Người dịch: HUỲNH LÝ, VŨ ĐÌNH LIÊN, LÊ TRÍ VIỄN, ĐỖ ĐỨC HIỂU
G.S HUỲNH LÝ người xem lại toàn bản dịch
QUYỂN II - Chương I
CÁNH ĐỒNG SƠN CA

Mariuytx đã chứng kiến cảnh kết thúc bất ngờ của cuộc mai phục mà chàng báo cho Giave theo dõi từ trước. Nhưng Giave vừa rời khỏi căn nhà nát, mang theo bọn người bị bắt dồn trong ba chiếc xe ngựa to thì chàng cũng lén ra khỏi nhà. Mới chín giờ đêm. Chàng sang nhà Cuốcphêrắc. Cuốcphêrắc lúc này không còn là người dân bất di dịch của xóm latinh nữa. Vì “lý do chính trị” anh ta đã rời sang phố Verơri. Phố này bấy giờ là một phố mà các cuộc bạo động thích đồn trú. Mariuytx bảo Cuốcphêrắc: tớ đến ngủ với cậu đây. Cuốcphêrắc, kéo một trong hai chiếc đệm đang rải trên giường, bỏ xuống đất: Ừ, thì ngủ đấy.
Sáng hôm sau, vừa đúng bảy giờ, Mariuytx đã trở về nhà trọ. Chàng trả tiền thuê nhà và các khoản vặt vãnh còn thiếu của mụ Bugông. Chàng cho khuân sách vở, giường, tủ, bàn ghế chất lên một chiếc xe ba gác, rồi đi thẳng, chẳng cho ai biết mình đi đâu. Đến khi Giave trở lại để hỏi thêm chàng về việc xảy ra hôm trước thì chỉ gặp có mụ Bugông trả lời gọn lỏn: dọn đi rồi.
Mụ Bugông nghĩ bụng Mariuytx chắc có dính líu gì đến bọn ẻ trộm bị bắt đêm qua. Mụ chạy đi đnáh rao với các mụ gác cổng trong phố. “Ai mà dám ngờ như thế chứ? Một gã trai trẻ, trông lành như con gái ấy!”
Mariuytx dời nhà vội vàng như thế này là có hai lẽ: thứ nhất vì cái nhà ấy làm chàng ghê tởm. Ở đấy, chàng đã nhìn thấy rõ bộ mặt của tên nhà nghèo bất lương. Tên nhà nghèo bất lương có lẽ còn tởm hơn cả tên nhà giàu độc ác nữa. Thế mà chàng đã nhìn thấy cái vết xấu xã hội ấy gần quá, kỹ quá, trông thấy tất cả sự phát triển hung tợn đáng kinh tởm nhất của nó. Lẽ thứ hai là sau cuộc bắt bớ như thế, bề nào cũng có án tiết lôi thôi, chàng không muốn dây vào đấy làm gì để cho phải ra tòa khai báo buộc tội Tênacđiê.
Giave thì cho rằng chàng sợ hãi đã bỏ trốn, hoặc lúc xảy ra cuộc phục kích chàng chưa về nhà. Hắn có để ý tìm nhưng không kết quả gì.
Một tháng trôi qua, rồi một tháng khác. Mariuytx vẫn ở với Cuốcphêrắc. Một người trạng sư tập sự thường xuyên có mặt ở tòa án cho chàng biết Tênacđiê đang bị giam. Cứ đũng ngày thứ hai mỗi tuần, chàng lại nhờ phòng lục sự chuyển cho hắn năm phơrăng. Chàng không có tiền, phải vay của Cuốcphêrắc. Lần đầu tiên trong đời, cahngf đi vay. Món tiền năm phơrăng đều đều mỗi tuần trở thành vấn đề khó hiểu cho người cho vay lẫn người được nhận. Cuốcphêrắc nghĩ bụng: vay để đưa cho ai nhỉ? Tênacđiê cũng tự hỏi: của ai gửi cho mình như thế này?
Riêng Mariuytx trong lòng rất ngao ngán. Cuộc đời chàng một lần nữa lại như rơi vào hầm tối. Trước mắt chẳng thấy gì. Bốn bên đều tối tăm bí hiểm, phải đi lò dò, chẳng biết đâu là phương hướng. Có lúc trong bóng tối ấy chàng đã nhìn thấy rất gần con người đẹp chàng yêu, cả ông cụ già có lẽ là ông thân sinh của người đẹp nữa. Phải, những hình bóng xa lạ đang thu hút tất cả tâm trí chàng, đang là nguồn hy vọng duy nhất của chàng ở cõi đời, những hình ảnh ấy, chàng từng nhìn thấy rất gần. Và lúc chàng tưởng giơ tay với được thì một ngọn gió đã cuốn phăng đi tất cả. Còn biết thế nào mà ước đoán nữa! Đến cái tên của người yêu tưởng đã rõ, té ra cũng chưa biết là gì. Nhất định không phải là Uyếcxuyn rồi. Còn Sơn ca chẳng qua là một tên tục. Đến như ông già kia thì thế nào? Ông ta muốn lánh mặt cơ quan cảnh sát à? Trong trí chàng hiện lên hình ảnh người thợ tóc bạc chàng gặp dạo nọ. Bây giờ mới rõ người thợ kia và ông Lơ Blăng có lẽ là một. Ông ta cải trang chăng? Con người ấy vừa có gì dũng cảm mà cũng vừa có gì lờ mờ khó hiểu. Tại sao ông ta không kêu cứu? Tại sao lại trốn chạy? Ông ta là bố đẻ cô ấy hay là không phải? Mà ông ta có phải thực là người mà Tênacđiê tưởng nhận ra mặt không? Tênacđiê có thể nhìn lầm chăng? Bấy nhiêu vấn đề, vấn đề nào cũng bế tắc. Tuy dáng điệu tiên nga của con người đẹp vườn Luychxămbua thì chảng giảm chút nào. Tình cảnh Mariuytx khốn đốn, éo le; lòng chàng nặng trĩu tương tư mà mắt chàng thì lại bọc đêm tối. Chàng như bị thúc đẩy, bị lôi kéo mà chàng không thể nhích lên một bước. Mọi sự đều tiêu tan, chỉ còn có tình yêu. Mà những bản năng, những linh cảm đột ngột của tình yêu, chàng cũng mất cả rồi. Thói thường, ngọn lửa yêu đương đốt cháy lòng người cũng soi sáng được người ta chút ít. Nhưng Mariuytx lại cũng chẳng còn nghe thấy được lời khuyên nhủ âm thầm nào của tình yêu cả. Chả bao giờ chàng bảo mình: hay là ta đi đến đó? Hay là ta thử cái này xem? Con người bây giờ chàng biết không còn gọi được là Uyếcxuyn nhất định đang ở một nơi nào đó; nhưng theo hướng nào để tìm nàng, thì chẳng có gì bảo cho chàng biết. Tất cả cuộc đời chàng, giờ phút này, như chỉ còn là một nỗi băn khoăn không bờ bến trong một đám sương mù dày đặc. Tìm cho thấy mặt nàng, thâm tâm chàng vẫn mong ước, nhưng chàng không dám hy vọng nữa.
Khổ làm sao, chàng lại rơi vào cảnh túng thiếu. Cái nghèo hèn lạnh lẽo, chàng cảm thấy như đã ở cạnh chàng sát bên lưng. Đã lâu rồi, từ ngày tâm thần rối bời đến giờ, chàng chẳng còn làm việc nữa. Làm việc không đều đặn là một điều tối nguy hiểm, vì như thế là đã bỏ mất một thói quen. Bỏ mất thói quen làm việc thì dễ nhưng lấy lại thì rất khó.
Mơ mộng chút ít cũng tốt, nó cũng như chút ít thuốc ngũ nhẹ nhàng. Trí óc làm việc nhiều thường khi sinh ra nóng sốt, bần thần không chịu nổi, những lúc ấy mơ mộng một chút cũng làm cho dịu đi, trong người thấy dễ chịu. Dường như mơ mộng lại còn để tỏa ra trong trí một làn sương êm đềm, mát dịu. Trong làn sương ấy, hình thù quá gồ ghề của tư tưởng cũng trở nên nhẹ nhàng, các lỗ hổng, các khoảng cách rải rác trong trí óc đều được lấp bằng lại, từng loại ý tứ được nối liền nhau và góc cạnh các ý nghĩ cũng được xóa mờ đi. Nhưng mơ mộng thái quá thì trí óc sẽ bị chìm ngập tất thảy. Con người dùng trí óc làm việc mà để mình tự suy nghĩ rơi tõm xuống chỗ mơ mộng thì tai hại biết chừng nào! Họ tin rằng họ sẽ ngoi trở lên được dễ dàng và chung qui, suy tưởng cũng chẳng khác gì mơ mộng. Lầm to!
Suy tưởng là trì óc phải làm việc, còn mơ mộng thì trí óc chỉ hưởng thụ thôi. Đem mơ mộng thay vào suy tưởng thì có khác gì coi thuốc độc cũng như thức ăn?
Bạn đọc còn nhớ Mariuytx đã bắt đầu từ đó.
Ái tình vụt đến khiến chàng say mê, cuối cùng đẩy chàng xuống cái hố mơ mộng hão huyền không biết đâu là đáy.
Hễ bước ra khỏi nhà là để lang thang mộng tưởng. Thai nghén của sự biếng lười. Vực thẳm huyên náo và tù đọng. Càng ít làm việc, túng thiếu lại càng tăng. Cái luật tự nhiên nó thế! Con người sống trong trạng thái mơ mộng bao giờ cũng hoang phí và nhu nhược: trí óc buông lỏng thì làm gì giữ cho đời sống chặt chẽ được. Trong cảnh sống ấy cố cái hay mà cũng có cái dở, lỏng lẻo là có hại nhưng rộng rãi lại là tốt. Có điều đã nghèo, mà rộng rãi, hào phóng, lại hông làm việc nữa thì đến nguy. Nguồn thu cạn, túng thiếu hiện ra.
Con đường dốc ấy cực kỳ nguy hiểm; người tốt, xấu, người cương, nhu gì cũng trượt chân rồi nhào như nhau cả. Kết cục đều là rơi tõm xuống một trong hai cái hố này: tự tử hoạc phạm tội ác.
Cứ đi ra để mơ mộng rồi có ngày đi ra để nhảy xuống nước. Già mơ mộng, làm nên những Etcutx và những Lơbrax.
Mariuytx thong thả tụt dần trên dốc ấy, hai mắt đăm đăm nhìn con người đã mất hút. Điều đó có vẻ lạ nhưng đúng là như thế. Nhớ nhung như làm sánh sáng hình ảnh người yêu trong cõi u tối; người càng khuất bóng, hình ảnh lại càng rạng rỡ; tấm lòng thất vọng chỉ còn nhìn thấy có một chút ánh sáng ấy; đó là ngôi sao trong đêm tối nội tâm.
Nàng, đó là tất cả ý nghĩ của Mariuytx. Chàng không còn có suy nghĩ gì khác. Chàng chỉ mang máng cảm thấy cái áo cũ của chàng không còn cách gì dùng được nữa, cái áo mới cũng đã đủ rồi, cái sơ mi thì đã sờn, cái mũ, đôi giày đều mòn hỏng, nghĩa là cả cuộc đời chàng cũng mòn mỏi. Chàng tự nhủ: ước gì được thấy mặt nàng một lần trước khi nhắm mắt.
Chỉ còn một ý nghĩ làm chàng dịu được cõi lòng: nàng đã yêu chàng, đôi mắt nhìn của nàng đã nói lên điều đó. Nàng không biết chàng tên họ gì nhưng lại hiểu thấu tâm hồn chàng và biết đâu, dù ở nơi bí ẩn nào đi nữa: Nàng cũng vẫn yêu chàng? Ai dám bảo nàng không trông tưởng đến chàng như chàng trông tưởng đến nàng? Có những giờ phút mình không giải đáp được cho mình, - tình yêu thường có những phút như thế - trong lòng toàn những cớ đáng buồn mà lại cứ cảm thấy một niềm vui âm thầm, nhẹ nhàng, chàng tự bảo: đó là ý nghĩ của nàng truyền đến cho ta! Rồi lại thêm: có lẽ ý nghĩ của ta cũng đến với nàng như thế này.
Cái ảo tưởng ấy, một chốc sau, chàng lắc đầu hoài nghi. Nhưng nó đã gieo được vào lòng chàng những tia sáng có khi na ná như là hy vọng. Thỉnh thoảng, nhất là về chiều, cái giờ làm cho tâm hồn mơ mộng càng sầu muộn, chàng hạ bút ghi vào quyển vở giấc mơ trong sáng nhất tốt đẹp nhất đang tràn ngập tâm trí say mê của chàng. Chàng cho như thế là “viết thư cho nàng”.
Không nên nghĩ rằng trí óc chàng rối loạn. Ngược lại chàng đã mất các khả năng làm việc nhằm một mục đích nhất định, nhưng mà hơn lúc nào hết chàng sáng suốt và chu đáo. Chàng nhìn thấy những gì diễn ra trước mắt, cả những sự việc và những con người ít liên quan nhất, với một thứ ánh sáng yên lành và chân thực. Đỗi với việc gì, chàng cũng nói tiếng nói đúng nhất mà rõ ràng là ngao ngán và vô tư. Hầu như không dính chút mong ước nào, sự xét đoán của chàng rất cao đạo.
Sống trong tâm trạng ấy, không gì thoát khỏi mắt chàng, không gì lừa nổi chàng; mỗi phút chàng mỗi khám phá chiều sâu của cuộc sống, của nhân loại và vận mệnh con người. Dù khắc khoải, những người được thượng đế ban cho một tâm hồn xứng đáng với tình yêu và tai họa là những người sung sướng! Ai không từng trải việc đời và lòng người dưới hai thứ ánh sáng ấy thì không thấy chút gì là chân lý và không biết gì cả.
Một tâm hồn yêu đương và đau khổ là một tâm hồn đạt đến cao siêu. Dù sao ngày tháng cứ qua và chẳng có chuyện gì mới xảy đến. Mariuytx chỉ có cảm giác quãng dốc đáng sợ mà chàng còn phải trải qua hình như mỗi phút mỗi ngắn lại. Tuồng như chàng đã hé thấy rõ cái hố sâu thăm thẳm.
- Sao! – Chàng lắp đi lắp lại cho mình nghe, - thực ta sẽ không gặp lại nàng trước ư!
Đi ngược hết phố Xanh Giắc, bỏ bức rào, đi về phía tay trái, thì đến phố Xăngtê, phố Gơlaxie, rồi trước khi đến dòng sông nhỏ Gơbơlanh thì người ta bắt gặp trước mặt một quãng đồng. Trong cái vành đai dài và đơn điệu của các đại lộ quanh Paris, đây là nơi độc nhất mà Ruytxđaen có lẽ thích ngồi (họa sĩ Hà Lan thế kỷ XVII, nổi tiếng về những bức tranh phong cảnh màu sắc ấm áp, chi tiết chính xác).
Có một vẻ gì xinh đẹp trong cái cảnh bày ra trước mắt: một đám cỏ xanh với những dây phơi quần áo rách, một chiếc nhà cũ của những người hàng rau làm đâu từ thời Lui XIII, mái mẹ lởm chởm mái con, mấy hàng giậu mục nát, một vài vũng nước dưới rặng bạch dương, vài người đàn bà và tiếng cười, nói. Ở chân trời, đài Păngtêông, cây của những người điếc – câm, tu viện Vanđơgraxơ lù lù, đen thui, kỳ quái, ngộ nghĩnh nguy nga và ở cuối là cái chóp vuông nghiêm nghị của nhà thờ Đức Bà. Cảnh cũng đáng ngắm nên ít người lai vãng. Chừng như cứ mười lăm phút họa hoằn mới có một cỗ xe bò hay một anh phu xe.
Một lần, lang thang một mình, Mariuytx đặt chân đến đây. Hôm đó trên đường lại có một người đi qua. Chừng như ngạc nhiên trước vẻ đẹp gân như hoang vu của cảnh vật. Mariuytx hỏi người qua đường:
- Đây là chỗ nào nhỉ?
Người bộ hành đáp:
- Đây là cánh đồng Sơn ca.
Và tiếp: Đây là chỗ Uynbách giết người con gái chăn cừu ở Ivơry.
Sau tiếng Sơn ca, Mariuytx không còn nghe thấy gì thêm nữa. Trong trạng thái mơ mộng có khi chỉ một tiếng cũng đủ làm cho trí óc ngưng đọng lại một cách bất ngờ. Cả tâm trí bỗng nhiên ngưng chung quanh một ý nghĩ và không còn thu nhận được một cái gì khác. Sơn ca chính là cái tên mà Mariuytx dùng để gọi thay cho tên Uyếcxuyn trong những phút buồn phiền sâu lắng. Sững sợ, chàng tự nhủ:
- A ra đây là cánh đồng của nàng. Nhất định ta sẽ tìm ra nơi nàng ở.
Nghe thật là vô lý, nhưng không có gì ngăn cản nổi ý nghĩ ấy. Và ngày nào chàng cũng đến thăm cánh đồng Sơn ca.
II
CÁC VỤ CƯỚP CỦA GIẾT NGƯỜI ĐƯỢC
THAI NGHÉN TRONG NHÀ TÙ NHƯ THẾ NÀO
Thắng lợi của Giave trong nhà nát Gorbô có vẻ như hoàn toàn, thật ra thì không.
Trước hết và đây là điều lo nghĩ chính của Giave anh ta không bắt giữ được người bị bọn kẻ cướp bắt giữ. Người bị giết mà cũng trốn đi thì còn đáng nghi hơn kẻ giết người nữa; có phần chắc là cái nhân vật quí giá đối với bọn kẻ cướp ấy cũng là miếng mồi ngon không kém đối với người cầm quyền.
Rồi thì thằng Môngpácnát cũng trốn thoát. Phải chờ một cơ hội khác để tóm cổ thằng “công tử của quỉ vương” đó. Quả vậy thằng Môngpácnát gặp Êpônin đứng gác ở dưới hàng cây của đại lộ, đã dắt cô ả đi vì nó thích tình tự với cô gái hơn là hoạt động với ông bố. May cho nó biết bao. Nhờ vậy mà nó thoát lưới. Còn Êpônin thì lại bị Giave chộp. Sự bù đắp ấy chả thấm vào đâu! Êpônin theo Adema vào ngục.
Cuối cùng thì thằng Clacơxu mất tích trong lúc chúng bị giải đi từ nhà Gorbô đến trại giam La Forxơ. Không ai biết sự việc đã xảy ra như thế nào, đội viên cũng như đội trưởng đều nói “chẳng hiều trời đất gì” trong ấy. Nó đã biến ra mây khói, nó luồn qua khóa tay mà đi, nó đã chảy qua các khe hở của chiếc xe nứt đáy và đã chạy mất. Ở trong vụ này, có tiên thuật hay là cảnh sát thuật gì đấy. Clacơxu đã tiêu tan trong bóng tối như tuyết tan trong nước chăng? Hay là có sự đồng lõa kín đáo của nhân viên cảnh sát? Hoặc nó là cái cẩm nang mật hai mặt cảu trị an lẫn rối loạn? Cái thằng ấy cũng có thể là tâm điểm chung của tội phạm và trấn áp. Hay là một con quái bí mật, hai chân trước đặt trong tội ác, hai chân sau đứng trong uy quyền. Giave thì không chấp nhận những thu xếp kiểu ấy. Nhưng đội tuần tra của anh ta gồm một số thanh niên khác, dù là thuộc quyền anh ta nhưng lại được truyền đạt những bí mật của cảnh sát. Còn Clacơxu thì là một tên vô lại cỡ lớn cho nên cũng có thể là một nhân viên mật thám hạng cừ. Lẩn lút trong đêm tối tài tình như thế thì làm ăn cướp cũng cừ khôi mà làm mật thám xũng tuyệt diệu. Có những tên vô lại hai chiều cũng như có những con dao hai lưỡi. Dù sao thì cái thằng Clacơxu lạc mất cũng không sao tìm lại Giave lấy làm tức tối hơn là ngạc nhiên.
Còn về Mariuytx, cái “chú trạng sư ngốc nghếch đã hoảng sợ ấy” mà Giave quên mất tên, thì Giave chẳng thiết. Vả chăng anh trạng sư thế nào chẳng gặp lại. Thế nhưng chú ấy có phải chỉ là trạng sư thôi không?
Cuộc điều tra bắt đầu.
Viên dự thẩm nghĩ rằng miễn cho một tên trong bọn Patơrông Minét khỏi bị giam ngục tối, có lẽ có ích, vì có thể nhờ nó ba hoa mà dò ra manh mối. Tên đó là Bruygiông, cái thằng đầu tóc rậm rịt ở phố Pơti Băngkiê. Người ta tha cho nó ở sân Sáclơmanhơ và cho mật thám theo dõi.
Cái tên họ Bruygiông thì ký ức của nhà lao La Forxơ còn ghi nhớ. Trong cái sân ghê tởm của tòa Nhà Mới mà chính phủ gọi là sân Xanh Bécna, còn bọn trộm cướp thì gọi là chuồng sư tử, có một bức tường lớn gồ ghề loang lổ, ở bên trái, cao đến ngang mái nhà, gần cái cửa sắt gỉ dẫn dến điện thờ của tòa lầu công tước Đơ La Forxơ ngày nay làm nhà ngủ cho bọn kẻ cướp. Cách đây mười hai năm, người ta thấy trên bức tường ấy một công sự khắc thô vụng vào đá bằng đanh sắt, ở dưới có chữ ký:
BRUYGIÔNG, 1811
Tên Bruygiông năm 1811 này là bố của Bruygiông năm 1832.
Tên Bruygiông sau, mà chúng ta đã gặp trong vụ mai phục nhà Gorbô, là một thanh niên láu cá và nhanh nhẹn với dáng điệu bên ngoài đần độn và hay rên rỉ. Viên dự thẩm trông thấy hắn đần độn đã thả hắn, vì cho rằng hắn ở ngoài sân Sáclơmanh thì có ích hơn là ở trong buồng giam kín.
Bọn trộm cướp chẳng hề ngừng hoạt động khi ở trong nhà tù. Có gì đâu mà phải thay đổi. Vì một tội ác mà phải ngồi tù thì có cản trở người tù bắt đầu một tội ác khác đâu? Họ tựa như những nghệ sĩ đã có một bức tranh ở phòng triển lãm vẫn cặm cụi vẽ bức khác ở xưởng họa của mình.
Nhà lao hình như làm cho Bruygiông hóa dại. Có khi hàng giờ người ta thấy hắn đứng trong sân Sáclơmanh, bên cạnh cái cửa con của căngtin, nhìn đăm đăm cái bảng giá như một đứa đần độn. Cái biển thảm hại kia hi giá từ: tỏi, 62 xăngtim, đến xìgà 5 xăngtim. Hoặc là hắn đứng run, răng va cồm cộp, nói mình bị sốt và hỏi thăm xem trong số hai mươi tám cái giường dành cho người sốt rét, có cái nào còn trống.
Đột nhiên vào quãng nửa sau tháng hai năm 1882, người ta biết thằng Bruygiông ngái ngủ ấy đã cậy những người chạy việc trong nhà lao làm ba việc khác nhau cho ba người đồng bọn của hắn. Hắn đã tiêu năm mươi xu về việc ấy cho nên viên cai ngục chú ý về khoản chi tiêu quá lớn.
Người ta tìm hiểu. Tra cứu bảng giá thù lao các công việc chạy thư, mua sắm vặt vãnh yết ở buồng khách của phạm nhân, người ta biết rằng số tiền năm mươi xu ấy đã dùng để trả cho một người đi điện Păngtêông hết mười xu, một đi nhà thờ Vanđơ – Graxơ mười lăm xu và một cổng đi Grơnen hai mươi lăm xu. Việc sau cùng này được ghi giá cao nhất. Thế mà ở điện Păngtêông, ở Vanđơ – Graxơ và ở cổng Grơnen có ba tay đầu trộm đuôi cướp rất gườm là Cơruyđơniê, tức Bidarô, Glôriơ, tù khổ sai mãn hạn và Barơcarốtxơ. Sự việc này khiến cảnh sát lại chú ý đến chúng. Người ta đoán những tên này thuộc toán Patơrông Minét mà hai thủ lĩnh Babe và Gơlơme đã bị tống ngục. Người ta ước đoán những vật Bruygiông gửi đi không phải để trao cho những người có nhà cửa, mà để trao cho những người đợi ở ngoài đường phố và trong các vật ấy, có giấy mách bảo về một tội ác đang thai nghén. Còn có những dấu hiệu khác. Người ta tóm ba tên lang thang và người ta tưởng đã phá tan được cái âm mưu gì đó của Bruygiông.
Độ một tuần sau, một đêm trong khi tuần tra phòng ngủ tầng dưới của tòa nhà mới, viên giám thị đi tuần nhìn qua cái cửa con trông thấy Bruygiông đang ngồi viết gì đó trên giường, dưới ánh sáng của cây nến. Đó là vào giờ người tuần tra bỏ hạt dẻ vào hộp. Người ta dùng cách ấy để kiểm soát xem những viên giám thị có làm đúng phận sự không, cứ mỗi tiếng đồng hồ, phải có một hạt dẻ rơi vào mỗi hộp đóng ở các phòng ngủ. Viên giám thị vào phòng, phạt Bruygiông một tháng xà lim, nhưng không bắt được mẩu giấy hắn viết. Một vụ cũng không biết gì hơn.
Điều biết chắc là sáng hôm sau, có một “giọt nước bọt” ném từ sân Sáclơmanhơ sang chuồn sư tử, vòng cung qua mái nhà năm tầng nằm ngăn cách hai sân.
Tù nhân gọi “giọt nước bọt” là cái viên ruộ bánh mì nắm rất kỹ thuật mà chúng gởi “qua Airơlan” nghĩa là vượt qua mái một nhà lao để đi từ dân này qua sân nọ. Từ ngữ tầm nguyên: qua Airơlan nghĩa là vượt qua Anh Cát Lợi, từ đất này sang đất nọ. Viên bánh rơi trong sân, người nhặt được bẻ ra và tìm được một mảnh giấy viết cho một người tù ở trong sân. Nếu người bắt được là một người tù thì hắn sẽ trao thư đúng địa chỉ; nếu là một tên lính gác hoặc là một trong những tên tù bị mua chuộc làm ở các tù thường gọi là cừu, ở các nhà lao khổ sai gọi là cáo, thì mảnh giấy bị mang đến phòng lục sự hoặc giao cho cảnh sát.
Lần này, “giọt nước bọt” đến đúng địa chỉ, mặc dù người được thư đã bị giam giữ cách ly. Cái người nhận thư ấy chính là Babe, một trong bốn tay đầu sỏ của nhóm Patơrông Minét.
“Giọt nước bọt” đựng một mẩu giấy cuốn trong chỉ mang hai dòng chữ:
“Babe. Có một vụ đang làm ở phố Pơluymê. Chấn song nhìn ra vườn.”
Đó là cái mà Bruygiông viết trong đêm.
Bất chấp những ông và những bà soát xét. Babe vẫn tìm được cách gửi mảnh giấy từ nhà lao La Forxơ sang nhà lao Xanpêtơrie cho một “bà bạn tốt” của hắn bị giam ở đấy. Bà bạn này chuyển mảnh giấy đến cho một bà quen biết tên là Manhông, rất được cảnh sát chú ý nhưng chưa bị tóm. Cái mụ Manhông mà bạn đọc đã từng thấy tên, cái mụ ấy có những quan hệ với vợ chồng Tênacđiê, sau này sẽ được soi sáng. Mụ có thể đi gặp Êtôpin và như vậy là mụ bắc cầu giã nhà lao Xanpêtơrie và nhà lao Mađơlônnét.
Chính lúc ấy là lúc Êpônin và Adenma được phóng thích vì trong lúc xét hỏi Tênacđiê về con gái hắn, quan tòa không tìm thấy đủ bằng chứng để buộc tội chúng nó.
Mụ Manhông đứng rình ở cửa ngục Mađơlônnét, trao mảnh giấy cho Êpônin khi cô ả đi ra và cô ả làm sáng tỏ vấn đề.
Êpônin đi đến phố Pơluymê, trinh sát hàng song sắt và khu vườn, quan sát ngôi nhà, rình mò, xem kỹ, mấy hôm sau thì nó đến phố Clôsơpéc, nơi trú ngụ của mụ Manhông và đưa cho mụ ấy một chiếc bánh quy. Mụ Manhông mang chiếc bánh đến cho mụ nhân tình của Babe ở phố Xanpêtơrie. Một chiếc bánh quy, trong ngôn ngữ tượng trưng đen tối của các nhà tù có nghĩa là: Không có gì đáng làm.
Vì thế, không đầy một tuần sau, khi Babe và Bruygiông gặp nhau, Bruygiông hỏi: Thế nào đấy, phố P? – Bánh quy, Babe đáp. Đó là lúc hai đứa gặp nhau trên con đường đi tuần của nhà lao La Forxơ, một thằng đến phòng dự thẩm để cung khai, một thằng từ đó đi trở về ngục.
Cái bào thai tội ác mà Bruygiông có chửa trong nhà ngục La Forxơ đã bị đẻ non như thế đó.
Cái vụ đẻ non này mang những hậu quả nằm ngoài chương trình Bruygiông. Chúng ta chờ xem.
Nhiều khi tưởng rằng thắt nút một sợi chỉ, lại hóa ra thắt nút một sợi chỉ khác.

Truyện Những Người Khốn Khổ (2) LỜI GIỚI THIỆU PHẦN THỨ NHẤT - QUYỂN I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV QUYỂN II - Sa Ngã - Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 QUYỂN III- TRONG NĂM 1817-Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX QUYỂN IV -GỬI TRỨNG CHO ÁC- Chương 1 Chương 2 Chương 3 QUYỂN V -XUỐNG DỐC -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XII Chương XII Chương XIII QUYỂN VI - GIAVE -Chương 1 Chương 2 QUYỂN VII - VỤ ÁN SĂNGMACHIƠ -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VIII- Hậu Quả -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V PHẦN THỨ HAI - CÔDÉT
QUYỂN I - OATECLÔ- Chương I
Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI Chương XII Chương XIII Chương XIV Chương XV Chương XVI Chương XVII Chương XVIII QUYỂN II -CHIẾC TÀU ÔRIÔNG -Chương I Chương II Chương III QUYỂN III- GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT -Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN IV-CĂN NHÀ NÁT GORBÔ - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN V - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X QUYỂN VI - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX Chương X Chương XI QUYỂN VII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII QUYỂN VIII - Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX PHẦN THỨ BA - MARIUYTX
QUYỂN I -Chương I & 2
Chương III & IV Chương V Chương VI Chương VII Chương VIII Chương IX, X Chương XI , XII Chương XIII QUYỂN II - NHÀ ĐẠI TƯ SẢN - Chương I & II Chương III & IV Chương IV & V Chương VI & VII QUYỂN III - ÔNG VÀ CHÁU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & IX QUYỂN IV - NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C - Chương 1 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 QUYỂN V - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI - HAI NGÔI SAO GẶP NHAU - Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX QUYỂN VII- PATƠRÔNG MINET Chương I & II Chương III & IV QUYỂN VIII-ANH NHÀ NGHÈO BẤT HẢO- Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI Chương VII & VIII Chương IX , X Chương XI, XII Chương XIII, XIV Chương XV , XVI Chương XVII , XVIII Chương XIX Chương XX Chương XX (tt) Chương XXI & XXII PHẦN THỨ TƯ- TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
Quyển I MẤY TRANG SỬ - Chương I &II
Chương III Chương IV Chương V Chương VI QUYỂN II - Chương I Chương III & IV QUYỂN III- NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ Chương I Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII QUYỂN IV -NGƯỜI GIÚP MÀ CÓ THỂ LÀ TRỜI GIÚP-Chương I & II QUYỂN V -ĐOẠN CUỐI VÀ ĐOẠN ĐẦU KHÁC NHAU-Chương I & II Chương III & IV Chương V & VI QUYỂN VI -CHÚ BÉ GAVRỐT -Chương I Chương II Chương III QUYỂN VII Chương I Chương II Chương III Chương IV QUYỂN VIII Chương I Chương II Chương III Chương IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN IX -Chương I -HỌ ĐI ĐÂU Chương II Chương III QUYỂN X - Chương I - NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1832 Chương II Chương III Chương IV Chương V QUYỂN XI - HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÁO TÁP
Chương I & IIche en mảche)
Chương III & IV & V Chương VI QUYỂN XII - CÔ RANH
Chương I
Chương II Chương III Chương IV & V Chương VI Chương VII & VIII QUYỂN XVII - MARIUYTX TRONG BÓNG TỐI -
Chương I & II
Chương III QUYỂN XIV - NHỮNG NÉT VĨ ĐẠI CỦA THẤT VỌNG I
Chương I
Chương III & IV Chương V & VI Chương VII QUYỂN XV PHỐ LÔMÁCMÊ
Chương I
Chương II Chương III &I V PHẦN THỨ NĂM - Jean Valjean- QUYỂN I CHIẾN TRANH GIỮA BỐN BỨC TƯỜNG
Chương I
Chương II & III Chương IV Chương V Chương VI Chương VIII Chương X & XI Chương XII & XIII Chương XIV & XV Chương XVI Chương XVII & XVIII Chương XIX & XX Chương XXI Chương XXII & XXIII Chương XXIV QUYỂN II- RUỘT GAN CON QUÁI KHỔNG LỒ
Chương I & II
Chương III & IV Chương V QUYỂN III - BÙN ĐẤY, NHƯNG LẠI LÀ TÂM HỒN
Chương I
Chương II & III Chương IV & V Chương VI & VII Chương VIII & IX Chương X & XII Chương XIII QUYỂN IV - QUYỂN V - Chương I & II QUYỂN V - Chương III & IV Chương V - VI Chương VII & VIII QUYỂN VI- ĐÊM TRẮNG I
Chương I
Chương II Chương III & IV QUYỂN VII - DỐC CẠN CHÉN TÂN TOAN
Chương I
Chương II QUYỂN VIII- BÓNG NGẢ HOÀNG HÔN I
Chương I
Chương II & III Chương IV QUYỂN IX - ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG
Chương I & II
Chương III & IV Chương V Chương Kết