Đúng ra thì Tư Hường phải cúng, phải làm lễ, nhưng y lại phù phép biến hóa đẩy việc này cho Cả Quận, làm ông ta hôm đó phải mặc cái áo the nửa đen nửa trắng, đầu đội khăn, thắp nhang đứng trước. Quýnh khèo, Tư Hường và ba thợ đấu đứng đằng sau, nghi lễ cúng bái xem ra kéo dài cả tiếng.
Cặp mắt cú mèo của Cả Quận đang chăm chú đọc tờ sớ.
Đám thợ thì đang sì sụp vái.
Cô Quý đang nấu nồi cám lợn to xù…
Cô Quý đúng là “đẹp người đẹp nết”, nước da rám nắng, răng đều tăm tắp, đôi mắt lá răm đen lay láy, mái tóc gội bồ kết đen mượt mà. Dáng vẻ của cô mới thật là tuyệt đẹp, một vẻ đẹp đằm thắm của thiếu nữ chân quê miền Bắc. Chắc đám trai làng cũng dòm ngó dữ lắm nhưng vì sợ Cả Quận nên chưa dám mó máy gì – Từ khi mẹ mất, cô Quý phải nghỉ học quán xuyến hết cả việc nhà, từ sáng sớm đến tối mịt không lúc nào ngơi tay, chăm lợn, nuôi gà, đi chợ, cơm nước, quét dọn, giặt giũ…vì thế hai bàn tay nhìn thấy nổi gân rất rõ. Tuy vậy trong nhà bếp luôn gọn gàng sạch sẽ.
“sao anh không ở trên đó cúng, xuống dưới này làm gì ạ?”
Cô Quý hỏi như thế, giọng cô thật dịu dàng và trong trẻo. Cả Quận không chăm sóc con gái, nhưng y canh chừng thì lại rất kỹ. Khu vườn nhà Cả Quận rộng mênh mông, xung quanh trồng cây dâm bụt làm hàng rào, vườn chủ yếu là trồng Cam, có một vài cây Muỗm…
“nghe nói em từng học trường THSP” – “dạ, em đang học năm thứ nhất thì Mợ mất, Thầy bảo em nghỉ học lo việc nhà”.
Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời Xin cho tay em còn muốt dài Xin cho cô đơn vào tuổi này Tuổi nào lang thang thành phố….tóc mây cài…° “Sáng nay em có thấy ai tới tìm anh Quýnh không?” – “Có, hồi sáng em thấy ai đó thập thò ngoài cổng sau, sau đó họ vẫy vẫy anh Quýnh” – “lần đào trước anh nghe nói có người chết?” – “lúc đó em đang học nội trú nên em không biết ạ”.
Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời…° “Nhà ở ngay cạnh cây Gạo, em có sợ ma không?” – “Hồi nhỏ em hay ra chỗ cây Gạo chơi với anh Quýnh. Nhất là vào tháng ba, hoa Gạo nở đỏ rực cả một vùng, lúc đó trẻ con trong làng tụ tập ở đây vui lắm”.
“ở nhà mãi em có buồn không?” – “lâu rồi em cũng quen ạ”
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù Xin chân em qua từng phiến ngà Xin mây xe thêm mầu áo lụa Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ...° (°nhạc Trịnh)
*
Ấy là cái chuyện đã qua rồi, còn bây giờ thì đụng phải cái mả cổ. Nhưng tấm đá thạch anh đã bị băm nát như cám, không biết là nó có khắc những hàng chữ gì? trấn yểm hay cảnh báo điều gì? Mãnh lực thần bí trong những ngôi mộ có thể tồn tại trong suốt nhiều ngàn năm, xâm nhập vào một cách bất cẩn có thể phải trả giá rất đắt. Theo như dự đoán thì nơi đây có hai ngôi mộ cổ chôn cặp sát nhau, ngôi mộ mới đào hồi chiều nằm ở phía đông, còn ngôi mộ phía tây đã bị một nhóm khác đào rồi, nhưng nhóm này đã bị chết hết.
Băng chuyên đi đào trộm mộ này nổi tiếng dữ dằn, đứng đầu là Từ Chính Huỳnh.
Y hay đội cái nón màu đỏ nên có biệt danh là Huỳnh Đỏ, người cao cao, xương xương, mặt nhăn nhúm vằn vện, hai lưỡng quyền nhô lên che cặp mắt tinh anh như mắt sói. Trên người y xăm đủ thứ bùa chú, cánh tay trái xăm một con rít chúa cực lớn, con rít này rất đặc biệt, nửa trên màu đỏ, nửa dưới màu đen, có một trăm lẻ tám cái chân cả thảy. Huỳnh Đỏ tự nhận mình là “con rít chúa hai đầu” có trăm tay nghìn mắt để chinh phục thiên hạ. Y thuộc loại “nửa người nửa quỷ”, hình dạng thì là người nhưng tâm địa độc ác còn hơn quỷ dữ. Từng nổi tiếng ở khu vực Cây Da Xà với nghề đánh bài, xóc đĩa, nhưng bị truy bắt quá nên chuyển qua hành nghề thầy bùa, lừa đảo, săn tìm đồ cổ và đào trộm mộ. Băng Huỳnh Đỏ gồm năm tên là Huỳnh Đỏ, Ba Cang, Sơn Chùa và Tý Khờ, cùng với một ả làm cò mồi, đi dò la là Hạnh Mèo, chuyên đào trộm những ngôi mộ nhà giàu mới chôn để lấy đồ, nếu gặp hòm bằng gỗ quý giá cả trăm triệu thì lấy luôn cả cái hòm. Băng này còn lấy cả xương người chết mang bán, giả làm hài cốt lính Mỹ. Có khi bọn này còn được thuê để đào phăng đi những ngôi mộ vô chủ để lấy chỗ “đắc địa” chôn người khác. Còn nếu phát hiện được ngôi mộ cổ vài trăm năm thì coi như trúng mánh lớn…
Thường khi khâm liệm, gia đình cho vào miệng người chết một miếng vàng để làm lộ phí khi xuống âm phủ. Bỏ vào trong hòm những đồ vật thân thiết của người quá cố, nhiều khi là những đồ vật rất có giá trị về vật chất. Những đồ tùy táng đó có ẩn chứa những điềm rất nguy hiểm. Đặc biệt đồ vật lấy ra từ trong các ngôi mộ cổ như vàng ngọc, ly chén, y phục...luôn bị những ảnh hưởng thần bí của ngôi mộ. Từ trong các ngôi mộ đó, vô số những âm binh bị giam hãm từ lâu tràn ra khắp nơi, khi nó đã thoát ra ngoài thì những mãnh lực hắc ám vô hình đó không thể triệt hạ được nữa… Nếu người sở hữu bảo vật ấy lại có một tâm địa bất hảo, thì họ sẽ dần dần trở nên hung ác, tàn bạo, sau đó sẽ là điên loạn, tự tìm đến cái chết.
Bọn Huỳnh Đỏ lấy những đồ vật bất tường đó, bán đi bán lại, qua tay nhiều người, khi vào tay một số người nào đó, họ không biết rõ nguồn gốc của món đồ, đến khi bị những tai bay vạ gió, hay tự mình biến thành điên khùng mà vẫn không hiểu lý do là vì sao cả.
Trước lúc đào Huỳnh Đỏ và đàn em uống mỗi người ba chung rượu “cáo trùng”, là nghi lễ xin phép Thần Trùng, bao gồm một ly lúc khởi hành thường là khoảng nửa đêm, một ly bên mộ và một ly đổ lên ngôi mộ cho hương hồn người chết. Sau đó y lên đồng, người giật giật, cái miệng chép chép liên tục, hai mắt trợn trắng, lắp bắp phát ra những thứ tiếng Lạ, đại loại như:
“ka ta la chắc ba rắc ku si pa sớt tờ rớt ba ha ba ha ba ha...” “mê cha ti la ku pa cờ ta la chắc chắc…” “pa ta la tắc tắc tắc…ku si pa sắc…tắc tắc tắc…” Miệng nói liến láu, tay thì múa máy vẽ bùa, có điều những tiếng này chẳng theo một thứ bùa chú hay ngôn ngữ nào - Huỳnh Đỏ bốc láo với đồng bọn là do một Đại pháp sư nhập vào khiến y nói được những lời “cao siêu” đó để xua ma đuổi quỷ. Nếu cuộc đào vào ban ngày, thường là vào giờ ngọ thì Huỳnh Đỏ còn biểu diễn nhiều hơn nữa, y làm mặt lúc thì xanh, lúc thì đỏ, rú lên như quỷ sứ, đồng thời lấy một cái nhíp xe hàng bằng thép to đùng đập chan chát vào ngực, làm người yếu bóng vía sợ đến vỡ cả mật.
Vậy mà mấy lần phát hiện ra những ngôi mộ lắm tiền nhiều của thì đều bị một kẻ nào “hớt tay trên” đào trước rồi nên Huỳnh Đỏ tức lắm, quyết tâm tìm ra kẻ nào dám “vuốt râu hùm” để “xin tí huyết”. Lần đụng độ đó, Huỳnh Đỏ dẫn theo Ba Cang.
Ba Cang có cái tên cúng cơm cúng cháo là Quách Trung Cang, Y được trời phú cho cái tài đào đất cực siêu, không ai bì kịp. Dòng họ Quách hồi trước cũng thuộc loại tư sản có tên tuổi, có máu mặt nên sau giải phóng bị đi KT mới, xuống tận nông trường Cờ Đỏ, hình như thuộc Đồng Tháp hay Cần Thơ gì đó...cuốc đất trồng khoai, đào kinh, đào mương quanh năm mà vẫn ăn đói, mặc rách. Khổ quá chịu không nổi, Ba Cang mới dội về SG sống lang thang, xin vào làm mướn cho mấy chủ thầu xây dựng. Lúc đó y chuyên đào mấy trụ móng, đào nhanh bằng ba bốn người, được trả tiền rất hậu hĩ, nhưng sau lại chán cái nghề tầm thường này nên xin về làm nghề cải táng, thiêu xác ở khu Bình Hưng Hòa. Có lần trong lúc thu dọn tro tàn, xương cốt sau khi thiêu, Ba Cang thấy một vài mẩu xương còn dính thịt cháy vàng, ngửi thấy “thơm thơm mùi thịt nướng”, làm y có cảm giác thòm thèm, sau thấy một miếng gan chưa cháy hết, liền lấy bỏ vào túi mang về nhắm rượu. Riết rồi thành quen, Ba Cang còn nói “trong các món gan, gan người nướng là ngon hơn hết thảy”, chính vì thế khi say rượu ngà ngà, lâu lâu Ba Cang lại thấy “thòm thèm” thịt người…