Dịch giả: Ngọc Thứ Lang
Chương 1

Con đường nhỏ hẹp, dãy phố nhà tầng cho mướn 2 bên lại quá cao nên coi hệt như khe núi. Lế đường lát đá xanh, trẻ con bên nào lề bên nấy phân minh. Đang nô đùa ồn ào, bọn chúng bảo nhau dừng để ngây người đứng ngó.
Đó là lúc Larry Angeluzzi thúc con ngựa ô đen láng đi trước, mở đường cho chuyến xe lửa tà tà bám theo. Trời chạng vạng tối, tay hắn vung vẩy cây đèn đỏ. Vó ngựa gõ lộp cộp nghe ròn rã, mấy cái móng sắt đập chan chát vào đường ray tóe lửa. Làm sao dân xóm đại lộ số 10 không chú ý được? Quả nhiện, sau người ngựa và đèn là cả một chuyến xe chở hàng dài thậm thượt rùng rùng từ nhà ga Saint John đường Hudson bò tới.
Năm đó là năm 1928, Sở Hỏa xa Nữu Ước còn phải mượn đường thành phố để xuôi Nam ngược Bắc, cho các chuyến hàng lên xuống băng ngang giữa các xóm đông dân, nên mới phải dùng một số trai tráng cưỡi ngựa đi trước lo mở đường. Chỉ vài năm sau, xây thêm một cây cầu nối băng ngang là hết sợ đụng chạm.
Có lẽ không biết cái nghề cưỡi ngựa mở đường cho xe lửa chạy này nhiều lắm là vài năm nữa sẽ cáo chung và người cưỡi ngựa cũng sắp thành một món đồ phế thải chẳng ai thèm nhắc tới nên cậu Larry mới hiên ngang thế kia chứ? Ngồi thẳng đứng trên yên ngựa hung hăng cứ như cao bồi miền Viễn Tây vậy!
Bộ quần áo hãng phát nhìn cũng ngon nữa: áo vét dạ trắng, mũ nỉ đen rộng vành gắn đầy huy hiệu Hỏa xa, chiếc quần dài dạ xanh ống rộng nhưng được kẹp cứng nơi mắt cá bằng chiếc kẹp của người chạy xe máy coi láng coóng.
Tối nay là tối mùa hè ấm áp, cậu Larry thúc ngựa cho chạy lộp cộp trên đường đá. Khỏi bận tâm mở đường… vì giờ này dân xóm này quen lệ tụ họp từ lâu. Đàn bà thì xách ghế ngồi từng đám kể chuyện tào lao. Đàn ông thì chỉ đứng đầu đường tán gẫu và kéo khói xì gàn rẻ tiền Di Nobili. Thây kệ đám con nít chạy chơi với mấy toa xe lửa. Chẳng là thấy những toa xe chở hàng trống rổng, tối nào chẳng rề rề chạy ngang, chúng đua nhau nhảy lên nhảy xuốnggiỡn chơi cho vui. Đoàn xe cứ thề chảy dưới ánh đèn hiu hắt, thỉnh thoảng mới gặp một khúc đường được mấy bóng đèn cửa tiệm chiếu ra sáng trưng. Cứ tới ngã tư là đỡ khổ cho cả người lẫn ngựa và xe; ngọn gió sông Hudson từ đại lộ số 12 thổi bật lên, làm mát mặt người, mát cả máy xe trong khi chiếc đầu máy đen xì nhả từng hồi còi tút.. tút..
Tới ngà tư số 27 thì nguyên một bên đường phía tay phải Larry bổng trống lổng. Đó là một khu công viện Chelsea rộng thênh thang với những lùm cây thấp lè tè, giờ này con nít ngồi đầy bãi coi hát bóng thì Larry liế nhìn. Tối nay chiếu phim cao bồi nên trên màn ảnh khổng lồ bỗng hiện sừng sững một anh hùng Viễn Tây giữa ánh nắng chói lòa phi ngựa rầm rập nghe như sấm. Hình ảnh lại lớn khủng khiếp nên ngựa của Larry đâm sợ hoảng, suýt lồng lên nếu không kịp thời tới ngã tư đường số 28bắt đầu có dãy nhà tầng che khuất.
Gần đến nhà rồi. Đại lộ số 10 vốn có cây cầu nổi dành cho khách bộ hành băng ngang ở chổ tiếp giáp đường số 30. Tới đây là tới nhà, chung quanh đây toàn bà con quen biết nên cưỡi ngựa hàng ngày cũng phải cưỡi sao cho ra vẻ. Ngồi phải rõ thật thẳng, mũ phải kéo lệch sang bên mới hách!
Ngựa Larry lộp cộp chạy dưới dạ cầu. Nó ngước nhìn lên đám con nít đang bám thành cầu nhìn xuống và điệu nghệt cất tay chào. Kìm cứng cương ngựa, coi tay phải không có ai… Larry mới giật cương cho ngựa rẽ vào khu đất trống nhà ga. Gọi là đất trống vì không có nhà cửa nhưng mặt đất đầy những đường ray chạy ngang dọc, chạy tuốt tới bờ sông Hudson.
Sau lưng Larry dĩ nhiên là đoàn xe. Chiếc đầu máy khổng lồ tuôn phì phì những khói và hơi nước… làm khuất lấp tất cả những gì ở phía sau. Cầu nổi hay con nít cũng biến đâu mất tiêu, chỉ còn lại những tiếng reo hò vút cao trên nền trời đêm. Chừng đầu máy kéo những toa xe lượn vòng hẳn vào trong sân ga mới lại nhìn thấy cây cầu với đám con nít ướt đẫn hơi nước đua nhau chạy nhảy tíu tít dọc theo đại lộ.
Đến túp chòi của lão bẻ ghi, Larru dừng ngựa lại, xuống buộc cẩn thận vào cây cọc trước khi ngồi bật ngửa ra băng ghế kế sát vách. Ngồi đây nhìn thấy hiện ra như trên màn bạc cả một thế giới quen thuộc từ ngày xửa ngày xưa. Ngay bên kia đại lộ chứ đâu?
Kia là cửa hàng bánh ở góc đường số 30, con nít bu đen nghẹt quầy bán càrem. Lão chủ tự tay xúc từng ly giấy lớn càrem ba màu: vàng, trắng, đỏ… Xúc mạnh tay lắn vì bây giờ người già lớn rồi, người dám đi trường đua quăng đi không hết kia mà?
Cạnh tiệm bánh nghó ra đường số 31 là tiệm chạp phô, tủ hàng treo la liệt những thỏi xúc xích to như cây củi, phía dưới bày ê hề những mảng phó mát tổ bố, những tảng d8m bông khổng lồ, bọc giấy xanh đỏ. Bên cạnh là tiệm cắt tóc giờ này nghĩ làm nhưng đánh bài mới khởi sự. Tuy nhiên, ông chủ vẫn đứng tỉnh táo nhìn, thấy cái đầu mới nào đi ngang mà không phải thân chủ cây kéo của ông là ông buồn rồi.
(...thiếu 3 trang...)
Ô hay, còn con Octavia đi đâu thế kia? Thoáng thấy bóng nó xẹt ngang góc đường 30, đi ngang tiệm bánh chỗ quầy ngoài bày la liệt những "xăng uých" và càrem. Nhưng tự nhiên mắt Lucia Santa hoa lên. Mỗi lần thấy cửa tiệm bánh này là mụ không thể không tức ói máu.
Xem, vợ chồng thằng cha đó là thứ gì mà bạc đồng chất đầy bao nhiêu thùng, bao nhiêu hòm bóp? Đồng đỏ au, bạc trắng xóa, xem khoái con mắt quá đi! Mình mơ ước không nổi sao mà thằng cha già dễ ghét đó lại có khơi khơi... và sao chúng làm giàu dễ vậy? Con mụ vợ lão nào có ra gì, người thì già khằn, mép mọc ria và không có nổi lấy một mụn con, cớ sao lại được quyền làm chủ cả một cái kho tàng hách tới cỡ đó? Càng nghĩ ngợi Lucia càng tức, tức nổ đom đóm mắt được!
Octavia tới bên hồi nào mụ đâu có hay? Chừng thấy nó xề xuống ngồi ghé chiếc ghế đẩu, kề vai cọ đùi Lucia Santa mới biết. Mụ đâu thích cái vụ ngồi chung chạ này nhưng nói ra sợ nó giận đành bực dọc xích ra chút. Con nhỏ xinh thì có xinh nhưng ăn mặc theo Mỹ thấy ghét quá. Mụ háy một cái ra hiệu cho bồ Louche, bên trong không khỏi khoái ngầm. Làm gì ngồi sát bên mà Octavia không hiểu ý nghĩa cái nhìn của mẹ? Kỳ cục quá... nhưng phận làm con ráng nín thinh ngồi nghe.
Nàng không chịu nổi đám đàn bà hủ lậu, lạc hậu xóm này nên ngay bề ngoài Octavia cũng cố tình ăn mặc cho khác. Nàng phải khác, không thể giống họ! Họ phô trương mọi vẻ đàn bà thì nàng khoác đại tấm áo vét xanh che cả ngực lẫn eo. Mà phải mang găng tay trắng, bắt chước bà giáo kia! Cặp chân mày đen rậm thật nhưng cứ để tự nhiên, nhổ làm gì?
Đôi môi hồng dày dặn làm bộ mím chặt, đôi mắt lập nghiêm nhìn thật thẳng, có sexy cũng che đi chứ phô trương như bọn họ sao được? Tiếng bà con lối xóm nhưng Octavia cả quyết sẽ sống khác, không thể chấp nhận được quan niệm nhục nhã rằng thân phận đàn bà không gì ngoài vụ lấy chồng đẻ con để tối ngày hầu hạ, chẳng dám mơ tưởng đến một cái gì khác.
Con gái mới lớn lên thật nhưng Octavia nguyện chối bỏ kiếp sống nô lệ đọa đầy của bọn họ. Cúi đầu lắng nghe thật ngoan song bên trong là cả một sự chống đối, toan tính thoát ly.
Thấy chung quanh toàn đàn bà con gái, nàng cởi bỏ chiếc áo vét xanh. Cứ sơ mi trắng bong, thắt thêm sợi ruy băng đỏ tươi, nàng đủ hấp dẫn chán, giản dị song nổi bật bộ ngực con gái căng phồng. Mấy ngọn tóc xanh đen thả lơ là, cặp mắt mở lớn ướt rượi xem chẳng hợp với bộ đồ "khắc khổ" chút nào. Vậy mới là khêu gợi thật sự... chứ đâu cần xe xua làm dáng như hồi còn chưa biết gì?
Mụ Lucia Santa vớ ngay tấm áo vét con vừa mới cởi ra để khoác trên tay, thật âu yếm nhưng rõ ràng có ý sử dụng quyền làm mẹ. Nó là con, của nó là của mụ mà? Bề trong mụ còn muốn Octavia ngầm hiểu mụ muốn làm lành, muốn quên phắt vụ mẹ con gây gổ hồi chập tối.
Lúc nãy Octavia ngỏ ý muốn theo học lớp tối để xin một chân cô giáo. Mụ không chịu. Ngày đi làm, tối còn lo học thì lơ là công việc làm ăn chắc! Mà tại sao cứ phải "cô giáo" mới được? "Một con thợ may nhan sắc ngon lành như mày không làm ra tiền hả?". Đang có chỗ làm ăn xuôi rót... thay đổi làm gì để... biết đâu chừng chỉ rước họa vào thân? Đời là vậy đó, thử thách chỉ có thiệt. Nó đâu đã hiểu chuyện đời?
Khi không nó buột miệng nói: "Tôi không muốn sống khổ, sống sở thế này" làm mụ nổi khùng. Lâu nay mụ vẫn bênh cô gái cưng tập tành đọc sách tối ngày, phục sức cố tình không giống "bọn đàn bà lối xóm". Nhưng vừa vừa thôi, nói phải hiểu chứ? Mụ xài tiếng Mỹ "trí thức" nhái lại "Tôi không muốn sống khổ sở..." để trề môi nhiếc một phát, dĩ nhiên bằng tiếng mẹ đẻ: "Cho mày hay, không chết đói đã là may lắm rồi đó con!".
Vì vậy, thấy mẹ chịu làm lành trước, Octavia ngồi rất hiền hòa tay đặt trên đùi. "Lạ quá không hiểu sao bà này chỉ xài trúng giọng Mỹ những lúc cần nhiếc móc con cái?". Đưa mắt thật nhanh nàng thoáng thấy bóng Guido, thằng con cột nhà cháy của lão chủ tiệm bánh. Nó đang đi tới, tay vung vẩy cái gì thế kia?
Ra nó bưng một ly giấy tổ bố đầy càrem ba màu, hấp tấp chạy tới kính cẩn dúi tận tay Octavia, miệng lắp bắp vô duyên "xem chừng dơ hết áo"!. Rồi quay lại quày quả trở về, lo trông hàng phụ với bố.
Nàng mỉm cười đỡ lấy ly càrem, nhấp nháp vài miếng cho khỏi mất lòng rồi chuyển qua bà mẹ. Mụ Lucia Santa xưa nay vẫn khoái càrem, cắm cúi ăn như con nít vậy. Bà con cứ chuyện ào ào...
Lúc bấy giờ Octavia mới thấy ông bố dượng từ đường 31 ló mặt ra đại lộ. Lại còn lui cui đẩy chiếc xe con nít! Đẩy lên rồi lại đẩy xuống làm bộ chăm chú lắm, khác hẳn bà mẹ chỉ lo nói móc họng nên nàng đâm thương hại, dường như có ý hối hận, có hồi trót xem hắn như một ác nhân, vô loại. Mà không thù ghét sao được, mắt Octavia đã thấy hắn dượt mẹ nhiều trận, đối xử với đám con riêng của vợ như kiểu hung thần. Vả lại nàng nhớ mang máng hồi đó in hình hắn theo đuổi bà mẹ có hơi sớm, cha ruột nàng từ trần đâu đã lâu la gì?
Octavia muốn chạy lại xem em bé ngủ trên xe như thế nào. Nàng thương bé Aileen thật tình, dù là em cùng mẹ khác cha... nhưng cứ nghĩ đến vụ phải chuyện trò, phải nhìn cặp mắt xanh và bộ mặt lưỡi cày khoằm khoặm của hắn là không chịu nổi. Hai người kỵ nhau rõ, ghét nhau mà vẫn ngán nhau. Mấy lần hắn đã thẳng tay đập thằng Vincenzo nhưng đâu dám đụng tới nàng?
Phải chi hắn cư xử cho ra người cha dượng thì đập cũng được đi. Đằng này hắn thiên lệch, bần tiện rõ! Hồi đó thằng Vincenzo còn chút xíu mà mua quà bánh về hắn chỉ dồn cho ba đứa con riêng, để thằng nhỏ ngồi trơ. Đến đi hớt tóc hắn cũng chẳng bao giờ chịu dắt thằng nhỏ đi cùng!
Octavia không bao giờ thân thiện nổi mà lúc nào cũng ngán con người xa lạ đó. Đúng tay ác nhân trong truyện, con người chỉ có cái vỏ bề ngoài. Xem dáng dấp thì "trí thức" lắm nhưng một chữ cũng hoàn toàn mù tịt. Thực sự hắn có biết đọc biết viết hồi nào, nông dân thuần túy mà. Vậy mà có lần tình cờ đi xe điện ngầm, chính mắt Octavia đã thấy dượng Frank cầm tờ báo trong tay và đọc chăm chú lắm. Chạy vội về nhà khoe mẹ chuyện lạ, nàng cười ầm lên. Nhưng Lucia Santa chỉ nhìn con, mỉm miệng cười thật khó hiểu và không nói một lời.
Bỗng có một mụ nào đó lên tiếng kể chuyện. Bà con chăm chú lắng nghe, kể cả Octavia. Được thể mụ càng thêm hào hứng.
Số là có một con nhỏ cũng người Ý mình (nhưng dĩ nhiên phải hiểu là sinh đẻ bên Mỹ). Nó lấy chồng đâu được một tháng, tuần trăng mật vừa tàn và hai đứa thương nhau kể gì? Biết sao không, con nhỏ nhè ngay nhà bà mẹ chồng tỉnh bơ ngồi vào lòng chồng để xoắn xít.
Một hôm hai vợ chồng đi khiêu vũ chơi. Khiêu vũ ngay trong khuôn viên nhà thờ mới là tệ cho những... cha linh mục trẻ ranh ngay tiếng mẹ đẻ cũng không thèm nói một tiếng! Thằng chồng nhảy rất bảnh, nhảy giật giải cơ mà. Có điều vừa lên lĩnh giải là cu cậu trở xuống và lăn quay ra chết! Bệnh tim nặng mà! Điều đó chỉ bà mẹ biết và một mình bà ấy tận tình săn sóc lâu nay.
... Trong khi đó biết sao không? Con vợ đang ôm thằng khác nhảy loạn. Được bà con hối thúc chạy lại xem thằng chồng vừa "nằm xuống" nó đâu dám? Nó ôm chặt như con nít sợ ma chứ chẳng phải một thiếu phụ mà chồng vừa bất hạnh. Đến nỗi chồng chết nằm sờ sờ ra đó, mà nó thì ngoảnh mặt đi "Tôi sợ lắm! Tôi không dám nhìn nó đâu".
Đúng lúc đó Louche mới "phụ đề" một câu ác ôn: "Nó lăn cổ ra chết, nó "nằm" rồi thì nhìn làm gì? Nó sống mới cần chứ".
Bà con cười ầm ầm, vang cả xóm làm mấy phe xóm bên cũng ngẩng lên nhìn. Thấy bà mẹ cũng nhe răng cười, Octavia vừa bực bội, vừa chán ngấy.
Tuy nhiên nàng vẫn phải công nhận rằng xưa nay hai người là bồ ruột. Dì Louche nói câu gì mà Lucia Santa chẳng hưởng ứng gấp? Giữa hai người là cả một tình quan thiết hai mươi năm, họ sẵn sàng bênh nhau quá mà. Huống hồ Louche còn là đại ân nhân của mẹ nàng giữa lúc cô đơn, đau khổ nhất. Giữa hai người với nhau thì có thể thân mật suồng sã... nhưng có người ngoài là họ đắn đo để "tâng" nhau lên, một điều bà hai điều bà không.
Nghe mãi chán quá, Octavia bỏ đi. Tới chiếc xe đẩy nhìn con nhỏ nhưng không buồn nhìn ông bố dượng. Nàng nhìn con nhỏ rất âu yếm, âu yếm còn hơn đối với Vincenzo nữa. Rồi nàng tạt qua đường 31 nhìn thằng Gino chơi đùa, thấy bé Salvatore ngồi xề bên lề đường bèn bồng nó về đưa cho mẹ. Không thấy thằng Vincenzo đâu. Ngước nhìn lên cửa sổ mới thấy nó vẫn lì lợm ngồi một chỗ nhìn xuống.
Trong lúc Octavia cúi xuống chiếc xe đẩy ngắm con nhỏ thì Frank Corbo vẫn đứng ngây người, giương cặp mắt xanh lơ quan sát đứa con gái riêng của vợ. Hắn kể cũng khác người, đàn ông nước Ý có thằng nào chịu đẩy xe đưa con đi chơi bao giờ? Cũng như chính cái đầu óc không ai ngờ đào không ra một chữ, hắn lơ là đưa mắt nhìn phố phường. Cũng cảm thấy nó đẹp, cũng như thừa biết con Octavia căm thù chứ. Vấn đề là chính hắn không giận ghét, căm thù ai, có lo lắng đến mấy cũng dồn nén xuống. Ngay cuộc đời hắn cũng chỉ là một giấc mơ đẹp, rõ ràng cảm nhận thấy dù chẳng hiểu gì... Một cuộc đời muốn yêu thương mà phải thành ác độc.
Bao nhiêu dịp làm giàu đã trôi qua mà với hắn cuộc đời vẫn cứ khép cửa. Frank Corbo muốn tìm giải thoát, hắn phải rời bỏ cái thành phố này, bỏ cả gia đình nữa... ngay đêm nay!
Sáng tinh mơ ngày mai, hắn sẽ thức dậy thật sớm và sẽ êm ả lên đường. Khỏi cãi cọ, đập lộn. Đón một chuyến xe xin quá giang về một miền quê nào đó để thực sự lao động, làm quần quật, một mảnh đất nào đó để lấy lại sức, tìm lại sự yên tĩnh cho tâm hồn.
Đời hắn đau khổ đã nhiều chứ? Đau khổ như một thằng mù phải ca tụng thiên nhiên, một thằng câm đau mà không kêu lên được. Được biết thế nào là yêu thương nhưng chính mình không thể ve vuốt, nựng nịu. Ở trong nhà thì nhiều hơi người mà ra đường thì lại bị thiên hạ vây hãm chặt hơn. Đến nỗi nhiều đêm hắn nằm mơ thật dữ: nào vợ, nào con cứ xúm lấy hắn mà kẻ nào cũng có gươm có dao ở trong đầu để rút ra. Hắn phải kêu thét lên vì vậy.
Giờ này khuya quá rồi, con cái lẽ ra phải đi ngủ từ lâu song nhà cửa gì đâu hầm quá. Frank Corbo thẫn thờ đứng nhìn thằng Gino chạy chơi ào ào. Nó chơi trò gì không hiểu nổi cũng như nhiều lúc nó tung ra cả tràng tiếng Mỹ quá lạ! Cả một thế giới bít bùng khó hiểu mà hắn cảm thấy mình bị tách rời ra: Nào sách, nào báo cũng mù tịt như bóng đêm đen. Dường như hắn bị cả một thế giới bao vây, dọa nạt vậy.
Nhưng đêm nay đã đẩy xe cho con đi chơi thì hãy cứ biết đẩy, đẩy tới đẩy lui... khỏi cần biết sâu trong tâm tư hắn đang có thay đổi lớn... để nhường cho một thế giới khác hình thành. Frank cũng chẳng buồn biết là bản thân hắn chịu đựng dai dẳng quá rồi, này là lúc những thành trì của cái thế giới dễ sợ đdang đổ sụp để mọc lên cả một thế giới mới kỳ lạ mà hắn là chủ, bao nhiêu thù địch đều phải run sợ chạy hết mà ngay những người thân thiết của hắn cũng biến luôn mà không hề tạo nơi hắn một cảm giác gì hết. Ở cái thế giới tương lai, hắn sẽ tha hồ vẫy vùng, hắn sẽ chìm đắm đến nghẹt thở trong khoái cảm cũng nên.
Một thế giới huyền diệu như vậy chừng đến là đến chứ tìm sao ra một điều báo hiệu? Xin chịu. Đêm nay hắn cứ biết tạm tin nơi những ngày cải tạo sắp tới, họ trở về với đất với cây... như một ngày xa xưa hắn từng là thằng bé nhà nông, sống vì mảnh đất cằn khô ở quê nhà bên Ý.
oOo
Thế giới của Gino, của tuổi thơ lại khác hẳn. Nó chan hòa ánh sáng và âm thanh nào cũng quyến rũ hết. Gino mải mê chơi đùa trong thế giới của nó đến phát đau đầu. Nó nhảy lên xe lửa chạy tà tà chơi, nào rượt nhau quanh mấy trụ đèn, nào đùa giỡn với mấy con nhóc vui cười khanh khách. Có một con đường 31 mà Gino chạy lên chạy xuống đã đời, không chơi trò chạy trốn thì rượt mấy thằng bạn cũng phát mệt. Chạy hết nổi vì vách tường chắn lối thì tốp lại giơ tay lên... hay giang rộng tay ra để đón bắt. Nếu tình cờ có chiếc taxi chắn lối mấy "địch thủ" thì cứ việc chạy vù về lề đường của mình là xong là hòa.
Đụng đầu bố đang đứng nhìn, Gino bèn dừng lại! "Bố cho con một xu mua càrem". Được bố liệng cho, nó hí hửng chạy dọc đại lộ số 10, ngang qua chỗ mẹ đang ngồi, tính vọt đi nữa thì bị dì Louche nắm cứng, hai tay như hai chiếc kìm sắt nhấc bổng nó lên.
Gino trợn mắt, láo liên nhìn thấy bà già. Có bà mọc ria mép, trời đất! Cố vùng vẫy chạy sợ hết trò chơi, nó càng bị nắm cứng hơn và Louche la lối:
"Chơi gì chơi dữ vậy? Mai đau thì sao? Không nghe tim mi nhảy sao? Ngồi nghỉ chơi với mẹ mi đi!". Vùng vẫy hết nổi vì bị ôm tức cả ngực lại còn bị chê "con trai gì mà xấu quá" thằng Gino uất ức không thèm cựa quậy nữa. Mấy mụ già còn nhìn nó cười hô hố chế nhạo làm nó mắc cỡ quá.
Thế là nó không ngần ngại Gino nhằm ngay mặt dì Louche nhổ một bãi nước bọt. Bất ngờ quá tránh không kịp mụ đành phải buông nó ra, mẹ nó tát với theo một tát tai trừng trị cũng hụt luôn. Nó chạy biết mất, nó tính chạy bọc nguyên một khu rộng để nương bóng tối tấn công phe địch thình lình. Chừng ra tới đại lộ số 9 gặp một đám con nít lạ dàn hàng ngang chận đường, Gino đành chạy đâm sầm vào, đẩy giạt chúng ra thoát vòng vây nhưng chiếc sơ mi rách teng beng mấy chỗ, mà phải chạy cho thật lẹ nữa, mặc cho gió thổi rát cả mặt.
Mấy thằng nhóc rượt theo nó tới đại lộ số 9 nhưng lúc Gino rẽ ngoặt vào bóng tối khúc đường 31 thì chẳng thằng nào dám bám theo. Nó chạy chậm lại rồi đi men từng bậc đá. Đến đây là mút cùng công viên, đứng trên nhìn xuống phía xóm nhà nó thấy rõ ràng cột đèn chụp ánh sáng vàng vọt xuống đám bạn bè nó đang giỡn chơi chạy tới chạy lui như một đàn chuột. Còn chán thì giờ chơi.
Nó núp trong bóng tối và len lén dò từng bậc mò xuống phố. Ngang một cư xá, ở một hành lang trống rỗng Gino bắt gặp một con nhỏ khoanh tay úp mặt vào tường. Suốt dãy nhà dưới đèn xanh đèn vàng mờ mờ có thấy đứa nào đâu? Đúng nó đang chơi trò đi trốn đi tìm, bạn bè trốn biệt cả. Gino mà dừng lại than dữ là tụi nó sẽ ào ào đổ ra chật nhà. Nhưng nó bỏ đi một nước, thây kệ con nhỏ muốn úp mặt vào vách đợi bao lâu thì đợi.
Ngang qua một khung cửa sổ ánh đèn lờ mờ, một khuôn mặt chợt hiện ra làm Gino hoảng hồn - một mụ già Ái Nhĩ Lan ngồi ngay người nhìn ra bất động như muốn phơi bộ mặt nhăn nheo, khô cằn trơ xương, cặp môi mỏng đỏ ửng vì ánh nến hắt ra nhìn kinh khủng quá. Cái đầu dễ sợ đó đã ngả trên chiếc gối nhồi lông thú, nhìn nó sững sờ. Ánh đèn trong nhà tù mù ẩn hiện mấy món đồ cổ, đường phố tối thui vắng ngắt tự nhiên khuôn mặt gớm ghiếc bỗng nhe răng ra cười với nó làm thằng Gino co giò chạy.
Nó chạy một mạch cho đến lúc gần về tới nhà, văng vẳng đã nghe thấy tiếng tụi bạn nô đùa mới dám nghỉ. Đến đây đã có ánh đèn thấp thoáng nhưng Gino làm gan kiếm chỗ tối nhất là lối xuống hầm nhà để núp vào đợi thằng nào đi ngang là nhảy ra chụp. Ham nghịch tinh, nó quên khuấy vụ bị mẹ tát tai hụt vừa xong. Chỉ khoái ra hù một phát.
Thằng anh cùng mẹ khác cha của nó, thằng Vincenzo Angeluzzi mới mười ba tuổi, nãy giờ vẫn ngồi cửa sổ trên tầng tư nhìn xuống. Những âm thanh dưới phố cũng rỉ rả lọt vào tai nó chứ... nhưng nó vẫn thầm ngồi một mình. Suốt dãy gác tối thui chẳng còn ai mà Vincenzo còn khóa cứng cửa vào để yên trí ngồi một mình, khỏi sợ ai phá đám.
Với nó thì kỳ nghỉ hè này chẳng còn gì. Hết nghỉ, hết chơi. Mẹ nó chẳng hiểu bắt đầu từ sáng mai nghỉ học ở nhà làm gì, phải đến tiệm bánh làm phụ kiếm thêm tí tiền cho đến mùa nhập trường đó ư? Thôi giã biệt chúng bạn chơi bời, từ ngày mai là trần mình vác bao bột tối ngày. Hết lội sông, hết đánh bóng, hết chạy nhảy vui đùa mà nhảy toa xe lửa rong chơi cũng hết luôn. Khỏi còn được tụ họp chúng bạn ăn càrem, đọc truyện chơi hay đánh đáo ăn tiền hoặc chơi trò thám tử trừ gian.
Ngồi trên tầng cao nhìn xuống nó nghe lòng nặng trịch. Cái gì nhìn cũng buồn hết. Này là khoảng trống nhà ga xe lửa rộng mênh mông, chi chít đường ray, bao nhiêu toa hàng phế thải, mấy đầu máy xe lửa phun toàn khói than hồng đỏ, kéo còi tút tút... Xa nữa là sông Hudson như giải lụa đen sì, rồi bờ biển Jersey lượn lờ.
Vincenzo ngồi lặng người, tai nghe ù ù. Từ phía đại lộ nó chợt thấy bóng người cưỡi ngựa vung cây đèn đỏ mở đường cho đoàn xe lửa chở hàng từ nhà ga Saint John. Nó lắng nghe tiếng tụi nó vui đùa mà tủi thân, vẫn còn ham vui lắm song chơi đùa như chúng thì không được nữa rồi! Đoàn xe sắp tới chui dưới cầu sắt là tụi nó reo hò chạy ùa lên bậc cầu, tranh nhau hứng làn hơi nước do đầu máy phun ra mù mịt.
Năm nay mới mười ba tuổi, Vincenzo đâu hiểu nổi là trời sinh ra nó tính nết rầu rĩ đã qua rồi. Con chị Octavia thấy thương cho quà bánh luôn, hồi còn nhỏ xíu mỗi lần đi ngủ nó còn được chị bồng vào giường kể chuyện, hát ru cho đỡ buồn nhưng làm sao cải được tính trời?
Vincenzo lắng tai nghe và chợt nhận ra tiếng mụ kia và Louche cãi cọ quang quác. Có cả tiếng mẹ nó về hùa một phe nữa. Nó thấy tởm, thương không được "con mẹ đỡ đầu" khó chịu này. Vậy mà mỗi năm cứ đến ngày sinh nhật muốn lĩnh năm đồng đô la mừng tuổi là phải hôn "mẹ" một phát. Nó kỵ lắm nhưng vẫn phải hôn cho mẹ nó hài lòng. Theo Vincenzo mẹ nó quả có đẹp, dù người có mập và quanh năm chỉ bận đồ đen. Chẳng bao giờ nó cãi lời mẹ.
Nhưng "mẹ đỡ đầu Louche" thì nó không chịu nổi. Nó thù ghét mẹ từ bao giờ cũng không nhớ nữa. Đại khái hồi nó mới chập chững chạy chơi quanh xó bếp hay bám gấu váy mẹ đã ghét mặt con mụ ưa nhìn nó trừng trừng. Hình như hai người hợp chuyện nhau lắm, toàn bô bô kể chuyện đời xưa nghèo đói thế nào... rồi cùng ngồi nhấm nháp cà phê nhìn nó châm bẩm. Đến ghét cái hàm răng gớm khiếp của mụ nhe ra, lắc đầu chặc lưỡi than: "Tội nghiệp... Tội nghiệp thật, cái thằng mồ côi cha từ ngày nằm trong bụng mẹ!".
Mẹ Louche có lối khích động vậy đó rồi lảng ngay sang chuyện khác được khiến hồi đó Vincenzo chưng hửng không hiểu vì sao mẹ nó tái mặt, rơm rớm nước mắt. Thế nào mẹ nó cũng cúi xuống ôm nó ngồi chết trân một lát...
Lúc nhìn xuống thấy Octavia đi tới xe em bé tự nhiên Vincenzo đâm hận cả chị. Chị em gì mà mấy ngày nghỉ hè bắt đi làm mà không nỡ ngỏ lời bênh giùm một tiếng?
Nhưng anh Larry kìa... Đến cầu sắt mới nhìn ra chính anh nó cưỡi con ngựa ô chứ ai? Nhìn hùng như cao bồi thật. Nó ngồi đây mà nghe rõ ràng tiếng vó ngựa khua cồm cộp mà.
Chừng đầu máy tuôn hơi nước mù mịt, khuất lấp hết cả rồi tàn than đỏ bay ngộp là Vincenzo biết đoàn xe đã rẽ vào sân ga.
Giờ này khuya rồi và nhà đã thấy đỡ hầm. Mẹ nó và mấy mụ hàng xóm đang thu dọn ghế, gọi chồng gọi con ơi ới. Cha dượng nó đang đẩy xe em bé vào. Sửa soạn đi ngủ là vừa.
Lúc bấy giờ Vincenzo mới từ khung cửa sổ tụt xuống, chạy vào mở cửa cho mọi người về. Rồi nó xắt ba khoanh bánh mì bự, đổ chút dấm và thật nhiều dầu ô liu, rắc thật nhiều tiêu và cầm lâu nhìn khoái trá. Miếng bánh ngon thật, màu nâu hồng lấm tấm những điểm xanh.
Nó sẽ mang tới cho Salvatore và Gino mỗi đứa một miếng ăn cho đỡ đói, cả ba anh em cùng ăn cho vui. Làm gì nó không nghe tiếng thằng Gino nãy giờ la hét ầm ầm dưới đường.
Nghe tiếng thằng Gino, mẹ nó đang bồng em bé đi lên ngủ cũng giật mình kia mà? Trong khi đó Larry giật cương cho ngựa rẽ mất hút.
Lúc bấy giờ ông cha dượng hoảng hốt bỏ chạy đi đâu không biết... nhưng rõ ràng giọng cười đùa của Gino hả hê, hứng thú lắm. Chắc nó vừa thình lình xông ra hù được một thằng bạn nào nên chúng hò reo ầm ầm. Nhưng bọn quỷ quái nhè la bậy bạ "Đốt hết, đốt nhà hết" trò chơi xong rồi mà chúng cứ thế la ầm lên!
Đến giờ phải về nhà ngủ, thằng Gino mới sực nhớ ra, lúc nãy vừa làm hỗn với dì Louche và về nhà gặp mặt mẹ nó là thế nào cũng ăn bạt tai. Nó chạy lên gác như bay như biến. Chạy ngang mẹ mà Lucia Santa có muốn níu nó lại cũng không kịp. Vả lại thấy nó mê chơi, hứng thú quá mụ cũng chẳng nỡ làm thằng con cưng cụt hứng.
Cho mãi đến lúc đó đám dân Ý ở đại lộ số 10 mới lên lầu hết, ai về nhà nấy. Đường phố lại trống trơn để vó ngựa Larry vang vọng cồm cộp lúc đưa ngựa về chuồng.