Tình thật, có bóng dáng của sự lo lắng, hồi hộp bước đầu nơi những người tổ chức cuộc thi. Yêu cầu đặt ra: người việc tốt và phải thật, thể hiện văn vẻ và ngắn gọn (không quá 800 chữ). Liệu có bao người thích ứng với sự hài hoà của yêu cầu đó?! Một tuần, hai tuần sau ngày phát động, vẫn chưa hết hồi hộp. Bài gửi về vẫn cứ lác đác. Ở tuần thứ ba thì yên tâm thở phào. “Tâm hồn cao thượng” như một dòng chảy dồn dập ùa về toà soạn.“Đây là một câu chuyện có thật 100% xảy ra ở xã tôi đã lâu, nhưng cứ đọng lại mãi trong tôi…” “Nhân vật trong bài là một người bạn ở cơ quan mà tôi xin mạn phép dấu tên. Tôi muốn làm sao cho mọi người biết đến việc anh ấy đã làm - một việc khiến tôi xúc động bấy lâu nay”…Chẳng có yêu cầu phải trần tình, nhưng nhiều người dự thi đã tự động viết những lời phi lộ như trên. Viết, không chỉ để thuyết minh chứng tỏ chất thật cho bài thi. Viết, như một sự giải bày, tâm tình. Sâu xa hơn, viết nhằm phổ biến ngợi ca và kiếm tìm sự đồng cảm, chia sẻ về lối sống đẹp.Về mặt tâm lý, có lúc, có nơi, không ít người hoang mang nghĩ rằng, cái xấu, cái tiêu cực bây giờ sao mà nhiều thế. Chúng như những hòn đá tuyết, lăn và lớn dần ra, lấn át cái đẹp cái tốt. Cuộc thi là một chứng minh ngược lại. Người dự thi, ở khắp tỉnh thành. Miền núi, xa xôi, như Lai Châu – cũng có một. Đa số viết một bài, hai bài, cá biệt có người đến tám bài, dưới dạng mẫu chuyện, tuỳ bút, ngụ ngôn. Các bài viết là sự ghi nhận từ thực tế quanh mình: giữa đời sống ồn ào, xô bồ, cái thiện vẫn tồn tại lặng thầm với muôn hình vạn trạng. Điều cốt lõi ở đây, sự chắt lọc đãi cát tìm vàng. Với tấm lòng, với niềm tin, vàng tìm thấy cũng không phải là ít.Khoảng 500 bài thi – 500 sự ghi nhận và chắt lọc từ bao tấm lòng. Chỉ 1/10 bài trong số này được giới thiệu trên mặt báo, không có nghĩa là số đông rơi vào sự chắt lọc sai lệch. Đúng cả đấy thôi! Chỉ do khuôn khổ trang báo có hạn và cũng có phần dù trái tim rung động, nhưng nếp tư duy văn chương chưa thành thói quen ở anh, ở chị, ở em, ở những ai chưa hề một lần cầm bút viết báo, viết văn. Thỉnh thoảng, ở cương vị giám khảo, tôi cũng mạnh tay gác đi vài bài viết đọc rất hay, nhưng thiếu cái thần đời thực. Bù lại, cứ tiếc nuối, vương vấn nhiều bài viết về những con người, sự việc rất xúc động, nhưng thể hiện rối rắm, không tài nào sửa được. Chẳng có lời an ủi, động viên nào cho số đông này. Chỉ một lời rất thật: dù bài viết không được đăng, nhưng ít ra tác giả của nó cũng đã trải hết lòng mình ra cho cái đẹp.Cuộc thi khép lại với ý nghĩa gợi mở. Còn dòng chảy thiện vẫn chưa ngừng. Xin những ai đã hết lòng vì cái đẹp, lại tiếp tục sự chắt lọc, nâng niu và quảng bá cái đẹp trong đời, thay vì trên trang giấy. Chỉ có thế, những hòn đá tuyết xấu xa mới thôi phát triển, để mỗi chúng ta vững lòng bước đi giữa đời cùng lời ca: cuộc đời vẫn đẹp sao!L. Đ. T.