Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 14

 

Mỗi ngày vào khoảng năm giờ sáng, những người lớn trong xóm tôi đều phải ra tập họp để chào cờ trong lúc cái loa công cộng phát ra bài hát quốc ca. Sau đó thì tới phiên những viên chức Cộng sản chủ toạ các buổi mít tinh được tổ chức đây đó ở nhiều địa điểm khác nhau trong vùng. Nội dung chính của những buổi này thường là những bài học về Các Mác, đọc thơ văn chủ nghĩa Cộng sản hay là để xét nét về từng hành vi của mỗi cá nhân đối với chủ nghĩa Cộng sản. Một đôi khi, thay vì họp mặt để thực thi " Nền giáo dục mới " như thộng lệ thì nhân dân trong thành phố lại được phân thành từng nhóm, đi qua cửa mọi nhà để quét dọn rác rưởi cho đến khi đường phố trở nên sạch bóng. Riêng như hôm nay, như đã được thộng báo, là ngày kiểm thảo. Vì mẹ tôi là dân mới tới nên bà sẽ là mục tiêu của cuộc thảo luận. Đứng trước đám động đầy nhóc những khuôn mặt ngái ngủ, mẹ tôi được hướng dẫn để tự đọc một bản kiểm thảo, nhưng không phải là loại tự giới thiêụ thộng thường, mà là phải thành khẩn thú nhận những tội chống phá cách mạng và Đảng Cộng sản trong quá khứ. Một mình trên sân khấu, tay cầm micro, mẹ tôi cố gắng kể lướt một số sự kiện chính xảy ra trong cuộc đời, chấp nhận tội lỗi và sự ngu xuẩn mà bà đã phạm phải trong thời Cộng Hoà và ca ngợi sự giác ngộ cách mạng mà bà đã học được, với một cung cách thành khẩn vừa đủ để thoát khỏi rắc rối. Nhờ những lần tiếp xúc với tên Trần nên bà biết được khá nhiêù từ ngữ Cộng sản. Bây giờ bà đem vận dụng chúng vào bài nói của mình. Mắt bà nhìn thẳng vào từng người trong đám đông, chỉ trừ ra có dượng Lâm. Ông ta ngồi chung với đám đàn ông và cố thu mình lại chừng nào tốt chừng đó.

Khi mẹ tôi dứt lời, ông phường trưởng bước lên bục gỗ. Không giống như tên Trần là người leo lên được địa vị bằng sự dò thám mọi người, ông này là một sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt cộng, trạc tuổi ngoài năm mươi, tóc thưa và bạc, có nụ cười lôi cuốn. Ông ta đã trải mười năm vừa qua trong rừng Trường Sơn và đã lặn lội trên đường mòn Hồ Chí Minh. Người ta đồn rằng ông ta hiện đang chờ đợi để đoàn tụ với vợ con từ ngoài bắc vào.

Cầm chiếc micro trong tay, ông ta nói:

- Cám ơn chị Khuôn đã nói về mình. Vậy có ai nêu ý kiến gì không? Đây là lúc để chúng ta góp ý xây dựng. Nếu không có gì trở ngại thì chúng ta bắt đầu. Tôi xin nhắc với đồng bào rằng hễ cứ ai có một lần phát biểu ý kiến là sẽ được cộng một điểm trong cộng tác lao động đấy.

Một người đàn ông đứng dậy. Mẹ tôi nhận ra ông vốn là khách hàng quen thuộc của mình tại ngân hàng của bà hồi trước giải phóng. Bà rùng mình nhớ lại khuôn mặt giận dữ của cái đám hàng trăm khách hàng trực diện với bà cách đây không lâu. Vì là nam giới, nếu kiếm được đủ ba mươi điểm thì ông sẽ được một ngày lao động trong rừng. Mặc dù thế, ông ta vẫn cẩn thận, hiểu rằng mẹ tôi cũng có thể gây hại ngược mình, vì bà biết rõ quá khứ làm ăn của ông.

Ông ta hắng giong rồi nói:

- Chị báo cáo rất thành khẩn, như được kể ra từ đáy lòng. Nhưng chị có bỏ sót chi tiết nào không? Tôi muốn được nghe rõ hơn về đời sống riêng tư của chị. Chị có con cái gì không? Bao nhiêu đứa? Chị đã từng lập gia đình chưa?

Viên trưởng phường nhìn mẹ tôi, chờ đợi câu trả lời. Mẹ tôi lên tiếng, tay xoa lên bụng qua lần áo choàng:

- Thành thực mà nói, tôi chưa hề lập gia đình. Tôi đã có hai con trai và một đứa nữa sắp ra đời.

Bỗng có một giọng nữa cất lên:

- Hãy nói về những đứa con trai của chị đi.

Đó là giọng của một người đàn bà sống trên một thửa ruộng cách nhà tôi chừng vài con đường. Bà ta là vợ của anh làm nghề đồ tể trong xóm.

Mẹ tôi đáp:

- Chị cần biết về chúng nó để làm gì? Chúng nó đều còn con nít cả mà.

Vợ anh đồ tể đứng hẳn dậy, ngắm nghía mẹ tôi từ đầu xuống chân rồi thốt lên:

- Tôi đã để ý chị từ khi chị mới dọn đến khu này kìa. Tôi không cần biết chúng nó bao nhiêu tuổi. Nhưng tôi cần biết chúng nó thuộc về giống người gì? Có phải là con lai hay không? Nếu phải thì rõ ra là có vấn đề rồi.

Mẹ tôi nuốt nước miếng, đáp:

- Đúng, chúng nó là con lai.

- Vậy thì chị có chúng nó bằng cách nào? Bộ chị đặt hàng o- đơ từ bên Mỹ hả?

- Chị có con cách nào thì tôi cũng có con cách ấy, là qua ăn nằm với nhau, dĩ nhiên!

Câu trả lời của bà làm mọi người phá lên cười. Ông trưởng phường liền cảnh cáo ngay mẹ tôi.

- Chị hãy coi chừng. Đây không phải là hộp đêm muốn nói gì là nói đâu!

Vợ anh đồ tể đỏ bừng mặt lên, nhưng mụ ta không chiụ buộng tha, vẫn gằn giọng dữ dằn:

- Dưới chế độ đế quốc, khi một người có được những đứa con pha giống thì chỉ bằng có hai cách: Một là xin làm con nuôi, hai là đi làm điếm. Chị vừa mới thú nhận rằng bằng cái lối đ... ấy mà chị đã có hai đứa. Vậy thì chị đúng là một con điếm rồi còn gì.

Mụ ta chấm dứt một cách đắc thắng và vênh váo nhìn quanh đám đông. Mẹ tôi lại nuốt nước miếng một lần nữa, bà biết rằng đã tới cái tình thế này thì phải chuẩn bị tinh thần trước những kẻ xa lạ này mà thôi. Họ đã muốn dán cho bà một thứ nhãn hiêụ để sau này họ có thể cột cho bà bất kể tôi gì mà họ muốn để chống lại bà. Vậy thì hai thứ tệ mạt: Một con điếm hạ tiện với một con tư bản kiêu căng, cái nào ít tai hại hơn? Trong cái chế độ mới này, dính liú tới tư bản thì coi như là trọng tội hơn rồi. Mười lăm giây đồng hồ đã trôi qua mà vẫn chưa thể cất lời. Cả đám động chú mục vào bà. Cuối cùng bà gật đầu và nói:

- Chị nói đúng. Chính tôi là một con điếm đấy. Và tôi rất lấy làm nhục nhã vì chuyện này.

Vợ anh đồ tể liền phê phán:

- Nếu thực tình thấy nhục nhã thì chị chẳng đã bô bô thú nhận trước mặt tất cả mọi người. Tôi nghĩ rằng nếu chị muốn tìm cách để giải phóng mình thoát khỏi cái của nợ đó thì chị cứ phá thai đi, dễ quá mà!

Tay trưởng phường lên tiếng ngay:

- Chị này tên gì? Nói cho tôi biết để tôi ghi cho chị một điểm.

Từ trên sân khấu, mẹ tôi chỉ tay về phía đám đông và nói vào micro:

- Nếu chị đi hỏi cái anh đàn ông đang ngồi ở chỗ kia kìa chị sẽ rõ anh ta chính là kẻ có trách nhiệm với cái thai này. Nó đâu có phải là giống má của một tên ngoại quốc, mà tôi ngủ với anh ta cũng không phải vì tiền. Vậy tôi có thể giữ lại cái thai khốn kiếp này không?

Chẳng có ai lên tiếng trả lời và mọi người bây giờ dồn sự chú ý vào dượng Lâm. Tay trưởng phường liền nói với Lâm:

- Anh kia, đến lượt anh rồi, lên đây và báo cáo cho chúng tôi nghe câu chuyện của đời anh.