Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 23

 

Về tới lối rẽ vào xóm tôi, Jimmy ngừng lại, thở một hơi dài, rồi xốc lại bé Ti trên lưng. Nó nói:

- Em sẽ đưa em bé về nhà. Còn anh đi lo vụ con Lu. Nhớ đoán chắc là họ phải hiểu rõ những điều kiện mình đưa ra.

Tôi nhấc em bé ra khỏi lưng Jimmy rồi nói:

- Dẹp chuyện đó di. Tao không làm nổi đâu. Mình sẽ tính sau.

Trời đã sụp tối. Đường xá vắng tanh, có những con đom đóm lập loè trong bụi rậm. Con hẻm dẫn tới khu nhà chúng tôi tưởng dài như vô tận, nhưng càng đi chúng tôi càng nhận ra mùi ổi chín thơm lừng từ khu vườn của bác tôi toả ra. Con chó của Jimmy rên ư ử khi chúng tôi tới gần cái cổng trước khiến cho Jimmy cứ phải vỗ nhẹ lên đầu nó để nó giữ yên lặng. Cả hai nhà đều thắp đèn sáng trưng. Trong phòng ông bà ngoại, tôi thấy lố nhố những bóng người. Từ cửa sổ, có ai đó phát hiện ra chúng tôi, la lên thất thanh.

Ông phường trưởng Ba Qùi, chạy ra phía trước, theo sau là mẹ tôi. Sau lưng hai người là Dì Đặng và vài người công an. Vừa thấy chúng tôi là mẹ tôi oà lên khóc. Lòng tràn ngập xúc động, chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Trong tay tôi, bé Ti dẫy dụa vì ngộp thở và mẹ tôi thì run rẩy cả thân mình.

Bà bế em bé lên, nhìn thấy ngay những vết bầm trên mặt tôi nên bắt tôi giải thích nguyên do. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường, tôi cởi áo và chỉ cho bà thấy những chỗ sưng và bầm giập mà Tín đã đánh tôi ở phía sau lưng, còn Jimmy thì kể lại câu chuyện về mấy củ khoai lang. Bà giận đến nổi mặt đỏ bừng bừng như than hồng.

Quay sang ông Ba Qùi, mẹ tôi lấy tay quệt những hàng nước mắt. Ông trưởng phường nhíu mày, mặt đượm nét suy tư. Mẹ tôi hắng giọng nói:

- Ông đã chứng kiến tất cả rồi. Xin hãy xử vụ này cho công bằng.

Ông ta nói:

- Cô Khuôn, cô muốn tôi làm cái gì bây giờ? Cô đi vắng tới chín ngày, bỏ con bỏ cái lại bơ vơ. Tất cả chúng tôi đều nghĩ là cô đã bỏ rơi chúng rồi. Ngày mai cô lên phường trình diện. Còn bây giờ thì chưa phải lúc;  trời đã tối mà lũ trẻ thì cũng an toàn rồi. Về nhà sửa soạn mà ngủ đi đã.

Bỏ mặc lời khuyên của ông ta, mẹ tôi tiến thẳng lại ngôi nhà của bác tôi, đap. tung cánh cửa trước. Tay chống nạnh, bà hướng mặt về phía căn phòng khách, đồng thời réo tên Tín lên. Giọng của bà xoáy vào đêm tối, không có dấu vết mảy may nào là sợ hãi.

Ở trong phòng của mình, chị Ánh Nguyệt thức dậy và húng hắng ho. Có tiếng bà bác tôi hét trả lời mẹ tôi:

- Làm cái gì mà la lối ỏm tỏi lên vậy? Mày muốn tính chuyện với nó, chờ đến sáng mai hẵng hay!

Từ căn phòng ngủ, nơi bà ở chung với bốn con gái nhỏ từ nhiều năm qua, bác tôi hiện ra.

Mẹ tôi la lên:

- Tôi muốn giải quyết ngay bây giờ!

Bác tôi la lại:

- Được rồi. Thằng Tín đâu. Ra ngay đây.

Ông Ba Qùi chen vào:

- Nghe tôi đây, các bà. Đừng có gây thêm chuyện nữa. Tôi không muốn phải còng đầu ai hết.

Có tiếng bật công tắc đèn và ánh sáng tràn ngập phòng khách. Tín bước về phía mẹ tôi với vẻ bối rối. Mẹ tôi nhìn chằm chằm vào hắn, rồi nhìn cha mẹ của hắn, cất tiếng:

- Hôm nay, chỉ vì ba miếng khoai nhỏ, mày gần giết chết con tao. Sinh mạng của các con tao đối với mày rẻ rúng như thế hả? Nhìn quanh thử coi, mày trông thấy cái gì?

Tín chuyển động hai chân, điệu bộ bồn chồn. Mẹ tôi hỏi lại lần nữa rồi tự trả lời ngay:

- Mày trông thấy cái gì? Tất cả mọi thứ, từ căn nhà tới đồ đạc, ngay cả những đồ ăn còn dính trên kẽ răng của mày kia cũng đều là của tao tất. Đúng đó. Muốn biết thì cứ hỏi ông bố, bà mẹ vô dụng của mày coi. Mày có thể không thèm kính nể gì tao, hay tử tế gì với lũ con tao, nhưng mày không thể chối bỏ gì được cái thực tế rằng có được sự tồn tại của tụi bay chính là nhờ có con điếm hạ cấp này. Đừng hòng đụng đến con tao một lần nữa! Lần sau mà tao thấy mày sờ một ngón tay vào người chúng nó, tao sẽ đốt rụi cả căn nhà này cho coi. So với tụi bay, tao chẳng có gì để mất, vậy đừng có dồn tao vào chân tường.

Rồi bà xiả tay về phía bác gái khi đó đang xanh xám với sự bối rối, ngượng ngập:

- Còn bà nữa, mỗi lần bà nói tôi là em gái độc nhất của bà, tôi muốn tin bà tận đáy lòng, nhưng không bao giờ nữa. Lần nào tin bà xong thì cũng chỉ kết thúc bằng đau khổ quá mức thôi. Hôm nay, con bà đánh con tôi thừa sống thiếu chết, thì liên hệ giữa tôi với bà kể như chấm dứt. Cũng kể từ nay, chúng ta chỉ còn là hai cái gia đình bất hạnh chung nhau cái giếng và cái hố xí mà thôi.

Bà dậm chân xuống đất bình bịch như để nhấn mạnh thêm lời nói của mình:

- Có giỏi thì bà nhìn kỹ cuộc đời của bà coi. Bà có biết tại sao bà lại cho phép con bà nhũng nhiễu con tôi không? Lý do là vì ghen tức. Bà ghen tức vì trên thực tế, trong con mắt của Ba, cả cái lũ con mười bốn đứa của bà chẳng bao giờ được đánh gía cao bằng một đứa con lai giống của tôi. Đau đớn lắm, phải không?

Biết rằng cả đám con bà chả bao giờ nên người, nhưng làm sao chúng có thể nên người được! Nhìn coi chúng nó và những đấng bậc cha mẹ đã đưa chúng nó ra đời! Tôi thành thực ước mong rằng tôi không còn phải nhìn cái bản mặt của bà một lần nữa.

Mẹ tôi dẫn chúng tôi trở vào nhà, đóng sầm cánh cửa lại. Dì Đặng đi theo chúng tôi. Ông trưởng phường và đám công an vẫn đứng ở ngoài khu vườn nhà bác tôi. Ông ta lấy lại bình tĩnh và thét lên phía đằng sau mẹ tôi để ra oai:

- Cô Khuôn. Sáng mai hãy ra trình diện tại văn phòng của tôi.

Quay về phía chúng tôi, mẹ tôi bây giờ mới nhận ra khuôn mặt bệnh hoạn của em gái tôi. Bà hỏi:

- Con thấy thế nào, cưng?

Bé Ti rên rỉ:

- Cho con ăn...!

Mẹ tôi kêu lên:

- Ồ, dĩ nhiên... lu bu quá... Mẹ đang nghĩ gì nhỉ? Ờ... Tụi mình đi ra quán mì ăn nghe. Chị Đặng ơi, chị đi với tụi tôi nhé?