ào lúc nửa đêm, khi không gian chỉ toàn những gầm gào của sóng và thời gian dường như không tồn tại, đặc sệt dẻo quánh, người đứng đầu thị trấn đột nhiên bị dụng dậy bởi hàng loạt những tiếng đập cửa bấn loạn, vô hồi… - Lại cái gì nữa thế Quang? Giọng ông chủ tịch khê khê vì ngái ngủ, vì vừa ở trong chăn mỏng chui ra. Vẫn chỉ có một chiếc quần trên thân thể ở trần, kẻ mắc chứng tâm thần khoát tay chỉ tứ tung: - Có bạo loạn, có đứa vượt biên! Chúng bắt người, giết người, mổ thịt người ở ngoài bãi biển kia kìa! - Vớ vẩn nào - Vị chủ tịch làu bàu - Về ngủ đi! Toàn tưởng tượng ra những trò quài quỷ! Trong nhà đèn không thắp sáng, ngoài trời chỉ cỏ mây đen trôi vần vũ, người đứng đầu thị trấn vô tình không nhìn thấy những vệt máu loang ra trên vai, trên ngực và đôi mắt thất thần có ngấn nước đang đau đớn tận cùng của người đang đứng trước mặt mình. Anh khép cửa lại: - Về đi! Có gì mai tới đây uống rượu nhé! - Sao lại về? - Kẻ tâm thần giậm mạnh hai chân xuống cát - Chúng nó bắt người, giết người mà lại về à? Có đàn bà, có con gái trong chăn là quên hết mọi chuyện à? Không tốt đâu! - Này, khẽ chứ? Cô ấy đang ngủ. Đã bảo về đi, hay vào nhà làm bậy xị rượu cho ấm bụng đã, hả? - Không tin tôi à? Thằng Lân lấy rượu ra để đuổi bạn bè sao? - Giọng Quang có vẻ mếu máo như sắp khóc - Sao ác thế? Tôi không vào đâu Tôi đến đây chỉ báo cho bạn bè một tin thế thôi. Nói xong, Quang xây lưng, lùi lùi chạy trở lại… Giông gió càng giật mạnh trên mái ngòi. Người đứng đầu thị trấn nhìn theo bạn một hồi lâu rồi chép miệng khép hẳn cửa lại. Tấm thân rực nóng và tràn trề sinh lực nằm trong kia đang đợi anh. Hạnh phúc và nỗi đam mê kéo tuột anh vào vòng quên lãng mụ mị, phá vỡ mọi khả năng suy xét thính nhạy vốn có ở con người đầy trách nhiệm này! Anh Hoàng! Khi anh đọc được những dòng này thì Dung đã đi xa rồi! Đi thật xa… Đi tới cái nới mà má Dung và con Dung đang chờ ở đó. Người đàn ông khủng khiếp ấy sẽ đến với Dung như một tiền định, như cái giá phải trả cho những lỗi lầm của cuộc đời. Hắn sắp đến và Dung chấp nhận. Tình yêu ư? Đã có một thời nhưng không phải như vậy. Sự thương hại ư? Làm gì có. Người đàn ông ấy không cho phép một ai có quyền đoái thương mình. Thế thì chả lẽ lại muốn trốn tránh cái mảnh đất nghèo nàn này để đến một chân trời xa lạ hy vọng rằng có nhiều điều tươi sáng khác? Không! Dung không phải như thế. Dung thực lòng yêu thương cái xứ sớ này như yêu thương chmh cuộc đời lận đận nhiều truân chuyên của mình. Vậy cớ sao Dung lại ra đi hiền lành ngoan ngoãn như thế? Rồi anh sẽ hiểu và sẽ thể tất cho Dung. Cũng như trên đã nói, Dung ra đi và hắn tìm đến theo một sự tiền định đã được sắp xếp trước. Bởi lẽ con người có số phận của mình, dù có cố đến mấy, quậy quả thế nào cũng không thoát ra được vòng nhân quả của kiếp luân hồi. Dung đã có một thời say mê hắn, hứa hẹn với hắn và vì Dung mà hắn phải vào tù. Có lẽ đó là người đàn ông duy nhất mà đã có một thời Dung thực sự yêu. Nay, dẫu trong lòng đã trống rỗng, tình yêu chỉ còn là một tiếng vọng bẽ bàng nhưng không thể làm khác. Không thể… Phản bội một con người đang tàn tạ, đang bám víu linh hồn vào mình, Dung không thể làm được. Anh có thể bảo Dung là kỳ quặc, Dung dở người, toàn đi khổ đau dằn vặt vì những cái ngớ ngẩn không đâu cũng được. Chmh những thứ đó làm nên cái cốt lõi cuộc sống này. Dung đang nói đến sự phản bội. Phản bội! Có lẽ toàn bộ những điều Dung muốn nói đều gói gọn trong hai từ đó. Chính vì dị ứng khắt khe với tất cả những tín hiệu của nó nên Dung tự đánh mất đi biết bao điều quý giá. Biết là mất đấy, là khổ đau, là không bao giờ có lại được nữa nhưng vẫn đành để mất. Sao con người lại lắm bi kịch thế anh! Càng cố vươn lên tự hoàn thiện mình lại càng chuốc lấy nhiều bi kịch. Dung yêu quý ba lắm! Má chết rồi, trên đời này Dung còn có ai nữa đâu! Dung rất muốn ra ngoài ấy chăm sóc ba hay mời ba vào trong này trốn rét những mùa đông để cha con có dịp quấn quít lấy nhau, để cho Dung được bù lại cái khoảng trống tình cảm những ngày ba đi tập kết. Nhưng ba đã phản bội má! Ra Hà Nội ba khai đang còn sống độc thân và lấy một người khác làm vợ. Ngày giải phóng, trở về Sài Gòn, ba lại tiếp tục phản bội ngay chính người vợ xứ Bắc ấy. Ba khóc và nói với má rằng ba vẫn đằng đẵng chờ đợi và yêu thương hai mẹ con, không có chuyện gì đáng tiếc xáy ra về lòng sắt son chung thuỷ cả. Hai tháng sau người đàn bà xứ Bắc kia vào, tìm đến tận nhà… Không phải ba hối hận, ba muốn trở lại với má nguyên vẹn đâu. Ba chi nghĩ đến cái chức vị sang trọng đang chờ ba phía trước thôi. Thế là ba chọn sự phản trắc, phản trắc cả hai… Và bây giờ ba đã đạt được điều đó, đạt bằng cái chết tức tưởi của người khác. Má em đã tuyệt vọng bỏ đi và… chìm xuống đáy biến cùng với đứa cháu ngoại của mình! Sự việc ấy đã đóng dấu sắt nung đỏ vào tâm hồn em và nó giải thích sự căm ghét hành vi phản bội đến cực đoan của em trong suốt cuộc đời. Còn anh! Giá những điều này không phải âm thầm ngồi viết mà được nói, được nép được khóc vào anh một lần thì dễ chịu biết bao? Vậy mà không còn dịp nữa! Hơn một tháng trời sống cách nhau vài sải cát đêm đêm nghe được cả tiếng hắng giọng tiếng trở mình của nhau mà đến lúc chia lìa vĩnh viễn cũng không kịp nói với nhau một lời? Âu đó cũng là tiền định phải không anh? Cái bức tượng em chụp vải trắng để ở góc nhà, anh còn nhớ chứ? Sáng mai, khi không còn em, anh nhớ giở ra mang về phòng mình hay cứ để đó cũng được tuỳ anh. Đó là bức tương em tạc một người lính - Một người lính đơn thuần không cần biết bên này hay bên kia, băng quấn đầy đầu, mắt toả sáng cái vẻ ngang tàng và thách thúc, sẵn sàng lao vào tan biến để bảo toàn được lòng tự trong và tư cách làm người của mình. Anh đó! Anh của những ngày cuối cùng của trận mạc đó, Hoàng còn nhớ không? Trời ơi! Anh lao ra ngoài của sổ, em đã thét lên và khi tiếng nổ của tràng đạn đầu tiên bay vào phòng, em đã quỳ xuống để rồi chuyện đó trở thành một nỗi dày vò ám ảnh mãi mãi… Em đã nằm liệt suốt hơn một tháng trời! Hơn một tháng ấy chỉ có viên đại uý mà anh đã biết, cái con người bây giờ đang là phó của anh và anh đang định dùng anh ta như một thứ Lê Lai liều mình cứu chúa ấy, là năng lui tới với em. Khi em tỉnh dậy được, cái mặc cảm đau đớn và ân hận tạm tiêu tan đi, chỉ còn lại sáng rỡ hình ảnh anh của giây phút cuối cùng, hình ảnh của một người đàn ông có tính cách sâu thẳm và mạnh mẽ. Và em đã lập bàn thờ anh, ngày rằm nào cũng đi chùa cúng lễ để cầu khấn cho linh hồn anh được siêu thoát. Thế rồi bức tượng về anh dần dần được hình thành. Đã có nhiều người hỏi mua, hỏi bán hộ với giá thật cao nhưng tất nhiên là em từ chối. Vì nó chính là em, là cái vĩnh hằng em thường khao khát. Không ngờ sau đó, do một sự tình cờ, em lại biết tin anh còn sống! Trang báo có in hình anh đã giúp em biết được cả nơi anh làm việc. Mừng vui đến trào nước mắt, em định chạy bổ đến với anh ngay nhưng một cái gì đó sâu lắm không rõ ràng ở bên trong cứ níu kéo em lại. Bây giờ người ta đã là một ông giám đốc cỡ bự rồi, một ông giám đốc danh tiếng, có biết bao người săn đuổi và ngưỡng mộ, liệu ông ta có nhớ ra và nhớ ra rồi liệu có chịu nhìn nhận mình, một con bé gàn bướng và độc ác trước kia không? Nhưng cái đó mới chỉ là ở bề nổi. Cái em sợ nhất là kỷ niệm tươi rói về anh bị phá vỡ, anh không còn là anh nữa cũng như sau ngày giải phóng có biết bao nhiêu người không còn là họ. Thế là em không đi. Sự ngạo mạn bẩm sinh đã không cho em đi. Không đi nhưng ngày ngày em vẫn dõi theo anh, hỏi tin về anh, vui nỗi vui của anh, buồn nỗi buồn cua anh, ám ảnh vật vờ… Cho đến ngày anh gặp nạn… Anh Hoàng! Nói ra điều này chắc anh và mọi người lại cho em là ngớ ngẩn nữa, nhưng em cứ nói. Qua anh Tư Đương, em đã biết được toàn bộ sự thật về cái tai nạn chính trị của anh - Tất nhiên là với quan niệm của anh ấy - Tình thương đối với anh đột ngột trỗi dậy và tràn ngập trong lòng em. Còn tràn ngập hơn cả cái ngày năm ấy. Em quyết định đi tìm anh, như tìm đến một kẻ bất hạnh. Chao ôi! Hoàng có biết không? Phải chăng cuộc đời lắm đa đoan mà em thường dồn tình thương sâu sắc cho những kẻ có số phận bất hạnh giống mình? Lúc ấy em nghĩ, hơn lúc nào hết, anh đang cần được an ủi, được cảm thông. Nếu trước đây, chút nữa em đã giết chết anh bằng sự tàn nhẫn thì giờ đây em muốn chuộc lại bằng tất cá sự yêu thương dịu dàng. Thế là Dung người đàn bà kỳ dị có nhiều hoang tưởng như người ta kháo, có mặt ở xóm Vườn Điều. Em mệt quá Hoàng ơi! Không hiểu em có đủ sức viết nốt lá thư này không? Em mệt… mệt lắm! Em biết cái gì đang đến với mình! Thật là khủng khiếp! Cách đây nửa năm, một ông thày thuốc có tiếng ở thành phố đã buồn rầu thông báo rằng hiện em đang có một khối căng xe trong buồng phổi! Tức là cái chết đến với em chỉ còn là vấn đề ngày một ngày hai không còn phương cứu chữa nữa mặc dù ông bác sĩ đã khuyên em cứ thử đi mổ. Lời thông báo tàn nhẫn này không ngờ lai gần trùng hợp với cái tai nạn của anh. Đến cùng anh và ra biển chờ chết, cả hai nguyên do đều hết sức khẩn thiết đó đã bứt em ra khôi thành phố. Trời ơi! Em không muốn chết, không muốn một chút nào hết dù cuộc sống có đau buồn u ám đến đâu. Em bơi lội, em đùa giỡn, em hát hò em vẽ để quên đi và cũng để mong manh hy vọng rằng làm thế biết đâu rồi mọi chuyện sẽ qua? Song, số phận em đã được an bài theo một tiền định khắc nghiệt! Em chết đi từng ngày. Càng gần đến cái điểm nút cuối cùng, em càng cuống quít muốn sống, muốn làm việc và muốn được yêu thương. Khi ấy, bao nhiêu lần em thèm được thổ lộ với anh, ngã vào lòng anh, Nhưng… Nói điều này anh đừng buồn nhé! Anh đã làm em thất vọng! Thất vọng nhưng vẫn phập phòng hy vọng. Anh không còn là anh ngày xưa với độ sáng rực rỡ đến chói mắt nữa. Anh già đi oằn xuồng, vầng trán ngày xưa đẹp thế (Đã bao đêm ngày em mơ được hôn vào đó) mà bây giờ sao lắm nỗi lo toan vụn vặt. Xin lỗi nếu em hơi quá lời! Cứ mỗi lần sang với anh, chứng kiến sự khổ sở day dứt của anh, em lại thấy buồn thêm một chút, thấy vùng ánh sáng em phủ vào cho anh mờ đi một chút. Rút cuộc là em vẫn im lặng. Im lặng chờ trông cái con người năm ấy trong anh thức dậy. Nhưng nó đã không thức. Hôm nay người ta nói với em có khả năng anh sẽ chấp nhận một nửa sự đầu hàng! Thế là hết! Anh đã biến mất hẳn trong tâm tưởng của em cho dù cái tâm tưởng ấy nó ngẩn ngơ lãng mạn đi nữa. Và con người khủng khiếp ấy đã đến đúng lúc. Tiếng chuông tiền định đã điểm! Đằng nào em cũng chết. Em sẽ đi theo hắn để được tìm cái chết trong khoáng đạt bao la của biển. Chết đúng cái kiểu chết của má em và con em. Con em, nếu còn năm nay nó cũng đã lên bảy rồi. Nó là cái kết quà ngoài ý muốn của em và người đại uý ấy. Nếu mai này gặp lại, Hoàng nói với người ấy giúp em rằng, em vẫn rất biết ơn và quý trọng nhưng để dẫn đến hôn nhân thì lại không thể được. Trái tim đau yếu của em, dù cố chèo lái về hướng nào nhưng nó vẫn giữ một nhịp đập riêng không chịu hoà đồng. Mà em lại không thể gật đầu bừa để suốt đời sống trong mặc cảm dối lừa. Sau lá thư này, chắc anh ấy sẽ không bỏ đi tìm con nữa phải không anh? Cũng lạ nhỉ? Nếu không có cái căng xe ác nghiệt đó không hiểu em có tìm cách chống lại hắn để ở lại trên bờ hay không? Chính em cũng chẳng biết nữa!… Hắn sắp đến rồi, em sắp đi đây! Nói em chuyển lời chào và lời chúc tốt đẹp đến hết thảy bà con xóm Vườn Điều nghe anh! Họ tốt với em biết bao! Giúp em một việc nhỏ Hoàng nhé! Bức tranh ở trong phòng em đã tạm vẽ xong. Anh thay em mang lên cho Quang nhé! Em vẽ Quang đó. Nói đúng hơn, con người Quang đã tạo cho em cảm xúc để hoàn tất bức tranh này. Em yêu cái hồn nhiên tinh khiết, cái sức mạnh hoang sơ ẩn bên trong cái vẻ ngoài bất hạnh ấy. Anh tặng Quang hộ em và nếu cần, anh tìm người bán giúp để Quang có tiền sinh sống. Nhân tiện anh nói Quang chuyển xuống phòng em mà ở, trên ấy gió lắm! Thế là ra đi em chỉ để lại một bức tượng cho anh mang vẻ đẹp nhất thời thuở chinh chiến và một bức tranh cho Quang gủi gắm những ý tưởng, những vẻ đẹp muôn đời của khát vọng con người. Ít qua phải không anh? Gửi lời chào tất cả! Cầu chúc hạnh phúc và những đứa con khoé mạnh đến với vợ chồng Hoà. Hoà ơi! Còn chút ít tiền nong, chị để lại cho em làm của hồi môn và nuôi con. Đừng giận chị đi xa mà không nói với em nhé! Cầu chúc nỗi buồn chóng được xua tan trong lòng bác sĩ Vũ. Còn nhà thơ? Nếu được nói, Hoàng nói giúp em rằng, Dung mong rằng nhà thơ đừng uổng phí thời gian và sức lực đi tìm cái đẹp ở đâu xa, cái đẹp nằm ngay trong chính lòng mình đó nhà thơ ạ! Cũng như bão tố không phai chỉ từ trời cao giáng xuống mà bão tố được khơi đầu từ ngay trong biển cả vô cùng. Chúc nhà thơ tìm lại được mình, tất cả trở về với chính mình, cả anh nữa, Hoàng nhé! Bởi lẽ, thử nhìn cho kỹ mà xem: đằng sau màu lá mướp héo của ráng chiều vẫn còn ẩn giấu không biết cơ man nào là sắc nắng hoa vàng. Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt bà con xóm Vườn Điều. Nói với ba hãy tha thứ cho em. Ngay sớm hôm sau, lá thư có những hàng chữ xiên xiên đó đã được bóc ra trước mắt tất cả mọi người. Bên cạnh họ là bức tranh còn chưa khô nét vẽ và bức tượng vừa được kéo vải che ra, bụi bậm phủ đầy. Tới lúc đó người ta mới chợt thấy thiếu vắng bóng dáng của Quang, Chủ tịch Lân là người nhao lên đồi đầu tiên… Quang không có đó. Trong lô cốt, cái chăn dạ Dung cho còn nguyên nếp gấp không hề có hơi ấm của người. Họ kéo nhau nhào trở lại bãi biển. Bãi biển vắng tanh. Một ai đó đưa tay lên miệng hú to… Chỉ có tiếng vọng của chính tiếng hú ấy bị sóng dập dồn trở lại. Mặt trời bắt đầu lên, bãi biển tràn ngập cái màu nắng hoa vàng… Chỉ đến lúc đó, người ta mới phát hiện ra trên nền cát trắng có những vệt thẫm đỏ. Người đứng đầu thị trấn gục xuống, hộc lên một tiếng xé lòng… Một bác thuyền chài chuyên đi đánh cá đêm mới chuyển xuống vùng này cho biết. Sớm tinh mơ hôm nay, bác thấy một người đàn ông mình đầy máu me nằm úp sấp mặt xuống cát. Tưởng xác chết, bác đã định kêu lên thì cái thân thể đỏ bầm ấy trở mình ngồi dậy, nước mắt ràn rụa quay mặt ra vùng sương mù mờ mịt ngoài khơi xa, hú lên một tiếng thê thảm, rồi lao người xuống biển bơi đi… Người ấy bơi đi đâu bác không biết nhưng cứ thấy bơi xa mãi, bơi vào dải sương mù đặc sệt, không thấy quay trở lại… Theo bác biển mùa này sóng lớn lắm, lại thường hay có xoáy hút ngầm. Và hôm kia, vào độ gần trưa, chính mắt bác đã trông thấy cái đuôi xám xịt của một chú cá mập xé qua xé lại trước mũi thuyền. Long Hải 2/1990