Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 18

 
Nha Trang - 1978

Ba năm trôi qua, gia đình tôi vẫn sống bên cạnh nhà của bác tôi. Mẹ tôi rất bận rộn trong công việc trông em bé Ti và thu nhập của chúng tôi chỉ trông có mỗi vào việc bán đi những đồ nữ trang của bà. Chúng tôi vẫn chỉ mặc những bộ quần áo mang đi từ biệt thự họ Nguyễn hồi trước. Trong mấy năm qua, Jimmy và tôi chẳng bao giờ có thêm quần áo mới vì mẹ tôi chỉ có nối thêm gấu quần và nới thêm thắt lưng để cho chúng tôi mặc vừa. Ngày hai bữa, món ăn chính thanh đạm của chúng tôi vẫn là cơm mà mẹ tôi đong ở chợ với giá tám đồng mỗi giạ. Dù mưa hay nắng, chúng tôi vẫn quay cuồng bên nhau để sống qua ngày.

Càng lớn, mầu tóc của tôi càng sậm hơn. Tôi cũng chả hiểu có phải là ước vọng của mẹ tôi khi bà tưới thuốc nhuộm lên đầu tôi hồi trước hay là do lòng khao khát của tôi, mong mỏi được hoà nhập với đám trẻ con trong xóm. Đến khi tôi được mười một tuôỉ, mái tóc vàng hoe của tôi ngả sang mầu nâu sậm. Ngay cả trong những ngày hè nóng nhất, ánh nắng mặt trời cũng không thể tẩy được nó cái mầu óng ánh bạc nguyên thuỷ.

Jimmy và tôi theo học tại trường tiểu học, ở đó chúng tôi tập trung vào các môn học như toán, văn, sử và khoa học. Tất cả đều được dạy theo quan điểm của người Cộng sản. Cô giáo San vẫn tiếp tục dạy ở lớp tôi. Cô còn mở thêm lớp dạy miễn phí ở ngay nhà cô vào mỗi chủ nhật. Những bài giảng tại đó, theo tôi còn nhớ, là những bài duy nhất không có mầu chính trị.

Cô San sống trong một ngôi nhà hai tầng cách chỗ tôi ở khoảng vài con phố. Cô dùng tầng dưới để sản xuất nước mắm, có ba cái chum lớn bằng đất nung, luôn luôn đầy nhóc, đặt ở đó. Mỗi chum chứa chừng một trăm đến một trăm rưởi ký cá và ướp bằng cũng chừng đó số lượng muối. Cô giải thích với chúng tôi rằng làm nước mắm là nguồn thu nhập chính của cô. Dạy học chẳng qua chỉ để cho vui thôi. Mùi cá ươn xông lên hôi nồng nặc, từa tựa mùi thối của răng sâu nhưng còn tệ hơn nhiều. Cái mùi kinh niên ấy bám vào quần áo cô, xông lên mái tóc, và như một loại chướng khí cuốn lấy thân thể cô. Bọn người lớn, đặc biệt là cánh đàn ông thì tránh xa cô. Họ sợ cái khác thường cố hữu ấy của cô. Nhưng lũ trẻ thì lại bị lôi cuốn bởi tính tình nồng ấm của cô và riêng tôi thì, quả thật, không ai thấy cô có sức thu hút hơn tôi.

Cứ đến mỗi buổi chiều chủ nhật là chúng tôi lại náo nức đón chờ cái buổi học thêm ở nhà cô. Ngồi trên sàn trong căn phòng ngủ lộn xộn của cô, giữa những bộ quần áo rải rác, chúng tôi chờ cô xuất hiện như khán giả chờ minh tinh. Trong một những môn ưa thích của cô là Anh ngữ. Cô thường nói với chúng tôi:

- Cách duy nhất để chúng ta xây dựng đất nước là học hỏi kỹ thuật của các nước khác. Mà làm thế nào để có thể tiếp thu được những kỹ thuật của họ? Hãy khởi sự bước đầu là học thứ ngôn ngữ quốc tế: đó là Anh ngữ.

Cô nháy mắt với chúng tôi và nở một nụ cười tinh quái:

- Hôm nay, mình đừng học theo sách. Thay vào đó là một cuộc khảo sát từ ngữ, được không? Trong giờ tới, ai cũng đều phải nói tiếng Anh. Trò chơi này rất khó, nhưng các em cứ thử xem. Sẽ vui đấy.

Chúng tôi hăm hở vì bị kích động. Từ bỏ không nói tiếng mẹ đẻ trong một cuộc bàn cãi giữa những đám đông như thế là điều cấm kỵ theo luật, nhưng lúc này chúng tôi lại cho là tự nhiên và vô hại. Khi cảm thấy chúng tôi còn ngập ngừng, cô San nói tiếp:

- Hãy giữ bí mật giữa chúng mình nghe, các trò.

Rồi cô đổi đề tài Anh ngữ và buổi học bắt đầu:

- Duy wet out last night.

Tôi thấy bạn tôi ngồi thẳng lại. Còn cô San thì chỉ ngay một cô bé có tóc đuôi ngựa nhún nhảy và nói tiếp:

- Chi, hãy tiếp tục với cái ý đó.

Chi suy nghĩ trong khoảng mười giây rồi cẩn thận nói:

- Duy went out with a girl last night...

Có vài tiếng cười khúc khích trong đám học trò. Hình ảnh của Duy với người bạn gái có vẻ tức cười dù nói bằng bất cứ ngôn ngữ. Cô San hướng về phía tôi và nói:

- Kiên, tiếp tục đi.

Tôi đặt câu thật nhanh trong đầu rồi nói:

- Who was that girl?

Cô San nói:

- Câu hỏi hay đấy. Vậy, Duy hãy cho biết cô gái ấy là ai?

Duy đứng lên, gãi tai, ấp úng, nhìn cả lớp cầu cứu. Một vài người thì thào câu trả lời và hắn chộp lấy như người chết đuối vớ được cọc:

- The girl was... was... was... my... mother.

Hắn la lên như thế, giọng lạc đi vì quýnh quáng. Còn chúng tôi thì ngả ngốn vào nhau vì cười. Đứng dựa lưng vào tường, cô San cũng phì cười nữa. Trong bóng tối của căn phòng, tôi cho rằng cô là một phụ nữ rất đẹp, gần giống như ảo ảnh.

Hôm ấy, khi tan buổi học, cô San bảo tôi ở lại sau. Cô nói:

- Kiên à, em có nghĩ là cái mớ tóc này sẽ hoàn toàn hết quăn khi mình... ờ... cắt nó thật ngắn đi không?

Cô lướt những ngón tay trên đầu tôi với vẻ suy tư. Có cái gì đó trong cung cách cô đưa ra câu hỏi khiến tôi ngẩn người, e ngại. Tôi trả lời:

- Con cũng không biết nữa. Nhưng tại sao cô lại hỏi thế?

- Nhà trường đang chuẩn bị tổ chức liên hoan chào mừng ngày thống nhất đất nước. Ban giám hiêụ đã lựa chọn lớp mình đi đầu đoàn diễu hành vì thành tích học tập tốt của lớp. Kiên thì lại là học trò giỏi nhất của cô nên cô định chọn Kiên cầm quốc kỳ đi đầu toán.

Ngừng lại một giây, cô nói tiếp:

- Chỉ có một vấn đề nhỏ là cô e rằng cái bề ngoài của Kiên có thể gây ra sự bối rối của khán giả thôi.

- Nếu cô muốn thì con sẽ đi cắt tóc ngay ngày mai.

Cô gật đầu:

- Đúng đó, cưng, cô nghĩ cách đó là tốt nhất. Cứ làm thế đi, cô sẽ dành cái vinh dự ấy cho em.

Một áng mây đen chợt thoảng qua mặt cô:

- Kiên, hãy làm tốt nhé. Chúng ta cũng chẳng còn được gần nhau bao lâu. Nhà trường sẽ nghỉ hè sau cuộc diễu hành. Em sẽ lên bậc trung học và cô sẽ chẳng còn nhiều dịp gặp lại Kiên nữa.

- Con sẽ tới thăm cô thường xuyên.

Cô nói giọng buồn bã:

- Rồi sẽ thấy. Thật khó mà hoạch định được cái gì cho tương lai. Ngay cả chính cô, có thể có mà cũng có thể không chắc là sẽ còn ở lại đây.

- Đương nhiên là cô sẽ ở lại để giúp những học sinh khác chứ. Mà cô có thể đi đâu? Cô là cô giáo mà, cô San.

Cô cắn xuống cái môi dưới và quay đi. Bên ngoài, trong bầu không khí oi ả, lũ bạn cùng lớp của tôi đang rượt đuổi nhau chạy tới quán bán nước trái cây ép ở cuối đường, tiếng cười đùa vang vọng lại. Cô San lục trong buồng để lấy ra một cái túi làm bằng da giả. Cô mò mẫm trong đó vài giây rồi ngẩng lên, tay hất cái lọn tóc dầy đang phủ xòa lên khuôn mặt. Cô trao cho tôi mấy tấm phiếu màu đỏ và nói:

- Cô có mấy cái tem phiếu dành cho giáo viên còn xót lại từ hồi đầu học kỳ vẫn chưa dùng đến. Vậy tại sao em không giữ lấy rồi đem mua mấy tập vở mà xài? Năm học tới, em sẽ cần vở mới, phải không?

Chế độ mới đã dành riêng cho các thầy cô giáo một loại tem phiếu để họ có thể mua những đồ dùng sách vở bằng giá rất rẻ. Để bù đắp thêm vào cái đồng lương đạm bạc của mình, nhiều thầy cô đã phải mang những tem phiếu này bán ở ngoài chợ đen. Hành đông bất ngờ và hào phóng của cô San khiến tôi ngạc nhiên. Cái ý nghĩ đem khoe với mẹ tôi những tập vở mới và nhìn thấy vẻ mặt vui vẻ của bà đã khiến tôi muốn cầm ngay lấy xấp tem phiếu. Nhưng ngay lúc đó, cái mặc cảm về sự thiếu thốn nghèo túng lại trở về khiến cho hai má tôi nóng bừng lên vì xấu hổ. Tôi lùi lại và lắc đầu:

- Đó là những món quà quí, con không dám nhận đâu, thưa cô.

- Tại sao không nhận?

Tôi thở dài, tìm câu trả lời:

- Tại mẹ con đã mua ở chợ đủ đồ dùng cho chúng con rồi.

- Cô biết. Cô đã nhìn thấy bà hôm nọ. Mẹ và cô đã nói chuyện với nhau hàng giờ. Bà ấy buồn phiền vì muốn mua quần áo mới cho em và em của em, nhưng lại không đủ tiền, sau khi đã mua sách. Cho nên cô nghĩ là cô có thể giúp bà bằng mấy cái phiếu này, vì qua năm mới em cần rất nhiều tập vở chứ chẳng phải vài cuốn như năm nay đâu.

Tôi hạ thấp giọng:

- Chúng con lo lấy được.

Cô San nhiú mày:

- Kiên, em xấu hổ vì mình nghèo à?

Tôi cố tránh cái nhìn đăm đăm của cô bằng cách tập trung nhìn vào cái đốm nắng chiếu dưới đất. Cô ấn mấy cái tem phiếu vào tay tôi rồi tiếp:

- Không nên xấu hổ vì hoàn cảnh thấp kém hay tình trạng xuất thân của mình. Thực ra, em nên tự hào. Này nhé: em không còn là một dân tư bản nữa. Dưới mắt người Cộng sản, em đã đạt tới điạ vị thấp kém nhất mà lại đạt yêu cầu nhất, đó là thuộc giai cấp nghèo khó. Vậy hãy phấn khởi lên, vì từ nay em chẳng còn gì để mà mất lại có khối điều để được. Yên hẵng, còn nữa.

Cô lại lục cái tuí lần thứ nhì rồi nói:

- Cầm lấy món tiền này đi. Cô muốn em đi hớt tóc để các thầy cô trong trường khỏi bình phẩm người tiên phong mới tinh của cô trong cuộc diễu hành. Cô muốn mọi người hoàn toàn hãnh diện giống như cô khi họ nhìn thấy em dẫn đầu cuộc diễu hành. Thôi về đi. Em còn có nhiều việc vặt vãnh phải làm, mà cô thì cũng thế.

Cô vừa vuốt lên tóc tôi, vừa đẩy tôi ra cửa. Tôi lúng túng nói với cô lời cám ơn không mạch lạc lúc ra về.

Ngày hôm sau, lần đầu tiên tôi đến một tiệm hớt tóc ở ngay trong xóm. Từ trước tới nay, mẹ tôi thường xuyên hớt cho tôi. Tiệm hớt tóc, là nơi chỉ có đàn ông tới hớt và tiả lông muĩ, chỉ là một cái lều nhỏ cất sơ sài bằng bốn cái cọc gỗ và một tấm vải nhựa mầu đen. Nó được dựng dưới một cây sồi lớn chỉ cách trường tôi vài bước chân. Người thợ hớt tóc đã cắt tóc cho tôi theo kiểu nhà binh. Những đồ nghề của ông nom cũ kỹ như ít nhất đã hai chục năm rồi, thỉnh thoảng ông lại đem mài chúng loẹt xoẹt trên một miếng da bò đóng vào thân cây. Tóc trên chóp đầu tôi được ông xén cao hai phân, ngoài ra còn bao nhiêu thì ông cạo nhẵn bằng một lưỡi dao cạo sáng loáng.

Suốt ba tuần lễ tiếp theo, dưới sự giám sát của cô San, chúng tôi tập diễu hành dưới sân trường như những cậu lính nhỏ. Còn học sinh của các lớp khác thì xếp hàng  đi sau, thứ tự tùy theo thành tích.

Một tuần trước ngày diễu hành, cô San không tới trường. Ngay cả các giáo viên cũng không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra cho cô. Người được cử thay thế dạy lớp tôi là một thầy trạc ngoài ba mươi với mái tóc bóng nhẫy và hàm răng sỉn dến nỗi làm nụ cười thầy xám xịt. Thầy này cũng thế, tránh bàn luận về sự vắng mặt của cô San.

Một buổi sáng, cũng theo như thông lệ, trước khi giờ học bắt đầu, toàn trường phải đứng xếp hàng nghiêm chỉnh trong sân trường. Tôi đứng ở ngay phía sau tập thể, hết sức chú ý. Khi bản quốc thiều cất lên từ cái loa, thì vai trò của tôi là phải đi xuống dọc theo lối đi chính giữa, qua cái bục chính để tiến tới cột cờ.

Khi nghe đoạn nhạc mở đầu: " Đoàn quân Việt Nam đi..." tôi dấn bước tới, đầu ngẩng lên cao, mắt nhìn phía trước, lưng ướn thẳng. Lá quốc kỳ trong tay tôi với nền đỏ và ngôi sao vàng ở chính giữa.

Sau khi tất cả mọi người đã chào lá cờ xong, Ông giám hiêụ bước lên bục gỗ. Đặc điểm của ông, vốn lúc nào cũng nghiêm trọng, hôm nay lại càng thêm nóng nẩy, thô lỗ. Những nét nhăn nhúm trên mặt của ông chảy xệ, cái miệng mín lại mỏng như một nét bút chì ẩn ở phía dưới hàm ria lưa thưa. Nhìn trừng trừng cử toạ một hồi, ông với tay tắt cái máy phát thanh vừa mới chơi xong đến cuối cùng của bản quốc ca. Ông gõ ngón tay lên cái micro để thử âm thanh làm nó rít vang cả lỗ tai mọi người. Rồi, một tay ông cầm micro, tay kia vẫy ra hiêụ cho tất cả chúng tôi im lặng, ông bắt đầu nói, giọng của ông hối hả, mất bình tĩnh, vang vọng tới tân làn sương còn lảng vảng dưới những lùm cây:

- Tất cả hãy lắng nghe đây, tôi biết là mới đây có những lời xì xào trong trường, nhất là về cô San, giáo viên lớp 5 C. Hẳn anh chị rất tò mò muốn biết vì sao cô ấy lại vắng mặt. Tôi khuyên các anh chị nên dẹp chuyện ấy đi.

Ông lại rà soát mọi người bằng cặp mắt cú vọ và tiếp:

- Nếu các anh chị hỏi: " Tại sao lại đẹp chuyện đó đi "? vậy đây là câu trả lời của tôi: Đấy không phải là vấn đề của các trò. Bất cứ ai, nếu còn tiếp tục tọc mạch vào chuyện đó thì sẽ bị xem như một hành động phản cách mạng vậy. Kẻ nào mà bị phát giác vi phạm thì đừng có hòng tôi khoan hồng. Sẽ bị đuổi ngay lập tức. Bây giờ, trước khi các anh chị trở về lớp học, tôi muốn bàn qua về một vấn đề khác nữa.

 Nhìn thẳng về phía tôi, ông ta lấy lại vẻ bình tĩnh mọi ngày:

- Ban giám hiêụ đã quyết định bầu chọn một người mới, đi tiên phong cho cuộc diễu hành. Để chiếm được vinh dự đi đầu, người đó phải làm hơn cái chuyện thành tích xuất sắc về học tập. Nghĩa là còn phải phát huy tinh thần tập thể giữa các bạn cùng lớp, với cả các thầy cô. Rồi còn phải tham gia sinh hoạt ngoại khoá và còn là một biểu tượng tích cực của toàn trường. Nguyễn Kiên là một học trò giỏi, nhưng cũng không có nghĩa là người xuất sắc nhất để đại diện cho trường. Trường ta còn có nhiều trò khác vượt quá cả Kiên trong mọi lĩnh vực. Vì thế nhà trường sẽ xếp đặt lại, thay thế Kiên bằng một người đi tiên phong khác để dẫn đầu đoàn diễu hành, như thế sẽ đạt nhiều thành công hơn.

Ông ta sải bước lại chỗ tôi đang đứng. Điềm nhiên, ông ta giật lấy lá cờ trong hai tay tôi và trao lại cho anh lớp phó của tôi.

Quay về phía đám học trò, ông nói:

- Phần nói chuyện của tôi đến đây là kết thúc. Các trò có thể quay về lớp học.

Ông ta vất cái micro lên bục nghe cái thịch rồi bước khỏi sân khấu, hai tay khoanh trước ngực.

Khi mọi người giải tán khỏi sân trường, mặt tôi đỏ dừ vì nhục nhã. Không nói một lời, tôi lủi khỏi đám đông và lẩn đi ngay.

Mùa hè năm 1978 ấy đánh dấu ba năm sống dưới chế độ Cộng sản. Mặc dầu chính quyền mới đã tiếp thu thành công miền nam Việt Nam, nhưng nhiều công dân của chế độ cũ vẫn hy vọng người Mỹ quay trở lại, và mỗi tối thứ hai, họ vẫn lén nghe các bản tin tức của đài BBC. Khi đời sống ngày càng khó khăn thì niềm hy vọng lại càng trở thành một thứ xa xỉ duy nhất mà Cộng sản vẫn chưa tóm được. Buồn thay, đối với nhiều người, hy vọng trở nên một sức mạnh tiêu cực cầm giữ đời sống của họ trong lao tù của sự chờ đợi phù phiếm. Thay vì tận hưởng đời sống, nhiều người đơn thuần coi như sống chỉ là tồn tại. Trường hợp này cũng xảy ra với gia đình tôi.

Mẹ tôi chẳng hoàn tất được chuyện gì trong ba năm liền ngoại trừ sự chờ đợi. Bà hy vọng là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ hoặc vì sự lạm phát, hoặc vì lý do yếu kém của guồng máy nhà nước. Bà cũng chờ đợi một cuộc nổi dậy có thể xảy ra, hay một cuộc chiến tranh lật đổ chế độ mới vì sự căng thẳng giữa quần chúng và các cán bộ lúc nào cũng mạnh mẽ. Nhưng sự chờ đợi lê lết kéo dài quá lâu, mọi khí thế trong lòng chúng tôi đã tắt nguội dần. Sự tủi hổ không còn chiếm vị thế ưu tiên trong đầu óc mẹ tôi nữa. Mớ nữ trang cất dấu trong tuí quần của tôi đã được bán dần mòn để cho gia đình tôi được sống sót. Cuối cùng thì mẹ tôi khánh tận và chúng tôi bước vào đường cùng.

Thối chí với sự chờ đợi trong vô vọng, mẹ tôi đã thuê một quầy hàng trong ngôi chợ lớn nhất tỉnh, cách nhà tôi khoảng năm cây số. Gian hàng của bà chỉ là một cái ngăn rộng chừng mười mét vuông chen vào giữa hai gian hàng, một của người bán xôi, và một là tiệm bán bánh mì. Ngôi chợ, bao gồm hàng trăm dân tiểu thương như mẹ tôi, được chia thành nhiều khu vực riêng, như khu bán cá, khu bán gia súc, rau cỏ, vải vóc, đồ dùng về điện, thuốc men và ở ngoài bìa xa nhất là nơi bán những sản phẩm của nông trại. Xa hơn đó nữa, là chỗ đổ rác của thành phố, một thứ siêu thị của lũ lang thang không nhà.

Mẹ tôi bán gạo là chủ yếu, thêm vài thứ sản phẩm trồng trọt khác như khoai tây, đậu. Tuy vậy, người Cộng sản cũng ghé mắt vào những loại buôn bán như kiểu của mẹ tôi, vì họ cho là loại tiểu thương này làm cho hàng hoá trở nên đắt đỏ và làm sáo trộn nền kinh tế. Trong một bản tuyên cáo, chính quyền cấm thành phần trung lưu được buôn bán tự do và gửi nhiều toán đi tịch thu hàng hoá. Họ hứa hẹn với mẹ tôi là nếu từ bỏ gian hàng thì sẽ kiếm cho một công việc khác. Nhưng dù đã thoả thuận như thế, đơn xin việc của mẹ tôi vẫn luôn luôn bị từ chối.

Gian hàng của mẹ tôi chỉ tồn tại được có vài tháng thì bị bắt phải đóng cửa. Chỉ vài phút trước khi có cuộc đột nhập, mẹ tôi đã tẩu tán được một số hàng hoá qua mấy người bạn hàng. Sau đó là những cuộc lục soát tinh vi hơn, toàn diện hơn mà không hề thông báo trước.

Ở ngoài chợ, hầu hết các bạn hàng đều kém may mắn hơn mẹ tôi. Chính quyền, thông qua các đội tình nguyện trẻ tuổi, đã xông vào các cửa tiệm vào lúc nửa đêm, tịch thu tất cả các loại hàng hóa đã được kiểm kê. Rồi hôm sau, họ bắt chủ tiệm trưng ra giấy tờ biên nhận buôn bán, chứng tỏ họ có quyền sở hữu đối với món hàng đó. Làm sao mà có được, vì hầu hết các hàng hoá chỉ là mua đi bán lại ở chợ đen, làm gì có giấy biên nhận. Thế là phải nộp phạt cho những hàng hoá tồn kho và các thương gia bị quét sạch sẽ.

Vào cái hôm mà đội thanh thiếu niên tới đóng cửa gian hàng của mẹ tôi, trong cơn giận dữ và thất vọng vì chẳng có món nào có giá trị, họ đã đập phá tan hoang. Một thành viên của toán, một đứa con gái mới chừng mười bốn tuôỉ, trong bộ đồng phục mầu xanh đã xiả xói vào mặt mẹ tôi với giọng khinh bỉ:

- Thử coi bà còn dám mở lại gian hàng chống phá cách mạng này nữa không? Chúng tôi sẽ quay lại kiểm tra thường xuyên cho bà biết tay.

Rất lâu sau khi họ đi khỏi, mẹ tôi vẫn ngồi trên sàn, đầu cúi xuống, không nhúc nhích. Ở bên ngoài, một bóng người bước vào gian hàng của mẹ tôi, ngừng lại ở ngưỡng cửa để quan sát bà. Từ chỗ mẹ tôi ngồi, bà chỉ có thể nhìn thấy một đôi chân dơ dáy của người khách thọc trong đôi dép râu rẻ tiền...

Bà ngẩng lên nhìn và thấy khuôn mặt quen thuộc của bà Đặng lúc ấy cũng đang chăm chăm nhìn bà. Ba năm sống dưới ách Cộng sản đã biến người bạn ồn ào của bà thành một phụ nữ già nua và nhút nhát. Tuy nhiên tiếng cười của bà Đặng vẫn còn dễ lây lan, vang lên như tiếng pha lê khi bà nhận ra mẹ tôi. Bà la lên:

- Trời phật ơi! Chị đó à, Khuôn? Chao ôi, chuyện gì đã xảy ra cho chị thế?

Mẹ tôi nhìn đăm đăm một cách ngây dại vào khoảng không gian phía sau khuôn mặt của bà Đặng. Quá xúc động vì cuộc hội ngộ bất ngờ, Bà Đặng qùi xuống sàn giữa đống chai lọ vỡ, mẻ và gục khuôn mặt vào cổ của mẹ tôi. Tuy nhiên mẹ tôi không ôm lại bà. Đầu óc của mẹ hình như ở đâu đó bên kia sự hôi thối, lầy lội của ngôi chợ, tiếc nuối sự mất mát của mình.

Nhiều ngày sau, mẹ tôi vẫn còn nằm liệt giường và từ chối ăn cơm với gia đình. Bà nói với Jimmy và tôi về việc bỏ rơi chúng tôi để đi sống ở một nơi nào khác. Một đôi khi, bà còn tính đến chuyện cả nhà, trừ ông bà ngoại tôi, sẽ tự tử tập thể cho thoát nợ đời. Sợ hãi vì những cơn xuống tinh thần đó, Jimmy và tôi tránh vào căn buồng của bà y như thể đó là khu vực của người cùi.

Nhưng may mắn thay, với nhiệt tình của dì Đặng, đến thăm viếng thường xuyên, mẹ tôi quyết định đi tiếp con đường đời. Bà lại dấn mình vào việc buôn bán... Tuy rằng bà có sẵn kinh nghiệm làm ngân hàng, vấn đề cạnh tranh với người khác để mua đi bán lại kiếm sống, đối với bà là một ý nghĩ chua chát. Dầu vậy, bà biết là mình vẫn phải tìm ra một cách nào đó để mà có được bữa ăn hàng ngaỳ cho gia đình.

Cũng mùa hè năm ấy. Chị Loan trở về từ toán thanh niên xung phong. Sau ba năm trời lặn lội trong rừng cùng với trên hai trăm thiếu nữ khác cùng đơn vị, chị đã chứng tỏ là có tinh thần phục vụ cho chính quyền mới và thời hạn phục vụ của chị đã qua.

Vào cái hôm mà tôi bị ông giám hiêụ cho ra rìa khỏi vụ diễu hành, trên đường trở về nhà, tôi bắt gặp chị trên đường phố giữa đám đồng chí của chị. Mặc dầu chị mặc bộ đồng phục quá khổ mầu xanh may bằng vải ka ki dầy che lấp tất cả các đường nét phụ nữ, tôi vẫn nhìn thấy ngay khuôn mặt khả ái của chị. Sau nhiều năm làm việc dưới ánh nắng gay gắt, nước da của chị đã biến thành mầu nâu. Trên lưng chị là một cái ba lô đựng tất cả tài sản, nom nặng nề như đeo đá trên thân hình mảnh mai của mình. Chị nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy tôi vừa chạy vừa réo to tên chị. Chúng tôi ôm lấy nhau thật lâu, chan hoà nước mắt khi thấy mỗi người đều có sự thay đổi. Chị hỏi tôi:

- Sao em không viết thư cho chị. Bộ em không nhận được thư nào của chị hay sao?

Tôi trả lời:

- Không, chẳng có thư nào hết. Em không viết cho chị vì chả biết chị ở đâu. Chị đã gửi đi bao nhiêu thư tất cả?

Chị có vẻ bối rối:

- Chị không biết nữa. Nhiều đấy. Lúc ban đầu chị viết mỗi tuần một lá. Có khi chị còn nhờ một người bạn chuyển tay nữa. Thật là kỳ cục khi em chẳng nhận được lá thư nào.

Đăm chiêu một lát, chị tiếp:

- Khó có thể tin là mọi thứ đều thất lạc. Thật quá tệ, nhưng sống trong những điều kiện như thế này thì em cũng biết nó như thế nào rồi. Cũng chẳng sao, điều quan trong nhất là cuối cùng chị em mình gặp lại nhau, phải không. Dẫn chị về nhà gặp má đi em.

Tới ngưỡng cửa, hai chúng tôi bị con chó của Jimmy chặn lại. Nó vẫy đuôi mừng rỡ và liếm lên mặt của chúng tôi bằng cái lưỡi nham nháp của nó. Nó không còn là một con chó nhỏ nữa mà đã to lớn gần bằng vóc dáng của một con chó bẹc-giê trưởng thành và sức nặng của nó làm chị Loan liểng xiểng. Nó sủa oang oẳng lên làm chị Loan hết hồn, lùi lại phía sau tôi:

- Nó không thể là con Lulu, phải không?

Chị hỏi rồi lại tự trả lời:

- Dĩ nhiên là không rồi. Con chó này đâu có cái chân què.

Tôi gãi vào sau cái tai con chó của em tôi và trả lời:

- Lulu chết rồi. Đây là con chó đực. Nó tên là Lu.