Ở khắp các cấp chỉ huy Đồng minh, sự đánh giá của tình báo về lực lượng panzer tại khu vực Arnhem thật đáng kinh ngạc. Bản báo cáo tình báo số 26 của SHAEF đề ngày 16/9, ngay trước hôm diễn ra Market Garden – bao gồm cả lời cảnh báo đã làm tướng Bedell Smith hốt hoảng đến thế - đã không được ai để ý đến. Trong bản báo cáo này có viết, “đã có thông báo cho biết sư đoàn panzer SS số 9, và dự đoán cả sư đoàn số 10, đã rút về khu vực Arnhem tại Hà Lan; tại đó, rất có thể chúng sẽ tiếp nhận xe tăng mới từ một kho dự trữ ở khu vực Cleves”. Thông tin này, đã bị Montgomery bác bỏ trong cuộc gặp với Smith, lúc này cũng bị gạt đi tại bộ tham mưu của đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey, cũng chính nơi đầu tiên đã ghi nhận sự có mặt tại Hà Lan của “các đơn vị panzer đã tổn thất” vào hôm 10/9. Và những người nghiêm túc hơn cả, ban quân báo của Dempsey, vào ngày 14/9, mô tả lực lượng Đức trong khu vực tác chiến của Market garden là “yếu ớt, rệu rã và rất có khả năng sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu phải đối đầu với một cuộc tập kích đổ bộ đường không quy mô lớn”. Lúc này, ngược hẳn với quan điểm ban đầu của mình, họ phủ nhận sự có mặt của lực lượng panzer, vì bộ tham mưu của Dempsey đã không phát hiện ra bất cứ dấu vết nào của thiết giáp đối phương từ các bức ảnh không thám. Tại sở chỉ huy đạo quân đổ bộ đường không số 1, phụ trách tình báo của tướng Brereton, trung tá người Anh Anthony Tasker, cũng không được chuẩn bị để tiếp nhận bản báo cáo của SHAEF. Xem xét lại tất cả thông tin có trong tay, anh này cho rằng không có bằng chứng trực tiếp nào khẳng định tại khu vực Arnhem có gì “ngoài mật độ hoả lực phòng không dày đặc đã biết từ trước”. Tất cả mọi người xem ra đều chấp nhận dự báo lạc quan từ sở chỉ huy của Montgomery. Như tham mưu trưởng quân đoàn đổ bộ đường không Anh số 1, thượng tá Gordon Walch, nhớ lại, “sở chỉ huy cụm quân 21 là nguồn tin tình báo chính của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng những gì họ cung cấp đều chính xác”. Tướng Urquhart, tư lệnh sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, lại nhìn nhận theo cách khác. “Không gì,” ông nói, “được phép làm vẩn đục bầu không khí lạc quan tràn ngập tại Anh”. Thế nhưng, bên cạnh báo cáo của SHAEF về các đơn vị panzer “mất tích”, còn có những bằng chứng khác về sự tập trung lực lượng Đức, và lần này cũng lại được ghi lại cẩn thận. Tại mặt trận, phía trước lực lượng quân đoàn 30 của tướng Horrock, rõ ràng là ngày càng có nhiều đơn vị Đức đang di chuyển tới mặt trận. Lúc này, sai lầm chiến lược tại Ăntwerp 10 ngày trước đó đã bắt đầu gây hậu quả và đe doạ viễn tượng to lớn của chiến dịch Market Garden. Binh lính Đức đang tiếp viện cho chiến tuyến của tướng Student chẳng phải ai khác ngoài các đơn vị của những sư đoàn sứt mẻ đã chạy thoát qua cửa Schelde- những đơn vị tơi tả thuộc đạo quân số 15 của tướng Von Zangen, đạo quân mà Đồng minh đã loại khỏi bản đồ chiến sự. Và các sĩ quan tình báo đã cả quyết, cho dù quân Đức đã tăng lên về số lượng, song những đơn vị mới xuất hiện trên chiến tuyến được họ tin là “không ở trong trạng thái có thể chống trả được bất cứ cuộc tấn công quyết liệt nào”. Bất cứ người lính Anh nào ở dọc biên giới Bỉ - Hà Lan hẳn cũng có thể khẳng định điều khác hẳn. Những con đường lát đá của thành phố mỏ bụi bặm Leopoldsburg ở phía bắc Bỉ, chỉ cách mặt trận chừng 10 dặm, chật ních xe jeep và xe trinh sát. Mọi con đường có vẻ đều dẫn về rạp chiếu phim trước ga xe lửa – và chưa bao giờ rạp này chứng kiến một đám đông đến như vậy. Sĩ quan thuộc quân đoàn 30 của trung tướng Horrock - lực lượng Garden sẽ đâm thẳng lên phía bắc qua Hà Lan để hội quân với lực lượng đổ bộ đường không - đứng chật phố và xúm đông xúm đỏ trước cửa vào rạp trong lúc đợi quân cảnh kiểm tra giấy tờ. Đó là một đám đông đầy màu sắc và hào hứng, và họ khiến thượng tá Hubert Essame, tư lệnh lữ đoàn 214, sư đoàn bộ binh số 43 Essex, về “một đạo quân đang tập hợp hay một cuộc diễu binh ở Salisbury Plain thời bình”. Ông này choáng ngợp trước trang phục muôn màu muôn vẻ của các sĩ quan. Có nhiều loại mũ đến ngạc nhiên. Không một ai đội mũ sắt, nhưng khắp nơi là mũ beret đủ màu gắn phù hiệu kiêu hãnh của những trung đoàn lừng danh, trong đó có các đơn vị Ireland, thủ pháo, Coldstream, Scotland, Wales, và kỵ binh cận vệ hoàng gia, không quân hoàng gia và pháo binh hoàng gia. Tẩt cả đều ăn mặc rất thoải mái tự do. Essame để ý thấy phần lớn các sĩ quan đều mặc áo nguỵ trang của lính bắn tỉa, áo khoác của lính nhảy dù và thay vì cavát là những chiếc khăn quàng sặc sỡ đủ màu. Viên trung tá nổi tiếng J.O.E “Joe” Vandeleur, viên tư lệnh vạm vỡ, mặt rám nắng cao 6 bộ của đơn vị thiết giáp cận vệ Ireland, hiện thân cho vẻ hào hoa ngạo nghễ của đám sĩ quan cận vệ. Viên trung tá 41 tuổi mặc bộ đồ đi trận quen thuộc của mình: mũ beret đen, áo khoác lính dù nguỵ trang nhiều màu, quần vải thô và đôi ủng cao su ống cao. Thêm vào đó, như mọi khi, Vadeleur đeo một khẩu Colt 45 tự động bên hông và quấn trên cổ áo khoác là vật đã trở thành biểu tượng cho đám lính tăng của ông, một chiếc khăn quàng màu lục sáng chói. Viên tướng chỉn chu “Boy” Browning hẳn sẽ cau maỳ khi nhìn thấy bộ dạng của ông này. Ngay cả đến Horrock cũng đã một lần khô khan nói với Vandeleur. “Nếu bọn Đức tóm được cậu, Joe,” ông này nói, “chúng sẽ cho rằng chúng đã tóm phải một anh nông dân”. Nhưng vào ngày 16/9 này, ngay cả Horrock cũng không còn vẻ nghiêm chỉnh không chê vào đâu được của một sĩ quan Anh đúng điệu. Thay vì áo sơ mi ông mặc một chiếc áo phông của đấu thủ polo, và bên ngoài áo quân phục là một chiếc áo da không tay chẳng khác gì một bác nông dân Anh. Trong khi Horrocks, một người rất được mến mộ, đi dọc khán phòng chật ních người xuống, tiếng hoan hô chào đón vang lên từ mọi phía. Cuộc họp đã làm mọi người phấn khích cao độ. Tất cả đều nóng lòng được xuất trận. Từ sông Seine đến Ăntwerp, xe tăng của Horrocks đã tiến được trung bình tới 50 dặm mỗi ngày, nhưng kể từ sau 3 ngày dừng lại tai hại sau ngày 4/9 để “củng cố, tiếp liệu và nghỉ ngơi”, việc tiến lên phía trước trở nên khó khăn hơn nhiều. Khi người Anh mất đà tiến công, kẻ thù đã hồi phục nhanh chóng. Trong hai tuần sau đó, tốc độ tiến công của quân Anh chậm như rùa. Sư đoàn thiết giáp cận vệ - do đơn vị cận vệ Ireland của Vandeleur dẫn đầu – đã phải mất 4 ngày để tiến 10 dặm và chiếm cây cầu chiến lược bắc qua kênh Meuse-Escaut gần Neerpelt, từ đó ngày hôm sau cuộc tấn công vào Hà Lan sẽ bắt đầu. Horrocks không có chút ảo tưởng nào về sự kháng cự của quân Đức, nhưng ông tin rằng đơn vị của mình có thể chọc thủng phòng tuyến địch. Đúng 11 giờ trưa, Horrocks bước lên sân khấu. Tất cả những người có mặt đều biết cuộc tấn công của quân Anh sẽ được bắt đầu trở lại, nhưng việc bảo mật quanh kế hoạch của Montgomery nghiêm ngặt đến mức chỉ vài sĩ quan cấp tướng là biết các chi tiết kế hoạch. Lúc này, khi chỉ còn 24 giờ nữa là đến ngày N của chiến dịch Market Garden, các sĩ quan của viên thống chế lần đầu tiên được biết về cuộc tấn công. Gắn vào màn chiếu phim là một tấm bản đồ Hà Lan khổng lồ. Băng dính màu được dán lên theo hướng bắc dọc một con đường xa lộ duy nhất, băng qua nhiều sông lớn và chạy qua các thành phố Valkenswaard, Eindhoven, Veghel, Uden, Nijmegen và Arnhem, trên một khoảng cách chừng 64 dặm. Từ đây, dải băng dán màu tiếp tục chừng 30 dặm nữa theo tỷ lệ bản đồ cho tới Zuider Zee. Horrocks lấy một cây gậy chỉ dài và bắt đầu phổ biến kế hoạch. “Đây là một câu chuyện các vị sẽ kể cho cháu các vị nghe,” ông nói với đám thính giả của mình. Rồi ông dừng lại và, chủ yếu để pha trò cho các sĩ quan đang có mặt, nói thêm: “Và chúng sẽ chán ngấy”. Trong đám khán giả, trung tá Curtis D.Renfro, sĩ quan liên lạc của sư đoàn 101 và cũng là một trong số ít sĩ quan Mỹ có mặt, rất ấn tượng trước sự tự tin và hăng hái của tư lệnh quân đoàn. Ông này đã nói trong một giờ liền, Curtis nhớ lại, “và chỉ có một lần phải xem lại các ghi chép chuẩn bị trước”. Từng bước một, Horrocks trình bày sự phức tạp của Market Garden. Ông nói, lực lượng đổ bộ sẽ xuất quân trước tiên. Mục tiêu của họ: chiếm lấy các cây cầu trước mặt quân đoàn 30. Horrocks sẽ phát lệnh bắt đầu tấn công. Tuỳ theo thời tiết, giờ khai hoả của lực lượng mặt đất dự kiến sẽ là 2 giờ chiều. Vào thời điểm đó, 350 khẩu pháo sẽ khai hoả và dựng lên một bức màn lửa kéo dài 35 phút. Sau đó, vào lúc 2 giờ 35, được yểm trợ bởi các phi đội máy bay phóng pháo Typhoon, xe tăng của quân đoàn 30 sẽ đột phá qua đầu cầu của mình và “chọc thẳng xuống theo con đường chính”. Sư đoàn thiết giáp cận vệ sẽ có vinh dự dẫn đầu đội hình tấn công. Theo sau họ là các sư đoàn 43 Wessex và sư đoàn 50 Northumberland, sau đó là lữ đoàn thiết giáp số 8 và lữ đoàn Hà Lan Công chúa Irene. Sẽ là “không ngừng, không nghỉ”, Horrocks nhấn mạnh. Sư đoàn thiết giáp cận vệ cần “liên tục tiến như ma đuổi”trên suốt con đường tới Arnhem. Việc đột phá qua đầu cầu, Horrocks tin tưởng, sẽ thành công gần như lập tức. Ông dự kiến chiếc xe tăng đầu tiên của đơn vị cận vệ sẽ có mặt ở Eindhoven sau hai hay ba giờ. Nếu kẻ địch phản ứng đủ nhanh để phá cầu trước khi lực lượng đổ bộ kịp chiếm, thì lực lượng công binh của sư đoàn 43 Essex, đi sau lực lượng mũi nhọn, sẽ phải vượt lên với trang bị để bắc cầu phao. Hoạt động công binh quy mô lớn này, Horrocks diễn giải, sẽ cần huy động 9000 công binh và 2277 xe chuyên dụng đã được tập kết sẵn ở khu vực Leopoldsburg. Toàn bộ đội hình của quân đoàn 30 sẽ tiến theo đường xa lộ chính nối tiếp nhau, 35 xe trên một dặm thành hàng hai. Tất cả sẽ tiến theo một chiều, và Horrocks dự kiến “sẽ đưa toàn bộ 20000 xe theo con đường xa lộ tới Arnhem trong vòng 60 giờ”. Tướng Allan Aldair, viên tư lệnh 46 tuổi của sư đoàn thiết giáp cận vệ lừng danh, trong lúc nghe Horrocks nói, nghĩ rằng Market Garden là một kế hoạch táo bạo, nhưng ông cũng tin rằng “rất có thể nó là một canh bạc liều lĩnh”. Ông cho rằng giây phút tệ hại nhất sẽ là thời điểm đột phá qua đầu cầu ở kênh Meuse Escaut. Một khi đã đột kích thành công, cho dù ông trông đợi sẽ gặp phải sự chống trả của quân Đức, nhưng ông nghĩ việc tiến công sẽ “không khó khăn”. Bên cạnh đó, ông hoàn toàn tin tưởng vào đơn vị sẽ dẫn đầu cuộc tấn công – đơn vị cận vệ Ireland của trung tá Joe Vandeleur. Joe Vandeleur, khi nghe thấy rằng xe tăng của ông sẽ dẫn đầu cuộc đột kích, nhớ lại rằng đã thầm nghĩ, “Ôi, Christ! Đừng có lại chúng tôi nữa.” Vandeleur tự hào rằng đơn vị kỳ cựu của ông được chọn, nhưng ông cũng biết binh lính của ông đã kiệt sức và đơn vị của ông đã thiệt hại nhiều. Kể từ cuộc đột phá từ Normandy, ông chỉ nhận được rất ít bổ sung thay thế cả về người lẫn xe; hơn nữa, “họ cũng chẳng cho nhiều thời gian để chuẩn bị kế hoạch”. Nhưng sau đó ông nghĩ, liệu sẽ cần bao nhiêu thời gian để vạch kế hoạch cho một cú đột kích thẳng qua phòng tuyến Đức?