PHẦN THỨ HAI
Chương 17

Mãi gần mười giờ, ông phán bà phán mới thức dậy, vì tối hôm trước đánh tổ tôm rất khuya ở trong phủ.
Hai người ra ngồi trên sập, và cùng có vẻ mỏi mệt. Nhưng cái mỏi mệt của ông phán chán nản và lặng lẽ. Ðầu ông nặng trĩu những ý nghĩ cúi rũ xuống trước ngực. Mớ tóc lơ thơ màu chì bệch, vì nhiều trắng hơn đen, rối tung và xỏa xuống mắt, xuống tai. Thỉnh thoảng ông lại há ngoác miệng ngáp một cái thực dài.
Còn cái mỏi mệt của bà phán thì cau có gắt gỏng. Bà ngồi ở mép sập, một chân bỏ thõng, một chân chống, cái cánh tay gầy và cứng uể oải gác trên đầu gối. Ðôi tất trắng và mỏng để lộ đủ các ngón chân, cổ tất chùn lại và trễ xuống tới mắt cá. Làn tóc rối vấn vội cái độn trắng hở ra từng mẩu làm tăng vẻ mặt dữ tợn của bà lên, khiến bà na ná giống vai vợ quỷ trong các vở chèo.
Bà thưỡn môi dưới ra đưa mắt lườm nguýt ông phán. Rồi kéo dài giọng, nói:
- Tôi còn nghĩ đến ván bài bạch định bao giờ tôi còn muốn lộn tiết lên bấy giờ.
Ông phán không đáp, yên lặng đưa tay vuốt ngược tóc.
- Quân bát vạn giết người... Mà sao hai cái phỗng; tứ vạn, bát vạn ông lại phá phỗng bát?... Phỗng tứ vạn làm sao ông không phá?... Ừ tôi hẵng hỏi ông thể... Bát át vạn vừa rẻ vừa mấy, sao ông không bắt?
Ông phán cố nhếch mép cười gượng:
- Thì tôi biết đâu rằng bà thật thành bạch định!
Bà phán co nốt cái chân bỏ thõng lên sập, đặt nốt cánh tay còn lại lên đầu gối thứ hai, và giọng bà càng kéo dài:
- Ai khiến ông biết, nhưng đánh phải bài thì thôi chứ!
- Biết thế nào là phải bài!
Bà phán đập mạnh bàn tay xuống sập, gắt:
- Thôi mỗi cái ông im đi thì hơn.
Thì ông phán im. Từ đó bà phán tha hồ mà nói, mà bẻ, mà trách, mà phân tách ra từng ván bài đánh thấp của chồng, từng ván bài đánh cao của mình. ông phán chỉ yên lặng mỉm cười.
Giữa lúc ấy, Thảo đến gần bà phán thì thầm và dúi vào tay mẹ một tờ giấy gấp tư. Tức thì bà phán quên hắn câu chuyện tổ tôm, tươi cười mở giấy nhẩm đọc. Nhưng chữ viết chừng nhỏ và tháu quá, nên bà lần mãi mới được vài giòng. Bà liền để ông phán ngồi lại với chậu nước đặt trên đá, đứng dậy cùng Thảo đi lên gác. Nửa giờ sau, bà xuống, vẻ mặt hớn hở, khăn áo chỉnh tề. Thấy vợ hết giận, ông mừng rỡ hỏi:
- Bà sắp sửa đi đâu đấy?
Bà phán cười:
- Ông chóng quên nhỉ! ông phủ, bà phủ mời ăn cơm sáng, ông không nhớ?
- Ừ nhỉ! Nhưng mới hơn mười giờ.
- Mười rưỡi rồi.
- Mười một giờ hơn đến cũng vừa.
- Vâng, thì mười một giờ hơn. Ngồi nói chuyện một lát nữa vậy.
Bà phán đã mở ví đựng tiền rút bức thư ra.
Theo thời trang, bà mới dùng ví tay, tuy bà vẫn mặc áo cánh có túi, và tuy trước kia đã một dạo bà công kích cái "ví đầm" lòe loẹt của Hồng. Nhưng bà lại bỏ thư vào ví, trù trừ tự nhủ thầm: "Hãy thong thả?"
Bức thư ấy của Lương gởi cho Hồng và Thảo đã lấy trộm được và đưa nộp bà ban nãy. Phải, bà cần gì vội vàng. Khi con mèo bắt được con chuột nhắt, nó có chịu vội vàng cắn chết ngay đâu, nó còn đùa giỡn, còn tung lên ném xuống, thả cho chạy, rồi lại vồ lấy ngoạm se sẽ vào giữa hai hàm răng nhọn, kỳ đến khi nào con vật khốn nạn mệt nhoài không nhúc nhích được nữa nó mới cắn mạnh một nhát vào cho tắt thở.
- Dáng chừng bà nóng gỡ?
Bà phán đã quên bẵng câu chuyện tổ tôm, nghe chồng hỏi, bà không hiểu ngây người đứng nhìn.
- Ông bảo gỡ cái gì.
- Lại còn gỡ cái gì nữa! Gỡ món tiền mười ba đồng thua hôm qua, chứ còn gỡ cái gì.
Bà vẫn nghĩ đến con chuột nhắt của bà.
- Chị Hồng! Chị Hồng đâu?
Có tiếng Tý ở phòng trong: "Kìa chị Hồng, mẹ đương gọi chị". Nhưng Hồng ngồi lỳ như không nghe thấy gì. Bà phán mủm mỉm cười, giọng thân mật:
- Chị Hồng ơi, ra cô nhờ nào.
Một tiếng vâng se sẽ... Rồi Hồng rụt rè bước ra. Bà phán sung sướng ngắm Hồng: "Chết với bà chưa?" Và bà vui vẻ tìm câu để hỏi:
- Chị, các em học có ra gì không?
Hồng lúng túng, ngập ngừng đáp:
- Thưa cô... các em... học khá đấy ạ.
Muốn Hồng không ngờ vực mưu kế của mình, bà phán đã bảo nàng dạy các em học thêm. Tối hôm trước, Hồng vừa sắp đọc ám tả thì chợt nhận thấy mất bức thư, thành thử nàng loay hoay cặm cụi đi tìm kiếm và các em chờ lâu, sốt ruột bỏ đi ngủ cả. Ðó là bức thư cuối cùng mà Lương gửi cho một người bạn thân của nàng, nhờ chuyển giao tận tay nàng. Nhân cha và dì ghẻ vắng nhà, nàng lấy ra xem lại, vì buổi sáng, lúc nhận được thư, nàng đọc giấu giếm vội vàng, có một đoạn nàng không hiểu Lương định nói gì. Vả lại xem thư người yêu vẫn là một cái thú.
Suốt đêm Hồng không chợp mắt vì bức thư. Nàng ngờ Thảo lấy, vì biết Thảo có tính táy máy và tò mò. Nhưng nàng đã lục soát túi áo, và cạy hòm Thảo ra tìm vẫn chẳng thấy dấu vết gì. Vừa lo lắng, vừa bực tức, nàng bưng mặt ngồi khóc thút thít. Giữa lúc ấy cha và dì ghẻ ở phủ về: nàng sợ hãi vội tắt phụt đèn vờ ngủ say không nghe rõ tiếng dì ghẻ gọi cửa.
Luôn một tuần lễ, Hồng sống trong khủng bố. Giữa buổi ăn có khi nàng bỗng nghẹn không nuốt trôi miếng cơm vì một tiếng cười ghê sợ hay một câu nói có nghĩa mập mờ của dì ghẻ. Một hôm, bà phán khen Hồng nết na đứng đắn rồi tiếp liền:
- Chứ chả như nhiều cô con gái mất dạy thời nay viết thư cho trai và nhận thư của trai đã không biết xấu hổ thì chớ, lại còn cho là hãnh diện nữa. Hồng cúi gầm mặt xuống để giấu đôi má ửng đỏ, trong khi Thảo và Tý khúc khích cười.
Thấy vậy bà phán lại nghiêm nghị mắng hai con:
- Tao nói thế chúng bay cười à? Bà lại tát cho vỡ mặt ra bây giờ!
Nhưng một hôm, câu chuyện kín kia bùng ra ầm ý, kịch liệt.
Sáng hôm ấy, bà phán dậy trưa xuống nhà thấy Hồng chắp tay đứng bên ông phán: Hồng định xin phép cha đi Hà Nội thăm chị nhưng còn trù trừ chưa dám nói. Bà phán cho là cha con thậm thọt với nhau. Tức thì cơn tam bành nổi lên. Chờ chị Hồng vào trong nhà, bà sừng sộ hỏi chồng:
- Nó ton hót ông điều gì thế?
- Ai! Bà bảo ai?
Bà phán càng lộn tiết:
- Lại còn ai! Cô quý tử của ông chứ còn ai?
Rồi bà thét:
- Nó kể xấu tôi với ông, phải không?
Ông phán vội cãi:
- Không, nó có nói gì đâu! Mà tôi cũng không biết có nó đứng đấy nữa.
Bà phán ngồi phịch xuống sập và thét càng to:
- À ông lại còn giấu giếm cho con ông! Nó nói xấu tôi với ông. Nó ton hót với bố nó. Ông phải biết, con ông chẳng tất đẹp gì đâu. Tôi mà không giữ gìn thì nó ễnh bụng ra rồi, còn gì?... Ông không tin phải không? Ðây không tin thì bằng cớ đây.
Bà sấn sổ chạy lên phòng ngủ, và chỉ một phút sau cầm ném vào lòng ông phán bức thư mà Thảo đã lấy trộm nộp bà.
- Ðây đọc đi ông sẽ biết con ông tất đẹp, ông sẽ biết con ông trinh tiết, ông sẽ biết con ông đoan trang. Ông phán cau mày, nói khẽ:
- Bà làm gì mà ầm lên thế? Người ngoài người ta biết chuyện thì còn ra sao!
Nhưng bà phán vẫn không hạ giọng:
- Tôi cần gì người ngoài. Ðứa nào xấu thì đứa ấy chịu chứ! Nó là con ông thì ông xấu lây chứ tôi có đẻ ra nó đâu mà tôi sợ.
Ðể mặc vợ gào thét, ông phán giương kính ngồi chăm chú đọc. Dần dần, tay ông run lập cập và hai giọt lệ từ từ chảy trên gò má: không biết đó là biểu hiện sự giận hay lòng thương, vì ông không thất một lời, thong thả gấp nhỏ tờ giấy bỏ túi.
Hồi lâu ông mới bình tĩnh, cất tiếng gọi Hồng. Không thấy con ra, ông đi vào phòng trong: Hồng đương gục mặt xuống cánh tay khóc nức nở. Ông đến gần, nghiến răng lại mắng:
- Hồng, tao không ngờ mày hư đến thế!... Tao không ngờ mày bêu xấu bêu nhuốc tao đến thế!... Thôi, chết quách đi con ạ! Sống nhục sống nhã thế thì sống làm gì!
Dứt lời, ông giơ tay tát Hồng một cái thực mạnh và co chân đạp nàng ngã chúi vào khoảng giữa hai cái hòm cưới mà nàng đã sắm để xem về nhà chồng hai năm trước đây. Ở nhà ngoài tiếng bà phán:
- Thôi ông, tôi xin ông đừng đánh nó nữa. Phải dạy bảo con chứ sao lại đánh!
Bà chạy vội vào đến phòng lôi chồng ra. Ông phán vừa thở hổn hển vừa nói:
- Tôi không... ngờ!... Thực tôi... không ngờ.
Bà phán ghé tai chồng thì thầm:
- Ðánh nó làm gì cho đau tay. Mặc kệ!
Ông phán, giọng run run:
- Nào có mặc kệ được!
Ngay chiều hôm ấy, cái tin đồn Hồng chim trai đã đi hết vòng thành phố Ninh giang. Và bà y sĩ, bà huấn, thím Phồn, lần lượt đến chơi bà phán để dò la hư thực.
Thím Phồn và bàn huấn giữ gìn kín đáo, còn bà y sĩ thì lấy chỗ thân tình ghé tai bạn hỏi thẳng:
- Thực đấy à, bà, con Hồng nó đọa kiếp đấy à?
Bà phán khéo ứa nước mắt và đáp một câu úp mở:
- Tôi khổ lắm bà ạ, tôi thương hại ông phán nhà tôi quá.
Bà chỉ nói có thế thôi. Mà bà y sĩ cũng không hỏi một câu thứ hai về "việc xấu xa" của Hồng nữa.