Dịch giả: Trần Văn Điền
Chương 17

    
HẢI, CHÚNG TÔI SỐNG NHƯ VẬY ĐÓ. Chúng tôi đối với nhau mỗi ngày một tệ đến nỗi không phải vì bất đồng ý kiến mà đâm ra thù nhau, nhưng vì thù nhau mà đâm ra bất đồng ý kiến. Nàng nói gì thì nói, tôi nhắm mắt phản đối. Với tôi, nàng cũng vậy.
Đến năm thứ tư, cả hai chúng tôi đều phải kết luận chúng tôi không thể hiểu nhau hoặc đồng ý với nhau về một điểm gì. Cứ cãi nhau, không ai nghĩ tới việc dàn hòa nữa. Mỗi bên đều khăng khăng cố thủ ý kiến riêng mình về những vấn đề nhỏ mọn nhất, nhất là về vấn đề con cái. Tôi còn nhớ, tôi nhất định duy trì quan điểm của tôi, không phải vì tôi thấy mình có lý, nhưng vì nàng phản đối nên tôi nhất định không chịu nhường, vì tôi nghĩ nhường như thế là thua nàng, điều mà tôi không thể làm được. Nàng cũng vậy. Có lẽ nàng cho mình hoàn toàn có lý. Còn tôi bao giờ cũng nghĩ mình là toàn thiện so với nàng. Khi còn một mình với nhau, chúng tôi chỉ biết im lặng, có nói thì cũng không vượt ra ngoài những vấn đề mà loài vật có thể nói với nhau, đại khái như những câu: “Mấy giờ rồi? Đi ngủ! Hôm nay có gì ăn? Đi đâu bây giờ? Báo chí nói gì? Đi mời bác sĩ. Con Mai bị đau cổ...” Chỉ sơ hở đi ra ngoài những vấn đề đó một chút là có chuyện ngay. Chúng tôi bất hòa với nhau về ấm cà phê, về chiếc khăn bàn, về cái bẫy chuột, về ván bài, về những thứ không nghĩa lý gì đối với chúng tới cả. Thấy nàng là tôi đủ ghét. Thấy cái lối nàng rót trà, cái lối nàng đu đưa bộ giò, cái cách nàng đưa chiếc muỗm lên môi, cái điệu bộ nàng uống, cái vẻ nàng chép miệng, thấy như vậy là tôi đủ ghét, cho những điệu bộ, cử chỉ đó là khiêu khích, là không thể tha thứ được. Tôi đâu có biết những thời kỳ ghét nhau như vậy bao giờ cũng tương ứng một cách rất đều đặn và chính xác với những thời kỳ mà chúng tôi gọi là yêu đương. Qua một thời kỳ yêu đương, tiếp đến một thời kỳ thù ghét. Cứ vậy hoài! Yêu nhau càng dữ dội, thì ghét nhau càng nhiều; yêu mà chóng thì ghét cũng ít hơn. Chúng tối đâu có hiểu rằng ở đây yêu và ghét chỉ là một thú tính ở hai cực đối nhau. Sống như thế thật kinh khủng, vậy mà cả hai chúng tôi đều không hiểu, không thấy. Sung sướng hay khổ cực là ở chỗ con người sống khổ nhưng biết che đậy thế hào để mình đừng thấy cái tình trạng khổ cực của chính mình. Chúng tôi đã làm thế. Nhà tôi cố tìm quên trong những công việc nội trợ hằng ngày, xếp đặt nhà cửa, giặt ủi quần áo, kèm cho con cái học, lo cho sức khỏe của chúng nó. Còn tôi vùi đầu vào những công việc của riêng tôi: uống rượu, làm việc văn phòng, săn bắn, bài bạc. Cả hai chúng tôi lúc nào cũng bận rộn. Nhưng càng bận rộn, chúng tôi cảng cảm thấy khó chịu đối với nhau. Tôi nghĩ thầm: “Coi cái bộ mặt đưa đám kia! Hành hạ người ta suốt đêm chưa đủ sao? Sáng mai mình còn phải đi họp nữa.” Còn nàng thì nói toạc ra: “Mặc thây anh. Anh không thấy tôi thức suốt đêm lo cho đứa nhỏ sao?” Những lý thuyết mới về thôi miên, về những căn bệnh thần kinh, loạn óc bây giờ không còn mơ hồ nữa, nhưng là những điều nguy hiểm, dễ sợ lắm. Các nhà phân tâm học chắc đã cho nhà tôi là điên loạn, và tôi là bất thường. Họ tìm cách cứu chữa chúng tôi, nhưng thực ra chẳng có phương thuốc nào cả.
Chúng tôi đã sống liên miên trong đám sương mù vây tỏa, không nhìn thấy thực trạng mình đang sống. Và nếu cái biến cố đau thương đó không xảy ra, tôi đã tiếp tục sống cho tới già, lúc nhắm mắt còn nghĩ mình đã sống một cuộc đời tốt đẹp vì chưa nhận ra cái hố thẳm đen tối đang vùi lấp mình.
Chúng tôi như hai tội phạm bị xích vào nhau, căm thù nhau, đầu độc nhau mà vẫn cố để khỏi nhìn thấy cảnh đó. Bấy giờ tôi đâu có biết 99 phần trăm những người đã có gia đình đều sống trong cảnh địa ngục ấy như tôi và không có cách nào sống khác được.
Lạ thật, có những trùng hợp xảy ra trong cuộc sống bình thường cũng như bất thường! Đúng lúc cha mẹ thấy không thể kéo dài cuộc sống chung với nhau được nữa, thì vấn đề giáo dục con cái được đặt ra, và hai người nhận thấy phải dọn nhà lên tỉnh ở.
Ông ta ngừng nói, hắng giọng đôi ba lần như cố dằn những tiếng nấc còn nghẹn trong cổ họng. Xe lửa tới một ga nữa.
Ông ta lên tiếng:
- Mấy giờ rồi?
Tôi nhìn đồng hồ. Hai giờ.
Ông ta hỏi tôi:
- Ông không mệt à?
- Không, ông mệt thì có!
- Tôi không mệt. Chỉ ngộp thôi. Xin lỗi, tôi đi lại một chút cho đỡ cuồng cẳng và kiếm nước uống.
Ông ta láo đảo bước sang toa khác. Còn lại một mình, tôi suy nghĩ mông lung về những điều ông ta đã nói đến nỗi ông ta trở lại lúc nào tôi không hay.