Quả nhiên hôm sau Natalie xuống dùng bữa trưa. Tôi thấy nàng ngồi trên tràng kỷ ở phòng khách, lúc mười hai giờ ba mươi.Nàng đã thay đồ khác, một áo sơ mi màu cẩm thạch và chiếc váy thẳng, vải bông màu nâu vàng. Đôi chân trần của nàng trước đây luôn luôn đi giày da thô, nhưng lần này là giày bằng vải, viền da màu hạt dẻ.Tôi ngồi trong chiếc ghế bành hôm trước còn nàng quay về phía tôi. Cuộc trò chuyện đang có chiều rôm rả. nàng nói:– Ở trong xe anh, hôm trước tôi thấy có cái gì đó đặt trên ghế dài. Nó giống như một khẩu súng. Anh muốn giết ai à?– Không hẳn như thế, tôi đi săn về mà.– Anh giết súc vật để giải trí ư?Rõ ràng là nàng thuộc về thế giới chống săn bắn. Mọi lý lẽ đều sẽ là vô ích. Tôi thanh minh một cách gượng gạo:– Đối với tôi niềm vui không là bắn giết mà là tìm kiếm. Có nhiều thú vật mà tôi đã gặp, nhưng không bao giờ bắn chúng, ví dụ thỏ và hươu cái.– Tại sao hươu cái và thỏ?– Hươu cái, bởi vì chúng là giống cái, chúng bảo đảm việc sinh sản nòi giống. Chính chúng nuôi dưỡng những đứa con nhỏ. Còn những con thỏ, lại là một chuyện khác. Tôi đã ngắm chúng qua ống nhòm nhiều lần và biết chúng quá rõ nên chẳng còn muốn bắn chúng. Chúng sợ sệt, luôn luôn đề phòng. Chúng không tấn công các con vật khác. Đúng là chúng có đánh nhau, những cú đá chân sau của chúng thật khủng khiếp, nhưng chúng làm thế chỉ để chinh phục lũ thỏ cái mà thôi. Và đôi mắt chúng mở to, chăm chú cũng cùng với hình dáng như mắt ta vậy.– Anh đa cảm thật, – Natalie đáp lại, – nhưng điều đó đâu có ngăn cản anh bắn những con vật không đụng đến anh!Thấy tôi lúng túng trong các điều mâu thuẫn, nàng có vẻ thích thú và ngả mình trên lưng tràng kỷ mà tủm tỉm cười. Chiếc váy ngắn vải bông để lộ rõ đầu gối và đôi chân nàng.Tôi tiếp tục giảng giải:– Thêm nữa, khi cô theo dấu vết một con thú, thiên nhiên mà cô đi qua rất là lộng lẫy. Do cần thiết, cô luôn luôn đến những nơi hầu như vắng lặng vào lúc sáng tinh mơ hoặc khi trời sẫm tối. Cô khám phá ra được thiên nhiên khác hẳn, như chưa bao giờ từng thấy.Những lời biện bạch yếu ớt của tôi tiếp tục làm nàng bật cười, một kiểu cười lúc này làm cả người nàng rung lên, hiện cả lên mắt, nơi có chút ánh sáng xanh giễu cợt tôi.– Anh có thể ngắm nhìn thiên nhiên mà không bắn giết súc vật, – Nàng nói.Cuộc tranh luận này là vô bổ, tôi nghĩ, vả lại Natalie rất có lý! Vì thế chẳng cần mất công viện dẫn lý lẽ gì khác, mà xem ra nàng cũng chẳng chấp nhận nhiều hơn: đó là lý lẽ về mối quan hệ chặt chẽ, thân thiết giữa người đi săn và con vật anh ta theo đuổi.Mối quan hệ này, chưa bao giờ tôi cảm thấy sâu sắc hơn là vào một sáng trong vùng Ardennes.… Đã hai ngày qua, tôi đi tìm lại con hươu già đang rống lên bên bờ một đầm nước lầy. Cuối cùng tôi đã bắn nó. Để đem nó về, cùng người bạn săn, chúng tôi chỉ có chiếc xe Jeep với mui vải dầu. Phải đặt con hươu ấy nằm đúng đằng sau lưng chúng tôi.Trong khi bạn tôi lái xe, tôi đưa cánh tay ra sau lưng ghế, và cảm thấy bộ lông của con hươu, mớ lông ẩm ướt và ấm nóng của nó. Tôi đã không dám sờ mó. Tôi quay người lại và thấy cái đầu con hươu nghẹo sang một bên và đang nhìn tôi. Hai mắt nó mở tất nhiên là nó đã chết, nhưng nó còn mang chứng tích, các mẩu lá, những bụi đất bết lại trên lông, tất cả dấu hiệu của cái thế giới nó đã sinh sống, và là nơi tôi đã dõi theo nó trong hai ngày.Tôi bắt đầu vuốt ve nó theo cách người ta ve vuốt con chó, chậm rãi, bàn tay sấp lại. Và khi tôi vuốt đến cổ của nó, niềm xúc động của tôi mãnh liệt, thảng thốt đến nỗi nước mắt tôi trào ra đầm đìa.Tôi đã tiếp tục vuốt ve nó, như một người bạn trong khi chiếc xe Jeep lăn bánh trong rừng…– Anh đang nghĩ gì thế? – Natalie gạn hỏi tôi. – Trong anh kỳ lắm.– Phải, tôi đang nghĩ chuyện khác, tha lỗi cho tôi. Nếu cô muốn, chúng ta có thể ăn trưa.Đến cuối bữa ăn, chúng tôi trở lại phòng khách dùng cà phê. Natalie cho tôi biết các dự định của cô.– Tôi có thể dùng xe của anh chiều nay được không? Tôi còn cần đến – Tôi sẽ thử thuê một chiếc, chắc là tôi sẽ không về muộn đâu.– Cô có muốn tôi chờ cô về ăn tối không? – Tôi nói với nàng.– Không! Tôi không ăn tối.Rõ ràng là nàng đang suy tính sẽ làm gì trong buổi tối, nên hỏi tôi:– Trong nhà có sách không anh?– Có nhiều sách lắm. Trong phòng cô, hình như là có đấy.Tôi nghĩ đến cái giá sách nơi Florence đã xếp ở trên hai ngăn, những sách đọc dành cho khách vãng lai.– Tôi đã thấy những cuốn sách ấy, – Natalie trả lời. – Đó là những sách bằng tiếng Anh. Không phải là loại tôi tìm.– Cô quan tâm loại gì?– Tôi mới đọc một cuốn tiểu thuyết của Vicki Baum, “Hồ của Quí Bà”. Tôi muốn đọc thêm những cuốn khác. Tôi nhớ hình như có một cuốn, chuyện sảy ra ở Thượng Hải, đúng vào trước chiến tranh. Tôi đã xem tivi một bộ phim về một con ngựa cái, tên là Milady. Phim đó phỏng theo truyện của Paul Morand. Tôi chưa đọc gì của tác giả. Anh có không?– Đó là những nhà văn đồng đại, – tôi nói.– Phải, đó là một thời đại phóng khoáng, thời đại của những năm ba mươi, hay hơn thời đại chúng ta. Tôi nghĩ là sẽ thú vị lắm nếu tôi được sống trong thời ấy.Quả thật là tôi không thể hình dung được Natalie đội cái mũ hình chuông úp lên trên đầu, có dải ruy băng màu thắt quanh, và mặc một chiếc váy xếp, đung đưa trước gió, để lộ đôi chân.Đôi chân của Natalie rất quan trọng đối với tôi. Tôi đã chú ý dáng đi của nàng từ ngày đầu tiên: đó cũng là cái cảm giác trước nhất mà tôi cảm nhận được. Rồi tôi đã thấy đầu gối nàng trong xe tôi và đôi chân nàng khi đi xa về tiệm thuốc. Chúng có đường nét hoàn mỹ, thon thả và rắn chắc. Natalie không tìm cách phô ra, nhưng nàng cũng chẳng có cố gắng nào để giấu giếm chúng. Tôi yêu thích nhìn chúng mỗi khi nàng ngồi ở tràng kỷ. Vì đệm tràng kỷ rất thấp, nên mỗi lần tôi lại thấy từ đầu gối đến bắp vế. Tôi có nỗi lo sợ khám phá ở đó một chi tiết, một vết hằn trên làn da, một tĩnh mạch xanh quá rõ, một đường gân lồi lõm, làm phá vỡ sự hoàn mỹ. Nhưng không, không gì làm xấu được vẻ đẹp, sức sống và nét dịu dàng hấp dẫn của chúng được.– Tôi sẽ chỉ cho cô nơi các các cuốn sách, – tôi nói. – Sách ở phòng bên ấy.Tôi dẫn nàng vào căn phòng làm việc nho nhỏ của tôi.Một bên nó thông với phòng khách, và bên kia với phòng tôi. Đó là một căn phòng đầy các ngăn để sách làm bằng gỗ thông bình thường, mà người chủ trước đã kê ở đấy. Trên các ngăn này, tôi xếp thành hàng tất cả các sách của tôi, và cả những sách mà tôi nhận được của cha tôi. Trong số đó, có thể có những tác phẩm của Paul Morand.– Cô cứ lấy cái gì mà cô thích, – tôi nói với Natalie. – Trong các tủ tường dưới nhà, cô sẽ tìm được các sách bỏ túi. Và nếu cô muốn xem tivi, tôi có thể đem máy lên phòng cô. Ở đó có ổ cắm ăng ten đấy.Natalie lắc đầu:– Không cần đâu, – nàng nói. – Tôi không xem tivi.Natalie đã xuống cầu thang đi về phía cửa ra vào nhà, sau khi đã chọn vài cuốn sách bỏ túi mà nàng đặt trên chiếc khay chân quì ở đầu cầu thang.Tôi nghe nàng khởi động máy xe. Tôi không kịp đi ra mở cổng cho nàng. Nàng đã đi rồi.