Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Chương 2

Nửa khuya ngày mười tháng sáu năm sau. Tuyết Hà lâm bồn. Đêm ấy Di Thân Vương phủ giới nghiêm cẩn mật. Trong phòng của Tuyết Hà, ngoài bà mụ, bà Phước Tấn, và cô Lan ra, không ai khác, ngay a hoàn tâm phúc của Tuyết Hà là Phỉ Thúy cũng không được phép vào.
Hơn hai mươi bốn giờ đau bụng, Tuyết Hà mới sinh. Sự đau đớn làm người nàng lả đi. Bây giờ Tuyết Hà mới biết là niềm vui của cuộc sống bao giờ cũng bắt đầu từ nối đau tuyệt đỉnh. Cái đau tưởng chừng như chết đến nơi, nhưng Tuyết Hà đã không chết.
Sau cơn đau, Hà đã nghe thấy tiếng khóc.
- Oa! Oa! Oa! Oa!
Tiếng khóc của trẻ thơ. Không có âm thanh nào kỳ diệu như vậy. Người Tuyết Hà lả chả mồ hôi. Tuyết Hà đã chìa tay xin bà Phước Tấn:
- Mẹ! Cho con nhìn một chút đi! Mẹ! Con trai hay con gái vậy?
Bà Phước Tấn đã không trả lời, bà hạ lệnh cho mụ đỡ đẻ:
- Mang nó đi.
- Vâng
Bà mụ đỡ đẻ đáp và định mang đứa bé đi.
Tuyết Hà hoảng hốt:
- Mẹ! Mẹ! Ít ra mẹ phải cho con nhìn nó một lần chứ? Cho con nhìn một lần thôi!
- Không được! Muốn dứt phải dứt ngay từ đầu, con không nên nhìn thấy nó!
- Mẹ! Tuyết Hà quay lại, định nhảy xuống giường
– Mẹ đã từng làm mẹ, mẹ hiểu… Sao mẹ lại ác thế… Mẹ thương con, mẹ hãy cho con nhìn nó một lần thôi, rồi con sẽ không nhắc, không hỏi gì đến nó nữa. Mẹ!
Bà Phước Tấn mềm lòng.
- Thôi được, nhưng chỉ lần này thôi nhé!
Và bà quay sang bà mụ:
- Mang nó trở lại đây.
Bà mụ mang đứa bé lại gần giường, đưa ra cho Tuyết Hà. Tuyết Hà nhổm người dậy cố nhìn.
Đứa bé sơ sinh còn đỏ hỏn, nhưng đôi mày đã có nét thanh tú, chiếc miệng nhỏ. Đôi mắt với những cọng lông mi dài. Chắc chắn là mắt nó phải đẹp. Tuyết Hà nghĩ, lớn lên hẳn phải giống A Mông lắm, nhưng nó là trai hay gái đây? Đứa bé bụ bẫm quá. Tuyết Hà đưa tay lên định vuốt lấy đôi chân nhỏ xíu nhưng bà Phước Tấn đã đậy tấm chăn lại nói:
- Thôi đủ rồi! Mang đi đi!
Bà mụ vội bế đứa bé đi, Tuyết Hà đau khổ, đưa tay lên:
- Cho con ngắm thêm chút nữa đi. Hãy cho con ngắm thêm một chút đi mẹ!
- Tuyết Hà! Bà Phước Tần chụp lấy bàn tay con gái – Con nên biết là từ đây về sau, mãi mãi không bao giờ con gặp nó. Vậy tại sao không nghĩ là mình không có nó? Hỏi mà làm gì? Nhìn mà làm gì? Biết con trai hay con gái để làm gì? Ích lợi gì đâu?
Bà mụ đã mang đứa bé đi. Tuyết Hà đau khổ, rã rời. Nàng nắm lấy tay mẹ, nghẹn ngào:
- Mẹ! Con đã làm theo ý mẹ. Con sẽ không hỏi han gì đứa bé. Trai hay gái mặc kệ, nhưng mẹ phải hứa với con một điều… là mẹ phải để cho nó sống. Mẹ không được giết nó. Mẹ có thể giao nó cho một người nào đó hoặc cho giáo hội hoặc cho nhà chùa nuôi dưỡng. Tóm lại nó phải sống. Mẹ hứa đi!
Bà Phước Tấn bàng hoàng nhìn con. Tuyết Hà rõ là thông minh. Con bé đã tiên liệu mọi thứ. Vương Gia là người cứng cỏi, người không muốn để lại bất cứ vết tích ô nhục nào.
- Mẹ! Con lạy mẹ! Con van xin mẹ mà!
Tuyết Hà thấy bà Phước Tấn đứng yên, sợ hãi tiếp:
- Mẹ hãy cứu lấy con của con. Dù gì nó cũng là dòng máu của con, nó là cháu ngoại của mẹ cơ mà.
Bà Phước Tấn đứng bật dậy. Bà vội vã bước nhanh ra cửa
Từ đấy, Tuyết Hà không biết gì đến đứa bé. Bà Phước Tấn cũng không nhắc đến. Vương Gia thì dĩ nhiên yên tâm. Chắc chắn đứa trẻ kia đã được “thanh lý” xong rồi.
Đứa con của Tuyết Hà, giống như người chồng ngày nào đã cùng Hà bái thiên địa trong Ngọa Phật Tự, thoắt hiện rồi biến nhanh, chỉ để lại dấu ấn trong lòng nàng.
°
Mùa đông năm ấy một lễ cưới được tổ chức long trọng trong hoàng cung. Tuyết Hà lên kiệu hoa để về làm dâu nhà họ La như giao ước.
Lễ cưới lớn chưa từng có. Cung nữ với những chiếc áo sặc sỡ. Đám rước đứng dài hai bên đường. Những chiếc kiệu hoa sơn son thiếp vàng, những trái châu đầy mầu sắc. Tuyết Hà trong chiếc áo thêu rực rỡ, đầu đội mão cô dâu, đầy châu ngọc, ngồi trên kiệu. Tiếng kèn, trống phên la inh trời. Tiếng pháo nổ không ngớt. Phỉ Thúy với tư cách a hoàn trung thành theo hầu chủ, cũng mặc áo mới thêu hoa đi cạnh kiệu. Từ đây về sau họ sẽ là người nhà họ La.
Cái không khí tưng bừng đó mang lại cho mỗi người một ý nghĩa…
Lễ bái thiên địa, bái cao đường, phu thê giao bái, rồi động phòng.
Buổi tối, dưới ánh hồng lạp, đêm hoa chúc tỏa ngát hương trầm.
Hôm ấy, La Chí Cang uống nhiều rượu, nhưng chưa say. Người thanh niên mười chín tuổi (lớn hơn cô dâu một tuổi), cảm thấy lòng lâng lâng niếm vui, sắp được làm chồng một Quận chúa, sắp là rể của Di Thân Vương.
Nhớ lại trước đó, khi đính hôn, mẹ Cang đã tìm cớ ghé qua Vương phủ, lúc về người đã khen không tiếc lời.
- Cô nàng Quận chúa đó ư? Mắt to, da như bông bưởi… đúng là một người đẹp, mẹ thấy đã hài lòng. Đó là chưa nói cô ấy ăn nói lại nhỏ nhẹ, lễ phép… Con nhà gia giáo chừng mực có khác.
Chí Cang ngay từ năm mười sáu đã biết sau này mình sẽ là chồng Quận chúa. Đây không phải lần đầu tiên nhà họ La thông gia với Vương quyền, ngay ông nội của chàng cũng đã từng cưới cô Quận chúa thứ mười một của Tịnh Thân Vương phủ.
Gia đình họ La và Vương thất có mối dây liên hệ mật thiết, chính vì vậy mà người họ La đã bao phen làm quan to trong triều. Nhờ vậy mà nội cố của Chí Cang mới dựng được một cơ nghiệp lớn ở Thừa Đức. Năm nào hè đến, ông cũng cùng Vua về điện mùa hè nghỉ ngơi, cùng Vua tiếp đón sứ thần nước ngoài.
Nhà họ La là một Vọng tộc, La Chí Cang từ nhỏ đã được giáo dục cả văn lẫn võ.
Chàng được dậy cưỡi ngựa, bắn cung, luyện đao, súng, binh pháp, văn thơ. Có điều Chí Cang thích học võ hơn văn. Người chàng vì vậy khỏe mạnh hơn bạn cùng lứa.
Năm Cang cưới vợ, triều Mãn Thanh đang hồi suy sụp. Nhưng đây là chuyện người lớn. Còn ở đây, Chí Cang vốn tuổi trẻ đầy sinh lực, vẫn ngập đầy lý tưởng, ước mơ.
Cái hạnh phúc lý tưởng đó tiếc thay lại biến mất khi Chí Cang cưới vợ. Bất hạnh đến, không biết có phải do Tuyết Hà mang lại không? Đêm hoa chúc hôm ấy… với sự hiện diện của phù dâu, Chí Cang đã hồi hộp mở mạng che mặt của cô vợ mới cưới.
Tuyết Hà ngồi đấy, yên lặng, mặt cúi xuống không nụ cười.
Nhưng… Cô dâu đẹp quá! Chí Cang thấy quả tim đập mạnh. Mẹ không dối, Quận chúa rõ tươi mát! Một nhan sắc tuyệt vời. Chí Cang muốn reo lên. Chàng ngẩn ra, trong khi các cô phù dâu mỉm cười dâng mâm rượu lên.
- Mời cô dâu chú rể nhắp chén giao bôi. Rồi họ cúi chào:
- Xin phép cho đám nô tì rút lui.
Họ ra ngoài, chỉ còn độc một a hoàn.
- Xin bái kiến La thiếu gia, con là Phỉ Thúy, theo hầu Quận chúa. Con cũng xin được ra ngoài.
Phỉ Thúy liếc nhanh về phía Tuyết Hà, rồi đi ra.
Tuyết Hà ngồi đấy, mồ hôi vã người, nàng len lén nhìn về phía Chí Cang, người thanh niên trẻ tuổi, đẹp trai, oai vệ. Chàng chưa hề biết gì, cái cười rạng rỡ sung sướng vô tư của chàng làm Tuyết Hà nhói đau. Đàn bà trung kiên không thể có hai chồng. Ta đã từng làm lễ bái Trời với A Mông, sao lại động phòng với Chí Cang chứ?
Bất giác Tuyết Hà đưa tay sờ vào cái túi thắt lưng, nàng nhớ lại lời dặn của mẹ nàng. Tuyết Hà liếc nhanh về phía giường. Trên tấm nệm nhung đỏ, có một khoảng vải màu trắng theo hình đôi uyên ương giỡn nước. Nàng hiểu, cái khoảng vải trắng kia được dùng làm gì? Đó chẳng qua chỉ để xác nhận cái trong trắng của cô dâu.
Ngọn hồng lạp bừng cháy, Chí Cang đang đặt tay lên vai Tuyết Hà. Hành động đó của Cang làm Tuyết Hà rùng mình. Khuôn mặt trẻ đang sung sướng. Không được! Ta không thể lừa dối.
Tuyết Hà chợt bậm môi, nàng quyết định ngay, và vội quỳ xuống trước mặt Cang.
- Em làm sao vậy?
Chí Cang giật mình hỏi. Tuyết Hà run run đôi môi:
- Em xin lỗi. Nhưng em cần phải thú nhận với anh một điều.
- Điều gì?
Chí Cang lúng túng. Mẹ đâu có dạy là trong đêm tân hôn, cô dâu sẽ quỳ thế này đâu? Ngay lúc đó Tuyết Hà móc chiếc túi nhung trong thắt lưng ra.
- Đây là thứ mà mẹ đã chuẩn bị cho em. Bên trong có một chiếc lọ nhỏ. Tuyết Hà mở túi lấy chiếc lọ ra, tiếp – Chỉ cần bấm nhẹ là nắp lọ sẽ mở ra…
Chí Cang nghe Hà nói mà hoàn toàn không hiểu. Hà yên lặng, lại tiếp:
- Cái chất nước trong lọ này, nó hoàn toàn giống hệt như cái mà anh cần, nó sẽ chứng minh là … em vẫn còn trinh.
Chí Cang bàng hoàng. Còn trinh? Điều này Cang biết. Trước khi lấy vợ, mẹ đã dặn. Chí Cang mở trừng mắt nhìn người vợ mới cưới.
- Em có thể yên lặng làm theo lời mẹ đã dặn. Có thể lựa lúc thích hợp, mở nắp lọ ra và mọi thứ sẽ đánh lừa được hết…Nhưng mà em không thể làm như vậy được. Em không muốn lừa dối anh, làm thế là bất trung…
Chí Cang đẩy Tuyến Hà qua một bên lớn tiếng:
- Em nói thế là thế nào?
- Em không giấu anh, em đã có chồng, có điều, cha mẹ em không đồng ý, đã ngăn cản chúng em…
Chí Cang đứng ngẩn ra như tượng đá. Có tiếng sét nổ lùng bùng trong đầu. Một sự kiện ngoài sức tưởng tượng của chàng. Người vợ mới cưới… Một Quận chúa, lại có thể như vậy được sao? Chợt nhiên Chí Cang chạy xông ra ngoài, chàng đi thẳng đến phòng cha mẹ hét lớn:
- Cha! Mẹ! Con không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Con không muốn! Cha mẹ hại con, cha mẹ làm nhục cả đời con à?
°
Ngay tối hôm ấy, ông bà Vương gia được mời đến phủ họ La.
Trong tòa Đại sảnh, hồng lạp vẫn còn cháy đỏ, trên một chiếc bàn kê ở sát tường có một mảnh khăn vuông, trên đó có một gói vỉ nhung. Tuyết Hà quỳ bên cạnh.
Vương gia nhìn Tuyết Hà với ánh mắt giận dữ, rồi như không dằn được ông bước tới đạp mạnh Hà một cái, hét:
- Sớm biết thế này tao đã để cho mày chết đi cho rồi. Sống làm gì? Chỉ để nhục cho cha mẹ!
La đại nhân ngồi gần đấy, mặt lạnh như tiền:
- Vương gia này, ai cũng đã làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình được phần tốt. Nhưng con gái Vương gia đã như vậy, sao lại đưa vào nhà chúng tôi? Có phải thiệt thòi cho chúng tôi quá không?
Vương gia đỏ mặt, người thấy xấu hổ vô cùng. Trong lúc đó Chí Cang bước đến nói với cha mẹ ruột:
- Cha mẹ! Con không muốn có một con vợ như vậy, hãy bảo Vương gia mang cô ta về. Con không cần thứ cặn bã đó đâu.
Tuyết Hà ngồi yên, không dám nhìn lên, nói:
- Con biết tội của con. Cha mẹ phân xử sao tùy ý.
- Phân xử à? Sao lại dùng từ nặng nề thế? La phu nhân nhìn Tuyết Hà cười. Chưa bao giờ bà thấy bị xúc phạm như vậy. Bà giận dữ nói – Cô đã dám thú thật cái xấu xa trong đêm hoa chúc, không phải cô tốt mà là cô đã có mưu đồ. Cô nghĩ là rồi khi giận dữ, chúng tôi sẽ trả cô về gia đình ư? Và như thế hợp với tính toán của cô? Để cô có thể sống với người tình danh không chính ngôn không thuận của mình mà không phải lo lắng gì nữa, phải không?
Tuyết Hà giật mình nhìn lên. Trong khi bà Phước Tấn nói:
- Chị thông gia, cái chuyện này nó làm cho cả hai gia đình ta đều xấu hổ. Thật ra lỗi tôi cả. Tôi không biết giáo dục con mới có chuyện này. Thôi thì… mẹ con của vú Châu dù gì đã bị chúng tôi đầy ra biên ải, người ngoài cũng chưa ai biết, chị rộng lượng, chị hiểu cho, tôi có làm chuyện như vậy cũng bởi vì thương con.
La đại nhân cắt ngang:
- Bà Phước Tấn, bà biết chuyện Tuyết Hà vượt vòng lễ giáo là một chuyện xấu, vậy sao còn lừa gạt chúng tôi? Đẩy quả trứng thối đó cho chúng tôi gánh chứ?
Vương gia quay nhanh lại:
- Thôi được rồi. Tôi biết quý vị muốn gì. Tôi sẽ mang Tuyết Hà về là xong.
- Đâu dễ như vậy? La phu nhân nói. Tuyết Hà đã gả sang nhà họ La này thì nó là người họ La, không ai được mang đi đâu hết.
Vương gia bối rối:
- Vậy thì quý vị định sao?
La phu nhân nghiêm chỉnh:
- Vương gia hãy nghĩ kỹ đi. Cái đám cưới sáng nay thế nào? Cả thành phố Bắc Kinh này ai cũng đều biết là nhà họ La và Di Thân Vương phủ đã kết thân. Từ Hoàng Đế cho đến hạ dân ai cũng trông thấy hôn lễ. Bây giờ không thể để dư luận bôi nhọ. Có thể Vương gia dễ dãi chấp nhận, nhưng chúng tôi thì không muốn chuyện đó xảy ra.
- Ý quý vị là sao?
- Tuyết Hà phải ở lại đây! La phu nhân lạnh lùng nói – Đã cử hành hôn lễ thì Tuyết Hà đã là dâu nha họ La. Từ đây về sau yêu cầu quý vị đừng can thiệp vào. Riêng Tuyết Hà… La phu nhân bước tới trước Tuyết Hà, bà chăm chú nhìn cô dâu tội lỗi đang phủ phục trước mặt – Cô nghe tôi nói đây. Nhà họ La này có chứa cô, chỉ là chuyện bất đắc dĩ, cô làm chúng tôi nhục, đó là cái tội khó có thể tha thứ. Cô phải ở lại đây, từ đây về sau phải tuân theo sự sai bảo của chúng tôi.
Chí Cang không đồng ý bước tới hét:
- Không! Mẹ. Con kinh tởm cô ấy, con không chấp nhận một người đàn bà thất tiết làm vợ, nhục lắm.
Lời của Chí Cang làm Tuyết Hà tái mặt, trong khi La đại nhân nói:
- Chí Cang, mẹ con nói đúng, nhà họ La chúng ta không thể bẽ mặt. Con không chấp nhận Tuyết Hà làm vợ thì cũng để cô ấy ở lại đây, riêng về thiệt thòi của con, cha mẹ sẽ đền bù. Sau nay con có thể cưới năm thê bảy thiếp cha mẹ cũng sẽ không có ý kiến gì đâu.
Vương gia nhìn Tuyết Hà thở dài, ông chợt rùng mình. Linh cảm cho thấy, tương lai của Tuyết Hà quá tối tăm. La phu nhân vỗ vai Tuyết Hà bảo:
- Lại đây nào.
Tuyết Hà nhích người đến gần. La phu nhân tiến tới chiếc bàn nhỏ mở rộng mảnh khăn vuông ra. Bên trong là một thanh mã tấu sáng loáng.
- Bây giờ trước mặt cha mẹ ruột cô và người của ta, cô phải chặt đứt một lóng tay và thề từ đây đoạn tuyệt với quá khứ và giữ đúng phận dâu hiền vợ thảo.
Bà Phước Tấn giật mình:
- Sao vậy? Tại sao phải chặt đứt tay. Thề không không được à?
Nhưng La đại nhân lạnh lùng:
- Đây là luật của nhà họ La. Quý vị cần biết, Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, nhập gia phải tùy tục.
Lời của ông bà họ La bén như lưỡi thanh mã tấu. Vương gia đành bất lực, Tuyết Hà nhìn thanh đao với đôi mắt mở to. Thôi thì chết vậy! Nàng nghĩ, chỉ cần thọc mũi dao kia vào lồng ngực là mọi chuyện sẽ xong tất. Nhưng rồi lời của A Mông lại như văng vẳng bên tai:
“Lá Phong nhuốm sương lá phong đỏ
Hoa Mai gặp tuyết mới tỏa hương”
Phải nhẫn nại, phải chịu đựng! Tuyết Hà cầm thanh mã tấu lên. Không! Ta không thể chết được! Nàng đứng thẳng người nói:
- Tuyết Hà xin lấy máu thề. Từ đây về sau nguyện làm dâu hiền vợ thảo, để chuộc lại lỗi lầm cũ.
Tuyết Hà nói xong, hạ nhanh lưỡi dao, một lóng tay văng ra. Tuyết Hà thấy đau buốt, nàng hét lên rồi không biết gì cả.
°
Chuyện chặt ngón tay của Tuyết Hà, mấy ngày liền sau đấy cữ mãi ám ảnh Chí Cang. Cái khuôn mặt tái xanh của Hà, đôi mắt mở to buồn buồn. Và nhất là cái thái độ gần như quyết liệt, dứt khoát của cô gái cho thấy Hà không phải yếu đuối. Sức mạnh nào khiến Hà hành động như vậy? Sức mạnh nào, Chí Cang không hiểu. Cang càng không hiểu hơn… Sao Hà lại dám thú nhận sự thất tiết của mình trong đêm tân hôn.
Tại sao Tuyết Hà làm như vậy? Đâu có ai bức mà khai? Chí Cang càng nghĩ càng không hiểu. Càng nghĩ thấy càng thua, thua nặng. Mà càng thấy mình kém thì càng giận. Cang thấy giận cái thành thật, cái can đảm tự thú… cái… đúng rồi. Tuyết Hà đã dựng lên những cái đó để Cang đừng đụng đến người nàng… Để Cang kinh tởm, đó là một hình thức tự bảo vệ… À…
Trên danh nghĩa Tuyết Hà đã là vợ. Nàng đã cố tránh né ta, phải chăng… phải chăng là để… thủ tiết cho một người đàn ông khác? Chí Cang tự hỏi. Càng nghĩ Cang càng thấy giận.
Thế là một buổi tối, cách ngày cưới khoảng ba tháng, Chí Cang uống rượu say rồi xong vào phòng của Tuyết Hà.
- Thiếu gia! Phỉ Thúy đứng chặn trước giường Tuyết Hà hỏi – Thiếu gia định làm gì thế?
Chí Cang chụp lấy tay Phỉ Thúy đẩy ra ngoài:
- Mày hãy cút khỏi đây!
Tuyết Hà giật mình, lồm cồm ngồi dậy. Nàng lấy chăn chặn trước ngực. Hành động đó càng khiến Chí Cang điên tiết. Chàng chụp lấy khăn ném qua một bên.
- Tao thù mày! Thù mày! Chí Cang vừa nói vừa chồm tới hét – Tại sao mày không sử dụng cái thủ thuật của mẹ mày? Tại sao mày lại nói thật cho tao biết? Cái thằng đàn ông kia là ai? Hắn hơn tao à? Tại sao mày lại tôn sùng hắn như vậy? Nói đi! Nói đi!
Chí Cang chụp lấy đôi vai Tuyết Hà lắc mạnh.
- Em xin lỗi. Tuyết Hà run rẩy nói – Anh hãy buông em ra, em biết em không phải với anh… Anh hãy coi em như một con tôi tớ.
- Mày không phải là tôi tớ, mày là vợ của tao.
- Đừng! Đừng! Tuyết Hà chống chả - Anh đừng có…
“Bốp” Chí Cang giận dữ tát cho Hà một cái tát như trời giáng:
- Mày muốn thà làm đầy tớ… Mày không muốn làm vợ. Đúng không? Hử … không dễ dàng như vậy đâu. Tao không để cho mày toại nguyện đâu. Mày đã làm đảo lộn cuộc sống trong gia định này, mày bóp chết niềm vui của tao. Tao thù mày, hận mày… Chưa bao giờ tao lại thấy giận, thấy thù ai như vậy. Tao phải hành hạ mày cho bõ ghét.
Chí Cang vừa hét, vừa cưỡng đoạt. Tuyết Hà chỉ cắn răng, nàng chịu đựng mọi thứ… Nước mặt ràn rụa, nước mắt làm nhạt nhòa mọi thứ, chỉ còn một nỗi đau bất tận trong lòng.
°
Ngày hôm sau, Tuyết Hà cùng Phỉ Thúy đến Ngọa Phật Tử.
Quý trước tượng phật. Tuyết Hà đau khổ nói:
- Nam mô a di đà phật. Người là chứng nhân cho cuộc hôn nhân của con với A Mông. Nhưng người đã thấy đó, con không làm sao giữ tiết được cho chàng. Không những thế, từ đây về sau… có lẽ còn biết bao ngày đau khổ. Phật ơi! Người hãy giúp con. Hãy truyền đạt nỗi đau của con cho chàng biết. Xin người hãy giúp sức mạnh để con làm đúng theo lời chàng dặn. Cố nhịn nhục mà sống, vâng, chỉ có sống mới còn hy vọng. Rồi một ngày nào đó sẽ gặp lại nhau… Được gặp nhau là mãn nguyện rồi. Hãy nói với chàng, không bao giờ… sẽ không bao giờ con quên chàng.
Tuyết Hà vừa nói vừa khóc.
Phỉ Thúy quỳ bên cạnh, cũng không cầm được dòng lệ.