Từ năm năm nay, Mariuyt đã sống trong cảnh nghèo nàn, hoàn toàn thiếu thốn, nhiều khi khổ cực nữa, nhưng chàng chưa hề biết thế nào là cảnh khốn cùng thực sự. Cảnh khốn cùng, chàng vừa nhác thấy. Thấy ở con bọ vừa bò qua dưới mắt chàng. Thấy một người đàn ông trong cảnh khốn cùng là chưa thấy gì hết, phải thấy cảnh khốn cùng của một người đàn bà: mà chỉ thấy cảnh khốn cùng của người đàn bà cũng là chưa thấy gì hết, phải thấy một đứa trẻ trong cảnh khốn cùng. Khi người ta đã đến bước đường cùng thì người ta phải sử dụng những phương tiện cuối cùng. Vô phúc cho những kẻ không sức tự vệ sống quanh họ. Công ăn việc làm, đồng củi, tấm bánh, lòng can đảm, cho cả đến thiện chí, họ đều thiếu tuốt. Bên ngoài, cảnh trời sầm lại; trong lòng người cái ánh sáng đạo dức cũng tắt ngấm. Trong vùng bóng tối ấy, kẻ đàn ông cùng đường nếu vớ được đàn bà và con trẻ yếu đuối, lập tức vùi dập họ vào những nơi ô nhục. Thế là người ta lao vào tất cả những việc khủng khiếp. Tuyệt vọng quây bằng những vách mỏng mảnh, những vách đó đều mở cửa vào tật xấu và tội ác. Sức khỏe, tuổi thơ, danh dự, những e gại rụt rè thiêng liêng và ghê gớm của da thịt còn trong trắng, trái tim trinh tiết, thẹn thùng, lần da ngoài của tâm hồn, tất cả đều bị cái mò mẫm liều lĩnh đi tìm sinh kế lợi dụng, dày vò, dẫn tới ô nhục, rồi quen đi. Cha mẹ, con cái, anh em, chị em, đàn ông, đàn bà, con gái, tất cả gắn chặt với nhau như một khối kim loại hay một cái mớ hỗn độn, mờ mịt, lẫn lộn trai gái, họ hàng, già trẻ, ô nhục, trong trắng. Họ ngồi xổm, lưng sát vào nhau trong một cái ổ số phận tồi tệ. Họ nhìn nhau thê thảm. Ôi những con người xấu xố, xanh xao, rét mướt! Hình như họ ở một hành tinh xa mặt trời hơn trái đất chúng ta nhiều lắm. Thiếu nữ lúc nãy như một sứ giả của bóng tối đến với chàng. Cô phơi bày một phía ghê tởm của đêm tối. Mariuyt gần như tự trách mình quá đắm đuối trong mơ mộng, trong yêu dương, đến nỗi không nhòm ngó gì tới những kẻ hàng xóm. Trả một món tiền nhà, đó chỉ là một cử chỉ máy móc, ai mà không làm được! Mariuyt phải làm hơn thế chứ! Lạ nhỉ, chỉ một bức tường ngăn cách chàng với những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ sống vất vưởng trong bóng tối, bên ngoài nhân loại, chàng thì như cái mắt xích cuối cùng nối liền họ với loài người, chàng vẫn thấy họ sống, đúng hơn, vẫn nghe thấy tiếng họ rên rỉ bên cạnh chàng, thế mà chúng không hề biết đến. Ngày kia qua ngày nọ, lúc nào qua bức vách, chàng cũng nghe thấy họ đi lại, nói năng, mà không để vào tai; trong những lời nói ấy, có những tiếng rên rỉ, mà chàng cũng chẳng nghe. Ý nghĩ của chàng để tận đâu đâu, trong mơ mộng, ở những hào quang không tới được những tình yêu không tưởng, những điên rồ; thế mà có những con người, những anh em của chàng trong xương thịt chúa Giêsu; những anh em của chàng trong nhân dân đang ngắc ngoải bên cạnh chàng chẳng được ích gì! Chàng cũng là một phần tai họa cho họ và làm cho họ đau khổ thêm. Vì nếu họ có một người láng giềng ít mơ mộng hơn và để ý đến họ hơn, một người bình thường và từ thiện, thì chắc chắn cảnh cùng quẫn của họ đã được để ý, những tín hiệu tuyệt vọng của họ đã được nhận thấy và từ lâu rồi họ đã được đón đi và được cứu vớt. Đúng là họ có vẻ trụy lạc, xấu xa, hèn hạ, ghê tởm nữa, nhưng có mấy người rơi vào cảnh bần cùng mà không mất mất phẩm giá? Vả lại có một điểm mà những người xấu số và những kẻ xấu xa hòa vào nhau, lẫn lộn trong một danh từ khắc nghiệt: những người khốn nạn… lỗi tại ai? Vả lại, chẳng phải là khi sự sa sút sâu nhất thì lòng từ thiện cần phải lớn nhất sao? Trong khi tự lên lớp cho mình bài học luân lý ấy – có những trường hợp mà Mariuyt, cũng như tất cả những tấm lòng thật lương thiện, biến thành những thầy giáo đạo đức của chính mình và tự quở trách mình quá nặng – Mariuyt nhìn cái bức vách ngăn cách chàng với gia đình Giôngđơret, như có thể cho cái mắt nhìn đẩy tình thương của mình xuyên qua bức vách và làm ấm lòng những người đau khổ ấy. Bức vách, chỉ là mấy cái rường gỗ, nan thưa trát vôi mỏng, ở bên này nghe người bên kia nói rõ mồn một; phải là người mơ mộng như Mariuyt mới không nghe thấy gì hết. Vách dựng đơn sơ cẩu thả, bên phía buồng Giôngđơret cũng như phía buồng Mariuyt, chẳng dán giấy gì cả. Vô tình, chàng nhìn kỹ bức vách; có khi con mắt mơ màng cũng trông tìm quan sát như con mắt suy nghĩ. Chàng bỗng đứng phắt dậy. Chàng vừa thấy ở phía trên, gần trần nhà, một cái lỗ hổng hình tam giác, giữa ba nan gỗ, vôi vữa đã rơi từ bao giờ. Trèo lên cái tủ mà nhòm qua lỗ hổng có thể nhìn sang buồng nhà Giôngđơret được. Lòng trắc ẩn thường tò mò và cần phải tò mò. Cần phải nhìn trộm những kẻ xấu số mà cứu vớt họ. Mariuyt nghĩ bụng: Thử xem người ta thế nào và bây giờ ra sao. Chàng trèo lên nóc tủ, ghé mắt nhòm qua khe hở.VI CON – NGƯỜI – THÚ TRONG HANG Ở thành thị cũng như ở trong rừng, bao giờ cũng có những cái hang dùng làm nơi ẩn nấp cho những cái gì hung ác và ghê gớm nhất. Có điều ở thành thị, cái gì có hung dữ, nhuốc nhơ, nhỏ bé tức là xấu, mới cần trốn ẩn; còn ở trong rừng thì cái hung dữ, hoang dã và to lớn, tức là cái đẹp, lại đi trốn ẩn. Cũng là hang, nhưng hang thú còn hơn hang người. Hang ổ của loài thú dữ có giá trị hơn nhà ổ chuột. Cái mà Mariuyt nhìn thấy là một cái nhà ổ chuột. Mariuyt túng thật, buồng chàng ở nghèo thật; nhưng trong cảnh nghèo túng, chàng vẫn giữ được vẻ sang trọng, căn buồng vẫn sạch sẽ. Còn cái buồng chàng đang nhìn thì đê tiện, bẩn thỉu, hôi hám, tối tăm, nhớp nhúa quá. Đồ đạc chỉ có cái ghế rơm, một cái bàn gãy chân, vài mảnh bình vỡ, ở hai góc, hai cái giường rách nát không tả xiết. Ánh sáng thì chỉ lọt qua có một cái cửa sổ gồm bốn tấm kính và giăng đầy mạng nhện. Vừa đủ ánh sáng lờ mờ để cái mặt người nom thành mặt ma. Tường như bị hủi, đầy những nốt rỗ, vết sẹo, kinh khủng. Tường nhâm nhấp một thứ nước như nhử mắt. Trên tường có những hình vẽ thô tục bôi nguệch ngoạc bằng than. Buồng Mariuyt còn có sàn gạch vỡ nát; sàn buồng bên thì chẳng lát gạch, cũng chẳng lát ván. Cứ giẵm bừa trên vôi gạch lổn ngổn đen mà đi. Bụi đóng bánh trên nền đất lởm chởm chưa biết đến cái chổi là gì. Giày dép cùng giẻ rách lù lù từng đống ghê tởm. Dù sao thì cũng có một cái lò sưởi, nên mỗi năm phải trả bốn mươi phơrăng. Thôi thì đủ mọi thứ trong lò sưởi, nào bếp, nào nồi, mảnh ván, giẻ mắc trên đinh, một cái lồng chim, tro than, cả một ngọn lửa nữa. Hai que củi buồn bã nhả khói. Trông gian buồng thêm sợ vì buồng rất rộng. Lại lủng củng những chỗ lồi ra, những góc tường ăn lấn vào, những lỗ sâu thăm thẳm, mái nhà khấp khểnh, nhô ra, thụt vào. Vì thế buồng đầy những góc sâu hoắm, tưởng như những con nhện to bằng nắm tay đang nằm gọn bên trong, cả những con mọt to bằng bàn chân nữa và biết đâu chẳng có những con người ma quái nào! Một cái giường kê gần cửa, cái thứ hai kê sát cửa sổ, đầu giường kề lò sưởi, ngay trước mặt Mariuyt. Trong một góc, bên cạnh cái khe Mariuyt nhòm sang, một bức tranh tô màu, khung gỗ đen, treo trên tường, bên dưới ghi mấy chữ to tướng: Giấc mộng. Tranh vẽ một người đàn bà và một em bé cùng ngủ, đứa bé trong lòng người đàn bà, một con phượng hoàng bay trong mây, mỏ cặp một vòng hoa, người đàn bà giơ tay gạt vòng hoa ra ngoài đầu đứa bé, mắt vẫn nhắm. Xa xa Napoleon đứng trong vành hào quang, mình tựa vào một cái trụ màu xanh, đỉnh trụ màu vàng, trên trụ có ghi mấy chữ sau đây: Maranhgô Ôtxterlit Lêna Vagơrammơ Elô (tên những chiến thắng lớn của Napoleon. Những chữ này, chủ nhân viết với nhiều lỗi chính tả) Bên dưới bức tranh, một tấm biển gỗ hình chữ nhật đặt dưới đất, úp nghiêng vào tường. Hình như một bức tranh đặt quay lưng lại, một cái khung tranh bôi vẽ ở phía trước, hay một tấm biển gỗ tháo ở tường ra, chưa kịp treo lại. Mariuyt thấy một người trạc sáu mươi tuổi, nhỏ người, gầy gò, tái mét, trông dữ tợn, có vẻ giảo quyệt, tàn nhẫn, nét mặt lo nghĩ. Rõ ra một thằng vô lại gớm ghiếc. Hắn ngồi ở một cái bàn có cả bút mực giấy. Nếu Lavate (nhà triết học và giáo lý Thụy Sĩ, thế kỷ 18, sáng tạo một thứ thuật xem tướng qua diện mạo) nhìn vào bộ mặt này sẽ thấy mặt một con kên kên hòa mặt biện lý. Con chim ăn thịt và con người quan tòa bổ sung cho nhau, làm cho nhau thêm xấu xí. Con người tòa án làm cho con chim ăn thịt ô xú, con chim ăn thịt làm cho người tòa án trở nên ghê tởm. Hắn có một chòm râu dài lốm đốm bạc. Hắn mặc một cái áo trong của đàn bà, hở cả ngực, cả tay lông lá xồm xoàm, một cái quần cháo lòng, chân xỏ một đôi giày ống, ngón chân thò cả ra ngoài. Miệng hắn ngậm một cái tẩu. Trong nhà không có một miếng bánh, nhưng vẫn còn thuốc lá. Hắn viết, có lẽ lại là một bức thư như kiểu các thư Mariuyt đã đọc. Ở góc bàn, có một cuốn sách đã nát, màu đỏ đỏ; nhìn cuốn sách khổ gấp 12 kiểu cũ, như thường thấy ở các phòng đọc sách, có thể biết là cuốn tiểu thuyết. Bìa sách in hàng chữ to: “Chúa, vua, danh dự, phụ nữ”, tác giả: “Đuycơrê Đuyminin, 1814”. Vừa viết, hắn vừa nói to, Mariuyt nghe thấy những lời sau đây: - Ở đời này, đến chết cũng không có bình đẳng. Hãy vào nghĩa trang Pe – Lasedơ mà coi. Những ông lớn bà lớn, những người giàu có, thì chôn cất bên trên, bên những con đường lát đá, trồng hoa kim hợp. Xe ngựa đưa họ đến nơi ấy. Kẻ nghèo hèn, kẻ khổ cực, người ta xếp họ ở bên dưới, nơi bùn lầy ngập đến đầu gối, người ta nhét họ vào hang hố, vào nơi ẩm thấp. Vứt họ ở đấy cho xương thịt chóng tiêu tan. Đến viếng mộ họ, tất phải thụt xuống bùn lầy. Đến đây, hắn ngừng lại, nắm tay đấm xuống bàn rồi vừa nghiến răng vừa nói: Trời! Ta có thể ăn thịt loài người được đi! Một mụ đàn bà to lớn không biết bốn mươi hay một trăm tuổi ngồi xổm cạnh lò sưởi. Mụ cũng chỉ mặc một cái áo trong và một cái váy bằng vải vá chằng vá đụp những mụn dạ cũ. Mụ đeo một cái tạp dề vải thô che lưng chừng váy. Tuy mụ cúi gập người xuống và co ro lại, nhưng cũng thấy mụ rất cao lớn. Mụ như một mụ khổng lồ bên cạnh anh chồng. Tóc mụ vàng hung đã đốm bạc trông gớm chết. Thỉnh thoảng mụ lại lấy bàn tay bóng nhẫy, móng bèn bẹt, hất mớ tóc lên. Cạnh mụ, một cuốn sách mở tung đặt dưới đất, cũng một khổ như cuốn sách trên, có lẽ cùng một bộ tiểu thuyết. Trên một cái giường, Mariuyt thấy một con bé xanh xao, dài ngoằng ngoẵng; nó gần như chẳng có áo quần gì, chân buông thõng xuống; nó như chẳng nghe, chẳng nhìn, chẳng thấy gì cả, như cái xác không hồn. Chắc con bé là em gái cô thiếu nữ sang buồng chàng lúc nãy. Cô bé trạc mười một, mười hai tuổi. Nhìn kỹ thì có lẽ đến mười lăm cũng nên. Chính tối hôm qua, cô ta đã kêu: “Thế là tẩu, tẩu, tẩu bán sống bán chết!” Cô thuộc loại cây yếu ớt, chậm mọc, rồi đùng một cái, lớn vượt lên. Cảnh nghèo đói đã tạo nên những con người giống loài cây đáng thương như vậy. Hạng người ấy chẳng có tuổi thơ ấu, cũng chẳng có tuổi thanh niên. Mười lăm tuổi còn là con nít, đến mười sáu đã như hai mươi. Bây giờ là đứa trẻ, ngày mai đã đứng tuổi. Hình như họ bước sải trên cuộc đời cho chóng chết. Lúc này thì cô bé vẫn còn có vẻ một đứa trẻ. Trong gian buồng này, chẳng có gì tỏ ra là người ta có công ăn việc làm cả. Không có khung cửi, không có guồng quay sợi, một tí dụng cụ cũng không. Trong xó buồng, mấy thanh sắt có vẻ ám muội. Cái vẻ chểnh mảng buồn thiu này là kết quả của tuyệt vọng và báo hiệu cơn hấp hối. Mariuyt nhìn kỹ căn buồng ảm đạm này; nó còn khủng khiếp hơn một ngôi mộ, vì ở đây linh hồn con người còn lay động và sự sống còn thoi thóp. Cảnh tượng những người nghèo khổ bò lê la trong cái ổ chuột, trong hầm, trong cái hố thấp lè tè không hẳn là cảnh tượng một nấm mồ; nó mới chỉ là cái phòng đợi vào mồ. Những cũng như những kẻ giàu sang thường phô trương vàng ở ngoài cửa lâu đài của họ, thần chết cũng đặt những nỗi khốn cùng nhất ở cái gian phòng đợi ấy. Lão già ngồi bàn thôi không nói nữa; mụ vợ im lìm, cô bé hình như không thở. Tiếng ngòi bút chạy trên giấy sột soạt. Lão nói lầm bầm, tay không ngừng viết: Chó! Chó! Chó má tuốt! Gần đúng câu kết oán thân của Xalômông. Mụ vợ nghe thấy, thốt ra một tiếng thở dài não nuột. Mụ bảo chồng: - Thôi, mình ạ, mình hãy bình tĩnh. Mình ơi, đừng buồn quá thế. Mình gửi thư cho những đứa ấy làm gì. Trong cảnh khốn cùng, người ta dịch lại gần nhau cho ấm, cũng như trong cơn rét; nhưng trái tim thì xa nhau ra. Cứ xem cách ăn nói, cũng thấy xưa kia hẳn mụ đã hết lòng thương yêu chồng; nhưng mối tình ấy có lẽ đã tàn vì những lời trách móc nhau hàng ngày, trong cảnh cơ cực đè trĩu xuống mọi người trong gia đình. Đối với chồng, trong người mụ, chỉ còn mớ tro tàn của tình yêu. Thế những cách âu yếm gọi chồng ngày nay mụ vẫn còn giữ được. Miệng mụ vẫn thường nói với chồng: “Mình ơi… cậu ạ… anh của em…” nhưng lòng mụ đã nguội lạnh. Lão kia lại cắm cúi viết.