều thứ quá, mụ chẳng tin được ai nên đại khái Do Thái thì cũng như Hồi giáo, Công giáo vậy thôi! Điều làm Lucia Santa không chịu là tại sao đi đâu và lúc nào nó cũng cứ kè kè cuốn sách dưới nách? Và lúc nào nó cũng đọc sách được mới lạ! Dân nghèo như Lucia Santa phải biết lànhiều thành kiến kỳ quặc, rút tỉa từng kinh nghiệm sống mà rạ Họ quan niệm thật vô lý và cũng thật tức cười. Dĩ nhiên Lucia Santa cũng có sẵn một quan điểm riêng và thật lạ lùng là "những quân đọc sách chỉ được cái... bỏ đói gia đình". Thì tấm gương đọc sách của Octavia còn sờ sờ đó - đọc cho cố, đọc đến nửa đêm đi! Rồi ho lao đi nằm bệnh viện (về vụ này mụ chỉ mới nghĩ vậy chứ đâu dám nói). Cái thời giờ đọc sách đó phải chi để may đồ cho người ta thì bao nhiêu là tiền? Ngay xóm nhà cũng bao nhiêu là người sẵn sàng mướn nó may đồ cho con gái họ. Uổng biết bao nhiêu là tiền! Bây giờ chứng bệnh đọc sách lại lây sang cả đến thằng Vincenzo, thằng Gino và trời đất ơi... cả thằng bé Sal nữa! Bây giờ chúng bảo nhau vào thư viện mượn sách, toàn thư ''sách vô nghĩa. Còn sự làm cách nào sống khỏi cần. Cuộc sống rành rành ra đấy không học lại chúi mũi vào đống sách cho mụ mẫm cả đầu óc... để rồi ra đời chẳng làm được cái gì. Sao lại điên khùng thế nhỉ? Vốn người nhà quê mù chữ, Lucia Santa tự cho thoát nạn sách. Không cần biết nó nói gì hay nhưng vẫn phải nhìn nhận sức mạnh của nó. Thực tế cuộc đời cho thấy nhiều kẻ sợ sống, không dám gánh vác trách nhiệm nên theo ý mụ đã nghèo mạt một thằng đàn ông không được phép lãng phí thời giờ, tiền bạc vào hai mục cờ bạc và rượu chè. Đàn bà khỏi được để thứ hạnh phúc giả tạo ru ngủ, làm mềm yếu đi... thì bọn con nít phải tranh đấu với đời nhiều, đâu thể cho phép chúng tự đầu độc bằng sách vở mơ mộng, hão huyền mà chúng cặm cụi đọc sáng đêm, hết chương này qua chương khác? Phải chi nếu Lucia Santa biết chắc chắn ý nghĩ của mụ là đúng thì thấy mặt cậu rể tương lai Norman Bergeron là mụ đã xách cây tackeril rượt ra khỏi nhà. Sao đời này lại có thể có một thằng gàn dở đến độ nếu đời là phải tranh ăn thì nó nhất định không tranh ăn cùng đồng loại? Còn ra điều người tử tế, có bằng đại học mà cán bộ xã hội cũng không thèm làm. Vả lại nó muốn làm cũng không nổi kia mà? Không lẽ một ông đồ tể vừa thấy máu đã té lăn ra chết giấc? Hình như ông chú, ông bác gì của nó là ông chủ hãng may đồ lớn nên cho nó một chân thư ký quèn cốt đủ sống. Nhờ đó Norman mới gặp được Octavia chứ? Như bất cứ một dứa nào không biết kiếm tiền, nó có một cái tật lớn. Norman Bergeron làm thi sĩ, trời đất. Không phải thơ Ăng-lê mà là thơ tiếng Do Thái mới gay. Gay go nhất là chính no ''cũng không xa lạ gì văn chương Do Thái có mấy ai đọc, kiếm tiền sao nổi? Nhưng sở trường của nó đấy, trên đời này nó chỉ biết và chỉ tha thiết có mỗi một cái đó mà? Tụi nó chưa lấy nhau nên sướng khổ ra sao chưa biết thật. Điều lạ lùng mà chính Octavia cũng không ngờ là làm như bà mẹ lại chịu. Thà một người Do Thái, chứ dân Ý thì vô tích sự. Tuy nhiên quan điểm chọn dâu của Lucia Santa khác hẳn kén rể! Dâu con nhà này thì nhất định phải người Ý, con nhà đàng hoàng và ngay từ hồi còn ẵm ngửa phải được nhồi sọ kỹ về nghĩa vụ làm vợ. Nghĩa là "chồng chúa vợ tôi", phải hầu hạ từ miếng ăn thức uống, trông nom nhà cửa con cái là cấm được kêu than. Chúng nó không thể lấy một con vợ không phải Ý vì gương thằng anh lớn Lorenzo còn đó. Từ ngày lấy con Lousia có phải đời nó đỡ khổ hẳn không nào? Đời mụ còn lạ gì những ông chồng người Ý? Mụ đã khổ muốn chết thì đời nào bắt con gái cưng tái diễn cái thân phận nô lệ cho mấy thằng khốn hành hạ cái điệu cả đời bắt nó ru rú xó nhà, chỉ có đám cưới chồng cho đi mới được đi hoặc đi chơi chán không sao, vừa đặt chân về nhà cơm nước chưa xong là gầm lên quát tháo! Chồng con gì mà vợ bụng chửa vượt mặt vẫn phải làm như trâu như chó? Chồng ngồi phì phà kéo khói xì gà Di Nobili chơi dài người để mặc vợ vác cái bụng bầu leo lên lau chùi cọ rửa cửa sổ, cửa kính, sơ sẩy một chút dám rớt mấy tầng gác rụng xuống như không! Một đứa con gái thông minh như Octavia đời nào chấp nhận nổi một người chồng Ý? Nó biết chứ? Nó kén một thằng chồng biết chiều vợ, chiều con. Nó đúng quá nên có muốn chửi nó cũng chẳng thể bới lông tìm vết nổi! Mãi sau này Lucia Santa mới kiếm ra được một câu phê phán sự kén chồng của cô gái lớn. Số là một hôm ngồi nói chuyện tào lao như thường lệ, dĩ nhiên phải mang con gái ra chửi nên Lucia Santa điểm mặt từng đứa, đứa thì vô ơn bạc bẽo, đứa thì ngu như chó. Nhưng con Octavia có tội lỗi gì đâu? Mu.nghĩ mãi không ra nên sau cùng đành phải than thở trước mặt bà con cô bác: - Mấy bà biết sao không? Đứa con gái lớn nhất của tôi, đứa thông minh nhất nhà... chừng kén chồng kén đúng ngay thằng chồng Do Thái. Một thằng Do Thái duy nhất không kiếm tiền, không thiết gì đâu đến đồng tiền thì có khổ thân tôi không chứ? Xét đi xét lại thì đám cưới Octavia dù sao cũng là một cơ hội lớn để đánh dấu khoảng thời gian năm năm ăn nên làm ra của gia đình này. Vậy phải làm đám cưới đàng hoàng, phải dâng lễ ở Nhà Thờ chứ! Đối với một thằng đọc sách như Norman Bergeron thì lại dễ quá đi, muốn sao cũng xong. Nó chiều bằng đủ vì có gì để phản đối đâu? Nó đạo Do Thái nhưng lấy vợ Công giáo, con cái sau này theo đạo Công Giáo hết cũng chẳng sao. Gia dình này, phản đối chứ... nhưng Norman thản nhiên nói thây kệ, trục xuất cũng được mà xem nó từ giờ như một thằng chết rồi càng hay. À, nếu vậy hay thật. Đối với Lucia Santa thì vậy càng dễ giải quyết, càng đỡ được nhiều thứ. Gia đình nó từ, thì gia dình này nhận. Mụ lại nhận thêm một thằng con vì Octavia và Norman sẽ thuộc về nhà này vĩnh viễn.