Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
Chương III & IV
BỐN VẺ

Buổi tối, lúc chàng cởi áo đi ngủ, tay chàng bỗng thò vào túi và đụng phải cái gói nhặt được ở dưới phố. Chàng đã quên bẳng đi, chàng nghĩ rằng mở ra thì có địa chỉ của các cô con gái kia, hay dù sao cũng biết người mất của mà đem trả.
Chàng mở phong bì.
Phong bì không dán, đựng bốn bức thư cũng không dán nốt.
Địa chỉ đều có đề cẩn thận.
Cả bốn bức thư đều bốc một mùi thuốc lá hạng bét.
Bức thứ nhất đề như sau:
Kính gửi Lệnh bà Đơ Gơruysơrê hầu tước phu nhân, Quảng trường đối diện Hạ nghị viện, số nhà…
Mariuyt nghĩ thầm cứ đọc may ra thấy cái gì rõ ràng hơn; vả lại bức thư để ngỏ, có lẽ đọc cũng chẳng hại gì.
Bức thư viết như sau:
“Kính thưa hầu tước phu nhân,
Xưa nay, đức khoan dung, đức tin Chúa vẫn là mối liên hệ mật thiết (theo nguyên bản mấy bức thư này đều chứa nhiều lỗi chính tả và ngôn ngữ) giữa mọi người trong xã hội. Vì Chúa, xin Bà lớn hãy rủ lòng thương tới một kẻ vì lòng chân thực và vì lòng chung thành với dòng chính thống thiêng liêng mà phải từ bỏ đất Tây Ban Nha, phải hy sinh cả xương máu, của cải để bảo vệ lấy chính nghĩa; kẻ ấy ngày nay đang sống trong cảnh khốn cùng. Kẻ ấy mong rằng tấm lòng cao quý của Bà lớn sẽ giúp đỡ cho kẻ thuộc dòng máu binh sĩ vinh quang đầy thương tích này được sống qua cơn hoạn nạn. Kẻ ấy tin tưởng ở lòng dân đạo của Bà lớn, ở sự quan tâm của Bà lớn tới một quốc gia gặp bước gian nan. Kẻ ấy tin rằng lời cầu khẩn ấy sẽ không phải là vô ích và ơn ấy sẽ ghi lòng tạc dạ.
Kẻ được hân hạnh dâng lên Bà lớn những lời chúc tụng kính mến nhất, thưa Bà lớn.
ĐÔNG ANVARE
Đại úy kỵ binh quân đội Tây Ban Nha: thuộc phái bảo hoàng,
Hiện tị nạn ở nước Pháp. Kẻ này vì Tổ quốc mà phải lưu vong, nay hết cả tiền bạc nên phải dừng lại ở đây”.
Dưới là chữ ký, không ghi địa chỉ gì hết. Mariuyt hy vọng tìm thấy địa chỉ ở bức thư thứ hai, bức thư này viết như sau:
Kính gửi bà Đơ Môngvecne bá tước phu nhân; phố Cátxét, số nhà…
Mariuyt giở ra đọc:
“Kính thưa bá tước phu nhân,
Kẻ viết là thư này là mẹ sáu đứa trẻ, đứa bé nhất mới được tám tháng. Từ khi sinh cháu bé, thiếp ốm nặng, chồng thiếp bỏ đi từ năm tháng nay, hiện mẹ con thiếp sống trong cảnh cùng cực, không nơi nương tựa.
Thiếp hy vọng ở lòng dân đạo của bá tước phu nhân và xin kính chào phu nhân.
Người đàn bà Badida”.
Mariuyt giở đến bức thứ ba, cũng như hai bức thư trên, bức thư này là một lời kêu xin; bức thư viết như sau:
“Kính gửi ông Pabuốcgiô, cử tri, đại thương gia buôn mũ, phố Xanh Đơni, góc phố Phe.
Chúng tôi xin mạng phép gửi ngài bức thư này để mong ngài giúp đỡ và thương lấy một nhà văn sĩ vừa gửi đến Hý viện nước Pháp một bản kịch. Đề tài là một đề tài lịch sử, chuyện xảy ra ở Ôvecnhơ, dưới thời đế chế. Văn chương, tôi thiết nghĩ, cũng tự nhiên, gọn gàng và có đôi chút giá chị. Có cả bốn đoạn ca xen trong vở kịch. Vở của tôi có đủ tình tiết hài hước, nghiêm trang, đột ngột, theo từng cá tính nhân vật. Một hương vị lãng mạn bàng bạc toàn tác phẩm. Động tác diễn biến bí mật với những tình tiết ly kỳ và kết thúc bằng những kịch cảnh nẩy lửa.
Mục đích chính của tôi là làm thỏa mãng dục vọng hiện sôi nổi trong lòng của thời đại chúng ta, tức là vấn đề Thời chang, cái chong chóng kỳ lạ luôn luôn đổi chiều, mỗi lần có gió mới thổi lên.
Mặc dù những cái hay đẹp ấy, tôi vẫn ngại rằng sự ghen tị, lòng ích kỷ của các nhà văn đã sẵn có đặc quyền lại rìm các tác phẩm của tôi, bởi vì tôi hiểu rằng người ta dành cho những kẻ mới vào nghề đủ mọi điều cay đắng.
Thưa ngài, tôi biết ngài là một vị Mạnh thường quân sáng suốt của giới văn học nên đánh bạo cho con gái tôi đến để giãi bày với ngài tình cảnh khốn khó của tôi, hiện mùa đông này trong nhà củi không, bánh cũng không. Tôi xin ngài cái vinh dự được tặng ngài vở kịch trên, cũng như những vở sau này, chính là vì tôi muốn có hân hạnh được ngài bảo chợ, được nêu tên ngài trên sách của tôi. Nếu ngài ra tay cưu mang tôi lúc này, tôi sẽ viết một bài thơ để tạ ơn ngài. Bài thơ này, tôi cố gắng viết cho thật hoàn hảo để kịp đưa hầu ngài xem, rồi in lên đầu vở kịch và ngâm trên sân khấu.
Kính gửi ông bà lời chào kính trọng
GIĂNG PHƠLÔ, nhà văn.
T.B. Dù chỉ là bốn mươi xu thôi.
Tôi xin lỗi ngài đã phải cho con gái tôi đến hầu ngài, đáng lẽ tôi thân đến mới phải, nhưng quần áo tồi tàn quá, tôi không thể ra đường được…”
Mariuyt mở bức thứ tư. Địa chỉ đề như sau:“Kính gửi cụ có lòng từ thiện ở nhà thờ Xanh Giắc đuy Hôpa”. Chỉ có mấy dòng sau đây:
“Thưa cụ có lòng từ thiện,
Nếu cụ quá bộ đến nhà chúng tôi, cụ sẽ thấy một cảnh hoạn nạn khốn cùng, chúng tôi sẽ trình cụ đủ giấy tờ chứng thực tình cảnh của chúng tôi.
Thấy những giấy tờ ấy, tấm lòng nhân hậu của cụ sẽ dung động một nỗi cảm thương hào hiệp. Xưa nay các bậc hiền triết thường vẫn cảm súc mãnh liệt.
Cụ vốn giàu lòng chắc ẩn, xin cụ cũng hiểu cho rằng con người ta có túng thiếu đến cùng cực và khổ tâm lắm mới xin giấy nhà nước chứng thực cho tình cảnh của mình, để mong được giúp đỡ chút nào, làm như thể là mình không được tự do đau khổ, tự do chết đói.
Số mệnh đối với một số người thì quá tàn nhẫn, đối với những người khác lại quá dễ dãi, luôn luôn phù trợ.
Chúng tôi chờ mong cụ đến đằng nhà chúng tôi hoặc được ít tiền giúp đỡ. Xin kính chào cụ, một bậc chượng phu đại lượng.
Người đội ơn cụ: P.PHABĂNGTU, nghệ sĩ sân khấu”.
Đọc bốn bức thư xong, Mariuyt vẫn không hiểu gì thêm.
Trước hết, những người ký tên đều không đề địa chỉ.
Sau là hình như bốn bức thư do bốn người viết khác nhau: nhà quý tộc Anverét, bà Balida, thi sĩ Giăngphơlô và nghệ sĩ Phabăngtu, nhưng có cái lạ là cũng một thứ chữ.
Chắc chắn là một người viết, không thể khác được. Vả cứ xem cùng một thứ giấy xấu, ngả vàng, cùng một mùi thuốc lá và dù người viết có cố gắng thay đổi giọng văn, nhưng cũng những lỗi chính tả giống nhau, cứ đàng hoàng lặp lại trong bức thư của nhà văn Giăngphơlô cũng như của viên đại úy Tây Ban Nha, thì lời ức đoán trên càng có phần đúng.
Cố sức mà đoán cái việc bí mật nhỏ nhặt này cũng chẳng ích lợi gì. Nếu không phải là vật tìm thấy thì hẳn là một trò đùa nhạo. Mariuyt buồn quá chẳng thấy thú vị gì với cái trò chơi hú họa ấy; chàng tưởng như vỉa hè ngoài phố bày đặt ra cái trò ấy để giễu cợt chàng. Chàng lúng túng với bốn bức thư như đang cười cợt chàng.
Chẳng có gì tỏ rằng những bức thư kia là của hai cô con gái gặp ở phố. Dù sao, những bức thư ấy cũng chỉ là những tờ giấy lộn, chẳng có chút giá trị gì.
Mariuyt để cả vào phong bì, vứt vào một xó rồi đi nằm.
Khỏang bảy giờ sáng hôm sau, chàng vừa dậy, ăn sáng xong, định thử làm việc thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.
Nhà chẳng có gì nên chìa khóa bao giờ cũng móc ở ổ khóa. Họa hoằn một vài khi bận việc khẩn cấp lắm, chàng mới khóa cửa. Ngay những lúc chàng đi vắng, chìa khóa vẫn nằm yên ở cửa. Bà Bugông vẫn bảo chàng:
Rồi ông đến mất cắp thôi.
Mariuyt trả lời:
Mất cái gì?
Ấy thế mà một hôm Mariuyt mất một đôi giày cũ: bà Bugông ra vẻ đắc chí lắm.
Lại có tiếng gõ cửa, tiếng gõ nhè nhẹ như lần trước, Mariuyt nói:
Cứ vào.
Cửa mở.
Mariuyt, mắt không rời quyển sách và những tờ giấy để trên bàn, nói tiếp:
Bà Bugông hỏi gì đấy?
Một giọng nói, không phải tiếng bà Bugông, trả lời:
Xin lỗi ông, thưa ông…
Tiếng nói đùng đục, rè rè, khàn khàn như nghẹn ngào, giống như tiếng nói của cụ già bị rượu mạnh làm cho khản giọng.
Mariuyt quay phắt lại thì thấy một thiếu nữ.
IV
ĐÓA HỒNG TRONG CẢNH CÙNG KHỔ
 
 
Một thiếu nữ trẻ măng đứng ngay giữa cái cửa hé mở. Cái cửa sổ con đối diện với cửa lớn để lọt ánh sáng bên ngoài vào, chiếu lên khuôn mặt cô một thứ ánh sáng nhờ nhờ. Cô xanh xao, gầy gò, hốc hác; cô chỉ phong phanh một cái áo trong và một cái váy, người lạnh cóng run lẩy bẩy. Thắt lưng bằng dây, búi tóc cũng bằng dây; hai vai gầy, giơ cả xương ra ngoài áo. Nước da nhợt nhạt, xương vai xám xịt, bàn tay thì đỏ bầm, miệng mất mấy cái răng, con mắt đục, táo tợn, nhìn ngược. Cô có cái dáng một thiếu nữ cằn cỗi và cái nhìn của một mụ gái già dày dặn, năm mươi tuổi pha với mười lăm. Một con người vừa yếu đuối, vừa khủng khiếp làm cho những ai không rớt nước mắt thì phải rùng mình ghê sợ.
Mariuyt đứng dậy, sững sờ nhìn thiếu nữ giống như những hình bóng chập chờn trong giấc mơ.
Điều thương tâm nhất là cô ta vốn không phải sinh ra xấu xí. Trái lại thuở bé thơ, có lẽ cô ta xinh lắm. Cái yêu kiều của tuổi trẻ còn đang chống chọi với già cỗi ghê tởm đến quá sớm, trong cảnh đời trụy lạc, nghèo khổ. Một chút nhan sắc đang tàn tạ trên khuôn mặt mười sáu tuổi, giống như mặt trời vội ùa sau những đám mây khủng khiếp một buổi sớm ngày đông.
Mariuyt trông thiếu nữ cũng hơi quen quen. Hình như đã gặp ở đâu. Chàng hỏi:
Thưa cô, cô hỏi gì?
Thiếu nữ trả lời, giọng cô giống như giọng một tên tù say rượu:
Ông có cái thư, ông Mariuyt ạ.
Cô gọi đúng tên chàng. Thế thì chính là cô hỏi chàng, không thể khác. Nhưng cô ta là ai? Làm sao mà biết được tên chàng?
Không cần đợi chàng mời, cô cứ tiến vào. Cô đi mạnh dạn, cô nhìn khắp gian phòng, cả cái giường bừa bộn, rất tự nhiên, khiến chàng thấy lòng se lại. Hai chân cô giẫm đất. Váy thủng nhiều chỗ, để lộ cả ống chân khẳng khiu và đầu gối gầy giơ xương. Cô rét run cầm cập.
Cô đưa cho chàng bức thư cầm ở tay.
Mariuyt mở thư, thấy vết niêm xi to rộng hãy còn ướt. Chắc người gửi thư cũng ở gần đây thôi. Chàng đọc:
Thưa ông hàng xóm thanh niên đáng mến,
Tôi được biết sáu tháng chước đây, ông có lòng tốt trả hộ tôi món tiền nhà. Tôi cầu mong ông hưởng mọi sự tốt lành. Con gái lớn của tôi sẽ thưa để ông rõ gia đình tôi gồm bốn miệng ăn, vợ tôi thì đang ốm, từ hai hôm nay cả nhà chưa có hột nào vào miệng. Tôi tin rằng tôi có thể hy vọng ở tấm lòng hào hiệp của ông, ông sẽ thương lấy chúng tôi và xẵn lòng ban cho chúng tôi chút gì trong lúc khó khăn này.
Tôi xin kính chào ông, một kẻ ban phúc cho nhân loại.
GIÔNGĐƠRÉT
T.B. Thưa ông, con cháu sẽ đợi lệnh ông”.
Từ hôm qua, Mariuyt vẫn loay hoay với câu chuyện vừa qua kỳ dị, tối tăm, thì bức thư này đến như một ngọn nến thắp lên trong hầm kín. Tất cả như bừng tỏ.
Người viết thư này cũng là người viết bốn bức thư kia. Cũng một thứ chữ, cùng một giọng văn, cùng một lối viết, cùng một thứ giấy, cùng một mùi thuốc lá.
Năm lá thư, năm câu chuyện, năm tên người, năm chứ ký, nhưng chung quy chỉ một người. Viên đại úy Tây Ban Nha Anvare, bà mẹ Balida đáng thương hại, nhà viết kịch Giăngphơlô, lão nghệ sĩ Phabăngtu đều là Giôngđơret cả, nếu Giôngđơret không là một tên giả nốt.
Như ta biết, Mariuyt về ở căn nhà này đã khá lâu, nhưng Mariuyt có mấy khi thấy bóng những người hàng xóm nhỏ mọn sống cạnh chàng. Tâm trí chàng để tận đâu đâu, mà trí ở đâu tức là mắt ở đó. Chắc hẳn chàng đã gặp những người trong gia đình Giôngđơret nhiều lần ngoài hành lang hay dưới cầu thang; nhưng đối với chàng, họ chỉ là những cái bóng. Chàng vô ý đến nỗi tối hôm qua đâm phải hai cô Giôngđơret mà không nhận biết; đích là hai cô, chẳng còn gì khác. Và cũng vì thế mà khi cô này vừa bước chân vào nhà, chàng vừa cảm thấy thương hại, ghê tởm, vừa mang máng nhớ như đã có gặp cô ta ở đâu rồi.
Bây giờ chàng rõ tất cả. Chàng hiểu rằng lão láng giềng trong cơn khốn quẫn, dùng thủ đoạn lợi dụng lòng hảo tâm của những người từ thiện: lão tìm kiếm địa chỉ của những người có vẻ có máu mặt và có vẻ nhân từ, rồi giả danh người này người khác viết thư cho họ, lão sai con gái đi đưa thư, mặc cho chúng ra sao thì ra. Tỉnh cảnh lão buộc lão phải hy sinh con gái. Lão liều một phen với số mệnh, lão đưa con gái vào tấn trò nguy hiểm. Cứ một việc qua, hai cô chạy trốn, thở không ra hơi, chết khiếp, rồi nói mấy câu tiếng lóng. Mariuyt cũng đủ đoán rằng hai cô kia còn làm nghề ám muội gì đây. Thế nên trong xã hội loài người hiện nay mới có những kẻ khốn khổ như thế kia, những người không phải là trẻ con, không phải là thiếu nữ, không phải là bà già. Họ là những quái tượng ô uế và thơ ngây, sản phẩm của đói nghèo.
Những con người ấy sống không tên không tuổi, chẳng ra đàn ông chẳng ra đàn bà, chẳng biết gì là thiện là ác, vừa lớn lên đã mất hết tất cả mọi thứ trên cuộc đời, tự do không, đạo đức không, trách nhiệm cũng không. Những tâm hồn ấy mới hé mở ngày hôm qua, hôm nay đã tàn héo. Giống như những bông hoa rơi ngoài đường, bùn nhơ dây lên be bét, cho đến khi một bánh xe lăn qua nghiến nát.
Trong lúc Mariuyt nhìn thiếu nữ chằm chằm, vừa ngạc nhiên vừa xót xa thì cô ta đi đi lại lại trong phòng, táo bạo như một con quỷ. Cô đi lại lăng xăng, thân thể lõa lồ cũng mặc. Thỉnh thoảng cái áo lại tụt xuống tận bụng. Cô xô bàn ghế, nghịch ngợm cái gương, cái lược trên mặt tủ, sờ mó vào quần áo của Mariuyt, lục lọi các thứ ở trong xó nhà. Cô ta nói:
Ô kìa! Ông có cái gương!
Cô cất tiếng khe khẽ hát như ở chỗ không người; cô hát vài đoạn ca kịch, mấy điệp khúc nhí nhảnh. Giọng cô khàn khàn trong cổ họng làm cho điệu hát thành ra rợn người. Cái dáng táo bạo của cô như vẫn ngượng ngùng, bâng khuâng, e thẹn, trâng tráo bao giờ chả là một điều hổ thẹn.
Không gì thảm bằng nhìn cô ta nô giỡn trong buồng, như con chim gẫy cánh hay con chim sợ ánh sáng bay tứ tung. Có lẽ nếu số phận đổi khác, hay cô được hưởng một sự giáo dục khác, hẳn dáng điệu tươi vui và tự nhiên của cô sẽ có một vẻ dịu dàng, dễ thương biết bao nhiêu. Trong các loài vật, không bao giờ một con chim bồ câu có thể biến thành con diều hâu. Chỉ có loài người mới như thế mà thôi.
Mariuyt nghĩ ngợi, mặc cho cô ta làm gì thì làm.
Cô đến gần bàn, nói:
Úi chà! Lại sách nữa này!
Con mắt đục mờ bỗng sáng lên. Giọng cô hớn hở như muốn khoe điều gì, cái giọng ấy không ai nghe thấy mà không cảm động:
Ấy, em cũng biết đọc đấy nhé.
Cô chụp quyển sách để mở trên bàn và đọc khá trôi chảy:
“Tướng Bôđoăng được lệnh dẫn năm tiểu đoàn đánh chiếm lâu đài Hugômông ở chính giữa đồng bằng Oatéclô…”
Cô ngừng lại nói:
- À! Oatéclô. Em biết rồi. Trận đánh nhau ngày trước chứ gì! Bố em cũng dự đấy nhé. Bố em chả ở quân đội mà! Chúng em, cả nhà ai cũng theo phái Bônapác hết, theo hăng lắm. Oatéclô là chống bọn quân Anh đấy mà…
Cô đặt sách xuống, vớ lấy cái bút, reo lên:
Em biết viết nữa cơ!
Cô chấm mực rồi quay lại bảo Mariuyt:
Ông xem đây này. Để em viết cho mà xem.
Chẳng đợi Mariuyt trả lời, cô viết ngay trên một tờ giấy ở giữa bàn mấy chữ: “Bọn cớm đấy”.
Rồi quẳng bút xuống bàn:
- Viết chẳng phạm lỗi gì cả… ông nhìn xem. Hai chị em trước cũng đi học đấy. Trước kia có khổ như bây giờ đâu, chúng em chẳng phải…
Nói đến đây, cô bỗng ngừng lại, con mắt mở chằm chằm nhìn Mariuyt, rồi phá lên cười. Giọng cô có lẫn những nỗi hoang mang đã bị sự trâng tráo bóp nghẹt. Cô kêu:
Trối thây!
Thế rồi cô lại cất tiếng vui vui khẽ hát:
Đói quá, cha ôi,
Làm gì có cháo.
Rét quá, mẹ ôi,
Làm gì có áo.
Lôlốt
Run run
Giắccô
Sùi sụt
Hát vừa dứt cô đã reo lên:
- Ông Mariuyt này, ông có đi xem hát bao giờ không? Em có đi đấy nhé. Em có thằng em chơi thân với tụi nghệ sĩ, thỉnh thoảng nó cho vé. Em chúa ghét ở cái ghế dài hàng bên; đến khó chịu, chẳng lý thú gì. Lắm người đến thô tục, có khi hôi ghê lắm cơ.
Rồi cô nhìn Mariuyt, ra vẻ lạ lùng, bảo chàng:
Ông Mariuyt, ông có biết ông xinh trai lắm không?
Hai người cùng nảy ra một ý nghĩ, thiếu nữ mỉm cười, còn Mariuyt đỏ cả mặt.
Cô đến gần Mariuyt, đặt tay lên vai chàng.
- Ông không để ý đến em, chứ em biết ông lắm. Ở nhà thì gặp dưới cầu thang. Em còn có biết ông hay đến nhà cái ông Mabớp, bên cầu Austéclit, em đi chơi đấy gặp luôn. Tóc ông bơ phờ, trông ra dáng lắm.
Cô cố lấy giọng êm ái mà nói, nhưng tiếng cô chỉ bé đi thôi. Mấy tiếng nói mất đi trong miệng, như cây đàn thiếu cung.
Mariuyt se sẽ lùi lại. Chàng nói giọng nghiêm trang và lãnh đạm:
Thưa cô, tôi nhặt được một gói gì hình như của cô. Xin trả lại cô.
Chàng đưa cái phong bì đựng bốn bức thư cho người con gái.
Cô vỗ hai tay vào nhau kêu lên:
Thế mà chúng em tìm mãi.
Cô vồ lấy cái gói, vừa mở phong bì vừa nói:
- Trời ơi là trời! Thế mà con bé với em tìm mãi! Hóa ra ông nhặt được. Ở dưới phố phải không? Ở dưới phố chứ gì? Đã bảo mà, lúc chúng em chạy thì rơi mất. Con ranh nó đoảng lắm. Về đến nhà mới thấy mất từ đời nào. Thế là chúng em nói với nhà là đã đưa tuốt cả thư rồi và chẳng ái cho gì để khỏi phải đòn, đòn vô lý, vô lý hết sức, hoàn toàn vô lý. Thế mà khổ thân mày, thư ơi là thư, mày lại lù lù đây rồi. Thế sao ông biết là thư của em? À quên, vì chữ viết mà lị. Thế ra chúng em xô phải ông tối hôm qua à? Có trông thấy quái gì đâu. Em hỏi con bé: “Có phải một ông sang trọng không?” Nó bảo: “Hình như một ông sang trọng”.
Vừa nói, cô vừa mở bức thư xin tiền gửi “ông có lòng từ thiện ở nhà thờ Xanh Sắc đuy Hôpa” rồi nói:
- Này cái thư này gửi lão già vẫn đi lễ. Đến giờ rồi, phải đi ngay mới được. May ra xin được tiền ăn sáng.
Rồi cô lại cười nói thêm:
- Nếu được ăn bữa sáng nay thì ông có biết là thế nào không? Thì tức là được ăn cả bữa sáng hôm kia, bữa chiều hôm kia, bữa sáng hôm qua, bữa chiều hôm qua, ăn dồn cả năm bữa vào bữa sáng hôm nay một thể mà lị. Mẹ kiếp, đứa nào không bằng lòng thì cứ chết mẹ nó đi, đồ chó chết.
Câu nói chợt nhắc Mariuyt nhớ ra thiếu nữ đến đây cốt xin tiền.
Chàng lúc tìm túi ghi lê, chẳng có gì.
Thiếu nữ nói tiếp, hình như không biết Mariuyt có đấy:
- Lắm tối em phải mò đi. Đêm chẳng về nhà nữa. Mùa rét năm ngoái, chưa đến đây ở, chúng em ở ngoài gầm cầu. Cứ ôm lấy nhau cho đỡ buốt. Con bé em em cứ khóc mãi. Trời ơi, nước ôi là nước, sao mà thê thảm thế. Em định nhảy xuống tự tử là em lại nghĩ thầm: rét chết cha! Em đi thui thủi một mình. Lắm khi phải nằm hố. Đêm đi ngoài phố, trông cây cối cứ tưởng cột treo cổ, nhà cửa thì đen ngòm trông to như tháp chuông nhà thờ Đức Bà; tường quét vôi trắng thì trông ra dòng sông, em nghĩ thầm: nước đây này. Những ngôi sao trên trời giống như những ngọn đèn những tối hoa đăng đang bốc khói bị giớ thổi tắt. Em hốt hoảng như nghe thấy ngựa thở bên tai. Đêm khuya, thế mà em nghe thấy tiếng đàn phong cầm, tiếng máy sợi, chẳng biết tại sao. Em tưởng như có ai lấy đá ném em, em cứ thế chạy, mọi vật cứ quay, quay tít cả lên. Lúc đói thì lạ lắm!
Thiếu nữ nhìn Mariuyt vẻ mặt ngơ ngác.
Chàng lục soát các túi, mãi mới được số tiền cả thảy là năm phơrăng mười sáu xu. Cả gia sản chỉ còn chừng ấy. Chàng nghĩ thầm: “Vẫn còn đủ ăn bữa chiều nay, mai hẵng hay”. Chàng giữ lấy mười sáu xu và đưa cho thiếu nữ năm phơrăng.
Cô cầm lấy tiền rồi nói:
Được, nắng rồi đây.
Rồi hình như ánh nắng có tính chất làm tan trong đầu óc cô cả một đống những tiếng lóng. Cô liến thoắng:
- Năm phơrăng! Chất sáng mà! Hoàng thượng! Trong quán! Nặng đây. Ông là một đầu mục cừ. Tôi cảm quá trong ức này. Hoan hô thứ lóc có đó. Hai hôm có cái lũm. Có cao su! Có cái dòn. Có cái nhai nhậu rồi!
Cô kéo cái áo lên vai, cúi chào Mariuyt, rồi vẫy tay thân mật, vừa bước ra vừa nói:
Chào ông. Để em về đưa ông via nhà em.
Qua cái tủ, cô thấy một mẩu bánh đã khô, mốc meo, bám đầy bụi. Cô vồ lấy, cắn một miếng, miệng lầm bầm:
Hay quá! Mà rắn bỏ cha! Gãy mẹ nó cả răng.
Rồi cô đi ra.

Truyện Những Người Khốn Khổ (2) LỜI GIỚI THIỆU PHẦN THỨ NHẤT - QUYỂN I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV QUYỂN II - Sa Ngã - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 QUYỂN III- TRONG NĂM 1817-Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX QUYỂN IV -GỬI TRỨNG CHO ÁC- Chương 1 Chương 2 Chương 3 QUYỂN V -XUỐNG DỐC -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XII Chương XII Chương XIII QUYỂN VI - GIAVE -Chương 1 Chương 2 QUYỂN VII - VỤ ÁN SĂNGMACHIƠ -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VIII- Hậu Quả -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V PHẦN THỨ HAI - CÔDÉT
QUYỂN I - OATECLÔ- Chương I
Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG -Chương I Chương II Chương III QUYỂN III- GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN IV-CĂN NHÀ NÁT GORBÔ - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN V - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X QUYỂN VI - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII QUYỂN VIII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX PHẦN THỨ BA - MARIUYTX
QUYỂN I -Chương I & 2
Chương III & IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX, X Chương XI , XII Chương XIII QUYỂN II - NHÀ ĐẠI TƯ SẢN - Chương I & II Chương III & IV Chương IV & V Chương VI & VII QUYỂN III - ÔNG VÀ CHÁU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & IX QUYỂN IV - NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C - Chương 1 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 QUYỂN V - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI - HAI NGÔI SAO GẶP NHAU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX QUYỂN VII- PATƠRÔNG MINET Chương I & II Chương III & IV QUYỂN VIII-ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO- Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX , X Chương XI, XII Chương XIII, XIV Chương XV , XVI Chương XVII , XVIII Chương XIX Chương XX Chương XX (tt) Chương XXI & XXII PHẦN THỨ TƯ- TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
Quyển I MẤY TRANG SỬ - Chương I &II
Chương III Chương IV Chương V Chương VI QUYỂN II - Chương I Chương III & IV QUYỂN III- NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ Chương I Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII QUYỂN IV -NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP-Chương I & II QUYỂN V -ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU-Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI -CHÚ BÉ GAVRỐT -Chương I Chương II Chương III QUYỂN VII Chương I Chương II Chương III Chương IV QUYỂN VIII Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN IX -Chương I -HỌ ĐI ĐÂU Chương II Chương III QUYỂN X - Chương I - NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1832 Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN XI - HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÁO TÁP
Chương I & IIche en mảche)
Chương III & IV & V Chương VI QUYỂN XII - CÔ RANH
Chương I
Chương II Chương III Chương IV & V Chương VI Chương VII & VIII QUYỂN XVII - MARIUYTX TRONG BÓNG TỐI -
Chương I & II
Chương III QUYỂN XIV - NHỮNG NÉT VĨ ĐẠI CỦA THẤT VỌNG I
Chương I
Chương III & IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN XV PHỐ LÔMÁCMÊ
Chương I
Chương II Chương III &I V PHẦN THỨ NĂM - Jean Valjean- QUYỂN I CHIẾN TRANH GIỮA BỐN BỨC TƯỜNG
Chương I
Chương II & III Chương IV Chương V Chương VI Chương VIII Chương X & XI Chương XII & XIII Chương XIV & XV Chương XVI Chương XVII & XVIII Chương XIX & XX Chương XXI Chương XXII & XXIII Chương XXIV QUYỂN II- RUỘT GAN CON QUÁI KHỔNG LỒ
Chương I & II
Chương III & IV Chương V QUYỂN III - BÙN ĐẤY, NHƯNG LẠI LÀ TÂM HỒN
Chương I
Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII & IX Chương X & XII Chương XIII QUYỂN IV - QUYỂN V - Chương I & II QUYỂN V - Chương III & IV Chương V - VI Chương VII & VIII QUYỂN VI- ĐÊM TRẮNG I
Chương I
Chương II Chương III & IV QUYỂN VII - DỐC CẠN CHÉN TÂN TOAN
Chương I
Chương II QUYỂN VIII- BÓNG NGẢ HOÀNG HÔN I
Chương I
Chương II & III Chương IV QUYỂN IX - ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG
Chương I & II
Chương III & IV Chương V Chương Kết